Thứ Ba , 24 Tháng Mười Hai 2024
Home / Viện đào tạo môn đồ / John Newton – Tác Giả Amazing Grace

John Newton – Tác Giả Amazing Grace

John Newton – Tác Giả Amazing Grace

Amazing_Grace_1779

Thánh ca Amazing Grace – Ấn bản năm 1779
(Photo credit: www.wikipedia.org)

Amazing Grace là một thánh ca nổi tiếng trên thế giới. Bài hát do John Newton sáng tác cách đây 240 năm. Mục sư John Newton đã viết bài thánh ca này để minh họa cho bài giảng vào lễ thờ phượng đầu năm 1773 tại nhà thờ Olney, Buckinghamshire, Anh quốc.  Sau đó, bài thánh ca đã được loan truyền khắp nơi. Theo các thống kê gần đây, Amazing Grace là thánh ca đứng hàng đầu trong số những bài thánh ca được yêu thích nhất trong Anh ngữ.

Tác Giả

John Henry Newton, tác giả lời thánh ca, sinh ngày 24 tháng 7 năm 1725 tại Wapping, một quận nhỏ tại London, Anh quốc.  John Henry Newton là con của John và Elizabeth Newton.  Cha của John Newton là một tín hữu Công giáo nhưng có thiện cảm với Tin Lành.  Ông là một thuyền trưởng kinh nghiệm tại vùng biển Địa Trung Hải.  John Newton Sr. kỳ vọng nơi con trai, nên đã đặt tên cho con bằng chính tên của mình. Mẹ của John Newton là một tín hữu Tin Lành không theo truyền thống Anh Quốc giáo.  Elizabeth Newton là một phụ nữ rất yêu mến Chúa.  Bà mong ước con trai sau này sẽ trở thành một mục sư.  Tuy nhiên, Elizabeth Newton mất sớm. Bà đã về với Chúa chỉ hai tuần trước khi John Newton được 7 tuổi. Dầu vậy, những điều gia đình Catletts dạy con từ những năm tháng thơ ấu về sau đã ảnh hưởng đến đức tin của John Newton.

Sau khi mẹ qua đời, John Newton sống với mẹ kế.  Sau đó, John Newton được gởi đi học tại một trường nội trú trong hai năm.  Không quen với nếp sống gò bó trong trường, năm 11 tuổi John Newton đã xin theo cha trong các chuyến viễn du để học hàng hải.  John Newton ngỡ ngàng trước cuộc sống mới.  Cậu bé vẫn không quen với nếp sống kỷ luật trên tàu và cũng không hòa hợp với cha.  Dầu vậy, trong suốt 6 năm trước khi John Newton Sr. về hưu vào năm 1742, cậu thiếu niên John Newton đã học được nhiều kiến thức về hàng hải. Điều đáng tiếc cũng trong thời gian này, John Newton bị tiêm nhiễm rất nhiều điều xấu, trong đó có thái độ vô tín đối với Chúa.

Cuối năm 1742, John Newton đã 17 tuổi. Khi thấy con không thích ứng với nếp kỷ luật để được huấn luyện trở thành một sĩ quan hải quân trong tương lai, thân sinh của John Newton đã sắp xếp với một người bạn là Joseph Manesty xin cho John Newton làm quản đốc một đồn điền trồng mía tại Jamaica, Nam Mỹ.  Cụ John Newton cho biết sau thời gian làm việc 5 năm, John Newton sẽ dành dụm đủ tiền trở về Anh quốc sống một cuộc sống đầy đủ.    Chuyến đi Jamaica sẽ khởi hành trong vòng hai tuần.  Trong thời gian chờ đợi, ông cụ trao cho John Newton một vài việc phải làm tại Kent và dặn cậu nhân tiện trên đường đi hãy ghé thăm gia đình George và Elizabeth Catletts tại Chatham.  Elizabeth Catletts là bạn thân của mẹ John Newton lúc bà còn sống và là người đã chăm sóc mẹ của John Newton lúc hấp hối trước khi qua đời.

John Newton đến Chatham vào cuối năm 1742. Gia đình Catletts là một gia đình kính mến Chúa, cả gia đình từ lớn đến nhỏ đang cùng nhau chuẩn bị lễ giáng sinh.   Lần đầu tiên sau nhiều năm trời, John Newton mới kinh nghiệm được khung cảnh êm đềm trong một mái ấm gia đình. Elizabeth ngạc nhiên gặp lại John Newton sau hơn 10 năm và hỏi thăm cậu đã sống thế nào trong thời gian đó.  Theo thói quen, John Newton huyênh hoang về những chuyến viễn du của mình.  Mặc dù biết cậu thiếu niên thiếu thành thật và hơi khoác lác, gia đình Catletts vẫn tiếp đón John Newton thật thân mật như một người con trong gia đình. Elizabeth nhắc lại những kỷ niệm với mẹ của John Newton.  Bà cũng nói thêm mẹ của John Newton từng mơ ước đứa con trai duy nhất của mình sau này trở thành mục sư.

Những ngày vui qua nhanh. Thay vì đến thăm gia đình Catletts một ngày, John Newton đã ở lại ba tuần. Bên cạnh kỷ niệm về người mẹ, vui hưởng cảnh hạnh phúc của gia đình Catletts, khuôn mặt dịu dàng của Mary Catlett, cô con gái đầu lòng của Elizabeth, lúc đó mới 14 tuổi, làm John Newton quên mất thời gian.  Khi trở về nhà, John Newton đã lỡ mất chuyến đi Jamaica.  John Newton báo cho cha biết lần đầu tiên cậu cảm nhận được hạnh phúc trong mái ấm gia đình; và cậu đã gặp được người mà cậu sẽ cưới làm vợ. Thân sinh của John Newton không bằng lòng; nhưng John Newton cho biết cậu sẽ làm việc, kiếm tiền để cưới người mình yêu mà không cần sự giúp đỡ của ông cụ.

Cụ John Newton Sr. rất bực tức cậu con trai vì sự cứng đầu, vì bỏ mất cơ hội, vì đã làm mất uy tín của mình nhưng cũng tìm cách tạo cho cậu một cơ hội mới. Lần này, cụ sắp đặt cho John Newton làm thủy thủ trên một thương thuyền đi Venice, Ý.  Ông cụ nói với John Newton rằng vì con thích nói tục và chưởi thề nên đây là nơi thích hợp cho con.  Con sẽ thành công hay thất bại là do con; ba không nhờ ai giúp con nữa, để con không nói rằng ba can thiệp vào đời sống của con.

John Newton không đi Venice.  Cậu bỏ nhà lang thang ngoài bến tàu.  Vài tháng sau, cậu mướn ngựa chạy đến Chatham thăm gia đình Catletts.  John Newton đã xin cầu hôn với Mary Catlett.  Khi biết ý định của John Newton, George, Elizabeth, và cả Mary Catlett, đều ngỡ ngàng. George gọi John Newton riêng ra và khuyên chàng thanh niên nên bình tĩnh. Thứ nhất, Mary còn quá nhỏ.  Thứ hai John Newton không phải là người thích hợp cho Mary vì John nóng tánh, hay nói tục và chưởi thề, còn Mary dù nghèo nhưng được giáo dục trong nếp sống tin kính Chúa.  Thứ ba, để có thể thành hôn, John cần phải có việc làm để có thể nuôi sống gia đình riêng của mình trong tương lai.  George Catlett khuyên John Newton hãy trở về nhà, chờ thêm một thời gian rồi sau đó mới tính.  Dầu không chấp nhận lời cầu hôn, gia đình Catletts cho phép John và Mary viết thư cho nhau.

Trở lại Sussex, John Newton không về nhà nhưng lang thang ngoài bến tàu, giao du với các bạn đồng trang lứa.  Năm 1743, trong khi đi thăm một người bạn, John Newton bị bắt lính, sau đó bị đem xuống tàu HMS Harwich để phục vụ trong Hải Quân Hoàng Gia Anh. Thuyền trưởng của tàu HMS Harwich là Philip Carteret vốn biết cha của John Newton nên đã ban cho cậu một đặc ân là làm hạ sĩ quan thay vì làm thủy thủ.

John Newton không thích hợp với nếp sống kỷ luật trong hải quân. Nhớ người yêu, John Newton năn nỉ Thuyền trưởng Carteret xin về Chatham thăm một ngày. Trong khi không cho ai rời tàu, Thuyền trưởng Carteret đã đặc biệt cho phép John Newton đi thăm người yêu một ngày nhưng chàng thanh niên đã vi phạm và trình diện trể sáu ngày. Một lần khác, nhân một chuyến đi công tác mua tiếp liệu cho tàu, John Newton tranh thủ về thăm người yêu. Sau hai ngày không trình diện, John Newton đã bị lính địa phương bắt với tội đào ngũ. Sau đó, John Newton bị kỷ luật và bị giáng chức. John Newton bị đánh 75 roi trước 350 sĩ quan và thủy thủ trên tàu.  Trước đó không lâu, một đồng đội của John Newton bị đánh 25 roi, vì chịu không nỗi nên đã chết.  John Newton bị đánh 75 roi nhưng vẫn sống. Nhục nhã vì bị kỷ luật, đau đớn vì thân thể tan nát, John Newton định tự tử nhưng không thành công.  Trong hoàn cảnh khốn cùng đó, John Newton luôn miệng chưởi thề và nguyền rủa Chúa.  Các thủy thủ trên tàu lo sợ nói với John Newton:  Hãy chưởi thề nếu muốn, nhưng đừng nguyền rủa Chúa vì sẽ dẫn đến tai họa cho cả tàu.

Năm 1745, tàu Harwich chuẩn bị một chuyến viễn du sang Ấn Độ. Chuyến đi sẽ kéo dài 5 năm.  Khi tàu đậu tại Madeira, Tây Ban Nha, tàu Harwich trưng dụng thêm một số thủy thủ từ một thương thuyền Anh tại đó; ngược lại, tàu Harwich đã sa thải một số thủy thủ suy yếu, bệnh tật, vô kỷ luật từ tàu chiến sang thương thuyền. John Newton đã bị sa thải khỏi hải quân Anh và được hoán chuyển sang thương thuyền Levant trong thời gian này.

Levant là một thương thuyền mua bán giữa Phi Châu, Liverpool (Anh) và Tây Ấn (Nam Mỹ).  Sau khi được thuyên chuyển sang Levant, John Newton hy vọng sẽ được trở về Anh trong vòng một năm. Lên tàu, John Newton mới biết đây là một tàu buôn nô lệ.  Điều mà John Newton mừng khi rời khỏi tàu Harwich là John Newton còn không phải chấp hành nếp sống kỷ luật trong hải quân nữa. Lối sống ngang tàng, phóng túng trong John Newton lại có dịp trổi dậy.

Với bản tánh ương ngạnh và ngang tàng, John Newton tiếp tục gặp rắc rối trong môi trường mới. Là người có chữ nghĩa, John Newton thường làm thơ chế diễu các sĩ quan và đồng đội.  John Newton dùng kiến thức và lòng vô tín của mình để lung lạc đức tin của Caleb Sneed và Job Lewis, hai thủy thủ trên tàu. Trong thời gian tàu Levantdong buồm dọc bờ biển Phi Châu, Thuyền trưởng James Phelps bị sốt và chết.  Trước khi chết, James Phelps dặn Thuyền phó Sam Miller bảo John Newton đừng nói những lời xúc phạm đến Chúa nữa; nếu không Chúa có thể giáng họa cho cả tàu.  John Newton đã trả lời rằng: “Đức Chúa Trời của cả vũ trụ không có chuyện gì tốt hơn để làm hay sao?”

Tân thuyền trưởng Sam Miller biết John Newton sợ kỷ luật quân đội. Thuyền trưởng Sam Miller nói với John Newton nếu có cơ hội ông sẽ không ngần ngại trả John Newton lại cho tàu Harwich.  Trước viễn cảnh không thể sống lâu trên tàu Levant, và khi được Amos Clowe một người buôn nô lệ gợi ý về cơ hội làm việc tại Tây Phi, với mơ ước làm giàu, John Newton đã nhận lời.  Khi tàu Levant rời Sierra Leonne, John Newton đã ở lại.  Tại đây, John Newton làm việc cho Amos Clowe xây dựng một đồn điền trồng chanh. Sau đó, John Newton bị bệnh nặng gần chết, John Newton bị Amos Clowe bỏ lại Sierra Leonne. Trong hoàn cảnh đó, John Newton, một người Anh da trắng đã trở thành nô lệ cho một phụ nữ quyền thế tại Phi Châu, là bạn gái của Amos Clowe.  Trong hoàn cảnh khổ nhục, John Newton viết thư cho cha cầu cứu. Cha của John Newton đã nhờ một thuyền trưởng đi tìm John Newton.

Một thời gian sau, Richard Williams, một người buôn nô lệ khác đã thương lượng với Amos Clowe để nhận John Newton làm việc.  Cuộc sống của John Newton từ đó khá hẳn lên.

Năm 1748, Thuyền trưởng Anthony Gopher của tàu Greyhound tìm gặp John Newton.  Thuyền trưởng Anthony Gopher cho biết cha của John Newton đã nhờ ông đi tìm John Newton trong hơn một năm qua. John Newton lúc đầu từ chối lên tàu về Anh quốc vì nghĩ rằng đã có cuộc sống an nhàn tại Phi Châu nhưng sau đó đã bằng lòng.

Lên tàu Greyhound không bao lâu, John Newton nổi danh là người thô lỗ, tục tằn và phỉ báng.  Thuyền trưởng Anthony Gopher không coi John Newton là một thủy thủ nhưng cư xử với chàng như một vị khách.  Rảnh rỗi không phải làm việc, John Newton có dịp đọc cuốn The Christian’s Pattern, sách tóm lược tác phẩm The Imitation of Christ của Thomas à Kempis.  Qua đó, John Newton hiểu biết một ít về mối quan hệ giữa một cá nhân với Chúa.  John Newton cũng dành thì giờ đọc Kinh Thánh nhưng không phải tìm hiểu để tin nhưng trích dẫn Kinh Thánh để chọc phá niềm tin Cơ Đốc.

Tháng 3 năm 1748, trên đường về Anh quốc, trong một chuyến hải hành trên Đại Tây Dương tàu Greyhound gặp một trận bão khủng khiếp.  Sóng lớn làm tàu ngập nước.  Gió mạnh đánh gãy cột buồm, nghiến nát Reggie, một thủy thủ đứng trên sàn tàu nơi John Newton vừa rời khỏi.   Trước kinh nghiệm thoát chết trong gang tấc và tàu ngập nước gần chìm, John Newton là một thủy thủ nhiều năm nhưng không biết bơi, John Newton đã quỳ xuống cầu nguyện: “Lạy Cha! Xin cứu con.”

Thủy thủ đoàn của tàu Greyhound quyết định quăng bớt hàng hóa và cố gắng tát nước để cứu tàu.  Giữa hoàn cảnh tuyệt vọng, John Newton nói với thuyền trưởng và các thủy thủ: “Nếu cố gắng này không thành thì cầu xin Chúa thương xót chúng ta.”

Sau đó, John Newton và các thủy thủ cột dây buộc chặt mỗi người vào bơm nước của tàu với suy nghĩ nếu tàu có chìm thì họ vẫn có thể trôi dạt trên mặt nước.  Vào tháng ba, Bắc Mỹ vẫn còn mùa đông, nước biển Đại Tây Dương rất lạnh, sóng tiếp tục đánh mạnh. Trong suốt chín giờ, thủy thủ đoàn tàu Greyhound kiên trì bơm nước trong tuyệt vọng.

Không mấy hy vọng được cứu và mệt lã vì kiệt sức, John Newton đã gục xuống ngủ thiếp gần một giờ. Sau đó, chàng thanh niên được thuyền trưởng gọi lên trao trách nhiệm lái tàu. Thuyền trưởng Anthony Gopher nói với John Newton: ông đã kinh nghiệm nhiều trận bão, nhưng không có trận bão nào khủng khiếp như lần này.  Đây là sự trừng phạt của Chúa.  Thuyền trưởng cho biết ông đã lưỡng lự giữa việc quăng John Newton xuống biển nhưng quyết định trao cho John Newton cơ hội lái tàu. Trong mười một giờ kế tiếp, John Newton lái tàu giữa cơn bão tố.

Giữa hoàn cảnh tuyệt vọng, John Newton nhớ lại những điều được viết trong cuốn The Christian’s Pattern và tự hỏi không biết chàng có xứng đáng để được Chúa thương xót hay không.  John Newton nghĩ rằng chàng không thể nào được tha thứ, vì chẳng những chàng chối bỏ đức tin nơi Chúa mà còn trực tiếp chống đối Chúa nữa.  Chàng đã chế diễu những người bày tỏ niềm tin nơi Chúa, chàng đã nhạo báng Chúa và cho rằng đức tin nơi Chúa chỉ là mê tín huyền hoặc.

Sau khi điều khiển bánh lái chừng năm tiếng đồng hồ, John Newton tự nhiên nhớ lại câu Kinh Thánh Lu-ca 11:13 mà mẹ chàng đã dạy từ thời thơ ấu: Vậy nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh Linh cho người xin Ngài!  Ngay lúc đó, John Newton cuối đầu cầu nguyện xin Chúa giải cứu.  Chàng không còn ngạo mạn cho rằng chàng là người lèo lái cuộc đời mình nữa như trước nữa.

Sau lời cầu nguyện đó không lâu, sóng đại dương bắt đầu lắng dịu.   John Newton tin rằng Chúa đã lắng nghe lời cầu nguyện của chàng và tha thứ cho chàng.  John Newton đã ghi lại trong nhật ký của mình rằng đêm hôm đó, ngày 10/3/1748, là ngày sinh nhật thuộc linh của chàng.

Rạng sáng hôm sau, thủy thủ đoàn thức dậy thấy nước trên boong tàu lên tới mắc chân; dầu vậy tàu vẫn nổi.  Tất cả hàng hóa và lương thực dự trữ trên tàu mất hết; tuy nhiên cá khô mà họ đã bắt được ở Newfoundland và nước ngọt vẫn còn trên tàu.

Thủy thủ đoàn tát nước, tàu Greyhound tiếp tục lập lờ giữa đại dương.  Trong những ngày kế tiếp, John Newton dùng thì giờ rảnh đọc Kinh Thánh.  Đúng bốn tuần sau, ngày 8/4/1748, tàu Greyhound cập bến Lough Swilly, Ireland.  Khi bước chân lên bờ, quay nhìn lại tàu Greyhound, John Newton nói rằng: “Quả thật có Chúa ở trên trời.  Ngài đã lắng nghe lời cầu xin của tôi.”

Về lại Anh, sau khi thăm cha và gia đình người yêu, John Newton tiếp tục cuộc sống của một thủy thủ. John Newton tham gia các chuyến tàu buôn nô lệ từ năm 1748 cho đến năm 1755.  Năm 1750, John Newton trở về Anh, được phép cưới Mary Catlett.  Đến năm 1755, khi tròn 30 tuổi, John Newton quyết định bỏ ngành hàng hải và chấm dứt tham gia buôn nô lệ.

Năm 1756, John Newton nhận công việc làm nhân viên quan thuế tại Liverpool.  Trong thời gian này, ông tự học Latin, Hy Lạp và thần học.  Hai vợ chồng John và Mary Newton tham gia tích cực trong các sinh hoạt nhà thờ.  John Newton khao khát trở thành người hầu việc Chúa nhưng ước nguyện của ông bị Giám mục của Giáo hội Anh quốc tại York từ chối vào năm 1758 với lý do là John Newton không có bằng đại học.  Tuy nhiên lý do chính là vì John Newton có thiện cảm với Phong trào Giám Lý.

Với sự khích lệ của một số bạn bè, John Newton không ngã lòng.  Ông tiếp tục học hành, viết bài làm chứng thuật lại kinh nghiệm được Chúa biến cải từ một kẻ buôn nô lệ trở thành một người như hiện tại.  Trước tấm lòng đó, Thomas Haweis, một nhà quý tộc tại Dartmount, đã bảo trợ cho John Newton.  John Newton được Giám mục tại Chester phong chức mục sư phụ tá tại Olney, Buckinghamshire, một thị trấn rất nghèo tại Buckinghamshire vào năm 1764.  John Newton được trả lương chỉ có 60 bảng Anh một năm.  Tuy nhiên, John Thornton đã giúp John Newton thêm 200 bảng Anh để ông có thể tiếp tục hầu việc Chúa với cam kết sẽ giúp những người nghèo.

John Newton tận tụy hầu việc Chúa tại Olney suốt 16 năm.  Tinh thần hầu việc Chúa của ông được cả Giáo hội Anh quốc lẫn những tín hữu theo khuynh hướng Tin Lành thuần túy kính trọng.

Trong khoảng thời gian đó, Thomas Scott làm mục sư tại Stoke Goldington và Weston Underwood, hai giáo xứ lân cận Olney. Năm 1772, John Newton đã giúp biến cải Thomas Scott từ một người “làm nghề mục sư” trở thành người thật sự tin Chúa và hầu việc Chúa chân chính.  Về sau, Thomas Scott trở thành một học giả Kinh Thánh và là người đồng sáng lập Church Mission Society.  Thomas Scott đã thuật lại kinh nghiệm biến cải đó trong cuốn tự thuật The Force Of Truth xuất bản vào năm 1779.

Năm 1779, John Newton được John Thornton mời làm mục sư quản nhiệm tại thánh đường St. Mary Woolnoth, tại Lombard Street, một nhà thờ cổ kính ở London.  Tại London, John Newton ủng hộ phong trào cải cách theo khuynh hướng Tin Lành thuần túy đang diễn ra trong Giáo hội Anh quốc. John Newton cũng được kính trọng và quý mến bởi những mục sư và tín hữu ly khai khỏi Giáo hội Anh quốc.

Mục sư John Newton cũng được thế hệ trẻ kính trọng.  Ông đã khuyên William Wilberforce, một nghị viên Quốc Hội Anh, đang trăn trở trong những vấn đề cải cách xã hội hãy tiếp tục “hầu việc Chúa” tại Quốc Hội Anh.   William Wilberforce nghe theo lời khuyên, đã kiên trì vận động, và thành công trong việc xóa bỏ chế độ nô lệ trên toàn Đế quốc Anh.

Khi Mục sư John Newton ủng hộ William Wilberforce trong việc vận động bãi bỏ chế độ nô lệ, những người buôn nô lệ đã làm áp lực với ông.  Họ cho biết nếu Mục sư John Newton tiếp tục ủng hộ William Wilberforce, phe ủng hộ nô lệ sẽ công bố những điều tệ hại trong cuộc đời của John Newton và làm mất uy tín của ông.  Mặc dù cuộc đời của Mục sư John Newton đã được các tín hữu địa phương biết rõ, dân chúng Anh không biết nhiều về ông. Năm 1790, Mục sư John Newton nói rằng thay vì để cho phe chống đối nói về ông, chính ông sẽ công bố tất cả những điều xấu xa mà mình đã làm. Mục sư John Newton cho biết mục đích của việc ông kể lại đời mình là giúp cho người đọc nhận biết: “Nếu Chúa đã cứu John Newton thì Ngài có thể cứu bất cứ ai.”

Năm 1792, John Newton được College of New Jersey tại Hoa Kỳ trao bằng Tiến sĩ Thần Học.  College of New Jersey là tiền thân của Viện Đại Học Princeton ngày nay.

John Newton về với Chúa vào ngày 21/12/1807.  Ông được an táng tại nhà thờ St. Mary Woolnoth, London bên cạnh Mary người vợ của ông.  Mộ bia của John Newton có những dòng chữ sau:

John Newton, một người hầu việc Chúa
Từng là kẻ chống đối Chúa và sống phóng túng
Một đầy tớ cho những người nô lệ tại Phi Châu
Bởi ân điển giàu có của Cứu Chúa Jesus Christ
Đã được phục hồi, tha thứ và bổ nhiệm
Để giảng dạy Phúc Âm
Mà ông từng cố gắng tiêu diệt
Phục vụ Chúa
Mười sáu năm tại Olney, Buck
Và hai mươi tám năm tại nhà thờ này.

Châu Thanh

Tháng 12/2012
Bài viết cho Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Amazing Grace – John Newton
Trình bày: Rhema Marvanne

Amazing Grace

Amazing grace! (how sweet the sound)
That sav’d a wretch like me!
I once was lost, but now am found,
Was blind, but now I see.

‘Twas grace that taught my heart to fear,
And grace my fears reliev’d;
How precious did that grace appear
The hour I first believ’d!

Thro’ many dangers, toils, and snares,
I have already come;
‘Tis grace hath brought me safe thus far,
And grace will lead me home.

The Lord has promis’d good to me,
His word my hope secures;
He will my shield and portion be
As long as life endures.

Yes, when this flesh and heart shall fail,
And mortal life shall cease;
I shall possess, within the veil,
A life of joy and peace.

The earth shall soon dissolve like snow,
The sun forbear to shine;
But God, who call’d me here below,
Will be forever mine.

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn