Thứ Bảy , 16 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / NGƯỜI CỦ CHI

NGƯỜI CỦ CHI

NGƯỜI CỦ CHI

nguoicuchi chocuchi

TUỜNG VI

 

 

“Mày chưa biết nó là ai à? Đại ca xứ này đó con, nó đã từng đâm một đứa bảo vệ giống như mày đó.” Ông già đang đi bộ tập thể dục buổi sáng nói với một bảo vệ xí nghiệp Đại An khi ông nghe tiếng của anh bảo vệ có ý muốn xua đuổi một đôi vợ chồng đang bày hàng thức ăn nhanh và nước giải khát trước cổng.

Anh bảo vệ nhìn ông già rồi liếc nhanh ánh mắt vào người đàn ông  và một phụ nữ đang dọn hàng ra phía bên trái cổng xí nghiệp. Anh không muốn để cho bất cứ ai buôn bán trước mặt tiền của xí nghiệp, nhưng khi nghe ông già nói như thế anh trở nên dao động. Anh cũng cảm thấy sờ sợ khi quan sát khuôn mặt dữ dằn của người đàn ông. Anh nghĩ thầm: Thôi thì phải lo cái thân trước đó, gây chuyện với tay này khó đây.

Trung và vợ chuyển sang bán đồ ăn, cà phê và nước giải khát cho các công nhân trong xí nghiệp được hơn một tháng nay. Chỉ cần làm việc chừng hai tiếng đồng hồ trong buổi sáng cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng. Cuộc sống như thế này xem như tạm ổn rồi.

Trung từng được mọi người chung quanh khu vực cầu Bến Nẩy gọi là Trung đại ca. Ở vùng đất Củ Chi này hầu như mọi người đều biết quá khứ lẫy lừng của anh ta. Nhưng hiện nay anh và vợ đã tin nhận Chúa Jesus. Việc tin Chúa của anh cũng khá ly kỳ. Trung nhớ lại cách đây hai năm…..

Ba mẹ Trung ở Mỹ vừa mới tin nhận Chúa sau khi tiếp xúc với các cơ đốc nhân trong một hội thánh địa phương ở Houston, Texas.  Ông bà viết thư về cho Trung bảo rằng con hãy tin Chúa rồi nhờ ơn Chúa mà thay đổi cuộc sống. Lúc đó Trung là dân giang hồ ai cũng biết ở cái mảnh đất thép Củ Chi này. Vợ chồng Trung lúc đó  làm nhiều nghề như cho vay nóng, mổ heo lậu, độ xe đua (chỉnh sửa xe gắn máy phân khối lớn để đua xe)…Người dân  và chính quyền địa phương biết rõ Trung thuộc thành phần nào, nên sau khi Trung tin Chúa họ có đôi chút ngỡ ngàng. Mọi người xì xào với nhau là không biết Trung đại ca này có thực sự tu tỉnh trên con đường đạo giáo hay không.
Tôi gặp Trung  trong một lần công tác tại Củ Chi. Đây là một huyện ngoại thành Sài Gòn được mọi người biết đến là vùng đất thép Củ Chi với những đường hầm huyền thoại nổi tiếng một thời nằm dọc ngang trong lòng đất.

Về thăm địa đạo Củ Chi
Trong lòng đất thép mọc lên hoa hồng

Nói đến Củ Chi, nhiều người biết đến khu bảo tồn địa đạo  nổi tiếng tại đây. Chiến tranh đã đi qua và có rất nhiều ký sự được viết về nó như một mảnh đất bất khuất đi vào lịch sử. Và cũng tạ ơn Chúa, Phúc Âm đã đến trên vùng đất này.

Giô-sép, một sinh viên người Cơ-tu (Cơ-tu – dân tộc thiểu số ở Kon Tum) của Trung tâm huấn luyện Kinh Thánh chở tôi trên xe gắn máy đến thăm nhà của Trung sau bữa cơm chiều. Đó là một ngôi nhà khá khang trang nằm trên tỉnh lộ 15 gần cầu Bến Nẩy được sử dụng làm điểm nhóm của hội thánh. Trước nhà vẫn còn đó tấm băng rôn lớn in dòng chữ MỪNG CHÚA GIÁNG SINH. Sân nhà phía trước là một cái quán bán đồ ăn và nước giải khát mà Trung vừa mới xây dựng lên sau Lễ giáng sinh của năm 2014. Khi tôi vừa  xuống xe thì Trung đã nhìn thấy, anh vồn vã cười tươi:

– Ồ chào mục sư, mời ông ngồi đây.

–  Vâng, xin chào anh Trung. Công việc thế nào sau Giáng sinh?

Trung lấy ra chai nước Number One đổ vào một ca đá lạnh mời tôi và anh ta bắt đầu câu chuyện. Cái cách kể chuyện của anh ta làm tôi chợt nghĩ ngay đến phải viết lại câu chuyện này. Sau khi hỏi thăm một chút về đời sống gia đình, tôi hướng câu chuyện để Trung đi vào vấn đề chính mà tôi muốn tìm hiểu. Trung tự bạch về mình:

–  Mục sư biết đó, trước đây tôi là dân xã hội đen. Nghề nghiệp của tôi là sửa chữa xe gắn máy đặc biệt là làm lại máy cho những chiếc xe thể thao hai bánh để có thể chạy với tốc độ trên một trăm cây số trong một giờ.  Ngoài ra tôi còn chơi đua xe, một thú vui của giới mê “xế độ” mà ai nghe đến cũng rùng mình. Tôi lớn  lên trong một gia đình thờ hình tượng. Nhưng thực ra tôi có tôn thờ ai đâu, tôi sống tự do theo ý riêng, tìm kiếm tiền bạc và những cảm giác mạnh bất chấp mọi phương cách. Tôi đã từng mua heo rồi làm thịt đem ra chợ bán. Việc này là trái pháp luật hiện thời. Nhưng tôi bất chấp vì nó mang lại cho tôi lợi nhuận cao. Chỉ cần một ngày làm việc tôi đã có thể kiếm từ hai đến ba triệu đồng. Vợ chồng tôi cũng làm nghề cho vay nóng lấy lời. Muốn làm nghề này tôi phải có bộ mặt dữ dằn và sẵn sàng sử dụng cơ bắp, lời lẽ thô bạo với mọi người. Trong công việc đừng hòng có ai qua mặt được tôi. Mọi người đều ngán sợ tôi  vì tôi sẵn sàng ăn thua đủ với họ trong mọi tình huống. Một ngày kia có một tín hữu từ Mỹ về ghé thăm và  chuyển lá thư của ba tôi cho tôi. Trong thư ba tôi nói rằng ông ấy đã tin nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa. Hiện giờ ông ấy rất được phước và ông khuyên tôi cũng hãy tin Chúa  giống như ông. Tôi hơi bất ngờ và khựng lại trước thông tin này. Người tín hữu đó cũng làm chứng cho tôi về Phúc Âm,  tôi suy nghĩ  là mình đã có đạo rồi, bây giờ có lẽ nào lại chuyển đạo sao? Nhưng sau đó tôi nhận thấy lời của người tín hữu làm chứng về Phúc Âm và những gì ba tôi viết trong thư nghe ra cũng có lý, vì thế tôi bằng lòng tin nhận Chúa. Nhưng lúc đó tôi tin Chúa chỉ là hình thức, thực ra tôi chỉ muốn ông già tôi vui là được rồi. Tôi bắt đầu đến một hội thánh địa phương tại Củ Chi sinh hoạt, tham gia vào các buổi nhóm của hội thánh. Chính từ trong hội thánh này tôi bị Lời Chúa  bắt phục, tôi nhận ra đời sống tôi được Chúa biến đổi. Trước đây nhiều lần tôi muốn bỏ thuốc lá mà không được, nhưng bây giờ nhờ ơn Chúa tôi đã cầu nguyện và quăng đi gói thuốc lá dễ dàng. Trước đây tôi kết bạn với dân giang hồ anh chị, nên lời nói của tôi in đậm chất xã hội đen. Đụng một chút là chửi thề.  Bây giờ tôi sinh hoạt với hội thánh, gặp gỡ nói chuyện với mọi người trong cộng đồng Cơ đốc nên Chúa bắt đầu thay đổi cách nói chuyện và ngôn từ của tôi. Một tay dao búa như tôi mục sư có thể hình dung là bặm trợn biết chừng nào. Nhưng lạ thay nhờ ân điển Chúa tôi đã được lột xác từ một con sâu rọm xấu xí trở thành một con bướm xinh đẹp như bây giờ. Trung mỉm cười sau câu nói ví von của mình. Tôi nghĩ thầm anh chàng này rõ ràng là có tiềm năng cho Phúc Âm đây. Thích thú với cách anh ta dùng hai  hình ảnh sâu rọm và con bướm để nói về bản thân, tôi nhìn vào đôi mắt của Trung:

–  Anh đã  có những trải nghiệm thú vị sau khi tin Chúa. Dự định sắp tới của anh  là gì?

Trung nhìn lên bầu trời có vẻ đăm chiêu một chút rồi nói tiếp:

– Tôi đang cầu nguyện xin Chúa cho sửa chữa lại phòng nhóm biệt lập với các phòng còn lại của ngôi nhà. Hiện nay phòng nhóm mà hội thánh đang sử dụng là phòng khách của gia đình tôi trước đây. Phòng này ăn thông với các phòng khác nên nhìn vào khá luộm thuộm. Nếu Chúa muốn tôi sẽ cơi nới thêm diện tích phòng nhóm ra phía trước để có thể sắp xếp được năm mươi ghế ngồi, rồi xây kín các cánh cửa ra vào bên hông. Như vậy phòng nhóm sẽ biệt lập với các phòng còn lại của ngôi nhà. Tôi muốn chỉnh trang lại ngôi nhà của mình cho phù hợp là một nơi nhóm lại thờ phượng của hội thánh. Mục sư biết đó, ngày trước phòng khách nhà tôi đầy các hình tượng vì tôi vốn là một Phật tử, nhưng sau khi được học Lời Chúa tôi đã nhân danh Chúa đập bỏ tất cả những hình tượng đó mà không cần chờ đợi sự hướng dẫn của mục sư quản nhiệm tại đây. Bây giờ tôi ao ước căn nhà của mình trở thành một nơi ngợi khen, thờ phượng  và tôn cao Chúa Jesus, nó cũng sẽ là chỗ tiếp đón các anh chị em trong cộng đồng hội thánh. Tôi đã gởi con trai tôi vào Trung tâm huấn luyện Kinh Thánh với hy vọng sau này nó sẽ trở thành một người hầu việc Chúa.  Nhân tiện đây tôi muốn hỏi mục sư là con trai của tôi có thể trở thành mục sư quản nhiệm một hội thánh trong tương lai được không?

Tôi thực sự ấn tượng với loại câu hỏi này. Tôi suy nghĩ, cầu nguyện nhanh chóng và trả lời:

– Vào Trung tâm huấn luyện Kinh Thánh là một tín hiệu tốt cho con trai của anh, nhưng không phải bất cứ sinh viên nào từ Trung tâm huấn luyện Kinh Thánh ra cũng trở thành mục sư quản nhiệm. Đôi khi các môn học và bài tập thực hành từ nơi ấy như đi thực tế công tác chăn bầy ở các hội thánh địa phương có thể làm cho một vài sinh viên bỏ cuộc. Vì con đường hầu việc Chúa, đặc biệt là phụng sự hội thánh với mục vụ chăn bầy thì vô cùng gian nan. Anh biết đó, làm một người chăn bầy của Đức Chúa Trời phải được chính Chúa kêu gọi và người đó phải rèn luyện trong ân điển của Chúa rất nhiều để có những tố chất của một chiến sĩ thập tự như hy sinh những đặc quyền của bản thân, vác thập tự giá mỗi ngày theo Chúa…. Ý tôi muốn nói ở đây là người hầu việc Chúa phải học tập  từ bỏ cái tôi, bản ngã để có thể phục vụ người khác, mà đôi khi không được con người tán thưởng hoặc trọng vọng, có lúc còn bị chính anh em mình “đá giò lái” nữa. Những bài học này không đơn giản như chúng ta nghĩ. Khi va chạm với thực tế rồi thì mới thấy là nếu không có sự kêu gọi của Chúa cho công tác chăn bầy thì phải tránh chức vụ này như tránh lửa địa ngục vậy. Vì chức vụ này không phải là một nghề nghiệp nhưng là một ơn kêu gọi đặc biệt. Tôi muốn hỏi là con trai của anh có thích thú khi vào Trung tâm huấn luyện Kinh Thánh hay không?

Trung nhún vai mỉm cười:

– Cái này hơi khó nói mục sư ạ. Vì đôi khi tôi thấy nó thích thú rồi sau đó lại thấy không. Lúc nó học ở trường trung học phổ thông thì cũng thuộc loại xoàng xoàng, bây giờ vào Trung tâm huấn luyện Kinh thánh tôi chưa biết như thế nào.

Câu chuyện  lại dẫn sang một vấn đề khác, tôi cố gắng nói với Trung những điều căn bản trong ơn kêu gọi của Chúa:

– Trung tâm huấn luyện Kinh Thánh huấn  luyện và trang bị cho sinh viên những hiểu biết thần học  chính thống để bước vào công trường thuộc linh phụng sự Chúa và hội thánh. Không phải tất cả mọi sinh viên đều sẽ trở thành mục sư chăn bầy trong tương lai, vì có thể một số em  có những ân tứ khác như: âm nhạc, báo chí, truyền thông và những điều khác …Khi ra trường các  em có thể phục vụ Chúa trong một lĩnh vực nào đó mà được Chúa kêu gọi rõ ràng. Đôi khi  có một vài em tốt nghiệp trường Kinh Thánh rồi đồng thời cũng học thêm các chuyên ngành kinh tế khác, sau đó các em ấy lại trở thành doanh nhân. Con trai của anh ghi tên vào trường Kinh Thánh là một điều đáng mừng, nhưng chúng ta không nên gây một áp lực lên trên nó là sau này nó phải trở thành một người chăn bầy. Tôi biết niềm hy vọng của anh là muốn con trai mình hầu việc Chúa, vậy thì hãy để cho nó tình nguyện hầu việc Chúa trong lĩnh vực mà nó ham thích, vì có thể đó chính là nơi mà nó được Chúa kêu gọi. Vấn đề là nó phải nhận ra nó được kêu gọi để hầu việc Chúa trong vị trí nào. Không phải là anh hay bất cứ ai có thể áp đặt nó vào một chức vụ, nhưng là nó phải nghe tiếng Chúa rõ ràng trong vấn đề này.

nguoicuchi

 

Buổi trò chuyện của chúng tôi khá thú vị, tôi cũng vui vì có cơ hội giải thích với Trung những điều cụ thể. Trung hỏi thêm:

– Xin mục sư cho biết trước đây tôi làm nghề cho vay lấy lãi, bây giờ tôi có nên bỏ nghề này hay không?

Tôi mỉm cười:

– Anh đã có một câu hỏi rất thực tế,  tôi xin trả lời như thế này. Anh biết hai câu chuyện sau đây được trích từ Tân Ước, tôi mở Kinh Thánh ra và đọc cho anh ấy nghe: Phần nhiều kẻ đã tin, đến xưng tội và tỏ ra việc mình đã làm.  Có lắm người trước theo nghề phù phép đem sách vở mình đốt trước mặt thiên hạ; người ta tính giá sách đó, cộng là năm muôn đồng bạc. (Công vụ 19: 18-19), và một đoạn Kinh Thánh khác: Xa-chê đứng trước mặt Chúa, thưa rằng: Lạy Chúa, nầy, tôi lấy nửa gia tài mình mà cho kẻ nghèo, và nếu có làm thiệt hại ai, bất kỳ việc gì, tôi sẽ đền gấp tư.  Đức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Hôm nay sự cứu đã vào nhà nầy, vì người nầy cũng là con cháu Áp-ra-ham. (Lu-ca 19:8-9).  Đọc xong hai phần Kinh Thánh tôi giải thích: Anh biết đó, một người đã tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa thì sẽ sản sinh ra hệ quả là đời sống người đó được biến đổi.  Có những người trong sách Công Vụ đoạn 19  làm nghề phù phép đã thiêu hủy tất cả các sách bói khoa, ma thuật của họ sau khi tin Chúa vì họ tự nhận thấy các sách ấy không còn phù hợp cho đời sống mới trong Chúa nữa. Còn trong trường hợp của viên quan thu thuế Xa-chê, thì ông này sau khi gặp được Chúa đã bồi thường gấp bốn lần cho những người mà ông ta gây thiệt hại cho họ trước đây. Bây giờ đến trường hợp của anh, Chúa Thánh Linh chắc chắn soi sáng cho anh thấy anh cần phải làm gì sau khi gặp Chúa. Theo ý tôi thì anh phải thay đổi nghề nghiệp cho phù hợp với  địa vị hiện tại của anh là một Cơ đốc nhân. Sứ đồ Phao-lô cũng dạy rằng: Anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm (1 Cô-rin-tô 10:31). Vì vậy anh thử nghĩ xem, việc cho vay lấy lãi theo cách cũ của anh có làm vinh hiển danh Chúa hay không? Nếu anh bằng lòng từ bỏ việc này, trước mắt anh sẽ bị tổn thất về kinh tế. Nhưng Chúa thành tín sẽ ban trợ lại cho anh những phước hạnh mới mẻ khác. Vì vậy anh nên “tính sổ” với Chúa chuyện này càng sớm càng tốt.

Quan sát vẻ mặt của Trung tôi biết rằng anh ấy không phản đối những gì tôi nói. Chúa đang làm việc bên trong  tâm hồn anh ta. Trung tiếp tục với câu chuyện, anh ta nói rằng hiện tại anh vẫn còn cho người khác vay tiền nhưng với một lãi suất ưu đãi và không bắt ép họ phải trả tiền lời cho anh đúng thời hạn. Nếu họ có chậm trễ anh cũng sẵn sàng linh hoạt bỏ qua để tạo điều kiện giúp đỡ họ. Anh cũng nghĩ rằng trong một tương lai gần anh sẽ từ bỏ việc này, vì anh biết nó không xứng hợp với một con cái Chúa. Trung trò chuyện cùng tôi rất thông minh, tôi nhận ra trong anh đã có ánh sáng của Thiên Chúa. Cuối buổi trò chuyện anh ta nói:

– Mục sư còn lời khuyên nào cho tôi nữa không?

– Tôi rất vui khi được gặp anh ở đây. Anh đã trở về với Chúa sau những năm tháng sống  theo ý riêng. Bây giờ anh đã có Chúa làm chủ cuộc đời mình, bên cạnh anh có hội thánh địa phương là một thuận lợi cho sự trưởng thành thuộc linh của anh. Hãy gắn bó với hội thánh trong các sinh hoạt và mục vụ. Trên tất cả mọi điều  anh nên thiết lập một đời sống riêng tư với Chúa mỗi ngày qua việc đọc Kinh Thánh và cầu nguyện trong phòng riêng, có thể là vào mỗi sáng sớm. Hãy để Lời Chúa và Đức Thánh Linh nhắc nhở, hướng dẫn anh trong từng chi tiết của đời sống. Tôi biết là anh cũng thường ghé thăm uống cà phê với mục sư quản nhiệm tại đây. Điều đó rất tốt, hãy xây dựng những mối quan hệ mới với các anh chị em trong hội thánh. Khi gặp những vấn đề khó khăn anh cũng nên trao đổi với mọi người trong hội thánh cầu nguyện, từ đó họ có thể đưa ra những lời khuyên dành cho anh. Con đường đi với Chúa là một con đường hẹp, đôi lúc anh sẽ cảm thấy không hoàn toàn dễ chịu. Nhưng Chúa sẽ dạy dỗ anh qua mỗi hoàn cảnh.

Chia tay với Trung tôi trở về Đồng Nai vào ngày hôm sau. Mùa mưa ở miền Nam vừa mới đi qua, buổi sáng bắt đầu có sương mù trên những cánh đồng đang bị thu hẹp nhỏ dần ở Củ Chi,  sau đó mặt trời lại chường mặt ra rực rỡ. Trung đại ca đang hòa nhập với cộng đồng hội thánh, đời sống anh ta đã chính thức sang trang. Mọi người trong vùng không còn gọi anh là Trung đại ca nữa, anh đã có một cái tên mới: Trung Tin Lành. Hoa hồng đã nở rộ trên mảnh đất “khô cằn sỏi đá” thuộc linh này. Phúc Âm của Chúa Jesus Christ không chỉ cứu một mình Trung mà tại những thôn xóm khác của vùng nông thôn Củ Chi (vùng này đang trong tiến trình đô thị hóa) đã mọc lên những hội thánh tư gia mới.

Về thăm đất thép thành đồng

Bây giờ nơi ấy gieo trồng Phúc Âm.

 

TƯỜNG VI

 

 

 

 

 

 

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn