GIẢI QUYẾT NAN ĐỀ TO LỚN NHẤT
Tối thứ Năm, tôi dẫn vợ tôi đi xem phim The Nativity Story ở ACM Theater. Vợ tôi ít khi đi xem phim ngoài rạp. Tôi cũng ít khi đến rạp, mặc dầu tôi rất thích xem phim mới của Mỹ. Tôi thường xem các phim new released thuê đem về nhà. Đây là cuốn phim Mỹ phát hành lần đầu nhân dịp Lễ Giáng Sinh năm nay. Cuốn phim The Nativity Story kể lại chuyện tích Chúa giáng sinh thật hay, diễn viên thật đẹp, cảnh phim thật sống động. Cả người Công Giáo lẫn Tin Lành đều khen ngợi phim nầy. Báo chí dùng đến chữ “hiện tượng” và chữ “đẹp” để mô tả phim. Tôi đọc thấy trên báo People, và được biết nữ diễn viên khả ái đóng vai Trinh Nữ Ma-ri tên là Keisha Castle-Hughes gốc người New Zealand. Năm 2003, cô đã đóng phim Whale Rider và được khen ngợi nhiệt liệt. Cô được để cử vào danh sách tranh giải Oscar. Khi ấy cô mới 13 tuổi.
Nhưng tiếc thay các diễn viên thường không sống theo lý tưởng giống như những vai họ đóng. Ngay sau khi đóng xong phim The Nativity Story, cô đã bất ngờ công bố với mọi người là cô đã có thai, mặc dầu cô chưa lập gia đình. Cô có một bạn trai đã liên hệ với cô ba năm qua tên là Bradley Hull. Năm nay anh Hull mới 19 tuổi, còn cô 16 tuổi.
Anh Oscar Isaac, người đóng vai Giô-sép trong phim cùng với cô nầy, sau khi nghe tin cô tiết lộ có thai, đã nhận xét, “Tôi tin người ta sẽ thông cảm cho cô ấy, thương xót cô ấy và không lên án cô ấy.” Trong thời đại ngày nay dư luận xã hội đã khoan dung rất nhiều đối với thiếu nữ trẻ có thai ngoài hôn nhân, khác với thời Chúa Cứu Thế giáng sinh, những người như vậy sẽ bị ném đá chết.
Tôi còn nhớ khi diễn viên đóng vai Chúa Giê-su trong phim The Passion năm ngoái đã nói, “Khi đã đóng vai Chúa Giê-su rồi, bạn không thể đóng vai nào khác.”
Nan Đề To Lớn Nhất
Chúng ta đang sống trong một thế giới, một mặt nhân loại càng ngày càng văn minh tiến bộ, thế giới càng trở nên gần hơn trong tình trạng “toàn cầu hóa”, nhưng mặt khác nan đề của loài người chẳng những không giảm bớt mà còn gia tăng. Thế giới loài người có mặt phải cũng có mặt trái, có mặt đẹp lẫn có mặt xấu. Thế giới thênh thang, biển rộng trời cao nhưng tình trạng “cá chậu chim lồng” vẫn đang diễn ra chưa biết bao giờ chấm dứt.
Sau chiến tranh lạnh loài người hy vọng bình an thì chiến tranh nóng lại xảy ra ở nhiều nơi. Chiến tranh ở vùng Trung Đông càng ngày càng nóng. Chiến tranh chính trị bây giờ lại mang thêm màu sắc chiến tranh tôn giáo. Nhân danh tôn giáo người ta sẵn sàng giết hại dân lành vô tội. Đây là dấu hiệu bất ổn nhất của thế giới ngày nay.
Ở nhiều nơi khác, ma quỷ lộng hành, ức hiếp, dụ dỗ, cướp giết và huỷ diệt. Báo chí và sách vở của một số người đang trực tiếp tấn công các tôn giáo và truyền thống xã hội. Mặc cảm tội lỗi được một số người tìm cách che đậy và biện minh qua phim ảnh. Niềm tin nơi Đấng Sáng Tạo bị chế giễu. Đạo đức, luân lý, sức sống tâm linh bị chèn ép khó phát triển. Hình tượng con người được tôn thờ thay chỗ của Thiên Chúa. Tình yêu thương giữa vòng nhân loại đang nguội dần. Sự ghen ghét như lửa cháy rừng. Tệ nạn xã hội lây lan. Xã hội văn minh hơn thì tội lỗi cũng văn minh hơn, độc ác tinh vi hơn, gây đau đớn sâu xa hơn. Việc làm lành thì ít, việc làm dữ thì nhiều. Vị tha thì ít, vị kỷ thì nhiều. Sự kiêu ngạo gia tăng khi sự thành đạt gia tăng. Người nghèo khổ than Trời. Người giàu có coi Trời bằng vung.
