Thứ Năm , 21 Tháng Mười Một 2024

TÔI HAY KHÓC

photo 2

(Hình: Đại Hội Liên Hữu Báp Tít  Việt Nam lần 31)

 

Bài 5: MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP.
Tôi nhớ khi còn ở Việt Nam, tôi đã có nhiều ngày theo dõi bộ phim NGƯỜI GIÀU CŨNG KHÓC. Phim gây cấn, nhiều kịch tính và từ đó tôi biết có nhiều người thấy thương, cũng có nhiều người thấy ghét. Thương người lành và ghét người dữ. Tội nghiệp cho người đóng vai kẻ dữ. Phản ứng của người Việt trước hoàn cảnh đất nước và con người cũng như vậy, xưa nay ít thấy thay đổi. Đài truyền hình Việt Nam đã khéo chọn chiếu phim nước ngoài lồng tiếng Việt nầy để dạy cho chúng ta những bài học khó quên.

Đúng rồi. Không phải chỉ có người nghèo mới khóc. Người giàu cũng khóc. Có lẽ người giàu còn khóc nhiều hơn người nghèo nữa. Người nghèo thường an phận. Người giàu thường tham lam. Nói chung, thế giới có người nghèo lẫn người giàu, có người cười, có người khóc. Ai cũng có lúc cười và ai cũng có lúc khóc. Ai nấy đều biết khóc. Khóc từ khi mới chào đời. Người ta khóc vì hoàn cảnh. Nhưng mấy ai biết khóc cho linh hồn mình?

Vua Đa-vít khóc

Đức Chúa Trời ôi! Xin thương xót tôi; vì người ta muốn ăn nuốt tôi:
Hằng ngày họ đánh giặc cùng tôi, và hà hiếp tôi.
2 Trọn ngày kẻ thù nghịch tôi muốn ăn nuốt tôi,
Vì những kẻ đánh giặc cùng tôi cách kiêu ngạo là nhiều thay.
3 Trong ngày sợ hãi,
Tôi sẽ để lòng nhờ cậy nơi Chúa.
4 Tôi nhờ Đức Chúa Trời, và ngợi khen lời của Ngài;
Tôi để lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, ắt sẽ chẳng sợ gì;
Người xác thịt sẽ làm chi tôi?
5 Hằng ngày chúng nó trái ý lời tôi,
Các tư tưởng chúng nó đều toan hại tôi.
6 Chúng nó nhóm nhau lại, rình rập, nom dòm các bước tôi,
Bởi vì chúng nó muốn hại mạng sống tôi.
7 Chúng nó sẽ nhờ sự gian ác mà được thoát khỏi sao?
Hỡi Đức Chúa Trời, xin hãy nổi giận mà đánh đổ các dân.
8 Chúa đếm các bước đi qua đi lại của tôi:
Xin Chúa để nước mắt tôi trong ve của Chúa,
Nước mắt tôi há chẳng được ghi vào sổ Chúa sao?
9 Ngày nào tôi kêu cầu, các kẻ thù nghịch tôi sẽ thối lại sau;
Tôi biết điều đó, vì Đức Chúa Trời binh vực tôi.
10 Tôi nhờ Đức Chúa Trời, và ngợi khen lời của Ngài;
Tôi nhờ Đức Giê-hô-va, và ngợi khen lời của Ngài,
11 Tôi đã để lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, ắt sẽ chẳng sợ chi;
Người đời sẽ làm chi tôi?
12 Hỡi Đức Chúa Trời, điều tôi hứa nguyện cùng Chúa vẫn ở trên mình tôi;
Tôi sẽ dâng của lễ thù ân cho Chúa.
13 Vì Chúa đã giải cứu linh hồn tôi khỏi chết:
Chúa há chẳng giữ chân tôi khỏi vấp ngã,
Hầu cho tôi đi trước mặt Đức Chúa Trời trong sự sáng của sự sống?

Hoàn cảnh nào đã đưa Đa-vít đến chỗ viết những dòng thơ đáng khóc nầy?

Kinh Thánh chép: “Bấy giờ, Đa-vít chỗi dậy, ngày đó trốn xa khỏi Sau-lơ; mà đi đến cùng A-kích, vua Gát. 11 Các tôi tớ của A-kích hỏi rằng: Có phải đó là Đa-vít, vua của xứ ấy chăng? Há chẳng phải về người nầy mà bọn nữ có nói trong khi múa hát rằng:
“Sau-lơ giết hàng ngàn,
Còn Đa-vít giết hàng vạn?”
12 Đa-vít để các lời nầy vào trong lòng mình, và rất sợ A-kích, vua Gát. 13 Người giả đò điên cuồng trước mặt chúng, và làm bộ dại khờ giữa họ; người vẽ gạch dấu trên cửa và để nước miếng chảy trên râu mình. 14 A-kích nói cùng tôi tớ mình rằng: Kìa, các ngươi thấy người đó điên cuồng! Cớ sao các ngươi dẫn nó đến ta? 15 Nơi ta há thiếu kẻ điên sao, nên các ngươi phải dẫn kẻ nầy đến ta đặng nó bày sự kỳ cục trước mặt ta? Một người như vậy chẳng nên vào nhà ta.” (1 Sa-mu-ên 21:10-15).

Trong hoàn cảnh chạy trốn để tị nạn, hầu như mọi lời hứa của Chúa đều vô nghĩa đối với Đa-vít. Thay vì ngồi trên ngôi, (Đa-vít vốn đã được xức dầu làm vua) bây giờ Đa-vít phải chạy trốn trong hoang mạc như thú rừng. Đa-vít khóc vì thấy đất nước mình đang đi xuống vì cớ tội ác của Vua Sau-lơ, nhà lãnh đạo đương thời. Đa-vít khóc vì người khác đã nhìn sai, hiểu sai về ông. Đến bao giờ những ngày trốn tránh, tị nạn, lưu đày mới chấm dứt?

Giọt nước mắt của Đa-vít đã giúp làm dịu lòng ông, tạo nên nhân cách của ông. Ông quyết sống đẹp lòng Chúa. Ông chờ đợi chương trình của Chúa. Chúa đang dùng hoàn cảnh khó khăn để đào tạo một vị vua lớn, một người “đẹp lòng Chúa.”

Tiên tri Giê-rê-mi khóc

Tiên tri Giê-rê-mi được xưng là vị tiên tri hay khóc. Ông đã chia sẻ tâm sự: “Ôi! Ước gì đầu tôi là suối nước, mắt tôi là nguồn lụy! Hầu cho tôi vì những kẻ bị giết của con gái dân ta mà khóc suốt ngày đêm.” Giê-rê-mi 9: 1.

Tiên tri thường than thở:

Mùa gặt đã qua, mùa hạ đã hết, mà chúng ta chưa được cứu rỗi!“ Giê-rê-mi 8: 20.

Tôi thường khóc, “Trời ôi, đến bao giờ 50% người Việt Nam trở lại thở Trời!”

Chúa Giê-su khóc.

Kinh Thánh không ghi lại nhiều lần Chúa cười nhưng tôi thấy có mấy lần Chúa khóc. Chúa khóc cho những linh hồn.

Chúa khóc khi La-xa-rơ, người bạn của Ngài đã chết và được chôn trong mộ bốn ngày. Xem Giăng 11:35. Chúa Giê-su khóc về thành Giê-ru-sa-lem khi Ngài thấy trước tương lai tan tành của thành phố nầy. Xem Lu-ca 19: 41-46. Chúa khóc vì con người thiếu lòng tin. Chúa khóc vì họ không biết thời giờ Chúa đang thăm viếng họ. “Hiện nay là ngày cứu rỗi!” Chúa khóc vì cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời sắp giáng xuống. Chúa khóc vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, mà thế gian không biết.

Phao-lô khóc.

Phao-lô thi hành chức vụ truyền giáo tại thành phố khó là Ê-phê-sô. Ông trung tín giảng đạo, sách Công vụ 19:10 ghi nhận “Việc đó cứ luôn hai năm, đến nỗi mọi người ở trong cõi A-si, hoặc người Giu-đa hay là người Gờ-réc, đều nghe đạo Chúa.” Mỗi người có cơ hội nghe Tin Lành để được cứu. Phao-lô làm xong công việc Chúa giao và ông đã làm chứng như sau: “Vậy, hãy tỉnh thức, nhớ lại rằng trong ba năm hằng đêm và ngày, tôi hằng chảy nước mắt ra mà khuyên bảo cho mọi người luôn.” Xem Công vụ 20:31.

Phao-lô khóc vì, “Còn tôi biết rằng sau khi tôi đi, sẽ có muông sói dữ tợn xen vào trong vòng anh em, chẳng tiếc bầy đâu; 30 lại giữa anh em cũng sẽ có những người nói lời hung ác dấy lên, ráng sức dỗ môn đồ theo họ.” Công vụ 19: 29-30.

Cơ-đốc nhân cũng khóc.

Đôi khi người tin Chúa cũng khóc. Có lúc khóc vì hoạn nạn, bị bắt bớ vì theo Chúa. Nhiều lúc khóc vì thương người hư mất. Không phải khóc vì tội mình nhưng vì tội của người khác. Nhưng khóc cũng có ngày chấm dứt. Giống như va Đa-vít đã có lúc chấm dứt những ngày tị nạn, khi vua Sau-lơ không còn trên ngôi nữa và Đa-vít lên ngôi làm vua. Đa-vít lên ngôi vua xứng đáng vì nhờ Chúa đào tạo. Ngài cho ông có lúc cười và nhiều lúc khóc. Chúa đào tạo chúng ta để có ngày cùng Ngài đồng trị. Chúa đã đào tạo vua Đa-vít ngày xưa thể nào Ngài cũng đào tạo con cái Ngài ngày nay thể ấy. Chúa đang dùng hoàn cảnh để đào tạo mỗi người tin Chúa thành những môn đồ thật của Chúa. Môn đồ giống thầy. Thầy chúng ta là Chúa Giê-su đã khóc. Chúa Giê-su khóc về những linh hồn. Chúng ta cũng khóc cho những linh hồn Việt Nam.

Tại sao chúng ta khóc?

Kẻ nào gieo giống mà giọt lệ,
Sẽ gặt hái cách vui mừng.
6 Người nào vừa đi vừa khóc đem giống ra rải,
Ắt sẽ trở về cách vui mừng, mang bó lúa mình. Thi Thiên 126.

Chúng ta khóc giống như tưới nước vào hạt giống Lời Chúa đã gieo. Nhờ những giọt nước quan tâm yêu thương mà chúng ta thấy những bạn bè và người thân trở lại cùng Chúa. Gieo giống chưa đủ, chúng ta phải tưới cho những hạt giống đó bằng nước mắt.

Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên. 7 Vậy, người trồng, kẻ tưới, đều không ra gì, song Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên. 8 Người trồng, kẻ tưới, đều bằng nhau; ai nấy sẽ nhận phần thưởng tùy theo việc mình đã làm. 1 Cô-rinh-tô 3: 7-8.

Bí quyết thành công để chinh phục các linh hồn thật đơn giản: ra đi, gieo giống, tưới bằng nước mắt, và gặt hái. Không ra đi không thể gieo giống, và không thể gặt hái nếu không biết khóc. Người biết khóc cho những linh hồn mới thấy hạt giống đâm rễ và ra trái. Người không quan tâm đến các linh hồn không thể nào vui hưởng mùa gặt.

Mắt khô thường là dấu của tấm lòng cứng cỏi. Lòng cứng cỏi không thể chinh phục linh hồn người lạc mất. Hãy tiếp tục khóc. Bạn sẽ thấy ơn Chúa dùng bạn để cứu người. Gánh nặng muốn cứu linh hồn rất dễ mất. Cách hay nhất để biết gánh nặng đó có còn không đó là thử xem mình có còn khóc không? Khóc cho những linh hồn.

Bạn có còn khóc cho những linh hồn người Việt đang hư mất không?

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn