Thứ Bảy , 16 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / CÁC QUI LUẬT ĐẠO ĐỨC

CÁC QUI LUẬT ĐẠO ĐỨC

Luận chứng về các Qui luật Đạo đức

dao duc

Chắc chắn đây là điều gần gủi nhất bởi vì bạn và những người thân trong gia đình của bạn đang kinh nghiệm. Tại sao loài người ở khắp nơi trên thế giới đều nhận biết về một qui luật đạo đức chung? Mỗi ngày chúng ta thấy các chính trị gia, các bác sĩ, các luật sư, các nhà tâm lý học, các quan toà, các nhà xã hội học, các chủ bút, các nhân viên cảnh sát và nhân dân đang tranh cãi với nhau về công lý, công bằng, bình đẳng, khoan dung, thành thật, trách nhiệm, bổn phận, dân quyền, nhân quyền, quyền phụ nữ, v.v… Chúng ta tin rằng việc đối xử bình đẳng với mọi người là đúng. Chúng ta lên án nạn phân biệt chủng tộc, hiếp dâm, bạo động, hành hạ trẻ con, chiến tranh, tham nhũng, âm mưu, phản bội và nhiều hành vi hung ác khác. Chúng ta đang thực sự sống giữa một thế giới bị chi phối bởi những qui luật đạo đức. Những qui luật nầy từ đâu mà có? Nếu không có Đức Chúa Trời thì không thể có những giá trị đạo đức khách quan. Nếu không có Đức Chúa Trời thì đạo đức trở thành một vấn đề thuộc sở thích bản thân. Các giá trị của bạn chỉ là ý riêng của bạn. Bạn phải tự phân biệt đúng sai không cần theo tiêu chuẩn nào. Nếu đạo đức không còn là vấn đề tuyệt đối thì bạn nghĩ sao khi một số nền văn hóa yêu thương người lân cận trong khi một số nền văn hóa khác lại ăn thịt kẻ láng giềng, bạn thích nền văn hoá nào?

Nếu đạo đức không còn là vấn đề tuyệt đối thì bạn nghĩ sao khi một số nền văn hóa yêu thương người lân cận trong khi một số nền văn hóa khác lại ăn thịt kẻ láng giềng, bạn thích nền văn hoá nào?

Hãy thử suy nghĩ đến điều nầy. Nếu con người do tự nhiên tiến hóa thành thì làm sao giải thích được sự kiện trong hầu hết các nền văn hóa trên mặt đất, người ta đều đánh giá sự thật tốt hơn sự dối trá, tử tế tốt hơn ghen ghét, trung thành tốt hơn phản bội. Ở nền văn hóa Á Đông, ai cũng tôn trọng nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, trung, hiếu, đức hạnh. Liệu vật chất vô tri vô giác bằng một cách nào đó đã tình cờ tạo nên một hệ thống giá trị đạo đức rồi ghim sâu vào tâm trí và tấm lòng của hàng tỉ người đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới hay không?  Đạo đức không phải là vấn đề sở thích. Một điều sai thì sai dù người ta có cho là đúng. Chẳng hạn bạn thấy việc cướp của giết người, hành hạ trẻ con, khinh bỉ người tật nguyền… ở đâu cũng đều  sai cả. Luôn luôn có sự khác nhau khách quan giữa đúng và sai. Làm sao bạn phân biệt đúng sai nếu bạn không có tiêu chuẩn nào để so sánh? Nếu có tiêu chuẩn đạo đức thì phải có Đấng lập nên tiêu chuẩn đó. Chính Đấng Tạo Hoá đã đặt tiêu chuẩn đó trong lòng mọi người, chúng ta không thể giải thích cách nào khác được. Một bằng chứng rõ ràng là lương tâm con người luôn luôn cắn rứt khi làm điều gì sai quấy. Có người nhận xét đúng khi nói về một con cọp giết người vẫn nằm ngủ ngon giấc nhưng cũng một hành động đó kẻ sát nhân không thể ngủ yên. Thánh Kinh khẳng định: “Việc nầy chứng tỏ các nguyên tắc luật pháp đã được ghi vào lòng họ, lương tâm cũng làm chứng khi lên tiếng buộc tội hay biện hộ” (Rô-ma 2:15).