Cuộc chiến chống buôn bán ma túy và tội ác không giảm. Con em chúng ta bị cám dỗ, bị tấn công ở học đường. Môi trường xã hội, âm nhạc thác loạn chỉ nhằm thoả mãn nhục vọng điên rồ. Nạn phá thai gia tăng. Tỉ lệ li dị và gia đình đổ vỡ cũng tăng nhanh. Ở trường học thầy giáo sợ học trò. Kỹ luật học đường lỏng lẽo. Ở một số nước dân chúng lo sợ công an, phải hối lộ để an thân. Nhà tù xây dựng nhiều hơn. Công nhân đi làm nước ngoài bị bóc lột đủ kiểu từ trong nước ra tới nước ngoài. Mọi người và mọi gia đình đều bị ảnh hưởng.
Thiên nhiên cũng thay đổi. Rừng bị tàn phá. Sa mạc lấn dần. Nước ngọt đang thiếu. Môi trường sống của con người bị ô nhiễm, thiên tai, hạn hán, lụt lội, động đất, nóng bức gia tăng. Giá dầu tăng không ngừng đã ảnh hưởng đến nền kinh tế và môi trường sống của tất cả mọi nước trên thế giới.
Tiện nghi khoa học kỹ thuật cũng đang thay đổi nếp sống mọi người. Thời đại điện thoại cầm tay và Internet với những kỹ thuật thông tin nhanh chóng, tiện lợi đó nhưng cũng chiếm hết thì giờ hằng ngày, gây căng thẳng tâm trí cho mọi người. Con người sống và làm việc chạy theo đồng hồ, vội vã, hối hả, không ngừng.
Thế giới văn minh vội vã, hối hả ngày nay đã lấn át cảnh thanh bình, thư thả của làng quê rỗi rãi ngày xưa. Con người bận rộn hơn, bận rộn hơn ngay với cả những thời giờ rảnh rỗi dành để thư giãn tâm trí. Thiền, yoga… đang thu hút nhiều người tập luyện. Thân xác con người cần nghỉ ngơi, hằng ngày, hằng tuần đã bị quấy rầy nhiều. Không ai đủ thì giờ nghỉ ngơi. Nhiều người đi làm thêm, không có thì giờ đi nhà thờ, không có thì giờ cho gia đình, con cái.
Y khoa ngày nay cũng tiến bộ hơn nhưng không vì đó mà bệnh tật thuyên giảm. Bệnh ung thư, bệnh huyết áp, bệnh tim mạch gia tăng. Dịch gia cầm và gia súc “long mồm lở móng” làm điêu đứng các nhà nông, nhà buôn. Nạn béo phì đang làm khổ và rút ngắn tuổi thọ nhiều người. Danh sách nan đề của con người kể ra không hết…
Tại sao con người càng ngày càng văn minh tiến bộ nhưng đã không thể giải quyết nan đề của mình? Gốc rễ của mọi nan đề của loài người nằm ở đâu? Nan đề căn bản của loài người là gì?
Có người nói chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời trong khoa học kỹ thuật, trong giáo dục, trong các triết lý tôn giáo. Đây là những cố gắng tốt của loài người để cải thiện đời sống nhiều người. Nhưng nếu nan đề do con người tạo ra thì chúng ta không thể tìm ra câu trả lời từ nơi con người. Lịch sử con người chứng minh điều đó. Đạo đức và tánh hạnh con người không khá hơn. Người đang ở tù không thể tự mình thoát ra khỏi tù. Người đang bị bệnh nan y không thể tự chữa lành bệnh cho mình. Người đang chết không thể tự mình làm cho sống. Câu trả lời cho cho mọi nan đề của loài người không thể dựa vào khả năng của loài người.
CÂU TRẢ LỜI TÌM THẤY TRONG KINH THÁNH
Giống như chiếc xe hư chúng ta hỏi cách sửa chữa nơi người chế tạo xe hơi. Giống như chiếc máy computer hư chúng ta hỏi người chế tạo máy computer. Máy móc nào cũng có bản chỉ dẫn cách sử dụng máy. Sử dụng đúng thì máy tốt, sử dụng sai thì máy hư. Giống như định bệnh đúng thì chữa bệnh lành, định bệnh sai thì bệnh nặng thêm. Biết được nguyên nhân chúng ta mới tìm được giải pháp.
Đứng trước nan đề của loài người chúng ta cần nhìn lên để tìm hỏi Đấng Tạo Hóa loài người. Chúng ta tin cậy Ngài vì Ngài là Đấng duy nhất biết rõ nguyên nhân và có giải pháp tốt nhất để giải quyết nan đề trong thế giới của loài người.
Kinh Thánh là lời sống duy nhất của Đấng Tạo Hóa dành để chỉ dẫn loài người. Qua Kinh Thánh chúng ta biết rõ nguyên nhân đưa đến mọi nan đề của loài người. Không đọc Kinh Thánh và không làm theo Kinh Thánh chẳng khác nào người dùng máy mà không theo bản chỉ dẫn cách sử dụng máy của nhà chế tạo.
Kinh Thánh cho biết ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên vũ trụ, trời đất, loài người và loài vật… “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng thế 1:1). Đức Chúa Trời thấy mọi sự do Ngài sáng tạo đều tốt lành và Ngài chúc phước cho loài người sanh sôi nảy nở thêm nhiều trên hành tinh tươi đẹp. Nếu mọi sự diễn ra và tiếp tục như thế giới ban đầu thì nhân loại chúng ta vẫn sẽ tiếp tục sống lâu, sống khoẻ, sống hạnh phúc như trên vườn địa đàng, và không có nan đề. Tại sao nan đề nẩy sinh và kéo dài mãi cho đến ngày nay?
Kinh Thánh cho biết tổ phụ của loài người đã không vâng theo chỉ dẫn của Đức Chúa Trời, nhưng đã nghe theo sự cám dỗ của Ma quỷ và tư dục riêng, xây lưng với Đức Chúa Trời, cắt đứt mối liên hệ đằm thắm với Chúa, hậu quả là họ hổ thẹn và trốn tránh Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời đã không bỏ rơi loài người, Ngài đích thân tìm kiếm loài người và kêu gọi: A-đam, con ở đâu? Tiếng gọi đó đã vang vọng trải qua các thế hệ và vẫn còn vang vọng mãi đến ngày hôm nay. Nhưng ngày nay nhiều người vẫn xây lưng chạy trốn, bịt tai không muốn nghe tiếng yêu thương Chúa gọi để quay về. Càng đi xa con người càng quên mất có một Đức Chúa Trời đang chờ đợi. Giống như đứa con bỏ nhà đi hoang, tiêu sạch gia tài và lâm cảnh túng thiếu, cô đơn cùng túng, và quên mất cha mình đang ngày đêm trông đợi. Có đứa ăn năn quay về nhưng cũng có đứa cứng lòng buông xuôi phó mặc đời mình. Có đứa tỉnh ngộ quay về nhưng cũng có đứa nhắm mắt, bịt tai, không chịu quay về nhà, không cần biết đến ngày mai.
NAN ĐỀ TỪ TRONG LÒNG NGƯỜI MÀ RA
Kinh Thánh cho thấy thế giới đổi thay nhưng có một điều không thay đổi. Đó là lòng người không thay đổi. Bề ngoài xã hội con người có thay đổi nhưng bề trong lòng người vẫn y nguyên. Từ trong lòng người nảy sinh ra đủ thứ nan đề.
“Hễ sự gì từ trong lòng người ra, đó là sự làm dơ dáy người. Vì thật là tự bên trong, từ lòng người mà ra những ác tưởng, sự dâm dục, trộm cướp, giết người, tà dâm, tham lam, hung ác, gian dối, hoang đàng, con mắt ganh đố, lộng ngôn, kiêu ngạo, điên cuồng. Hết thảy những điều xấu xa ấy ra từ trong lòng thì làm cho dơ dáy người” (Mác 7:20-23).
Câu nói của Chúa Cứu Thế Giê-su vẫn còn nguyên giá trị thời gian mặc dù Ngài đã tuyên bố câu nầy hơn 2,000 năm trước. Lòng người thời đó và lòng người thời nay vẫn giống nhau, không khác.
Lời Chúa nhận định nan đề của con người vốn từ bên trong lòng người mà ra. Từ bản chất nảy sinh hiện tượng. Từ gốc mọc ra ngọn. Từ con người diễn ra trong xã hội.
Người Việt có câu:
Dò sông dò biển dễ dò
Nào ai lấy thước mà đo lòng người?
Kinh Thánh cũng có câu:
Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được? (Giê-rê-mi 17:9).
Kinh Thánh gọi nan đề của loài người là tội lỗi, là sự chia cắt, là sự đứt đoạn, là mất liên lạc. Giống như nụ hoa đã bị lìa cành, bề ngoài xanh tươi đó nhưng bên trong đang úa tàn. Giống như bóng đèn bị cắt đứt nguồn điện, bóng đèn còn đó nhưng không chiếu sáng. Loài người đã đánh mất liên lạc với Đức Chúa Trời. Đó là lý do chính, căn bản, sản sinh ra những nan đề của nhân loại xưa nay. Nếu nan đề đến từ bên trong thì giải pháp cũng phải giải quyết từ trong mà ra. Giống như chữa bệnh ung thư phải chữa tận gốc, không phải xoa bóp bên ngoài.
Vì tội lỗi của loài người mà quả đất đã bị ảnh hưởng. “Đất sẽ bị rủa sả vì ngươi, trọn đời người phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. Đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê và người sẽ ăn rau của đồng ruộng; người sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra, vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng thế 3:17-19). Đó là lý do chúng ta thấy những thiên tai như bão lụt, hạn hán, động đất, núi lửa, sóng thần xảy ra khắp nơi.
CÓ THAY ĐỔI TẤM LÒNG THÌ ĐỜI SỐNG MỚI CÓ ĐỔI THAY
Các tôn giáo do loài người lập lên đã có những cố gắng để giải quyết nan đề của loài người bằng cách hướng dẫn loài người con đường tu sửa, tự kỷ luật bản thân, hướng dẫn phương pháp tập luyện thân thể, tập suy nghĩ đúng để hy vọng có hành động đúng. Nhiều người Á Đông đã chọn con đường nầy và đã ra sức tu luyện để mong giải quyết nan đề của bản thân. Nhưng không một ai hài lòng với kinh nghiệm và thành quả tu luyện của mình. Không ai bảo đảm mình sẽ được cứu rỗi nhờ nỗ lực của bản thân. Kinh Thánh đã nhận định rất đúng về những cố gắng tu luyện của các tôn giáo loài người như sau:
“Dầu bề ngoài có vẻ khôn ngoan, là bởi thờ lạy theo ý riêng, cách khiêm nhường và khắc khổ thân thể mình; nhưng không ích gì để chống cự lòng dục của xác thịt” (Cô-lô-se 2:23).
Những cố gắng tu luyện của con người rõ ràng là tốt, giảm bớt một số tội lỗi, nhưng vẫn không giải quyết được gốc rễ của nan đề vì không có khả năng thay đổi được bản tính cố hữu của con người. Hãy hỏi những người tu hành rằng có phải nhờ tu luyện mà lòng họ được thái an, tội lỗi được tha thứ, hy vọng được cứu rỗi hay không, tôi chắc qúy vị và các bạn sẽ được đáp lại bằng sự lắc đầu. Tôn giáo dù tốt nhưng chỉ đụng đến ngọn mà không đụng đến được gốc rễ. Loài người tiếp tục bất an, cô đơn, chán nản, buồn phiền, không có hy vọng ở tương lai. Nan đề của loài người vẫn còn đó. Con người cần được sự đổi mới hoàn toàn từ trong ra ngoài.
Nhu Cầu Lớn Nhất
Mục sư Billy Graham, nhà truyền giáo lỗi lạc của thế kỷ 20 đã nhận xét như sau đây về nan đề và nhu cầu của nhân loại: “Chúng ta đang đau khổ vì một chứng bịnh duy nhất trên thế giới. Vấn đề căn bản của chúng ta không phải là vấn đề chủng tộc. Vấn đề căn bản của chúng ta không phải là nghèo đói. Vấn đề căn bản của chúng ta không phải là chiến tranh. Vấn đề căn bản của chúng ta là vấn đề tấm lòng. Chúng ta cần có tấm lòng được thay đổi, tấm lòng được tái tạo.” Tội lỗi là nan đề của mọi người. Muốn biết nhu cầu lớn nhất của loài người, chúng ta cần biết nan đề căn bản nhất của loài người, đó là vấn đề tội lỗi. Không ai thích nhắc đến tội lỗi nhưng đây là nan đề thực sự của loài người. Tội lỗi là làm bất cứ điều gì vi phạm luật đạo đức của Đức Chúa Trời đã định trong vũ trụ. Bất cứ khi nào chúng ta làm điều Đức Chúa Trời truyền dạy chúng ta không được làm và bất cứ khi nào chúng ta không chịu làm những mạng lịnh Chúa truyền chúng ta làm là chúng ta phạm tội. Và mỗi lần chúng ta phạm tội là chúng ta mắc tội trước mặt Đức Chúa Trời và chúng ta đáng bị Chúa hình phạt. Cơ-đốc Giáo tin rằng tất cả những vấn đề của thế giới đều phát xuất từ trong lòng người mà ra. Đó là sự phản loạn trong tâm hồn của mọi người. Con người kiêu ngạo không chịu vâng lời Chúa. Đọc Mác 7:20-23 ta thấy Chúa Giê-xu giải nghĩa rõ: “Hễ sự gì từ người ra, đó là sự làm dơ dáy người. Vì thật là tự trong lòng người mà ra những ác tưởng, sự dâm dục, trộm cướp, giết người, tà dâm, tham lam, hung ác, gian dối, hoang đàng, con mắt ganh đố, lộng ngôn, kiêu ngạo, điên cuồng. Hết thảy những điều xấu ấy ra từ trong lòng thì làm cho dơ dáy người.” Tội lỗi là nan đề của bạn và tôi. Chúng ta ai nấy đều có những hối tiếc và mặc cảm về tội lỗi vương vấn lòng chúng ta. Chúng ta đã từng làm điều xấu mình không muốn và đã không làm được điều tốt mình muốn. Từ nhỏ đến lớn chúng ta đã phạm bao nhiêu tội lỗi. Có tội người khác biết, có tội không ai biết. Có tội chúng ta giấu người ngoài không biết nhưng lương tâm chúng ta biết và chắc chắn Chúa biết. Tội lỗi cướp đi hạnh phúc của chúng ta. Nó làm chúng ta mệt mỏi. Nó làm chúng ta đau ốm. Mặc cảm tội lỗi giày vò chúng ta đủ cách và chúng ta không biết cách nào để thoát ra được.
Nhà Thần Học Thomas Aquinas đã liệt kê ra bảy tội mà ông cho là đáng chết. 1. Ghen tị (Envy); 2. Tham lam (Greed); 3. Dâm dục (Lust); 4. Ham ăn mê uống (Glutton); 5. Biếng nhác (Sloth); 6. Kiêu ngạo (Pride); 7. Giận dữ (Anger). Chưa kể đến 10 điều răn của Chúa, chỉ cần theo danh sách 7 tội nầy nầy thì cũng đủ thấy không ai là thoát tội. Nan đề của nhân loại là tội lỗi. Chúng ta làm nô lệ cho tội lỗi. Chúa Giê-su phán, “Quả thật ta nói cùng các ngươi. Ai phạm tội là nô lệ cho tội lỗi” (Giăng 8:34). Không ai tự mình giải thoát mình ra khỏi ách tội lỗi. Tội lỗi giống như lưới bủa, càng vùng vẫy càng bị quấn chặt. Mỗi người có chút công tâm suy nghĩ đều nhận thấy mình có nan đề giống như bao nhiêu người khác. Tiên tri Ê-sai đã nhận xét, “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy” (Ê-sai 53: 6). Khổng Giáo thú nhận rất đúng, “Hoạch tội ư Thiên, vô sở đảo giả” nghĩa là phạm tội với Trời thì không thể cầu đảo ở đâu khác được. Các tôn giáo khác dạy rằng nếu chúng ta cố gắng tu sửa, chúng ta may ra sẽ được giải thoát. Nhưng Cơ-đốc Giáo lại nhấn mạnh đến tình trạng tội lỗi của tất cả mọi người. Tâm trí, tấm lòng, ý chí và tình cảm của chúng ta, tất cả đều phản nghịch lại với Đức Chúa Trời. Vấn đề thực sự của loài người là không ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói rằng, “Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23). Mục tiêu của Đức Chúa Trời ở đàng xa, ai cũng thấy nhưng không ai bắn được tới đích. Chính sự thiếu hụt về phương diện đạo đức của loài người mà sự đau khổ tràn lan khắp thế gian. Chính tội lỗi đã làm phân cách con người với con người. Chính tội lỗi đã đào sâu một vực thẳm ngăn cách con người với Đức Chúa Trời.
Sự thật đáng buồn là nhiều người không biết nan đề của mình và không thấy nhu cầu của mình. Kinh Thánh chép, “Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bản tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đây những sự tối tăm. Tại họ không lo nhìn biết Đức Chúa Trời, nên Đức Chúa Trời đã phó họ theo lòng hư xấu, đặng phạm những sự chẳng xứng đáng” (Rô-ma 1:19-21, 28). Tội lỗi dẫn đến sự phán xét. Giống như một định luật, có tội thì bị phạt. Gieo chi thì gặt nấy. Gieo gió thì gặt bão.
Hậu quả của tội lỗi là sự chết. Chết là chia lìa. Chúng ta bị chia lìa với Chúa và với người khác. Kinh Thánh khẳng định, “Tiền công của tội lỗi là sự chết.” Kinh Thánh nói rõ: Hết thảy mọi người chưa ăn năn tội để được Chúa tha tội đều đang chết mất trong tội lỗi của mình. Điều mọi người đang cần không phải là cải thiện cho con người khá hơn nhưng là sống lại một đời sống mới. Mọi người cần được Đức Chúa Trời tái tạo từ người chết trở thành người sống. Người chết tâm linh cần được sống tâm linh. Chỉ có Đức Chúa Trời mới làm cho một người chết sống lại, các tôn giáo của loài người đều bất năng.
Hậu quả của tội lỗi còn là sự hình phạt đời đời. Kinh Thánh nói về cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Chính vì tội lỗi mà “cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật” (Rô-ma 1:18). Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời đã bắt đầu thể hiện khắp nơi. Tội lỗi luôn luôn có hậu quả của nó. Chúng ta thấy hậu quả tội lỗi trong những cuộc đời thất bại, những tấm lòng bất an, những mối quan hệ đổ vỡ, trong những xã hội mạnh được yếu thua, trong những nhà tù. Không vâng lời Đức Chúa Trời là tự hủy diệt bản thân. Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục giữ vững nguyên tắc “Gieo chi gặt nấy.” Nhưng cơn thạnh nộ của Chúa chỉ mới bắt đầu và một ngày kia Ngài sẽ thi hành công lý cách đầy đủ. Có một nơi phân cách đời đời khỏi Đức Chúa Trời mà Kinh Thánh gọi là Hỏa ngục. Bất cứ ai không tin nhận Chúa Giê-su Christ đều bị ném vào Hoả ngục. Kinh Thánh mô tả cơn thạnh nộ sắp đến của Đức Chúa Trời một cách rõ ràng và áp dụng cho mỗi cá nhân như sau:“Bởi lòng ngươi cứng cỏi, không ăn năn, ngươi tích trữ cho mình thịnh nộ vào ngày thịnh nộ, là ngày sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ. Ngài là Đấng báo ứng từng người tùy theo việc họ làm. Một mặt Ngài ban sự sống vĩnh phúc cho những ai kiên tâm làm lành, tìm kiếm vinh quang, danh dự và sự bất diệt. Mặt khác Ngài dành sự giận và cơn thịnh nộ cho những kẻ kiếm tư lợi, không vâng theo chân lý nhưng vâng theo sự bất chính. Ngài giáng hoạn nạn và khốn khó trên mọi kẻ làm ác” (Rô-ma 2:5-9).
- Nhu cầu lớn nhất của bạn và tôi là cần được Chúa tha tội. Người có tội không thể tự tha tội cho mình. Giống như người tù không thể tự tha tù cho mình. Chúng ta cần được tha tội. Trong dịp Lễ Giáng Sinh, một Mục sư đã nhận được một tấm thiệp mừng Giáng Sinh, trong đó có một câu viết sau đây:
“Nếu nhu cầu lớn nhất của chúng ta là Thông tin, Đức Chúa Trời sẽ sai đến cho chúng ta một nhà Giáo dục. Nếu nhu cầu lớn nhất của chúng ta trên đất là Kỹ thuật, Đức Chúa Trời sẽ sai đến cho chúng ta một nhà Khoa học. Nếu nhu cầu lớn nhất của chúng ta là Tiền bạc, Đức Chúa Trời sẽ sai đến cho chúng ta một nhà Quản lý. Nếu nhu cầu lớn nhất của chúng ta là Giải trí, Đức Chúa Trời sẽ sai đến cho chúng ta một nhà Nghệ sĩ. Nhưng nhu cầu lớn nhất của chúng ta là sự tha tội, vì thế Đức Chúa Trời đã sai đến cho chúng ta một Đấng Cưú Thế.”
Có một lối thoát duy nhất khỏi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Có một giải pháp tuyệt hảo cho vấn đề tội lỗi. Đây là sáng kiến phát xuất từ Đức Chúa Trời: Con Một của Đức Chúa Trời đã đến thế gian để chịu chết thế đền tội cho nhân loại. Đức Chúa Trời là Đấng công bình. Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết, Ngài không thể bỏ qua tội lỗi. Điều chúng ta phải làm để đền tội cho mình thì Đức Chúa Giê-xu đã quyết định làm thay. Ngài thực hiện sự đền tội cho chúng ta trên thập tự giá. Đức Chúa Trời tha tội cho chúng ta căn cứ trên sự đền tội của Chúa Cứu Thế Giê-su trên thập tự giá. Giá trả của Chúa Giê-su có khả năng đền thế tất cả mọi thứ tội lỗi của cả nhân loại từ trước tới nay. Loài người chỉ được tha tội nhờ Chúa Giê-su. Mọi cố gắng để tự đền tội đều không đáng kể trước mặt Đức Chúa Trời. Ánh sáng đèn cầy không đáng kể so với ánh sáng mặt trời.
Đây là giáo lý độc đáo chỉ có trong Cơ-đốc Giáo. Không có một tôn giáo nào khác dạy rằng Đức Chúa Trời duy nhất và chân thật đã yêu thương loài người quá đến nỗi đã chết thay cho toàn thể loài người. Đây là vẻ đẹp và sự vinh hiển của Cơ-đốc Giáo. Vì Đức Chúa Trời thánh khiết, tội lỗi phải bị phạt. Vì Đức Chúa Trời yêu thương, Ngài sẵn sàng chấp nhận giải pháp Con Một Ngài chịu hình phạt thế chúng ta. Tiên tri Ê-sai đã nói, “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy.”
Nhưng ông cũng nói thêm, “Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên Ngài” (Ê-sai 53:6). Tội lỗi của bất cứ ai tin tưởng Chúa Giê-xu đã chịu chết đền tội cho mình đều được trả hết, xoá hết. Đức Chúa Trời tuyên bố chúng ta là trắng án nhờ án phạt Chúa Giê-su đã gánh thay cho chúng ta.
2. Chúa hứa tha tội khi chúng ta nhận tội và xưng tội với Ngài.
Có một người đàn bà bị bắt quả tang đang phạm tội và theo luật thời bấy giờ người đàn bà ấy phải bị xử tử bằng cách ném đá cho đến chết. Chúa Giê-su đã chỉ ra cho mọi người thấy ai cũng phạm tội và ai cũng cần tha tội. Ngài đã cho người đàn bà nầy một cơ hội, “Ta cũng không định tội người, hãy đi đừng phạm tội nữa.”
Kinh Thánh có rất nhiều lời hứa về sự tha tội. Chúng ta ai nấy đều có hy vọng và yên tâm được Chúa tha tội. Sứ đồ Giăng đã viết, “Nếu chúng ta nói mình không có tội thì chúng ta tự lừa dối mình và chân lý không ở trong chúng ta. Nhưng nếu chúng ta xưng tội lỗi mình thì Ngài là Đấng thành tín và công chính sẽ tha thứ tội lỗi chúng ta và thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1 Giăng 1:8-9).
Lời cầu nguyện chân thành và đơn sơ nhất đã được Đức Chúa Trời nhậm được chép trong Kinh Thánh là lời cầu nguyện của người thâu thuế đến xưng tội trong đền thờ. Sách Phúc Âm Lu-ca 18:9-14 ghi chép, Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mặt lên trời đấm ngực mà nói rằng, “Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót tôi, vì tôi là người có tội.” Chúa Giê-su tuyên bố người thâu thuế nầy đã trở về nhà vui thoả an bình vì được Đức Chúa Trời tha thứ hoàn toàn.
Bạn có sẵn sàng hạ mình để cầu nguyện xin Chúa thương xót tha tội cho bạn ngay hôm nay không?
“Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót con, vì con là người có tội. A-men!”
Mẹ yêu con lắm!
(Một câu chuyện cảm động của một người nhận được qua e-mail của một người bạn ở Malaysia, mong được chia sẻ với mọi người)
Suốt thời thơ ấu và cả khi lớn lên, lúc nào tôi cũng ghét mẹ tôi. Lý do chính có lẽ vì bà chỉ có một con mắt. Bà là đầu đề để bạn bè trong lớp chế giễu, châm chọc tôi.
Mẹ tôi làm nghề nấu ăn để nuôi tôi ăn học. Một lần bà đến trường để kiếm tôi làm tôi phát ngượng. Sao bà lại có thể làm như thế với tôi? Tôi lơ bà đi, ném cho bà một cái nhìn đầy căm ghét rồi chạy biến. Ngày hôm sau, một trong những đứa bạn học trong lớp la lên: “Ê, tao thấy rồi. Mẹ mày chỉ có một mắt!”
Tôi xấu hổ chỉ muốn chôn mình xuống đất. Tôi chỉ muốn bà biến mất khỏi cuộc đời tôi. Ngày hôm đó đi học về tôi nói thẳng với bà: “Mẹ chỉ muốn biến con thành trò cười!”
Mẹ tôi không nói gì. Còn tôi, tôi chẳng để ý gì đến những lời nói đó, vì lúc ấy lòng tôi tràn đầy giận dữ. Tôi chẳng lý gì đến cảm xúc của mẹ. Tôi chỉ muốn thoát ra khỏi nhà, không còn liên hệ gì với mẹ tôi. Vì thế tôi cố gắng học hành thật chăm chỉ, và sau cùng, tôi có được một học bổng để đi học ở Singapore.
Sau đó, tôi lập gia đình, mua nhà và có mấy đứa con. Vợ tôi là con nhà gia thế, tôi giấu nàng về bà mẹ của mình, chỉ nói mình mồ côi từ nhỏ. Tôi hài lòng với cuộc sống, với vợ con và những tiện nghi vật chất tôi có được ở Singapore. Tôi mua cho mẹ một căn nhà nhỏ, thỉnh thoảng lén vợ gởi một ít tiền về biếu bà, tự nhủ thế là đầy đủ bổn phận. Tôi buộc mẹ không được liên hệ gì với tôi.
Một ngày kia, mẹ bất chợt đến thăm. Nhiều năm rồi bà không gặp tôi, thậm chí bà cũng chưa bao giờ nhìn thấy các cháu. Khi thấy một bà già trông có vẻ lam lũ đứng trước cửa, mấy đứa con tôi có đứa cười nhạo, có đứa hoảng sợ. Tôi vừa giận vừa lo vợ tôi biết chuyên, hét lên: “Sao bà dám đến đây làm con tôi sợ thế? Đi khỏi đây ngay!”. Mẹ tôi chỉ nhỏ nhẹ trả lời “Ồ, xin lỗi, tôi nhầm địa chỉ!” và lặng lẽ quay đi. Tôi không thèm liên lạc với bà trong suốt một thời gian dài. Hồi nhỏ, mẹ đã làm con bị chúng bạn trêu chọc nhục nhã, bây giờ mẹ còn định phá hỏng cuộc sống đang có của con hay sao?
Một hôm, nhận được một lá thư mời họp mặt của trường cũ gởi đến tận nhà, tôi nói dối vợ là phải đi công tác. Sau buổi họp mặt, tôi ghé qua căn nhà của mẹ, vì tò mò hơn là muốn thăm mẹ. Mấy người hàng xóm nói rằng mẹ tôi đã mất vài ngày trước đó và do không có thân nhân, sở an sinh xã hội đã lo mai táng chu đáo.
Tôi không nhỏ được lấy một giọt nước mắt. Họ trao lại cho tôi một lá thư mẹ để lại cho tôi:
“Con yêu quý,
Lúc nào mẹ cũng nghĩ đến con. Mẹ xin lỗi về việc đã dám qua Singapore bất ngờ và làm cho các cháu phải sợ hãi. Mẹ rất vui khi nghe nói con sắp về trường tham dự buổi họp mặt, nhưng mẹ sợ mẹ không bước nổi ra khỏi giường để đến đó nhìn con. Mẹ ân hận vì đã làm con xấu hổ với bạn bè trong suốt thời gian con đi học ở đây.
Con biết không, hồi con còn nhỏ xíu, con bị tai nạn và hỏng mất một bên mắt. Mẹ không thể ngồi yên nhìn con lớn lên mà chỉ có một mắt, nên mẹ đã cho con con mắt của mẹ. Mẹ đã bán tất cả những gì mẹ có để bác sĩ có thể thay mắt cho con, nhưng chưa bao giờ mẹ hối hận về việc đó. Mẹ rất hãnh diện vì con đã nên người, và mẹ kiêu hãnh vì những gì mẹ đã làm được cho con. Con đã nhìn thấy cả một thế giới mới, bằng con mắt của mẹ, thay cho mẹ..
Mẹ yêu con lắm,
Mẹ”….
Mục Sư Nguyễn Văn Huệ