Thứ Sáu , 24 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / GIÔ-SÉP

GIÔ-SÉP

Sáng thế ký 37
Mục sư Hồ Xuân Phước

joseph1

     Câu chuyện Giô-sép là cuốn phim dài, màu sắc ngoạn mục, tình tiết éo le, sôi động. Giô-sép được cha yêu thương, cưng quý đặc biệt vì là con đầu lòng của Ra-chên – người vợ của mối tình đầu Gia-cốp yêu thương, say đắm nhất.Thiên vị như một tội di truyền trong gia đình Gia-cốp. Y-sác thương Ê-sau hơn Gia-cốp, còn Rê-bê-ca thương Gia-cốp hơn Ê-sau. Gia-cốp thương Ra-chên hơn Lê-a.

“Gia-cốp thương Giô-sép hơn các con khác vì là con sinh ra lúc Gia-cốp đã cao tuổi. Gia-cốp cho Giô-sép món quà đặc biệt: một áo choàng nhiều màu sặc sỡ” (37:3). Công tử Giô-sép mặc áo lộng lẫy vì không phải làm lụng cực nhọc, vất vả như các anh.

     Áo choàng dài thụng thịnh của cậu ấm trưởng giả, phủ cả cổ tay và mắt cá, trong khi các anh “chân lấm, tay bùn.” Dễ hiểu quá, họ ganh ghét vì thấy cha thiên vị. Rõ ràng là “con thương, con ghét!”
     Chẳng những thương yêu Giô-sép nhất, Gia-cốp lại thiếu nhạy bén – phơi bày tình cảm và chiếu cố quá lộ liễu, lệch lạc. Với tai nghe, mắt nhìn và óc nhận xét, các anh của Giô-sép đâu khờ dại gì mà không biết cha thiên vị, bất công, quá mấu.
    Giô-sép mười bảy tuổi, với các anh cùng cha khác mẹ chăn chiên cho cha. Giô-sép mét cha các việc xấu họ làm – như đổ dầu vào lửa. Ganh tị chỉ mới là bối cảnh căn bản khơi nguồn. Giô-sép còn đóng vai chủ động khi thuật lại hai giấc mộng kỳ lạ, đưa tình huống gia đình lên một cao điểm khác, để bị ganh ghét thêm hơn.
     Không thể giữ riêng trong lòng, sau đêm nằm mộng, Giô-sép kể cho các anh: “Các anh nghe đây! Tối qua, tôi nằm mộng thấy anh em chúng ta đang bó lúa ngoài đồng. Bó lúa của tôi đứng lên, còn bó lúa của các anh đều xúm quanh, cúi mọp xuống trước bó lúa của tôi” (37:5-7)
     Cho dầu nhân hậu, thật thà đến đâu, chẳng có ông anh nào không hiểu ý Giô-sép. Tác dụng của giấc mộng và vẻ tự tôn ngây thơ đào hố ngăn cách giữa anh em càng sâu thẳm đáng ngại.
     Các anh bảo: “Thế là mày muốn làm vua chúng ta sao?” Họ càng ganh ghét vì chiêm bao và lời nói của Giô-sép (37:8). Không dừng lại ở giấc mơ ruộng đồng dân giả đó, Giô-sép lại nằm mộng: “Các anh hãy nghe chiêm bao của tôi. Tôi thấy mặt trời, mặt trăng và mười một ngôi sao đều cúi xuống trước mặt tôi” (37:9).
     Cao lớn vĩ đại, với tầm nhìn vũ trụ, đến nỗi cha mẹ cũng cúi đầu chào lạy cậu ấm! Thật là quá đáng, lố bịch. Giô-sép vừa dứt lời, cha quở trách liền: “Mộng mị gì quái gở thế! Không lẽ cha mẹ, anh em đều phải cúi mọp trước mặt mày?” Các anh càng căm tức, nhưng cha lại lưu ý điều ấy (37:10-11).
     Gia-cốp rầy nhưng không ghét bỏ Giô-sép như các anh. Họ yên lặng trong tức tối, đắng cay. Tương lai và số phận của Giô-sép như đã an bài trong chiến tranh lạnh.
     Cha thương, các anh ghét, nhưng tay Chúa dìu dắt Giô-sép từng bước. Yên lặng, ẩn khuất trong mắt người, nhưng tay Chúa in hình rõ nét trong hai giấc mộng. Cho dầu ganh ghét, ám hại, các anh không an bài tương lai Giô-sép. Cuộc sống Giô-sép nằm trong tay Chúa.
     Một hôm, Gia-cốp bảo Giô-sép: “Các anh con đang chăn bầy tại Si-chem phải không? Con đi thăm xem chúng nó mạnh giỏi thế nào, bầy vật ra sao rồi về cho cha biết.”
     Các con Gia-cốp trở lại Si-chem, nơi Đi-na, em gái mình bị hãm hiếp. Si-mê-ôn và Lê-vi đã tàn sát dân làng Si-chem để trả thù cho em gái, và đó là lý do Gia-cốp lo ngại.
     Nghe tin con gái bị hãm hiếp, Gia-cốp không làm gì cả. Nghe tin Si-mê-ôn và Lê-vi giết hại dân làng Si-chem, Gia-cốp cũng hoàn toàn thụ động. Cha thụ động thường thiên vị đứa con dễ dạy nhất. Và bây giờ ông lo ngại.
     Thấy Giô-sép còn ở đằng xa, các anh âm mưu: “Kìa, thằng nằm mộng đến rồi! Hãy giết nó, vất xác dưới hố rồi báo cho cha rằng nó bị thú dữ ăn, để xem giấc mộng của nó có thành hay không?” (37:19-20).
     Gia-cốp để Giô-sép mặc áo choàng công tử sặc sỡ trong khi “các anh ganh tị vì thấy cha thiên vị, nên họ không còn dịu ngọt với Giô-sép nữa” (37:4). Chẳng lẽ cả Gia-cốp (thụ động) và Giô-sép đều không hay biết gì về thái độ của mấy anh?
     Giô-sép đến trong áo màu rực rỡ, như chiên hiền ngơ ngác giữa bầy thú dữ – có cả Si-mê-ôn và Lê-vi. Muốn cứu Giô-sép, Ru-bên bàn ra: “Đừng giết nó! Đổ huyết nó ra làm chi? Chỉ quăng nó xuống hố trong sa mạc!”
     Giô-sép vừa đến nơi, các anh xúm nhau lột áo choàng sặc sỡ và quăng Giô-sép xuống hố khô (37:21-24). Qua tay bầy thú dữ, áo công tử đã bị lột trần. Thân xác Giô-sép lọt xuống đáy hố sâu, không nước, không lối ra. Bầm dập, rách nát, đói, khát. Thành giếng đá thẳng đứng, lạnh lùng, tối ám. Máu không đổ, nhưng “máu em ngươi từ dưới đất đang kêu van cùng” Chúa, như tiếng A-bên ngày nào (4:10).
     Màn sân khấu khép lại. Khán thính giả nín thở trong cái yên lặng ngột ngạc, chờ đợi. Ai sẽ cứu Giô-sép? Ánh sáng lóe lên, màn sân khấu mở ra, các anh của Giô-sép đang ngồi ăn (37:25)! Thức ăn Giô-sép vừa mang đến (1 Sam 17:17).
     Các anh ăn uống, và tiếng của Giô-sép từ đáy hố sâu dội lên: “Si-mê-ôn, Lê-vi, Đan, Giu-đa..!” Không mặc cảm tội lỗi, không ý thức lương tâm? Hai mươi năm sau, chính họ kể lại, “Chúng ta đã thấy nó sầu thảm khi nó năn nỉ xin tha mạng nhưng chúng ta không chịu nghe. Chính vì đó mà bây giờ chúng ta phải bị sầu thảm” (42:21).
     Ý định của các anh là ăn, uống rồi lên đường, và để Giô-sép lại làm bạn với chim trời, từ đáy hố sâu. Nhưng tay Chúa hành động kịp thời. Đang ngồi ăn, các anh của Giô-sép chợt thấy đoàn lái buôn Ả-rập cỡi lạc đà chở nhũ hương, dầu thơm và nhựa thơm từ xứ Ga-la-át thẳng tiến xuống Ai-cập.
     Giu-đa đề nghị: “Bán quách nó cho bọn lái buôn Ả-rập là lợi nhất! Chứ giết nó rồi phi tang cũng chẳng ích gì! Đừng giết nó vì nó là đứa em ruột thịt.” Chấp thuận đề nghị ấy, các anh kéo Giô-sép lên khỏi giếng và bán em để lấy hai mươi miếng bạc (37:25- 28).
    Họ bán em vì tiền, hay vì tình nghĩa “ruột thịt?” Kéo lên khỏi giếng tối ám, bầm dập, rách nát, công tử Giô-sép bị trói tay vào dây lưng lạc đà cùng nhiều nạn nhân khác, đưa bước chân đầu tiên vào cuộc đời nô lệ.
     Là trưởng nam, quản đốc nhiều bầy súc vật cho cha, Ru-bên chạy từ nơi nầy đến nơi khác để giám sát người và vật. Khi trở lại giếng cạn, kinh hoàng không thấy cậu em đâu cả, Ru-bên la lên, “Thằng bé mất tích rồi! Biết làm sao bây giờ?”
     Anh em chọc huyết một con dê, nhúng áo choàng của Giô-sép vào máu và gửi áo về cho cha với lời báo cáo: “Chúng con tìm được chiếc áo nầy. Xin cha xem có phải là của Giô-sép không? Gia-cốp nhận ra áo của con: “Đúng là áo của con ta! Thú dữ đã xé xác và ăn thịt nó rồi! ” (37:31-33).
    Áo choàng lộng lẫy của Giô-sép, bắt đầu là trọng tâm của tình yêu, nay kết thúc trong máu, rách nát trong lừa dối, ganh ghét, và chia lìa đắng cay. Gia-cốp xé toạc áo xống, mặc bao gai và để tang Giô-sép một thời gian dài. Con trai, con gái cố gắng an ủi, nhưng Gia-cốp gạt đi: “Không, cha cứ khóc nó cho đến ngày xuống mồ!” (37:35)
     Các con của Gia-cốp dùng áo của em mình và máu dê để lừa Gia-cốp – như Gia-cốp từng đánh lừa Y-sác, cha mình với áo của anh và da dê (còn dính máu, 27:9-17). Vòng đời Gia-cốp luẩn quẩn như chèo đò đêm. Gieo gì, gặt nấy. Gieo gió, gặt bão!
    Trong khi đó, bọn lái buôn Ả-rập xuống Ai-cập bán Giô-sép cho Phô-ti-pha, quan chỉ huy đoàn ngự lâm quân của vua Ai-cập. Các anh mưu ác hãm hại. Con người vô tình sỉ nhục, chà đạp. Ai biết cuộc đời sẽ đưa đẩy Giô-sép về đâu!
     Không ai biết – ngoài Chúa! Chúa cao cả, quyền năng mầu nhiệm đang chuẩn bị Giô-sép cho những chặng đường lịch sử. Giô-sép tin cậy, vâng phục Chúa trong vai trò nô lệ, bị sai phái, chèn ép, trôi nổi.
     Bài học từ gia đình Gia-cốp?
     (1) Cha mẹ thụ động cuối cùng cũng kỷ luật, nhưng thường kỷ luật trong giận dữ, quá lố. Con cái không được hướng dẫn, kỷ luật đúng mức dễ trở thành hung bạo, tàn nhẫn. Chúng ta cần dạy dỗ, hướng dẫn, khen ngợi, khích lệ, cũng như chỉnh đốn, kỷ luật thích ứng, thường xuyên (Phục truyền 6:6-9).
     (2) Thiên vị, bất công khi bày tỏ tình thương, thì giờ gần gủi, công việc nhà, quà thưởng – dễ đưa đến ganh tị, cay đắng, chia rẽ nguy hại dài lâu. Chúng ta cần giải quyết bất công, thiếu sót, thái độ và hành động sai quấy nhanh chóng trong tình thương, chân thật và lẽ phải (Ê-phê-sô 4:15).
     (3) Không có lời dạy nào tuyệt vời bằng Lời Chúa. Học thuộc Lời Chúa, giấu Lời Chúa trong lòng (Thi thiên 119:11). Học Lời Chúa với con. Sống Lời Chúa với con, và làm gương cho con (Gia-cơ 1:22).
     (4) Không có hành động nào giá trị, mạnh mẻ, hữu hiệu bằng lời cầu nguyện. Bởi vì Chúa thành tín hành động khi chúng ta cầu nguyện (Giê-rê-mi 33:3; Ma-thi-ơ 7:7). Vợ chồng cầu nguyện với nhau, cầu nguyện với con, cầu nguyện cho con – suốt đời mình. Cầu xin Chúa cho mình khôn ngoan để nghiêm chỉnh thực hiện bốn bài học trên. Amen.
     Giô-sép có thừa lý do để than thân, trách phận, đổ lỗi cha, thù ghét các anh và cuộc đời đắng cay. Vết thẹo có thể xé nát lòng và cày sâu tâm khảm, nhưng Giô-sép không hề oán trách Chúa, đổ lỗi cha hay ăn miếng, trả miếng người nào.
     Một người tuyệt vời khác thường, Giô-sép giống như ông cố Áp-ra-ham. “Áp-ra-ham tin Chúa, nên Ngài kể cho người là công chính” (15:6). Giô-sép tin quyết nơi lời hứa tuyệt vời của Chúa thành tín cho Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp, cha mình (12:2). Giô-sép tin chắc Lời Chúa trong giấc mộng, rằng một ngày cả gia đình sẽ tìm đến lạy chào như chương trình của Chúa.
     Mặc dầu làm thân nô lệ đau thương, Giô-sép tin tưởng hoàn toàn nơi Chúa công bình, hướng dẫn, bảo vệ và ban phước. Tôi tin rằng Giô-sép đã liên tục cầu nguyện tha thiết, Tin Cậy Vâng Lời Chúa hoàn toàn và mang đầy hy vọng giữa thương đau.
   
Giô-sép liên hệ gì đến chúng ta hôm nay? Rất nhiều! Anh, Chị và tôi đều có những vết thương lòng, niềm đau, nổi khổ, là nạn nhân của một lần đổi đời bất công, phản bội. Rất thực, quá đau và chúng ta không thể giả vờ như không có, hay đã quên.
     Bắt chước Giô-sép, giao gửi Chúa tất cả thất bại, đắng cay, buồn đau. Tha thứ, chấp nhận để nhẹ gánh cuộc đời, để được tự do, thư thái, để phục hồi và vui sống – tin chắc rằng Chúa sẽ mang hết gánh nặng của mình (Ma-thi-ơ 11:28).
     “Không có đức tin thì không thể nào đẹp lòng Đức Chúa Trời, vì người đến gần Đức Chúa Trời phải tin Ngài hiện hữu và tưởng thưởng những ai hết lòng tìm kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6).
     Anh, Chị và tôi sẽ hưởng được phước ngọt ngào của Chúa như Giô-sép – nạn nhân đau thương tha thứ các anh mình: “Các anh cố ý làm hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại dụng ý làm điều ích lợi để hoàn thành mọi việc đã qua, tức là cứu mạng sống của nhiều người” (50:20).
     Gia-cốp thương Giô-sép đến mức lệch lạc, bất công và biến Giô-sép thành nạn nhân của tình yêu mù quáng, thiên vị. Quý vị và – nhất là tôi – có thể đã vấp phải lầm lỗi nầy một đôi lần?
     Nhưng Chúa yêu thương mọi người – đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nhận Con ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh phúc (Phúc âm Giăng 3:16).
     Mời Anh, mời Chị đến với Chúa của tình yêu. Chúa yêu thương Anh. Chúa yêu thương Chị. Chúa chỉ yêu mà không có ghét. Chúa chỉ có con yêu. Ngài thương yêu Anh, Chị với tình yêu thương tuyệt vời nhất.
     Ai sẽ yêu thương, tha thứ, chấp nhận Anh, Chị – không điều kiện – như Chúa? Chúa của tình thương, bình an, ân sủng và phước hạnh chan hòa.
 Muốn thật hết lòng
 Mục sư Hồ Xuân Phước
NGUỒN: songdaoonline

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn