Thứ Bảy , 25 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / A-ĐAM

A-ĐAM

Các bài trước:
Bài 1:   https://huongdionline.com/2015/10/11/gie-ho-va-duc-chua-troi/
Bài 2:   https://huongdionline.com/2015/10/13/lucifer/

Warren Wendel Wiersbe là một mục sư, một giáo sư, một nhà văn, một nhà thần học và là một học giả về Kinh Thánh.   Mục sư Warren W. Wiersbe đã xuất bản hơn 150 cuốn sách.  Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông là bộ sách Be Series, gồm 50 cuốn,  mang các tựa đề như Be Real, Be Alert, Be Rich, Be Obedient, Be Hopeful, Be Joyful, Be Right, Be Ready, Be Successful, Be Free, Be Faithful, Be Mature, Be Confident, Be Complete,…

Tác phẩm: LIFE SENTENCES

warren

Tác giả: Warren W. Wiersbe

Bài 3              A-ĐAM

Trong A-đam mọi người đều chết.”

1 Cô-rin-tô 15:22

A-đam là con người đầu tiên trong lịch sử loài người. Trước khi phạm tội không vâng lời Đức Chúa Trời, ông là một con người mang hình ảnh của Ngài và chắc chắn ông đã làm rất tốt công tác quản trị mà Chúa giao cho ông.

Nhưng A-đam đã không được đề cập nhiều về những việc làm tốt đẹp của ông trong Kinh Thánh. Ông hát bài ca hôn nhân trong Sáng thế ký 2:23, và ông thưa chuyện với Đức Chúa Trời trong Sáng thế ký 3:10-12 về lỗi lầm của ông. A-đam đã ăn trái cây Chúa cấm, và từ đó ông mang tội lỗi và sự chết vào trong dòng giống loài người. Giờ đây lịch sử loài người đi vào một khúc quanh mới tồi tệ. Phao-lô nói thẳng điều này: “Trong A-đam mọi người đều chết”, và vị sứ đồ mở rộng ý tưởng này trong Rô-ma 5:12-21. Bắt đầu từ Sáng thế ký chương 3, Kinh Thánh đã ghi lại những hậu quả tai hại cho hành động phạm tội của A-đam và phương cách mà ân điển của Đức Chúa Trời được bày tỏ trở lại với chúng ta sau khi tổ phụ loài người bị đuổi khỏi vườn Ê-đen.

Đức Chúa Trời đã thực sự làm gì khi Ngài tạo dựng con người A-đam đầu tiên? Chúng ta có thể hiểu chính mình và người khác tốt hơn nếu chúng ta trả lời chính xác câu hỏi này. Và tiếp theo chúng ta cũng sẽ hiểu rõ hơn về mục đích của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta trong thế giới. Sáng thế ký 1:26 – 2:27 sẽ là phần Kinh Thánh nền tảng để chúng ta suy nghiệm “sự mâu thuẫn” hay “nghịch lý” khi chúng ta nhìn vào những tính chất phức tạp của con người.

BỤI ĐẤT VÀ TINH THẦN

Tên A-đam có nguồn gốc từ tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “đất đỏ”, vì A-đam được tạo nên từ đất qua bàn tay của Đức Chúa Trời. Trong Sáng thế ký 2:7 “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh”.
Từ “nắn nên” (formed) mang một hàm ý: được tạo nên cho một mục đích. Từ này liên quan đến một từ Hê-bơ-rơ khác là từ “yoser” có nghĩa là thợ gốm. Đức Chúa Trời sáng tạo nên vũ trụ, các từng trời, mặt đất và mọi thứ khác trong sáu ngày, rồi sau đó Ngài đem chúng đến cho A-đam để tổ phụ loài người làm công tác quản trị Chúa giao. Và đó cũng là mục đích mà Đức Chúa Trời thiết lập cho con người. Trái đất bao hàm mọi nhu cầu đã được chuẩn bị cho con người. Họ được trang bị để vui hưởng và quản trị tốt những gì Chúa dành cho. Trong sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, đây là một sự kết hợp hoàn hảo.

Sẽ là một lỗi lầm khi chúng ta quên rằng tên tổ phụ của loài người A-đam, có nghĩa là: bụi đất. Đức Chúa Trời “nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi đất” (Thi 103:14) và Ngài ra lệnh tổ phụ chúng ta phải trở về bụi đất (Sáng 3:19). Nhưng chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng ta chúng ta được tạo nên từ thép cứng và sẽ còn mãi trên trái đất này. H. C. Leupold đã dịch Truyền đạo 6:10, “Phàm điều gì có trước thì đã được đặt tên từ lâu rồi; loài người sẽ ra thể nào, thì đã biết từ trước rồi; người không thể cãi trả với Đấng mạnh hơn mình” ra ý này: “Con người có thể làm bất cứ điều gì, nhưng tên của họ đã được chỉ định từ trước và tên đó là A-đam bụi đất”. A-đam, ông ta chỉ là bụi đất. Ngay cả khi tên của bạn nổi tiếng khắp thế giới, thì tên gọi mà Đức Chúa Trời ban cho A-đam (có bạn trong đó) vẫn không thay đổi, nó chỉ là bụi đất. Một ngày nào đó bạn sẽ chết và tên của bạn bị lãng quên theo thời gian. Tôi có bốn quyển sách dày trong thư viện mang tựa đề Who Was Who. Đó là danh sách, tiểu sử những người nam và nữ nổi tiếng một thời, nhưng ngày hôm nay họ chỉ được một vài nhà viết sử biết đến. Trong lăng kính của Đức Chúa Trời, tất cả chúng ta đều có một cái tên chung: A-đam bụi đất.

Thân thể của A-đam đến từ đất, nhưng sự sống của ông đến từ Đấng ban hơi thở để ông trở nên “một linh hồn sống”.

Một trong những lý do mà nhiều người cảm thấy khó khăn khi phải định nghĩa con người đó là sự kết hợp giữa bụi đất và thần linh (deity). Trong thân thể vật lý con người được nối kết với trái đất, và trong bản chất thuộc linh con người được nối kết với thiên đàng. Nếu loại bỏ Đức Chúa Trời ra khỏi câu chuyện sáng tạo thì khi ấy A-đam chỉ là một sinh vật như những sinh vật khác, có lẽ A-đam sẽ có rất nhiều tài năng nhưng cũng chỉ là một trong nhiều loài động vật trên đất.

Nhà tự nhiên học Roy Chapman Andrew giải thích con người là “động vật có khả năng bắt chước”, nhưng ông không trả lời được tại sao họ có khả năng này, và họ đến từ đâu? Thi sĩ người Anh T. S. Eliot đã viết về con người, “là một động vật cực kỳ thông minh, thích ứng nhanh với hoàn cảnh và tinh quái hơn cả các loài khác.” Còn Sigmund Freud, cha đẻ của ngành bệnh học tâm thần phát biểu, “Con người không khác biệt với các động vật khác, nhưng con người ở một đẳng cấp cao hơn.” Tuy nhiên Mortimer Adler, triết gia và nhà giáo dục người Mỹ viết trong tác phẩm Sự Khác Biệt Của Con Người

Và Điều Gì Làm Nên Sự Khác Biệt, “Con người là hữu thể duy nhất khác với các loài động vật, và nếu như vậy các ẩn ý đối với nhân loại về tính độc nhất này là gì?” Có phải chăng con người chỉ khác biệt với các động vật khác về đẳng cấp nhưng không khác biệt về loài giống?

Trong thế giới của chúng ta, những hình thái thấp hơn của sự sống được quay vòng theo chu kỳ, trong khi sự sống con người có lịch sử thay đổi. Bạn có thể viết một quyển sách tựa đề Đời Sống Của Con Ong, bởi vì đời sống của con ong này thì rất giống với đời sống của một con ong khác cùng chủng loại. Nhưng bạn không thể viết một cuốn sách có tựa đề Đời Sống Của Con Người, bởi vì mỗi một con người có những câu chuyện khác nhau. Mặc dù chúng ta được sinh ra theo cùng một cách, rồi mỗi người lớn lên và cuối cùng sẽ chết. Nhưng điều gì xảy ra giữa những biến cố trong đời sống của từng người là hoàn toàn độc nhất – không có hoàn cảnh nào giống nhau tuyệt đối. Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên những thú nuôi và động vật hoang dã, nhưng Kinh Thánh không cho chúng ta thấy Ngài hà sinh khí trên chúng giống như Ngài đã làm cho A-đam (Sáng 1:24-25). Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh Đức Chúa Trời (Sáng 1:27).

Bây giờ chúng ta hãy suy nghĩ đến tính cách nghịch lý của con người khi có cả hai hình ảnh của Đức Chúa Trời và hình ảnh của A-đam.

HÌNH ẢNH CỦA A-ĐAM VÀ HÌNH ẢNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Khi Đức Chúa Trời tạo dựng A-đam, Ngài tạo dựng con người đầu tiên này theo hình ảnh của Ngài (Sáng 26-27; 5;1). Nhưng khi con cái của A-đam được thụ thai, chúng nó sẽ được tạo nên theo hình ảnh và giống như cha của chúng (Sáng 5:3). Một chú thích rất có ý nghĩa trong bản Kinh Thánh Tiếng Anh NIV viết: “Đức Chúa Trời tạo dựng con người đầu tiên theo hình ảnh hoàn hảo của chính Ngài, bây giờ khi A-đam phạm tội (không còn hoàn hảo nữa) đã sinh ra những đứa con theo hình ảnh không hoàn hảo của chính ông.”

Được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời hàm ý rằng chúng ta có một số điều ở bản thể bên trong của chúng ta liên kết với Đức Chúa Trời. Cây cối và động vật có sự sống từ sự cung ứng của Đức Chúa Trời theo những cấp độ khác nhau, và Ngài chăm sóc chúng. Nhưng không có bằng chứng nào nói rằng chúng có thể thiết lập mối liên hệ với Đức Chúa Trời giống như con người. Các loài động vật và con người đều được tạo nên từ đất (Sáng 2:7, 19). Cả hai loại tạo vật này đều được ban cho cùng một loại thực phẩm (Sáng 1:29-30), cùng nhận một sự ủy thác về việc sinh sôi nẩy nở giống nòi (Sáng 1:22, 28), nhưng chỉ có con người được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời toàn năng muốn đóng dấu hình ảnh của Ngài vào những bình đất dễ vỡ là con người như một hành động mạnh mẽ của ân điển.

Bởi vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, chúng ta là những con người khác biệt với các tạo vật còn lại trên trái đất. Chúng ta có tâm trí để hiểu biết và suy nghĩ, có tấm lòng để nuôi dưỡng ước muốn và yêu thương, có ý chí để đưa ra những quyết định. Xa hơn nữa Đức Chúa Trời cũng ban cho chúng ta uy quyền để chia sẻ công tác quản trị trái đất với Ngài (Sáng 1;26-28). Chúng ta có trách nhiệm thờ phượng Ngài, vâng lời Ngài và dâng mọi vinh hiển cho Ngài về tất cả những gì Ngài đã ban cho chúng ta. Chúng ta cũng có trách nhiệm yêu thương và giúp đỡ người khác để họ có thể nhìn thấy hình ảnh của Đức Chúa Trời qua chúng ta.

Trước khi A-đam phạm tội, tổ phụ đã hợp tác với Đức Chúa Trời để hoàn thành ý chỉ của Ngài. A-đam làm việc trong vườn Ê-đen, đặt tên cho các loài động vật và tiếp nhận ca giải phẫu thiên thượng để Đức Chúa Trời đem đến cho ông một người giúp đỡ thích hợp (Sáng 1:8-24). Ông và Ê-va đã ở trong mối tương giao với Đức Chúa Trời và vui hưởng các phước hạnh Chúa ban khi hai người cùng làm theo ý chỉ của Ngài.
Nhưng rồi sau đó A-đam đã không còn vâng lời Chúa, và điều này làm thay đổi mối liên hệ giữa vợ chồng của ông với Ngài. Hình ảnh của Đức Chúa Trời trong A-đam và Ê-va lúc này bị phá hỏng, và họ núp mình che giấu không dám trực diện với Đức Chúa Trời. Họ không còn vui hưởng sự hiện diện của Ngài! (Sáng 3:1-8).

Hành động không vâng lời của A-đam và Ê-va đã ảnh hưởng lên toàn bộ dòng giống của họ sau đó. Vì vậy trong suy nghĩ, hành động của chúng ta là những hậu tự của A-đam, chúng ta dễ dàng đi theo đường lối riêng của mình thay vì bước theo đường lối của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh diễn tả tình trạng đáng thất vọng của con người chúng ta trong Ê-phê-sô 4:17-19 và Rô-ma 1:18-32.

Augustine đã viết: “Đức Chúa Trời đã tạo dựng chúng ta cho chính Ngài, vì vậy lòng chúng ta không bao giờ được yên nghỉ cho đến khi chúng ta tìm được chỗ nghỉ yên trong Chúa”.

Vấn đề hiện nay là chúng ta có một bản chất bên trong bị chia cắt vì tội của A-đam. Chỉ duy nhất Đức Chúa Trời có thể làm thỏa mãn chúng ta, nhưng cũng giống như A-đam chúng ta tránh né hiện diện của Chúa vì trong chúng ta có những ước muốn khác hấp dẫn hơn là đi theo Lời Chúa. Augustine đã viết: “Đức Chúa Trời đã tạo dựng chúng ta cho chính Ngài, vì vậy lòng chúng ta không bao giờ được yên nghỉ cho đến khi chúng ta tìm được chỗ nghỉ yên trong Chúa”. Nhưng A-đam đã truyền lại cho chúng ta bản chất tội lỗi và chống nghịch Đức Chúa Trời. Ông cũng di truyền đến chúng ta một thân thể mà một ngày nào đó sẽ chết và trở về bụi đất. Nỗi sợ về sự chết sẽ đến– là một cảm giác thật ở bất kỳ một bản năng động vật nào nhưng chúng không thể dự liệu trước. Con người không thể tìm cách trì hoãn hay ngăn chận sự chết theo ý của mình. Đức Chúa Trời có quyền năng chữa lành những bệnh tật và vết thương của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn phải đối diện với sự chết vào một ngày không hẹn trước. Điều này như một cái xiềng sắt trói chặt con người không thoát ra được. Sự chết là một kẻ thù mà con người không có bất kỳ một vũ khí nào để dành chiến thắng, tuy nhiên đến cuối cùng nó sẽ bị hủy diệt (1 Cô-rin-tô 15:26).

UY QUYỀN VÀ SỰ NÔ LỆ

Khi A-đam chưa phạm tội, ông và Ê-va thực hiện quyền quản trị mà Đức Chúa Trời ủy thác trên các động vật dưới nước, trên không trung và trên mặt đất. Từ khi hai con người đầu tiên này phạm tội thì hình ảnh của Đức Chúa Trời đã bị phá hỏng, họ đã đánh mất vương miện của công tác cai trị, trở thành nô lệ cho tội lỗi và di truyền điều này cho hậu tự của họ. Họ vẫn còn sử dụng thân thể, tâm trí và ý chí nhưng tri thức, sự ao ước, động cơ của họ đã bị chi phối, nhiễm độc bởi tội lỗi và họ không thể nào lường hết được những hậu quả của chúng.

Vấn đề này vẫn còn ảnh hưởng đến chúng ta ngày hôm nay, và trải qua nhiều thế kỷ nó được gia tăng cùng với sự phát triển của tri thức khoa học. Các nhà nghiên cứu phát triển những loại thuốc trừ sâu kéo theo những hệ lụy là giết chết các vật nuôi và nguồn nước bị ô nhiễm, cá cũng bị nhiễm độc dẫn đến các loại bệnh ung thư cho con người. Thảm thực vật đang bị phá hủy để lại những vùng đất xói mòn gây ra lũ lụt nhiều nơi. Hầu như khi con người phát triển một lĩnh vực nào đó rất tốt thì nó cũng kéo theo những điều xấu khác. Có nghĩa là khi chúng ta giải quyết được một vấn đề, thì sau đó chúng ta sẽ có hai hoặc nhiều hơn các vấn đề khác nữa cần giải quyết. Khi phạm tội, chúng ta sáng chế ra nhiều phương cách khác nhau để che giấu tội lỗi, và điều này chỉ làm cho tình trạng tội lỗi của chúng ta trở nên tệ hại hơn. Chúng ta không cố gắng làm đảo lộn cuộc sống hoặc sự cân bằng của tự nhiên, nhưng từ khi A-đam sa ngã, con người chúng ta là một sự pha trộn kỳ lạ của phát minh và phá hoại, của uy quyền và nô lệ. Chúng ta rất dễ sử dụng những ân tứ của Đức Chúa Trời ban cho theo đường lối và mục đích sai trật. Được sáng tạo theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, chúng ta kém hơn thiên sứ nhưng cao trọng hơn các động vật khác, nhưng đôi khi chúng ta rơi vào tình trạng đạo đức thấp kém giống như các loài động vật thay vì cao hơn chúng nhiều cấp độ. Chúng ta thậm chí còn sử dụng tính chất của loài vật để chỉ một người nào đó. Chúng ta nói anh này dơ bẩn như heo, cứng đầu như một con la, ngu như bò, dễ tuột như cá chình, xảo trá như cáo, vụng về như bò đực…. Còn nếu chúng ta làm vài điều đáng tuyên dương, nhiều người sẽ gọi chúng ta là những thiên sứ.

Vậy thì chúng ta có thể vượt qua những bản chất tự nhiên của con người mặc dù tổ phụ A-đam sa ngã hay không? Có giải pháp nào cho đời sống con người vốn đầy những nghịch lý và mâu thuẫn?

Câu trả lời là có.

A-ĐAM ĐẦU TIÊN VÀ A-ĐAM SAU CÙNG

Theo Rô-ma 5:12-21 A-đam đại diện cho toàn thể loài người trong sáng tạo cũ. Các nhà thần học gọi A-đam là “thủ trưởng liên bang” hàm ý những gì ông làm để lại một hậu quả dây chuyền trên dòng dõi của ông. Có một vài điều áp dụng ở đây trong câu chuyện của người Phi-li-tin thách đấu với người Y-sơ-ra-ên: “Hãy chọn một người trong các ngươi xuống đấu địch cùng ta. Nếu khi đấu địch cùng ta, hắn trổi hơn và giết ta, thì chúng ta sẽ làm tôi các ngươi; nhưng nếu ta trổi hơn hắn và ta giết hắn, thì các ngươi sẽ làm tôi chúng ta, và hầu việc chúng ta” (1 Sa-mu-ên 17:8-11).

Một số người hoài nghi có thể hỏi: “Đức Chúa Trời có thực sự hợp lý khi buộc tội toàn thể loài người sau khi A-đam phạm tội không vâng lời?” Đây không phải là vấn đề của sự công bằng nhưng của ân điển. Nếu Đức Chúa Trời làm điều “hợp lý, công bằng”, Ngài sẽ kết án toàn thể loài người và quên đi sự cứu rỗi. Thật ra nếu bạn và tôi ở vào vị trí của A-đam, chúng ta cũng sẽ hành động như ông ta. Toàn thể loài người bị phán xét vì những gì A-đam đầu tiên đã làm trong vườn Ê-đen. Tuy nhiên đây là tin tốt lành: Bạn và tôi được cứu chuộc khỏi tội lỗi vì A-đam sau cùng đã chết trên thập tự giá đền tội cho chúng ta. “Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại” (1 Cô-rin-tô 15:22). Sự không vâng lời của A-đam mang đến tội lỗi và sự chết vào trong thế giới, nhưng sự hi sinh của Đấng Christ trên thập tự giá mang đến ân điển và lời hứa về sự phục sinh vinh hiển cho những ai đặt đức tin nơi Ngài. Đây là sự khôn ngoan và giải pháp đầy ân điển cho một vấn đề phức tạp.

Khi chúng ta sinh ra lần đầu tiên, chúng ta được sinh ra trong sáng tạo cũ và “trong A-đam”, điều này khiến chúng ta trở nên những tội nhân. Nhưng khi chúng ta được tái sanh nghĩa là được sanh ra trong sáng tạo mới (2 Cô-rin-tô 5:17), được “ở trong Đấng Christ”, chúng ta trở nên con cái của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô viết: “Người thứ nhứt là A-đam đã nên linh hồn sống” được trưng dẫn từ Sáng thế ký 2:7, và sau đó vị sứ đồ nói tiếp: “A-đam sau cùng là thần ban sự sống” (1 Cô-rin-tô 15:45). Chúa Jesus Christ “cũng ban sự sống cho những kẻ Ngài muốn” (Giăng 5:21). Bởi vì đây là đời sống mới trong Đức Thánh Linh, hình ảnh của Đức Chúa Trời bị làm hỏng trong sáng tạo cũ, giờ đây đã được thay đổi và chúng ta càng ngày càng trở nên giống Chúa Jesus Christ khi tiếp tục bước đi với Ngài. Khi chúng ta cùng nhau suy gẫm Lời Chúa, cầu nguyện, thờ phượng và phục vụ Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ kinh nghiệm “mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật” (Ê-phê-sô 4:24; Tham khảo: Cô-lô-se 3:9; Rô-ma 8:29).

A-đam đầu tiên quản trị trong cõi sáng tạo cũ, nhưng ông ta cùng với vợ trở thành kẻ trộm cắp trái cây mà Chúa không cho phép (trộm cắp tức là lấy những gì không phải của mình), và bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen. Chúng ta cũng có hình ảnh ý nghĩa này: Trong giờ phút đau đớn chuẩn bị chết trên thập giá, A-đam sau cùng đã quay qua tên trộm cắp kế bên và tuyên phán: “Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi” (Lu-ca 23:43).

Chúa Jesus đã không còn ở trên thập tự giá, nhưng Ngài vẫn đang sống, thực hiện công tác cứu chuộc tội nhân và tiếp nhận họ vào trong Ba-ra-đi. Cảm tạ Chúa về A-đam sau cùng!

 

 

Translated by Tuong Vi   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn