Thứ Năm , 23 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / SỨC MẠNH CỦA SỰ HIỆP TÁC

SỨC MẠNH CỦA SỰ HIỆP TÁC

handshake-512

Người Việt có câu:

-Một cây làm chẳng nên non,

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

-Dầu ai nói ngã nói nghiêng,

Lòng ta cứ vững như kiềng ba chân.

-Tam nhân đồng hành tất ngã hữu sư

-Thiên thời, địa lợi, nhân hoà.

Kinh Thánh đồng ý với kinh nghiệm nầy khi nói sợi dây ba tao lấy làm khó đứt. Đó là sức mạnh của sự hiệp tác.

Tôi chú ý đến con số 3 được bày tỏ ra trong Kinh Thánh. Tôi tin không phải tình cờ. Chúa có chủ đích. Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Dầu Kinh Thánh không nói đến chữ Ba Ngôi nhưng rõ ràng nhiều lần Kinh Thánh nói đến sự hiện diện và công tác của cà Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nhắc đến Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh. Trong Ba Ngôi có cả sức mạnh, tình yêu thương và sự hiệp nhứt.

Tiên tri Ê-sai có lần đã thấy khung cảnh thiên đàng, ở đó ông nghe các thiên sứ tung hô Chúa ba chữ: Thánh thay! Thánh Thay! Thánh Thay!

Tổ phụ Áp-ra-ham thấy ba vị khách lớn đến thăm mình. Ông bảo vợ hãy mau mau lấy 3 đấu bột nhồi ra làm bánh.

Chúa truyền cho dân Do Thái “mỗi năm 3 kỳ các ngươi sẽ giữ lễ kính ta”. Mỗi năm 3 lần mọi người nam phải có mặt để dự lễ.

Ngày nay người tín hữu Đại Hàn thường bắt đầu lời cầu nguyện bằng ba chữ “Chúa ôi! Chúa ôi! Chúa ôi!” Họ tin giáo lý Ba Ngôi.

CHÚA CỨU THẾ GIÊ-SU:

Chúa Giê-su tuyên bố Ngài là đường đi, chân lý và sự sống.

Kinh Thánh đã ghi lại câu chuyện các bác sĩ đã tìm Chúa giáng sinh và dâng cho Chúa ba lễ vật là vàng, nhủ hương và một dược.

Chúa Giê-su cùng lúc giữ ba chức vụ: Thầy Tế Lễ, Tiên Tri, Vua.

Chúa Giê-su giảng ba ẩn dụ về con chiên bị mất, đồng bạc bị mất và đứa con bị mất.

Chúa Giê-su có ba môn đồ thân tín là Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng.

Chúa Giê-su là Đấng hôm qua, ngày nay, cho đến đời đời không hề thay đổi.

Tôi nhớ khi Chúa Giê-su mới thi hành chức vụ, Ma quỷ đã ba lần cám dỗ Chúa Giê-su:

1. Hãy hóa đá thành bánh,

2. Hãy nhảy xuống từ nóc đền thờ,

3. Hãy sấp mình xuống thờ lạy Ma quỷ.

Chúa Giê-su đã ba lần dùng Kinh Thánh để chiến thắng Ma quỷ.

Tôi nhớ Chúa Giê-su cầu nguyện ba lần trong vườn Ghết-sê-ma-nê.

Tôi nhớ những bài giảng kỳ diệu và quyền năng của Chúa Giê-su. Ngài nhắc đến ba điều loài người thường hay lo nhất: Ăn gì? Uống gì? Mặc gì?

Chúa Giê-su dạy về sự kiên nhẫn cầu nguyện: Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ cửa Chúa sẽ mở cho.

Chúa Giê-su nhắc đến ba thử thách cho những gia đình chúng ta: Mưa sa, nước chảy, gió lay.

Chúa Giê-su thường làm ba việc: dạy dỗ, giảng Tin Lành, chữa bệnh.

Chúa Giê-su nói Giô-na ở trong bụng cá ba ngày ba đêm, Chúa cũng chết và ba ngày sau sống lại.

Chúa Giê-su nói, “Hãy phá đền thờ nầy đi, trong 3 ngày ta sẽ dựng lại.”

Chúa Giê-su hứa nơi nào có hai ba người nhóm lại cầu nguyện thì có Chúa ở giữa.

SỨ ĐỒ PHAO-LÔ:

Khi gặp Chúa Giê-su lần đầu, Phao-lô té xuống đất, và nghe có tiếng phán cùng mình rằng, “Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, sao ngươi bắt bớ ta?” “Sau-lơ chờ dậy khỏi đất, mắt dẫu mở nhưng không thấy chi cả, người ta bèn cầm tay dắt người đến thành Đa Mách, người ở đó trong 3 ngày, chẳng thấy, chẳng ăn, cũng chẳng uống.”

Sứ đồ Phao-lô cũng thích nhắc đến con số ba. Ông khám phá: “Bây giờ còn có ba điều nầy: 1. đức tin, 2. hy vọng và 3. tình thương, nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương.”

Phao-lô đã ví sánh các vật liệu xây dựng trong sự nghiệp của chúng ta như 1. vàng, 2. bạc, 3. bửu thạch hoặc như 1. gỗ, 2. cỏ khô, 3. rơm rạ.

Phao-lô đã ghi lại lời chúc phước cho Hội Thánh Cô-rinh-tô: “Nguyền xin 1. ân điển của Đức Chúa Giê-su Christ, 2. sự yêu thương của Đức Chúa Trời, và 3. sự giao thông của Đức Thánh Linh ở với anh em hết thảy.”

Phao-lô đã viết thư cho các Hội Thánh nhưng ông cũng dành thì giờ viết thư cho ba người học trò thân tín là: 1. Ti-mô-thê, 2. Tít, 3. Phi-lê-môn.

SỨ ĐỒ PHI-E-RƠ

Chúa Giê-su nói trước, “Hỡi Phi-e-rơ, ta nói cùng ngươi, hôm nay khi gà chưa gáy, ngươi sẽ ba lần chối không biết ta.”

Quả nhiên, Phi-e-rơ đã chối Chúa ba lần. Sau đó, Phi-e-rơ đã ăn năn, khóc lóc cách thảm thiết.

Chúa Giê-su đã khôi phục chức vụ cho Phi-e-rơ, Ngài hỏi Phi-e-rơ ba lần: “Ngươi yêu ta chăng?”

TRÊN ĐỒI GÔ-GÔ-THA

Đây là điều tôi khám phá. Không phải tình cờ mà trên đồi Gô-gô-tha có ba cây thập tự. Kinh Thánh ghi rõ Chúa Giê-su bị đóng đinh giữa hai tên cướp. Một tên bên tả và một tên bên hữu. Kết cuộc một tên tin Chúa và kêu cầu Chúa, còn một tên dù sắp chết cũng cứng lòng không chịu tin Chúa. Tôi tin đây là đại diện của hai hạng người trên thế gian: hạng người tin Chúa và hạng người không tin Chúa. Tôi ước gì có 50% người Việt sẽ trở lại tin Chúa và kêu cầu Chúa để được cứu rỗi.

TỪ NGỒI ĐI ĐỨNG ĐẾN NGỒI ĐỨNG ĐI

Ý niệm về con số 3 thật kỳ diệu.

Trước đây ở Trung Quốc, Mục Sư Nghê Thác Thanh đã khám phá thấy ba mạng lịnh trong Thư Ê-phê-sô. Đó là Ngồi, Đi và Đứng. Ông đã phát hành sách giải nghĩa Thư Ê-phê-sô với đề tài nầy. Ngồi là địa vị trong Chúa. Đi là ăn ở giữa Hội Thánh và Đứng là tư thề chiến đấu, mang khí giới của Chúa chống trả Ma quỷ.

Trong thời gian qua, Mục sư Lữ Thành Kiến và tôi hiệp tác trong chương trình đào tạo của VMI cũng đã đề nghị mô hình Hội Thánh truyền giáo với ba chữ Ngồi, Đứng và Đi. Ngồi để thờ phượng Chúa, Đứng để phục vụ và Đi để truyền giáo. Đây là ba hành động tích cực của người môn đồ thật của Chúa. Tôi rất muốn ý niệm ba hành động Ngồi, Đứng và Đi nầy sẽ được các Hội Thánh người Việt khắp nơi hưởng ứng. Chúng ta đã ngồi quá lâu, bây giờ đã đến lúc phải đứng lên và đi ra. Chúng ta sẽ đi ra theo tiếng gọi của Chúa bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, bắt đầu từ những người thân, bà con, bạn bè của mỗi người chúng ta. Mỗi người phải tin cậy Chúa và vâng theo đại mạng lịnh của Chúa bắt đầu bằng việc ra đi. Đi gần rồi tới đi xa.

Trong thời gian qua, Mục sư Lữ Thành Kiến và tôi hiệp tác trong chương trình đào tạo của VMI cũng đã đề nghị mô hình Hội Thánh truyền giáo với ba chữ Ngồi, Đứng và Đi. Ngồi để thờ phượng Chúa, Đứng để phục vụ và Đi để truyền giáo. Đây là ba hành động tích cực của người môn đồ thật của Chúa. Tôi rất muốn ý niệm ba hành động Ngồi, Đứng và Đi nầy sẽ được các Hội Thánh người Việt khắp nơi hưởng ứng.

Tôi được biết từ mấy năm trước đây, Hội Thánh người Đại Hàn có hơn 10,000 người ra đi làm giáo sĩ khắp thế giới. Trong số đó có hơn phân nửa các giáo sĩ là phụ nữ.

Trở lại con số ba. Tôi khám phá ra thêm nhiều điều lý thú. Đây là những đặc điểm của VMI.

Trình độ thuộc linh của người tín đồ có 3 hạng: 1. Tò mò, 2. Tin theo, 3. Phó thác. Môn dồ Chúa phải đạt đến trình độ phó thác.

Ba tiêu chuẩn để tìm môn đồ cho Chúa là: 1. Trung tín, 2. Sẵn sàng, 3. Chịu học.

Mỗi môn đồ cần có:

1. Một ông thầy như Phao-lô,

2. Một người bạn như Ba-na-ba,

3. Một người học trò như Ti-mô-thê.

Người truyền giáo cần trang bị và tham gia liên tục ba việc:

1. Học đạo,

2. Sống đạo,

3. Truyền đạo.

Chương trình đào tạo của VMI hiện có 3 cấp:

-Cấp 1: Tôi Muốn Biết Chúa.

-Cấp 2: Tôi Muốn Theo Chúa

-Cấp3. Tôi Muốn Hầu Việc Chúa.

Đào tạo người truyền giáo là công việc lớn, lâu, lan.

1. To lớn,

2. Lâu dài,

3. Lan rộng ra.

Kết luận:

  1. Đức Chúa Trời biết và nói, “Loài người ở một mình không tốt.” Loài người cần người khác hiệp tác, nâng đỡ. Chính Chúa Giê-su cũng cần người hiệp tác, Ngài cần các môn đồ để kế thừa.
  2. Hội Thánh chúng ta nên khuyến khích xây dựng tổ tam tam học đạo, sống đạo, truyền đạo. Hãy bắt đầu với lớp học 3 người.
  3. Hãy suy nghĩ đến ba bạn Hê-bơ-rơ. Sống chết có nhau.
  4. Hãy suy nghĩ đến ba môn đồ thân tín của Chúa Giê-su: Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng.
  5. Hãy lắng nghe Chúa nhắc về cây trồng để ăn trái: “Đã 3 năm cây vả nầy không có trái. Hãy đốn nó đi, không nên để chật đất… Xin hãy chờ thêm một năm nữa.” Lu-ca 13: 6-9.
  6. Có 3 tình trạng thuộc linh, 1. nóng, 2. lạnh và 3. hâm hẩm, bạn đang ở tình trạng nào?

mskien (4)

MS-HUE-VA-NHOM-TIN-HUU-DAI-HAN

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

[email protected]   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn