HỌC ĐÒI ĐỨC TIN HỌ
Viện Thần Học Dallas (Dallas Theological Seminary – DTS) là một trường Kinh Thánh danh giá hàng đầu nước Mỹ. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều mục sư và học giả hiểu biết Kinh Thánh cách sâu nhiệm và được ơn Chúa trong chức vụ. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2013, DTS đã mất ba giáo sư thượng thặng.
Steve Strauss (1955 – 2013)
Giáo sư Steve Strauss đã về nước Chúa lúc 2 giờ sáng ngày 11/6/2013. Chứng ung thư tuến tụy đã khiến DTS mất đi một học giả đang ở độ tuổi chín mùi, khiến quốc gia Ethiopia mất một giáo sĩ từ phương xa nặng lòng với những người dân đen đúa và đất nước đầy những bom rơi đạn lạc do nội chiến dai dẳng. Tiến sĩ Steve đã dày công xây dựng việc đào tạo thần học tại đất nước châu Phi này và đã kiên trì bám trụ nơi ấy trong những ngày quân nổi dậy tràn lan khắp nơi, khi mà người ta có thể nghe mùi thuốc súng do gió đưa vào tận trong phòng ngủ, và dễ dàng mất mạng vì những tràng súng vung vãi bừa bãi ngoài đường phố. Có lẽ ít ai đủ từng trãi để nói thay cho Steve Strauss, “Hãy sẵn sàng cầu nguyện bất cứ lúc nào, rao giảng bất cứ lúc nào, và chết bất cứ lúc nào.”
Trung tuần tháng 6/2013, tôi đi dạy trong một chương trình của Viện Thần Học Tin Lành Việt Nam (Union University of California). Một học viên thắc mắc với tôi, em biết là mục sư đang bệnh ung thư máu, mà sao em thấy mục sư vẫn đứng lớp giảng dạy có phần khỏe hơn người bình thường. Tôi cười cười trích lời của giáo sư Steve và nói thêm, nếu phải chết tôi muốn chết như một người chiến sĩ chứ không phải như một bệnh nhân.
Sau gần 20 năm hầu việc Chúa tại Phi Châu và Ấn Độ, tiến sĩ Steve Strauss quay về Dallas, nơi ông đã lớn lên, và giảng dạy tại DTS. Ông nhanh chóng được trao phó chức danh giáo sư trưởng khoa Truyền giáo toàn cầu và Nghiên cứu liên văn hóa. Khi biết người đồng lao đã về với Cha Yêu Thương, giáo sư Mark Bailey, đương kim viện trưởng của DTS, bùi ngùi thốt lên, “Thật khó cho chúng tôi tìm một người khác thay thế cho anh ấy.”
Giáo sư Steve Strauss thường hay dặn dò sinh viên phải tìm hiểu vấn đề phía sau của vấn đề. Đừng tự hài lòng với kiến thức hời hợt. Phải đào xới thế giới, và đào xới Lời Chúa. Tôi đã học hỏi và chiêm nghiệm rất nhiều từ triết lý này trong thực tế chức vụ của mình.
Đối với sinh viên tại DTS, giáo sư Steve Strauss không chỉ là tấm gương trong chức vụ và học thuật. Ông và vợ, Marcia, là tấm gương sống động cho đời sống hôn nhân. Ông bà thường hay tay-trong-tay đến thăm khu nhà ở của các sinh viên. Vợ ông chính là người đồng công gần gũi nhất. Người ta dễ dàng bắt gặp vợ chồng nhà Steve cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau thờ phượng, và cùng nhau “sống cho Chúa.”
David Knudsen, cựu sinh viên tốt nghiệp năm 2012, làm chứng rằng, anh đã nhiều lần đặt câu hỏi khó, chơi khăm giáo sư Steve. Nhưng chính anh cũng phải thừa nhận rằng giáo sư Steve có biệt tài đãi vàng từ rác rưởi. Ông luôn dùng Lời Chúa để động viên, thách thức, an ủi sinh viên như một người chăn ân cần lo lắng cho bầy.
Giáo sư Steve Strauss đã được DTS trao giải Xuất sắc trong giảng dạy năm 2012. Không xuất sắc sao được khi ông giảng dạy bằng cả sự kết hợp của tấm lòng tận tụy với Chúa, khắt khe trong học thuật và từng trải sống động trong chức vụ. Không xuất sắc sao được khi ông giảng dạy bằng cả tâm tình đầu tư cho sinh viên. Ông ý thức sâu sắc rằng giảng dạy là quá trình truyền cảm hứng. Không xuất sắc sao được khi ông chuẩn bị cho giờ lên lớp bằng sự cần mẫn của một nông dân, sự tỉ mỉ của một nhà điêu khắc, và lòng yêu thương sinh viên như cha yêu con. Khi viết đến dòng này, tôi nhớ lại chính mình cũng còn đang mang trong người những tế bào ung thư máu. Nhưng tấm gương Steve Strauss là nguồn khích lệ lớn đối với tôi. Lời của ông còn văng vẳng trong tâm thức tôi, “Khi đứng trước lớp, bạn có hai lựa chọn: hoặc bạn dẫn học viên đi hết cuốn giáo trình, hoặc bạn thực sư dạy dỗ họ.”
Roy B. Zuck (1932 – 2013)
Ngày 16/3/2013, giáo sư Roy B. Zuck rời chổ trọ trần gian để về nơi quê hương vĩnh hằng cùng Cha Yêu Thương trong nỗi thương tiếc khôn nguôi của gia đình, bạn hữu và bao nhiêu thế hệ sinh viên. Đương kim viện trưởng của DTS, giáo sư Mark Bailey, bồi hồi nhớ lại, “Giáo sư Zuck là người có nhiều ân tứ và lòng thương yêu. Ông là một trong những giáo sư tốt nhất mà tôi từng được học. Mỗi môn học với ông, tôi không những học kiến thức chuyên môn mà còn lãnh hội được phương pháp sư phạm. Ông thuộc kiểu người vừa năng động vừa sáng tạo. Ông luôn khuyến khích người khác nghiên cứu, giảng dạy và viết lách để trau dồi học thuật và vì ích lợi của Hội Thánh nói chung. Chúng tôi nhớ thương khôn xiết sự tin kính và lòng nhân từ mà tiến sĩ Zuck đã để lại trong lòng và cuộc đời chúng tôi.”
Sau khi được ông nội làm chứng về Chúa và Tin Lành, cậu bé Roy Zuck đã tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của cá nhân mình vào năm 10 tuổi. Sau này, tiến sĩ Zuck thường hay tự giễu rằng, ông đã sớm thử giảng Tin Lành cho bọn trẻ con cùng lứa tuổi, nhưng bọn chúng chẳng hứng thú gì.
Nhận biết mình được kêu gọi để dâng mình hầu việc Chúa, chàng thanh niên Roy Zuck đã vào học trường Kinh Thánh Biola sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học. Nơi đây, chàng sinh viên Roy Zuck được học với tiến sĩ Vernon McGee, một giáo sư Kinh Thánh lừng danh, vốn là cựu học viên từ DTS, người có biệt tài “khiến Kinh Thánh trở nên sống động.” Chính điều này khiến Roy háo hức muốn đến DTS để học Kinh Thánh. Sau khi tốt nghiệp Biola, Roy đến DTS để học Thạc sĩ Thần học và tốt nghiệp thủ khoa năm 1957. Cũng tại DTS ông đã hoàn tất chương trình Tiến sĩ Thần học và tham gia ban giáo sư giảng dạy.
Đã có thời gian Roy làm trợ giảng cho giáo sư Howard Hendricks, người ảnh hưởng lớn trên đời sống và chức vụ của ông.
Vì quá trình và thành tích chức vụ nổi bật, năm 1970 tiến sĩ Roy Zuck được Đại học Biola bầu chọn là cựu sinh viên xuất sắc.
Khi tiến sĩ Roy Zuck đang cân nhắc nhận lời làm giáo sư cho Viện Kinh Thánh Moody, tiến sĩ Walvoord – bấy giờ là viện trưởng của DTS – viết cho tiến sĩ Roy, “Có lẽ anh đang phạm sai lầm.” Sau này tiến sĩ Roy nhớ lại, “Khi Walvoord nói rằng bạn đang phạm sai lầm, điều đó sẽ làm bạn không ngủ được.” Thế rồi Roy đến DTS đảm nhận chức vụ giảng dạy.
Tiến sĩ Roy Zuck có niềm đam mê nghiên cứu các sách khôn ngoan trong Kinh Thánh. Ông đã đóng góp phần giải kinh sách Gióp trong bộ giải kinh Everyman’s Bible Commentary năm 1978. Sau đó ông phát hiện ra rằng mình có người bác bốn đời, William Johnston Zuck, cũng đã viết bộ giải kinh sách Gióp vào năm 1898.
Đầu năm 1980, ông cộng tác với tiến sĩ Walvoord biên soạn công trình giải kinh The Bible Knowledge Commentary. Khi được hỏi ông tự hào với tác phẩm nào trong vô số công trình của mình, tiến sĩ Roy đã nhắc đến công trình này, “Đó là một công việc to lớn. Hơn ba ngàn giờ đồng hồ làm việc. Nhưng Chúa đã thực sự ban phước cho tác phẩm ấy.”
Trong khoảng thời gian 1985 – 1992, giáo sư Roy Zuck là Phó Viện Trưởng của DTS, kiêm Trưởng khoa đào tạo. Trong thời gian này, ông đã phát triển nhiều chương trình đào tạo mới. Ông có vai trò quan trọng trong Chương trình giáo dục Kinh Thánh mở rộng, thường được biết đến là BEE (Bible Education by Extension). Chương trình BEE có triển khai tại Việt Nam do công của một số giáo sư DTS. Trong bối cảnh giáo dục Kinh Thánh tại Việt Nam bị lệch lạc và méo mó bởi ảnh hưởng của khuynh hướng Ngũ tuần – Ân tứ, chương trình BEE được nhiều mục sư ưa chuộng vì có nền tảng Kinh Thánh (biblical) chắc chắn cộng với tính học thuật, chính quy, bài bản, hệ thống của nội dung chương trình.
Tiến sĩ Roy Zuck đã viết mười lăm cuốn sách, biên tập hàng trăm cuốn khác, và chấp bút rất nhiều bài viết luận Thần học. Trong những ngày cuối đời, ông vẫn siêng năng làm việc, đặc biệt là biên tập các bản thảo.
Bà Dottie, vợ của tiến sĩ Roy, đã về với Chúa năm 2008. Những năm cuối đời, khi sức khỏe của bà dần hao mòn thì chính Roy Zuck là người chăm sóc và lo từng cái khăn, cái áo. Ông hóm hỉnh cho biết, cả đời bà ấy đã nấu ăn, phụ giúp và lo cho tôi, thì việc tôi làm lại cho bà đâu có sá gì.
Howard Hendricks (1924 – 2013)
Không phải nói ngoa, giáo sư Howard Hendricks chẳng những là tài sản của Viện thần học Dallas, mà còn là tài sản của Cơ đốc giáo toàn thế giới cũng như của nền giáo dục Hoa Kỳ. Ông được liệt trong danh sách những người Tin Lành ảnh hưởng nhất (Who’s who of Evangelical Christians). Ngoài ra, ông còn được vinh dự bầu chọn là một trong những nhân vật ảnh hưởng nhất trong nền giáo dục Hoa Kỳ (Who’s who in American Education).
Ngày 21/3/2013, hàng loạt hãng truyền thông của cả nước Mỹ đều đưa tin một sự kiện xảy ra trước đó một ngày: giáo sư đáng kính Howard Hendricks đã về với Chúa. Các cơ quan của Cơ đốc giáo, các nhà lãnh đạo trong Hội Thánh đã bày tỏ lòng yêu thương lẫn kính phục đối với người đầy tớ Chúa khiêm nhường và đầy ơn, một nhà sư phạm lỗi lạc đã hun đúc nên nhiều thế hệ bước chân vào chức vụ. Trên mạng Internet, người ta không đếm hết những lời tri ân thương yêu từ các đồng lao và học trò của ông.
Một số mục sư, giáo sư gạo cội của nước Mỹ ngày nay như Rick Warren, Chuck Swindoll, Tony Evans, Joseph Stowell, David Jeremiah, Robert Jeffress, Richard Ramesh… đã từng là học trò của ông.
Hơn 60 năm giảng dạy tại DTS, tối thiểu 13 ngàn sinh viên đã học với giáo sư Howard Hendricks. Có lẽ đây là kỷ lục của một giáo sư thần học. Có người nói đùa, cứ hai người sinh viên DTS ngồi lại với nhau, chẳng bao lâu bạn sẽ nghe họ đề cập đến giáo sư Howard cách kính trọng. Chức vụ của ông đã đụng chạm đến hàng triệu cuộc đời – theo nhiều cách khác nhau – qua sách vở, đài phát thanh, truyền hình, giảng dạy…
“Suýt chút nữa đã phải vào tù.” Đó là lời nhận xét của cô giáo lớp 5 đối với cậu học trò ngang tàng, ngổ nghịch, và quậy phá Howard Hendricks. Nhưng cô giáo lớp 6, cô Noe, lại là người thay đổi cuộc đời đứa bé hư hỏng ấy. Cô nói với cậu, “Cô nghe nhiều lời than phiền về em, nhưng cô không tin lời nào cả.” Niềm tin tưởng ấy chính là sự động viên lớn lao! Sau này khi giảng dạy tại DTS, cậu sinh viên Don Regier thưa với Howard, “Em không biết giảng. Em không biết phải làm gì.” Giáo sư Howard đã ân cần khích lệ, khám phá ân tứ, chăm sóc cho tài năng có trong Don. Cậu sinh viên Don Regier ngày xưa, nay là giáo sư hơn 40 năm giảng dạy tại DTS, cho biết, ngoài Chúa thì Howard Hendricks là người cần gặp nhất trong đời.
Giáo sư Walvoord, bấy giờ là trưởng khoa thần học, mời Howard về dạy tại DTS khi ông đang là mục sư quản nhiệm tại Hội Thánh Calvary Presbyterian. Howard lập tức nhận lời. Bởi ông lập luận thế này: thay vì quản nhiệm một Hội Thánh, ông có thể đào tạo mười mục sư để quản nhiệm mười Hội Thánh.
Ngoài khả năng sư phạm tuyệt vời, các thế hệ sinh viên đã học với ông đều ấn tượng cách mà ông ảnh hưởng lên họ. Đồng lao và sinh viên gọi ông bằng một cái tên thân mật – “Prof” – là một chữ rút gọn của chữ “giáo sư.” Thời bấy giờ chưa có máy lạnh. Ở trong khuôn viên của DTS có một cái băng ghế, mà người ta gọi chết tên là “Prof’s bench” nghĩa là “băng ghế của Prof”. Đó là nơi Prof tiếp sinh viên. Ngoài giờ lên lớp, hình như lúc nào ông cũng ở đấy! Sinh viên đến với ông để tìm sự khôn ngoan, để hỏi lời tư vấn, hoặc để thắc mắc một đoạn Kinh Thánh, hoặc để chia sẻ cho vơi bớt những nan đề cá nhân. Có thể người ta sẽ quên những câu mà Prof trả lời, nhưng hàng chục năm sau những sinh viên ngày ấy vẫn còn ấn tượng sự sẵn lòng và ân cần khi ông bảo ban họ với tình thương yêu của một người cha, sự quan sát của một người thầy, và sự đồng cảm như thể ông và họ cùng đi trên một chuyến xe. Triết lý giảng dạy của ông rất đơn giản: sinh viên phải tập chú cuộc đời mình vào Đấng Christ và sống theo Lời Chúa.
Tiến sĩ Charles Swindoll, viện trưởng danh dự của DTS, được hàng triệu người biết đến qua chương trình phát thanh Living radio, bồi hồi nhớ lại, có lẽ trong lịch sử của DTS chưa từng có một giáo sư nào ảnh hưởng lớn lao trên sinh viên, thu hút sinh viên như tiến sĩ Howard Hendricks. Các sinh viên đều tự hào mình đã học với ông. Ai đã học với ông đều muốn quay lại học, dù rằng mới làm bài thi cuối khóa ngày hôm qua!
Mười bảy năm trước, các bác sĩ cho biết ông bị ung thư da. Cuộc phẫu thuật kéo dài tám tiếng đồng hồ. Giáo sư Howard cầm tay người bạn đời của mình, nhỏ nhẹ nói, “Hoặc Đức Chúa Trời tể trị, hoặc Ngài là Đấng bất năng. Nếu Ngài là bất năng, chúng ta nguy to rồi. Nhưng càng ngày anh càng thấy rằng Chúa là Đấng tể trị.” Sau khi đánh giá kết quả điều trị, các bác sĩ thông báo với Howard, “Các tế bào ung thư đã tấn công lỗ tai của ông, nhưng kỳ lạ là chúng không gây tổn hại cho thính lực. Các tế bào ung thư đã tấn công mắt của ông, nhưng kỳ lạ là chúng không gây tổn hại cho thị lực. Các tế bào ung thư đã tấn công não của ông, nhưng kỳ lạ là chúng không gây tổn hại cho trí lực. Rõ ràng Đức Chúa Trời còn tể trị trên đời sống ông!”
Nếu liệt ra những giải thưởng danh giá từ các cơ quan Cơ đốc giáo trao tặng cho giáo sư Howard Hendricks, ắt Hướng Đi phải tốn thêm vài trang báo! Nhưng ông không hài lòng với những giải thưởng. Trả lời phỏng vấn của Dallas Morning News, ông cho biết, nếu hôm nay ông chết đi sau khi đã nắn đúc một vài người mà Đức Chúa Trời đã giao đặc ân ấy, thì cũng đã đáng cho sự có mặt của ông trên đất này rồi.
Trước khi đến DTS học, tôi đã bị nhồi sọ trong hàng chục năm ròng bởi các mục sư, giáo sĩ ân tứ – cả người Việt Nam lẫn nước ngoài – rằng, các giáo sư thần học viện chỉ có tri thức chứ không có Thánh Linh, chỉ có văn tự chứ không có ân tứ, chỉ có sách vở chứ không có quyền phép. Nhưng thời gian tại DTS đã cho tôi thấy ngược lại tất cả. Các giáo sư ấy đã dạy – và làm gương – cho tôi về lòng tận tụy đối với Chúa, lòng yêu mến Kinh Thánh và thái độ kỉnh kiềng trong chức vụ.
Giọng giáo sư Howard Hendricks trầm trầm, chậm chậm khi ông nói với các sinh viên làm tôi nhớ mãi, “Điều tôi lo sợ cho các anh, không phải là các anh thất bại, nhưng ấy là, các anh thành công trong việc làm sai.” Viết đến đây mà tôi nổi da gà và nước mắt như muốn rịn ra. Tôi muốn được ngồi nghe ông dạy mãi.
Trong hồ cá nhà tôi, có một con ốc màu đỏ. Không biết bằng cách nào nó lọt vào một khe đá rồi không thoát ra được. Nó nằm đó, tháng này qua tháng khác. Nó lớn lên. Khe đá trở nên chật chội. Tôi chỉ có thể giải cứu nó bằng cách đập vỡ khe đá. Nhìn rộng ra, có một số Hội Thánh, chức vụ và mục sư đã đi vào con đường sai lầm, sau đó họ đo lường sự thành công bằng đám đông đi theo, sự giàu có của ngân quỹ, và họ định nghĩa đó là “phát triển.” Tôi đã thấy Chúa đập vỡ những thành tích ấy ra những mảnh vụn để cứu những con người mà Ngài yêu thương. Nhưng đau đớn lắm. Đó là điều mà giáo sư Howard Hendricks lo sợ: thành công trong việc làm sai!
Năm 2009, trường Kinh Thánh A (trụ sở tại tiểu bang Colorado) mở chương trình đào tạo tại miền Bắc Việt Nam. Tiến sĩ A. L – viện trưởng của trường A cũng là cựu giáo sư tại DTS – vì biết tôi đã từng học ở DTS nên mời tôi làm giám đốc chương trình tại Việt Nam. Lúc ấy tôi con trai còn nhỏ, tôi không thể xa nhà dài ngày và thường xuyên (tôi sống ở Saigon), nên đành không nhận lời. Tôi chỉ nhận lời làm giáo sư giảng dạy, tình nguyện không nhận thù lao vì thấy rằng đây là một nỗ lực thực hiện công việc Chúa giữa vòng đồng bào tôi. Trường cử bà M.K, tốt nghiệp từ Viện thần học Talbot, làm giám đốc chương trình. Bà M.K hỏi tôi về các vấn đề trong việc giáo dục thần học tại Việt Nam. Sau khi trình bày, tôi nói với bà, người Mỹ giảng Tin Lành nhiều nhất, nhưng người Mỹ cũng phá Hội Thánh nhiều nhất. Tôi tưởng bà sẽ tự ái. Nhưng không. Bà gật gù đắc ý thêm vào, họ làm điều đó qua những sự giảng dạy lệch lạc, sai trật và kiểu giải kinh buồn cười, nhưng nguy hiểm là họ lại có rất nhiều tiền. Há đó không phải là điều mà Howard Hendricks đã lo sợ sao: thành công trong việc làm sai!
Năm 2012, mục sư Trần Thái Nghiêm tặng tôi cuốn sách “Radical” viết bởi mục sư, tiến sĩ David Platt, một tác giả trẻ đang thu hút sự chú ý trong giới thần học tại Mỹ. Mục sư Nghiêm vừa cười vừa nói, vẫn còn có những người Mỹ thực sự giảng Tin Lành.
Nhìn lại ba vị giáo sư kể trên, lòng tôi yên ủi. Cũng còn có những người thực sự giảng Tin Lành. Các trang mạng nói về di sản mà họ để lại trong những cuộc đời. Internet ngập tràn những lời bùi ngùi nhớ thương từ những học trò của họ. Các thế hệ sinh viên cứ nói mãi về tấm gương mà những giáo sư đã nắn đúc họ. Tuyệt không có một thông tin, một chi tiết nào cho biết họ có bao nhiêu tiền, tài sản nhiều đến mức nào, bởi, đó không phải là mục tiêu của cuộc đời các thánh đồ. Kinh Thánh dạy, “Hãy nhớ những người dẫn dắt mình, đã truyền đạo Đức Chúa Trời cho mình; hãy nghĩ xem sự cuối cùng đời họ là thể nào, và học đòi đức tin họ.” (Hê-bơ-rơ 13:7).
Tôi đã học nơi họ. Tôi đang học nơi họ. Tôi sẽ tiếp tục học nơi họ.
Thế nhưng, bây giờ phải chia tay.
Mà, có cuộc chia tay nào lại không buồn bã, dẫu biết rằng họ đã về nơi tốt hơn…
Viết riêng cho Hướng Đi,
Mục sư, Tiến sĩ Lê Minh Đạt.