Không khí Tết đã tràn về trên mọi nẻo đường mà tôi đi qua, trong hẻm nhỏ người ta đã bắt đầu lặt lá mai dù thời tiết lạnh cóng, không biết có nụ mai nào dám nở trước tiết trời khắc nghiệt như bây giờ? Ngoài đường lớn thì ngập tràn đồ chưng để bán, phục vụ cho mùa Tết – mùa tiêu xài xả láng nhất trong năm của người Việt Nam.
Tôi tự nói với lòng là dừng lại, năm nay viết bao nhiêu đó là đủ đau đầu người đọc lắm rồi nhưng lòng tôi không muốn thế, nó thôi thúc, giục giã, khó chịu về những điều chất chứa, cố gắng lơ đi, cố vùi đầu vào các công việc khác để quên đi nỗi khát khao được viết nhưng không ổn. Tính tôi lạ lắm, hễ điều gì cảm động mới viết còn không thì có đặt hàng đi nữa cũng bó tay, chẳng thể nặn đâu ra ý tưởng nhưng khi được Chúa thôi thúc thì lạ lắm, dù cố gắng lơ đi thì những dòng chữ nó cứ hiện ra và chạy đầy trong đầu. Lại viết.
Phải đi ngược thời gian một chút về khoảng năm 1991-1992 khi cả gia đình tôi mới tin Chúa bởi sự dẫn dắt của một người mà trong lòng tôi luôn ví ông như Phao Lô thời @ và tôi ước ao mình được như một Ti-mô-thê, được dạy dỗ bởi con người như thế. Tạm gác lại điều đó, trở về với nhân vật chính của bài viết hôm nay.
Tôi còn nhớ ngày đó nhà thờ nhỏ, có khoảng vài trăm người đi nhóm vào sáng Chúa nhật, vì nhà thờ nhỏ nên tình thân cũng ấm áp, ai cũng biết mặt nhau và thăm hỏi nhau sau giờ nhóm không như bây giờ, nhà thờ ở đâu cũng to, đẹp, bề thế nhưng có lẽ tình yêu thương giữa vòng tín hữu như buổi ban đầu đã không còn nữa!
Không biết trên thế giới có nước nào đặc biệt như Việt Nam chúng tôi về khoảng “tìm người sống trong vòng kẻ chết”. Tôi nói theo nghĩa đen vì lúc đó gia đình chúng tôi sống trong khu nghĩa địa “mộ một bên và ta một bên” có nghĩa là chúng tôi sống giữa những khoảng trống của các ngôi mộ. Ngày nay có chỗ người ta san bằng những cái mộ và cất nhà ngay trên đó luôn, người sống đè người chết, dân đông mà đất ít, phải chịu thôi.
Cứ vài ngày thì có những người trong nhà thờ xuống thăm chúng tôi, có ông Phao Lô chở gạo, mắm, đường… Có ông bác mập, lùn đi lúc lắc với gương mặt lúc nào cũng cười vui vẻ, bác ấy nhìn thấy anh em tôi và mẹ ngồi đục từng con ốc để xỏ mành treo. Bác hỏi, “chứ đục ốc như vậy bao nhiêu tiền một lon?” Mẹ nói rằng: “Dạ 150 đồng!”
Bác ấy ồ lên rồi móc tiền dúi vào tay chúng tôi mấy ngàn đồng, đứa con nít như tôi nhớ và cứ mong bác xuống thăm… Lúc đó trong tâm trí tôi nghĩ bác ấy chắc là rất giàu có mới phóng khoáng như vậy. Nhưng khi quen biết lâu ngày, bác nhận ba mẹ tôi làm em kết nghĩa thì chúng tôi mới hiểu rõ cuộc đời khổ cực của bác. Hôm nay tôi muốn viết về bác Nguyễn Anh – người được Chúa yêu.
Bác Nguyễn Anh sinh năm 1940 trong một gia đình có mười hai người con ở huyện lị Sông Cầu, nay là thị trấn Sông Cầu thuộc tỉnh Phú Yên. Gia đình bác lúc đó rất nghèo khó, cha của bác phải tảo tần kéo xe để nuôi con.
Những ký ức tuổi thơ của bác với tiếng súng đạn đì đùng và những đợt chạy loạn không có nổi một cái quần đùi che thân, những hình ảnh tủi cực đó vẫn không thể làm bác quên đi mỗi buổi tối ổn định, gia đình bác dưới ánh đèn hột vịt đều đặn nhóm lễ bái, bác không nhớ có hát thánh ca hay không nhưng khi cầu nguyện thì mọi người đều quỳ gối. Mẹ của bác thuộc lòng nhiều câu Kinh Thánh, bà cứ đọc đi đọc lại cho con mình nghe và niềm tin của bác cũng xác quyết từ thuở bé thơ như thế dù rằng chưa mạnh mẽ.
Khoảng thời gian mười lăm năm đầu đời là cơ cực nhất, vì còn nhỏ nhưng sống trong thời điểm chiến tranh thì mọi cái khổ bác đều nếm đủ, từ mót mì, đi ở mướn giữ bò, đi biển, lăn lóc ở bến xe… bác đều trải qua. Những dấu ấn nhọc nhằn trong cuộc đời bác như những vết thương khi lành rồi vẫn mang lấy sẹo cho nên khi Chúa cho bác được đầy đủ hơn thì bác đã sử dụng điều Chúa ban để làm ích lợi cho nhà Chúa và cho những kẻ yêu mến Ngài.
Năm mười lăm tuổi, bác nhận báp-têm và ở cùng gia đình mục sư Trần Trọng Thục tại nhà thờ Nha Trang năm 1955. Hằng ngày bác xách giỏ cho bà mục sư đi chợ, phụ giúp những việc vặt trong nhà, đến tối bác được dạy chữ, bác chưa hề được học ở một trường nào cả nhưng nhờ được dạy chữ mỗi đêm như thế nên bác đã đọc được Kinh Thánh. Cảm tạ Chúa vì Ngài có chương trình cho mỗi đời sống con cái Ngài, nếu biết thuận phục và đi trong ý muốn Chúa thì chẳng điều chi có thể ngăn chúng ta tiến về phía trước.
Sau đó bác bắt đầu đi bán cà rem vì nhận thức được sự nghèo khó của gia đình, vì nhìn thấy cảnh cả ngày mót được có một lon gạo tấm, mẹ nấu chỉ nửa lon rồi chia cho ông bà cùng hết thảy người trong nhà nên bác cố tranh khách để bán kiếm tiền gởi về cho mẹ, đến nổi bể cả bình thủy và bị anh mình chửi mắng là đứa hoang đàng, đau đớn, xót xa, tổn thương trong tấm lòng mà chẳng thể giải thích.
Những sự khó khăn về đời này cũng không thể ngăn bước chân bác đến với những sinh hoạt của Hội Thánh, bác được học lớp Kinh Thánh Tiểu Học Đường tại Tuy Hòa do Mục sư Thomas Hartman Stebbins dạy (Mục sư Tôn Thất Bình). Rồi dòng đời đưa đẩy, bác lại đi hết nơi này đến nơi khác tìm kế mưu sinh, khi thì coi giàn lạnh cho hãng nước đá, lúc lại theo phụ xe cho người ta, có khi lại theo đoàn hát đi ba năm không về nhà… Những bước ngoặt trong cuộc đời cứ như cuốn lôi người con xứ nẫu đi lông bông trôi giạt từ miền trung đến tận mũi Cà Mau.
Năm 1962 sẽ không bao giờ nhòa đi trong ký ức vì năm ấy bác cưới vợ, một người vợ không cùng niềm tin và từ đây bác bắt đầu nếm trải đều đặn những nỗi đau đớn của một kiếp người.
Năm 1963 bác có đứa con đầu lòng và nó chết từ trong bụng mẹ, chính tay bác phải liệm và chôn nó. Bác đăng ký đi Hải Quân và học ở quân trường Cam Ranh, lúc đó tình hình căng thẳng, tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, tổng thống Mỹ Kennedy bị ám sát cho nên sau ba tháng học thì bác về Nha Trang làm việc, lúc đó Mục sư Phan Sỹ Kiểm chủ tọa Hội Thánh Nha Trang, bác đã dắt vợ mình đến đền thờ tin nhận Chúa, đó là ngày vui hơn hết sau cái chết của đứa con đầu lòng.
Năm 1964 bác lại có thêm một con trai và nó tròn tháng thì bác đã đem dâng cho Chúa. Cuộc đời làm người nhái của bác bắt đầu từ đây, công việc đầu tiên trong sự nghiệp người nhái của bác là lặn tìm người chết và cứ thế cứ lặn tìm hết cái xác này đến cái xác khác từ máy bay rớt, tàu lửa rơi, chìm ghe, lật đò, chết đuối… đủ thứ. Bác mạnh dạn chẳng sợ chi vì tin rằng dù làm việc gì cũng có Chúa ở cùng.
Năm 1972 bác bắt đầu làm việc cho Diving Shop, những ngày tháng năm này bác bắt đầu gặp được Chúa cách cá nhân và kinh nghiệm được nhiều phép lạ giải cứu mà không nói ra bác như có lửa đốt trong lòng, những lời chứng cá nhân luôn mang đến những thay đổi tích cực cho người nghe, trong đó có tôi.
Nhiều lần gặp nguy hiểm tưởng chết rồi nhưng Chúa vẫn giữ mạng sống bác như lời Kinh Thánh chép “tôi sẽ chẳng chết đâu, nhưng sống để thuật lại công việc của Đức Giê Hô va”. Những lần bác bị cá lôi vào hang sâu, bình hơi báo chỉ còn năm phút, bác nhớ lại lời Chúa dạy hãy cầu nguyện trong mọi lúc, mọi nơi. Bác thầm cầu nguyện trong lòng xin trực chỉ vấn đề “xin Chúa kéo con cá ra để con có thể đi lên” vừa cầu nguyện xong thì con cá văng ra khỏi hang, bác đã ôm nó bơi lên nhưng cách mặt nước mười mét thì bình hết hơi, bác nín thở và bình tĩnh bơi lên mặt nước. Chúa nhậm lời bác từ đáy biển sâu đã làm cho đức tin bác lớn lên và vững vàng hơn.
Lần khác ở độ sâu bốn mươi mét, một con cá Song Kiếm bung hai cái vây ra và chém bác bị thương, máu chảy loang đỏ cả một khoảng xung quanh và nếu Chúa không gìn giữ thì cá mập sẽ đến vì nó có thể phát hiện ra mùi máu xa đén 200m và tìm đến ngay. Bác đã quỳ gối trên sàn ca nô cầu nguyện xin Chúa cho máu cầm lại vì vết thương rất sâu đến nỗi mỡ lòi ra. Cảm tạ Chúa, bởi đức tin mà bác đặt nơi Chúa lớn hơn vết thương mà con cá gây ra, máu đã ngừng chảy. Có khi trong công việc bác còn phải đối diện với cá mập nhưng bác vẫn tin cậy nơi sự quan phòng của Chúa, bác nhìn nó và thầm nghĩ “mạnh mày, mày kiếm ăn. Mạnh tao, tao kiếm ăn”.
Có những sự tiếp trợ diệu kỳ mà con người chúng ta sẽ không ngờ đến, bác đã kinh nghiệm được điều đó. Lúc này bác đã sốt sắng hơn nên được mọi người tín nhiệm và bầu vào ban Chấp sự nhiệm kỳ 1980-1982, rồi được cử làm tư hóa Hội Thánh. Bác đã tự nhủ rằng “Sao Chúa đặt để một người nghèo như con quản lý túi tiền? Làm sao con có thẻ lo cho Hội Thánh Chúa được?” Vì vậy bác đã quyết định nhịn uống cà phê, nhịn ăn sáng để dành tiền lo cho Hội Thánh. Ngày nay, lớp người trẻ như tôi có mấy ai làm được như vậy?
Nhưng Chúa không bao giờ bỏ con cái Ngài hay đặt gánh nặng quá sức lên vai một ai cả như lời Chúa hứa “Hãy yên lòng, Ta đây, đừng sợ chi”. Hãy tin cậy Chúa và trung tín phục vụ, mọi việc Chúa sẽ lo. Từng hồi từng lúc, bác càng kinh nghiệm Chúa nhiều hơn, Chúa gìn giữ gia đình bác, đánh thức bác dậy khi lửa đã cháy bén vào mái nhà, rồi Chúa lại chữa lành bệnh cho con trai bác khi đầu gối bác khụy xuống cầu xin dù có một con rết lớn ẩn vào trong chiếc áo đang mặc của bác thì bác cũng bình tĩnh giũ ra như khi Phao Lô vẩy con rắn khỏi tay mình. Cảm tạ Chúa.
Có những biến cố đau thương xảy ra trong cuộc đời bác, trong bốn năm liên tiếp từ 1988 đến 1991 bác phải chịu tang bốn người, người cha mà bác kính yêu, hai người anh và một người con trai đầu cũng qua đời vì nghề lặn. Dầu vậy, bác cũng cảm tạ Chúa vì trong cơn thử thách bác đã dựa nương trên ngực Ngài để chiêm nghiệm tình yêu thương lớn lạ của Chúa, dầm thấm trong tình yêu ấy và thỏa lòng về những việc xảy đến trong đời sống bác khi bác tìm kiếm sự an ủi trong Kinh Thánh sách Gióp 1:21 “Đức Giê Hô Va đã ban cho, Đức Giê Hô Va lại cất đi”, bác được yên ủi và cảm tạ Chúa về mọi việc xảy ra vì đó là cách Chúa tôi luyện cho đức tin bác ngày một tăng trưởng.
Trong những năm tháng góp phần hầu việc Chúa tại Hội Thánh Nha Trang, bác phụ trách nhiều mục quan trọng như thủ quỹ Hội Thánh, thủ quỹ ban xây dựng cơ sở, chẳng việc chi Chúa giao mà bác không hoàn thành tốt trách nhiệm được giao.
Khi sức khỏe bác có dấu hiệu đi xuống, trí nhớ không còn minh mẫn nữa, những căn bệnh nghề nghiệp bắt đầu hoành hành trong thân thể thì bác xin nghỉ khỏi Ban Chấp sự và lui về làm Trưởng ban lão niên cho đến ngày nay. Ước nguyện của bác là ngày nào còn sống sẽ cứ tiếp tục thờ phượng Chúa, góp phần với Hội Thánh trong những công việc có thể làm được. Tại gia đình, bác cầu nguyện, động viên, khích lệ đức tin cho vợ và con, cháu. Bác luôn học theo gương của ông Gióp quan tâm đến đời sống thuộc linh của con cháu. Chúa cho bác có chín người con, ba con trai đã qua đời còn lại năm trai và một gái, mười bốn cháu nội, hai cháu ngoại và hai chắt nội. Trong tuổi già còn lại trên đất, Chúa cho bác được đi nhiều nơi, thông công, thăm viếng và góp phần dâng hiến cho những nơi bác có dịp đến thăm, trên tám mươi nhà thờ bác đã đi qua. Bác luôn cảm tạ Chúa về điều đó.
Trong cái nhìn của một tráng niên chỉ mới đi qua con dốc của hơn ba mươi mùa mai nở thì bác là một tấm gương mà tôi không thể nín lặng bỏ qua. Mỗi buổi sáng Chúa nhật, khi bước vào đền thờ sáng choang, rộng rãi, điều đầu tiên là tôi nhìn lên thập tự giá rực đỏ với dòng chữ TÔN VINH ĐỨC CHÚA TRỜI, mỉm cười và biết ơn Cứu Chúa Giê Xu đã đổ huyết ra, tự bỏ mình đi để cứu rỗi linh hồn chẳng đáng chi của chính tôi và nhân loại. Kế đến tôi nhìn hàng ghế đầu, nơi bác Nguyễn Anh ngồi đó, khó nhọc trong đi đứng nhưng gương mặt lúc nào cũng ngời sáng và miệng luôn cảm tạ Chúa về mọi điều Chúa ban.
Cuộc đời của bác như một minh chứng về tình yêu của Chúa dành cho một con người đơn sơ, thiếu điều kiện học hành nhưng bởi đức tin và lòng trung tín theo Chúa, phục vụ Ngài nên Chúa đã ban phước dư dật trên đời sống của cả gia đình bác. Nhìn lại quãng đời theo Chúa, bác luôn mãn nguyện và miệng ngợi khen, hát Halelugia cảm tạ Chúa về ân điển lạ lùng Chúa ban.
Trong đời sống của mỗi một người đều có những dấu ấn khó quên, đó có thể là nỗi đau về tinh thần hay thể xác, đó có thể là vết thương lòng do người khác gây ra nhưng cũng có những hình ảnh đẹp đẽ của một con người, tác động trực tiếp đến đời sống đức tin của chúng ta, tôi nhìn thấy nơi bác Nguyễn Anh hình ảnh đẹp đẽ đó. Để tưởng thưởng cho tấm lòng nhân hậu của bác, Chúa đã ban phước cho gia đình bác dư dật mọi thứ, thật đúng như Lời Chúa phán “Lòng rộng rãi sẽ được no nê; còn ai nhuần gội, chính người sẽ được nhuần gội.”
Thời tiết lại ấm dần, hoa mai lại nở, sắc xuân đã tràn tuôn khắp phố phường, lòng tôi đã nhẹ nhàng hơn khi lời hứa nguyện với Chúa “con sẽ viết xong bài viết trước giao thừa, Chúa ôi!” đã hoàn thành. Có những cuộc đời ảnh hưởng rất sâu đậm trong đời sống đức tin của chính tôi, một Phao Lô lặng lẽ bước đi trong bão, một ông Gióp công bình, đạo đức và hầu việc Chúa âm thầm… Còn đâu đó trong cuộc đời những tấm gương đức tin, trung tín mà tôi sẽ gặp trong tương lai. Cảm tạ Chúa đã cho tôi gặp được những con người như thế, để có một cánh én nhỏ quyết tâm bay lên, dâng trọn phần đời còn lại của mình cho Chúa sử dụng dù sẽ đối diện cùng gió, mưa hay cơn giông chợt đến, nó cũng sẽ cậy nhờ sức Chúa ban để đối diện và vượt qua. Chúa sẽ luôn luôn lo toan, trong mỗi năm ngày, qua cả đời này, Ngài chu cấp thích đáng, Chúa sẽ lo sẵn từng giây. Cứ bay đi, én nhé!
(Viết khi đọc xong cuốn Hồi Ký Bác Nguyễn Anh)
Nha Trang 1/2/2016.
Cánh én nhỏ Naomihaiyendinh.