Điều lạ lùng trên thế giới là có những người tự xưng theo chủ nghĩa Vô thần đang làm hội viên của những hội từ thiện, bác ái. Theo định nghĩa, một người Vô thần tin rằng loài người không phải là loài thọ tạo được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời và không có một qui luật đạo đức thiên phú nào phú bẩm trong lòng người cả. Trong khi đó chính một số người Vô thần đang lớn tiếng kêu gọi người khác vận dụng qui luật đạo đức để bảo vệ môi trường, tha nợ cho các nước nghèo và giúp đỡ những người cùng khốn. Nếu mọi người chỉ là kết quả tình cờ thì tại sao ta phải quan tâm đến sự tình cờ của người khác? Bạn thấy không, trong thực tế không ai sống đời với thuyết Vô thần mà không tự mâu thuẫn với chính mình.

 

Có một câu chuyện thật về một sinh viên Triết Học đã viết một luận văn lý luận rằng không có gì tuyệt đối và mọi sự đều tương đối cả. Xét về nội dung, tài liệu, cách trình bày thì bài luận văn đáng được điểm “A”. Tuy nhiên, vị Giáo sư đã cho anh điểm “F” với lời ghi chú, “Tôi không thích bìa tập màu xanh!” Khi anh sinh viên nhận được điểm về bài luận văn, anh rất giận và chạy vào văn phòng giáo sư để kiện, “Thế nầy là không công bằng! Thầy chấm điểm không đúng! Thầy phải chấm điểm theo nội dung bài viết chứ không phải chấm theo màu sắc của bìa tập.”

Vị Giáo sư nhìn vào mắt của anh sinh viên và hỏi, “Có phải bài nầy lý luận rằng không có những nguyên tắc đạo đức khách quan nào như công bằng, công lý và mọi sự đều là tương đối theo sở thích bản thân không?”

Anh sinh viên nhanh chóng trả lời, “Vâng! Vâng! Đó là bài luận văn của tôi!”

Vị Giáo sư nói, “Thế à, vậy tôi không thích tập bìa màu xanh. Điểm tôi cho bài nầy vẫn là “F”. Bỗng nhiên anh sinh viên hiểu ra, anh tin tưởng ở sự công bằng, công lý và anh cũng mong người khác áp dụng cho anh!

Không ai tránh được những qui luật đạo đức khi sống giữa thế gian nầy.

 

Luận chứng về Những Kinh nghiệm Tôn giáo

 martin luther

Luận chứng nầy dựa trên sự kiện có hàng triệu người đáng tin, đáng kính trên thế giới đang cảm thấy sự hiện diện của Đức Chúa Trời, đang cảm nhận sự dẫn dắt của Ngài và đang kinh nghiệm sức mạnh của Ngài thêm sức cho họ trong những công việc họ làm. Chúng ta không nói đến một vài trăm hay một vài ngàn nhưng nói đến hàng triệu, hàng tỉ người, trong số đó có những nhà chính trị, những nhà tri thức, những nhà tư tưởng, những khoa học gia, những nhà xã hội, những nhà kinh tế, những sử gia, luật gia, những nhà đạo đức và đủ mọi hạng người khắp nơi trên thế giới đã và đang làm chứng cho một kinh nghiệm thực sự với Đức Chúa Trời. Tất cả đều có một tiếng nói chung về việc họ cảm thấy được Đức Chúa Trời yêu thương, chăm sóc, dẫn dắt, tha thứ và được Ngài đổi mới, ban bình an, tin yêu, hy vọng. Họ biết Ngài thực hữu vì họ đã gặp được Ngài qua Chúa Cưú Thế Giê-su. Họ là những Cơ-đốc Nhân hay những Ki-tô Hữu. Họ đang ở khắp mọi nơi chung quanh bạn.

 

Không lẽ cùng một lúc hàng triệu người trên thế giới cùng bị thôi miên? Không lẽ hàng tỉ người cùng đang nói dối về kinh nghiệm của mình? Không lẽ hàng tỉ người đang cùng âm mưu để gạt gẫm người ta? Bạn nghĩ sao về sự tồn tại của các tôn giáo? Phải chăng đó chính là cố gắng của con người đi tìm Đấng Tối Thượng trải qua bao nhiêu thế kỷ trong dòng lịch sử của loài người. Bạn nghĩ sao về Cơ-đốc Giáo khi Chúa Cưú Thế, Đấng sáng lập Cơ-đốc Giáo, đã tự khẳng định là con đường duy nhất dẫn loài người đến cùng Đấng Tối Thượng? Bạn biết không, Cơ-đốc Giáo là cố gắng của Đấng Tối Thượng tìm kiếm loài người.

 

Các tôn giáo chính trên thế giới đang tôn thờ Đấng Tối Thượng.

 

Tất cả các tôn giáo đều tin có sự thực hữu của Đức Chúa Trời và có sự thưởng phạt ở đời sau. Cơ-đốc Giáo, Hồi Giáo và Do Thái Giáo tin tưởng sự thực hữu của một Đức Chúa Trời Tối Thượng. Trong khi đó, Ấn-độ Giáo, Khổng Giáo và Phật Giáo tin có Đấng Tối Thượng nhưng lại có những quan niệm khác nhau về Ngài là Đấng như thế nào. Số người tự xưng là vô thần không nhiều so với dân số thế giới.

 

Nhiều người đang âm thầm “Thờ Chúa Không Biết”

 

Nhiều gia đình người Việt Nam đã lập bàn thờ “Ông Thiên” ở trước nhà để thờ Trời. Ngày xưa, mỗi năm nhà vua thay mặt nhân dân lập đàn tế Trời. Người Việt đã biết thờ Trời trước khi có Khổng Giáo, Phật Giáo và các tôn giáo khác du nhập vào nước ta. “Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời. Cầu cho cha mẹ sống đời với con.”

Những người thờ Trời đều biết có Đức Chúa Trời Tối Thượng cần phải tôn thờ nhưng chưa biết Ngài là ai, chưa biết thờ thế nào cho đẹp lòng Ngài. Nhiều người Việt Nam chưa bắt được liên lạc với Đức Chúa Trời, chưa thiết lập được mối quan hệ phụ tử với Ngài.

Ngày xưa, trong thế kỷ thứ nhất, tại thành phố A-thên, thủ đô nước Hy-lạp, người ta theo triết lý Hy-lạp và thờ đủ thứ thần. Họ theo Triết học phái Epicurean (Hưởng Lạc) hoặc theo Triết học phái Stoic (Khắc Kỷ). Nhưng họ vẫn không yên tâm vì chưa biết Đấng Tối Thượng là ai. Vì thế họ lập một bàn thờ, “Thờ Chúa Không Biết.” Đức Chúa  Trời đã không để cho người Hy-lạp tiếp tục lầm lạc nữa. Ngài đã sai sứ giả của Ngài đến với họ. Sứ đồ Phao-lô đã được Đức Chúa Trời sai phái đến thành A-thên và rao giảng:

“Vậy, Đấng các người thờ mà không biết đó, là Đấng ta đang rao truyền đây: Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất… Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống và mọi vật cho mọi người. Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thời giờ đời người ta và giới hạn chỗ ở. Chúa đã tạo điều kiện cho con người tìm kiếm Ngài và cố gắng vươn lên để tìm gặp Ngài, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta, vì tại trong Ngài chúng ta được sống, động và hiện hữu… Trước kia loài người không biết Chúa, Ngài đã rộng lòng tha thứ, nhưng bây giờ Chúa truyền cho mọi người khắp thế giới phải ăn năn thờ phượng Ngài. Vì Chúa đã chỉ định một ngày, khi Ngài sẽ lấy sự công bình đoán xét thế gian, do Người Ngài đã chọn. Đức Chúa Trời đã xác nhận uy quyền của Người khi khiến Người từ kẻ chết sống lại…”(Công vụ Sứ đồ 17:22-31).

Đấng Tối Thượng mà loài người khắp nơi đang kính thờ mà không biết chính là Đức Chúa Trời đã hiện thân giữa loài người qua thân vị Đức Chúa Giê-su.

 

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

(Tổng Hợp)

 

GOSPEL FOR VIETNAM

P.O. Box 570293

Dallas, TX 75357, U.S.A

Bài trước:

SỰ THỰC HỮU CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Bài tham khảo:

https://huongdionline.com/2015/11/24/dao-duc-co-doc/

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn