Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024

ĐI VỚI CHÚA

ĐI VỚI CHÚA

Hội Thánh Truyền Giáo Trên Đường Dây

Thứ sáu 21/8/2015

images (5)

Kinh Thánh là tốt lành, tất cả Kinh Thánh đều là lời của Chúa, đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình. Nhưng tôi đặc biệt thích những câu chuyện thực tế xảy ra giữa Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài. Những câu chuyện ấy làm dễ liên tưởng đến chính mình và Chúa hơn và có những bài học thực tế, và rõ ràng. Câu chuyện Chúa đi trên biển là câu chuyện tôi nhận được những sự dạy dỗ rất tốt lành và muốn chia xẻ lại những kinh nghiệm đó cùng anh chị em.

KHÔNG CÓ CHÚA ĐI CÙNG: 23-24

Xong rồi, Ngài lên núi để cầu nguyện riêng; đến chiều tối, Ngài ở đó một mình. Bấy giờ, thuyền đã ra giữa biển rồi, vì gió ngược, nên bị sóng vỗ

Trong suốt 3 năm rưỡi mục vụ trên đất, từ khi tuyển các sứ đồ, Chúa Jesus đi cùng họ hầu như là một, nhưng không phải lúc nào Ngài cũng ở bên cạnh, đặc biệt là những lúc Ngài đi cầu nguyện riêng. Những lúc Ngài ở riêng, các sứ đồ thường gặp vấn đề, như trong trường hợp chữa bệnh cho con trai người bị bệnh động kinh, họ đã không thể cầu nguyện cho đứa trẻ được. Khi cho đoàn dân đông ăn, họ cũng bối rối không biết giải quyết thế nào, hay khi người ta kéo đến chữa bệnh mà không có Chúa ở đó, họ hải đi tìm. Hầu như các môn đồ thường bị lệ thuộc và quen với sự có mặt hay giải quyết vấn đề của Chúa khi Ngài ở bên cạnh, rời Ngài ra là họ cảm thấy hụt hẫng.

Đọc thêm Mác 6:47-48 để so sánh tình trạng lúc ấy. Đến tối, chiếc thuyền đang ở giữa biển, còn Ngài thì ở một mình trên đất. Ngài thấy môn đồ chèo khó nhọc lắm, vì gió ngược. Ma-thi-ơ chỉ nói là thuyền ra giữa biển, bị ngược gió, bị sóng lớn, nhưng Mác làm cho rõ hình ảnh của các môn đồ lúc ấy, họ chèo chống một cách khó nhọc. Trong câu chuyện Chúa Jesus ngủ trên biển, các môn đồ đã kêu Ngài, kêu một cách trách móc: Chúa ơi Ngài không biết chúng ta sắp chết rồi sao, nhưng lần này họ không kêu, có lẽ vì biết rằng Chúa không ở cùng trên thuyền, Ngài đang ở xa, làm sao kêu, thôi cứ tự chèo chống.

Tôi thử suy nghĩ đến tình trạng của chúng ta ngày nay, chúng ta quen với sự có mặt của Chúa, khi tình trạng bình thường, yên ổn, cái gì Chúa cũng lo, cái gì cũng nhờ Chúa làm. Nhưng cũng có những lúc chúng ta gặp tình trạng khó khăn, ví dụ như là một cái gì đó ngược lại, chống lại mình, bị sóng lớn, chòng chành. Đang lúc bối rối, chúng ta rất dễ bị dẫn đến suy nghĩ Chúa đang ở xa mình. Và chúng ta bắt đầu chèo chống theo sức riêng, theo suy nghĩ mình. Chèo chống cách khó nhọc, vừa bên này vừa bên kia, vừa gió ngược, vừa sóng lớn. Bài học mà tôi nhận được ngay tại đây là: trong những hoàn cảnh dường như chống lại mình, chúng ta tìm cách chèo chống lung tung mà quên rằng Chúa Jesus vẫn ở đó. Chúng ta không gọi Chúa để Ngài lại giải quyết vấn đề, chúng ta tự suy nghĩ, hành động, quyết định theo ý riêng và rồi cứ chèo chống cách khó nhọc, vì chúng ta không thể giải quyết các nan đề cách ổn thỏa theo ý người. Thay vì để Chúa xử lý, chúng ta tự xử lý. Chúng ta chèo chống. Người này chèo bên này người kia chèo bên kia, góp ý lẫn nhau, chèo với nhau nhưng lại chống nhau, làm cho tình trạng lại rối rắm thêm. Chắc lúc đó cũng giống các sứ đồ, chúng ta nghĩ là Chúa đang ở xa quá, khó kêu. Tự mình giải quyết cho xong, nhưng càng giải quyết càng khó thêm. Sự chèo chống thật khó nhọc, như hoàn cảnh các môn đồ bấy giờ

Tôi tin là trong đoạn Kinh Thánh này, Chúa Jesus biết rằng đêm ấy sẽ có bão, hay gió lớn trên biển. Hồ Ga-li-lê nổi tiếng là thường có những cơn bão bất chợt, nhưng các sứ đồ phần lớn làm nghề chài lưới quanh năm trên biển, họ có kinh nghiệm biết có bão, biết tránh bão. Và Chúa Jesus thì chắc chắn biết, chẳng có gì Ngài không biết, có lần Ngài đã lên thuyền cùng các sứ đồ trong lúc có bão biển và nằm ngủ, để mặc cho các môn đồ chèo chống và sợ hãi, nhưng khi họ gọi Ngài dậy, thì Ngài chỉ phán một tiếng là bão biển yên lặng. Ngài biết là hôm ấy sẽ có bão, nhưng Ngài vẫn bảo các môn đồ chèo thuyền qua bên kia bờ trước, còn Ngài thì ở lại một mình trên đất để cầu nguyện. Ngài có chương trình của Ngài, Ngài có việc của Ngài

Tôi tin là Chúa Jesus biết tất cả, nhưng đôi khi Ngài vẫn để chúng ta bước qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời, và vẫn để chúng ta chèo chống, đó là việc bình thường mà con người trong cuộc sống phải trải qua. Đức Chúa Trời không hứa với chúng ta là chúng ta sẽ không bao giờ bị thử thách, nhưng hứa rằng trong sự thử thách Ngài cũng mở đường cho ra khỏi và sẽ không để cho chúng ta bị thử thách quá sự chịu đựng của mình. Bài học này cho chúng ta thấy một điều, là chúng ta vẫn sẽ phải chèo chống, nhưng bớt khó nhọc hơn, nếu tức thì chúng ta kêu Chúa và để Ngài giúp sức, để Ngài góp ý, để Ngài quyết định, vì lời của Ngài luôn luôn là những direction chính xác 100% không hề sai trật. Mình có đi sai đường, GPS có chỉ sai đường (khi thời tiết xấu, saterlite bị nhiễu) nhưng Chúa Jesus không bao giờ chỉ sai đường. Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, là ánh sáng cho đường lối tôi.

Nhưng có phải là Chúa Jesus đã để mặc các môn đồ chèo chống và cơn bão biển sẽ làm khó họ? Đây là điều tuyệt vời nhất, Song đến canh tư đêm ấy, Đức Chúa Jêsus đi bộ trên mặt biển mà đến cùng môn đồ.

Ngài không nói gì cả. Ngài đến.. Ngài vẫn ở đó, gần đó, ngay đó, thấy hết, biết hết, và khi họ chèo chống khó nhọc đủ rồi, thì Ngài đến. Ngài không cần một chiếc thuyền để đi, Ngài đi luôn trên mặt biển đầy sóng gió và tối tăm. Chúng ta hãy an lòng, đừng sợ, vì Chúa sẽ đến.

ĐI TRONG SỢ HÃI: 25-26

Khi thấy Ngài đi bộ trên mặt biển, thì môn đồ bối rối mà nói rằng: Ấy là một con ma, rồi sợ hãi mà la lên

Lưu ý chữ bối rối và sợ hãi. Phân tích thời gian lúc ấy, Kinh Thánh nói là canh tư, trời mờ mờ tối, họ cực nhọc suốt ngày, đã phục vụ đoàn dân đông gần chục ngàn người (già trẻ lớn bé) ăn bữa ăn chiều, bây giờ lại phải vượt qua biển động. Thể xác mệt mỏi, tâm thần không yên ổn. Cũng có lẽ họ chưa từng nhìn thấy việc ấy bao giờ. Dù là nhiều lần thấy Chúa làm phép lạ, nhưng việc đi trên biển này là chưa bao giờ. Tất cả những dữ kiện này có thể liên hệ đến việc đời sống một con cái Chúa liên tục gặp thử thách, hết thử thách này đến thử thách kia, như Gia-cơ 1:2 :thử thách trăm bề thoạt đến.

Sự sợ hãi đó có đáng trách không, khi họ đã cùng đi với Chúa thời gian mà không nhận biết Ngài. Chúng ta có thể thực tế. Đã là con người, thì có giới hạn. Một việc còn tránh được, nhưng nhiều quá, tránh không được, thế nào cũng có lúc rơi vào tình trạng nhầm lẫn, than thở. Vua Đa-vít khi gặp thử thách nhiều, cũng than thở, Gióp dù hết sức kính sợ Chúa, cũng tự thán về hoàn cảnh của mình và lên tiếng nguyền rủa ngày sinh của mình. Trong trường hợp mình thì thế nào? Có ai nói rằng trong cả quãng đời theo Chúa chưa từng đối diện với những khó khăn thử thách và không hề sợ? Tôi kính phục những đức tin ấy. Tôi tin rằng đã là con người thì ai cũng sợ. Nhưng tôi cảm động khi đọc đến câu này: Các ngươi hãy yên lòng, có ta đây, đừng sợ. Chúa Jesus đã không trách móc khi các môn đồ bối rối và sợ hãi, trái lại, Ngài an ủi. Chúng ta không nên bao giờ cũng cảm thấy sợ hãi Chúa trách móc hay phạt vì sự thiếu niềm tin hay ít đức tin của chúng ta. Tôi tin là Chúa, như Ê-sai 53: 4-6 Ngài đã có thể cảm thông sự yếu đuối bệnh tật của loài người và đã bằng lòng nhận chịu mọi thay thế cho họ. Đó chỉ là trạng thái ban đầu, nhất thời, khi đụng trận, bối rối, nhầm lẫn nhưng ngay sau đó, hãy lắng nghe tiếng khích lệ của Chúa, Đấng nhân từ yêu thương chẳng phải lúc nào cũng nghiêm khắc giận dữ. Ngài nói: Các ngươi hãy yên lòng, có ta đây, đừng sợ. Thật là một lời an ủi khích lệ tuyệt vời, giúp cho chúng ta cảm nhận được tình yêu cao cả của Đấng yêu mình và sẵn sàng chết thế cho mình. Tôi muốn gởi đến cho anh chị em câu Kinh Thánh này để yên lòng đừng sợ, I Giăng 4:18: Quyết chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương, nhưng sự yêu thương trọn vẹn thì cắt bỏ sự sợ hãi; vì sự sợ hãi có hình phạt, và kẻ đã sợ hãi thì không được trọn vẹn trong sự yêu thương.

Làm việc Chúa không bảo đảm là luôn luôn bình an, tốt lành, có lúc sẽ thử thách. Trường hợp Ê-li trên núi Cạt-mên, mới vừa thắng trận lớn, đụng trận có vẻ như nhỏ, lại thất vọng, tuyệt vọng. Điều này có vẻ như chẳng chừa một ai. Không ngạc nhiên, không đặt câu hỏi, nhưng biết rằng dù chúng ta đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, thì Chúa cũng sẽ đến, rất kịp lúc, bằng tình yêu chứ không bằng hình phạt, bằng sự an ủi, khích lệ, chứ không phải lúc nào cũng răn đe, trách móc. A-men?

Làm việc Chúa không bảo đảm là luôn luôn bình an, tốt lành, có lúc sẽ thử thách. Trường hợp Ê-li trên núi Cạt-mên, mới vừa thắng trận lớn, đụng trận có vẻ như nhỏ, lại thất vọng, tuyệt vọng. Điều này có vẻ như chẳng chừa một ai.

ĐI TRÊN BIỂN:28-29

Dầu rõ ràng là Chúa Jesus đã lên tiếng, nhưng vẫn còn có người chưa chắc ăn. Có người muốn thử. Đó là Phi-e-rơ. Ông nói: Phi-e-rơ bèn thưa rằng: Lạy Chúa, nếu phải Chúa, xin khiến tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa. Tôi hơi ngạc nhiên. Có thể những yếu tố tâm sinh lý trong thời gian đó khiến cho các môn đồ chưa nhận ra Chúa đang đi trên biển. Nhưng tiếng nói của Ngài thì phải nhận ra chứ? Chúa đã đi cùng, ăn cùng mâm ngủ cùng chỗ bao nhiêu ngày tháng, dạy bao nhiêu điều, sao không nhận ra tiếng? Hơi đáng trách đúng không? Hay là tại sóng gió ầm ầm không nghe? Rất có thể, trong lúc người ta bối rối thì cũng dễ nhầm lẫn. Phi-e-rơ muốn chắc ăn, như Thô-ma muốn chắc ăn trong thời gian Chúa Jesus sống lại, nhưng hai cách nói khác nhau, Thô-ma nói: tôi không tin, tôi chỉ tin khi nào tôi thấy bằng chứng, cách nói của Phi-e-rơ nhẹ hơn nhiều: Nếu phải Chúa? Xin làm ơn xác định giúp tôi, tôi cám ơn. Chưa rõ, hỏi lại, không sao.

Phi-e-rơ không đáng trách lắm đâu. Tôi cho là ông là người thật sự tin cậy Chúa Jesus. Ông đã chọn một sự xác nhận mà không phải người nào cũng dám: đi bộ trên biển, mà là một mặt biển đầy sóng gió. Nếu không tin, ông đã xin một dấu hiệu khác, dễ hơn, đồng ý không? Chúa Jesus cũng chẳng trách móc gì ông. Chúa cho thử mà. Ngài phán rằng: Hãy lại đây! Phi-e-rơ ở trên thuyền bước xuống, đi bộ trên mặt nước mà đến cùng Đức Chúa Jêsus. Muốn thử thì cho thử, để mà tâm phục khẩu phục. Chúa không cấm người ta thử, nhất là việc dâng hiến, là việc khó, vì đồng tiền dính liền khúc ruột, khó rứt, sợ chảy máu… Hãy thử ta, đó là điều Chúa nói. Và Phi-e-rơ ở trên thuyền bước xuống. Tôi cho rằng đây là câu hay nhất từ Phi-e-rơ. Ít ra, dù thế nào, ông cũng có can đảm bước ra, bước xuống, cho dù trời tối mờ mờ, đêm không trăng sao, và không phải ở trên đất, mà là trên biển, không phải biển êm, mà là biển động. Tôi chắc là nếu trong trường hợp tôi, tôi sẽ không bao giờ dám xin một dấu hiệu nguy hiểm như thế. Tôi kính phục Phi-e-rơ. Quý vị có kính phục ông không, có dám xin một dấu hiệu lớn như thế không?

Chúng ta tin là khi bước xuống, Phi-e-rơ đã bước xuống cách tự tin, vì ông tin. Và đã đi được nhiều bước trên mặt nước. Thật kỳ diệu cho một cá nhân kinh nghiệm bước đi đến với Chúa Jesus trên mặt biển sóng gió. Đây phải là bài học quý giá dành cho cá nhân tôi cùng ông bà anh chị em. Chúng ta phải “thành thật khai báo” rằng có nhiều lúc trong đời chúng ta đã không đủ tự tin khi đi cùng Chúa Jesus trong sóng gió. Không dám tin mặc dù Chúa Jesus đã bảo: Hãy lại đây. Tôi nhớ câu chuyện một căn nhà bị cháy, người cha ở bên ngoài, đứng phía dưới, đứa con trai nhỏ bị mắc kẹt trong căn nhà đang cháy, đang loay hoay ở balcony không dám nhảy xuống. Nhiều người đưa tay ra gọi bé nhảy xuống họ sẽ đỡ, nhưng bé không dám nhảy. Đến khi người cha cất tiếng lên, con hãy nhảy xuống đi, ba sẽ đỡ. Bé nhảy ngay xuống. Bé không dám nhảy dù nhiều người sẵn sàng giúp, nhưng nhảy ngay khi ba bé gọi. Vì sao thì chúng ta hiểu. Vì nó không tin những người lạ. Nhưng tin ba của nó. Trong một hoàn cảnh đầy sự rối rắm giống như các môn đồ lúc ấy, trên một mặt biển động, Chúa Jesus bảo: hãy lại đây, chúng ta có dám lại? Chúng ta có đủ đức tin để tin rằng Chúa Jesus Đấng năng quyền và yêu thương có quyền làm trọn lời Ngài hứa không?

Dù vậy, chưa hết. Câu 30-31 tiếp tục: Song khi thấy gió thổi, thì Phi-e-rơ sợ hãi, hòng sụp xuống nước, bèn la lên rằng: Chúa ơi, xin cứu lấy tôi!

Ban đầu thì tin, tin chắc, tin thật, mới dám bước xuống biển, nhưng khi biển động mạnh hơn, thì đức tin hơi bị nao núng. Những con sóng lớn càng lớn hơn, cao hơn Chúa Jesus. Phi-e-rơ không thấy Chúa Jesus nữa. Ủa, Chúa Jesus đâu rồi, mới thấy ổng đứng đó, mà bây giờ ổng đâu rồi? Ổng đi đâu, nếu bước nữa sụp xuống nước thì sao? Khi chưa nhận được một sự trả lời, thường chúng ta cũng có chút nao núng. Lỡ không có thì sao? Lỡ không lành bệnh thì sao? Không chắc. Lỡ.. Đây là bài học cho tôi: chúng ta không dám tin chắc 100% dù Chúa đã bảo, và biết Ngài là Đấng thành tín có quyền làm trọn. Lý do Phi-e-rơ sụp xuống nước là vì ông không nhìn thấy Chúa, ngọn sóng lớn cao quá che mất Chúa Jesus. Điều gì xảy ra. Chính vì sự sợ hãi đó mà Phi-e-rơ sụp xuống nước. Nếu ông cứ tin và cứ bước thì sẽ không sụp xuống nước. A-men không? Thật là một bài học tuyệt vời. Thật ra lúc đó Chúa Jesus đi đâu? Đi đâu anh chị em? Ngài chẳng có đi đâu hết. Ngài vẫn đứng ở đó, ngay trong sóng gió, chờ đợi chúng ta đến, sẵn sàng nắm tay chúng ta, ban cho chúng ta sự bình an. Chính vì cúi xuống nhìn sóng gió, cúi nhìn hoàn cảnh mà Phi-e-rơ sụp xuống nước, nếu ông cứ nhìn chăm về hướng của Chúa và tin rằng Ngài vẫn đang đứng ở đó sau con sóng, thì chẳng có gì đáng tiếc, vì cứ nhìn hoàn cảnh thay vì nhìn Chúa mà chúng ta hồ nghi sự đáp lời của Chúa, đôi khi sụp xuống nước. Gia-cơ 1:6 là một lời khuyên tốt lành: Nhưng phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ; vì kẻ hay nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó. Hoàn cảnh dữ dội thật, nhưng làm sao chúng ta có thể tin rằng Chúa Jesus có thể khắc phục được hoàn cảnh? Tin rằng Ngài vẫn đang ở đó, sau con sóng dữ?

Chỗ này thì Chúa Jesus mới trách, chứ không có thông cảm nữa: Tức thì Đức Chúa Jêsus giơ tay ra nắm lấy người, mà nói rằng: Hỡi người ít đức tin, sao ngươi hồ nghi làm vậy? Ngài đưa tay ra nắm, chứ không bỏ cho sụp xuống nước luôn mà nói rằng đáng đời, Ngài vẫn cứu, nhưng trách vì đã không hết lòng tin.

Chúng ta có học được bài học quý báu gì từ chỗ này không?

ĐI VÀO THUYỀN

Tôi muốn kết thúc sứ điệp bằng câu 32: Ngài cùng Phi-e-rơ lên thuyền rồi, thì gió yên lặng. Đi vào thuyền với Chúa, mọi sự trở nên rõ ràng, sáng sủa, bình an. Gió yên lặng, biển thôi sóng, vì Chúa tể của vũ trụ đã tể trị trên thiên nhiên. Khởi đầu bằng một cơn bão biển, một chuyến đi không có Chúa đi cùng, sợ hãi, thử nghiệm, nghi ngờ, kết thúc bằng việc Chúa nắm tay cùng bước vào thuyền và mọi sự được giải quyết, không có hậu chấn.

Tôi và anh chị em, ai cũng có những khoảng thời gian giống như vậy, nhiều khi đi trong đời mà không có Chúa, lo lắng, hoang mang, tự giải quyết nan đề, càng thêm rắc rối mệt nhọc. Hãy hoàn toàn đặt niềm tin vào Chúa và để Ngài nắm tay, đi với Ngài vào chốn bình yên.

1544301_780453032014380_6610664105359525136_n

Mục sư Lữ Thành Kiến

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn