Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / Tổng hợp / TÌNH CHÚA YÊU TÔI

TÌNH CHÚA YÊU TÔI

TÌNH CHÚA YÊU TÔI

285381_223295504379400_6566367_n

Mục sư LESLY JOSEPH

Chính tình yêu Chúa đã tìm ra tôi. Tình yêu Chúa đã cứu tôi. Tình yêu Chúa đã giữ gìn tôi…

Tôi vô cùng yêu thích những câu chuyện Kinh Thánh trong Lu-ca 15. Từ câu 1 cho đến câu 32 tất cả đều nói lên tình yêu sâu thẳm của Chúa. Từ trong những câu này tôi nhìn thấy ba tình trạng lạc mất mà Chúa đã mở mắt cho tôi thấy. Tôi là một trong ba tình trạng đó. Tôi chính là một trong số họ.

Hãy để những câu chuyện tự chứng tỏ cho bạn thấy tình yêu cao quý của Chúa là dành cho chính bạn.

NGƯỜI ĐI LẠC, BIẾT MÌNH ĐI LẠC NHƯNG KHÔNG BIẾT ĐƯỜNG VỀ

Nguyên tắc đầu tiên để đi tìm người hư mất là sự thương xót.

Những kẻ thâu thuế và người tội lỗi đang tụ tập xung quanh Chúa Jesus. Những người hư mất này không chạy trốn khỏi Chúa nhưng tụ tập quanh Ngài. Họ không tránh né Ngài, không dửng dưng quay mặt khỏi Ngài, họ cũng không bày tỏ sự thiếu thiện cảm với Ngài.

Câu 1 nói rằng họ tụ tập xung quanh để nghe Ngài. Tại sao những người tội lỗi này lại tự nguyện đến và tha thiết muốn nghe Ngài? Rõ ràng không phải vì Chúa Jesus đã giảng một sứ điệp dễ nghe. Cũng không phải vì Chúa Jesus đã thỏa hiệp với tội lỗi và bảo rằng mọi sự họ làm đều chấp nhận được. Họ không tụ tập xung quanh Chúa Jesus bởi vì Ngài đã làm những hành động ấn tượng gây xúc động mạnh. Ngay lúc đó Lu-ca đang tường thuật về sự dạy dỗ của Chúa Jesus, chứ không nói về phép lạ.

Tại sao những người lạc mất này lại chạy đến với Ngài thay vì chạy trốn Ngài? Tôi tin rằng câu trả lời là sự thương xót của Ngài. Chúa Jesus yêu họ và bày tỏ tình yêu đó với sự thương xót thay vì kết án những hành động của họ. Câu 2 nói rằng Chúa Jesus hoan nghênh tội nhân và ăn uống với họ. Chữ hoan nghênh bằng tiếng Hy-lạp trong câu này có nghĩa là tiếp nhận như một người bạn.

Đây là hành động Chúa Jesus tiếp nhận những người lạc mất trong tội lỗi. Chúa Jesus đã tiếp họ như những người bạn và chấp nhận họ mặc dù họ tội lỗi. Ngài là một người bạn, không phải là kẻ thù địch. Thái độ của Chúa Jesus khiến họ được thu hút. Cá nhân chúng ta hoặc là Hội Thánh chúng ta, đã có thái độ gì bày tỏ tình yêu và sự chấp nhận những người đang lạc mất?

Nguyên tắc chính để đi ra tìm kiếm người lạc mất là lòng thương xót.

Khi tôi còn là một quân nhân trong trường USMC, tôi chứng kiến một tai nạn xe cộ có nhiều quân nhân dính líu vào. Một vài người bị thương nặng. Tại hiện trường lúc đó có ba nhóm người có ba thái độ khác nhau về những người bị tai nạn.

Nhóm thứ nhất là những người ngoại cuộc, đứng xem. Họ tò mò xem việc gì xảy ra và bàn tán xôn xao nhưng không có một hành động giúp đỡ nào.

Nhóm thứ hai là những cảnh sát, nhiệm vụ của họ là điều tra xem tai nạn đã xảy ra như thế nào, lỗi thuộc về ai, đưa ra những tờ giấy biên bản cảnh cáo hoặc trừng phạt.

Nhóm thứ ba là những người cứu cấp. Họ là những người luôn được hoan nghênh trong các tai nạn. Họ chẳng màng ai là người gây ra tai nạn, cũng chẳng bàn tán, phê phán thói quen lái xe ẩu, cũng không ký giấy phạt hay cảnh cáo. Họ giúp những kẻ bị thương. Họ băng bó vết thương, dọn dẹp hành lý đồ đạc, nói những lời an ủi.

Ba nhóm: một không làm gì cả, một phê phán, đưa ra những đề nghị trừng phạt, một giúp kẻ bị thương. Bạn ở nhóm nào?

Khi đi ra tìm những người đang bị lạc mất, chúng ta cũng sẽ là một trong ba nhóm người như vậy. Chúng ta chẳng giúp đỡ gì, để mặc họ làm gì thì làm. Hoặc chúng ta sẽ lên án những hành động sai lầm của họ, nói những lời chẳng hạn như là tại anh thôi, anh làm sai nên phải chịu hậu quả như vậy.

Bạn là người đi nhà thờ hàng tuần và hành động giống như một người bàng quan, đứng xem. Hay bạn tập trung giúp đỡ người bị lạc mất và bị thương. Tôi hy vọng chúng ta sẽ ở trong nhóm người thứ ba bày tỏ lòng thương xót bằng cách tìm cách để giúp đỡ.

Nhiều Cơ đốc nhân ứng xử với người lạc mất giống như một viên cảnh sát thay vì một người giúp đỡ. Đây chính là những người Pha-ri-si và các thầy dạy luật. Họ cảm thấy thích thú lên án tội nhân hơn là bày tỏ lòng thương xót.

Hành động tương tự này thỉnh thoảng nhìn thấy trong các Hội Thánh bảo thủ hiện đại, mà chúng ta là một phần. Chúng ta thật lòng thất vọng và lên án về các giá trị đạo đức, phá thai và những thú vui giải trí bại hoại trong xã hội hôm nay.

Việc đó thật không có gì sai, nhưng hãy cẩn thận về việc quá quan tâm đến các vấn đề mà quên rằng sự quan tâm ấy không giúp ích gì trong việc tìm và cứu kẻ bị mất. Người lạc mất không được giải cứu qua việc chúng ta hăng hái lên án tội lỗi, nhưng bày tỏ sự thương xót đối với họ và giải quyết giúp các nan đề của họ.

Nguyên tắc đầu tiên phải có trong việc đi tìm người lạc mất là sự thương xót.

Có một vài bài học khác trong hai ví dụ tiếp theo. Chúng ta sẽ tìm thấy hai nguyên tắc quan trọng khác trong việc đi tìm và cứu người lạc mất.

NGƯỜI ĐI LẠC KHÔNG BIẾT MÌNH ĐI LẠC

Điều cần thiết thứ hai trong việc tìm kiếm người lạc mất là sự cố gắng. Nhiều năm về trước, khi con gái chúng tôi Evangeline còn nhỏ, một sự cố đáng sợ đã xảy ra trong gia đình. Một buổi sáng nọ khi thức giấc, tôi và Sabrina vợ tôi không nhìn thấy Evangeline trong giường ngủ của nó.

Ban đầu chúng tôi không cảm thấy gì vì nghĩ rằng nó thức dậy lúc nửa đêm và nhảy vào một cái giường khác. Nhưng ngay sau đó chúng tôi nhận ra nó không đang ngủ trên một chiếc giường nào cả và chúng tôi thật sự hoảng hốt. Tim chúng tôi đập loạn lên và chúng tôi réo gọi tên Evangeline vang khắp nhà, nhưng không có tiếng trả lời.

Chúng tôi đã tìm đủ mọi cách để tìm kiếm nó, chúng tôi yêu nó, con gái chúng tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng “ồ mình lạc một đứa nhưng mình còn hai đứa khác” Không. Con là con. Một đứa con là quan trọng. Nó quan trọng đủ để chúng tôi tìm đủ mọi cách để tìm ra nó. Khoảnh khắc thất lạc của đứa trẻ lúc đó dường như là dài nhất trong cuộc đời chúng tôi. Nó chỉ chấm dứt vài phút sau đó khi chúng tôi tìm ra con bé đang ngủ say trong cái mền che kín người nó.

Đây là điểm mấu chốt: việc tìm kiếm Evangeline cũng giống như việc tìm kiếm một người bị lạc mất, phải hết sức cố gắng. Trong hai ví dụ sau Chúa Jesus đã nhấn mạnh việc cố gắng tìm kiếm người bị lạc mất. Thứ nhất là ví dụ về con chiên bị lạc. Chúa Jesus nói với người chăn “Trong các ngươi ai là người có một trăm con chiên, nếu mất một con, mà không để chín mươi chín con nơi đồng vắng, đặng đi tìm con đã mất cho kỳ được sao?” Trong câu chuyện lạc mất đồng bạc, người đàn bà đã thắp đèn, quét nhà để tìm cho bằng được.

Trong cả hai trường hợp, chiên và đồng bạc bị mất đã được tìm thấy sau khi đã được hết lòng hết sức tìm kiếm. Người chăn không chờ con chiên đi lạc tự trở về hay người đàn bà không chờ cho đồng bạc tự xuất hiện trở lại. Đôi khi Cơ đốc nhân và các Hội Thánh đã làm ngược lại điều đó.

Chúng ta đôi khi chờ người lạc mất trở lại với mình. Chúng ta ngồi đó chờ đợi hơn là bắt đầu làm việc. Chúng ta chờ tội nhân đến với Chúa thay vì hết sức cố gắng tìm và đem họ trở lại với Ngài. Nếu tôi làm như vậy tôi đã phạm tội cùng Chúa, vì tôi nói rằng tôi muốn người ta được cứu nhưng tôi không muốn đi ra hết lòng hết sức cứu người. Nếu chúng ta bắt chước Chúa Jesus, sự việc sẽ khác đi.

Nguyên tắc thứ hai trong công tác cứu người là hết sức cố gắng, cố gắng cho bằng được.

Chúng ta thực hành nguyên tắc căn bản này như thế nào? Tôi và bạn cần làm gì một cách thứ tự trong việc làm theo những chỉ dẫn của Chúa Jesus về việc hết sức cố gắng tìm cứu người lạc mất?

Có một vài điều chúng ta cần làm cho họ. Thứ nhất, hãy cầu nguyện tha thiết cho họ. Thứ hai, hãy hết sức tìm cách đến với họ, trực tiếp đến, chính mình đến, không chờ ai, điều này cần làm như là một phần quan trọng trong công tác cứu người của chúng ta. Điều này cũng có nghĩa là sau khi giảng Tin lành cho họ, hãy đào tạo họ trở nên những môn đồ. Không có lý do nào để biện minh cho việc không đi ra tìm kiếm người bị lạc mất. Thứ ba chúng ta phải tự nguyện, mong muốn làm việc đó và coi như là một phần quan trọng trong việc chứng đạo cá nhân và chương trình chứng đạo của Hội Thánh.

Tại Hội Thánh chúng tôi, trong mười một năm qua, hơn phân nửa ngân sách Hội Thánh đã chi dùng cho việc truyền giáo. Chúng tôi làm điều này vì vâng phục nguyên tắc cứu người mà Chúa Jesus đã chia xẻ. Trong khi việc đóng góp của Hội Thánh là một yếu tố quan trọng dẫn đến việc tìm cứu người lạc mất thì việc quan trọng tôi và bạn cần làm là hãy hết sức cố gắng để nói về Chúa Jesus ho những người mà chúng ta có thể gặp và nói được.

Vì vậy tôi muốn chia xẻ hai nguyên tắc cần thiết trong việc tìm cứu người bị lạc mất:

1.Nguyên tắc thứ nhất là lòng thương xót.

2.Nguyên tắc thứ hai là hết sức cố gắng

Và chúng ta cũng có một nguyên tắc thứ ba mà Chúa đã nhấn mạnh trong các ví dụ này.

NGƯỜI ĐI LẠC, BIẾT MÌNH LẠC NHƯNG XẤU HỔ KHÔNG DÁM TRỞ VỀ

Điều cần thiết thứ ba để đi tìm người bị lạc mất là sự kiên trì. Trong cả hai trường hợp trên Chúa Jesus nhấn mạnh rằng người đi tìm vẫn tiếp tục tìm cho đến khi vật thất lạc được tìm thấy. Như chúng ta có thể thấy, những con chiên đang lang thang trên khắp vùng đồi núi rộng lớn và những đồng bạc bị rơi lẫn trên nền đất dơ bẩn trong những căn nhà chật hẹp tối tăm không phải là dễ dàng tìm được một cách nhanh chóng.

Việc tìm kiếm người hư mất cũng giống như vậy. Không dễ dàng để họ có thể tiếp nhận Chúa Jesus cách nhanh chóng. Chúng ta sẽ có thể không thành công ngay trong lần tìm kiếm đầu tiên. Đôi khi phải mất hàng năm, nhưng chúng ta sẽ không bỏ cuộc.

Nếu một con chiên và một đồng bạc bị lạc mất là giá trị để người ta kiên nhẫn tìm kiếm, thì linh hồn con người lại càng giá trị hơn để chúng ta càng kiên trì hơn.

Sau một buổi trình diễn ngoạn mục ở Carnegie Hall, New York, danh thủ đại hồ cầm Yo Yo Ma trở về nhà, nghỉ ngơi, để chuẩn bị bắt đầu một ngày bận rộn khác. Ông ta gọi một chiếc taxi chở về hotel ở một vùng gần khu Manhattan, để chiếc đàn cello làm bằng tay ở Vienna năm 1733 trị giá $2.5 million vào sau cốp xe. Khi đến nơi, ông ta trả tiền cho người tài xế và quên cây đàn vẫn còn trong xe.

Khi chiếc taxi đã chạy khỏi, Ma mới khám phá ra việc mình đã bỏ quên cây đàn. Ông ta tuyệt vọng tìm kiếm cây đàn giá trị đã bị thất lạc. May mắn là ông ta có biên nhận và số căn cước của người tài xế. Sau suốt một ngày tìm kiếm ông ta đã tìm ra chiếc taxi đang đậu trong garage ở Queens và cây đàn vô giá vẫn còn nằm trong cốp xe. Khi nói chuyện với các phóng viên, Ma đã không thể che dấu nổi niềm vui tràn ngập trong lòng. (Greg Asimakoupoulos, Chicago Tribute, 10-17-99)

Đây là điểm chính: Yo Yo Ma đã không bỏ cuộc trong sự tìm kiếm nhưng hết sức kiên trì bởi vì vật mà ông ta đã đánh mất vô cùng giá trị đối với ông ta. Linh hồn con người còn giá trị hơn một đồ vật để chúng ta có thể dễ dàng bỏ cuộc, mặc dù sự tìm kiếm có thể là vô cùng vất vả.

Nguyên tắc thứ ba của việc tìm kiếm người lạc mất chính là sự kiên trì.

Như một người đã trải qua nhiều chặng thời gian của cuộc sống từ khi còn là một đứa trẻ cho đến bây giờ, tôi luôn luôn tin rằng Cha Thiên Thượng quá yêu tôi đến nỗi Ngài đã không chỉ mang tôi đến thế gian này, không chỉ đưa tôi trở lại cuộc sống mà kẻ thù nghịch đã chiếm hữu, mà còn gìn giữ đời sống thanh xuân của tôi khỏi những cám dỗ, giữ tôi không để tôi sa vào sự nghiện ngập ma túy và vào tù, hướng dẫn tôi đến với USMC để được huấn luyện và trở nên một môn đồ cho Ngài, và cuối cùng sai tôi đến với thế gian lạc mất.

Tôi là một sản phẩm tinh khiết của tình yêu Chúa. Một sản phẩm của ân điển và lòng thương xót, và là một tiếng nói trong thế hệ của tôi, kêu gọi những người nam và những người nữ của Chúa đến với Cha yêu dấu của chúng ta. Chúng ta cần đi ra để cứu người. Những nhà lãnh đạo tôn giáo hôm nay đã tỏ vẻ lãnh đạm hoặc ngay cả chống lại việc đi ra tìm kiếm người lạc mất về cho Chúa.

Chúa Jesus dùng hai ví dụ để minh họa và đưa ra một so sánh về cách người ta đáp ứng giữa những vật ít giá trị và những vật giá trị hơn. Hãy xem người ta đã vui mừng khi tìm ra một con chiên lạc và một đồng bạc bị mất như thế nào, để thấy rằng linh hồn con người bị thất lạc thì lại càng có giá trị biết bao.

Chúa Jesus ngay sau đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Ngài về những người lạc mất. Họ có ý nghĩa rất nhiều với Chúa, khi đã bị thất lạc mà còn tìm lại được, cho dù chỉ có một linh hồn, mà thiên đàng đã mở tiệc ăn mừng. Một linh hồn đến với Chúa Jesus còn giá trị hơn là chín mươi chín linh hồn đang ở trong sự bảo vệ của Chúa. Những con chiên trong chuồng đã an toàn rồi, nhưng con chiên đi lạc đang bất an khốn khổ mới thật đáng để chúng ta tìm kiếm và đem về.

Nếu linh hồn người lạc mất có ý nghĩa lớn lao dường ấy đối với Chúa, thì nó có ý nghĩa gì với chúng ta. Chúng ta có nên tự nguyện và sẵn sàng ra đi tìm kiếm không? Câu trả lời của tôi là “có” và tôi hy vọng câu trả lời của bạn cũng giống tôi.

Mục sư LỮ THÀNH KIẾN   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn