Một ngày tháng tám, khi đang còn ở Moscow, buổi chiều, ngồi trong phòng hotel (rất khó mở internet), hai người cùng phòng đã đi ra ngoài, tôi bỗng nhiên mở internet được, vào check mail và nhận được một email vui vui, từ một người bạn nhưng gọi mình là Mục sư:
Sáng nay bạn bè chuyền nhau đọc một bài viết của bạn học Gia Long xưa (Vũ Phương Anh, nay là tiến sĩ, chức sắc khá trong ngành giáo dục tại Việt Nam) thấy có trích và ca tụng bài thơ của Phạm Khánh Vũ nên vội vàng chuyển qua thi sĩ đây. Có nên hãnh diện khoe khoang với bọn nó là mình “quen” với Phạm Khánh Vũ không đây nữa 🙂 Hay thôi im lặng để tụi nó tiếp tục mơ màng…. Mục sư rảnh thì vào blog của nhỏ bạn học nầy đọc nhé:
http://bloganhvu.blogspot.ca/2013/08/thang-tam-thu-menh-mong.html
Phạm Khánh Vũ bỗng thấy lòng mình mơ mòng (chữ dùng của Phạm Duy trong một bài hát, không mơ mộng, cũng không mơ màng) như ngày nào đó còn trẻ, như đang là một chàng trai trẻ, không nhớ là bốn mươi năm đã trôi qua, còn già hơn bài thơ của Phan Khôi chỉ có hai mươi bốn năm, ngay lập tức click vào cái link ấy và đọc, xem người ta… bàn tán cái gì về mình:
Tháng tám, có lẽ là lúc bắt đầu khoảng thời gian có thời tiết đẹp trong năm ở miền Nam. Trời vẫn đang là mùa mưa, mưa còn nhiều nhưng trời thì không còn nắng gắt như vào lúc đầu mùa nữa. Và những lúc nào không mưa cũng không nắng như ở Sài Gòn hôm nay thì thời tiết là đẹp nhất. Cảm giác về sự hiện hữu của mùa thu ở đất Sài Gòn rõ rệt nhất chính là vào những lúc này đây. Dù ai cũng biết rằng thực ra ở mảnh đất miền Nam này vốn chỉ có hai mùa mưa và nắng, thì làm gì có chuyện xuân hạ thu đông? Nhắc đến mùa thu, chẳng qua là để có cớ cho các thi sĩ thả hồn làm thơ mà thôi.
Vâng, mùa thu ở Sài Gòn, trước năm 1975, đã có một thi sĩ trẻ làm một bài thơ mà tôi đọc thì thuộc ngay bốn câu đầu. Bài thơ bắt đầu bằng mấy từ “Tháng chín mưa dầm trên mái ngói”, nhưng vì “ăn gian” nên tôi hay sửa lại thành “Tháng tám mưa dầm trên mái ngói …”
Bài thơ ấy, tôi đọc một lần lúc 14, 15 tuổi gì đó rồi nhớ mãi, nhưng không đầy đủ, chỉ lõm bõm vài câu mà cái trí nhớ kỳ lạ (nghịch thường) của tôi đã tiếp thu cùng một lúc với những cảm xúc mà bài thơ gợi ra cho tôi lúc ấy. Những câu hay nhất (và cũng là những câu tôi còn nhớ) theo tôi là những câu này:
Tháng chín mưa dầm trên mái ngói
Người ra đi chia nửa trời sầu
Chẳng lẽ như chim lười biếng hót
Mà người thì thôi đã quên nhau
Hay đã xa rồi mưa dưới gót
Con đường tình tự cỏ cây vàng
Tháng chín tôi về hoa lá khóc
Nhớ người nước mắt nhỏ mênh mang…
Vâng, lời thơ tuyệt đẹp, phải không các bạn? Trong đầu tôi giờ còn rất nhiều những mẩu vụn thơ ca mà tôi đã nhặt nhạnh vào trong đầu, trong hồn từ trước năm 1975. Cũng như nhiều mẩu vụn khác, tôi nghĩ bài này tôi sẽ không bao giờ tìm lại được nữa. Nhưng không, thật bất ngờ, hôm nay gõ khổ thơ đầu tiên của bài thơ (khổ thơ bắt đầu bằng mấy từ “Tháng chín mưa dầm …” mà tôi đã ăn gian sửa lại cho nó thành tháng tám của tôi), tôi đã tìm thấy được nguyên vẹn bài thơ ấy trên trang gio-o.com. Mừng, như gặp lại một người thân từ lâu thất lạc. Bài thơ ấy có tựa là Thu mênh mông, dù như tôi đã nói ở trên, Sài Gòn làm gì có mùa thu cơ chứ?
Tác giả của nó là một nhà thơ có tên (lấy tên?) là Phạm Khánh Vũ, một cái tên tôi mới nghe lần đầu nhưng lại thấy quen quen, có gì đâu, vì họ Phạm là họ của mẹ tôi còn Vũ thì chính là họ của tôi đây. Chẳng biết anh đang phiêu bạt nơi đâu, nhà thơ có bài thơ xuất sắc ấy – xuất sắc, vì khi tìm trên mạng tôi còn thấy 4 câu thơ bất hủ của khổ thơ đầu được nhiều người nhắc đến trong những bài tản văn trên blog cá nhân của mình. Làm thơ, dù chỉ có một bài mà được mọi người nhớ mãi như vậy, cũng đã là đủ rồi, phải không anh Phạm Khánh Vũ ơi?
Phạm Khánh Vũ, bây giờ anh ở đâu?
Tôi ở đây, thưa tác giả. Phạm Khánh Vũ của những bài thơ tình học trò trên Tuổi Ngọc bốn mươi năm trước, nay là Trần Nguyên Đán, một người viết trong dòng chảy mênh mang của văn học hải ngoại, và Mục sư Lữ Thành Kiến, một giáo sĩ tình nguyện (sau khi từ biệt những mái nhà thờ nơi đã sống cùng nhiều năm) đang dong ruổi đời mình từ Giê ru sa lem, đến Sa ma ri, xứ Giu đê, cho đến cùng trái đất như lời Chúa Jesus kêu gọi, đang công tác cho Chúa ở Nga. Cho đến bây giờ, không còn nghe mưa dầm trên mái ngói, mà than thở… người ra đi chia nửa trời sầu nữa, nhưng nghe mưa từ khắp bốn phương trời, mọi tháng của mọi mùa. Mưa trên những mái ngói “giả” của Hoa Kỳ, không có âm vang trầm và buồn như “ngói” ở Việt Nam. Mưa trên những con phố hẹp Sydney, Australia. Mưa trong công viên cũ kỹ ẩm thấp Moscow, Russia. Mưa California, Texas, Maryland, Virginia, Washington State, Oregon, Colorado, Florida, South and North Carolina, Georgia, Illinois, nhớ làm sao hết…. Mẹ tôi hỏi: con đã đi hết 50 tiểu bang chưa? Thỉnh thoảng, như hôm qua, trời mưa, mang thức ăn trưa ra ngồi trên sofa gần cửa sổ nhìn ra ngoài trời. Thấy tâm hồn mình xao xuyến. Không than thở, mà Tạ Ơn Chúa (vì Ơn Chúa nặng hàng… tạ J) Cám ơn tác giả… Tiến sĩ đã còn nhớ và viết lại cảm xúc về một bài thơ đã trôi qua đúng bốn mươi năm. Cám ơn người bạn ở Canada đã hào hứng chuyển bài viết đến. Bốn mươi năm qua rồi, chàng trai trẻ mười chín tuổi ấy, giờ đã bao nhiêu mọi người có thể tính được.
Chiều hôm kia, khi hai vợ chồng “giáo sĩ” đi giảng và dạy ở Pittsburgh, Pennsylvania lái xe về, dọc đường mùa thu đã mênh mông, đó đây lác đác, rậm rạp những rừng lá đậm mầu tuyệt đẹp, trời mưa. Nhớ bài viết của Nguyễn Hưng Quốc mà Mục sư Xếp mới chuyển tới hôm qua, bảo là để đăng vào Hướng Đi mùa đông, tựa đề: Đến Philippines, nghe mưa, nhớ Việt Nam. Cái tựa mới đọc là đã thấy nhớ rồi. Chiều hôm qua, còn “tranh cạnh” với một người Việt ở Nga về đề tài: Thu ở Mỹ, Thu ở Nga, Thu nào đẹp hơn. Dĩ nhiên là cả hai đều ra sức bảo vệ “luận điểm” của mình, chẳng ai nhường ai, chẳng ai thắng ai thua cả. Nhưng cuối cùng đều công nhận: Thu là đẹp. Mỗi nơi mỗi vẻ đẹp khác nhau. Tôi lại muốn làm một bài thơ về mùa thu nữa. Tôi đã viết khá nhiều về mùa thu, có cả một cuốn sách mỏng tựa đề Ai Đã Vẽ Mùa Thu, nhưng cứ đến mùa thu là lòng lại bâng khuâng muốn viết. Có một cái gì đó, nhiều cái gì đó, trong lòng, muốn nhảy ra không thể ngăn cản được.
Thu và Mưa thường đi chung với nhau. Xuân cũng Mưa, Hạ cũng Mưa, Đông cũng mưa, nhưng là mỗi một “loại” mưa khác. Nếu Mưa Xuân chỉ là phùn, lún phún, lây rây, lứt rứt, loáng thoáng, phơn phớt, như kiểu mưa cho hành, ngò, xà lách, dưa, giá nẩy mầm đua nhau tăng trưởng “ăn Tết” thì Mưa Hạ lại nặng nề thô bạo như một người phu khuân vác bực bội vứt bao gạo nặng gần cả tạ xuống đất một cách rất nhanh để “thoát nợ”, là một loại mưa tối tăm mặt mũi, chạy quắn lên vẫn không thoát, rồi lại trở nên yên tịnh, tỉnh bơ, làm như không có chuyện gì xảy ra, ngoài việc để lại tang chứng là mặt đường lênh láng nước. Mưa Đông thì buồn “thúi ruột”, nhất là đối với những kẻ xa nhà, mưa gì mà dai dẳng, ray rứt, mưa mãi mưa hoài, dầm dề tâm sự quá. Nhưng mưa Thu lại khác, nó chẳng tổng hợp từ ba loại mưa kia mà chia ra lấy trung bình, mà là một loại mưa rất riêng, rất “cá tính”, mưa không vui mà cũng chả buồn, như kiểu “nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn”, buồn chẳng duyên cớ gì, mà cũng chẳng phải là vui, vui làm sao được. Rưng rức như vậy, làm cho những thi sĩ tạm quên đi cơm áo, ra ngồi trước cửa, làm thơ, nhìn thấy cái gì đi ngang qua mặt là chộp lấy đưa vào thơ. Mùa Thu, cái mùa chẳng thể diễn tả nổi.
Tự nhiên mưa giữa trời đất mùa thu làm tôi yên lặng. Sự yên lặng rất rộng. Như bắt đầu từ một chỗ nào đó và dừng lại từ một chỗ nào đó, không nhìn thấy biên giới. Thu Mênh Mông thật. Sáng nay khi từ California trở về, một chuyến đi đầy thử thách (tuổi sáu mươi), trên chuyến máy bay của US Airways tôi nhìn xuống mặt đất đang rõ dần, và hình ảnh Maryland từ trên cao nhìn xuống vẫn là những khóm (mà không thể gọi là khu) rừng, những đám rừng vẫn còn xanh ngăn ngắt, loáng thoáng vàng sẫm, chưa có dấu hiệu gì là Thu đã đến. Thu đang đến, chưa đến gần, chỉ mới đến, còn lấn cấn bước chân bên thềm cửa. Nhưng đã hứa hẹn một cái gì diệu kỳ đẹp đẽ, dù đã cũ lắm như trái đất, nhưng mỗi lần xuất hiện thì lại mới như mặt trời. Bây giờ, Mỹ, tháng mười, chứ không phải là tháng chín nữa, đang chuẩn bị mênh mông.
Năm nay, sau bốn năm xa cách mùa thu, người bạn vong niên, tôi trở lại, chắc chắn sẽ trở lại, thăm bạn, người bạn xưng hô mày tao thân thiết trong một bài thơ tựa là skyline, một trong một trăm bài Chữ Nghĩa Của Đán (trích)
… bạn ơi, sẽ là một cuộc chia ly bùi ngùi
mà không có nước mắt
vì nước mắt tao hầu như khô héo những cảm xúc
những giọt nước quý hiếm để dành ngày mình chết
để khóc cùng với vài người còn xúm xít quanh quẩn
mười năm qua tao thay đổi chứ mày thì không
đẹp một cách kiêu hãnh
hơn tất cả những người đàn bà đẹp
đẹp một cách sang trọng
như cơn gió lạnh sáng nay đang bay
dưới thung lũng
mày kỳ diệu hơn những bông hoa dại…
tao gởi lời chào biệt mày lần nữa
vì không biết còn dịp nào khác không
những đám mây bay qua thường không muốn trở lại
sợ nhìn thấy cảnh cũ thì lòng sẽ ray rứt…
Nhưng những suy nghĩ… tiêu cực của con người chẳng phải là suy nghĩ của Chúa. Những đám mây đã bay trở lại. Chiều nay tôi sẽ ghé thăm skyline, chạy trong những rừng cây ngoằn ngoèo đã rực rỡ sắc mầu, nhớ lần chở một người bạn phương xa ghé thăm đến, khi cánh rừng đầu tiên vừa hiện ra trước mắt, cô đã thốt lên một tiếng wow đầy kinh ngạc vì vẻ đẹp kỳ diệu không bút mực màu sắc nào vẽ nổi. Con người, dù đã đi đến những đâu đâu, vẫn không thể vượt qua một điều bình thường nhất, tạo nên những sắc mầu tuyệt đẹp một cách tự nhiên hoàn hảo, mênh mông bát ngát đến vậy.
Tháng mười, người bạn của tháng mười cũng đã trở lại như mọi năm, một cách ấm áp, với bức thư đánh máy chúc mừng tháng Hội Thánh biết ơn Mục sư và một cái gift card của Starbucks quen thuộc đủ để… ăn chơi thoải mái trong vòng một tháng. Lần này thì không băn khoăn gì về tác giả của bức thư và cái thẻ nữa. Chúa là một Đức Chúa Trời kỳ diệu, không phải tất cả mọi điều đều cần phải biết rõ, có khi không biết rõ lại càng đẹp hơn. Chia xẻ điều này với người bạn ở Vancouver, cô tỏ vẻ… ganh tỵ kín đáo J Chà, Mục sư đang ấm chỗ ấm lòng bên ly cà phê Starbucks có người tặng, đúng là con… cưng của Chúa, còn kẻ này đang ngồi gõ lóc cóc mỏi tay đây mà không ai tặng ly cà phê nào hết, thôi thì tự tặng mình một ly… trà xanh vậy.
Tháng mười, California, không hề có mùa thu, nhưng có những sự ấm áp khác nói thay cho mùa thu, thăm Biển Rộng Hai Vai, cứ được ôm và hôn, như một thằng con trai nhỏ J Gặp bạn nhỏ, bạn vừa, bạn lớn, và bạn cũ. Gặp anh chị em đoàn tụ trong căn nhà đầy tiếng cười. Gặp Hội Thánh, được giảng và dạy, niềm vui của người hầu việc Chúa. Nhưng vẫn… vô cùng thương tiếc vì không thể tiếp tục nói về Chúa cho anh chị em của mình, vì một cái gì đó ngắc ngứ, vì một cái gì đó vướng víu, có lẽ nào nói như Chúa Jesus: tiên tri không được tôn trọng trong quê hương mình. Nhớ lại một vài bạn trẻ ở Moscow chia xẻ với mình: sao con rất dạn dĩ nói với nhiều người khác về Chúa, mà vẫn không thể nói cho cha mẹ, anh chị em của mình. Xin Mục sư cầu nguyện cho con. Có lẽ nào Mục sư lại nói: xin con cũng cầu nguyện cho Mục sư về vấn đề ấy L Phước thay cho người nào có cả gia đình tin Chúa trọn vẹn J
Tháng mười, cũng đã qua quá nửa, tháng mười một đang tới. Một tháng mười một lại đầy kín nhưng hứa hẹn nhiều niềm vui. Tuần một ở Dallas, phát giải thưởng viết truyện ngắn năm đầu tiên, giảng cho Dallas, tuần hai lại lái xe lên Pittsburgh giảng cho Trưởng Nhiệm, tuần ba Hội Thánh Báp Tít ở New Orleans, Louisiana đã mua vé sẵn và gởi đến cho mình, để giảng và giới thiệu, huấn luyện VMI. Tuần bốn đã lại ở Moscow, chuyến đi thứ nhì trong năm. Khi nói đến những điều này thì từ trong lòng, tự nhiên, như một cái wake up call đúng giờ thì reo lên, vang lên tiếng cảm tạ Chúa. Vì cái bình sứt mẻ này vẫn còn có thể làm rơi vãi nước trên đường đi, nơi có những bông hoa trồng dọc theo lối. Những bông hoa nhờ những giọt nước rơi hàng ngày từ chiếc bình sứt mẻ, từ chỗ rạn nứt mà sống, mà lớn lên, mà trổ hoa, mà làm đẹp cho đời, thêm hương ngát cho đời.
Mới đó, tuần lễ trước, khi chuyến bay thứ nhì từ Detroit còn đang bay mênh mang trên bầu trời hướng về Los Angeles, lần đầu tiên tôi đã cảm thấy… thấm thía sự mệt mỏi trong thân thể. Di chuyển quá nhanh, quá nhiều, sức lực của người đàn ông gần sát nút sáu mươi, chẳng thể như sức của một tennis player mỗi năm bay đi tham dự những tournament khắp năm châu bốn biển. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc phải cancel bớt một (vài) tuần lễ đã lên lịch. Và phải đành làm việc đó cho dù không muốn. Email cho người Mục sư ở Denver, dù biết rằng ông đang đi… du lịch Đất Thánh, xin lỗi và hẹn dịp khác. Tạ ơn Chúa là dù đang… đứng bên cạnh sông Giô đanh J ông cũng dành ít phút trả lời cho tôi yên tâm như lời tôi nài nỉ. Người bạn, người thân, ở California, chỉ… dám nhỏ nhẹ khuyên: hãy quan tâm đến sức khỏe mình một chút, có sức khỏe thì mới tiếp tục đi được. Chạy hoài mà không nghỉ, coi chừng… overheat đó.
Nhưng tháng mười một chưa qua, mà tháng mười hai đã lại đến rồi… Lúc đó thu cô liêu đã hết, đông đã đến, với những làn gió lạnh buốt thổi vào trong cổ áo đã gài kín vẫn còn đủ chỗ hở. Với những bông tuyết trắng nõn bay lan man trong trời, đậu trên những hàng cây nay đã trơ xương, đáp xuống cỏ. Phương tiện đi lại đã trở nên khó khăn. Vào mùa này những chuyến bay delay nhiều hơn. Những lữ khách ngáp ngắn dài khi nằm lê la trong các hàng ghế phi trường, nằm thẳng chân dưới đất, đầu gối lên hành lý. Chẳng những delay, mà còn cancel, làm buồn lòng những đứa con xa quay về những thành phố quê nhà, những mong những ngày cận kề giáng sinh ngửi mùi gỗ thông hăng hắc cháy trong lò sưởi, mùi lá thông non bên những cây nến thơm hương liệu ấm nồng, trong vòng tay gia đình. Lẽ ra, mùa này đã nên là mùa nghỉ ngơi đôi chút. Nhưng lại là mùa mà các Mục sư, giáo sĩ bận rộn hơn hết, vì phải lo nhiều chương trình cho Hội Thánh cuối năm. Và những Hội Thánh cần mục sư diễn giả cho những ngày lễ của họ. Tôi nhớ mình còn một buổi hẹn với Albuquerque, New Mexico 5 ngày sau khi từ Moscow trở về. Một buổi lễ giáng sinh sớm vào ngày 15/12. Năm ngày, từ một nơi rất xa bay về, có kịp phục hồi sức sau những chuyến đi liên tục và đặc biệt là xa và dài? Tôi đã quyết tâm là hoàn toàn nghỉ ngơi sau 15/12, dành trọn thì giờ cuối năm cho gia đình, cho cháu. Vài ngày lê la shopping center, hoàn toàn thư giãn, thụ hưởng niềm vui của một người đã hoàn tất công việc trong năm, nhìn ngắm cảnh người ta nhộn nhịp vui đón Chúa Jesus ra đời. Trong những ngày còn ở Orange County, California, lòng tôi đã se lại khi nhận được một email từ Salt Lake City, Utah: mời Mục sư đến giảng Giáng Sinh cho Hội Thánh vào đêm 24/12. Nhớ lại là mình chưa bao giờ nói Không với những lời mời. Nhớ lại lời hứa với Chúa rằng Chúa ơi khi nào còn nơi nào cần con thì con còn ra đi. Nhưng mà….. Đó là một lần trong những lần hiếm hoi tôi đứng yên trong cửa sổ nhìn ra ngoài trời, trong lúc bên kia đường, Disney Land đang bắn những tràng pháo bông khổng lồ rực rỡ lên bầu trời. Mắt tôi nhìn những bông pháo vỡ tung tóe mầu sắc, tai nghe tiếng nổ, nhưng lòng nghĩ về những điều rất xa.
Tôi mở laptop, vào youtube nghe lại bài hát Something More của Nick Vujicic đã nghe nhiều lần, người đàn ông không tay chân nhưng đã đi đến cùng trái đất, đem niềm hy vọng của Chúa Jesus đến cho mọi người. Tôi cảm thấy buồn, và bàn tay gõ lên keyboard những lời bằng tiếng Việt.
Sometimes I get so tired,
Just trying to find a place,
To lay my head,
I look up to the sky,
I feel the warmest light comfort me,
I’ve seen the great heights,
Reminding me… That I’m alive
I don’t wanna die,
I don’t wanna waste another day,
Or night,
I know there’s something more,
Than what we’re living for,
I see it in the stars,
I feel it on the shores,
I know there’s something,
I know there’s something more.
Những khi mệt mỏi quá
Tôi tìm một nơi nào
Để nằm xuống, ngửa đầu
Ngó lên trời xanh cao
Những cảm giác nồng ấm
Làm lòng tôi nao nao
Những khoảng trời dịu vợi
Nhắc tôi điều ngọt ngào
Tôi đang sống, sẽ sống
Sống như chưa khi nào
Tôi không hề muốn chết
Hoặc hoang phí những ngày
Còn nhiều điều kỳ diệu
Đẹp hơn đời sống này
Trong những ngôi sao sáng
Trên bến bờ sóng lay
Còn nhiều, còn nhiều lắm
Nhiều hơn trời mây bay
Những đêm sau này, trước khi đi ngủ tôi phải quỳ bên cạnh giường và nói mãi một điều với Chúa thế này, như cái cassette hư lặp đi lặp lại: xin Chúa cho con sức khỏe. Chỉ thế. Không xin thêm điều gì khác. Đến tuổi này thì biết không còn gì mong ước nữa ngoại trừ sức khỏe. Lạy Chúa, nếu Ngài còn muốn dùng con, hãy cho con sức khỏe.
Và đôi khi suy nghĩ lẩn thẩn: tại sao cho đến những năm gần đến sáu mươi, mình mới bắt đầu đi, tại sao không đi những năm trước đó, khi thân thể còn chưa quá uể oải như bây giờ, cái thời chưa sợ sệt mà lên cao, chưa hãi hùng lúc đi đường, cào cào chưa trở nên nặng… Làm sao để sống ngay bây giờ, làm cho Chúa những điều mà sau này khi không còn làm được nữa thì sẽ không bao giờ phải hối tiếc?
TRẦN NGUYÊN ĐÁN
Bài viết hay
Cảm ơn sự phản hồi của độc giả.