Thứ Bảy , 23 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / HOA NỞ TRONG BÓNG TỐI

HOA NỞ TRONG BÓNG TỐI

Hoa Nở Trong Bóng Tối

zhappywoman

“Xin hãy để tôi yên, tôi không cần sự giúp đỡ của ai hết.” Anh ta lại từ chối. Tôi nhìn theo lưng anh khi anh quay vào xà lim của mình sau khi thoái thác cuộc viếng thăm của tôi. Tôi quyết tâm quay trở lại nhà tù West Gate vào ngày hôm sau.

Nhà thờ tôi thường đi ở cách xa nơi tôi sống, nên tôi thường nhóm cầu nguyện buổi sáng ở nhà thờ Shinik gần nhà. Một sáng nọ, lúc tôi đang khẩn thiết cầu nguyện thì giọng nói của Ngài đến với lòng tôi thật sâu xa. Ngài hỏi tôi, “Đã bao giờ con đi thăm một tù nhân trong ngục chưa?”

Tôi đáp, “Thưa chưa, nhưng con đã đi thăm nhiều người nghèo và người bệnh.”

“Nếu Ta ở tù thì con sẽ đến thăm Ta chứ?”

“Chắc chắn rồi, thưa Chúa.” Khi tôi trả lời như thế thì giọng nói Ngài biến mất.

Tiếng nói của Ngài đến với tâm linh tôi vào buổi bình minh ấy suốt ngày cứ văng vẳng trong lòng tôi.

“Nếu Ta ở tù thì con sẽ đến thăm Ta chứ?”

“Vâng, thưa Chúa, nếu Ngài ở trong tù thì con sẽ đi đến tận cùng trái đất để thăm Ngài.” Ngày hôm ấy, lòng tôi cứ không yên. Tôi gọi điện cho một tín hữu có mặt trong buổi nhóm cầu nguyện sáng sớm hôm ấy. Đó là vợ của ông Bộ trưởng Ngoại Giao. Tôi xin bà Byun giúp tôi đến thăm một nhà tù.

Sau vài khâu giới thiệu, tôi được đưa đến gặp Giám đốc nhà tù West Gate. Ông rất tò mò về một người phụ nữ trong độ tuổi ba mươi muốn đến thăm các tù nhân này.

“Tại sao bà muốn gặp tôi?” Ông hỏi cách lịch sự.

“Tôi là một người nội trợ. Tôi chỉ muốn giúp các tù nhân. Nếu ông có thể giới thiệu cho tôi bất kỳ một tù nhân nào không có họ hàng thân thích hoặc không có ai đến thăm nuôi thì tôi sẽ chăm sóc anh ta như người trong gia đình.”

Ông ta dường như rất cảm động sau khi nghe câu chuyện của tôi. Ông nói, “Tôi sẽ kiểm tra lại danh sách tù nhân và ngày mai sẽ báo cho bà hay.”

Sáng hôm sau, tôi đến nhà tù và có được tên một tù nhân. Tên anh ta là Hoon Kim. Anh lớn lên trong sự chăm sóc của một bà mẹ độc thân. Anh học ở Trường Trung Học Phổ Thông K và sau đó vào Đại học Seoul (giống như Đại học Harvard ở Hoa Kỳ). Trong những ngày đầu, con tim đầy lý trí của anh đã dẫn anh đến với lý tưởng của Karl Marx. Anh rời mẹ mình và đi đến Bắc Hàn để gia nhập vào nhóm những người muốn làm cách mạng cho một nước Triều Tiên mới. Sau đó anh được huấn luyện thành một gián điệp rồi được đưa về miền Nam. Một thời gian sau, anh bị bắt và bị kết án tù chung thân.

Mẹ anh qua đời trong cô đơn vì quá trông ngóng tin con. Anh không có bà con thân thích hoặc bất kỳ ai thăm viếng sau đó. Ngày hôm sau, tôi chuẩn bị bữa trưa trong một cái giỏ và đi đến nhà tù. Tôi ngồi đợi ở phòng thăm thân nhân. Tim tôi đập mạnh với nhiều ý nghĩ chạy dọc ngang trong đầu. Rốt cuộc, một thanh niên cao gầy xuất hiện nơi cánh cửa trong góc phòng. Anh liếc nhìn tôi và ngồi xuống ghế. Anh nói với giọng lạnh lùng, “Tại sao bà lại đến làm phiền tôi? Dù bà có tìm mọi cách để làm tôi vui lòng, tôi cũng sẽ không thể thay đổi niềm tin của mình đối với Cộng sản. Hãy nói với những người ở phe Chính quyền đã sai bà tới là hãy buông tha cho tôi.”

Sự đáp trả của anh đối với bữa ăn trưa ấm áp của tôi đủ lạnh lùng để làm tê buốt con tim của người nội trợ trẻ tuổi. Tôi lấy hết can đảm để nhìn vào anh. Mở giỏ đồ ăn với đôi tay run rẩy, tôi nói, “Tôi không phải là người của Chính quyền. Tôi không quan tâm đến lý tưởng của anh chút nào cả. Tôi chỉ là một người nội trợ bình thường. Tôi chỉ muốn giúp những người tù không có ai thân thích hoặc không ai thăm nuôi. Chỉ có thế thôi.”

Anh ta cười khẩy, “Tôi không phải là thằng ngu để bị kiểu nói dối này lừa phỉnh đâu nhé.” Anh thậm chí cũng không ngó ngàng gì đến bữa ăn trưa mà tôi đem đến, sau đó anh quay trở về xà-lim của mình. Tôi gởi lại đồ ăn cho mấy người coi ngục và ra về trong nỗi thất vọng.

Sau nhiều lời cầu nguyện cùng nhiều lần viếng thăm, cuối cùng tôi cũng làm cho anh ta tin rằng tôi không phải là người do Chính phủ phái đến. Thế rồi, anh bắt đầu chịu trả lời những câu hỏi của tôi và trông chờ những lần viếng thăm của tôi.

Một ngày nọ, anh hỏi tôi một cách rất nghiêm túc. Anh gọi tôi là “Chị.”

“Thưa chị, chị có tất cả. Chị có một người chồng tốt, có con cái và sự giàu có. Nhưng tại sao chị lại đến nhà tù để rồi phải hứng chịu những sự sỉ nhục và khinh bỉ của các tù nhân như tôi? Xin hãy thật lòng nói cho tôi biết.”

Tôi không có câu trả lời. Tôi chỉ lắng nghe tiếng Ngài và vâng phục. Chỉ có thế. Tôi nói với anh ấy, “Hoon à, tôi đến nhà tù để chia sẻ niềm hạnh phúc của tôi với anh.”

“Dĩ nhiên rồi, thưa chị. Chị có tiền bạc, có danh vọng và mọi thứ để có thể chia sẻ cho những người khác. Nhưng tại sao chị lại muốn chia sẻ với một tù nhân như tôi. Chị đâu thể giúp mẹ tôi. Bà đã chết rồi. Chỉ vô ích thôi.”

“Tôi có thể chia sẻ đồ ăn và áo mặc cho anh nhưng Hoon à, điều tôi thật sự muốn chia sẻ với anh là niềm hạnh phúc thật đáng giá gấp ngàn lần những nhu cầu vật chất kia.”

“Một niềm hạnh phúc như thế không hiện hữu trên trái đất này.”

“Tôi có thể chia sẻ đồ ăn và áo mặc cho anh nhưng Hoon à, điều tôi thật sự muốn chia sẻ với anh là niềm hạnh phúc thật đáng giá gấp ngàn lần những nhu cầu vật chất kia.” “Một niềm hạnh phúc như thế không hiện hữu trên trái đất này.”

“Được rồi, chúng ta hãy xem thử niềm hạnh phúc như thế có tồn tại hay không.”

Chủ nghĩa Duy vật bén rễ sâu trong tư tưởng của anh Hoon khiến anh khó lòng hiểu được sự tồn tại của một Thân vị vô hình. Sự việc trở nên khó khăn như thể lấy trứng chọi đá. Thế giới của anh thấm đầy tư tưởng màu đỏ của Cộng sản và con tim anh đã khép lại trong bóng đêm mịt mùng.

Thời gian và nhiều cuộc viếng thăm của tôi trôi qua. Cứ mỗi lần tôi đến, tôi lại nói cho anh Hoon nghe về Chúa Giê-su và anh lắng nghe một các miễn cưỡng. Rồi sau đó anh lại quay trở về xà-lim của mình. Chẳng lẽ mọi chuyện chỉ tới đây thôi sao? Cứ cách ngày tôi lại đến thăm anh Hoon. Nhưng những lần thăm nuôi của tôi thưa thớt dần vì tôi còn bận bịu với nhiều việc khác. Sau hai tuần vắng mặt, tôi lại đến thăm anh. Nhưng viên cai ngục bảo không ai được phép  đến thăm anh Hoon. Mới đây, anh đã bị trào máu miệng do bệnh lao. Anh được chuyển tới một xà-lim đặc biệt để đề phòng bệnh lây sang các tù nhân khác. Vị Bác sĩ của nhà tù nói anh chỉ còn sống được một hoặc hai ngày nữa. Tôi vô cùng sững sốt. Bác sĩ nói ông sẽ báo cho tôi biết khi anh Hoon chết vì anh ta không có ai thân thích.

Tôi không thể quay đầu trở về nhà. Tôi khóc và nài nỉ viên cai ngục cho một cơ hội được gặp mặt anh trước khi anh chết. Cuối cùng, ông đồng ý dù biết rằng làm như thế là vi phạm nguyên tắc của nhà tù. Ông nói, “Vì nguy cơ bị lây nhiễm, tôi chỉ có thể để cô gặp anh ta trong vòng hai phút và cô phải mang khẩu trang và găng tay vào.”

Tôi đi theo viên cai ngục qua những dãy xà-lim dài và cuối cùng chúng tôi đến một xà-lim tối tăm, nhỏ bé. Qua hàng song sắt và dưới ánh đèn điện lờ mờ, tôi nhìn thấy có chiếc chiếu rơm trải trên sàn. Viên cai ngục vừa mở cửa vừa giục tôi mau mau trở ra.

“Ôi Chúa ôi ! Xin hãy tha thứ cho tội của con. Tôi giở chiếc chiếu lên và thấy anh Hoon nằm bất động trên sàn, còn khuôn mặt thì nhợt nhạt. Anh đang chết dần chết mòn vì sự bỏ mặc của thế giới và con người. Bộ đồ tù màu xanh anh Hoon mặc ướt đẫm máu của anh. Tôi tự trách mình vì đã không đến thăm anh sớm hơn. Tôi khóc. Tôi bỏ găng tay và khẩu trang ra rồi quì xuống sàn nhà ôm lấy Hoon trong cánh tay của mình.

“Hoon, Hoon ơi ! Hãy tỉnh lại và nhìn chị của em nè!” Tôi lay người anh Hoon và khóc thét lên. Anh mở mắt cách yếu ớt và vô vọng. Anh nói, “Chị ơi, em muốn trước khi chết được gặp chị dù chỉ một lần. Xin hãy tha thứ cho sự thô lỗ của em…cám ơn chị về tất cả.”

Đó là lời xưng tội xuất phát từ tấm lòng của anh Hoon. Anh đang cầu xin được tha thứ và cảm ơn tôi vì tình thương mà tôi đã dành cho anh trước khi anh chết.

“Hoon, nếu bây giờ em ra đi, em có chắc là mình sẽ đi tới nơi mà chị thường nói cho em nghe không?” “Không, em không thấy gì cả. Em không tin được điều chị nói. Em đã đến và giờ em sẽ ra đi trong sự hư không.” Tim tôi đau nhói và tan vỡ ra. Tôi ôm cơ thể sắp chết của Hoon trong lòng mình và ngã vật ra sàn. Máu từ miệng anh trào ra nhiều hơn và vấy lên chiếc áo sơ-mi xanh nhạt của tôi. “Ôi Giê-su, Chúa của con, con không thể để linh hồn của anh Hoon đáng thương ra đi như vầy! Suốt cuộc đời, anh trải qua mọi đau khổ và thăng trầm của thế gian này. Chịu đựng như thế là quá đủ rồi. Nếu anh Hoon phải chịu đựng hơn thế sau khi chết thì con không thể để anh ấy ra đi được. Chúa ôi, xin hãy giúp anh ấy. Chúa Giê-su của con. Xin hãy cứu lấy mạng sống của Hoon. Thay vào đó, xin Ngài hãy cất lấy mạng sống của con. Con sẽ nhận lấy căn bệnh này cùng những sự đau đớn này. Hãy đổi sức khỏe và sự sống của con cho Hoon. Con không có gì hối tiếc vì nếu con chết, con sẽ được ở với Ngài mãi mãi trong một thân thể vinh hiển. Xin hãy cất con đi và cứu lấy Hoon.”

Tiếng khóc của tôi đã làm cho cái xà-lim nhỏ rung chuyển. Tôi không còn là tôi nữa. Tôi tin cậy và nương dựa nơi Đấng có toàn quyền trên sự sống của Hoon và tôi. Ngài đã giao cho tôi trọng trách dẫn đưa Hoon về với Ngài. Nhưng tôi đã không làm được. Đó là lỗi của tôi. Tâm hồn của tôi vỡ ra. Hoon đã sống một cuộc đời khó nhọc, phải chịu đựng đủ điều trong hai mươi lăm năm. Còn trẻ như thế vậy mà Hoon đã sắp sửa đi vào bóng tối đời đời. Tôi không thể để anh ấy ra đi như thế được.

Thế rồi khi tôi nhìn máu của Hoon trên nền nhà, trên bộ đồng phục của anh và chiếc áo của tôi, tôi nhận ra đó chính là máu chảy ra từ vết đinh đóng trên cơ thể của Chúa Giê-su lúc tôi gặp Ngài năm tôi hai mươi ba tuổi. Đó là chính là máu của Ngài khi chịu nhục hình trộn lộn với nhau trên nền nhà và trên quần áo.

Tôi lại khóc thét lên, “Chúa ơi, Chúa cũng đổ huyết ra vì cớ anh Hoon nữa. Ngài không thể để anh ấy ra đi như thế này. Xin hãy cứu lấy anh ấy! Hãy cất lấy sự sống của con thế cho anh ấy.”

Tôi không thể thở được vì tim tôi đau đớn tột bực. Tôi nhận thấy vết thương và sự đau đớn của anh ta càng khủng khiếp và dữ dội hơn vì cớ tội lỗi của anh ta. Bàn tay, khuôn mặt, áo váy tôi nhuốm đầy máu của anh Hoon. Tôi mang lấy gánh nặng của anh Hoon và cầu xin lòng thương xót của Chúa.

Một lúc sau, từ trong bóng tối tôi dần dần hồi tỉnh và nhận thấy con tim của Hoon đã có một chút sức sống. Anh mấp máy đôi môi xin nước uống. Tôi giựt dây cấp cứu để gọi viên cai ngục. Ông ta và trưởng ngục chạy đến. Viên cai nói khi ông nhìn thấy tôi bỏ khẩu trang cùng găng tay ra rồi ôm lấy người phạm nhân mà khóc thì ông đã tường trình lại cho trưởng ngục  và cả hai cùng chờ ở bên ngoài.

Ông đã vượt quá qui định của nhà tù về việc các phạm nhân chỉ được gặp thân nhân của mình không quá mười phút khi ông nhìn thấy những gì diễn ra trong xà-lim, một người nội trợ trẻ tuổi ôm choàng lấy một người tù đang hấp hối vì bệnh lao. Viên trưởng ngục gọi Bác sĩ của nhà tù tới. Bác sĩ khám cho anh Hoon và thấy mạch của anh bắt đầu xuất hiện trở lại. Sau đó, anh Hoon được chuyển tới bệnh viện của nhà tù.

Tôi nhận ra quần áo của mình bê bết máu nên gọi điện bảo tài xế của chồng tôi đem quần áo của tôi đến nhà tù. Khi anh ta đến và thấy tôi trong nhà tù với quần áo đầy máu, anh ta hoảng hốt thật sự. Tôi nhìn thấy Hoon được đưa đến bệnh viện. Tôi về đến nhà vào lúc hoàng hôn. Đó là một buổi hoàng hôn tuyệt đẹp.

Khuya đêm hôm đó, tôi đã quỳ gối xuống trước Ngài. Tôi không thốt ra được lời nào nhưng những giọt nước mắt nóng hổi cứ chảy dài không dứt. Ngài đã không bẻ gãy một cây lau đã bị dập nát, Ngài đã không dập tắt một niềm hy vọng còn le lói. Tình yêu của Ngài đã đem một linh hồn từ cõi chết đến sự sống. Thần linh của Ngài ngập tràn trong tôi. Tôi có thể cảm nhận sự đau đớn của Ngài khi một linh hồn rơi vào bóng tối đời đời.

Sáng sớm hôm sau, tôi đến bệnh viện. Khi tôi mở cửa phòng, khuôn mặt xanh xao của anh Hoon đang chờ đợi tôi. Đó không phải là thân thể và khuôn mặt mà tôi thấy hôm qua. Đôi mắt của anh ta không còn vô hồn và tuyệt vọng nữa, nhưng chúng chan chứa sự tha thứ và niềm hi vọng, sự bình an và tình yêu thương. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một đôi mắt đẹp như thế.

Khi tôi đến bên giường, anh nhìn tôi và nói rằng, “Chị ơi, em đã thấy Chúa và đã gặp được Ngài rồi. Đó chính là Đấng mà bấy lâu nay chị đã nói cho em nghe.”

Vậy là cuối cùng, anh Hoon cũng gặp được Đấng dù vô hình nhưng đã hiện diện ở cái thế giới không ai thèm ngó ngàng tới này. Ngài đã đến để yêu thương anh và cứu chuộc anh.

“Ngài đến với một người mù chỉ khăng khăng muốn nhìn những cái thấy được. Nhưng Ngài đã chỉ cho em thấy có tồn tại một sự sống và niềm hy vọng thật. Chị ơi, em đã chạm vào Ngài. Ngài đã cứu em thoát khỏi bệnh tật và bóng tối nơi sàn xà-lim lạnh lẽo. Ngài đã ban cho em sự sống của Ngài.”

Đôi mắt của anh Hoon cũng long lanh nước mắt. Vâng, thật Ngài đã đến trong xà-lim tối tăm ấy ngày hôm qua. Ngài đã ôm lấy một linh hồn bệnh tật và bị lãng quên trong cánh tay của Ngài và đổ nước mắt ra vì một thanh niên đơn côi, không nơi nương tựa. Đó là cách Ngài đã giải cứu một linh hồn vốn quý giá hơn cả thế gian.

Sau khi hồi sức, anh Hoon trở lại xà lim trước đây của mình nhưng anh đã trở thành một tạo vật mới. Khi anh nhận lấy quyển Kinh Thánh bìa da từ tay tôi, anh đã tìm kiếm Chúa ngày và đêm để được hiểu biết thêm về Ngài. Anh trở thành một tia sáng nơi nhà giam và chia sẻ câu chuyện của mình cho những người bạn tù đang sống trong sự tối tăm. Anh đem cho họ tình yêu thương và niềm hy vọng mà anh đã nhận lãnh từ nơi Chúa. Anh đem sự an ủi đến cho những người bạn tù của mình; đó là những tên ăn cướp, những kẻ sát nhân, những tên trộm cắp và anh yêu thương họ. Anh dành phần  mình có cho người khác, anh ngủ bên cạnh nhà vệ sinh và anh rửa chân cho họ.

Cuối cùng, người ta nhận thấy anh có hạnh kiểm tốt trong nhà tù nên anh được giảm án thành án tù treo giới hạn. Cuối cùng anh được trả tự do vào ngày Lễ Độc Lập. Lúc còn trong tù, anh đã đưa vô số tù nhân đến với Chúa. Trong số đó có một  phạm nhân được Chúa biến đổi sau khi phải vào tù vì tội làm tiền giả. Sau khi gặp Chúa, anh nầy đã ăn năn hết những lỗi lầm của mình, và anh đã vẽ bức tranh Chúa Giê-su đang cầu nguyện nơi vườn Ghết-sê-ma-nê. Tôi đã tặng bức tranh ấy cho một nhà tù khác ở Masan, Đại Hàn. Đây chính là động lực giúp tôi tích cực tiên phong trong việc dấn thân vào chức vụ tại các nhà tù ở Đại Hàn.

Sau khi được Chúa biến cải, tại trong tù anh Hoon đã theo học một khóa Kinh Thánh Hàm Thụ với một Đại Chủng Viện. Anh dạy đạo cho những người bạn tù của mình, gần ba trăm người một năm. Sau khi họ hoàn tất những khóa học cần thiết, tôi đã đến dự buổi lễ tốt nghiệp ấy và trao cho mỗi người một Chứng chỉ và một quyển Kinh Thánh. Anh Hoon đã trở thành một người tự do và đã chia sẻ tình yêu của Chúa cho nhiều người bên ngoài nhà tù. Hiện nay, anh là Mục Sư  tại một Hội Thánh lớn ở Seoul, Đại Hàn.

Tôi thật sự cảm tạ Chúa vì Ngài đã cho phép những việc này xảy ra qua sự đụng chạm vô hình của Ngài. Sau sự việc này, nhà tôi có nhiều khách lui tới hơn. Họ không chỉ là những Mục Sư hay Sinh viên Thần học mà còn có thành phần mới. Họ là những người bạn của Chúa, Đấng đã hỏi tôi, “Nếu Ta ở trong tù thì con có đến thăm Ta không?” Tất cả những người ấy đều có cùng một tên, đó là “Ân điển.”

Họ là những người bạn của Chúa, Đấng đã hỏi tôi, “Nếu Ta ở trong tù thì con có đến thăm Ta không?” Tất cả những người ấy đều có cùng một tên, đó là “Ân điển.”

Như Ngài đã phán, “Nơi nào tội lỗi thêm nhiều thì ân điển càng gia tăng.”

Họ là những người hạnh phúc và họ yêu mến Chúa hơn bất cứ ai.

Đôi lúc chồng tôi nói đùa rằng, “Em hãy ra ứng cử Quốc Hội đi, chắc chắn em sẽ được trúng cử đấy.”

Tôi thật là một người phụ nữ hạnh phúc với nhiều người bạn, trước tiên là những bạn thân thiết nhất của Chúa Giê-su.

 

Trích từ quyển “NGƯỜI ĐÀN BÀ HẠNH PHÚC”

Tác giả: Ang Son Yoo

HƯỚNG ĐI xuất bản năm 2000

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn