Các bài trước:
https://huongdionline.com/2015/10/29/loi-chua-trong-tan-uoc/
https://huongdionline.com/2015/11/02/suy-gam-tan-uoc-voi-warren-w-wiersbe/
NEW TESTAMENT WORDS FOR TODAY
Warren W. Wiersbe
Bài 3
“Lúc ấy, Giăng Báp-tít đến giảng đạo trong đồng vắng xứ Giu-đê, rằng: Các ngươi phải ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần.” Ma-thi-ơ 3: 1-2
Sự xuất hiện thình lình của Giăng Báp-tít làm dân sự hoang mang và gây khó hiểu cho giới lãnh đạo Do Thái (Giăng 1:14-28). Nếu các thầy tế lễ nhớ những gì mà các tiên tri đã nói, họ sẽ biết được Giăng là ai và ông đến để làm điều gì (Ê-sai 40:3-5; Ma-la-chi 3:3; 4:5-6). Chúa Jesus phán về Giăng Báp-tít, “trong những người bởi đàn bà sanh ra, không có ai được tôn trọng hơn Giăng Báp-tít” (Ma-thi-ơ 11:7-15). Chắc chắn sứ điệp của Giăng Báp-tít là vĩ đại nhất vào thời đó, vì ông rao giảng Đấng Mê-si được hứa sắp đến và vương quốc của Ngài. Ông kêu gọi mọi người ăn năn vì tội lỗi của họ và chào đón Đấng cứu rỗi. Giăng là một gương mẫu tốt cho chúng ta về một đầy tớ trung tín.
Giăng xuất hiện vì ông được sai đến từ Chúa. “Có một người Đức Chúa Trời sai đến, tên là Giăng” (Giăng 1:6). Từ được dịch là “sai đến” cho chúng ta một từ khác liên quan “sứ đồ” có nghĩa là “người được ủy thác bởi vua và được uy quyền để phát ngôn cho vua”. Công tác của Giăng là chuẩn bị con người cho chức vụ của Chúa Jesus. Tình trạng thuộc linh của người Do Thái lúc bấy giờ thì suy thoái và Giăng kêu gọi họ phải ăn năn về tội mình và trở lại với Chúa. Bởi vì Giăng là một tôi tớ dũng cảm của Chúa, ông không hề sợ hãi về những gì con người có thể chống nghịch ông. Ông có một đời sống cầu nguyện và khắc khổ trong đồng vắng. Ông giống như tiên tri Ê-li can đảm đối đầu với vua A-háp, các tiên tri Ba-anh và đã chiến thắng họ trên núi Cạt-mên (1 Các vua 17-18). Điều duy nhất để có uy quyền và chiến thắng là được sai đến bởi Đức Chúa Trời và làm công tác Ngài đã chỉ định cho chúng ta.
Giăng chia sẻ sứ điệp mà Đức Chúa Trời đã ban cho ông. Có nhiều từ trong Tân Ước chỉ về rao giảng, và một trong những từ được dùng có nghĩa là: “thông báo một sứ điệp chính thức.” Ngày nay, các viên chức chính quyền có nhiều cách để truyền thông với người dân, nhưng trong thời của Giăng, người loan tin sẽ phát ngôn các sứ điệp. Vì người Do Thái bị mù lòa thuộc linh với ánh sáng của Chúa, nên Giăng là chứng nhân về sự sáng của Chúa Jesus (Giăng 1:7-8). Vào lúc này dân sự đang lang thang trong đồng vắng tôn giáo giống như người Do Thái thời Cựu Ước, và Giăng đã chọn bối cảnh trong đồng vắng gần sông Giô-đanh để làm chứng nhân cho Chúa. Nhưng một trong những điểm đặc biệt nhất về Giăng Báp-tít đó là ông không làm bất kỳ phép lạ nào (Giăng10: 40-42). Công tác của Giăng được hoàn tất bởi việc rao giảng Lời, giống như công tác của chúng ta ngày nay. Đừng bao giờ đánh giá thấp quyền năng của việc công bố Lời Đức Chúa Trời.
Chức vụ chủ yếu của Giăng là tôn cao Chúa Jesus Christ. Ông nói, “Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống” (Giăng 3:30). Ông tôn thờ Chúa Jesus và từ chối chính mình. “Vả, chúng tôi chẳng rao giảng chính mình chúng tôi, nhưng rao giảng Đức Chúa Jesus Christ, tức là Chúa; và vì tình yêu mến Đức Chúa Jesus mà chúng tôi xưng mình là tôi tớ của anh em” (2 Cô-rin-tô 4:5). Chúa Jesus Christ là Lời hằng sống (Giăng 1:1-2, 14), và Giăng Báp-tít công bố ông chỉ là “tiếng của người kêu trong đồng vắng” (Giăng 1:19-24). Bạn có thể nghe âm thanh, nhưng bạn không thể thấy nó nếu bạn không có những dụng cụ đặc biệt. Giăng chỉ là “đuốc đã thắp và sáng” (Giăng 5:35), nhưng Chúa Jesus là sự sáng ( Giăng 1:6-9; 8:12). Giăng giảng về Chúa Jesus như là chàng rể, còn Giăng chỉ là người dự lễ cưới ( Giăng 3:29). Thiên sứ đã phán với cha của Giăng rằng con ngươi sẽ là lớn (Lu-ca 1:15), nhưng Giăng nhận biết rằng Chúa Jesus là Đấng lớn hơn.
Khi chúng ta tìm kiếm đường lối để phụng sự Chúa, chúng ta phải chắc rằng Đức Chúa Trời đã kêu gọi và sai chúng ta đi. Chúng ta hãy rao truyền sứ điệp mà Ngài đã ban và bảo đảm rằng sứ điệp đó tôn cao Chúa Jesus Christ. Chúa Jesus khen ngợi Giăng vì ông không phải là cây sậy bị gió rung hay là người mặc áo tốt đẹp nhưng là một đầy tớ hết lòng của Chúa (Ma-thi-ơ 11:7-15). Ngài có thể phán như thế về chúng ta?
“Hầu cho cho trong mọi vật, Ngài đứng đầu hàng.” Cô-lô-se 1:18
Translated by Tuong Vi