Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / HỒI KÝ CỦA LÝ KHOA VĂN

HỒI KÝ CỦA LÝ KHOA VĂN

Hình ảnh muộn phiền mệt mỏi của ba tôi cứ gợi lên trong lòng tôi những cảm xúc nghẹn ngào khổ tâm… Nhưng tôi luôn tự nhắc nhở mình là không được chán nản, phải phấn đấu vươn lên, cố gắng học thành tài để giúp đỡ ba mẹ tôi và vì tương lai của tôi nữa. Ngoài giờ học ở trường, tôi kiếm thêm việc làm. Mỗi buổi tối, tôi nhận dạy kèm ở tư gia hai xuất để lấy tiền phụ lực với đồng lương thất thường của ba tôi. Từ 10 giờ tối tới khuya là phần thời gian học bài của riêng tôi. Tôi không thể nào quên được hình ảnh của ba tôi mỗi buổi chiều đi làm về, cứ bước xiêu vẹo thất thểu ngoài đầu đuờng như vừa mới trải qua một ngày mệt mỏi, đau đớn, căng thẳng lắm! Vì vậy dù phải luôn vất vả, bận rộn nhưng tôi phải cố gắng học giỏi để khỏi đóng lệ phí cho nhà trường và để ba tôi vui mà sống lâu hơn nữa.

Thấy tôi là người con hiếu thảo, có cá tính, có chí tiến thân, nên ba tôi thường tâm sự với tôi:

-”Ba chỉ có mình con là niềm an ủi, là người duy nhất trên đời có thể hiểu được tâm tình của ba. Bản thân ba cũng giống như một loài cây thông có thân thẳng cứng, mọc lẻ loi đơn độc ở đỉnh đồi, nên dễ bị phong ba giông bão cuộc đời bẻ gãy. Ba mong ước một ngày nào đó con sớm thành đạt để ba có dịp được hưởng nhàn, chơi hoa ngắm cảnh non bộ một thời gian trước khi nhắm mắt”. Đó là thú tiêu khiển thanh tao mà ba tôi đã mơ ước suốt cả tuổi hoàng hôn của mình…

Vài năm sau khi thời cơ đã đến, tôi mang ước vọng của ba tôi lao vào vòng binh nghiệp, miệt mài trên khắp các chiến trường đỏ lửa, bất chấp mọi hiểm nguy gian khổ, gấp rút tạo sự nghiệp để ba tôi được vui, được hãnh diện vì hạt giống đích tôn của ông nội tôi tuy bị vùi dập vào nơi sỏi đá, nhưng vẫn len lỏi tìm mạch đất sống nẩy mầm, để ngoi lên thành hoa thơm cỏ lạ.

Cho đến một ngày đầu xuân năm 1972, khi khói lửa chiến tranh miền Cao nguyên ngút ngàn, bao phủ cả vùng Kontum, Dakto – Tân cảnh, Charlie, Hạ Lào .v.v… Đơn vị tôi thắng một trận lớn trên ngọn núi Chu-Pao, bên cạnh Thác Yaly thuộc địa phận Trại Biên-phòng Pleimerong, phía tây nam thành phố Kontum, lúc đó cũng đang bị địch bao vây và sắp thất thủ. May nhờ có sư-đoàn Nhảy-Dù và Pháo-đài bay B52 lên rải thảm bom giải tỏa. Tôi được đặc cách vinh thăng cấp bậc Đại Úy tại mặt trận và được máy bay trực thăng đưa về hậu-cứ nhận lãnh mấy ngày phép đặc biệt để mang vinh quang về cho ba tôi… Cũng chính là lúc ba tôi trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay tức tối của tôi. Số phận trớ trêu chẳng buông tha ba tôi cho đến cuối của cuộc đời. Bất hạnh, khổ đau, muộn phiền không lối thoát đã lợi dụng sự tiêu hao dai dẳng sức khỏe của căn bệnh đau bao tử để nhanh chóng cướp đi mạng sống của ba tôi. Men chiến thắng chưa kịp tan biến trong tâm hồn tôi, thì nỗi tiếc thương thất vọng bất ngờ đã làm cho tôi hụt hẩng! Số phận dành cho ba tôi là kẻ suốt một đời chỉ có nuốt đắng cay, nước mắt vào trong ngực. Hiếm hoi lắm mới có một vài niềm vui muộn màng! Giờ phút cuối, ba tôi chỉ kịp áp tay lên mặt tôi, thoa nhẹ lên 3 bông mai mới tinh trên cổ áo trận mà tôi vừa mới về chưa kịp thay áo… rồi nhắm mắt xuôi tay, hai ngấn lệ thỏa lòng còn vương trên khóe mắt.

hoi cai

Đặt nhẹ ba tôi nằm xuống, tôi nghe nóng ướt ở sau lưng. Tôi quay lại thì thấy vợ tôi đang gục mặt vào vai tôi mà khóc nghẹn ngào. Tôi thương vợ tôi quá. Đây là người vợ hiền thục. Suốt bao nhiêu năm tháng đã âm thầm hy sinh chịu đựng từ vật chất đến tinh thần để tôi an tâm làm tròn chữ hiếu. Từ ngày cưới đến giờ, tất cả tiền lương tháng của tôi đều dành cho ba mẹ tôi. Vợ và các con tôi chỉ sống vào đồng lương giáo chức của nàng thôi, nên rất chật vật. Nhưng lúc nào nàng cũng vui vẻ, không chút than phiền, lắm khi nàng còn an ủi tôi, khuyến khích tôi hãy làm tất cả những gì mình có thể làm được cho cha mẹ, vì tuổi đời của ba tôi đâu còn bao lâu nữa!. Tôi xúc động và cảm ơn ngàn lần về tâm- tình dâu thảo của vợ tôi. Tuy tận cùng đau xót trong hoàn cảnh hiện tại, nhưng nhìn tấm thân mảnh mai gầy yếu, mỏi mòn vì gánh nặng dâu con và sự thương nhớ đợi chờ, lo âu của người chinh phụ…lòng tôi thêm bồi hồi tê tái! Một đoạn phim dĩ vãng chợt hiện về trong trí nhớ của tôi.

Mười mấy năm về trước, vợ tôi là một cô gái rất đẹp và thùy mị. Tuy học chung trường nhưng thấp hơn tôi 2 lớp. Nàng để ý đến tôi vì mỗi buổi sáng thứ hai đầu tháng, tất cả học sinh của trường phải dự lễ chào cờ. Sau khi thượng cờ xong, tôi đều được gọi ra xếp hàng trước sân cờ cùng với học sinh giỏi của các lớp khác để nhận lãnh Bảng danh dự về thành tích học tập trong tháng. Hơn nữa, tuy là học sinh nghèo nhưng tôi lại có dáng dấp thư sinh dễ nhìn. Còn tôi cảm nàng vì nàng có một vẻ đẹp kín đáo, thùy mị, e ấp dễ làm xao xuyến lòng người. Đặc biệt là đôi mắt quá u buồn làm cuốn hút tim tôi ngay từ phút đầu mới gặp. Mối tình câm lãng mạn thật là đẹp. Nhờ nó mà tôi cảm thấy đời mình còn chút hy vọng và bớt khổ đau hơn, mặc dù tôi mãi vẫn là kẻ độc hành trong mộng tưởng, chẳng bao giờ dám tỏ cùng ai. Mỗi buổi sáng, trước giờ học, tôi hay đứng tần ngần ở dưới gốc cây phượng bên cạnh cửa vào các lớp học để chờ nàng đi ngang qua. Biết được dụng ý của tôi, nàng hay e thẹn cúi đầu:

 

Em đến ngang tôi dáng diễm kiều

Bờ vai rung nhẹ, gió hiu hiu

Má hồng cúi xuống nghiêng nghiêng nón

Mắt biếc vương tình, sóng gợn yêu.

Những buổi chiều tan học, tôi đợi nàng ra trước rồi lặng lẽ theo sau một quãng đường. Người ta nói con gái hay có linh tính nhạy bén. Tuy luôn nhìn thẳng phía trước nhưng vẫn biết có cái đuôi bám theo ở sau lưng mình…cho đến khi đến trước cổng nhà, nàng mới quay nhìn lại phía sau, nghiêng nón mỉm cười rồi biến mất sau hàng rào hoa Ti-gôn màu trắng!…Tôi vẫn mãi là cái đuôi ngoan ngoãn theo sau nàng, bất chấp cả thời tiết nắng mưa. Mối tình nghèo vẫn mãi là tình câm, chỉ có cảnh cũ, trường xưa làm chứng nhân thầm lặng mà thôi:

 

Kỷ niệm đó, mái trường xưa còn in bóng

Thuở học trò ta bí mật đón đưa em

Tình bơ vơ vẫn mãi nằm trong lưu bút

Biết bao giờ em mới hiểu được tình tôi!

 

Hai năm sau, tôi được chuyển ra Trường Quốc Học Huế để học thi nốt bằng Tú-Tài phần 2. Giờ phút ra đi cũng chẳng nói được với nhau một lời. Nàng nhút nhát e thẹn, còn tôi thì mặc cảm nghèo khó nên cũng chẳng dám trèo cao. Tại chốn Đế đô xứ ngàn năm văn vật, cảnh sắc trữ tình nên thơ. Con gái Huế lại nổi tiếng đẹp và đa tình, lãng mạng nên từ xưa vẫn như có sợi dây vô hình ràng buộc bước chân của các văn nhân sĩ tử, đặc biệt là trai xứ Quảng Nam

 

                                      Học trò trong Quảng ra thi

                                    Thấy cô gái Huế chân đi không đành!

images (8)

Riêng tôi thì luôn cảnh giác với sức hút vô hình nhưng mảnh liệt về vẽ đẹp trong tranh của những đàn bướm trắng qua cầu Trường Tiền mỗi khi tan học; những đôi mắt liếc đưa tình có đuôi của các cô nữ sinh láng giềng Trường Đồng Khánh; những ánh mắt tinh nghịch, những nụ cười bâng quơ vô cớ của các cô học trò tư gia lớn gần bằng tôi. Tôi vẫn cứ tất-bật với việc học, tối về làm gia sư dạy kèm hai, ba chỗ để có tiền ăn ở và gởi về phụ giúp ba mẹ tôi. Kỷ niệm xưa thỉnh thoảng hiện về làm ray rức tim tôi, nhưng cũng vội qua đi vì công việc học hành và hoàn cảnh kiếm sống của tôi.

Cho đến một buổi chiều, tôi đi xem kết quả kỳ thi Tú Tài 2 được niêm yết trước cổng trường Quốc Học. Thấy tên mình trúng tuyển, tôi mừng quá, quay lưng chạy về nhà thì… chạm mạnh vào nàng đang vô tình đứng sau lưng tôi lúc nào tôi chẳng biết. Nàng loạng choạng sắp ngã. Tôi vội choàng tay ôm lấy nàng giữ lại. Hai đứa tôi sững sờ nhìn nhau không nói nên lời! Không biết đây có phải là định mệnh buồn, hay cơ-duyên may để kết hợp 2 đứa tôi lại với nhau. Nàng cho biết đã cùng với 2 cô bạn học ra Huế tuần trước để dự thi sư phạm và ngày mai sẽ trở về lại Hội An. Đây là khóa sư phạm một năm cuối cùng được mở ra tại Huế. Lúc đi chơi ngang qua Trường Quốc Học, thấy người ta đứng đông nên cũng tò mò vào xem thử, và không ngờ lại đừng ngay sau lưng tôi nên mới sinh chuyện…

Ngay tối hôm đó, hai đứa chúng tôi nắm tay nhau ngồi bên bờ sông Hương để hàn huyên tâm sự và tỏ tình với nhau. Nàng trách tôi vô tình, ra đi không nói một lời. Chuyến ra Huế nầy, nàng hy vọng sẽ gặp lại cố nhân… Không ngờ kết quả lại đẹp ngoài sức tưởng tượng. Bây giờ không còn nghịch cảnh hay mặc cảm nào có thể ngăn cách chúng tôi được, vì tương lai của đời tôi đã hé mở ở cuối đường hầm. Sau khi hiểu rõ hoàn cảnh của tôi, nàng yêu thương hơn. Giọt nước mắt cảm động đã lấp lánh trên hai hàng mi mắt của nàng. Nàng hứa khi về Hội An sẽ đến thăm viếng và chăm sóc ba mẹ tôi.

Niên khóa tới tôi vào Đại học Văn Khoa và nàng ra Huế để nhập học khóa sư phạm cuối cùng. Hai chúng tôi có biết bao là kỷ niệm đẹp và thơ mộng bên nhau. Những ngày nghỉ học cuối tuần, tôi thường chở nàng trên chiếc xe đạp cà-tàng đi chơi hầu hết các danh lam thắng cảnh, đền đài, cung điện, lăng tẩm các vì vua, đến thôn Vỹ Dạ để “nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”… Rồì đi ăn các món đặc sản bình dân như bánh bèo mini ở chân núi Ngự Bình, bún bò nổi tiếng vừa ăn vừa khóc ở chân cầu Gia Hội, bánh xèo giòn rụm ở bên hông chợ Đông-ba .v.v…

Nhưng, ngày vui ngắn chẳng đầy gang! Cuối năm đó nàng tốt nghiệp sư phạm và được bổ nhiệm làm giáo viên ở chính nơi quê hương của mình. Những ngày nghỉ cuối tuần và những buổi chiều dạy học về, nàng thường ghé chợ rồi đến nhà tôi để giúp ba mẹ tôi. Dọn quét, nấu nướng, bưng cơm nước lên ép ba tôi ăn cho bằng được. Sau đó lại pha cà phê và trà thơm cho ba tôi. Ba tôi rất thích hai món tiêu khiển thanh tao nầy mà trước đây hiếm khi được thưởng thức. Xóm giềng thường khen ba mẹ tôi có phước được cô dâu hiền thục xinh đẹp. Mẹ tôi sau nầy cũng bình tâm và luôn kề cận để hết lòng lo cho ba tôi.

(Còn tiếp kỳ sau)

Bài trước:

https://huongdionline.com/2016/01/11/tuoi-tho-can-coi/   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn