Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / TẠI SAO MỤC SƯ CẦN ĐƯỢC CẦU THAY?

TẠI SAO MỤC SƯ CẦN ĐƯỢC CẦU THAY?

Why Do Pastors Need to be prayed?
Mục Sư Tiến Sĩ Ngô Việt Tân

Billy_Graham

(Mục sư Billy Graham)

Trong bài viết của Mục sư Tiến sĩ Filbert L. Moore “Ai là người quan tâm cho Mục sư?” (Who care for the pastor?”), đã liệt kê ra kết quả của cuộc thăm dò 1000 Mục sư tại Hoa Kỳ vào năm 1991 qua Cơ Quan Fuller Institute of Church Growth cho biết như sau:

  • 90% Mục sư làm việc mỗi tuần hơn 46 giờ,
  • 80% chức vụ Mục sư tạo ảnh hưởng tiêu cực cho gia đình của họ,
  • 75% kinh nghiệm biến động căng thẳng ít nhất một lần chức vụ,
  • 50% cảm thấy mình không đáp ứng nổi sự đòi hỏi của chức vụ,
  • 90% cảm thấy mình chưa được huấn luyện đầy đủ hầu đáp ứng nhu cầu mục vụ,
  • 70% cảm thấy thiếu tự tin hơn là lúc khi mới bắt đầu chức vụ,
  • 40% cho biết có xung đột với tín đồ ít nhất một lần vào mỗi tháng,
  • 70% không có người bạn thân gần gũi,
  • 50% có nghĩ rời bỏ chức vụ trong 3 tháng vừa qua.

Cũng trong môt bản thăm dò khác cho biết kết quả của cuộc thăm dò về mối quan hệ giữa Hội Thánh và Mục sư quản nhiệm như sau:

  • Một Hội Thánh đã “fired” Mục sư có 70% cơ hội để tiếp tục “fired” Mục sư đến kế tiếp để quản nhiệm. (fired:sa thải)
  • 50% của những Mục sư hầu việc Chúa trọn thời gian đã nghỉ chức vụ trong vòng 5 năm.
  • Đời sống chức vụ trung bình (the vocational life) của Mục sư đã giảm xuống còn 14 năm vào năm 1995; thay vì 20 năm vào 1980.
  • 94% gia đình của Mục sư đều cảm thấy bị áp lực căng thẳng của mục vụ
  • 66% tín hữu Hội Thánh mong ước gia đình của Mục sư phải sống theo tiêu chuẩn đạo đức cao hơn họ.

Qua bản thăm dò trên về tình trạng khó khăn và những thách thức đáng kể của Mục sư hay người chăn bầy chiên của Đức Chúa Trời, chắc quý vị sẽ càng thấu hiểu nhu cầu và nan đề thiết thực của Mục sư và cảm thông hơn thánh vụ thiêng liêng mà Chúa đang giao phó cho Mục sư của mình.  Nhằm giúp quí độc giả có tâm tình muốn hằng cầu thay cho vị chăn bầy của mình, tác giả bài viết xin kính gởi đến quí vị những chi tiết của nhu cầu hay vấn đề của Mục sư hầu quí vị có thể nắm rõ mà cầu thay cho.  Dưới đây là 7 nhu cầu mà con cái Chúa cần cầu nguyện thường xuyên cho Mục sư của mình:

  1. SỰ CĂNG THẲNG CỦA CHỨC VỤ

Nhà Tâm Lý Học Richard Blackmon ở Nam California nói rằng: “Các Mục sư là một nhóm người dẫy đầy khó khăn nhất tại Hoa Kỳ.” Theo cuộc nghiên cứu của nhà Tâm Lý Học Richard Blackmon, có khoảng từ 30% dến 40% của các nhà lãnh đạo tôn giáo từ bỏ chức vụ, và 75% có nghĩ đến việc từ bỏ chức vụ khi phải trải qua giai đoạn căng thẳng quá tột cùng.  Sự khó khăn và can thẳng của chức vụ chăn bầy thường dẫn đến sự khủng hoảng tinh thần hay phá sản tâm trí.  Chính vì lý do nầy mà các công ty bảo hiểm thường tính thêm 4% tiền bảo hiểm cho các Mục sư hay nhân sự (staffs) của Hội Thánh.

Mục sư John Huffman của nhà thờ ở Ventura, California, Hoa Kỳ nói rằng ông rất thông cảm cho Mục sư Ron Dybvig đã bỏ Hội Thánh của một tuần lễ và đi lang thang 3 đêm trên vùng núi tuyết phủ trắng xóa tại San Diego County. Khi người ta tìm gặp được ông thì ông cho biết rằng ông phải bỏ đi chổ khác vì quá mệt mỏi và tinh thần quá căng thẳng. 

cau thay 2

2. MỤC TIÊU CỦA CHIẾN TRẬN THUỘC LINH Chúng ta đều ý thức rằng ma quỷ là kẻ thù của Đức Chúa Trời và tất cả những ai thờ phượng cũng như phụng vụ Đức Chúa Trời đều là kẻ thù của quỷ vương Sa-tan. Vì thế mà Mục sư thường là mục tiêu của chiến trận thuộc linh. Trong những thập niên gần đây Hội Sa-tan, các phù thủy, Tân Thời Đại, và các tà giáo khác luôn tập trung cầu nguyện với quỷ vương Sa-tan hầu khiến cho gia đình của Mục sư và các nhà lãnh đạo Cơ Đốc bị đổ vở và sa sút hay bị phá sản tâm linh.

Một trong những chiến lược hiểm độc nhất của quỉ vương Sa-tan là nó dùng những người trong cộng đồng của Chúa để tấn công những người có tâm tình hầu việc Ngài qua nhiều mưu lược khác nhau.  Điển hình như quỷ vương Sa-tan có thể dùng tính ích kỷ và động cơ kiêu ngạo để con dân của Ngài công kích đầy tớ Chúa hay chỉ trích lẫn nhau qua: sự ganh tị, sự hiểu lầm, lời chỉ trích, lên án lẫn nhau, hơn thua với nhau chỉ vì tính kiêu ngạo…

Nhằm giúp người hầu việc Chúa đắc thắng được cuộc tấn công nham hiểm của quân thù Sa-tan cùng được thêm sức mới trong thánh vụ, mỗi lời cầu thay chân thành kính mến của con dân Chúa là bí quyết duy nhất và món quà khích lệ vô giá cho đầy tớ của Ngài.

3. NHU CẦU CỦA HỘI CHÚNG

Trên thực tế, dường như nhu cầu của Hội chúng thường cần đáp ứng bất cứ lúc

nào trong vòng 24 tiếng đồng hồ một ngày như vấn đề riêng tư của cá nhân tín hữu, khải đạo hôn nhân, can thiệp các cuộc khủng hoảng đời sống gia đình tín đồ, thăm bệnh nhân trong bệnh viện, thăm tù nhân, và những cú điện thoại khẩn cấp nữa. Ngoài những nhu cầu Hội chúng, Mục sư còn đầu tư nhiều thì giờ cho công tác soạn thảo bài giảng cho mỗi Chúa Nhật, Lớp Báp-têm, Chương trình huấn luyện nhân sự và các Ban ngành trong hội thánh, cộng thêm các buổi họp với Ban Chấp sự, Ban Điều Hành, Ban hiệp nguyện thông công với các Mục sư trong vùng, trong Giáo hội, và các Hội Đoàn khác bên ngoài cộng đồng. Chưa hết, có khi Mục sư còn được mời làm cố vấn cho các vấn đề như mở mang cơ sở thương mãi, mua sắm nhà cửa, mua xe hơi, giúp làm giấy tờ bảo lãnh, làm giấy xin tiền thất nghiệp, mướn nhà, đưa rước người cho việc cá nhân mà đôi lúc không cần thiết cho lắm, và nhiều công tác xã hội khác.

Khi chúng ta hiểu thấu công tác bận rộn của người chăn bầy nhất là công tác soạn bài giảng cho mỗi Chúa Nhật mất khoảng 20 đến 30 tiếng đồng hồ để giảng cho 30 đến 40 phút, chúng ta sẽ càng cảm thông cho thánh vụ cần nhiều người nâng đỡ bằng lời cầu nguyện mỗi ngày. Chính Sứ đồ Phao Lô đã khuyên nhủ con dân Chúa “đừng lấy tự do làm dịp tiện thỏa mãn tính xác thịt. Nhưng hãy lấy tình yêu thương phục vụ lẫn nhau” (Galati 5:13). Một người đề nghị con dân Chúa nên nâng đỡ tích cực Mục sư của mình qua các hành động cụ thể như sau:

1) Tránh phê bình tiêu cực bài giảng của Mục sư, ban âm nhạc thờ phượng, bài hát tôn vinh Chúa…. Mục sư Fred Rogers của Giáo Hội Trưởng Lão, người chủ xướng chương trình truyền hình show “ Mr. Roger’s Neighborhood” kể lại kinh nghiệm ông thường đi nhóm nhiều nhà thờ Tin Lành trong vùng để đón nghe nhiều Mục sư giảng dạy khác nhau. Một hôm, ông đến nghe một vị Mục sư giảng bài hôm đó rất là dỡ, không được ơn cho lắm. Nhưng khi ông nhìn sang người bạn của ông thì ông thấy cô đang cảm động rơi những giọt lệ vì được Chúa ban cho sự dạy dỗ nào đó trong đời sống theo Chúa. Điều này nhắc nhở ông rằng Chúa Thánh Linh có thể dùng một phần nào đó của bài giảng làm công cụ ích lợi cho những người nghe. Dĩ nhiên, không một món ăn thuộc linh mà có thể đáp ứng khẩu vị tâm linh cho tất cả mọi người ở trong tất cả mọi lúc được. Thực tế nhất là bất cứ ai khao khát hết lòng chuẩn bị từ tinh thần, thể xác đến tâm linh hầu muốn nhận lãnh ơn phước tươi mới và sự phấn hưng mỗi ngày thánh nhật là người chắc chắn sẽ được nhận lãnh. Bởi vì Chúa đã hứa rằng “Các ngươi sẽ tìm kiếm Ta và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm Ta hết lòng” (Giê-rê-mi 29:13).

2) Hãy cầu nguyện thường xuyên cho Mục sư của chúng ta hầu Chúa ban cho ông ta tình yêu thương sung mãn, hi vọng, niềm vui, đức tin, sự bình an, quyền năng, sự khôn ngoan và lòng can đảm. Hãy ghi nhớ và suy gẫm lời của nhà văn người Đức Johann Wolfgang Goethe rằng “ if you treat a person as he is, he will stay as he is; but if you treat him as he were what he ought to be, he will become what he ought to be and could be.”

3) Hãy xử dụng tài năng chuyên môn của mình để giúp đỡ cho Mục sư của mình. Người Việt Nam hầu việc Chúa hầu như nhận phụ cấp rất là khiêm tốn so với bằng cấp mà họ đã được đào luyện từ các Đại Chủng Viện tại Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu hay Úc Châu… vì thế mà con dân Chúa có thể giúp đỡ cho các Mục sư của mình như việc làm răng, sửa chữa xe hơi, thiết kế máy vi tính, hay những gì mà mình cảm nhận rằng giúp đỡ cho đầy tớ của Ngài để được phấn khởi hơn, khích lệ hơn.

4) Hãy tránh mách chuyện nhảm nhí mà nên bày tỏ thái độ tích cực để đối phó với lời nói tiêu cực. Nếu có tin đồn thất thiệt và phao vu cho đầy tớ Chúa hay người khác, chúng ta hãy thận trọng điều chỉnh và tế nhị khuyên nhủ đương sự nên bày tỏ thái độ thánh sạch và ngay thẳng với lời Chúa dạy, “Hãy giữ lưỡi mình khỏi lời độc ác, và môi mình khỏi lời gian dối.  Hãy lánh điều dữ và làm điều lành. Hãy tìm kiếm và theo đuổi hòa bình” (Thánh thi 34:13,14).

5) Đừng so sánh ân tứ của Mục sư của Hội Thánh mình với vị Mục sư khác bởi vì Chúa ban cho mỗi người các ơn tứ Thánh Linh khác nhau, những ưu khuyết điểm đều hoàn toàn khác nhau, thời điểm Chúa đại dụng đầy tớ của Ngài đều không giống nhau. Cho nên nếu các con dân Chúa trong Hội Thánh mong ước các Mục sư tiền hay hậu của Hội Thánh mình đều có cùng ơn tứ giống nhau, tài lãnh đạo giống nhau, ơn giảng dạy như nhau, khải tượng giống nhau, cách xã giao giống nhau, thì chắc chắn quí vị sẽ thất vọng vô cùng.  Tóm lại, hãy cảm tạ Chúa vì Ngài đang đại dụng vị Mục sư của mình theo chương trình diệu kỳ và quyền năng mà Ngài thi thố theo thời điểm mà Chúa cho phép.

4. NHU CẦU GIA ĐÌNH

Một khi đã được kêu gọi vào chức vụ hầu việc cho Đức Chúa Trời, Mục sư cũng nhận thêm một thiên chức quan trọng nữa là chăn bầy chiên trong gia đình của ông. Chúa giao phó Mục sư trách nhiệm của một người chồng yêu thương, bảo vệ, nâng đỡ, cầu thay, và nhất là quan tâm đến nhu cầu của người vợ. Một trách nhiệm khác nữa mà Chúa giao phó cho Mục sư là thương yêu, dạy dỗ, cầu thay, sống gương mẫu, và hướng dẫn con cái đi trong con đường tin kính Chúa hầu khi trở về già chúng sẽ không đi lạc  (Châm Ngôn 22;6). Điều thách thức cho vị Mục sư là làm thế nào quân bình giữa thánh vụ chăn bầy Hội Thánh và trách nhiệm chăn bầy chiên gia đình? Mục sư phải đặt thứ tự ưu tiên thế nào giữa Thiên Chúa, gia đình, Hội Thánh…?  Vấn đề này chỉ có thể thực hiện được cách hài hòa và thuận ý Chúa khi con dân Chúa cảm thông, ủng hộ, và cầu thay cho vị Mục sư của mình nhận ơn khôn ngoan từ Chúa để rồi tìm kiếm “nước Đức Chúa trời và sự công chính của Ngài, rồi Ngài sẽ ban thêm cho các con mọi điều ấy nữa”.

5. NHU CẦU CỦA GIÁO HỘI & CỘNG ĐỒNG TIN LÀNH

Chức vụ của Mục sư là một thánh chức rất quan trọng, ý nghĩa, thiêng liêng, mục đích, và rất cao quý. Nhưng thánh chức của một đầy tớ Chúa cũng rất là thách thức, cam go, đầy nước mắt, lắm khi chịu thương khó như Chúa Cứu Thế Giê-su, và đôi khi phải nín lặng trước những lời chỉ trích vu vơ vô nghĩa..

Cựu Tổng Thống Bill Clinton đã nhờ đến ba vị Mục sư làm cố vấn tâm linh cho ông. Các vị Tony Campolo, Mục sư Philip Wogaman, và Mục sư Gordon McDonald đều đến họp mặt với Tổng Thống Clinton mỗi tuần một lần. Lịch sử của các vị Tổng Thống Hoa Kỳ đã cho chúng ta hiểu rằng họ là những người ít hay nhiều được ảnh hưởng niềm tin Cơ Đốc trong cuộc đời và chức vụ lãnh đạo của họ. Trong các quyển sách thống kê về niềm tin tôn giáo của 43 vị Tổng Thống trong lịch sử Hoa Kỳ có 40 vị đều là tín đồ Tin Lành thuộc các hệ phái khác nhau… 3 vị còn lại là tín đồ của Giáo Hội Công Giáo La Mã. Vai trò lãnh đạo của họ đều được cố vấn, ủng hộ và ảnh hưởng rất nhiều qua các Mục sư Tin Lành hay Linh mục Công giáo La Mã. Chức vụ chăn bầy một Hội Thánh của Đức Chúa Trời cũng cần sự cố vấn, ủng hộ và cầu thay liên tục nhất là từ thành phần của con dân Chúa. Nếu chức vụ chăn bầy mà thiếu các chiền sĩ cầu thay thì sẽ khó kiện toàn công tác phát triển Hội Thánh và dễ bị Sa-tan đánh gục ngã bất cứ lúc nào. Vì thế, Phao-lô đã thiết tha kêu gọi con dân Chúa cầu thay cho chức vụ chăn bầy của ông được thêm ơn, thêm năng quyền để hầu việc Ngài. Trong 2 Cô-rinh-tô 1:11 Sứ đồ Phao-lô viết “Khi anh chị em hợp tác giúp đỡ chúng tôi bằng lời cầu thay để nhớ lời cầu nguyện của nhiều người mà chúng tôi được ân tứ và nhiều ngưòi cũng cảm tạ Chúa vì chúng tôi”.

Vai trò của người chăn bầy đối với Giáo Hội và Cộng Đồng Tin Lành nói chung rất là trọng yếu, bởi vì nó liên quan mật thiết đến công tác bổ xung vào khải tượng, đường hướng và chiến lược phát triển công việc nhà Chúa trong tương lai gần cũng như xa. Đây là lý do mà con dân Chúa cần lưu ý ủng hộ và luôn nhớ cầu nguyện cho Mục sư của mình nhận được quyền năng, sự khôn ngoan, và khải tượng hầu xây dựng vương quốc của Đức Chúa Trời ngày càng vinh hiển Danh Ngài.

6. NHU CẦU CỦA TRUYỀN GIÁO CHO CỘNG ĐỒNG ĐỊA PHƯƠNG

Sứ đồ Phao-lô thường kêu gọi con dân Chúa cầu thay cho ông và những người rao giảng Tin Lành cứu rỗi nhận được quyền năng Thánh Linh, sự khôn ngoan, sự dạn dĩ, và cơ hội Chúa mở cho để kết quả là mang nhiều linh hồn vào vương quốc của Ngài.  Trong sách Cô-lô-se 4:3-4. Sứ đồ Phao-lô kêu gọi tín hữu Cô-lô-se “Xin cũng cầu nguyện cho chúng tôi để Đức Chúa Trời mở cửa cho chúng tôi truyền giảng sứ điệp về sự huyền nhiệm của Chúa Cứu Thế, chính vì đó mà tôi bị xiềng xích.  Xin cầu nguyện để tôi có thể công bố sứ điệp ấy rõ ràng như tôi phải nói” (Cô-lô-se 4:3, 4).  Trong sách II Tê-sa-lô-ni-ca 3:1, sứ đồ Phao-lô tha thiết kêu gọi tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca “Thưa anh chị em, sau cùng, hãy cầu nguyện cho chúng tôi để Lời Chúa được truyền bá nhanh chóng và tôn vinh như ở giữa anh chị em vậy”.

Chức vụ của người chăn bầy rất cần sự cầu thay hầu người được ơn và năng quyền Thánh Linh rao giảng Phúc Âm cứu rỗi của Chúa Cứu Thế cho nhiều người. Tuy nhiên, công tác truyền bá Phúc Âm cũng cần sự tham gia tích cực của mỗi con cái Chúa, bởi vì đây là Đại Mạng Lịnh Chúa Giê-su truyền cho mỗi con dân của Ngài.

cau thay

7. NHU CẦU CỦA VẤN ĐỀ DƯỠNG LINH, BỒI LINH VÀ TU NGHIỆP

“Tôi cầu chúc anh em được thịnh vượng trên mọi mặt, được mạnh khỏe về phần xác cũng như thịnh vượng về phần hồn” (3 Giăng 2). Đây là nguyện ước của sứ đồ Giăng cho mọi tôi con Chúa, nhất là cho những người có tâm tình dấn thân muốn hầu việc Chúa giữa vòng dân sự của Ngài.

Có bao giờ chúng ta ý thức rằng mỗi khi chúng ta săn sóc bản thân mình chính là lúc chúng ta đang chăm sóc đền thờ của Đức Thánh Linh. Vâng, một khi sức khỏe, tâm trí, nghị lực của chúng ta mạnh mẽ và năng động là điều kiện thuận lợi nhất cho chúng ta tôn cao Danh Chúa mà phục vụ Ngài hữu hiệu hơn.  Không thể nào một thể xác mệt mỏi, tâm trí lừ đừ, và nghị lực phá sản mà thờ phương Chúa và phụng vụ Ngài kết quả được. Thiên Chúa luôn mong ước mỗi đầy tớ Chúa còn sống ngày nào thì sống khỏe, có ý nghĩa, có mục đích và lợi ích cho nhà Chúa. Vì thế, cơ hội sống để làm trọn thiên chức Chúa giao phó kkhông những tùy thuộc vào sự bảo quản cơ thể của chúng ta, mà cũng tùy vào sự nâng đỡ hỗ trợ của hội chúng tại Hội Thánh địa phương nói riêng và của Giáo Hội nói chung. Hầu như phần lớn các Giáo Hội Tin Lành đều có quy chế dưỡng linh và dưỡng thể cho các Mục sư.  Nhưng đối với tín hữu của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam chúng ta có đặt trọng yếu vấn đề này chưa? Ước ao rằng hội chúng sẽ tạo mọi cơ hội tốt và nâng đỡ cho người chăn bầy của mình không phải hầu việc Chúa lâu năm, nhưng phụng sự Chúa với thể xác lành mạnh và tâm linh sung mãn. Tín đồ Nam Hàn rất quý trọng và ưu đãi những người hầu việc Chúa qua nhiều hình thức. Nam 1999, trên đường về thăm Việt Nam, có dịp tôi ghé thăm Seoul, Nam Hàn, khoảng 3 ngày. Mặc dù chưa gặp lần nào và chỉ nói chuyện trên điện thoại, Giáo sĩ Kim tại Sài gòn đã liên lạc về Hán Thánh để tìm người ra đón rước, người dẫn đi ăn bữa cơm thịnh soạn, người dẫn đi thăm viếng các nhà thờ lớn, và tìm cho tôi một chổ ở khách sạn miễn phí dành ưu đãi cho tất cả những ai là “người hầu việc Chúa”. Thật là một phước hạnh quá lớn mà chính Ngài đã ưu đãi tôi và ông bà Mục sư Đặng Hồng Châu cùng thầy Võ Đức Trí. Thật vậy, khi chúng tôi xuống văn phòng khách sạn để trả tiền thì nhân viên Nam Hàn nói rằng quí vị không phải trả tiền vì khách sạn này được dùng để tiếp đãi miễn phí cho các Mục sư.  Càng suy tư về phẩm cách sống đạo, giảng đạo, tinh thần cầu nguyện và hi sinh cao độ hầu việc Chúa của Mục sư Đại Hàn, chúng ta sẽ kính phục mà cảm nhận được lý do tại sao họ lại được Chúa dùng tín đồ Hàn quốc kính yêu, quí trọng và ưu đãi họ như thế!

Khi một tín hữu mang nặng tâm tình cầu nguyện cho chức vụ Mục sư của Hội Thánh địa phương mình là lúc người đó thật biết cảm thông, kính trọng, và nâng đỡ người hầu việc Chúa thật tình.  Người tín hữu này quả thật đã trưởng thành trong lãnh vực tâm linh, và đang cầu thay ở bậc thuộc linh cao hơn người tín hữu bình thường. Người tín đồ này không còn ích kỷ cầu thay cho chính nhu cầu mình, gia đình mình thôi, mà quan tâm đến người hướng dẫn tâm linh của mình, và đặc biệt là chú tâm đến những linh hồn đang hư mất.

Mục sư Tiến sĩ Wilbur Chapman kể lại khi ông đến nhậm chức làm Mục sư quản nhiệm cho Hội Thánh Wanamaker church, tiểu bang Philadelphia, sau khi ông giảng bài giảng ngày Chúa Nhật đầu tiên, thì có môt cụ tín đồ lớn tuổi đến gặp ông trước bục giảng và nói: “Ông Mục sư ơi! Ông còn quá trẻ để làm Mục sư cho một Hội Thánh lớn như thế này. Hội Thánh chúng tôi luôn luôn có những Mục sư già dặn lớn tuổi. Tôi e rằng ông sẽ không thành công. Nhưng ông chuyên giảng Phúc Âm cứu rỗi, nên tôi sẽ hết lòng giúp đỡ ông”.  Mục sư Tiến sĩ Chapman nhìn vào ông cụ tín đồ và nghe ông cụ nói tiếp: “Tôi sẽ cầu nguyện cho Mục sư hầu cho ông có quyền năng của Đức Thánh Linh trên ông, và có hai người khác nữa có hứa sẽ cùng với tôi cầu nguyện cho Mục sư”.

Mục sư Tiến sĩ Chapman cảm thấy được an ủi và khích lệ khi nghe có ba người tín đồ trong Hội Thánh cầu thay cho mình. Cảm tạ Chúa từ 3 chiến sĩ cầu thay cho Mục sư Chapman lên đến 10 chiến sĩ cầu thay, sau đó tăng lên 20, tăng lên 50, và tăng lên 200 chiến sĩ cầu thay cho Tiến sĩ Chapman. Vào mỗi ngày Chúa Nhật, trước giờ thờ phượng Chúa 200 chiến sĩ cầu thay này đã hiệp lại cầu nguyện cho Mục sư Chapman hầu quyền năng Chúa Thánh Linh tuôn tràn trên ông. Kết quả là gì xảy ra cho Hội Thánh Tin Lành Wanamaker, Philadelphia?  Trong vòng 3 năm, Chúa đã cho có 1,100 mở lòng tin nhận Chúa Giê-su làm Đấng Cứu Chuộc cho họ.

Hội Thánh Đức Chúa Trời muốn được phục hưng, mục sư cần được phục hưng trước nhất.  Một trong những chương trình thăm viếng Hội Thánh của Đức Thánh Linh, Ngài cũng muốn đại dụng quí con dân của Ngài qua tâm tình “quý trọng những người làm việc khó nhọc” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:12) và “chiến đấu trong sự cầu nguyện” (Rô-ma 15:30) cho người chăn bầy của mình.

MỤC SƯ NGÔ VIỆT TÂN

 

    

1 lời bình

  1. Xin goi tang qui toi to Chua bai tho nay. Co gi sai xot xin bo qua.

    Con Oi! Con Yeu Ta Chang?

    Hau viec Chua nhoc nhang lam ai oi!
    Nhieu dem le dang rieng mang
    Doi khi long muon tu nan
    Nhin len thap tu long tan nat long

    Thap tu Chua da hy sinh
    Tinh yeu Ta da danh tron cho con
    Con oi! Con yeu Ta chang?
    Yeu Ta chang? Yeu Ta chang? Yeu Ta chang?
    Yeu Ta thi hay chang chien Ta
    Du cho dam le xot xa
    Long con van quyet bao ve chien Cha
    Unknown

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn