Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Viện đào tạo môn đồ / Bồi linh / Đi Tìm Chìa Khóa Của Hạnh Phúc Thật

Đi Tìm Chìa Khóa Của Hạnh Phúc Thật

Đi Tìm Chìa Khóa Của Hạnh Phúc Thật

Quí vị thân mến, trong cuộc sống, nhiều khi quá bận rộn với những lo toan mỗi ngày, nhiều người trong chúng ta đã dường như quên mất phải dừng lại để xem xét ý nghĩa của đời sống là gì, để rồi nhiều năm sau đó khi có thời gian nhìn lại chúng ta lại dễ băn khoăn tự hỏi tại sao có nhiều điều quí giá như các mối quan hệ yêu thương lại có phần tan vỡ, tại sao mình vẫn cảm thấy trống vắng dù thậm chí cũng đã đạt được những thành công đã đặt ra, vẫn thực sự đã không cảm thấy hạnh phúc.

ditim

Vậy phải chăng ý nghĩa của đời sống sẽ làm nên sự khác biệt giữa sống và tồn tại?

Một cầu thủ bóng chày nổi tiếng khi được hỏi anh ước muốn điều gì nếu một ai đó sẽ nói với anh lúc anh mới bắt đầu chơi bóng. Anh đã trả lời: Tôi ước muốn người đó nói với tôi khi anh lên tới đỉnh vinh quang nơi ấy chẳng có gì. Có lẽ ai trong chúng ta cũng có lúc đã tự hỏi chính mình, rằng làm thế nào để tôi có thể có được chiếc chìa khóa của hạnh phúc thật.

 

Tuần trước chúng ta đã bàn về giá trị của hạnh phúc, và hôm nay chúng ta sẽ đi vào chi tiết hơn, đó là làm sao để có được chìa khóa của hạnh phúc. Có ai đó đã nói rằng, Khi tìm được câu trả lời Hạnh phúc là gì, chúng ta sẽ mở được cánh cửa vào thiên đàng.

Vậy phải chăng thiên đàng của hạnh phúc cũng chính là nơi của những lạc thú trần gian? Như lời một bài hát đã nói: Chúng ta làm việc cho ngày nghỉ cuối tuần!!!

Vật chất và việc sở hữu càng nhiều vật chất hoàn toàn không phải là chìa khóa và nền tảng của hạnh phúc. Vì nếu vậy thì chắc chắn sẽ không có vấn để tình trạng đổ vỡ trong hôn nhân và ly dị đang ngày càng tăng thậm chí đến mức cứ 2, hay 3 cặp kết hôn thì lại có một cặp kết thúc bằng li dị ở các nước giàu có.

Khi đời sống vật chất càng lên cao, thì con người lại càng dễ bị rơi vào trạng thái phiền muộn và chán nản. Một thực tế chứng minh cho thấy, dù chúng ta đều giàu có hơn thế hệ cha ông, nhưng rõ ràng chúng ta vẫn không tìm thấy hạnh phúc từ sự giàu có này, ấy thế nhưng bị lôi cuốn để lao vào kiếm tiền như là mục đích duy nhất của cuộc đời lại càng trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Các cuộc khảo sát sinh viên ở Mỹ cho thấy: Năm 1968 có 41% sinh viên muốn tương lai mình có thể kiếm được thật nhiều tiền, trong khi đó 59% còn lại là muốn hướng đến đời sống có ý nghĩa. Tuy nhiên, đến năm 1997, có đến 71% sinh viên cho biết mục tiêu của cuộc đời họ là thành công và kiếm được thật nhiều tiền, và rồi chỉ có 29% sinh viên là muốn hướng đến cuộc sống có ý nghĩa!

Con người hôm nay đang ngày càng đặt mục tiêu tối thượng của cuộc đời, là kiếm thật nhiều tiền, càng nhiều càng tốt, thậm trí kiếm tiền bằng mọi giá! Ngay trong khi ai cũng dễ nhận ra, giầu có không thật sự có thể đem lại hạnh phúc cho chính mình.

Vậy nếu giàu có không phải là chìa khóa của hạnh phúc, thì đâu là chìa khóa? Trước hết có lẽ chúng ta cần phải xác định chúng ta sẽ làm gì khi mình trở nên giàu có. Sẽ không sai nếu quí vị sử dụng tài chính mình có để cải thiện cuộc sống gia đình được tiện nghi, thoải mái hơn. Nhưng, nếu tài chính chỉ để thỏa mãn con người xác thịt, thì chắc chắn rồi, Đam mê lạc thú sẽ không đảm bảo chúng ta được hạnh phúc. Điều này chúng tôi đã nói rất kỹ ở số trước.

Lạc thú là những điều chúng ta làm chỉ với mục đích nhằm thỏa mãn những khao khát được thôi thúc bởi bản năng bên trong mỗi người mà không cần xem xét đến phán xét của lương tâm. Ngày nay chúng ta dễ bị nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích.

Mục đích của chúng ta là được sống hạnh phúc thì mọi phương tiện là những gì chúng ta làm mỗi ngày sẽ xoay quanh vấn đề, điều này có làm tôi hạnh phúc không. Còn nếu mục đích chúng ta là tồn tại, thì cũng vậy, mọi việc chúng ta làm chỉ để thỏa mãn những ham muốn của chính mình.

Hạnh phúc thật sự là cảm xúc viên mãn trọn vẹn bên trong tâm hồn của một người khi yêu và được yêu, khi ban cho và được nhận lại, cũng như khi được nhìn nhận như một cá thể đặc biệt có ý nghĩa. Khi ban ra chúng ta cảm thấy hạnh phúc, và khi được nhận một điều gì đó, chúng ta cũng cảm thấy hạnh phúc như vậy.

Hạnh phúc không chỉ dừng ở chỗ cho đi, vì là con người, không ai chỉ có thể cho đi, mà không cần nhận lại. Khi cho đi, hay mở rộng tấm lòng cho ai đó, quí vị sẽ làm cho người ấy hạnh phúc, nhưng cũng chính là lúc, quí vị cảm nhận được hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc sống cho chính mình.

Vậy nên nếu sống trên đời chỉ để nhận hay thu vào cho chính mình, chúng ta sẽ có xu hướng biến mình thành chiếc thùng không đáy vô cảm.

Trên thực tế, đã luôn có những nguyên tắc vượt thời gian từ bao đời nay, rằng sẽ chẳng còn ai nói tới chiến tranh khi không ai trong chúng ta làm cho người khác điều mình không muốn người khác làm cho mình.

Và rồi sẽ là thiên đàng ở trên đất khi mọi người đều mong muốn làm cho người khác điều mình muốn người khác làm cho mình như lời Chúa Giê-xu đã nói. Vậy nên, đi tìm chìa khóa của hạnh phúc đó vẫn là đi tìm cho mình câu trả lời cho câu hỏi:  Làm sao tôi có thể ban cho?

Nhiều người nghĩ rằng mình không có gì để ban cho. Đó là suy nghĩ của người nghèo thiếu khi nhìn vào túi tiền của mình. Sự ban đích thực thì không bị giới hạn bởi số tiền bạn có, nó hầu như vô tận và làm cho giầu có người cho và người nhận.

Sự ban cho lớn nhất và có ý nghĩa nhất đó là ban cho chính bạn. Người ta nuôi gà để lấy trứng, nuôi bò để lấy sữa. Nhưng khi nuôi một chú chó thì lại chỉ để lấy tình bạn tình bạn chân thành mà nó đem lại. Điều đầu tiên bạn có thể cho đi mỗi ngày là nụ cười nhân ái giành cho mỗi người bạn gặp.

Trên đường đời tất bật, bon chen, bạn sẽ không ngờ rằng một nụ cười nhân ái, một ánh mắt cảm thông, một hành động giúp đỡ dù rất nhỏ của bạn lại có giá trị lớn lao như thế nào đâu. Khi bạn mỉn cười với một người bảo vệ, hay người quét dọn vệ sinh để bày tỏ lòng biết ơn về sự phục vụ của họ, là lúc bạn đang cho đi, để nâng đỡ người khác khỏi sự mệt mỏi và suy nghĩ tầm thường về chính họ.

Hãy sẵn lòng giúp đỡ ngay cả với những người có thể mình chỉ gặp một lần trong đời. Ngay cả khi không có cơ hội để nhận lại sự báo đáp của chính họ, thì bên trong sâu thẳm của tâm hồn mình bạn sẽ vẫn luôn thấy một niềm vui dâng tràn. Sự ban cho bằng chính đời sống mình là điều thật đặc biệt và có ý nghĩa trong văn hóa Việt Nam.

images

Dầu vậy, nhiều lúc chúng ta vẫn dễ bị nhiễm một thói quen xấu là rất hào phóng lời chỉ trích, phê phán lỗi lầm dù là nhỏ nhất của người khác. Nhưng lại tiết kiệm lời động viên, khích lệ nhân ái. Vậy nên, chỉ cần thay đổi thái độ sống, chúng ta sẽ thấy mình thật giàu có, và thậm chí có thể làm nên một thế giới khác biệt.

Khi chúng ta quyết định thay đổi thái độ sống, chúng ta sẽ bắt đầu suy nghĩ và hành động khác đi. Mọi điều trong cái nhìn của chúng ta cũng sẽ tích cực hơn. Cách cư xử với mọi người xung quanh của chúng ta sẽ trìu mến và nhân ái hơn.

Khi họ lỡ phạm lỗi lầm, chúng ta cũng sẽ dễ dàng tha thứ hơn, vì thấy chúng ta cũng có những lúc lầm lỡ như vậy. Khi thay đổi suy nghĩ  chúng ta sẽ bắt đầu cư sử cách trìu mến và nhân ái với vợ, chồng và con cái mình hơn. Tôi cam đoan quí vị sẽ thấy ngạc nhiên về không khí ấm áp trong lòng mà chúng ta rất khó cảm nhận trước đây.

Thế còn tại công sở thì sao? Có lẽ quí vị sẽ nghĩ rằng, ở đó mà chỉ ban ra, mình sẽ dễ bị thiệt thòi và lợi dụng thì sao? Đúng là đây đó vẫn có những người lợi dụng người khác. Nhưng khi chúng ta thật sự ban cho trong sự chân thành thì thường chúng ta cũng được đáp lại cách chân thành. Có người đã nói: Thường thì chúng ta dễ nhìn người khác như là một viên đá thô tầm thường. Nhưng nếu chúng ta bắt đầu nhìn họ như những viên đá quí thì chúng ta sẽ thấy mình giàu có vô hạn.

Khi ước tính về sản lượng lương thực một năm, tổ chức lương thực thế giới đã nói: Thế giới này thậm chí có đủ lương thực để nuôi 12 tỉ người một năm, nhưng nạn đói xảy ra chỉ vì con người đã nhẫn tâm. Thế giới đang trở nên ích kỷ và vô cảm, chẳng phải vì rất nhiều người đã đang chọn cho mình một lối sống thiếu quan tâm đến người khác hay sao.

Tôi nhớ mãi một câu chuyện có thật đầy cảm động về sự ban cho vô kỷ tại trường đại học Standford năm 1892. Năm đó một cậu sinh viên nghèo cùng với một người  bạn tổ chức một buổi hòa nhạc để gây quỹ để trả tiền học. Họ tìm đến nhà dương cầm nổi tiếng Pa-der-riu –ski, người Ba lan lúc này đang sống ở Mỹ.

Họ cùng nhau thỏa thuận sẽ thanh toán một khoản thù lao là 2.000$ cho buổi độc tấu dương cầm, và hai cậu sinh viên bắt tay vào tổ chức để buổi biểu diễn được thành công.  Không may số tiền mà họ thu được chỉ vỏn vẹn 1.600 $. Thất vọng, họ tìm đến Stanford để giải thích hoàn cảnh của họ.

Hai cậu sinh viên đã trao hết 1.600 $ cho Pa-der-riu -ski cùng tấm phiếu ghi nợ 400 $ cho khoản tiền còn lại với lời hứa rằng họ sẽ cố gắng thanh toán số nợ này sớm nhất.

-“Không, việc này không thể chấp nhận được.” Pa-der-riu-ski nói. Ông xé tấm phiếu ghi nợ, đưa lại 1.600 $ cho hai cậu sinh viên và nói: “Hãy thanh toán mọi chi phí mà các bạn còn thiếu nợ bằng 1.600USD này, nếu còn, hãy tiếp tục giữ số tiền mà các bạn cần để thanh toán học phí, tôi chỉ lấy phần tiền còn dư sau đó”. Hai cậu sinh viên vô cùng ngạc nhiên và rối rít cám ơn Pa-der-riu-ski.

Câu hỏi đặt ra là tại sao ông ta phải giúp hai thanh niên mà ông chẳng hề quen biết. Chúng ta ai cũng tình cờ gặp những tình huống như vậy trong đời mình. Và hầu hết chúng ta sẽ nghĩ: “Nếu giúp họ, điều gì sẽ xảy ra với chúng ta” Nhưng những con người có suy nghĩ của một vĩ nhân thì lại nghĩ: “Nếu ta không giúp họ, điều gì sẽ xảy ra cho họ?”

Và rồi những người đó đã quyết định giúp mà không mong có sự đền đáp. Họ làm điều đó đơn giản vì họ cảm thấy rằng, đó là một việc đúng, cần phải làm.

Pa-der-riu-ski sau đó trở thành Thủ tướng của Ba Lan. Ông là một nhà lãnh đạo tài ba nhưng không may, chiến tranh Thế giới xảy ra, Ba Lan bị tàn phá. Hơn 1,5 triệu người dân trong nước lâm vào cảnh đói và không có tiền để chu cấp cho bữa ăn hàng ngày của họ. Pa-der-riu-ski không biết cầu cứu ở đâu, nên ông quyết định tìm đến Tổ chức Cứu trợ Lương thực Hoa Kỳ để xin giúp đỡ.

Lãnh đạo của tổ chức này lúc bấy giờ là Hơ-bớt–hu- vơ, sau này trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. Hu-vơ đã đồng ý giúp và nhanh chóng gửi hàng tấn ngũ cốc để cứu đói cho người dân Ba Lan.

AIM Food Drive - Everlasting Life Ministries

Thảm họa được đẩy lùi. Thủ Tướng Pa-der-riu-ski cảm thấy nhẹ nhõm. Ông quyết định sang Mỹ gặp Huver để đích thân cảm ơn. Khi Pa-der-riu-ski bắt đầu nói lời cảm ơn Huver vì nghĩa cử cao thượng của ông, thì Huver vội vã cắt ngang và nói: “Ngài không cần phải cảm ơn tôi, thưa Thủ Tướng. Có lẽ ngài không còn nhớ câu chuyện này, nhưng nhiều năm trước, chính ngài đã giúp hai cậu sinh viên trẻ tuổi tiếp tục được học tại đại học Starford – Hoa Kỳ, và tôi là một trong hai sinh viên ấy…..

Đây chính là nguyên tắc để hạnh phúc: Nếu quí vị gieo, thì chắc chắn quí vị sẽ có dịp được gặt!

Ngày nay, khi bàn về vấn đề sống thế nào thì được gọi là đáng sống, người ta thường khuynh hướng đặt giá trị đó nguyên tắc đặt mình làm trung tâm, rằng để được mọi người trầm trồ tán tụng, thì bạn phải là người có vẻ ngoài thu hút, xa xỉ, ăn mặc sành điệu, thậm chí phải khêu gợi. Để rồi thay vì đeo đuổi những điều cao cả, có ý nghĩa cho cuộc đời,  khi chúng ta lại vô tình làm mòn giá trị bản thân bởi những cám dỗ phù du hư ảo trong xã hội.

Câu chuyện của thủ tướng Ba lan Pa-der-riu-ski mãi là một minh chứng vững chắc cho nguyên tắc: Hãy sống vì những điều có giá trị hơn. Làm sao chúng ta mong muốn gặt được nhiều trong khi lại không gieo? Làm sao chúng ta có thể bắt người khác quan tâm đến mình trong khi chính mình lại chẳng quan tâm đến họ???

Khi gieo tôn trọng quí vị sẽ gặt tôn trọng, gieo yêu thương, chúng ta sẽ gặp được yêu thương. Còn nếu chỉ gieo gió, thì chắc chắn chúng ta sẽ chỉ gặt bão mà thôi.

Cuộc sống dù có đầy khó khăn, bươn trải, nhưng đâu đó trong sâu thẳm của tâm hồn chúng ta vẫn tuôn chảy lòng nhân ái và cao thượng. Chúng ta thấy sự sẵn lòng giúp đỡ luôn ở xung quanh ta, nụ cười nhân ái của một ai đó khi ta hỏi đường, tấm lòng sẻ chia cho những người kém may mắn.

Có lẽ quí vị sẽ bảo tôi là hơi thiếu thực tế quá chăng, xã hội bây giờ đâu còn chỗ cho những điều này, ra đường có còn gặp anh hùng nữa đâu. Nhưng không thưa quí vị, một thực tế vẫn chỉ ra rằng, vẫn còn rất nhiều người tốt trong cuộc sống, và cũng vẫn cần rất nhiều người như quí vị và tôi bước vào trong cộng đồng vẫn còn ít ỏi này để làm nên một thay đổi cho xã hội.

Chỉ cần bắt đầu từ một suy nghĩ đúng đắn, một ước mơ cao cả, quí vị sẽ có động lực để đeo đuổi và thực hiện nó.

Tôi còn nhớ, cách đây vài năm tôi đã đọc cho con trai mình câu chuyện rất cảm động có tên là : Cái giếng của Ryan,

Trong một lần nghe cô giáo nói để có được một cái giếng cho người Urgando, thì cần phải có 70 đô la, ấy thế nhưng vẫn có rất nhiều người dân Châu Phi phải bị chết vì không có nước sạch. Cậu bé Ryan 6 tuổi người Canada đã vô cùng xúc động,  Với suy nghĩ rằng, nhiều người đang chết và nhất quyết rằng mình cần số tiền đó, cậu đã hỏi ba mẹ, và ba mẹ nói nếu muốn có số tiền đó, cậu phải làm việc.

Thế rồi, cậu nhận làm việc nhà, Với mỗi hai đô-la kiếm được, nó lại gạch thêm một vạch trên cái thước rồi bỏ tiền vào trong cái hộp thiếc. Cậu bé làm việc không ngơi nghỉ. Ryan hút bụi, lau cửa sổ và nhiều việc khác. Cậu thậm chí còn làm việc nhà cho cả những người hàng xóm và ông bà nội ngoại, lượm cành khô sau trận mưa đá và rồi tất cả tiền đều được bỏ vào trong hộp thiếc.

Và rôi sau bốn tháng, Ryan đã tiến đến gần mục tiêu của mình. Mẹ cậu đã gọi điện cho một người quen làm ở cơ phát triển quốc tế của Canada để nhờ liên lạc với một tổ chức cung cấp nước sạch và hệ thống vệ sinh cho người dân ở các nước đang phát triển.

Tháng tư năm 1998, Ryan đã mang theo hộp thiếc đầy tiền của mình khi được hẹn gắp vị giám đốc của tổ chức này. Họ đã cám ơn Cậu bé và nói rằng sự đóng góp của nó rất quan trọng, tuy nhiên để xây một cái giếng thì cần phải tốn nhiều hơn 70 đô-la, thật ra là cần những 2.000 đô. Ryan chẳng hề lo lắng và nói một cách đơn giản: “Không sao ạ. Con sẽ làm việc nhà nhiều hơn!”.

Tin tức về những gì Ryan đang làm đã lan đi và chẳng mấy chốc cha mẹ cậu nhận được nhiều cuộc gọi từ các hãng truyền thông. Một tờ báo cũng đăng tải câu chuyện về cái giếng của Ryan và sau đó số tiền đóng góp được gửi đến từ khắp nơi. Một trường trung học ở Cornwall, Ontario đã bán nước đóng chai và tặng tổ chức WaterCan một tấm séc trị giá 228 đô-la để ủng hộ cho chương trình đào giếng của Ryan.

Đội Hợp Ca Thiếu Nhi Trung Ương ở Ottawa đã quyên góp 1.000 đô. Hiệp Hội Nước Ngầm ở Miền Đông Ontario đã đóng góp 2.700 đô. Chẳng mấy chốc Ryan đã có nhiều hơn rất nhiều số tiền cần có để xây giếng…..Thế rồi, cái giếng của Ryan đã được xây cạnh trường tiểu học Angolo ở Uganda, châu Phi và hoàn thành vào tháng tư năm 1999!

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, bắt đầu từ một mơ ước của một cậu bé nhằm thay đổi cuộc sống của nhiều người, mà hầu hết là những người cậu chưa từng gặp. Tổ chức từ thiện mang tên Ryan đã quyên được một số tiền rất lớn và đã có thể xây dựng được hàng ngàn chiếc giếng ở Châu Phi.

Còn Ryan thì vẫn chăm chỉ làm việc mỗi ngày, và lời cầu nguyện mà Cậu bé vẫn thường khấn nguyện mỗi đêm vẫn là: “Con cầu mong cho mọi người ở châu Phi đều có nước sạch”. Đó chính là sức mạnh của ước mơ.

Có một câu danh ngôn rất hay thế này: Nếu quí vị nhìn thấy một gia đình hạnh phúc, quí vị nên tin rằng, ở trong gia đình đó, có những người đã biết sống quên mình”. Đó chính là giá trị của lòng hy sinh. Định nghĩa hạnh phúc luôn được đặt trên nên tảng là lòng hy sinh. Đừng bao giờ từ chối người khác nếu chúng ta vẫn có cơ hội để ban cho.

Tôi rất thích một câu nói: Khi bạn chào đời, bạn khóc và mọi người xung quanh bạn thì mỉm cười. Nhưng hãy sống làm sao để khi bạn qua đời, bạn sẽ mỉm cười còn mọi người xung quanh thì lại khóc. Họ khóc vì tiếc nuối, vì họ đã từng hạnh phúc biết bao khi có chúng ta ở bên đời.

Tôi đã từng gặp vô số những người luôn phàn nàn, và có khuôn mặt khó coi. Họ dường như luôn muốn người khác thấy họ vô cùng khổ sở trong công việc của mình. Tôi tin rằng nếu cứ phàn nàn và giữ bộ mặt khó coi như vậy, thì chắc chắn họ sẽ còn khó khăn. Và không có gì ngạc nhiên là họ sẽ ở mãi cái chỗ đó!

images (1)

Trái lại tôi cũng đã gặp những người luôn vui vẻ sẵn sàng giúp đỡ người khác dù hoàn cảnh, cũng như công việc của họ vẫn còn rất khó nhọc. Trong tấm lòng của mình tôi luôn cầu chúc điều tốt lành cho họ, nếu có cơ hội là tôi muốn giúp đỡ họ. Những người như vậy sẽ luôn có những người yêu mến và mong họ thành công.

Vậy nên, để thay cho lời kết, tôi chỉ muốn nhắc lại, để có thể có được chiếc chìa khóa của hạnh phúc thật, quí vị chỉ cần áp dụng một nguyên tắc vô cùng đơn giản ngay từ ngày hôm nay. Rằng hãy làm cho người khác điều mình muốn người khác làm cho mình.

Quí vị  muốn người khác làm gì cho mình? Hãy làm điều đó cho họ! Và họ sẽ làm điều tương tự cho quí vị. Vì nếu chúng ta gieo, chúng ta sẽ gặt! Để có được hạnh phúc, chúng ta thường chẳng phải tốn tiền,

Hạnh phúc sẵn có trong tấm lòng của mỗi người. Hãy mở lòng mình hôm nay, để quí vị có thể trở nên người hạnh phúc hơn.

Nếu điều chi chúng ta muốn người khác làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ – Thánh Kinh Ma-thi-ơ 7:12 –

Thân ái,

  Tuấn Hải – Lê Hằng   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn