Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / HÃY TRẢ CHO SÊ-SA

HÃY TRẢ CHO SÊ-SA

HAY TRA

Dũng được cha mẹ gởi vào Trung Tâm Huấn Luyện Kinh Thánh tại Sài Gòn sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Tại đây nó sẽ học Thần học và các môn thực hành truyền giáo trong ba năm.

Trong chương trình học của nó qui định mỗi buổi sáng các sinh viên phải thức dậy từ lúc năm giờ ba mươi để cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa với nhau. Tuần này đến lượt Dũng được phân công chia sẻ Lời Chúa, nó chọn phần Kinh Thánh này:  “Bấy giờ người Pha-ri-si đi ra bàn luận với nhau, để kiếm cách bắt lỗi Đức Chúa Jêsus về lời nói.  Họ sai môn đồ mình với đảng vua Hê-rốt đến thưa cùng Ngài rằng: Lạy thầy, chúng tôi biết thầy là thật, và theo cách thật mà dạy đạo của Đức Chúa Trời, không tư vị ai; vì thầy không xem bề ngoài của người ta. Vậy, xin thầy nói cho chúng tôi, thầy nghĩ thế nào: Nộp thuế cho Sê-sa là hợp pháp hay không?  Đức Chúa Jêsus biết ý xấu của họ, bèn đáp rằng: Hỡi những kẻ đạo đức giả, sao các ngươi thử ta?  Hãy đưa cho ta xem đồng tiền nộp thuế. Họ đưa cho Ngài một đơ-ni-ê.  Ngài liền phán rằng: Hình và hiệu nầy của ai?  Họ trả lời: Của Sê-sa. Ngài phán rằng: Vậy, hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa; và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời.  Họ nghe lời ấy, đều kinh ngạc, liền bỏ Ngài mà đi.” (Ma-thi-ơ 22:15-22)

Theo những gì Dũng được trang bị trong năm thứ nhất, muốn giải thích Kinh Thánh nó phải cầu nguyện tìm kiếm sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh, rồi sau đó sẽ lần lượt đi theo các bước: quan sát, giải nghĩa, phân tích, áp dụng phần Kinh Thánh đó cho chính mình và những người khác. Một điều không kém phần quan trọng là phải đối chiếu sự giải kinh của cá nhân với các giáo sư Cơ đốc chính thống khác để tránh cực đoan khi đi ngược lại với những người khổng lồ thuộc linh. Dũng được dạy rằng phải đứng trên vai những giáo sư Kinh Thánh có uy tín được cộng đồng Cơ đốc chấp nhận, để rồi từ đó phát triển những ý tưởng của họ. Trước khi đứng lên chia sẻ phần Kinh Thánh trên đây, Dũng đã tìm đến nói chuyện với vị mục sư quản lý ký túc xá sinh viên. Ông vốn có một kiến thức quân bình về mọi quan điểm Thần học, đã được các bạn sinh viên gọi một cách thân mật là “sứ đồ Giăng”, có lẽ vì ông rất yêu mến sinh viên, năm khi mười họa mới thấy ông làm bộ mặt nghiêm nghị với sinh viên trong khu nội trú. Bình thường ông rất xuề xòa vui tính.

“Thưa mục sư, con muốn tham vấn ý kiến của ông về phần Kinh Thánh trong sách Ma-thi-ơ 22:15-22.””  Dũng lễ phép thưa chuyện với mục sư Tùng – là người có nickname sứ đồ Giăng.

Được rồi, con hãy ngồi xuống và chúng ta bắt đầu câu chuyện.” Mục sư Tùng nói với Dũng và rồi ông đơn sơ cầu nguyện:” Lạy Chúa Thánh Linh, xin dạy dỗ hai anh em chúng con vào lúc này, đặc biệt là khi chúng con đối diện với Lời Chúa. Con cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen.””

mat 22

Dũng cũng Amen theo và nó ngồi nghiêm chỉnh bắt đầu câu chuyện với “sứ đồ Giăng”. Mục sư Tùng chậm rãi phân tích. Trước tiên chúng ta phải hiểu bối cảnh của câu chuyện trên đây. Khi Chúa Jesus thi hành chức vụ trên đất, Ngài luôn gặp sự chống đối từ phía những người Pha-ri-si. Họ là những người lãnh đạo và đại diện của Do Thái Giáo thời bấy giờ. Có khoảng sáu ngàn người Pha-ri-si vào lúc đó, họ am hiểu Cựu Ước và dường như có một đời sống mẫu mực theo cách bề ngoài, nhưng bên trong lại chất chứa những điều gian ác mà Chúa Jesus đã mạnh mẽ lên án họ là những kẻ đạo đức giả. Người Pha-ri-si đã sai các môn đồ của họ đi cùng với những người thuộc đảng vua Hê-rốt để tìm cách gài bẫy Chúa Jesus trong lời nói, mặc dù nhóm Pha-ri-si và phe đảng của vua Hê-rốt vốn không ưa gì nhau. Nhưng trong trường hợp này họ đã cùng liên minh để triệt hạ chức vụ của Chúa Jesus.  Những người Pha-ri-si lặng lẽ đứng phía sau và tính toán rất kỹ cho mọi tình huống có thể xảy ra khi Chúa Jesus phải trả lời câu hỏi mang tính ‘kỹ thuật’ của họ: Nộp thuế cho Sê-sa là hợp pháp hay không? Nếu Chúa Jesus trả lời là: ‘Vâng, hợp pháp và các ngươi nên nộp thuế cho Sê-sa, khi đó họ sẽ tố cáo Chúa là người Do Thái mà lại không yêu nước.’ Trước đó khoảng 25 năm, một người Ga-li-lê tên là Giu-đa (Công vụ 5:37) đã lãnh đạo một phong trào của người Do Thái chống lại loại thuế thân này của đế quốc La Mã. Phong trào đó đã truyền cảm hứng cho những người Do Thái yêu nước đương thời. Họ xem việc nộp thuế thân cho Sê-sa là lệ thuộc vào hệ thống chính trị của kẻ ngoại bang và phủ nhận uy quyền tối thượng của Đức Chúa Trời. Vị hoàng đế Sê-sa của đế quốc La Mã đang cai trị người Do Thái, và những quan chức thâu thuế của họ thường bỏ túi riêng các khoản thuế thân thu được từ người Do Thái, nên những người Do Thái chính thống yêu nước có khuynh hướng chống lại hệ thống thuế của La Mã. Nhưng nếu Chúa Jesus trả lời rằng: ‘Không nên nộp thuế cho Sê-sa’, thì họ cũng sẽ bắt tội Chúa vì dám chống lại chính quyền đương thời. Rõ ràng đây là một cái bẫy được giăng ra để bắt Chúa. Chúa Jesus là Con Đức Chúa Trời, Ngài có thần của sự khôn ngoan và thông sáng, và Thánh Linh ở trong Ngài, nên trong tình huống này Chúa đã tháo ngòi nổ cách dễ dàng bằng những lời lẽ khôn ngoan: ‘Hỡi những kẻ đạo đức giả, sao các ngươi thử ta?  Hãy đưa cho ta xem đồng tiền nộp thuế.’ Họ đưa cho Ngài một đơ-ni-ê. Một đồng đơ-ni-ê là số tiền thuế của một người, có giá trị tương đương một ngày công lao động. Trên đó có chạm hình và hiệu của Sê-sa, mặt bên kia của đồng tiền chạm tượng nữ thần La Mã.  Ngài bèn phán rằng: ‘Hình và hiệu nầy của ai? ‘ Họ trả lời rằng: ‘Của Sê-sa.’ Ngài liền phán rằng: ‘Vậy, hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa; và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời.’ Nghe câu trả lời của Chúa họ ngỡ ngàng, kinh ngạc và họ đành câm miệng xấu hổ bỏ đi.”

Ðối với người Do Thái sử dụng đồng bạc của Sê-sa, Ðức  Chúa Jesus không hề ngăn cản họ nộp thuế cho chính quyền đương thời, như sau này có kẻ tố cáo Ngài (Lu-ca 23:2). Nếu Chúa Jesus trả lời phải nộp thuế cho Sê-sa, thì Ngài sẽ bị những người yêu nước thuộc phe Xê-lốt và nhiều người Do Thái khác đứng lên chống đối. Vì họ cho rằng việc nộp thuế đồng nghĩa với phản bội lại dân tộc và ủng hộ sự cai trị của thế lực ngoại bang. Nhưng nếu Ngài trả lời không nộp thuế thì Ngài sẽ bị áp giải đến tổng đốc La Mã và bị kết tội xúi giục dân chúng phản loạn chống lại sự cai trị của Sê-sa. Trong tình huống đó, Chúa Jesus đã nói lời khôn ngoan khiến cho những kẻ căm ghét Ngài phải nín lặng. Hãy xem Chúa Jesus đã dẫn dắt câu chuyện một cách chủ động và gởi đến cho những kẻ ghét Ngài một thông điệp: “sự đóng thuế cho chính quyền ngoại bang không mâu thuẫn với lòng trung thành đối với Đức Chúa Trời.”

Nghe đến đây Dũng liền hỏi mục sư Tùng:

“Thưa mục sư, ông đã phân tích câu chuyện này khá rõ ràng. Vậy con phải áp dụng như thế nào  phần Kinh Thánh này cho đời sống của mình? Những lĩnh vực nào thuộc về Sê-sa? Những lĩnh vực nào thuộc về Đức Chúa Trời?”

“Con đã có một câu hỏi rất cụ thể. Bây giờ chúng ta hãy nghĩ xem những gì thuộc về Sê-sa? Trước mắt họ là một đồng đơ-ni-ê có in hình và hiệu của Sê-sa. Rõ ràng đồng tiền kim loại này thuộc về Sê-sa, vậy các ngươi phải trả lại cho Sê-sa. Đây chính là thông điệp mà Chúa Jesus gởi đến cho họ. Nhưng Chúa đem những người gài bẫy Ngài đến Kinh một bình diện cao hơn: Hãy trả cho Đức Chúa Trời những gì thuộc về Ngài. Kinh Thánh nói về điều này như sau: “Đất và muôn vật trên đất, thế gian và những kẻ ở trong đó, đều thuộc về Đức Giê-hô-va” (Thi thiên 24:1). Nếu Kinh Thánh đã nói rõ ràng như thế, bây giờ chúng ta nghĩ đến câu hỏi này: ‘Có điều gì trên trái đất mà không thuộc về Chúa hay không?’ Chắc chắn là không. Vậy những gì thuộc về Chúa, chúng ta phải trả lại cho Ngài. Nói cụ thể hơn, chúng ta phải giao nộp cho Chúa những gì mà chúng ta nghĩ là của riêng mình như: sức khỏe, tiền bạc, thì giờ, gia đình, tài sản, con cháu… vân vân.. Sống trên trần gian này chúng ta không phải là người sở hữu những điều Chúa ban cho chúng ta – chúng ta chỉ là người quản lý. Vậy nên phải trả về cho Chúa hết. Một số người nhấn mạnh phải trả lại cho Chúa một phần mười và các của dâng theo sách Ma-la-chi chương thứ ba. Nhưng thực ra đó chỉ là cái tối thiểu mà tín nhân theo Chúa phải thực hiện, ngoài ra còn có những điều lớn hơn chúng ta cũng phải dâng về cho Chúa như: sự thờ phượng, sự ngợi khen, cầu nguyện, công tác rao giảng Phúc Âm… vân vân…Có biết bao nhiêu điều mà chúng ta còn mắc nợ Chúa thì phải trả hết cho Ngài. Có nghĩa là trong cuộc đời này chúng ta không có gì là thuộc về của riêng của chúng ta. Tất cả đều là của Chúa, kể cả hơi thở, nhịp tim, mạng sống, sức khỏe …..cũng thuộc về Chúa. Vậy thì hãy trả lại cho Đức Chúa Trời những gì thuộc về Ngài là một mạng lệnh bắt buộc mỗi Cơ đốc nhân, không loại trừ ai. Về điểm này con có thể suy nghĩ thêm qua sự gợi ý của ta như sau: Hình và hiệu của Sê-sa thì phải trả cho Sê-sa, vậy hình và hiệu của Đức Chúa Trời cũng phải trả lại cho Ngài. Mà con người chúng ta chính là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được, vậy chúng ta phải dâng lên cho Ngài những gì thuộc về Chúa. Bây giờ hãy nhìn xa hơn nữa, đồi núi, sông biển, thú rừng, cây cối, trăng sao trên trời và mọi vật thọ tạo khác trên cả vũ trụ này vốn thuộc về ai? Nếu chúng ta tin Chúa là Đấng sáng tạo thì tất cả những điều đó là của Ngài, tất cả phải được trả về cho Ngài. Nếu con người nắm giữ một trong những điều đó thì vô hình trung con người đã đối nghịch với Thiên Chúa. Trả lại cho Chúa tất cả mọi thứ có nghĩa là nhìn nhận chủ quyền tuyệt đối của Ngài trên cuộc đời mỗi chúng ta.”

Nếu con người nắm giữ một trong những điều đó thì vô hình trung con người đã đối nghịch với Thiên Chúa. Trả lại cho Chúa tất cả mọi thứ có nghĩa là nhìn nhận chủ quyền tuyệt đối của Ngài trên cuộc đời mỗi chúng ta.”

Mục sư Tùng dừng lại rồi trầm ngâm nhìn Dũng, ông đang đo lường khả năng tiếp thu của cậu sinh viên. Dũng hỏi thêm:

“Thưa mục sư, con muốn hiểu rõ hơn mệnh đề: Những gì thuộc về Sê-sa. Phục tùng tuyệt đối luật pháp của Sê-sa có phải là trả lại cho Sê-sa hay không? Ví dụ như Sê-sa đưa ra một qui định hay luật lệ ngược với Lời dạy của Chúa, khi ấy với tư cách là Cơ đốc nhân, chúng ta phải làm sao?”

“Con đã có một câu hỏi thông minh. Mới đây Tối Cao Pháp Viện của Hoa Kỳ đã thông qua luật kết hôn đồng tính trên toàn liên bang. Luật này rõ ràng là đi ngược với Kinh Thánh. Dĩ nhiên tín nhân chân chính không chấp nhận điều này vì nó đi ngược với qui luật tự nhiên của Thiên Chúa và vi phạm luật pháp của Ngài cách nghiêm trọng. Bây giờ con hãy nhớ đến trường hợp này trong sách Công Vụ: ‘Kế đó, quan coi đền thờ với các kẻ sai cùng đi đến nơi bắt và dẫn các sứ đồ đi, nhưng không dùng cách dữ tợn, vì sợ bị dân chúng ném đá;  và khi điệu các sứ đồ đi rồi, thì đem đến tòa công luận. Thầy cả thượng phẩm tra hỏi các sứ đồ, rằng:  Chúng ta đã cấm ngặt các ngươi, không cho lấy danh đó mà dạy dỗ, song các ngươi lại làm cho thành Giê-ru-sa-lem đầy dẫy đạo giáo mình. Vậy, các ngươi muốn khiến máu người ấy đổ lại trên chúng ta sao!  Phi-e-rơ và các sứ đồ trả lời rằng: Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta’ (Công vụ 5:26-29).

acts

Trong câu chuyện này sứ đồ Phi-e-rơ và những bạn đồng lao khác đã chọn lựa nói ‘Vâng’ đối với Lời Đức Chúa Trời, và nói Không đối với những qui định của giáo quyền hay con người. Giả định là nếu Sê-sa đưa ra một luật định bắt tất cả mọi người phải đốt hết Kinh Thánh và bỏ qua sự thờ phượng Đức Chúa Trời, lúc đó chúng ta với tư cách là những Cơ đốc nhân phải chọn lựa vâng theo lời của Đức Chúa Trời và dĩ nhiên không chấp nhận những qui định đó. Con chắc còn nhớ câu chuyện ba người bạn của Đa-ni-ên  đã can đảm không phục tùng sắc lệnh của hoàng đế Nê-bu-cát-nết-sa là phải sấp mình xuống thờ lạy pho tượng vàng mà vua đã dựng nên. Những bạn trẻ này đã khẳng khái bảo vệ và giữ vững lập trường của mình là chỉ thờ phượng Đức Chúa Trời –chân Thần duy nhất và khước từ các thần tượng khác, cho dù họ có thể bị ném vào lò lửa hực (Đa-ni-ên 3). Con phải biết rằng không có một quyền lực nào trên thế giới này có thể vượt qua uy quyền của Chúa. Hãy trả cho Sê-sa những gì thuộc về Sê-sa, không có nghĩa là chúng ta phải thuận phục cách tuyệt đối với những luật lệ từ Sê-sa, ngay cả khi những luật lệ đó mâu thuẫn với Lời Đức Chúa Trời. Chính vì vậy mà có nhiều người phải tử vì đạo. Họ sẵn sàng chết để được sống cho chính nghĩa của Đức Chúa Trời. Cái chết của những thánh tử đạo thật đáng để vinh danh.”

Dũng trở nên đăm chiêu suy nghĩ trước sự giải bày của mục sư Tùng. Cậu sinh viên này dường như rất thích thú với lời giải thích của vị mục sư già, Dũng đưa ra một câu hỏi khác:

“Thưa mục sư, Sê-sa là hoàng đế cai trị một đế quốc hùng mạnh. Sê-sa rõ ràng là hình ảnh tiêu biểu cho nhà cầm quyền. Trên thế giới này có những nhà cầm quyền đi ngược lại với những giá trị của Kinh Thánh, vì thế những sắc luật họ đưa ra cũng mang tính phá đổ nền tảng của Lời Chúa. Vậy trong trường hợp đó thật là khó khăn cho những ai đi theo lời dạy của Chúa. Như vậy những người đó phải chết cho chính nghĩa của Chúa hết cả sao? “ 

“Con đã đi sâu hơn vào vấn đề này. Tuy nhiên ta suy nghĩ rằng các thánh tử đạo –những người chết vì danh Chúa Jesus là những người được Chúa tuyển chọn để đi qua con đường khổ nạn. Vì nếu không bởi ý Chúa thì không ai có quyền ném đá sứ đồ Ê-tiên cho đến chết. Đức Chúa Trời vẫn đang kiểm soát mọi hoàn cảnh và Ngài tễ trị mọi biến cố xảy ra trên thế giới. Nếu đọc cẩn thận từng lời dạy của Chúa Jesus trong bốn sách Phúc Âm, con sẽ thấy rằng trước khi Chúa tái lâm sẽ có nhiều người bị bắt bớ, bị giết chết vì danh Chúa (Ma-thi-ơ 24:9). Vì vậy những ai dám sống cho Chúa –nghĩa là dám trả lại cho Đức Chúa Trời những gì thuộc về Ngài, đôi khi phải hy sinh chính mạng sống của mình. Việc này vẫn đang xảy ra trong thế giới hôm nay. Con có thấy như vậy không?”

Dũng băn khoăn suy nghĩ và lễ phép thưa với mục sư:

“Con thực sự không biết phải trả lời thế nào với câu hỏi của mục sư. Nhưng con sẽ suy nghĩ và cầu nguyện để Chúa Thánh Linh soi dẫn con trong những vấn đề này.”

Trong tuần đó Dũng đứng lên chia sẻ phần Kinh Thánh mà cậu ta đã trao đổi với mục sư Tùng. Sau phần ngợi khen thờ phượng của tập thể lớp Cử Nhân Thần Học, Dũng áp dụng những tri thức đã học được trong môn Giải Nghĩa Kinh Thánh để trình bày bài giảng của mình. Đầu tiên Dũng đưa ra một cái nhìn quan sát tổng thể bối cảnh của câu chuyện, sau đó Dũng giải nghĩa những từ ngữ và cụm từ trong phân đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 22: 15-22. Sau khi giải nghĩa về người Pha-ri-si và phe đảng của vua Hê-rốt, Dũng bắt đầu phân tích bối cảnh của câu chuyện và cuối cùng áp dụng ý nghĩa thực sự của câu chuyện này cho đời sống hầu việc Chúa của chính cá nhân và kêu gọi tập thể lớp đáp ứng với Lời Chúa. Mục sư Tùng ngồi im lặng ở hàng ghế sau cùng nghe Dũng chia sẻ. Ông gật gù có vẻ thích thú với phong cách và nội dung bài giảng của Dũng. Sau buổi nhóm vị mục sư già đến vỗ vào vai Dũng:

“Con đã có một bài chia sẻ tốt, cứ tiếp tục như thế Chúa chắc sẽ xức dầu trong chức vụ tương lai của con.”

Dũng hỏi lại:

“Một số bạn cùng lớp với con thường hay than phiền là họ gặp nhiều khó khăn trong việc soạn bài giảng. Bản thân con cũng cảm thấy như vậy, mục sư nghĩ sao về vấn đề này?”

Mục sư Tùng chậm rãi giải thích:

“Nhiều người phục vụ Chúa cũng gặp khó khăn đó. Câu hỏi của con có thể trả lời về căn bản như thế này: Người truyền đạo phải cầu nguyện và nghiên cứu Lời Chúa hằng ngày để Chúa ban sứ điệp cho mình. Nhiều khi một bài giảng có thể tốn công phu học tập, cầu nguyện và nghiên cứu cả một cuộc đời. Một bài giảng tốt không chỉ có tri thức về Thần học  mà cần có sự xức dầu tươi mới của Chúa Thánh Linh trong đó –ý ta muốn nói là một bài giảng tốt phải truyền tải sức sống cho người nghe. Chức vụ giảng hay chia sẻ Lời Chúa là chức vụ ban sự sống cho bầy chiên, nếu sự sống phục sinh của Chúa không tuôn đổ từ tòa giảng thì đó là một thảm họa. Sự sống là gì? ‘Những lời ta nói cùng các người là thần linh và sự sống, xác thịt chẳng ích chi’ (Giăng 6:33). Chúa Jesus đã phán như vậy. Sự sống thuộc linh chính là sự tuôn đổ sức sống mới từ Thánh Linh của Chúa đến cho người nghe giảng, khiến cho họ đứng dậy và bước đi cách mạnh mẽ trong năng quyền Chúa ban. Một bài giảng làm được điều đó phải đến từ một chức vụ cầu nguyện và nghiên cứu Kinh Thánh.”

“Con hiểu điều này trong lý thuyết, nhưng về thực tế thì sao?”  Dũng tiếp tục đưa ra một câu hỏi khác.

Mục sư Tùng nheo mắt cười:

“Có người nói rằng mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi. Vậy con hãy áp dụng lý thuyết ấy vào cuộc sống cá nhân. Để đi vào thực tế cuộc sống đa dạng và sinh động, mỗi người chúng ta cần được trang bị một lý thuyết đúng, ý ta muốn nói là một nền Thần học đúng đắn. Cũng vì lẽ đó mà con đã có mặt ở đây học tập để chuẩn bị cho chức vụ tương lai. Ta có nhiều điều để chia sẻ với con trong chủ đề này, nhưng cần phải có thời gian. Không thể nào con có thể nắm bắt hết mọi bài học chỉ trong một thời gian ngắn, chính Chúa Thánh Linh sẽ tiếp tục dạy dỗ con khi con bước đi với Chúa mỗi ngày.”

Dũng khoan khoái  mỉm cười sau khi nghe những lời giải bày từ mục sư Tùng. Còn hai năm nữa Dũng mới tốt nghiệp lớp Cử Nhân Thần học và nó biết rằng Thần học là môn học về Đức Chúa Trời mà nó phải học tập suốt đời để có thể trả lại cho Đức Chúa Trời những gì thuộc về Ngài.

TƯỜNG VI

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn