Chủ Nhật , 24 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / THẦY TÔI

THẦY TÔI

Xin cho phép tôi cứ được gọi người bằng thầy, mặc dù ông đã được phong Mục sư nhiệm chức một thời gian trước khi về nước Chúa. Chữ thầy không chỉ gắn liền với người một cách khiêm tốn suốt nhiều năm trong chức vụ hầu việc Chúa, mà với tôi nó còn mang một ý nghĩa thiêng liêng khác – người đã âm thầm dạy dỗ tôi, người cho tôi một tấm gương tuyệt vời về lòng yêu kính Chúa, hầu việc Chúa. Thầy tôi – Mục sư Nguyễn Văn Chờ. Bạn có biết người không?

Ngày ấy, cái ngày cách đây gần 19 năm, thầy truyền đạo sinh già 63 tuổi đến Hội Thánh Tin Lành Trường An lần đầu tiên để quản nhiệm thay cho mục sư Phan Phụng Phục. Tôi gặp thầy, lúc đó thầy đang ngồi trên chiếc giường cũ kĩ kê sát bờ tường ngay dưới chân cây vú sữa cao, chiếc xe đạp sườn ngang đã ngã màu rêu xám. Thầy dáng người cao to, khuôn mặt phúc hậu… Cái ấn tượng đầu tiên của tôi về người đàn ông ấy đó là một con người hết sức vui vẻ, hiền lành, giản dị. Đúng như vậy thật, từ đó suốt bao nhiêu năm làm thư ký Hội Thánh, gần gũi thầy tôi dường như ít thấy thầy nóng giận bao giờ, những bài giảng của thầy cũng mộc mạc như chính con người thầy vậy. Tôi còn nhớ những ngày đầu về Hội Thánh thầy giảng bài thường phụ thuộc nhiều vào tài liệu, cũng có con cái Chúa kẻ nói ra người nói vào, nhưng với tấm lòng yêu thương chân thành thầy dần dần chinh phục được tấm lòng hết thảy. Tôi quên sao được những bài giảng của thầy lúc nào cũng đầy nước mắt. Chiếc khăn mùi xoa có bao giờ khô khan mỗi lần thầy đứng trên bục giảng?

images (11)

Những ngày mới về nhận nhiệm sở, thầy đi thăm hết tất cả con cái Chúa và thăm cả những người dân chung quanh nhà thờ không sót một người. Ngay Giáng sinh đầu tiên về Hội Thánh, thầy đề nghị Ban chấp sự Hội Thánh mua quà để tặng con em đồng bào ở gần nhà thờ, đồng thời chính thầy cũng trích một phần lớn tiền phụ cấp để nâng tổng số quà lên trên sáu mươi phần. Rồi trong vòng bà con quanh nhà thờ có ai đau ốm, sinh đẻ, tang chế, hoạn nạn thầy đều có mặt an ủi, khích lệ và thường có một ít quà chia sẻ. Đồng bào ở đây yêu thương, quý mến thầy rất mực.

Có sự kiện này tôi nhớ rất rõ, nó là cái mốc quan trọng trong sự hầu việc Chúa của thầy nói riêng cũng như của Hội Thánh Trường An nói chung. Đó là khoảng hai năm sau ngày về nhiệm sở, trong khu vực có một nữ sinh vừa tốt nghiệp cấp ba, cô ta xinh đẹp, học giỏi nhưng bị ma quỷ ám hại. Gia đình cô đã chạy chữa nhiều nơi, nhưng những thầy thuốc bó tay, thầy pháp bất lực, thầy chùa cũng không làm gì được. Ấy thế mà thầy Chờ với đức tin kiên định đã nhận về cầu nguyện chữa trị. Đây là một nan đề lớn với thầy và với Hội Thánh lúc bấy giờ. Thầy đã phát động và thành lập một tổ cầu nguyện xung kích, kiêng ăn khẩn thiết với Chúa để đạp đổ đồn lũy Sa tan. Hơn một tháng, thầy cô cũng với cả Hội Thánh cầu nguyện và thực hiện kế hoạch kiêng ăn, cùng sự cầu thay của tất cả con cái ngoài Hội Thánh, cảm tạ Đức Chúa Trời, Ngài đã làm phép lạ diệu kỳ, cô gái hoàn toàn được giải phóng khỏi quyền lực ma quỷ. Giáng sinh năm đó Hội Thánh rất là vui vẻ, người trở lại tin nhận Chúa rất đông.

Công việc Hội Thánh càng ngày càng phát triển, số tín hữu gia tăng đáng kể. Không đủ chỗ sinh hoạt, thầy mở thêm nhiều phòng ốc, cơi nới thêm nhiều gian chái. Mỗi tháng Hội Thánh  truyền giảng từ một đến hai lần, mỗi năm đều tổ chức học và làm lễ báp têm cho tân tín hữu từ một đến hai khóa, mỗi khóa từ 30 đến 50 người. Trung bình mỗi năm số người tin Chúa từ 100 đến 150 người. Hội Thánh Chúa ngày một phát triển mạnh.

Là thư ký của Hội Thánh, tôi là người gần gũi với thầy nhiều nhất. Mỗi việc làm của thầy tôi đều quan tâm và nhận thấy ở thầy những điều thú vị. Thầy khiến tôi phải đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tôi sẽ kể lần lượt cho bạn nghe.

Thầy nấu ăn rất khéo. Có đợt thầy đã tự tay nấu ăn cho cả Ban hiệp nguyện mục sư truyền đạo và Ban trị sự các Hội Thánh trong khu vực, mọi người ai cũng khen ngon và trầm trồ thán phục. Nhiều Tết thầy tự tay cắt lá chuối và gói bánh tét. Có điều lạ là những đòn bánh của thầy rất to, nó to mà tôi chưa từng thấy bao giờ, mỗi đòn bánh ít nhất cân nặng 2kg trở lên. Còn nhớ một đêm 29 tết nọ thầy thức trắng đêm ngồi đun củi trông bếp. Sáng ra, những cái bánh ngon lành đó thầy chia sẻ với những con cái Chúa khó khăn. Mọi người nhận bánh xúc động, họ không chỉ thấy ở những gói bánh một người chăn tài hoa mà còn thấy ở đó một tấm lòng yêu thương vô cùng quý báu.

Có một lần một tín đồ đến báo tin gấp cho thầy, ấy là con gái họ đang chuyển bụng chuẩn bị sinh, nhờ thầy đến cầu nguyện. Thế là thầy vội vàng chạy đi nhưng không quên mang theo máy đo huyết áp. Đến nơi, tình hình rất căng thẳng, cô gái đau quằn quại, không thể đưa đi bệnh xá kịp nữa. Lúc đó thầy nhanh nhẹn cầu nguyện và sau đó trực tiếp… đỡ đẻ cho. Cảm tạ Chúa, Ngài đã ban cho cô ta sinh được bình an, một cháu trai kháu khỉnh nặng 3,5 kg.

Phần tôi cũng có rất nhiều kỉ niệm riêng với thầy. Tối nhớ rất rõ, năm 1999, một trận lụt khá lớn, nước dâng ngập hết cả nhà thờ. Tôi vô cùng ngạc nhiên là thầy vẫn chống ghe lên thăm nhà tôi. Lúc đó nước còn ngập tới bụng, ghe thầy đậu dưới gốc cây vú sữa trước sân nhà. Thầy gọi tôi ra và đưa cho tôi năm gói mỳ tôm. Nhìn thầy mặc chiếc quần soọc và chiếc áo lót ba lỗ, trên vai quấn một miếng ni-lon không đủ lành, lòng tôi vô cùng cảm động. Tôi nói, nước đang lớn mà làm sao thầy lên đây được? Thầy bảo, tôi chống ghe đi theo đường đồng lên đây anh ạ… Rồi thầy chống ghe đi, cầm mấy gói mì tôm trên tay mà lòng tôi cứ xao xuyến mãi, quay vào nhà tôi cứ lẩm bẩm cầu xin Chúa thêm sức cho người…

Tôi cứ thắc mắc, sao thầy đã già rồi mà vẫn cứ là truyền đạo sinh hoài vậy? Truyền đạo sinh là chức danh dành cho các thầy vừa tốt nghiệp thần học viện, ít ra là mấy thầy đang phụ tá cho mục sư quản nhiệm nào đó. Sau này tìm hiểu ra mới vỡ lẽ và thấy khá là thú vị. Ấy là khoảng năm 1951-1953 có khóa Thánh Kinh Thần học viện, mục sư Dương Thạnh, mục sư Mã Phúc Minh theo học khóa này, sau các vị ấy đều làm Ban trị sự địa hạt Liên hội Bắc Trung phần. Còn thầy học sau các vị ấy một năm, và năm đó có lệnh tổng động viên nên thầy phải đi quân dịch. Thầy làm ở khoa xét nghiệm máu cho Tổng y viện Duy Tân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau ngày đất nước thống nhất thầy được điều về làm trưởng khoa xét nghiệm bệnh viện huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Cuộc đời làm việc của thầy đã để lại nhiều uy tín với đồng bào và hàng ngũ lãnh đạo huyện nhà. Thật không ngờ, thầy trở thành người hầu việc Chúa, và hầu việc Chúa ngay tại Hội Thánh Tin Lành Trường An (xã Đại Quang, huyện Đại Lộc). Có lẽ vì vậy chính quyền huyện Đại Lộc rất là tôn trọng, quý mến thầy và ít nhiều tạo điều kiện hơn cho sự phát triển Hội Thánh…

Thấm thoắt, thầy đã về với Hội Thánh Tin Lành Trường An hơn bảy năm, chính xác là 7 năm 4 tháng 26 ngày. Trong hơn bảy năm đó thầy cùng với Hội Thánh đem về cho Chúa 735 linh hồn tội nhân. Giá như…. ôi, tôi cứ nghĩ giá như thầy hầu việc Chúa với Hội Thánh thêm nữa thì có lẽ công việc Chúa ở đây chắc là phát triển lắm. Thoáng nghĩ vậy nhưng trong thâm tâm tôi cũng biết rằng đó chỉ là ý riêng của tôi thôi. Ý Chúa lại khác. Ngài đã đưa người thầy chúng tôi về nước vinh hiển của Ngài – chiều ngày 16 tháng 2 năm 2002 nhằm mồng Năm Tết tại bệnh viện C Đà Nẵng trái tim của người thầy kính yêu chúng tôi đã ngừng đập.

Như thường lệ, trưa thứ bảy hằng tuần là ngày kiêng ăn cầu nguyện. Sau khi đi thăm viếng chứng đạo trở về, trưa hôm đó tôi cùng thầy ngồi trong văn phòng. Tôi còn nhớ rất rõ những câu nói cuối cùng của thầy với tôi. “Tôi tức ngực quá anh Được ơi! anh thay tôi lên nhà thờ hướng dẫn anh em cầu nguyện dùm tôi”. Tôi thấy có vẻ nghiêm trọng bèn đứng lên đặt tay cầu nguyện cho thầy, rồi tôi đi lên nhà thờ. Diễn biến thật mau lẹ, một anh em gọi gấp chiếc taxi đưa thầy cấp cứu ở bệnh viện C Đà Nẵng. Nhưng ba giờ chiều ngay đó, thi hài thầy đã đưa về ngay tư thất của Hội Thánh. Tôi vô cùng sửng sốt, tất cả đều sụp đổ, tôi nghe như sét đánh ngang tai mình…Thầy đã bị chứng bệnh nhồi máu cơ tim và đã về yên nghỉ trong nước vĩnh hằng của Chúa. Hết thảy con cái Chúa biết tin đều giật mình đau xót. Thi thể thầy được để lại bốn ngày nhằm chờ con cái các nơi trở về. Thầy nằm yên lặng nơi lồng kính, khuôn mặt hiền từ, rạng rỡ, bao dung…

Lễ tang diễn ra long trọng, ấm áp tình thương yêu. Đồng bào cũng đến dự rất đông, họ tràn ra đến tận mặt đường, ai nấy cảm động tuôn trào nước mắt. Trong tang lễ ông Phó chủ tịch huyện phát biểu, đại ý là nên phong vượt cấp cho mục sư Nguyễn Văn Chờ lên thẳng mục sư thực thụ chứ không phải mục sư nhiệm chức gì nữa, bởi vì ông quá xứng đáng. Nghe lời ông tôi cảm thấy xúc động mà thầm nghĩ, thầy tôi chắc không tha thiết lắm với chức vị đâu, ông chỉ muốn hầu việc Chúa với sức lực của mình, và tấm lòng của con cái Chúa đối với ông đã là món quà vô cùng quý giá rồi. Tôi hiểu thầy tôi chứ.

Sau tang lễ, gia đình thầy đã giao lại cho Hội Thánh chiếc xe Cub mà các ân nhân nước ngoài tặng riêng cho thầy vào năm 1997, đồng thời hoàn trả lại cho Hội Thánh trên 6.500.000 đồng tiền lo tang lễ. Vậy là, thầy đến Hội Thánh với hai bàn tay trắng rồi ngày về với Chúa cũng trắng tay…

Bạn thân mến! Có những người đi qua cuộc đời bạn cách lặng lẽ như một cơn gió thoảng, cũng có những người họ để lại dấu ấn đậm nét trên cuộc đời bạn. Với tôi mục sư Nguyễn Văn Chờ là một người thầy lớn, một người ảnh hưởng sâu sắc trên đời sống thuộc linh, trên cả đời sống tình cảm, tâm hồn tôi. Tôi tạ ơn Chúa vô cùng, được gặp thầy, cùng hầu việc Chúa với thầy là niềm hạnh phúc lớn của đời tôi. Nếu bạn biết và hiểu mục sư Nguyễn Văn Chờ thì sẽ không ngoa nếu tôi cho rằng ông không chỉ là tấm gương sáng cho con cái Chúa nói chung, mà còn cho cả những người hầu việc Chúa trong chức vụ mục sư, truyền đạo nói riêng.

Tôi viết bài này như sự bày tỏ lòng tri ơn của mình đối với thầy, như một niềm tự hào sâu sắc không thể nào giấu kín được. Thầy Chờ ơi, hãy chờ con! Rồi một ngày không xa chúng ta sẽ gặp nhau nơi nước vĩnh hằng của Chúa.

hoxuan                                                                           

HỒ GA LI LÊ   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn