Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ PHI THƯỜNG

NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ PHI THƯỜNG

NHNG NGƯỜI PHỤ NỮ PHI THƯỜNG

Một trong những điểm đặc thù của Kinh Thánh là đề cao phụ nữ. Khác xa với nếp nghĩ xem nhẹ và coi thường người phụ nữ, Kinh Thánh tôn trọng họ, đề cao vai trò của họ trong gia đình và xã hội, xác nhận tầm quan trọng về những ảnh hưởng của họ, và nêu cao các phẩm hạnh của họ, đặc biệt là đề cao gương của những phụ nữ tin kính.

Ngay từ chương đầu tiên Kinh Thánh dạy rằng người nữ, cũng như người nam, đều mang lấy hình ảnh của chính Đức Chúa Trời (Sáng-thế ký 1:27; 5:1-2). Người phụ nữ đóng vai trò nổi trội trong những câu chuyện Kinh Thánh ký thuật lại. Người vợ được xem như là đối tác hết sức đáng tôn trọng và là người đồng hành đáng yêu chuộng của chồng mình, chứ không đơn thuần là người nô lệ hay vật gia dụng (Sáng-thế ký 2:40-24; Châm-ngôn 19:14; Truyền-đạo 9:9). Ở núi Si-nai, Chúa răn dạy con cái phải tôn kính cả cha lẫn mẹ (Xuất Ê-díp-tô ký 20:12). Ở vào thời kỳ đó, điều này là một quan điểm đi ngược lại với hầu hết các nền văn hóa ngoại giáo do người đàn ông cai trị và họ lãnh đạo gia đình với quả đấm sắt trong khi người phụ nữ thường bị xem như là tạo vật thấp kém hơn – chỉ là tôi đòi của người nam mà thôi.

Dĩ nhiên, Kinh Thánh nhận ra những khác biệt về vai trò của người nam và người nữ. Ví dụ như phụ nữ có vai trò độc đáo và sống còn trong việc thai nghén và nuôi dưỡng trẻ con. Phụ nữ chính họ cũng có nhu cầu đặc biệt được nâng đỡ và bảo vệ, bởi lẽ về thể chất, họ là “giống yếu đuối hơn” (1 Phi-e-rơ 3:7). Kinh Thánh thiết lập thứ tự phải lẽ trong gia đình, chỉ định nhiệm vụ dẫn dắt và bảo vệ gia đình cho người chồng (Ê-phê-sô 5:23); cũng như trong hội thánh, người nam có vai trò dạy dỗ và lãnh đạo (1 Ti-mô-thê 2:11-15).

Không một lý do nào có thể đặt người phụ nữ vào tình trạng thứ yếu cả. Ngược lại, Kinh Thánh dường như dành danh dự đặc biệt riêng cho người phụ nữ. (1 Phi-e-rơ 3:7). Người chồng được răn dạy phải yêu vợ một cách tận hiến, như Đấng Christ yêu hội thánh – ngay cả nếu cần, hy sinh mạng sống của chính mình (Ê-phê-sô 5:25-31). Kinh Thánh xác nhận và khen ngợi giá trị vô cùng của người nữ tài đức (Châm ngôn 12:4; Châm ngôn 31; 1Cô-rinh-tô 11:7). Nói một cách khác, từ trang này qua trang nọ, Kinh Thánh phát họa chân dung người phụ nữ như nhng người phi thường.

Kinh Thánh xác nhận và khen ngợi giá trị vô cùng của người nữ tài đức (Châm ngôn 12:4; Châm ngôn 31; 1 Cô-rinh-tô 11:7). Nói một cách khác, từ trang này qua trang nọ, Kinh Thánh phát họa chân dung người phụ nữ như những người phi thường.

Trong những câu chuyện về các tổ phụ của Y-sơ-ra-ên, Thánh Kinh luôn luôn công bình đối với những khác biệt của các bà vợ của họ. Sa-ra, Rê-bê-ca, Ra-chên được nhắc đến nhiều trong sách Sáng-thế ký trong khi Chúa dạy dỗ và tôi luyện chồng họ. Mi-ri-am, chị của Môi-se và A-rôn, vừa là nữ tiên tri vừa là nhà soạn nhạc – và trong Mi-chê 6:4, chính Chúa vinh danh bà cùng với hai người em trai như là một trong những lãnh tụ quốc gia trong suốt thời gian ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Đê-bô-ra, là nữ tiên tri, cũng là một quan xét của Y-sơ-ra-ên trong thời kỳ tiền quân chủ (Các quan xét 4:4). Kinh Thánh mô tả đời sống gia đình thường đặt người vợ vào vị trí cố vấn khôn ngoan cho chồng mình (Các quan xét 13:23; 2 Các Vua 4:8-10). Khi Sa-lô-môn lên làm vua, ông công khai bày tỏ lòng tôn kính mẹ mình, đứng dậy khi bà đi vào, cuối đầu chào bà trước khi ngồi lên ngai của mình (1 Các Vua 2:19). Sa-ra, Ra-háp được nêu tên trong số những anh hùng đức tin trong sách Hê-bê-rơ 11. Mẹ của Môi-se (Giô-kê-béc) cũng được nói đến (câu 23). Trong sách Châm-ngôn, sự khôn ngoan được nhân cách hóa như là người phụ nữ. Trong Tân Ước hội thánh cũng được ví sánh như là một người nữ, nàng dâu của Đấng Christ.

nutaiduc

Trong đời sống xã hội và tôn giáo của Y-sơ-ra-ên và hội thánh thời Tân Ước, phụ nữ không bao giờ bị đặt vào vị trí thứ yếu, phía sau. Họ dự phần với đàn ông trong các lễ hội và thờ phượng nơi công cộng trong Y-sơ-ra-ên (Phục-truyền Luật-lệ ký 16::14; Nê-hê-mi 8:2-3). Phụ nữ không bị buộc phải che mặt hay im lặng nơi công cộng như những phụ nữ ở tại một số vùng văn hóa Trung Đông, ngay cả hiện nay cũng vậy (Sáng-thế ký 12:14, 24:16; 1Sa-mu-ên 1:12). Các bà mẹ (không chỉ là những người cha) đều chia phần trách nhiệm và thẩm quyền trong sự dạy dỗ con cái (Châm-ngôn 1:8; 6:20). Thậm chí phụ nữ còn có thể làm chủ đất đai (Dân-số ký 27:8; Châm-ngôn 31:16). Trong thực tế, các bà vợ được xem là người điều hành nhiều công việc trong gia đình (Châm-ngôn 14:1; 1Ti-mô-thê 5:9-10; 14).

Tất cả những điều đó là tương phản sắc nét đối với đường lối của các nền văn hóa cổ xưa với nếp nghĩ xem thường phụ nữ. Trong suốt các thời kỳ của Kinh Thánh, Phụ nữ trong các xã hội ngoại giáo thường chỉ được xem trọng hơn một chút so với con vật mà thôi. Một số triết-gia Hy-lạp nổi tiếng – được xem như những trí tuệ thông sáng vào kỷ nguyên của họ – dạy rằng phụ nữ là những tạo vật hạ đẳng của tự nhiên. Ngay cả trong Đế-quốc La-mã (có lẽ là đỉnh cao của nền văn minh tiền Cơ-đốc-giáo) người phụ nữ thường được xem như là vật sở hữu – sở hữu cá nhân của chồng hay cha của họ, không hơn những tôi tớ trong nhà bao nhiêu. Một lần nữa, điều này là một khác biệt lớn lao so với quan điểm của người Hê-bơ-rơ (và Kinh Thánh) về hôn nhân: họ kết hiệp trong quyền thừa kế và quyền cha mẹ như là các đối tác bình quyền, cả cha lẫn mẹ đều được con cái tôn kính và vâng lời (Lê-vi ký 19:3).

Tôn giáo ngoại giáo có xu hướng khuyến khích hạ thấp giá trị phụ nữ. Dĩ nhiên, thần thoại Hy-lạp, La-mã cũng có những nữ thần của họ (như Đi-anh và Áp-rô-đít). Nhưng không hề có bất kỳ phương cách gì nâng cao tình trạng của phụ nữ trong xã hội. Phần lớn các nơi thờ tự nữ thần đều được phục vụ bởi những nữ tế sư hành nghề mại dâm– họ bán thân lấy tiền, cho rằng mình đang thực hiện nghi thức tôn giáo. Thần thoại học và tôn giáo ngoại giáo đều công khai hạ thấp giá trị phụ nữ.

Cơ-đốc-giáo, hình thành trong thế giới nơi mà hai nền văn hóa La-mã và Hê-bơ-rơ tiếp giáp nhau, nâng cao vị thế người phụ nữ và đó là điểm nổi bậc chưa từng có trước đó. Môn đồ của Chúa Jêsus bao gồm một số người nữ (Lu-ca 8:1-3), đây là một thực tế mà hầu như chưa từng nghe đến giữa vòng những nhà lãnh đạo tôn giáo (ra-bi) thời bấy giờ. Không những vậy, Ngài còn khích lệ họ trong sự rèn tập, cho đó là cần thiết hơn cả sự phục vụ (Lu-ca 10:38-42). Thật vậy, lần đầu tiên Đấng Christ bộc lộ rõ ràng thân vị của mình là Chúa Cứu Thế cho người đàn bà xứ Sa-ma-ri (Giăng 4:25-26). Ngài luôn đối xử với phụ nữ bằng tất cả sự tôn trọng – ngay cả với những phụ nữ bị xã hội ruồng bỏ (Ma-thi-ơ 9:20-22; Lu-ca 7:37-50; Giăng 4:7-27). Ngài ban phước cho con cái họ (Lu-ca 18:15-16), làm cho con họ sống lại (Lu-ca 7:12-15), tha thứ tội lỗi cho họ (Lu-ca 7:44-48), hồi phục phẩm hạnh và danh dự cho họ (Giăng 8:4-11). Ngài đã đề cao vị trí của nữ giới.

Do đó, không có gì ngạc nhiên, khi phụ nữ trở nên nổi bậc trong mục vụ của hội thánh ban đầu (Công-vụ 12:12-15; 1 Cô-rinh-tô 11:11-15). Vào ngày lễ Ngũ-tuần, khi hội thánh thời Tân Ước được hình thành, những người phụ nữ đã cùng với các môn đồ chủ chốt cầu nguyện (Công-vụ 1:12-14). Một vài người được biết đến bởi các việc lành của họ (Công-vụ 9:39); những người khác thì vì lòng hiếu khách của họ (Công-vụ 12:12; 16:14-15); một số người khác thì bởi sự thông hiểu tín lý đúng đắn và những ân tứ thuộc linh của họ (Công-vụ 18:26; 21:8-9). Thư tín thứ hai của sứ đồ Giăng đề cập đến người phụ nữ nổi trội trong một hội thánh mà ông coi sóc. Sứ đồ Phao-lô thường xuyên thực hiện mục vụ cùng với phụ nữ (Phi-líp 4:3). Ông xác nhận và khen ngợi sự trung tín cũng như ân tứ của họ (Rô-ma 16:1-6; 2 Ti-mô-thê 1:5).

Một cách tự nhiên, là khi Cơ-đốc-giáo bắt đầu ảnh hưởng đến xã-hội Tây-phương, tình trạng của người phụ nữ được cải thiện đáng kể. Một trong những giáo phụ của hội thánh thời kỳ ban đầu, Tertulian, vào khoảng gần cuối thế kỷ thứ hai, đã viết một tác phẩm tựa đề Trên Y-phục của Phụ-Nữ. Ông nói rằng phụ nữ ngoại giáo trang trí đầu tóc mình bằng những họa tiết màu mè, mặc những y phục phô trương, cầu kỳ và đeo những đồ trang sức trên thân thể là do bởi sức ép của xã hội và giới thời trang để khiến cho ho phải từ bỏ đi điều tốt đẹp hơn là sự tuyệt hảo thật sự ở trong nữ tính. Ngược lại, khi hội thánh phát triển và phúc âm sản sinh ra những bông trái, một trong những kết quả thấy được ấy là việc gia tăng khuynh hướng ăn mặc không cầu kỳ trong giới phụ nữ và đồng thời với sự nâng lên vị thế của họ. Ông cho biết những người đàn ông ngoại giáo cũng thường than phiền rằng, “Từ khi tin Chúa đến giờ, thấy bà ta ăn mặc giản dị hơn trước!” Ông nói, là những người tín nhân sống thuận phục thẩm quyền của Đấng Christ, phụ nữ có tâm thần mạnh mẽ hơn, thuần khiết hơn và do đó sáng chói hơn cả người phụ nữ quý phái nhất trong xã hội ngoại giáo. Được mặc lấy “với vải lụa của sự công chính, vải lanh mịn của sự thánh khiết, với màu tía bình dị”, họ đã nâng phẩm hạnh nữ giới lên đỉnh cao chưa từng có trước đây.

Đến cả những người ngoại cũng nhận ra điều đó. Chrsô-tôm, có lẽ là người rao giảng phúc âm hùng biện nhất trong thế kỷ thứ tư, ghi lại rằng một người thầy của ông, Li-ba-nius, một triết gia ngoại giáo, có lần thốt lên, “Ôi trời! Đúng là phụ nữ Tin Lành mà!” Điều làm cho ông phải bật nói ra như vậy là khi nghe về bà mẹ của Chrysôtôm đã ở vậy, thuần khiết trong hơn hai thập niên kể từ khi trở thành góa phụ ở tuổi hai mươi. Khi ảnh hưởng của Cơ-đốc-giáo được cảm biết ngày càng nhiều hơn, người phụ nữ ngày càng ít bị nói xấu và ngược đãi như là những đồ vật trong nhà trưng bày của nam giới hơn. Thay vào đó, người phụ nữ được tôn trọng bởi đức tin và mỹ đức của họ.

Li-ba-nius, một triết gia ngoại giáo, có lần thốt lên, “Ôi trời! Đúng là phụ nữ Tin Lành mà!” Điều làm cho ông phải bật nói ra như vậy là khi nghe về bà mẹ của Chrysôtôm đã ở vậy, thuần khiết trong hơn hai thập niên kể từ khi trở thành góa phụ ở tuổi hai mươi.

Thật vậy, những người nữ tin Chúa thay đổi cộng đồng ngoại giáo một cách tự nhiên, giải thoát họ khỏi sự làm giảm nhẹ giá trị chính mình. Được tự do khỏi cộng đồng có lối sống thác loạn trong những đền thờ, hí viện (nơi mà phụ nữ bị coi khinh và hạ thấp giá trị một cách có hệ thống), họ nâng mình lên vị trí nổi bậc trong gia đình và hội thánh, nơi họ được tôn trọng và ngưỡng mộ bởi những đức hạnh nữ tính như lòng hiếu khách, chăm sóc người bệnh tật, chăm lo và nuôi dưỡng gia đình, và ưa chuộng làm việc bằng đôi tay mình (Công-vụ 9:39).

Sau khi hoàng đế La-mã Constantin tin Chúa năm 312 (sau CN) Cơ-đốc-giáo được bảo đảm cho tình trạng hợp pháp tại Rô-ma và ngay sau đó đã trở nên tôn giáo chính yếu trên toàn đế quốc này. Một trong những kết quả đo lường được của sự thay đổi này là toàn bộ tình trạng pháp lý mới của phụ nữ. Chính quyền La-mã thông qua đạo luật công nhận quyền sở hữu tài sản của người phụ nữ. Sắc lệnh của chính quyền về hôn phối cũng được chỉnh sửa, xem hôn phối như là đối tác bình đẳng hợp pháp chớ không phải là tình trạng xem người vợ như là vật sở hữu. Trong thời kỳ tiền Cơ-đốc-giáo, người nam La-mã có quyền ly dị vợ mình với hầu như bất kỳ lý do nào, thậm chí chẳng cần lý do gì. Bộ luật mới làm cho việc ly hôn trở nên khó khăn hơn, trong khi cho người nữ quyền hợp pháp chống lại những ông chồng phạm tội không chung thủy. Những ông chồng ong bướm, từng là thành phần được xã hội La-mã chấp nhận, đã không còn có thể phạm tội đối với vợ mình mà không sợ bị hình phạt.

Điều này đã luôn luôn là khuynh hướng. Bất kỳ nơi nào Phúc âm được rao giảng, thì tình trạng xã hội, pháp lý và tinh thần của phụ nữ, theo qui luật đó, được nâng lên. Khi Phúc âm bị mờ nhạt (vì sự kiểm soát độc tài, tôn giáo giả tạo, bởi chủ nghĩa vô thần, triết thuyết nhân bản hoặc mục ruỗng tâm linh trong hội thánh), thì tình trạng của người phụ nữ cũng bị sút giảm tương ứng.

Bất kỳ nơi nào Phúc âm được rao giảng, thì tình trạng xã hội, pháp lý và tinh thần của phụ nữ, theo qui luật đó, được nâng lên.

Ngay cả khi trào lưu vô thần nổi lên tuyên bố quan tâm đến nữ quyền, nhưng nhìn chung, những cố gắng của họ cũng tổn hại cho tình trạng của phụ nữ. Phong trào nữ quyền thế hệ chúng ta ngày nay là một trường hợp điển hình. Phong trào nữ quyền hạ giá trị và bêu xấu nữ tính. Sự phân biệt giới tính tự nhiên thường bị hạ thấp, loại bỏ, lẫn lộn hoặc chối từ. Kết quả là phụ nữ ngày nay bị đưa vào những tình huống tranh chiến, bị chỉ định cho công việc tay chân nặng nhọc, từng một thời chỉ dành cho nam giới, bị lăng nhục công khai nơi làm việc, nói cách khác, họ được khuyến khích nói năng và hành xử như người nam. Trào lưu nữ quyền hiện đại đưa dẫn đến chỗ xem thường phụ nữ là những người mong muốn gia đình, việc nhà là những ưu tiên hàng đầu của họ – chỉ trích vai trò làm mẹ, là một thiên chức độc đáo và đặc sắc nhất của nữ phái. Toàn bộ thông điệp của chủ nghĩa quân bình nữ quyền đó là: thật sự chẳng có gì là phi thường nơi người phụ nữ cả.

Điều này chắc chắn không phải là sứ điệp của Kinh Thánh. Như chúng ta đã biết, Kinh Thánh tôn trọng phụ nữ và khích lệ họ tìm kiếm sự tôn trọng theo cách độc đáo của nữ giới (Châm-ngôn 31:10-30).

Kinh Thánh không giảm trừ khả năng suy luận của phụ nữ, không xem nhẹ tài năng, năng lực của họ, hay không khích lệ quyền sử dụng ân tứ thuộc linh của họ. Nhưng bất cứ khi nào Kinh Thánh đề cập đến người phụ nữ giỏi giang, thì luôn luôn nhấn mạnh vào phẩm hạnh nữ tính. Những phụ nữ đáng kính trong Kinh Thánh đã có những ảnh hưởng đến người khác không bởi vì nghề nhgiệp nhưng bởi cá tính của họ. Thông điệp những phụ nữ đúc kết lại và đưa ra không phải về “bình đẳng giới tính”; nó nói về những vượt trội của nữ tính thật. Nó luôn luôn nêu ra gương mẫu về luân lý và những phẩm chất tinh thần hơn là về địa vị xã hội, giàu có hay ngoại hình.

Theo như sứ đồ Phi-ê-rơ, nét đẹp nữ tính thật sự không ở trang sức bên ngoài, “gióc tóc, đeo nữ trang bằng vàng hay áo quần đắt giá”; nét đẹp thật sự là ở “con người bề trong, nơi tâm hồn,… nét đẹp không phai tàn của tâm hồn dịu dàng, thánh sạch, quý giá trước mặt Đức Chúa Trời” (1 Phi-ê-rơ 3: 3-4). Cũng giống như vậy, Phao-lô nói rằng sự tin kính và việc lành mới thật sự là tinh ròng trong nét đẹp của người phụ nữ; không phải những trang sức bề ngoài (1 Ti-mô-thê 2:9-10). Lẽ thật này tỏ ra tấm gương trong mức độ khác nhau bởi những đặc điểm của mỗi một người phụ nữ trong sách này.

Những người phụ nữ này lưu danh cho hậu thế bởi lòng trung tín của họ. Hy vọng rằng khi bạn gặp gỡ họ trong Kinh Thánh và biết về cuộc đời và tính cách của họ nhiều hơn, họ sẽ thay đổi bạn, thúc đẩy bạn, khích lệ bạn và gây cảm hứng cho bạn với tình yêu của Chúa là Đấng họ tin thờ và phục vụ.

HƯỚNG ĐI

Soạn theo tài liệu MƯỜI HAI NGƯỜI PHỤ NỮ PHI THƯỜNG

của MS John MacArthur

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn