Đã gần 11 giờ đêm – nó không ngủ được. Nó tự nhủ: “Không sao! vậy thì mình thức, tranh thủ làm gì đó có ích, đến khi nào buồn ngủ thì thôi!”. Rồi nó lấy chổi, đi quét nhà. Chắc hẳn đó là điều có ích nhất mà nó có thể làm được lúc này. Dù gì đó cũng là việc nó làm hằng ngày, và nó tự hào vì chuyện quét nhà ấy lắm. Nó cho rằng: đây là công việc đơn giản nhất thế giới nhưng đem lại những niềm vui lớn lao. Vì lần nọ, nó có nghe Mục sư nói: “Nếu tôi đứng trên đây giảng dạy ông bà anh chị em mà không có chút tình yêu thương nào, thì so với thằng bé quét nhà thờ kia, tôi vẫn là người khốn nạn hơn hết!”. Nhà nó nghèo, nghèo lắm. Mẹ ung thư chết. Ba mất sức lao động. Thằng em vẫn đang học cấp 2 nhờ trợ cấp hộ nghèo của nhà nước. Nó vào thành phố xin ở nhờ nhà bà dì mấy hôm, khi nào có việc làm, nó đi. Mục sư thấy nó hay đến nhà thờ một mình, dáng người gầy gò, đen đúa, thật thà thì thương, hỏi thăm gia cảnh rồi ngỏ ý bảo nó vào giúp việc nhà thờ. Rồi từ đó nó ở trong nhà thờ luôn. Ai bảo gì thì làm nấy. Dạo ấy đến giờ cũng hơn một năm. Nó cũng quen việc, cũng nhiều lần được khen nhưng cũng nhiều lần bị la rầy. Thực ra với nó, có chỗ ngủ, có người cho ăn là hạnh phúc nhất rồi. Lần nào ba nó gọi điện cũng nhắc: “Ông Mục sư cho mày ở nhà thờ, tao mừng nhưng cũng lo. Mày làm gì cũng phải hết lòng, như làm cho Chúa, lười biếng là tao đánh chết!”… Vừa quét nhà thờ nó vừa trầm ngâm nghĩ ngợi. Nó nghĩ về quá khứ, về tương lai. Nó không ngờ một ngày nó lại ở đây, trong hoàn cảnh này, làm công việc này. Cuộc đời thật quá nhiều bất ngờ.
Nó thường vứt rác 7 lần một tuần. Ngày chủ nhật đông đúc, nó vứt rác đến 3 lần, thứ 7 thì vứt rác 2 lần. Các lần còn lại vào những tối thứ 3 và thứ 6. Nó quen rồi, công việc nó là thế. Riêng chủ nhật ngày lễ đông người nên sọt rác lúc nào cũng đầy, thứ 7 có thêm rác của mấy cô cắm hoa nên nhiều hơn một tí, thứ 3 thì rác ăn uống của ban thanh niên, thứ 6 thì rác của anh chị thanh tráng và ông bà trung lão. Nhiều khi đi vứt rác, nó nghĩ: “Chà! rác sao mà nhiều, tội của mình trước Chúa chắc còn nhiều hơn!”
Như lệ thường, tối nay nó cũng đi vứt rác. Cột cẩn thận rồi xách lên hai tay hai bịch rác to đùng – là loại túi nilon màu đen cỡ bốn mươi giá hai mươi lăm ngàn một kí – nó bước vội xuống bậc tam cấp, qua khoảng sân nhỏ ra đến lề đường.
Người dân quanh đây vẫn làm thế, cứ đặt rác ở chỗ lề đường, đến chặp khuya – chừng 12h đêm – mấy người lao công đến đem chất lên xe chứa. Những bịch rác của nó mang ra luôn là những bịch to nhất, nặng nhất so với mấy nhà bên cạnh. Đặt rác đúng chỗ cũ, rồi nó trở vào trong, khóa cửa.
Lạ ghê ! Cầu nguyện xong nó vẫn không ngủ được, đã 11 giờ rưỡi đêm rồi. Quét nhà xong, vứt rác là công việc cuối cùng trong ngày nó cũng làm xong. Nó cố ngủ, nó biết ngày mai còn phải dậy sớm mở cửa để tín đồ tĩnh nguyện, không thể thức khuya được. Nó chọn cho mình một cái ghế băng dài bất kì trong hàng chục cái ghế băng xếp thẳng tắp thành hai hàng mà tín đồ vẫn ngồi thờ phượng mỗi chủ nhật. Nó thường chọn cái trên cùng, chỗ Mục sư hay ngồi, cầu nguyện xong rồi nằm ngủ luôn. Không gian đêm khuya khá yên tĩnh, rộng rãi và rống trỗng bên trong nhà thờ khiến nó có thể nghe được bất kì thứ âm thanh nào dù là nhỏ nhất. Nó cố nhắm mắt, nhưng đầu óc vẫn tỉnh như sáo, tai nó vẫn nghe rõ mồn một tiếng kim giây đồng hồ tích tắc, tiếng lạch cạch của mấy người tẩm quất đêm, tiếng kéo cửa sắt của mấy cửa hàng cuối phố. Rồi bỗng: sột soạt, sột soạt, nó chợt nhận ra thứ âm thanh vừa lạ lại vừa quen phát ra từ ngoài đường lọt vào trong nhà thờ. Nó đủ sáng suốt để hiểu ngay là tiếng bịch nilon. Nó vẫn thường mang bịch nilon đi vứt nên nó thuộc thứ âm thanh ấy rồi. Nó biết có ai đó đang làm gì với chúng ngoài kia. Thường lệ, lao công đến chất rác lên xe chứa rồi đi ngay, đằng này phải lục lọi gì đó dữ lắm mới tạo ra thứ âm thanh sột soạt dai dẳng đến thế. Nghe theo trí tò mò, nó quyết định đứng dậy bước ra cửa xem sao. Dù gì thì cũng không ngủ được.
Đèn đường đã tắt, dưới ánh sáng mờ mờ đến từ đèn của cái cần trục xa xa phía ngôi nhà cao tầng đang xây, nó nép mình sát cánh cửa sắt dày cộm. Khe cửa đủ cho hai tròng đen đầy tò mò của nó dõi ra bên ngoài. Nó thấy một bóng người lấp ló sau trụ điện – chỗ nó đặt mấy bịch nilon rác. Cái bóng nhỏ thó trông như đứa con nít dần dần dịch chuyển để lộ ra là một ông già khòm lưng. Nó thắc mắc: “Lạ ghê! Lão già làm gì với mấy bịch rác thế nhỉ?”. Nó đánh bạo tiến tới chỗ tay nắm kéo cửa, mở cái lỗ nhỏ hình vuông rồi áp khuôn mặt vào đó để có góc nhìn rộng hơn. Lão già dần lộ rõ ra trước mắt…
Nhìn thấy lão nó nhớ đến ông nội. Hồi đó mẹ nó chết. Ông nội giận ba nó lắm vì không thấy nhang đèn gì trong lễ tang, không thấy thầy sư tụng mõ chi hết. Nó còn nhớ lúc đó ông quát: “Đám tang gì mà lạnh tanh, tao không thấy nhang khói gì là sao mày? Tụi mày theo cái đạo gì mà mất dạy, thắp nhang mà nó cũng không cho!”. Nó và ba cố giải thích cho ổng hiểu, mà tai ổng điếc, nghe đã khó, hiểu cũng khó, đến giờ chắc ổng cũng còn giận lắm. Nó thương ông nội nó, nó cũng muốn ổng tin Chúa, mà cái định kiến trong con người ổng lớn quá. Nó chỉ biết cầu nguyện…
À! Nó hiểu rồi, lão già kia đang moi rác. Nó thừa biết đống rác trông lớn thế kia nhưng chẳng có chi để lão kiếm chác được. Vì hôm nay là thứ bảy, đa phần là rác của mấy cô cắm hoa chứ làm gì có vỏ lon hay thùng cát-tông mà lục lọi. Càng nhìn lão nó lại càng thương. Một tay cầm cái cây gỗ phẳng phiu, chắc lão nhặt được ở xưởng gỗ nào đó. Lão dùng nó để moi móc trong mấy bịch nilon. Tay kia lão xách cái bao bố, moi được cái gì thì lão bỏ vào. Trông nó cũng nặng, chắc lão moi từ chiều tới giờ. Nó không chắc lão mặc áo màu gì vì thiếu ánh sáng quá, nhưng nó thấy rõ miếng vải áo rách phất phơ và cái quần ống cao ống thấp thảm hại của lão. Lão cũng tội, già cả mắt mũi tèm nhem mà còn lục lọi được trong bịch nilon đen xì giữa trời tối. Nó thắc mắc: “Con cháu lão đâu nhỉ? Đứa cháu nào lại để ông nội phải lặn lội thế kia, thật khó hiểu?”
Nó trở vào trong, rót ly nước, uống cái ực rồi cố ngủ, lởn vởn trong đầu hình ảnh ông lão đáng thương.
——–
– Cô ơi, lấy cho con chục gói mì ! Bao nhiêu tiền hở cô ?
– 30 chục. Sao hôm nay mày mua nhiều dzậy cu?
– À ! Con mua cho người khác – nó ậm ừ trả lời cho xong.
Thường ngày nó chẳng ăn mì nhiều đến vậy, cả tuần nay nó cố để dành được mấy chục. Nó cho rằng mua mì là tiện nhất. Mì gói vừa rẻ trong khả năng của nó, mà ông lão cũng tiện ăn bất cứ lúc nào.
Chuyện là, mấy đêm nay cứ hễ tới ngày nó đi vứt rác ông lão lại đến moi mấy bịch nilon như thể lão thuộc lòng cả lịch vứt rác của nó. Mỗi đêm thứ âm thanh sột soạt đó cứ vẳng vẳng trong đầu nó suốt, nó không rứt ra được hình ảnh đáng thương của lão. Chắc một phần cũng vì nó thương ông nội nó quá, đâm ra nhìn thấy lão nó cũng thương luôn. Nó nghĩ: “Thôi kệ, giúp được gì thì giúp, mình chỉ có thế này thôi!”. Nó nhớ có lần nó đọc trong Ma-thi-ơ 25 câu Kinh Thánh: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi không làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy, ấy là các ngươi cũng không làm cho ta nữa.”, vậy là nó nghĩ: đây là cơ hội để nó thực hành lời Chúa. Nó nôn nóng cho đến đêm để được giúp ông lão mấy gói mì.
Đêm nay thứ 6, theo lịch sinh hoạt Hội Thánh thì ban thanh tráng và trung lão sẽ kết thúc giờ nhóm lúc 9 giờ. Những buổi thứ 6 như thế nó thường ở ngoài sân giữ xe cho đến khi mọi người về hết. Mục sư luôn là người về cuối cùng. Trước khi về Mục sư bảo nó:
– Ngủ sớm nha con! Đêm nay trời lạnh. Chúc con ngủ ngon.
– Cảm ơn Mục sư!
Nó thừa biết, đêm nay ngủ sớm sao được, chừng nào kế hoạch của nó với chục gói mì cho ông lão chưa xong thì nó chưa ngủ. Nó chuẩn bị rồi, cũng kĩ lưỡng lắm. Ban đầu nó tính sẽ đưa tận tay cho lão nhưng nó sợ nếu làm thế lão sẽ ngại mà không nhận đồ cho của nó nữa. Nó cũng không muốn lão phải biết ơn hay trả ơn gì nó. Thành ra nó gói cẩn thận chục gói mì trong giấy báo rồi cho vào một bịch nilon đen nhỏ để không ai để ý, đặt bên cạnh mấy bịch rác lớn mà nó vứt hôm nay. Sau khi ông lão moi móc mấy bịch kia xong sẽ mở bịch nilon ấy ra mà thấy chục gói mì. Nó nghĩ chắc lão sẽ lấy thôi.
10h30 đêm, tới lúc rồi. Nó lững thững hai tay hai bịch nilon to đùng, lần này đặc biệt hơn còn thêm một bịch đen nữa ngậm trên miệng đựng món quà yêu thương của cả trái tim nó, lòng có hân hoan bước qua khoảng sân nhỏ ra đến lề đường. Trong tâm trí văng vẳng bài hát thiếu nhi quen thuộc nó học từ bé: “Hỡi bạn, bạn đã giúp ai hôm nay, yêu thương người như Chúa nhân từ”.
Đúng theo dự đoán của nó, gần 11h hơn lão già xuất hiện. Lần này xem ra lão còn đáng thương hơn lần trước. Trời lạnh, nó thắc mắc sao lão vẫn y nguyên bộ quần áo ấy – vải áo rách bay phất phơ và chiếc quần ống ngắn ống dài thảm hại. Cứ như lão không còn thứ nào khác hay ho để khoác trên người. Vẫn chỗ cũ, nó nấp sau cánh cửa sắp, áp mặt vào cái lỗ vuông theo dõi lão.
Lão già tội nghiệp mắt mũi tèm nhem trong bóng tối, mở vội mấy bịch nilon, thọc cái cây gỗ của lão moi móc sột soạt hết mấy bịch rác rồi cột lại như cũ. Lão nhận ra còn một bịch nhỏ nữa. Lão nghĩ: “Bịch nhỏ thế này chắc không có gì đừng lấy !”. Lão bỏ đi. Rồi bất chợt, lão chần chừ suy nghĩ lại. Một người moi rác luôn hiểu rằng: không cần phải bỏ thời gian để moi những bịch nilon quá bé, vì chúng chỉ thường chứa giấy vệ sinh, tả lót hay ly chén bể mà thôi. Và lão hoàn toàn biết điều đó. Nhưng có lẽ điều kỳ diệu nào đó đó khiến lão ngồi xuống, mở ra bịch nilon cuối cùng và thật bất ngờ: những gói mì hiện ra trước mắt lão dưới ánh sáng mờ mờ. Lão sung sướng vắt chúng lên lưng quần rồi trở ngược về nhà, không tiếp tục moi rác cho hết con phố như mọi khi.
Nó chứng kiến từ đầu đến cuối mọi nhất cử nhất động của ông lão. Trong bóng tối không rõ ràng, nhưng nó vẫn biết lão cười . Nó biết lão hạnh phúc. Và nó cũng hạnh phúc. Trong đầu nó toan ý đêm mai trong bịch nilon nhỏ đó sẽ là một bộ đồ, một bộ đồ thật ấm để lão mặc. Nó đóng cái lỗ vuông lại, vào trong nhà. Nó tạ ơn Chúa vì niềm vui vô tận từ sâu thẳm trong trái tim nó.
Nó ngủ ngon lành.
——
Tình yêu thương khiến cuộc sống trở thành những tháng ngày đầy thú vị. Nó kinh nghiệm được điều đó kể từ khi ông lão moi rác xuất hiện trước nhà thờ mỗi đêm nó đi vứt rác. Nó đem số tiền dành dụm cả tháng mua quần áo, mua đồ ăn, thậm chí cả mũ và dép và “tặng” ông lão theo cách đó. Và cứ thế, ông lão đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác mỗi đêm moi rác trước nhà thờ. Những lần sau lão trở lại, nó thấy lão mang đôi dép nó mua, mặc bộ quần áo nó tặng đang lom khom với đống nilon rác, lòng nó lại reo lên vui sướng. Cho dù nó hiểu rằng, lão sẽ chẳng thể nào biết được chủ nhân của những “món quà” kia là ai? Nhưng đôi khi nó cũng tự chất vấn: “Chẳng hiểu ông lão có nghi ngờ gì không? Mình giúp thế này cho đến chừng nào?”. Rồi nó tự trả lời: “Thôi kệ, đã giúp thì cứ giúp, chừng nào lão còn sống, còn đi ngang qua nhà thờ moi rác được thì mình còn giúp!”.
Nó đang định trong đầu một kế hoạch mới! Nó tin rằng: dù có cho lão bao nhiêu thứ đi nữa cũng không bằng làm sao cứu được linh hồn lão. Nó phải làm gì đó. Không thể cứ đồ ăn hay quần áo mãi được. Phải cho lão biết thứ quý nhất trên đời này là sự sống – là sự sống bình an trong niềm vui cứu rỗi mà chính nó kinh nghiệm. Nó chạy vào phòng chấp sự, đến cạnh tủ sách của ban truyền giáo. Chọn ra một quyển Kinh Thánh Phúc Âm Ma-thi-ơ. Nó tự nói với lòng: “Phải rồi !
Đêm nay trong bịch nilon sẽ là cuốn Kinh Thánh này, biết đâu lão đọc và được cảm động thì sao, chẳng phải cứu được cả linh hồn của lão. Lão cũng già quá rồi, chẳng sống được bao lâu, mình làm điều này ngay lúc này chắc không sai !”
——
Xe chứa rác là con quái vật kinh khủng nhất mà nó từng thấy. Hồi nó ở quê, nhà nào có rác cứ đào hố mà chôn. Từ ngày lên thành phố, đất chật người đông, nó hiểu ra chỗ ở còn không có, huống chi có chỗ đào rác mà chôn. Vậy là trong cuốn từ điển dày 18 năm cuộc đời nó, bổ sung thêm một từ mới: “Xe chứa rác”. Thứ xe lúc nào cũng bốc mùi hôi hám, có cái bồn xanh lá cây to đùng phía sau, bên trên có dòng chữ “vì một thành phố xanh sạch đẹp”. Mỗi đêm con quái vật đó chạy lần lượt từ nhà này sang nhà khác, nuốt đi hết số nilon rác bên lề đường.
Đêm thứ 7 với nó luôn là đêm bận bịu và khiến nó mệt nhất tuần. Nó phải lau dọn lại cả nhà thờ để chuẩn bị cho buổi thờ phượng ngày mai, giặt và phơi vội đống khăn lau ghế của các cô lúc chiều, hy vọng đến sáng mai thì khô kịp. Nó chà cho xong mấy tấm dậm chân, sắp ghế ngay ngắn, kiểm tra và thay giấy chùi trong các nhà vệ sinh… toàn những việc vặt nhưng khá nhiều. Không hề gì, nó quen rồi. Nó còn một việc quan trọng hơn phải làm đêm nay. Lòng nó lại nôn nóng như lần đầu tiên nó “tặng” lão chục gói mì. Nó sợ đêm nay nó làm lão thất vọng. Mọi lần vẫn là thứ gì đó ăn được, mặc được, lần này không biết thái độ lão sẽ phản ứng thế nào. Hồi hộp. Nôn nao.
——
11 giờ đêm. Đêm không sao, không trăng. Công việc đã xong. Đúng theo kế hoạch, nó mang rác và món quà đặc biệt ngày hôm nay ra lề đường, đặt đúng chỗ cũ, trở vào trong, áp mặt vào cái lỗ vuông mà theo dõi.
Cả bầu trời bỗng lóe sáng … rồi ẦM…ẦM….
Tiếng sấm làm nó giật bắn người, những hạt mưa đầu tiên nặng trĩu rơi lạch tạch trước thềm nhà báo hiệu một đêm mưa dữ dội.
“Chà, sao lại mưa, trời mưa liệu lão có đi moi rác không?” Nó lưỡng lự không biết có nên hoãn kế hoạch lại để đêm mai thực hiện hay không. Cuối cùng nó quyết định cố chờ thêm tí nữa, mặc cho ngoài trời mưa ào ào không ngớt. Gió lùa vào lỗ vuông ập vô mặt nó, lạnh buốt. Nó vẫn kiên nhẫn, mắt nó đăm đăm xuyên qua màn mưa nhìn về phía những bịch rác đằng xa, chực chờ sự xuất hiện của lão.
…
11h30 đêm, mưa càng dữ dội thêm – “Mưa lớn thế liệu cuốn Kinh Thánh có ướt không ta, chắc không sao, mình nhớ đã cột nó lại rất chặt rồi!”
…
Gần 12h đêm – Vẫn giữ nguyên tư thế, nó kiên nhẫn và chăm chú như không hề chớp mắt. Bỗng nó nghe trong tiếng mưa có tiếng động cơ kêu rì rì. Nó hoảng: “Chà, không xong rồi, nó sắp đến mang rác đi rồi, không chừng lại mang luôn cuốn Kinh Thánh!”
“Con quái vật” hôi hám lù lù tiến tới gần nhà thờ, ánh đèn xe làm khoảng sân dần sáng lên. Nó biết mình phải thật nhanh, chạy ù vào trong nhà lấy chìa khóa, nó mở cửa rồi lao vào màn mưa chạy ra phía lề đường. Nó phải chặn lại, cứu lấy cuốn Kinh Thánh.
– Khoan, khoan đã ! – Nó hì hục vừa chạy vừa la to.
Gã lao công vẫn vô tư, nhanh nhẹn chất từng bịch nilon lên thùng chứa. Tiếng mưa to quá khiến tiếng hô khẩn khoản của nó trở nên lạc lõng.
– Khoan, chú ơi, trả lại bịch rác cho cháu!
– Cái gì, mày nói gì! – Gã lao công vuốt mặt, mắt nheo nheo nhìn nó.
– Cháu muốn lấy lại bịch rác!
– Tao chất lên xe hết rồi, trộn hết trong đó, làm sao mà lấy lại được, rác thì phải vứt chớ! – gã hết sức ngạc nhiên trước lời yêu cầu của nó.
– Đó không phải rác, cháu chỉ để đấy thôi, chứ chưa vứt!
– Mày nói gì tao chẳng hiểu, đặt ở đây không vứt thì còn làm gì nữa, không lấy lại được đâu, máy trộn vào đó hết trơn rồi. Chịu, trời mưa to, vào nhà đi, để tao làm công chuyện ! – Gã bực mình, nhưng thấy khuôn mặt mếu mếu của nó, nên gã không chấp.
“Con quái vật” hững hờ đi, để lại nó nhìn theo giữa cơn mưa bắn xuống đất từng hạt đau buốt. “Thôi, đêm mai mình lấy quyển khác! không sao!”
Nó xoay người lại định trở vào nhà, thật bất ngờ trước mắt nó là ông lão khom khom như đứng tại đó tự lúc nào. Lão đã chứng kiến hết toàn bộ. Lão hiểu ra và giờ đây lão câm lặng nhìn nó với khuôn mặt đầy ngỡ ngàng giống như người mù lần đầu tiên được nhìn thấy những ngôi sao. Nước mắt lão ứa ra hòa chung trong màn mưa như muốn khóc thay cho lão. Và trong giây phút hai khuôn mặt lần đầu đối diện nhau đó, chẳng một ai nói nên lời. Nó không biết nói gì? Nó có cảm giác như mình bị câm. Mặc cho tiếng mưa cứ rào rào, rào rào.
Lão tiến lại gần nó. Dù không biết đâu là nước mắt, đâu là nước mưa nhưng nhìn khuôn mặt ướp nhẹp mếu máo của lão, nó biết lão khóc. Lão quỳ xuống ôm chân nó, nức nở:
– Ông cảm ơn!
– Cháu chỉ muốn tặng ông một món quà nhưng xe rác mang đi mất rồi! Để bữa sau cháu đưa tận tay ông!
Câu trả lời của nó làm nước mắt ông lão dàn dụa hơn. Lão đứng lên, vuốt vuốt khuôn mặt ướp nhẹp để nhìn nó rõ hơn, nhìn rõ người mà bấy lâu nay vẫn âm thầm chu cấp cho lão. Nghẹn ngào lão nói:
– Ông cảm ơn, chưa ai tốt với ông như cháu !
– Hôm nay cháu định tặng ông một quyển sách quý, cháu muốn ông biết về Chúa Jesus. Cháu làm chuyện này cho ông cũng vì Chúa Jesus.
Lão nhẹ nhàng nắm tay nó, trả lời:
– Ngày mai cháu dẫn ông đến gặp Mục sư, để ông hỏi Chúa Jesus là ai mà khiến cháu giúp ông nhiều như dzậy! Được không?
Nó gật đầu lia lịa, miệng nó cười tươi.
Kể từ ngày mẹ chết đến giờ, chưa khi nào nó cười tươi đến thế…
VI VI
Tuyển tập truyện ngắn VCNT 2013
|