Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Tổng hợp / GIÁ CỦA SỰ CHỮA LÀNH

GIÁ CỦA SỰ CHỮA LÀNH

GIÁ CỦA SỰ CHỮA LÀNH

 leminhdat

Có lẽ bạn đã biết, từ tháng 8/2012, Đạt bị ung thư máu, phải nhập viện để hóa trị. Nhờ ơn Chúa thương xót, cơ thể đáp ứng thuốc tốt, đang dần phục hồi. Sau khi hóa trị tập trung, tôi được về nhà điều trị ngoại trú, mỗi tháng một lần vào bệnh viện lấy thuốc về nhà chích và uống (cũng là một dạng hóa chất, nhưng liều nhẹ hơn). Đã 2 năm rồi, bệnh về máu cơ bản đã có tín hiệu tốt, men gan nằm trong ngưỡng an toàn.

 

Cách đây ít lâu, có một nickname mang tên Nguyễn Hòa Bình nhảy vào Facebook của tôi comment linh tinh. Tôi đã xóa những comment ấy. Theo giọng điệu và cách anh ta hiểu Kinh Thánh, tôi đoán anh ta là một fan hâm mộ phong trào siêu ân điển và mục sư Joseph Prince (từ Singapore). Sau đó, Nguyễn Hòa Bình gửi message vào Facebook của tôi, đại ý rằng, nhân danh Chúa Giê-su và trích Kinh Thánh để công bố tôi (Đạt) được lành bệnh.

 

Mấy ngày sau khi anh ta “công bố chữa lành” thì tới hẹn tái khám hàng tháng, ngày 31/12 tôi vào bệnh viện Truyền Máu Huyết Học để tái khám. Kết quả: men gan tăng gấp 10 lần mức trần. Bác sĩ yêu cầu nhập viện vào Bệnh viện bệnh nhiệt đới gấp, vì mức tăng ấy là nguy hiểm. Về nhà tra google, thấy rằng, mức men gan tăng gấp 5 lần mức trần thì được xem là viêm gan nặng. Đằng này, tôi đang ở mức gấp 10 lần mức trần.

 

Một tuần sau, ngày 7/1, tôi vào bệnh viện xét nghiệm lại, men gan tăng cao gấp 20 lần so với mức trần. Nghĩa là một tuần qua, mức men gan không những giảm mà còn tăng thêm. Với mức men gan mới, có thể hôn mê vì viêm gan.

 

Về mặt y học, hóa chất điều trị ung thư có thể tàn phá lục phủ ngũ tạng, đó là triệu chứng phụ của thuốc.

 

Sáng nay trong lúc ở bệnh viện Bình Thạnh để lấy giấy chuyển viện sang bệnh viện nhiệt đới, tôi chợt nhớ lời công bố của Nguyễn Hòa Bình mà thật tức cười. Trước  khi anh ta công bố rằng tôi được lành bệnh, thì lúc ấy gan tôi đang khỏe. Sau khi anh ta công bố tôi được lành bệnh, thì tôi viêm gan đến mức nguy hiểm tính mạng!

 

Xin đừng hiểu lầm. Lá thư này không có ý đổ thừa cho Nguyễn Hòa Bình. Tôi chỉ muốn viết ra cái buồn cười của việc “lấy đức tin công bố.”

 

Tôi không mê tín đến mức đổ thừa cho Nguyễn Hòa Bình.

 

Đang lúc ngồi chờ đến lượt mình trong bệnh viện, ngồi đối diện tôi là một người đàn ông. Điện thoại ông ta reo. Qua nội dung ông ta nói chuyện điện thoại, tôi đoán ông ta là một thầy phong thủy. Bên kia đầu dây đang hỏi ông ta có nên mua nhà không. Ông ta hỏi bên kia về tuổi của chồng, sau đó bấm đốt ngón tay mấy cái. Hỏi tuổi của vợ, sau đó bấm đốt ngón tay mấy cái. Rồi ông nói, ngày hôm nay là ngày 18 âm lịch, xấu lắm, không nên mua nhà. Đợi ngày mai là 19 âm lịch hẳn mua, mà vợ chồng cô chỉ hợp hướng Tây hoặc Tây-Nam mà thôi.

 

Thấy đây là một ví dụ cho điều mình muốn viết, tôi sà tới ông, giả bộ hỏi xin địa chỉ để sau này nhờ ông coi phong thủy. Ông đưa danh thiếp: tên Cường, điện thoại 0938693159, chuyên coi và đào tạo phong thủy nhà đất, cưới xin, động thổ, xem tướng số…

Sở dĩ tôi phải nhắc đến ông, vì muốn có minh chứng người thật việc thật.

 

Các thầy phong thủy, và thầy bói, luôn chỉ cho bạn một vài trường hợp mà họ đúng để thuyết phục bạn. Còn hàng ngàn trường hợp mà họ sai, họ sẽ đổ thừa. Mà khi đổ thừa, họ có hàng ngàn lý do.

Những người theo chủ trương “lấy đức tin công bố sự chữa lành/thành công/giàu có…” cũng như thế. Họ chỉ cho bạn một vài trường hợp đúng như lời họ công bố để thuyết phục bạn, nhưng có hàng ngàn lời họ công bố trở thành viễn vông, thì họ làm lơ, hoặc đổ thừa cho Chúa, hoặc đổ thừa vì bạn thiếu đức tin…

 

Những người theo chủ trương “lấy đức tin công bố” thường hay trích một số lời hứa/phán của Chúa, mà bất chấp đối tượng và bối cảnh của lời hứa/phán đó. Chúa đã hứa/phán với dân Israel bước xuống biển đỏ thì biển rẽ ra. Tôi tự hỏi những người ngày nay “lấy đức tin công bố” có dám nhận lấy lời hứa/phán đó của Chúa mà bước xuống biển chăng. Chúa đã phán với Phi-e-rơ và ông bước ra khỏi thuyền đi trên mặt nước đến cùng Chúa. Tôi tự hỏi những người “lấy đức tin công bố” có dám công bố lời phán ấy mà bước ra khỏi thuyền để đi trên mặt biển chăng.

 

Các sứ đồ đã trực tiếp kinh nghiệm phép lạ của Chúa, sự chữa lành của Chúa, nhưng hãy xem cách họ giảng dạy. Họ không hề kích thích người nghe tìm kiếm phép lạ, tìm kiếm thành công (theo khái niệm thành công của đời này), hoặc tìm kiếm giàu có và chữa lành. Họ hết sức dạy dỗ người khác phải sống đẹp lòng Chúa, hy sinh, tha thứ, ban cho, giúp đỡ…để qua đó Danh Chúa được tỏ ra, nhiều người được cứu. Ấy chính là quyền phép của Tin Lành.

 

Quá nhiều diễn giả ngày nay chỉ giảng dạy về chữa lành, giàu có, và thành công theo ý niệm của đời này. Không thấy họ giảng dạy về sự hy sinh, phục vụ, tận hiến. Âu cũng là xác thịt khiến cho cách nhìn vào Chúa và nhìn vào Kinh Thánh bị méo mó vậy. Sự giảng dạy và giải kinh dường ấy mua vui đôi tai nhiều người, vì nó chạm đến điều mà thế gian này tìm kiếm: sự thỏa mãn cho bản thân. Và lúc ấy, Chúa trở thành một ông Bụt để đáp ứng những lời công bố của họ. Nếu hên (!) mà chuyện xảy ra đúng như lời công bố thì được công kênh là người được ơn. Nếu xui (!) mà chuyện không xảy ra, thì đổ lỗi cho Chúa, hoặc do đương sự thiếu đức tin.

 

Bạn ơi, hãy đặt một câu hỏi sẽ giải quyết vấn đề một cách rốt ráo:

 

Nếu bạn được chữa lành, hoặc một nhu cầu được đáp ứng, hoặc một nan đề được hóa giải thì, (1) đó là do Chúa thương xót, hay là (2) do hiệu quả của lời công bố của chính bạn hay của một ai đó được ơn (!?).

 

Nếu bạn chọn câu trả lời là (2), bạn thật đáng thương.

Nhiều người tưởng rằng mình có năng quyền, và đã trở thành mồi ngon cho ma quỷ.

 

Nếu bạn chọn câu trả lời là (1), vậy tại sao không nài xin, khẩn nguyện, ngữa trông sự thương xót của Chúa. Một hoạn nạn hôm nay cũng có thể là một phước hạnh đã được hóa trang, sẽ ích lợi sau này cho cả cuộc đời bạn. Tại sao bạn cứ phải khăng khăng muốn sự việc xảy ra theo ý mình?

 

Quay lại với những người theo chủ trương “lấy đức tin công bố.” Tại sao họ không áp dụng điều ấy cho bản thân họ hoặc gia đình họ. Khi bản thân hoặc gia đình họ bị bệnh thì họ muốn đến bệnh viện tốt nhất, bác sĩ tốt nhất, thuốc tốt nhất. Bên Mỹ, có nhiều nhà truyền giáo trên tivi (televangelist) mạnh mẽ công bố sự chữa lành cho người khác. Đến khi chính mình bệnh thì giấu tên mà đến bệnh viện.

 

Tôi không có ý định cải đạo (convert) những người đã nghiện quá nặng căn bệnh “lấy đức tin công bố.” Tôi chỉ viết để thấy cái phi lý của sự giảng dạy ấy.

 

Sáng nay mất 4 tiếng đồng hồ ở bệnh viện Bình Thạnh để lấy giấy chuyển viện sang bệnh viện nhiệt đới. Khi có giấy thì cũng đã cuối giờ làm việc sáng, đành về nhà viết vội mấy dòng này. Đầu giờ trưa sẽ vào bệnh viện nhiệt đới.

 

Nếu bạn thương tôi, hãy cầu nguyện cho tôi, và chúng ta cùng chờ xem sự thương xót của Chúa. Xin đừng công bố sự chữa lành.

Tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều trường hợp, sau khi được “công bố chữa lành” ít lâu, thì nhiều người bệnh tình càng nặng thêm, có người chết vì chính căn bệnh mà họ đã được “công bố sự chữa lành.”

Ủa, hóa ra tôi cũng mê tín sao? Ha.ha.ha

 

Thay cho lời kết, tôi chợt nhớ đến câu nói của thần học gia vĩ đại John Calvin: “Bạn sẽ thấy thần học lười biếng (suy nghĩ) ở nơi những người chưa bao giờ thực sự kinh nghiệm những giằng co trong lương tâm người ấy.”

 

————————————–

 

Lần nào vào bệnh viện tôi cũng đem theo sách để đọc trong thời gian chờ đợi.

 

Sáng nay, đọc lại cuốn “Giảng giải kinh” của tác giả Haddon Robinson, lại hít hà khen hay. Tôi đã dùng sách này để dạy môn “Giảng” trong mấy năm qua, nhưng khi đọc lại vẫn thấy những phát hiện mới thật bổ ích.

 

Sách này đã được Tạp chí Giảng (Preaching Magazine) bình chọn là 1 trong số 25 cuốn sách hay nhất về bộ môn Giảng trong vòng 25 năm gần đây.

 

Tác giả Haddon Robinson được giới chuyên ngành Giảng tại Mỹ xem là “grandfather of Preaching” (cha già bộ môn Giảng). Đã từng giảng dạy tại Viện thần học Dallas danh tiếng, nay ông dạy tại Viện thần học Gordon-Conwell cũng danh tiếng không kém. Để biết thêm về ông, bạn có thể tra google với chữ “Haddon Robinson”

 

Nếu bạn phải giảng Kinh Thánh, tôi nài xin bạn đọc cuốn sách này. Nếu không có bổ ích, tôi sẽ bồi thường cho bạn khoảng thời gian mà bạn đọc cuốn sách ấy.

Riêng tôi, có một trực giác là, có lẽ gần đây tôi biếng nhác đọc sách, nên dịp này vào bệnh viện sẽ có thời gian đọc nhiều hơn! Dẫu biết rằng lười biếng thì sẽ phải trả giá, nhưng giá này hơi cao! Hi.hi.hi.

 

LMĐ.

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn