Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / NHÀ THỜ TIN LÀNH XƯA NHẤT VIỆT NAM

NHÀ THỜ TIN LÀNH XƯA NHẤT VIỆT NAM

 FrenchReformedChurch_HaiPhongNhà Thờ Tin Lành Pháp tại Hải Phòng
(Tài liệu: Thư khố Christian and Missionary Alliance)

Theo các sử liệu hiện có, nhà thờ Tin Lành Pháp tại Hải Phòng, được xây từ năm 1894, có lẽ là nhà thờ Tin Lành xưa nhất tại Việt Nam.

Bối Cảnh

Các tín hữu Tin Lành Hòa Lan đã đến Việt Nam từ thế kỷ 16.  Sau đó, Công Ty Đông Ấn Hòa Lan đã thành lập trụ sở tại Kẻ Chợ (Hà Nội) từ 1637-1700.  Một thời gian sau, Công Ty Đông Ấn Anh cũng đặt văn phòng tại Kẻ Chợ (1672-1695).

Mục sư George Bois, là giáo sĩ của Hội Thánh Tin Lành Pháp tại Hà Nội từ năm 1924, và cũng là một sử gia nghiên cứu về Tin Lành tại Đông Dương, cho biết vào năm 1648 Robert Junius (1606-1659), một mục sư của Hội Thánh Tin Lành Reformed Hòa Lan, đã đến Việt Nam để chăm sóc các tín hữu Tin Lành Hòa Lan.

Theo các tài liệu lưu trữ của Công Ty Đông Ấn Hòa Lan, vua Lê và chúa Trịnh cho phép các tín hữu Tin Lành Hòa Lan và Anh được thờ phượng Chúa vào mỗi Chúa Nhật tại Kẻ Chợ, và tại Rokbo, một thị trấn tại cửa sông Hồng vào lúc đó; địa điểm này gần khu vực Tiên Lãng, Hải Phòng hiện nay.

Mặc dầu các tài liệu lịch sử ghi nhận có mục sư và có sự thờ phượng Chúa vào mỗi Chúa Nhật, cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn không rõ trong thời gian 63 năm Công Ty Đông Ấn Hòa Lan hoạt động tại Việt Nam vào thế kỷ 17, những tín hữu Tin Lành Hòa Lan và Anh có xây dựng nhà thờ Tin Lành nào tại Việt Nam hay không. Do đó, nhà thờ Tin Lành Pháp được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 tại Hải Phòng có lẽ là nhà thờ Tin Lành xưa nhất Việt Nam.

Các Mục Sư Tuyên Úy Pháp Tại Đông Dương

Mục sư George Bois cho biết sau khi Pháp chiếm Việt Nam, vào cuối thế kỷ 19 một số mục sư tuyên úy Pháp đã đến phục vụ trong nhiều đơn vị khác nhau tại Đông Dương.

Năm 1884, Hội Truyền Giáo Tin Lành Cho Các Thuộc Địa (Societe d’Evangelistation des Colonies)  của Pháp đã gởi Mục sư Théophile Boisset đến Hải Phòng.  Trách nhiệm chính của Mục sư Théophile Boisset là chăm sóc các tín hữu Tin Lành người Âu Châu và cũng đảm nhiệm chức vụ tuyên úy trong quân đội Pháp.

Thành Lập Hội Thánh Pháp Tại Hải Phòng

Ngày 6/6/1884, Pháp buộc nhà Nguyễn ký Hiệp Ước Patenotre chấp nhận quyền bảo hộ của Pháp tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Ngày 1/10/1887, vua Đồng Khánh đồng ý nhường Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng cho người Pháp.  Cùng với Nam Kỳ, ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng trở thành nhượng địa, thuộc Pháp.  Những thành phố này do chính quyền Pháp và hội đồng quản hạt tại mỗi địa phương cai quản.

Sau khi Hải Phòng trở thành lãnh thổ thuộc quyền cai trị của người Pháp, năm 1888, Tổng Thống Pháp Marie François Sadi Carnot ban sắc lệnh thành lập thành phố Hải Phòng. Vào thời gian đó, chính phủ Pháp cũng quyết định dời thủ đô của Đông Dương từ Sài Gòn ra Hà Nội. Nhiều chương trình xây dựng lớn tại miền Bắc, đặc biệt tại Hà Nội và Hải Phòng, đã được tiến hành.

tonkin_haiphong_la_gare_01Ga xe lửa Hải Phòng

tonkin_haiphong_rue_paul_bert_01Đại lộ Paul Bert – Hải Phòng

Giống như hai thập niên vừa qua tại Việt Nam, cơ hội đầu tư xây dựng những công trình lớn đã thu hút nhiều doanh nhân ngoại quốc đến miền Bắc vào lúc đó. Trong thời gian thành phố Hải Phòng được xây dựng, một số tín hữu Tin Lành từ Pháp đã đến Hải Phòng sinh sống và kinh doanh.  Số tín hữu Tin Lành Pháp tại Hải Phòng, do đó, gia tăng.

Năm 1894, Hội Thánh Tin Lành Pháp thành lập một chi hội cho các tín hữu Tin Lành người Âu Châu tại Hải Phòng.  Giáo hội Tin Lành Reformed Pháp đã cử mục sư đến lo cho các tín hữu tại đây. Tín hữu trong Hội Thánh Pháp tại Hải Phòng vào cuối thế kỷ 19 bao gồm cả quân nhân lẫn dân chính.[3]

Nhà Thờ Pháp Tại Hải Phòng

Thành phố Hải Phòng lúc đó được người Pháp quy hoạch và xây dựng như một thành phố tại Âu Châu. Thành phố Hải Phòng có bưu điện, nhà ga, thư viện, ngân hàng, khách sạn, nhà hát, và nhà thờ.

haiphong_la_poste_01Bưu điện Hải Phòng

 

tonkin_haiphong_theatre_01Nhà hát Hải Phòng

Bắt lấy cơ hội thành phố Hải Phòng đang phát triển,  các tín hữu Tin Lành Pháp đã xin phép xây dựng nhà thờ Tin Lành. Mặc dầu ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo trên chính quyền Pháp vào lúc đó vẫn còn rất mạnh, giấy phép đã được cấp và nhà thờ đã được xây dựng.  Nhà thờ Tin Lành Hải Phòng tọa lạc tại đường Henri Rivière. Đây có lẽ là ngôi nhà thờ Tin Lành đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam.

HaiPhong_Eglise_Protestante

Nhà thờ Tin Lành Hải Phòng tọa lạc tại đường Henri Rivière. Đây có lẽ là ngôi nhà thờ Tin Lành đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam.

Nhà thờ Tin Lành Hải Phòng

Hổ Trợ Công Việc Truyền Giáo

Năm 1915, Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (Christian and Missionary Alliance) dự định mở thêm cơ sở truyền giáo tại miền Bắc.  Địa điểm dự định là thành phố Hải Phòng. Các giáo sĩ Phúc Âm Liên Hiệp đã từ Đà Nẵng ra Hải Phòng, mướn cơ sở của nhà thờ Pháp tại Hải Phòng để ở tạm.

Năm 1916, các giáo sĩ Phúc Âm Liên Hiệp đã mượn nhà thờ Tin Lành Pháp tại Hải Phòng để nhóm hội đồng.  Hội đồng diễn ra từ ngày 31/8 đến ngày 4/9/1916.  Lúc đó, do lệnh cấm của chính quyền Đông Dương nên chỉ còn năm giáo sĩ Phúc Âm Liên Hiệp tại Việt Nam, trong đó có ông bà Franklin Irwin, ông bà William C. Cadman, và nữ giáo sĩ Florence Russell.

Nhà Thờ Bị Tàn Phá

Khi Đệ Nhị Thế Chiến diễn ra, nhà thờ Tin Lành Pháp tại Hải Phòng bị trúng bom. Ngôi nhà thờ Tin Lành đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam vào thời đó đã bị phá hủy.

Lược trích từ sách Những Người Tin Lành Tại Việt Nam Trước Năm 1911.

Thư Viện Tin Lành (2015)
www.thuvientinlanh.org

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn