Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / HAI ÔNG GIÀ

HAI ÔNG GIÀ

 ĐÔI BẠN GIÀ TRONG VIỆN DƯỠNG LÃO

                     LÝ-KHOA-VĂN                                                                                                                                                                                                   

EHWGGX Two old men sitting in a nursing home and solving a crossword puzzle
EHWGGX Two old men sitting in a nursing home and solving a crossword puzzle

Cuối cùng thì Ông cũng thỏa lòng từ giã cái nơi mà không ai muốn đến ở lâu dài, để đi về một nơi mà bình thường ít ai muốn về sớm hơn mức giới hạn của đời mình. Giờ phút mà Ông đã nhẹ gánh lên đường, các bạn đồng Viện- Dưỡng- Lão đến cạnh giường để vuốt một bên mắt còn hé mở của Ông. Kẻ thì thầm nói với Ông lời “ tạm biệt, hẹn tái ngộ”. Kẻ ngậm ngùi nhớ đến câu “nay người mai ta” mà không ngăn được dòng lệ chảy dài trên khóe mắt nhăn nheo!

Ngày Ông mới đến đây cũng cô- đơn, lặng- lẽ như lúc Ông ra đi. Vài năm trước, vào một buổi chiều mùa Thu ảm- đạm, những cơn gió heo may mỗi lúc càng thổi dồn- dập hơn, như muốn giật nốt những chiếc lá vàng cuối cùng đang cố bám vào các cành cây run- rẩy trụi gần hết lá. Một chiếc xe hơi màu đen bóng loáng chợt dừng lại trước sân Viện. Một thanh niên mở cửa xe bước xuống, dìu Ông vào văn phòng, rồi vội vàng lùi xe đi mất!

Thủ tục nhập Viện xong, người nhân- viên phụ- trách một tay xách hộ Ông cái ba- lô hành- lý cá- nhân, một tay vịn chừng Ông đang khập- khểnh chống gậy lê từng bước một. Trong ánh nắng nhạt- nhòa thoi- thóp của buổi hoàng- hôn trong sân Viện, trông Ông thật gầy yếu, cô- đơn, thiểu- não như một người lính già bại trận!

Ông được chỉ định nằm ở một cái giường nệm chiếc kê sát tường, gần khung cửa sổ. Một cái tủ nhỏ, một chiếc bàn con đặt ở đầu giường, một đôi dép cũ bạc màu còn in đậm dấu bàn chân của nhiều người chủ đã đi qua đời nó, được đặt ngay ngắn ở gậm giường: Đó là tất cả phúc- lợi cá- nhân mà một Viện- Dưỡng- Lão nghèo có thể dành cho mỗi Hội- Viên.

Sau cái gật đầu và nói vài lời cám ơn người hướng dẫn, Ông đặt cái ba- lô lên chiếc bàn nhỏ, rồi ngã mình lên giường, quay mặt  vào trong, kéo chiếc mền nhỏ phủ kín lên người, nằm im chẳng buồn chào hỏi ai cả. Đối với Ông, đây là đoạn cuối của một con voi già què- quặt, cô- đơn bệnh hoạn đang tìm về khu nghĩa- địa hoang- vu ở tận rừng sâu không ai biết đến, để âm thầm chờ ngày rủ nắm xương tàn!

Suốt mấy ngày liền Ông chẳng ăn gì cả, chỉ uống chút nước cầm hơi. Hình như Ông có điều gì buồn giận ghê gớm lắm chất chứa trong lòng. Vài người đồng cảnh ngộ muốn đến trò chuyện, hỏi han để an ủi Ông, nhưng Ông chỉ im lặng lánh xa họ, để cố giữ nguyên niềm đau khổ cho riêng mình. Các y-tá của Viện cũng chẳng thay đổi gì được tình trạng bức xúc của Ông!

 

2

 

Cuốí cùng, một Ông già tóc bạc phơ nằm ở giường gần Ông, ngồi xe lăn đến bên cạnh Ông nói lớn, chẳng cần biết Ông có chịu nghe hay không!…

 

– Này anh bạn, hãy nghe đây. Tôi đoán và hiểu rõ sự u uất của anh rồi. Nỗi buồn khổ của anh không rộng lớn, sâu đậm hơn tôi đâu. Tôi rất buồn lòng mà tâm- tình với anh rằng, trước đây tôi đã là người từng đứng đầu một tỉnh của miền Nam-Trung- Phần. Và đã từng trả giá nhiều năm trong lao tù cải- tạo khắc nghiệt để đưa được vợ con đến đất nước tự-do giàu có nầy, với hy vọng cùng chung hưởng sung sướng hạnh phúc trong những năm tháng cuối của cuộc đời mình. Nào ngờ sau cơn đột quỵ, tôi trở thành phế-nhân! Họ đã bàn tính đưa tôi vào đây để hằng ngày khỏi phải nhìn thấy một ông già tật nguyền khó tính ở trong căn nhà sang trọng của họ. Đó, anh hãy mở mắt ra mà nhìn vào sự thật phủ- phàng đánh dấu 10 năm trôi qua trong cuộc sống của tôi ở đây, là 10 tấm thiệp chúc mừng Giáng- sinh và Năm-mới của họ gởi cho tôi, mà tôi đã trân trọng dán ở đầu giường, để mỗi lần nhìn thấy những vật kỷ-niệm đó tôi yên chí rằng họ vẫn còn sống ở đâu đây. Vào mỗi cuối năm, một cánh thiệp thay cho người đến thăm tôi, với lý do không về được vì bận rộn công việc làm ăn. Nhưng tôi chẳng buồn phiền chút nào, và hằng đêm tôi vẫn thiết tha cầu xin Chúa đầy lòng nhân từ tha thứ cho họ. Vì dù sao họ vẫn là những người yêu thương ruột thịt của tôi. Bây giờ họ đang ở một tiểu-bang tận cùng xa xôi nào khác mà tôi chưa hề biết đến. Họ đã chối bỏ tôi, mắc cở vì tôi, không muốn cho ai biết họ đang có một người chồng, một người cha tật nguyền xấu xí! Nhưng lòng tôi vẫn nhẹ nhàng thanh thản. Vì Chúa đã dạy tôi phải biết tha-thứ, yêu-thương và chúc phước cho cả kẻ thù của mình nữa. Nay mai nếu có dịp tin nhận Chúa, tâm hồn anh bạn sẽ vui vẻ thoải mái như tôi thôi. Tôi tên là Tư. Các bạn ở đây thường gọi một cách thân mật là Ông Tư-Bạch-Kim vì mái tóc trắng bóng một màu của tôi. Còn anh, xin tạm gọi là Ông Năm-Muối-Tiêu, theo như màu tóc hai mùa mưa nắng của anh. Anh có đồng ý hay không, thì vẫn cứ gọi như vậy thôi!

 

Tuy đang buồn chán tưởng chừng như muốn chết được, nhưng Ông Năm-Muối-Tiêu vẫn bị lôi cuốn bởi câu chuyện riêng tư có tính cách ly-kỳ, bi-hài của Ông Tư-Bạch-Kim. Ông mở to đôi mắt, ngạc nhiên nhìn chằm chặp vào ông già có mái đầu bạc phơ, nhưng đôi mắt thật trẻ trung, hiền từ vui vẻ đang ngồi trên một chiếc xe lăn ở trước mặt Ông. Thật không ngờ trong một hoàn cảnh phủ phàng, đắng cay, đau khổ tận cùng, lại có người bình thản, bao dung đến như vậy. Ông cảm thấy ngượng ngùng, cố gắng chống một tay còn cử động được, ngồi tựa vào tường, đối diện với ông già xa lạ. Ông ôn tồn nói :

– Cảm ơn ông đã cho tôi một gương chiến-đấu rất can đảm để tự thắng “cái tôi” mềm yếu của mình và để dễ dàng chấp nhận nghịch cảnh cùng số phận không thể vượt qua được, mà mình vẫn không hề oán than, cầu khẩn! Tôi sẽ học hỏi ở Ông, chắc Ông có bí quyết đặc biệt nào đó?

– Thật ra chẳng có bí quyết nào cả. Ngày mới vào đây, tôi cũng buồn chán, tuyệt vọng, hận đời hơn anh nhiều. Lúc nào tôi cũng muốn đập phá một cái gì đó trong tầm tay để nguôi cơn giận. Nhưng từ khi có phái đoàn gồm vị Mục- sư và vài người trong Hội-Thánh Tin-Lành địa phương đến đây để thăm viếng, ủy lạo tặng quà và làm chứng về Chúa cho mọi người, tôi cùng một số người đồng cảnh ngộ bất hạnh cúi đầu tin nhận Chúa. Từ đó Chúa thay đổi cuộc đời của tôi. Từ một kẻ nóng-nảy, cộc-cằn, cô-đơn mặc cảm thành một người như tôi của ngày hôm nay mà anh đã biết. Nếu anh muốn có một Đấng biến- đổi, chia sẻ, an ủi và cứu vớt linh-hồn của mình khỏi đi vào địa-ngục, thì trong một dịp nào đó, tôi mời anh theo xe của Hội-Thánh đến Nhà Thờ để nghe giảng, thờ phượng và cầu nguyện tin nhận Chúa.

 

3

 

Ngay sau đó Ông Năm-Muối-Tiêu trở lại vui vẻ, ăn uống bình thường. Hai người giống như một đôi bạn tri-kỷ, thân quen từ thuở nào. Hằng ngày người ta thấy hai ông bạn già kề cận bên nhau như hình với bóng. Họ tốt bụng, thân thiện chia sẻ buồn vui với mọi người. Người ta cũng thường nghe hai ông già thì thầm kể cho nhau nghe về một thời vàng son của mình. Thuở trai trẻ đó, trên cổ áo trận của hai ông lúc nào cũng lấp lánh mấy bông mai lẫy-lừng chiến-tích. Và là đối tượng bị săn đuổi gắt gao của các cô nữ- sinh áo trắng mộng mơ. Cuối cùng thì họ cũng dừng bước lãng du bên cạnh một bông-hoa biết nói được lựa chọn rất kỷ!

Một buổi sáng Chúa-Nhật, sau khi giảng thờ phượng xong, Mục-sư Quản-nhiệm Hội-thánh mời quý thân hữu, ai được Chúa cảm động, xin tiến lên phía trước để Mục-sư đặt tay cầu nguyện. Người ta xúc động đến rơi nước mắt khi thấy hai ông già tật nguyền nương nhau từng bước khó khăn để được đến ra mắt Chúa. Ông Tư-Bạch-Kim hướng dẫn cho Ông Năm-Muối-Tiêu. Ông Năm không thể quỳ gối được nên một tay ông chống gậy, một tay yếu ớt vịn vào thành xe lăn của ông Tư để khom mình cúi đầu xuống, xin Thánh- Linh của Chúa ngự vào lòng. Những tuần sau đó, nhiều người trong Viện-Dưỡng-Lão cũng đến để tin nhận Chúa. Họ lập nhóm cầu nguyện do ông Tư làm trưởng nhóm. Đêm đêm họ nhóm họp chia sẻ, hát Thánh-ca thật vui vẻ phước hạnh.

Có lần ông Tư tò mò hỏi ông Năm về chuyện người thanh niên trong ngày đầu đưa ông đến Viện. Ông Năm thản nhiên nói:

– Con tôi đó. Nó là thằng con trai mà tôi vô cùng yêu mến. Thuở còn niên thiếu, nó luôn kề cận bên tôi như hình với bóng, kể cả trong giờ ăn giấc ngủ. Thời gian gần đây bỗng nhiên nó lánh xa tôi, xem tôi như một người khách trọ qua đường. Do đó, tôi biết chắc tôi sẽ mãi mãi là người đứng bên lề cuộc sống đầy bận rộn của vợ và các con tôi. Tuy vậy, tôi chẳng còn chút bận tâm hay buồn giận nào cả. Đối với tôi, bây giờ chỉ tràn ngập tình yêu thương tha thứ mà thôi. Tôi cũng chẳng muốn liên lạc với họ, bởi vì tôi muốn họ trọn vẹn có được nếp sống bình an thoải mái, lòng không vướng bận chút nào về chuyện cũ  đã qua.

– Tốt lắm, Chúa đã gõ cửa cõi lòng từ lâu khép kín, và đang vá lại trái tim rạn nứt của anh rồi đó.

Hai ông cũng đồng ý với nhau rằng họ là người kém may mắn nhất trong phần lớn những người bất-toại về thể-chất, nhưng lại được bù đắp bởi người thân yêu hết lòng chăm sóc, an ủi, vui vẻ hy sinh chịu đựng suốt cả trong thời gian 5 năm…10 năm…30 năm… cho đến giờ phút cuối của cuộc đời. Biết bao là ân tình sâu nặng. Nhìn chung thì mỗi người được sinh ra đều nhận lãnh một duyên may hay số phận. Đó chỉ là những hoạt cảnh chắp nối ngắn ngủi, phù du của cõi tạm mà thôi. Điều quan trọng là sau khi nhắm mắt xuôi tay, linh hồn có được Chúa cứu về cõi vinh- hiển đời đời hay không!

Mấy đêm rồi, ông Năm không ngủ được. Ông cảm nhận có điều gì đó không ổn đang từ từ xẩy đến với ông. Hình như các bộ phận trong cơ thể ông bắt đầu rệu-rạo và không hoạt động theo một quy trình nhất định. Ông thấy rõ sức sống yếu ớt còn sót lại trong buổi hoàng hôn của đời Ông đang mỗi lúc một bốc hơi bay đi. Ông biết chắc không còn bao lâu nữa Ông sẽ ra đi. Bởi vậy Ông luôn cố gắng ngồi tựa vào tường trong những đêm thanh vắng yên tĩnh, trong khi mọi người đang ngon giấc, để một mình cầu nguyện, đối diện với Thánh-Linh của Chúa. Ông nài xin Chúa tha tội và làm mềm yếu tâm-hồn chai sạn của vợ con Ông.

 

4

 

          Một buổi tối cuối năm trời lạnh lắm. Một đám mây màu trắng đục đang chở trên mình vành trăng khuyết thượng tuần về muộn, trôi chầm chậm ngang qua khung cửa kính phòng ông Năm, làm rõ thêm hình ảnh một cây thông già cao tuổi còn đọng một màu tuyết trắng xóa trên ngọn cao, đứng bơ vơ tự bao giờ trước cổng môt ngôi biệt thự sang trọng lúc nào cũng kín cổng cao tường. Ông bổng thấy lòng mình trống vắng, cô đơn một cách lạ lùng. Ông lần mò chống gậy bước ra sân, thẩn thờ tìm kiếm điều gì mà Ông cũng không nhớ nữa. Hình như Ông muốn tìm lại những dấu chân chệnh-choạng hồi cha con Ông mới đưa nhau vào Viện. Thời gian qua nhanh quá! Mới đó mà đã mấy năm trôi qua trong nổi buồn thương nhớ của Ông. Vầng Trăng-khuyết vừa khuất sau một hàng cây cao, Ông cảm thấy mệt mỏi và chóng mặt. Vội lò dò đến ngồi nghỉ trên chiếc ghế đá dài đặt dưới gốc một cây táo đỏ vừa mới rụng hết lá. Nhưng… Ông ngồi hụt xuống đất! Cả thân mình ốm yếu xương xẩu bị va chạm mạnh vào thành ghế. Ông đau đớn ngất đi trong chốc lát. Lúc tỉnh dậy, Ông quờ quạng tìm cây gậy, rồi cố gắng hết sức lê từng bước một vào giường của mình. Ông run rẩy kéo chiếc mền phủ kín người, rồi nằm yên bất động…

Sáng hôm sau, khi quá giờ ăn điểm tâm đã khá lâu mà vẫn chưa thấy Ông Năm thức dậy. Người ta đến dỡ mền Ông ra, thì mới hay Ông đã chết tự bao giờ, một bên mắt vẫn còn hé mở, như còn tiếc nuối Ông bạn già tri-kỷ của mình!… Vài phút sau, một người đại-diện của Viện-Dưỡng-Lão đến đứng giữa phòng đọc tờ di-chúc có công-chứng mà Ông đã lập sau ngày Ông cúi đầu tin nhận Chúa. Di-chúc có hiệu lực ngay sau khi Ông trút hơi thở cuối cùng ở Viện. Tờ di-chúc ghi rõ Ông ủy quyền cho Ban Điều Hành của Viện được quyền xử dụng tất cả số tiền trong Trương-mục Tiết-kiệm của Ông gởi ở Ngân-hàng để thanh toán mọi phí tổn mai táng. Số tiền còn lại được xung vào công-quỹ của Viện, để góp phần nâng cao tiện nghi trong sinh hoạt hằng ngày của các Hội-viên. Nguyện vọng của Ông là muốn được chôn cất đơn giản ở mức độ tối đa. Xin miễn thông báo thân nhân và gia đình. Xin miễn đăng cáo phó.

 

5

 

Một buổi chiều buồn tênh lạnh giá của mùa Đông xứ Mỹ, trong lúc Ông Mục-sư cùng một số ít người tiễn chân Ông Năm đang chuẩn bị gởi cho Ông vài nắm đất cuối cùng, để biểu lộ đơn sơ tình cảm yêu thương mến tiếc của mình. Ông Tư-Bạch-Kim bỗng lăn bánh xe đến cạnh quan tài Ông Năm-Muối-Tiêu. Ông buồn rầu nói nhỏ vài điều tâm sự chỉ vừa đủ cho hai người nghe, rồi Ông lớn tiếng đọc tặng Ông Năm bài thơ khóc bạn như sau:                                                                                                            

 

Bạn hiền ơi, tiễn biệt rồi

Thế là cũng hết một đời sao anh?

Nhớ xưa chinh chiến tung hoành

Công lao hiển hách, tuổi xanh rạng ngời

Giờ đây đất khách, quê người

                                                                               Cô đơn đeo đuổi, cuối đời quạnh hiu.

Ngủ đi anh, sạch mọi điều

Về trong nước CHÚA muôn chiều thỏa vui

Trần gian ngắn ngủi phù du

Thiên đàng mới thật thiên thu đợi chờ.

Tiển anh tặng mấy vần thơ

Hành trang chẳng có, ngâm thơ lên đường

Nhẹ theo cánh gió ngàn phương

Trần gian mãn hạn, Thiên đường ghi danh.

Kể từ hôm sớm có anh

Cành khô sân Viện: lá xanh đơm chồi

Trăm năm chỉ một lần thôi:

Tử, sanh là chuyện nay người mai ta

Chỉ cần được Chúa thứ tha

Linh hồn thoát khỏi “kiếp-ma luân-hồi”.

Giờ anh vui ở trên trời,

Tôi buồn ở lại, đơn côi một mình!

 

Đọc đến đây, Ông Tư nghẹn ngào xúc động, gục đầu trên thành xe lăn, hai dòng lệ cứ tuôn dài không ngớt. Đây là lần thứ hai Ông khóc, sau lần Ông xách gói vào trại tù cải tạo để bỏ lại tất cả sau lưng cái giờ phút kinh hoàng đen tối, uất ức tủi nhục, cùng những vinh-quang ngắn ngủi của một thời vang-bóng…

Tuy màu nắng hoàng hôn chỉ còn nhợt nhạt, mờ tối trong cảnh biệt ly buồn phiền tê tái, nhưng ở tận trên cao, nơi ngoại từng không gian mênh mông vô hạn, lại rực- rỡ ánh sáng mầu-nhiệm của muôn vàn giải ngân-hà tinh- tú. Và trên con đường thiên-lý diệu vợi trở về nhà Cha, có lẽ Ông Năm không khỏi mỉm cười nhận ra chất giọng khàn khàn, tha thiết, thân quen của Ông bạn già đang ngồi xe lăn, đọc bài thơ TIỄN BẠN văng vẳng theo Ông đi vào Cõi-Vĩnh-Hằng. Nơi mà thời gian không còn bao lâu nữa, hai người chắc chắn sẽ được gặp lại nhau.

 

LÝ-KHOA-VĂN

HTTL Hy vọng, Portland

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn