Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / A-BÊN

A-BÊN

LIFE SENTENCES

Warren W. Wiersbe

Bài 6

life sentences

A-BÊN

Bởi đức tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in, và được xưng công bình.”

Hêb. 11:4

Điều quan trọng trong cuộc sống không phải là những gì chúng ta hay người khác đánh giá về chính mình, nhưng là Đức Chúa Trời đánh giá chúng ta. Chúa là vị thẩm phán công minh có uy quyền tối hậu, khi Ngài xem xét và đánh giá tất cả những động cơ, lời nói của chúng ta. Ngài phán với tiên tri Sa-mu-ên, “Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng” (1 Sam. 16:7).

Theo cách nhìn của con người, cả hai anh em A-bên và Ca-in, đều là những người con tốt, làm việc chăm chỉ và có nếp sống thực hành tôn giáo. Tuy nhiên theo nhãn quan của Đức Chúa Trời, tấm lòng Ca-in thuộc về ma quỉ, trong khi tấm lòng của A-bên thuộc về Chúa.

Đức Chúa Trời đánh giá A-bên là công bình qua đức tin của ông. Nếu chúng ta muốn được Chúa chấp nhận, chúng ta phải học bài học quí báu này.

SỰ CÔNG BÌNH ĐẾN BỞI ĐỨC TIN

“Bởi đức tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in, và được xưng công bình, vì Đức Chúa Trời làm chứng về người rằng Ngài nhậm lễ vật ấy” (Hêb.11:4). Đối tượng mà đức tin nhắm đến sẽ quyết định đức tin ấy có hiệu quả hay không. A-bên đã xác định đối tượng của đức tin là chính Đức Chúa Trời. Trước đó A-đam và Ê-va đã học biết rằng họ không thể nào lấy lá cây vả để che phủ thân thể tội lỗi của họ, đó chỉ là nỗ lực cá nhân. Sau khi vợ chồng A-đam phạm tội, Đức Chúa Trời đã giết một con chiên, Ngài lột da nó kết thành áo dài cho A-đam và Ê-va. Huyết vô tội đã phải đổ ra, và đó là chiếc áo công bình của Đức Chúa Trời mặc cho tổ phụ loài người (Sáng. 3:7; 21). Bằng một phương cách khó giải thích, A-bên đã học được bài học từ cha mẹ của mình, ông quyết định tin vào những lời phán dạy của Đức Chúa Trời. A-bên được cứu bởi đức tin và ông mặc lấy sự công bình của Đức Chúa Trời.

Sự công bình của Đức Chúa Trời được tiếp nhận bởi đức tin là lẽ thật căn bản được tìm thấy xuyên suốt kinh Thánh, bởi vì đây là con đường duy nhất mà qua đó Chúa cứu chuộc chúng ta.

“Áp-ram tin Đức Giê-hô-va, thì Ngài kể sự đó là công bình cho người” (Sáng 15:6). Đa-vít cũng viết trong Thi thiên, “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình,
Được khỏa lấp tội lỗi mình!
 Phước thay cho người nào Đức Giê-hô-va không kể gian ác cho,
Và trong lòng không có sự giả dối!” (Thi 32:1-2). Sứ đồ Phao-lô đã trưng dẫn Sáng 15:6 và Thi 32:1-2 trong chương bốn của thư tín Rô-ma để giải thích lẽ thật kỳ diệu vể sự xưng công bình bởi đức tin thông qua Chúa Jesus Christ. Trước đó tiên tri Ha-ba-cúc đã tuyên bố một lời gồm bảy từ mạnh mẽ, “Người công bình sống bởi đức tin” (Ha-ba-cúc 2:4). Câu này được trưng dẫn lần nữa trong Rô-ma 1:17, Ga-la-ti 3:11 và Hê-bơ-rơ 10:37-38.

Đức Chúa Trời chấp nhận đức tin của A-bên  bởi vì ông đã dâng một của lễ đúng nghĩa. Phao-lô đã giải thích rõ ràng điều này trong Rô-ma 5:9, “nay chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công bình”. Sự xưng công bình không đơn giản là Đức Chúa Trời nhanh chóng lau sạch hồ sơ tội lỗi của con người chúng ta một cách vô điều kiện. Trước đó Đức Chúa Trời đã cảnh báo tổ phụ loài người là họ sẽ chết nếu bất tuân mạng lệnh của Ngài, vì vậy sự xưng công bình là vấn đề của  sự sống và sự chết. Chúa Jesus đã mang lấy tội lỗi của chúng ta khi Ngài chết trên thập tự giá, và khi chúng ta đặt đức tin vào Ngài chúng ta được mặc lấy sự công bình của Ngài. Sự xưng công bình cần phải có một giá để trả. Chúa Jesus đã trả giá đó thay cho chúng ta.

SỰ CÔNG BÌNH DẪN ĐẾN NHÂN CÁCH TỐT VÀ VIỆC LÀM TỐT

Sự công bình riêng sai trật của Ca-in được che đậy trong chiếc áo của những hoạt động tôn giáo. Người có động cơ không chính đáng có thể đến bàn thờ dâng của lễ, rồi sau đó quay lưng đi ra giết anh em mình, nhưng người tín hữu chân thật thì để của lễ trước bàn thờ, trở về giảng hòa với anh  em trước đã rồi mới đến dâng của lễ (Ma-thi-ơ 5:23-24). A-bên đã kinh nghiệm sự thay đổi bên trong bởi đức tin, và kết quả của điều này là ông có được một nhân cách tốt và việc làm tốt. Còn Ca-in đã để cho sự lừa dối cai trị, hệ quả của nó là ông sống trong sự giả hình, trong khi đó A-bên kinh nghiệm “ân điển cai trị bởi sự công bình” (Rô-ma 5:21).

Tại sao Ca-in giết em trai của mình? “Bởi việc làm của Ca-in là dữ, còn việc làm của em người là công bình” (1 Giăng 3:12). Chúng ta không biết dấu hiệu nào cho biết  Đức Chúa Trời chấp nhận của lễ từ A-bên dâng lên, có lẽ lửa đến từ thiên đàng thiêu đốt của lễ hay là Chúa đã phán rõ ràng trong sự kiện này? Danh từ  số nhiều “offerings” trong Hê-bơ-rơ 11:4 có thể hàm ý rằng mỗi lần A-bên dâng của lễ tại bàn thờ ông được sự chấp nhận từ thiên thượng, và Ca-in có lẽ đã ghi nhận điều này vì thế ông càng trở nên giận dữ và phẫn uất. “By faith Abel brought God a better offering than Cain did. By faith he was commended as righteous, when God spoke well of his offerings. And by faith Abel still speaks, even though he is dead (Heb 11:4).

Thật là một điều đáng thương cho Ca-in, khi ông đến thờ phượng Đức Chúa Trời rồi ra về với một tấm lòng nung đốt những ý tưởng giết người!

Bạn có thể đặt câu hỏi cho Ca-in, bạn sẽ khám phá là thần học của ông nghe có vẻ hợp lý. Ca-in tin vào Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo mọi điều. Ông tin rẳng Đức Chúa Trời mong đợi sự thờ phượng và lời tạ ơn từ con người. Ca-in cho rằng cả ông và người em trai đều làm việc chăm chỉ để chia sẻ gánh nặng trong gia đình và giống nhau trước mặt Chúa. Nhưng ma quỉ cũng tin có một Đức Chúa Trời, tuy nhiên chúng nó run sợ và không được cứu (Gia-cơ 2:19). Trong sự kiện này có một vài điều Ca-in đã không làm theo ý Chúa. Đó là lý do mà sứ đồ Gia-cơ nói, “xác chẳng có hồn thì chết, đức tin không có việc làm cũng chết như vậy” (Gia-cơ 2:26).

Đức tin chết là đức tin lừa dối, nhưng nó không thể lừa dối Đức Chúa Trời. Đức tin thật nhận được sự cứu rỗi khiến cho người tín hữu trở nên một tạo vật mới. Người đó trao quyền cai trị đời sống cho một ông chủ mới, anh (chị) ta có những ưu tiên mới trong cuộc sống, anh ta có những động cơ và tình cảm mới với Đức Chúa Trời và những người chung quanh. Đức Chúa Jesus gọi A-bên là “người công bình” (Ma-thi-ơ 23:35), và sứ đồ Giăng cũng xác định hành động của A-bên được kể là công bình. Trong nhân cách và hành vi A-bên đã bày tỏ ông là người công bình.

SỰ CÔNG BÌNH DẪN ĐẾN LỜI CHỨNG TỐT

Sự công bình của A-bên không chỉ được tìm thấy trong đời sống và sự thờ phượng nhưng cũng trong sự chết của ông. A-bên đã bị giết chết bởi vì sự trung tín của ông trong hành động thờ phượng và hầu việc Đức Chúa Trời. Ông đã bị giết bởi một thành viên trong gia đình (Ma-thi-ơ 10:36). Ca-in là người con trai đầu lòng, nhưng Đức Chúa Trời đã bỏ qua Ca-in để chọn người em trai của ông làm hình bóng thực hiện lời hứa về Đấng cứu chuộc. Đây là hành động Chúa vẫn thường làm trong lịch sử tuyển dân. Trong Sáng thế ký 17:17-20, Đức Chúa Trời đã từ chối Ích-ma-ên, con đầu lòng của Áp-ra-ham mà chọn Y-sác. Và rồi sau đó Ngài cũng bỏ qua Ê-sau, con đầu lòng của Y-sác để ban ân huệ cho Gia-cốp. Gia-cốp đã đổi chỗ của Ru-bên là con trai đầu của ông với Lê-a mà chọn Giô-sép là con trai của ông với Ra-chên (Sáng 49:1-4). Sau đó Gia-cốp cũng đã chọn Ép-ra-im là đứa cháu nhỏ hơn thay vì Ma-na-se để chúc phước lành (Sáng 48:15-50). Thông điệp nào được đưa ra từ những câu chuyện này? Đức Chúa Trời từ chối đứa con đầu lòng, vì vậy chúng ta cần đứa con thứ hai được sinh ra từ thiên thượng (Giăng 3:3-7), nếu chúng ta  muốn vui hưởng sự ban phước của Đức Chúa Trời. Trong sự tể trị của Đức Chúa Trời, Ngài đã chọn những điều thấp kém để làm cho nó trở nên cao trọng (1 Cô-rin-tô 1:26-31).

Ca-in cố gắng che đậy tội lỗi kinh khủng của mình, nhưng tiếng của máu người em trai từ dưới đất kêu thấu đến Đức Chúa Trời. Điều này minh chứng Ca-in là kẻ đã ra tay với em mình (Sáng 4:9-12).

Trong Tiếng Anh, từ “ người tuận đạo – martyr” có nguồn gốc từ một từ Hy lạp là “chứng nhân – witness”. Người tuận đạo là người phó dâng mạng sống mình để trở thành chứng nhân cho Đức Chúa Trời. A-bên là một chứng nhân – tuận đạo cho Chúa. Ông là người tuận đạo đầu tiên được Kinh Thánh ghi lại.

A-bên có nghĩa là “hư không” hay “không có ý nghĩa.” Nó tương tự như từ ngữ mà Sa-lô-môn đã sử dụng trong sách Truyền đạo ít nhất  ba mươi tám lần. Một trong những giáo sư Đại học của tôi đã giải thích từ A-bên có nghĩa là: “những gì còn lại sau khi bong bóng xà phòng tan vỡ.” Tại sao A-đam và Ê-va đã chọn tên đó để đặt cho đứa con trai thứ hai của họ vẫn còn là một huyền nhiệm? Có lẽ đời sống của họ sau khi rời khỏi vườn Ê-đen đã trở nên vô nghĩa trong một thế giới gian ác, vì vậy họ đặt tên cho con trai mình như thế?

Một trong những giáo sư Đại học của tôi đã giải thích từ A-bên có nghĩa là: “những gì còn lại sau khi bong bóng xà phòng tan vỡ.” Tại sao A-đam và Ê-va đã chọn tên đó để đặt cho đứa con trai thứ hai của họ vẫn còn là một huyền nhiệm? Có lẽ đời sống của họ sau khi rời khỏi vườn Ê-đen đã trở nên vô nghĩa trong một thế giới gian ác, vì vậy họ đặt tên cho con trai mình như thế?

Nhưng sự sống và cái chết của A-bên thì không vô nghĩa hay trở thành một thảm kịch, vì A-bên đã được liên hiệp với Chúa Jesus Christ. Là những tín hữu, chúng ta đến “gần Đức Chúa Jêsus, là Đấng trung bảo của giao ước mới, và gần huyết rưới ra, huyết đó nói tốt hơn huyết của A-bên vậy.” (Hêb. 12:24). Trong khi huyết của A-bên từ dưới đất kêu vang tới Đức Chúa Trời thì huyết của Chúa Jesus bày tỏ lòng thương xót và sự tha thứ từ thiên đàng. Bởi vì Chúa Jesus  “đã vào nơi rất thánh một lần thì đủ hết, không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời” (Hêb. 9:12). A-bên đã chết như một người tuận đạo nhưng Chúa Jesus đã chết như một người chiến thắng và sống lại trở về trời trong vinh hiển.

Ao ước cháy bỏng của sứ đồ Phao-lô là Đấng Christ được tôn vinh trong thân thể ông: “dầu tôi sống hay chết, Đấng Christ sẽ được cả sáng trong mình tôi” (Phil 1:20). Và đó là những gì mà vị sứ đồ viết cho chúng ta trong 1 Cô-rin-tô 15 đề cập đến sự phục sinh kỳ diệu. Và đến câu cuối của chương 15, ông kết luận: “Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu” (1 Côr. 15:58).

“Hư không của sự hư không, hư không của sự hư không, thảy đều hư không.” Vua Sa-lô-môn đã viết như thế trong phần mở đầu của sách Truyền đạo. Đời sống là A-bên (hư không) từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc?

Không phải như vậy! Sứ đồ Phao-lô nói, “công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu” khi anh em phục vụ Chúa.

Đấng Christ đã phục sinh trong vinh hiển. A-bên đã được bào chữa là công bình trước mặt Chúa.

 

 

Translated by Tuong Vi

Các bài trước:

Bài 1:   https://huongdionline.com/2015/10/11/gie-ho-va-duc-chua-troi/
Bài 2:   https://huongdionline.com/2015/10/13/lucifer/

Bài 3:  https://huongdionline.com/2015/10/22/a-dam/

Bài 4:  https://huongdionline.com/2015/11/13/e-va/
Bài 5:  https://huongdionline.com/2015/11/05/ca-in/

Warren-Wiersbe_7

Warren Wendel Wiersbe là một mục sư, một giáo sư, một nhà văn, một nhà thần học và là một học giả về Kinh Thánh.   Mục sư Warren W. Wiersbe đã xuất bản hơn 150 cuốn sách.  Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông là bộ sách Be Series, gồm 50 cuốn,  mang các tựa đề như Be Real, Be Alert, Be Rich, Be Obedient, Be Hopeful, Be JoyfulBe Right, Be Ready, Be Successful, Be Free, Be FaithfulBe Mature, Be Confident, Be Complete,…   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn