Thứ Ba , 24 Tháng Mười Hai 2024
Home / Viện đào tạo môn đồ / Bồi linh / CHÚA JESUS LÀ ĐẤNG CHRIST?

CHÚA JESUS LÀ ĐẤNG CHRIST?

Chúa Giê-Su Là Đấng Cứu Thế? 

Đọc Kinh Thánh: Lu-ca 7:11-35 và Ma-thi-ơ 11:1-19.

Trên thế giới có nhiều tôn giáo. Người theo tôn giáo nào cũng tưởng mình đã tìm được chánh đạo của mình. Nhưng rất nhiều người theo các tôn giáo đã không biết con đường mình đang đi là sai lầm, giáo chủ mình đang theo không phải là Đấng Cứu Thế, niềm tin mình đang giữ không phải là chân lý. Nhiều người cứ nhắm mắt đi theo mà không bao giờ đặt câu hỏi. Người khôn là người biết đặt câu hỏi đúng và hỏi đúng người, đúng chỗ.

Câu chuyện ông Giăng nêu thắc mắc với Chúa và cách Chúa trả lời cho ông là bài học lớn cho chúng ta hôm nay về việc tin cậy Chúa và truyền bá Danh Chúa. Xung quanh chúng ta có rất nhiều người giống như ông Giăng đang thắc mắc không biết Chúa Giê-su có phải thực sự là Đấng Cưú Thế không? Chúa Giê-su có phải là con đường duy nhất đưa ta đến Đức Chúa Trời không?  Người đó có thể mang tên Việt Nam: Tên Tâm, tên Đức, tên Tuấn, tên Hồng, tên Lan, tên Huệ, tên Xuân, tên Thu… Người đó có thể mang họ Nguyễn, họ Trần, họ Lê, họ Phạm… Họ là những người có những thắc mắc hoài nghi thật lòng cần được câu giải đáp thoả đáng. Chúa Giê-su biết cách trả lời ông Giăng để giải toả hết mọi hoài nghi vương vấn trong lòng ông. Chúng ta cũng học được cách trả lời cho những đồng hương của chúng ta về Chúa Cưú Thế Giê-su và đạo Tin Lành của Ngài.

Câu hỏi của ông Giăng.

Câu hỏi của Giăng đặt ra là: Chúa Giê-su có phải là Đấng Cưú Thế hay chúng tôi còn phải chờ đợi một Đấng khác? 

  1. Hoàn cảnh đưa đến câu hỏi của ông Giăng:

Trước hết chúng ta cần nhớ đến hoàn cảnh đau khổ của ông Giăng. Theo Ma-thi-ơ 4:12 và Lu-ca 3:20,  Giăng Báp-tít đã bị Vua Hê-rốt bắt bỏ tù vì dám can ngăn vua lấy vợ của em mình. Ông đang ở tù một thời gian lâu vì Hê-rốt kính nể ông là người có uy tín lớn trong dân chúng nên chưa dám giết ông. Các môn đồ của ông Giăng vẫn thường xuyên thông báo cho ông về các hoạt động của Chúa Giê-su. Ông Giăng trông đợi một ngày nào đó cửa tù mở ra, vì ông tin rằng Chúa Giê-su sẽ lên ngôi làm vua và thiết lập ngay vương quốc của Ngài. Nhưng ông Giăng vẫn tiếp tục ở tù còn Chúa Giê-su thì quá chậm lên ngôi. Không chờ đợi được nữa, ông Giăng đã sai môn đồ đi hỏi Chúa Giê-su. Câu hỏi của ông Giăng đặt ra là: Chúa Giê-su có phải là Đấng Cứu Thế hay chúng tôi còn phải chờ đợi một Đấng khác? Đây là câu hỏi mà người Do Thái trải qua các đời đã và đang đặt ra với Chúa Giê-su. Đây cũng là câu hỏi mà người đời đang hỏi về Chúa chúng ta. Đàng sau câu hỏi nầy tôi còn nghĩ đến một câu hỏi khác mà người ta thường đặt ra, nhất là những người đang gặp khổ nạn: Tại sao người lành như ông Giăng Báp-tít bị tù? Tại sao người ác như Hê-rốt vẫn tiếp tục ngồi trên ngai toàn quyền sinh sát theo tánh khí bất thường của mình? Tại sao Chúa không chấm dứt khổ nạn? Tại sao chính tôi? Tại sao gia đình tôi? Tại sao con cái tôi? Tại sao đất nước tôi?

  1. Suy nghĩ đưa đến câu hỏi của ông Giăng:

Qua câu hỏi của ông Giăng, chúng ta biết ông có định kiến trước về việc Chúa phải làm.

Có rất nhiều người ngày xưa cho đến ngày nay luôn có định kiến sẵn trong đầu về Đấng Cưú Thế phải là người như thế nào và công việc Chúa phải làm là gì.  Giăng là một người tiên tri sống khổ hạnh, ở ngoài sa mạc, ăn châu chấu và mật ong rừng, rao giảng sứ điệp phán xét như lửa trong lò luyện. Ông kêu gọi dân chúng phải ăn năn để tránh khỏi hình phạt. Ông khuyến cáo dân chúng: “Lưỡi búa xét đoán của Chúa đã vung lên! Cây nào không sanh quả tốt sẽ bị Ngài đốn quăng vào lửa!” Ông giới thiệu với dân chúng về Chúa Cưú Thế như một Đấng sẽ “làm báp-tem bằng Thánh Linh và lửa; Đấng sẽ sảy lúa thật sạch, trữ vào kho, và đốt rơm rác trong lò lửa chẳng hề tắt” (Lu-ca 3:9,17). Với sứ điệp mạnh mẽ như vậy, ông Giăng tưởng rằng Chúa Giê-su sẽ đến và thực hiện ngay như điều ông rao giảng. Nhưng khi Chúa Giê-su đến và không làm như ông nghĩ thì ông bắt đầu hoài nghi. Ngày nay, có nhiều người hoài nghi Chúa y như vậy. Có người nghĩ Chúa Giê-su cũng như các giáo chủ các tôn giáo khác. Có người nghĩ Ngài chỉ là Giáo sư đại tài, Thầy Thuốc trứ danh. Có người nghĩ rằng Ngài cũng là một vị tiên tri như bao nhiêu các tiên tri khác, một giáo chủ giống như bao nhiêu giáo chủ khác. Có nhiều người vấp phạm vì cớ Chúa khi Chúa không làm theo ý họ muốn, khi Ngài tuyên bố không giống như họ nghĩ.

Chúng ta cũng dễ rơi vào thái độ này.  Đôi khi chúng ta trông mong Chúa làm việc gì đó theo cách nào đó chúng ta muốn, đến khi Ngài không làm như thế, chúng ta nghĩ là Chúa thất bại. Chẳng hạn chúng ta mong Chúa cho chúng ta làm ăn thành công lớn,  chúng ta mong Chúa chữa bệnh ngay, chúng ta mong đời sống theo Chúa sẽ không có khổ nạn. Chúa hay làm theo ý tốt của Ngài.

  1. Bài học từ sự nghi ngờ của ông Giăng.

Ông Giăng là người của Đức Chúa Trời. Ông đang cần sự xác tín về Chúa Giê-su có phải thực sự là Đấng ông trông đợi hay không. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng một thánh nhân thì không bao giờ hoài nghi. Nói như vậy là chúng ta đã chối bỏ họ cũng là người bình thường như chúng ta. Kinh Thánh rất thành thật và cởi mở về những hoài nghi, trăn trở như thế trong đời sống người theo Chúa. Cách tốt nhất để giải quyết nỗi hoài nghi là nói trắng ra, bày tỏ ra với Chúa giống như gương của ông Giăng Báp-tít. Chúa không sợ chúng ta nói ra những thắc mắc hoài nghi của lòng chúng ta. Chúa muốn chúng ta thành thật phơi bày lòng mình ra cho Chúa biết. Tuy nhiên, chẳng những phơi bày sự hoài nghi thắc mắc ra,  chúng ta cũng cần phải sẵn sàng lắng nghe câu giải đáp. Chúng ta cần một đôi tai thính, sẵn sàng mở ra để nhận lãnh câu trả lời từ Chúa. Sự khác nhau giữa sự hoài nghi lành mạnh với sự nghi ngờ tai hại không phải là việc nói ra, phơi bày ra sự hoài nghi, thắc mắc đó, nhưng chính là sự hưởng ứng tiếp theo câu trả lời của Chúa cho mối hoài nghi, thắc mắc đó. Các tác giả Thi Thiên đã không giấu giếm những nỗi niềm hoang mang đau khổ của mình cho Chúa, họ thành khẩn nói lên hết những suy nghĩ của họ về Chúa và với Chúa, nhưng điều hay nhất họ dạy chúng ta là sau khi phơi bày lòng mình với Chúa, họ đã khiêm tốn chờ đợi sự trả lời của Chúa. Ông Giăng cũng đã để lại cho chúng ta bài học lớn về sự đón nhận câu trả lời của Chúa. Chúa không trả lời trực tiếp với ông là phải hay không phải. Ngài muốn ông tự rút ra kết luận trước những bằng chứng mắt thấy tai nghe. Qua các việc làm của Chúa khi ông nghe các môn đồ mình thuật lại, ông đã tin tưởng và an tâm. Ông chấp nhận và không còn thắc mắc nữa. Đó cũng là lý do Chúa khen ngợi ông là một người vĩ đại nhất trong vòng các tiên tri thời Cựu Ước.

Câu trả lời của Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su đã trả lời ông Giăng như thế nào?

-Chúa Giê-su đã làm các phép lạ, Ngài đã dùng Kinh Thánh và Ngài dùng những nhân chứng.

  1. Chúa Giê-su làm các phép lạ:

“Vả, chính giờ đó, Đức Chúa Giê-su chữa lành nhiều kẻ bịnh…”

Chúa Giê-su không trả lời trực tiếp với ông rằng Ngài thực sự là Đấng Cưú Thế. Ngài cho ông Giăng thấy những việc Ngài đang làm là bằng chứng cụ thể để ông Giăng tự mình rút ra kết luận. Điều qúi báu tôi học được ở đây là Chúa Giê-su tiếp tục làm những việc lạ lùng và cần thiết mà chỉ một mình Ngài có thể làm. Ngài chữa bệnh, đuổi quỉ và rao giảng Tin Lành cho người nghèo. Ngày nay Chúa Giê-su cũng đang làm công việc vĩnh cửu tốt lành của Ngài giữa chúng ta. Ngài đang thay đổi đời sống của biết bao nhiêu người đến cùng Ngài, tin cậy nơi Ngài. Ngài đang giải thoát chúng ta ra khỏi xiềng xích của ma quỉ, xác thịt và tội lỗi. Ngài đã đưa chúng ta từ tối qua sáng, từ chỗ đi sai lạc đến chỗ tìm được chân lý, từ chết mất đến sự sống, từ chỗ xa cách đến chỗ gần gủi Đức Chúa Trời. Ngài mở mắt, mở tai để chúng ta tai nghe mắt thấy những việc Chúa đang làm và có thể làm. Đạo của Chúa không chỉ là những hứa hẹn của tương lai nhưng mà còn là những việc thực tế sống động, cụ thể đang diễn ra trong thời hiện tại. Hãy xem Ngài đang làm gì cho quí vị và tôi? Hãy xem Ngài đã ảnh hưởng gì trong thế giới chúng ta đang sống hôm nay? Hãy suy nghĩ xem và hãy rút ra kết luận cho chính mình về Chúa là ai, Ngài đã làm gì cho tôi và Ngài muốn tôi làm gì?

  1. Chúa Giê-su dùng Kinh Thánh:

Ngài dùng sự ứng nghiệm của Kinh Thánh để thuyết phục ông Giăng rằng Ngài chính là Đấng Cưú Thế đã được các tiên tri báo trước sẽ đến thế gian. Tiên tri Ê-sai đã tiên báo: “Hãy khích lệ những người ngã lòng: “Phấn khởi lên! Đừng sợ! Nầy Thiên Chúa các ngươi ngự đến để thưởng thiện phạt ác công minh; Ngài sẽ giải cưú các ngươi. Vừa ngự đến Chúa sẽ mở mắt người mù, mở tai người điếc, người què sẽ nhảy nhót như hươu, người câm sẽ ca hát vang lừng. Suối ngọt sẽ phun lên giữa đồng hoang, sông ngòi sẽ tưới nhuần sa mạc…” (Ê-sai 35:4-10). Tại sao những lời tiên tri đó chưa hoàn toàn ứng nghiệm. Tại vì Chúa đến lần thứ nhất chưa phải để lên ngôi ngay. Ngài là Vua nhưng Ngài bị từ chối. Khi trở lại thế gian một lần nữa Ngài sẽ lên ngôi Vua trên muôn vua Chúa trên muôn chuá. Ngài đã đưa ra những bằng chứng trước đây khi Ngài đọc sách Ê-sai trong nhà hội tại thành Na-xa-rét. Tại đó người ta trao sách tiên tri Ê-sai, Ngài mở ra đọc: “Thánh Linh Chúa ngự trên tôi, Ngài ủy nhiệm tôi truyền giảng Phúc Âm cho người nghèo, sai tôi loan tin tù nhân được giải thoát, người mù được sáng, người áp bức được tự do và Thiên Chúa sẵn sàng ban ân lành cho người tin nhận Ngài.” (Lu-ca 4:17-19). Rồi Ngài tuyên bố: “Hôm nay lời Thánh Kinh đó đang được ứng nghiệm.” Nhưng kết quả thế nào? “Nghe Chúa nói, mọi người trong nhà hội đều giận dữ, xông lại kéo Ngài ra ngoài thành phố, bên sườn núi, định xô Ngài xuống vực thẳm. Nhưng Chúa lách qua đám đông, đi nơi khác.” (Lu-ca 4:28-29).

Bây giờ khi trả lời cho ông Giăng, Chúa cũng nhắc đến lời tiên tri trong Kinh Thánh đang được ứng nghiệm trong chức vụ của Ngài. “Ngài đáp : Hãy về thuật lại cho Giăng mọi điều anh em chứng kiến: người mù được thấy, người què được đi, người phung cùi được sạch, người điếc được nghe, người chết sống lại và người nghèo được nghe giảng Phúc Âm.” (Lu-ca 7:20-22). “Ngài nói tiếp: “Cũng nhắn cho Giăng lời nầy: Phúc cho người nào không nghi ngờ ta.”

Minh hoạ: Tôi có nghe lời chứng trong bang cassette của một Mục sư người Mỹ được mời đến giảng đạo cho một thiếu nữ kia chưa tin Chúa. Khi đến nơi Mục sư nghe cô nói là cô không tin có Đức Chúa Trời. Mục sư hỏi: -“Cô có dám nói rằng cô biết tất cả mọi điều mà nhân loại có thể biết trên thế giới hay không?” Cô trả lời: -“Không dám.” Mục sư tiếp: -“Vậy chỉ có một người biết tất cả mọi sự mới dám khẳng định là không có Chúa. Cô chỉ có thể nói có Đức Chúa Trời hay không tôi không biết?” Cô đồng ý. Mục sư nói tiếp: -“Nếu cô muốn biết chắc có Đức Chúa Trời hay không xin mời cô dành 21 ngày để đọc mỗi ngày một đoạn trong sách Tin Lành Giăng.” Cô nói cô không tin Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời. Mục sư nói: -“Tôi không bảo cô tin trước khi đọc. Chỉ xin cô cởi mở, đừng định kiến trước. Xin hãy đọc sách Tin Lành Giăng và trả lời cho được ba câu hỏi: Chúa Giê-su là ai? Ngài đã làm gì? Ngài muon tôi làm gì?” Mục sư hứa sau 21 ngày sẽ trở lại. Nhưng chỉ một tuần sau cô ấy đã tìm đến Mục sư để xin tin thờ Chúa.

  1. Chúa Giê-su dùng các nhân chứng:

Ngài dùng ngay các môn đồ của ông Giăng và bảo họ trở về làm chứng cho ông biết hết mọi điều họ đã thấy và nghe từ Chúa để giải toả những hoài nghi, thắc mắc của ông. Ngày nay Ngài cũng dùng con cái Chúa làm chứng nhân cho Ngài. Ngài cần dùng mỗi người trong chúng ta.

Khi  Chúa Giê-su chữa lành cho người bị quỉ ám tại Giê-ra-sê, người ấy đã xin đi theo Chúa. Nhưng Chúa bảo người ấy rằng: -“Hãy về nhà ngươi, nơi bạn hữu ngươi, mà thuật lại cho họ điều lớn lao thể nào Chúa đã làm cho ngươ, và Ngài đã thương xót ngươi cách nào.” (Mác 5:19). Kinh Thánh chép tiếp: “Vậy, người ấy đi, đồn ra trong xứ Đê-ca-bô-lơ những điều lớn lao thể nào mà Đức Chúa Giê-su đã làm cho mình; ai nấy đều lấy làm lạ.” Các môn đồ của ông Giăng nghe lời Chúa trở về và thuật lại cho ông nghe điều họ chứng kiến tai nghe mắt thấy về Chúa, còn chúng ta thì sao? Chúa đang muốn dùng chúng ta. Ngài không có kế hoạch nào khác. 

Lời kết luận:

Chúa Giê-su tiếp tục làm việc vĩnh cửu của Ngài và Ngài đang dùng mỗi người chúng ta để làm chứng nhân cho những người như ông Giăng trong thời hiện đại. Tưởng cũng nên nhớ rằng, ông Giăng chỉ có cơ hội nghe và thấy những việc Chúa Giê-su đã dạy và làm trước khi Chúa chịu chết và sống lại. Ông Giăng có đủ bằng chứng để tin Ngài là Đấng phải đến và Giăng đã yên tâm với chương trình Chúa định cho đời sống ông.  Nhưng Chúa Giê-su không dừng lại ở đó, Ngài tiếp tục hướng đến Giê-ru-sa-lem. Tại đó Ngài chịu chết, chịu chôn và sống lại. Ngài thăng thiên, ban Đức Thánh Linh giáng lâm, thành lập Hội Thánh, sử dụng các sứ đồ và tín hữu rao giảng Phúc Âm, tiếp tục làm công việc vĩnh cửu của Ngài. Chúng ta có vinh dự hơn Giăng vì chúng ta có một toàn cảnh về những gì Chúa Giê-su đã và đang làm. Chúng ta được mặc áo công nghĩa của Chúa Giê-su, được làm con trai con gái Chúa, được ấn chứng bằng Đức Thánh Linh. Chúng ta có toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, chúng ta có Hội Thánh và là Hội Thánh mà Chúa đã mua bằng chính huyết Ngài. Chúa Giê-su đang chuẩn bị chúng ta cho chương trình vĩnh cửu của Ngài cho dù chúng ta chờ đợi, cho dù chúng ta không hiểu, cho dù chúng ta hoài nghi. Rất nhiều lần vì lý do muốn rèn luyện bản tánh chúng ta trở nên giống Chúa Giê-su hơn, trưởng thành hơn trong đức tin hoặc để chúng ta sống kết quả hơn, hữu ích hơn, Chúa đã đưa chúng ta đi con đường khó khăn hơn. Nhiều khi Chúa cứ tiếp tục làm theo ý Ngài, không theo ý chúng ta. Nhưng cách trả lời của Chúa và câu trả lời của Chúa luôn luôn đúng và tốt nhất cho chúng ta.  Hãy đem những câu hỏi đến cho Chúa Giê-su và hãy trở về thuật lại những gì Chúa đã làm cho chúng ta.

 

Mục sư Nguyễn Văn Huệ

 

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn