Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / TÌNH YÊU QUA NHỮNG BÔNG LÚA SÓT

TÌNH YÊU QUA NHỮNG BÔNG LÚA SÓT

bongluasot

Ba giờ sáng từ Bình Tân, Sài Gòn chiếc ô tô Honda Accord bốn chỗ đời 1995 bắt đầu lăn bánh hướng về miền Tây. Xe chạy qua Quốc lộ 1, vòng lên đường cao tốc Sài Gòn –Trung Lương và dừng lại ở Tiền Giang cho mọi người nghỉ ngơi, uống cà phê, ăn sáng.

Nơi đến của Đoàn công tác ngày hôm ấy sẽ là vùng đất mũi Cà Mau – vùng cực Nam của tổ quốc.

Trung Hưng lái xe và cùng đi với ba người bạn đồng hành. Bốn người này thực hiện mục vụ BÔNG LÚA SÓT – một công tác giúp đỡ người nghèo trên khắp mọi miền đất nước.

Mục sư Nguyễn Thành Tín – trưởng đoàn bắt đầu câu chuyện trên xe:

– Các bạn biết đấy, từ khi khởi động mục vụ Bông Lúa Sót thì bạn bè, thân hữu và nhiều ân nhân Cơ đốc đã hỗ trợ chúng ta làm công tác này. Mục vụ này sẽ cứ tiếp tục khi chúng ta trung tín trong sự cầu nguyện và vận hành nó cách cẩn trọng để làm vinh hiển danh Chúa.

Hồng Duyên, cô gái duy nhất trong nhóm lên tiếng:

– Xin Mục sư nói rõ hơn, trung tín trong sự cầu nguyện và vận hành nó cách cẩn trọng nghĩa là gì?

Một thoáng ưu tư trên khuôn mặt của Mục sư Tín:

– Tôi đề nghị thầy truyền đạo Việt Hùng trả lời câu hỏi này.

Việt Hùng vuốt lại mái tóc bị gió thổi bay phất phơ rồi ôn tồn giải thích:

– Chúng ta đã cầu nguyện xin Chúa ban phước cho mục vụ này. Đây là một trong các công tác phục vụ người nghèo. Chúng ta tiếp nhận những bông lúa sót từ các vụ mùa thu hoạch của nhiều người, rồi điều phối nó ra cho những anh chị em đang có nhu cầu. Bông lúa sót là những gì mọi người chủ động để dành lại trong các thu nhập của mình và ban phát nó ra cho người nghèo theo Lê-vi-ký 23:22. “Khi các ngươi gặt lúa trong xứ mình, chớ gặt tận đầu đồng, và chớ mót lúa sót lại; hãy để phần đó cho người nghèo và cho kẻ khách ngoại bang: Ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của các ngươi.” Chúa đã ban phước cho mục vụ này của Ngài trong suốt một năm qua. Ngài đã đáp lời cầu nguyện chu cấp cho những nhu cầu của mục vụ. Trung tín trong sự cầu nguyện có nghĩa là tiếp tục trông đợi Chúa cảm động lòng của nhiều người tham gia vào mục vụ, đồng hành cùng với chúng ta. Năm vừa qua chúng ta đã tiếp nhận 6 lần sự đóng góp của cô Mỹ Hương ở Tam Kỳ. Tại sao cô ấy sẵn lòng với mục vụ như vậy? Tôi nghĩ là Chúa Thánh Linh đã thôi thúc tấm lòng cô ấy hành động như thế. Còn vận hành nó cách cẩn trọng có nghĩa là chúng ta phải cùng làm việc với Đức Thánh Linh. Bởi vì chỉ khi chúng ta được Đức Thánh Linh hướng dẫn trong từng chi tiết của mục vụ, lúc đó tính chất cẩn trọng sẽ bày tỏ. Còn nếu chúng ta làm việc bằng sự khôn ngoan tính toán của mình, mục vụ này sẽ đi đến chỗ kết thúc.

Hồng Duyên mỉm cười:

– Cám ơn thầy Việt Hùng. Bây giờ em đã hiểu ra vấn đề này.

Xe chạy xuyên qua những thị trấn, làng mạc, đồng ruộng. Mặt trời bắt đầu lên cao. Trung Hưng đóng kín 4 cửa sổ của xe và bật máy lạnh. Một thoáng yên lặng trong xe, mọi người bắt đầu thấm mệt khi xe chạy qua khỏi cầu Cần Thơ, tài xế mở ổ đĩa CD và giọng ca ngọt ngào của Dalena như muốn ru hồn ai vào giấc ngủ. Mọi người có thể chợp mắt trên chặng đường xa, nhưng Trung Hưng thì tỉnh như sáo đều khiển xe lao vun vút qua  những cánh đồng với vận tốc cho phép dưới 80km/h. Khi vào các khu thị trấn và dân cư, ô tô không được phép chạy quá 50km/h. Có nơi chỉ được chạy dưới 30km/h. Tài xế luôn chú ý những biển báo giao thông trên đường. Phải cảnh giác với những “anh hùng núp” ở đâu đó với camera ghi hình và máy bắn tốc độ, nếu không những lái xe lơ mơ có thể bị phạt dễ dàng. Trung Hưng hiểu rõ điều này nên anh luôn luôn điều khiển xe dưới tốc độ cho phép.

bonglua 4

Mười một giờ trưa hôm ấy thành phố Cà Mau hiện ra trước mắt mọi người. Sau khi ăn trưa bên đường, ô tô chạy về hướng Huyện Sử cách trung tâm thành phố chừng 40 km. Hai giờ chiều cả nhóm gởi ô tô và nhờ một chị em địa phương dẫn đường. Chị Liên sử dụng xuồng độc mộc chở cả bốn người qua bên kia bờ Kênh Xáng của Huyện Thới Bình vào sâu trong làng Trí Phải. Điểm dừng chân công tác của nhóm mục vụ Bông Lúa Sót là đây.

Một khu xóm quê nghèo với những căn nhà tạm bợ che chắn bằng tre nứa, lợp tôn, lá hiện ra trước mắt mọi người. Đường vào làng là đất nện hai bên trồng mía và chuối. Phương tiện di chuyển chủ yếu ở nơi đây là xe đạp và xuồng. Ba người đàn ông trong Đoàn công tác lỉnh kỉnh với những bao quần áo và lương thực mang theo. Chỉ có Hồng Duyên tương đối nhẹ nhàng với ba-lô du lịch và lủng lẳng trên cổ là 2 chiếc camera xinh xắn.

Người dân nơi đây có câu ngạn ngữ này: “Khôn ở trại, dại ở nhà.” Vì vậy mà trong cả làng chẳng thấy một ngôi nhà nào ra dáng cả. Chị Liên nói rằng khi mùa nước lũ đi qua thì mọi thứ đều ngập hết, chỉ thấy mênh mang biển nước. Vùng đất này là vậy. Những người mà thu nhập ổn định thì tìm đến định cư ở những vùng đất cao hơn. Rốt lại chỉ có dân nghèo là còn bám trụ tại nơi đây. Đa số là làm thuê cho những điền chủ khác.

Thầy truyền đạo trẻ tuổi Việt Hùng thấm mệt, vì anh chàng này phải gánh vác một trọng lượng hàng hóa nhiều nhất trong đoàn. Hồng Duyên mỉm cười với anh:

– Để em vác dùm cho thầy một bao tải nhé!

– Ồ, không dám. Phụ nữ phải được ưu tiên trong chuyến đi này. Tôi ráng được mà.

Hồng Duyên nhìn thấy chiếc áo sơ-mi trắng của Việt Hùng đã thấm đẫm mồ hôi. Cô gái cảm thấy ái ngại cho chàng thanh niên này:

– Thôi thì để em xách cho thầy cái túi nhỏ này vậy.

– OK, nếu đó là sự tình nguyện của em.

Trung Hưng mỉm cười:

– Cái này gọi là chia sẻ gánh nặng cho nhau đấy. Tôi thấy hai người hiểu ý nhau rất tốt.

Không có điều gì giữa Hồng Duyên và Việt Hùng có thể qua mắt anh chàng tài xế láu lỉnh này. Đã đi qua 30 mùa thu lá bay nhưng Trung Hưng vẫn chưa có một bóng hồng nào đứng phía sau. Mặc dù thích Hồng Duyên là một nữ sinh viên chuyên ngành du lịch mới ra trường, nhưng Trung Hưng ngần ngại không dám phát tín hiệu trước. Trung Hưng có nếp suy nghĩ bình thường: “Mình chỉ tốt nghiệp Trung cấp cơ khí ô tô, có thể nào dám mơ tưởng đến cô bạn gái xinh đẹp tốt nghiệp Đại học kia” Thôi thì đành vậy! “Cầu mong em có được người tình như tôi đã yêu em!” Trung Hưng tự cho mình cao thượng như thế đó. Thường ngày lái xe xuôi ngược trên những tuyến đường xa, hôm nay ở miền Tây, ngày mai lại ra Trung, không biết đến bao giờ chàng trai này mới tìm được cho mình một nửa kia của cuộc đời.

Chị Liên, người dẫn đường cắt ngang suy nghĩ của Trung Hưng:

– Bây giờ chúng ta sẽ thăm viếng gia đình đầu tiên.

Cả nhóm bắt đầu thăm viếng từng ngôi nhà trong xóm. Họ biếu tặng quần áo, lương thực, các quyển booklet giới thiệu về Tin Lành và Tân Ước.

– “Các anh chị từ đâu đến vậy?” Tiếng của một cụ già đang lom khom bên hàng chuối.

– “Chúng tôi là nhóm mục vụ Bông Lúa Sót, chuyên về công tác từ thiện giúp đỡ cho người nghèo.” Mục sư Tín trả lời.

– Vậy thì mời đến nhà tôi uống nước đã. Tôi muốn nghe quí vị nói chuyện.

Thế là cả nhóm bước vào một căn nhà phong phanh lợp bằng tôn, bốn bức tường làm bằng vật liệu tổng hợp đủ thứ gồm: nhựa, ni-lông, áo mưa, tre lá… Phải cúi xuống mới vào được bên trong vì chủ nhân của nó thiết kế cửa ra vào với một chiều cao khiêm tốn chừng 1,4m, trong khi người thấp nhất trong đoàn là Hồng Duyên đã cao đến 1,52m.

Vào bên trong ngôi nhà là những con người ra đi với một sứ mạng hết sức bình thường: chia sẻ một ít bông lúa sót cho người nghèo, tiếp xúc với họ và trình bày về Phúc Âm. Chân lý của Phúc Âm không bao giờ trở nên lỗi thời. Vấn đề là làm thế nào để giới thiệu nó đến cho mọi tầng lớp người trong xã hội. Đối với những người ở vùng đất này thì chia sẻ cho họ một ít y phục, thức ăn trước rồi nói chuyện sau có vẻ như phù hợp. Mục sư Tín biết khải tượng của mình, ông viết nó ra trên Facebook và nhiều người đọc được điều đó. Hồng Duyên, Trung Hưng, Việt Hùng là những Cơ đốc nhân tình nguyện gia nhập với mục vụ của ông thông qua sự giới thiệu trên Facebook để đem Tin Mừng đến cho mọi người – mà đặc biệt là những người nghèo.

Những câu chuyện thăm hỏi chân tình bên cạnh những gói quà “của ít lòng nhiều” cộng với sự cầu nguyện trước chuyến đi, cuối cùng cũng đem lại kết quả. Sáu gia đình cầu nguyện tiếp nhận Chúa trong buổi chiều hôm đó. Lương thực và quần áo đã được phân phát xong. Cả nhóm về lại thành phố Cà Mau nghỉ ngơi, chuẩn bị cho ngày mai tiếp tục cuộc hành trình đến Trà Vinh.

Trung tâm thành phố Cà Mau buổi tối sáng rực ánh đèn không khác lắm so với các quận ngoại ô Sài Gòn. Đây rõ ràng là một thành phố trẻ đang lên. Có cả một khu chợ đêm với đủ các loại hàng hóa. Qua đêm tại nhà nghỉ Công đoàn, sáng hôm sau tiếp nhận thêm quần áo, thực phẩm từ Sài Gòn chuyển lên, Trung Hưng lái xe đưa mọi người về Cần Thơ rồi từ đó qua Trà Vinh – một địa danh nổi tiếng với những ngôi chùa cổ kính đồ sộ của người Khơ-me.

Việt Hùng vừa mới tốt nghiệp cử nhân Thần học. Trong khi còn chờ đợi để được giới thiệu về một Hội Thánh nào đó, Hùng đã tham gia nhóm mục vụ Bông Lúa Sót. Cùng lúc đó Hồng Duyên cũng vừa mới xong chương trình Đại học. Hai người bạn này gặp nhau vì có chung một khải tượng: Rao giảng Phúc Âm cho người nghèo. Miệt mài bốn năm ở trường Kinh Thánh, Hùng thuộc mẫu người “chỉ biết lo học, không dám yêu”, vì thế mà bị một số bạn bè trêu chọc là con mọt sách. Bây giờ lần đầu tiên trong một chuyến đi  xa lại được sánh vai ngồi bên cạnh một cô gái xinh đẹp, Hùng có lúc hơi  bối rối. Hồng Duyên có vẻ tự nhiên hơn và cô gái này thường chủ động nói chuyện với Việt Hùng trước:

– Thầy Hùng có bao giờ đến Trà Vinh chưa vậy?

– Đây là lần đầu tiên.

– Hy vọng cảm nhận của thầy về Trà Vinh lần này sẽ thú vị lắm đây!

– I hope so. Hùng buông ra một câu tiếng Anh ngập ngừng.

– How do you think of Ca mau?

Bác tài xế ngồi phía trước đằng hắng giọng:

– Đề nghị hai bạn nói Tiếng Việt.

Cả bốn người cùng phá lên cười. Mục sư Tín, người anh cả luôn luôn đưa mọi người trở về với trạng thái cân bằng:

– Cà Mau hay Trà Vinh gì cũng thế thôi. Đối tượng công tác của chúng ta không phải là những địa danh nhưng là những con người. Mà con người thì ở đâu cũng thế. Mọi người đều có một mẫu số chung là muốn được người khác sẻ chia, an ủi. Khi mình làm tốt việc này thì ánh sáng của Phúc Âm sẽ lan tỏa. Các món quà của Bông Lúa Sót chỉ là những phương tiện để chúng ta đến với những anh chị em kém may mắn. Mục đích của chúng ta phải là linh hồn của họ. Các bạn phải tỉnh táo, chúng ta không thỏa mãn khi nhìn thấy niềm vui tạm bợ của họ trước những món quà, nhưng chúng ta phải đi xa hơn nữa, đó là linh hồn của họ phải được nước hằng sống làm thỏa mãn nỗi khát khao.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA
OLYMPUS DIGITAL CAMERA

(Một gia đình tiêu biểu ở Cà Mau)

Trung Hưng xen vào:

– “Mục sư giải thích rất rõ, tôi chỉ lo hai người ngồi ở ghế sau lạc mất khải tượng.”

– “Nè anh kia, anh dám nói chúng tôi thế sao?” Hồng Duyên phản công lại.

– Ồ không, tôi chỉ lo cho hai bạn thôi. Chứ tôi đâu có dám nói là hai bạn sẽ như thế.

…..

Câu chuyện trên xe tiếp tục và mọi người đến Trà Vinh lúc nào không hay. Trên  đường phố thỉnh thoảng xuất hiện những chiếc Honda hai bánh được chế tác thêm cái ghế của xe xích lô phía sau dùng để chở người. Những con  kênh rạch với những chiếc ghe xuôi ngược, chùa chiền… hiện ra trước mắt mọi người.

bonglua 3

Mục sư Tín gọi  điện thoại liên lạc với một anh em địa phương. Lần này Quốc Anh, một Mục sư trẻ của Hội Thánh Ngũ Tuần dẫn đường. Từ thành phố Trà Vinh ô tô chạy thêm 30km nữa để vào trong các khu vực nông thôn. Tại đây cả nhóm lại tiếp tục với công việc như đã làm ở Cà Mau hôm qua. Khi đến thăm nhà chị Út Tư, một tín hữu ở Huyện Châu Thành, chủ nhà ngỏ ý mọi người cầu nguyện  cho bệnh đau chân của chị. Thế là cả nhóm cùng quì gối xuống sàn nhà và đặt tay cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho chân trái của chị. Sau 15 phút cầu nguyện, Mục sư Tín hỏi Út Tư:

– Chị thấy thế nào sau khi được cầu nguyện.

– Tôi có cảm giác dễ chịu một chút nhưng chân vẫn còn đau.

Mọi người cầu nguyện thêm cho Út Tư một lần nữa. Và lạ lùng thay sau lần cầu nguyện thứ 2, Út Tư có thể tự di chuyển được mà không cần dùng đến gậy như lúc trước, mặc dù  chân bên trái của chị vẫn còn một chút ngập ngừng. Mục sư Tín giải thích:

– Chúa Jesus đã chữa lành chân trái của chị. Sự chữa lành là một tiến trình, chị nên tiếp tục ca ngợi Chúa và sống nếp sống ngay thẳng. Nếu có tội lỗi nào chị phải xưng nhận với Chúa và từ bỏ. Xin Chúa ban phước cho chị.

Chia tay với chị Út Tư, Hồng Duyên hỏi Mục sư Tín:

– Tại sao có trường hợp bị bệnh giống như chị Út Tư nhưng không được chữa lành.

– Sự chữa lành là một huyền nhiệm. Ngay cả Kathryn Kuhlman cũng không có câu trả lời. Câu trả lời ở đây là: Tôi không biết, chỉ có Chúa biết. Nhưng khi chúng ta mắc một bệnh tật nào đó, dĩ nhiên chúng ta nên trông đợi Chúa chữa lành. Ngài là Đấng chữa lành – chân lý này không bao giờ thay đổi.

Không có nhiều thời gian để Mục sư Tín đi sâu vào những vấn đề thuộc phạm vi sự chữa lành thiên thượng. Hồng Duyên cũng không hoàn toàn thỏa mãn với câu trả lời của Mục sư Tín. Trong lúc đó Trung Hưng hối thúc mọi người lên xe, vì tất cả các  món quà và sách vở đã phân phát xong. Những thân hữu tiếp nhận Chúa trong chuyến đi được giới thiệu cho Mục sư địa phương Quốc Anh chăm sóc.

Trên đường trở về Sài Gòn, Hồng Duyên nói chuyện với Việt Hùng ở ghế sau. Đôi bạn trẻ này có vẻ như gần gũi hơn sau một chuyến công tác. Mục sư Tín tán gẫu với Trung Hưng đủ mọi chuyện để giúp anh tài xế này không buồn ngủ lạc tay lái. Mãi đến nửa đêm cả nhóm mới về tới Sài Gòn.

………

Một năm sau đó.

Việt Hùng kết hôn cùng Hồng Duyên. Mục sư Nguyễn Thành Tín làm chủ lễ. Trung Hưng tình nguyện làm phụ rể. Trong ngày vui của hai người, Trung Hưng lên tiếng:

– Tình yêu của các bạn bén duyên nhờ những bông lúa sót. Bản thân của Bông Lúa Sót là tình yêu bày tỏ qua hành động. Tôi không nghĩ rằng các bạn bày tỏ nhanh đến như vậy.

Hồng Duyên nhanh chóng tự bênh vực:

– Lời nói của anh Hưng lúc nào cũng có ý tứ châm chọc chúng em. Nhưng xin đừng lẫn lộn tình yêu bày tỏ qua hành động của Bông Lúa Sót với tình yêu của  chúng em. Anh phải nói như thế này: Nhờ có Bông Lúa Sót mà Duyên mới tìm được người chồng như ý. Còn phần anh, Duyên chúc anh tìm được Ê-va của mình. Anh phải nhớ là tình yêu của Bông Lúa Sót khác biệt với tình  yêu nhờ mục vụ Bông Lúa Sót. Hiện nay Duyên đang xây dựng một trang web: bongluasot.wordpress.com. Trong trang Web này Duyên sẽ mời anh đóng góp bài vở cho mục: “Y sác gặp Rê-be-ca.” Anh có sẵn lòng không?

bong lua

– Okay, nếu Duyên tin tưởng ở anh. Anh đã từng học qua một khóa học về Tâm Lý đấy.

Một niềm vui nhỏ đến với Trung Hưng. Anh hy vọng mình có thể giúp Duyên làm một việc nào đó trong tương lai. Trung Hưng không biết mùa Xuân của mình ở đâu, nhưng thôi thì cứ kiên nhẫn vậy. Không biết hồi đó mình có nhút nhát hay không mà không dám tỏ tình với Hồng Duyên trước, để bây giờ người ấy đã sang sông…

TƯỜNG VI

Bài viết liên quan:

 https://huongdionline.com/2015/12/13/thu-cam-on-cua-muc-vu-bong-lua-sot/   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn