Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / truyện ngắn / ÁNH TRĂNG MỒ CÔI

ÁNH TRĂNG MỒ CÔI

ANH TRANG

Cuối tháng năm, trời bỗng dưng mưa. Mưa xua tan cái nắng chói chang đầu mùa hạ. Mưa làm dịu đi cái nóng ran trong những ngày cơ thể tăng nhiệt ở tuổi dậy thì. Trời mát dịu, gió hiu hiu thổi nên mới chín giờ tối, Hoài đã say sưa ngủ vùi trong chăn.

Bà Sáu Duyên lay mạnh vào người Hoài, cất giọng khào khào:

– Dậy, dậy mau phụ tía mày khiêng đồ đạc ra xe!

Bật nhanh dậy như chiếc lò xo, Hoài nhìn ra cửa sổ. Ánh đèn leo lét hắt từ trong nhà ra, đủ để nó thấy một chiếc xe tải lù lù trong sân vườn. Nó lật đật phụ tía xách mấy cái va – li gỗ đặt vô hóc xe. Má nó ôm chiếc chiếu cói ra, trải dọc trong thùng xe. Tía và nó bồng các em, đặt nhè nhẹ xuống chiếu rồi đắp mền cho tụi nhỏ. Mấy nhóc ngủ ngon lành, chẳng biết “trời trăng mây gió” gì cả. Hoài ngồi sát bên bà Sáu Duyên, dựa vô thành xe bịt bùng, thì thầm thắc mắc:

– Mình đi đâu đây má?

– Ngủ đi. Con nít con nôi biết gì mà hỏi – Má nó càu nhàu.

Nó ấm ức trong bụng thầm nghĩ: “mình lớn rồi chứ bộ” nhưng không dám cãi mẹ nên ngồi im ru.

Chuyến xe xuyên qua  màn đêm đưa gia đình nó tới một căn nhà bên bờ sông, rồi tài xế quẹo xe “cái rẹt” chạy thẳng. Nói là nhà cho oai chứ đúng ra là cái chòi tranh cùng với những phên tre thưa thớt rung rinh trong gió như cái răng sắp rụng. Mấy đứa em hồn nhiên ngủ ngon ơ, riêng Hoài không ngủ được. Nó nín thở, gióng tai nghe tiếng tía nó thì thầm:

– Sốt ruột dữ. Sao giờ này chưa thấy thuyền tới rước?

– Đã gần nửa đêm rồi. Hay là mình bị họ lừa gạt…

Tía nó cắt ngang:

– Cái miệng ăn mắm ăn muối nói chuyện xui xẻo. Ông Năm Hủ với tui là chỗ thân tình, sao có chuyện bậy bạ đó.

Nó cố chong mắt lắng nghe, nhưng hai mắt sụp xuống lúc nào không biết. Tiếng thút thít của bà Sáu Duyên đánh thức nó dậy:

– Mình bị gạt thiệt rồi tía nó ơi! Tiền vàng bay hết rồi. Đang yên ổn lại tính chuyện vượt biên. Đã nói rồi mà tía nó không nghe …

– Nín đi cho tụi nhỏ ngủ. Để tui tính, tui đã có cách khác rồi.

Nó lại thiếp đi trong bóng tối. Nó thấy mình lội trong dòng nước lạnh ngắt. Lội hoài, lội mãi mà không tới bờ… Nó giựt mình choàng tỉnh. Thì ra nó nằm ngủ không chăn mền, gió lùa qua phên tre lạnh quá khiến nó nằm mơ.

Má nó ngồi sẵn bên nó từ lúc nào, nắm tay nó ngập ngừng nói:

– Mày …Ừm … Con nghe má nói đây. Con qua Phụng Hiệp ở với ông bà Hai Son giàu có cho sung sướng …

Lâu lắm rồi, má nó mới nắm tay nó và kêu nó bằng “con”, nó sững người chưa kịp nói gì thì tía nó đã kêu:

– Con Hoài ra tía biểu, lẹ lên coi.

Hoài lật đật ra trước chòi. Mới tờ mờ sáng, nó chỉ thấy bóng người đàn ông lạ đứng gần tía dù đã cố mở mắt to hết cỡ. Tía nó nói nhỏ giọng nhưng dứt khoát:

– Sáng nay theo ông Hai đây là ba nuôi của con về Phụng Hiệp ở nghe. Chịu khó mần công chuyện, ngoan ngoãn nghe lời. Hồi nào quỡn, về thăm má mày với mấy em. Nhớ tới chợ Bình Thủy, hỏi sạp Ba Bửu, ổng chỉ đường cho.

Hoài cúi đầu buồn rười rượi. Bất giác, túi áo căng phồng của ông Sáu Vinh, lộ ra một xấp tiền đập vô mắt nó. Nó nhanh chóng đoán ra, tía má đã bán nó cho một người xa lạ. Nó cắn chặt môi đến rướm máu, cố ngăn không khóc để nuốt nước mắt vô lòng. Nhớ lại những trận đòn đau như búa bổ mỗi lần làm trái ý tía má, nó rùng mình sợ hãi. Thôi thì đành nhắm mắt ra đi, mặc cho con nước cuộc đời trôi dạt tới đâu hay tới đó. Nó tránh nhìn tía má, quay nhanh vô chòi để thu xếp quần áo. Lòng nó đau đớn như kim châm vì nó dự cảm chia tay lần này chắc lâu lắm mới gặp lại các em. Nó cúi xuống hôn từng đứa em, đến phiên bé út Lệ, nó không nén khóc được nữa. Những giọt nước mắt chia ly mặn chát, đắng rát bờ môi rướm máu của nó… Nghe tiếng chân bà Sáu Duyên, Hoài quẹt nhanh nước mắt. Nó giận dỗi dặn lòng: “Nhứt định không khóc trước mặt tía má”. Xách chiếc giỏ nhỏ, nó lầm lũi bước theo người đàn ông hơi thấp nhưng ăn mặc tươm tất, sang trọng là “tía mới” của nó. Nó ngơ ngác nhìn ra bến sông. Một mảnh trăng đơn côi thấp thoáng cuối chân trời. Nó gào thét trong lòng cùng với trăng: “Trăng ơi! Tui cũng cô đơn, lẻ loi giữa cuộc đời này giống như trăng”.

*****

Suốt chuyến xe, nó không nói với ông ba nuôi xa lạ câu nào. Nó chỉ thầm nói với Cha của nó ở trên trời: “Chúa ơi! Con tin Chúa không bỏ con dù tía má đành đoạn bán con. Con đã cầu nguyện tin Chúa rồi mà. Sao chuyện này lại xảy ra với con?! …”.

Những khúc phim buồn lại quay lui trong đầu nó. Nó đau xót nhớ lại năm nó bảy tuổi, một buổi trưa vắng vẻ, cậu Tư đã đè nó vô hóc cầu tiêu. Ông cậu hàng ngày ức hiếp nó còn thô bạo lột hết áo quần nó ra, bóp ngắt, sờ soạng, làm đau đớn khắp thân thể nhỏ bé của nó. Nó ngu ngơ, khờ dại cứ tưởng đó là cách đánh đòn mới. Sau đó, ông cậu ác ôn còn hù dọa: “Mày mà nói với ai bữa nay bị tao phạt như vầy. Lần sau, tao sẽ phạt mày đau hơn rồi quăng xuống sông cho cá rỉa thịt luôn”. Nó khóc rấm rứt rồi lần này qua lần khác, cắn răng chịu đựng cách đánh đòn tai quái của ông cậu ác ôn.

Buổi chiều nọ, dân phòng dắt một người đàn ông đi khắp xóm Chùa, treo trước ngực tấm bảng ghi: “Tội phạm hiếp dâm con gái”. Chị Chuông lẩm bẩm:

– Con yêu râu xanh, độc ác hơn loài cầm thú, tử hình cho rồi.

Nó tròn mắt hỏi chị Chuông:

– Tội phạm hiếp dâm là gì vậy chị?

– Trời đất! Má em không dạy em hả? – Chị Chuông chép miệng, lắc đầu – Hiếp dâm là cưỡng ép, lột quần áo đàn bà, con gái ra rồi giở trò đồi bại và làm cho đau đớn đó.

Hoài lặng người trong chốc lát rồi chạy ù ra biển. Kiếm một hốc đá vắng, nó ngồi xuống gào thét cùng với sóng. “Má ơi! Sao má không dạy con…”… “Mình đã bị cậu Tư hiếp dâm mà ngu dại không biết…”… “Hiếp dâm … hiếp dâm… hiếp dâm”…, những từ đó cứ lặp đi lặp lại trong đầu Hoài khiến nó muốn nổ tung. Thủy triều lên, nước mắt hòa với bọt sóng mặn đắng bờ môi nó. Bóng trăng soi xuống biển, lấp lánh ánh bạc. Nó ngước lên nhìn trăng. Một vầng trăng khuyết lẻ loi trên trời cao. Từ đêm đó, nó tự đặt tên trăng khuyết là “trăng méo”. Méo mó như cuộc đời cay đắng, khổ đau của nó…

– Tới nơi rồi đó!

Câu nói ông Hai Son cắt ngang cuốn phim buồn trong đầu Hoài. Nó mở mắt thiệt to, ngạc nhiên nhìn chiếc cổng và căn nhà to lớn quá sức tưởng tượng của nó . Trước nhà trồng đủ loại cây kiểng tỉa thành hình con nai, con voi ngộ nghĩnh. Các loại hoa đủ màu vàng, đỏ, tím, hồng đua nhau khoe sắc. Bên lối đi có một hồ to hình bán nguyệt với bầy cá chép tung tăng và đài phun nước lăn tăn.

Ông Hai Son cười khà khà, nói với người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu vừa bước ra :

– Tui đem về cho mình một đứa con gái để bầu bạn nè. Từ nay khỏi than thở cậu ấm nhà mình đi học xa, nhà cửa buồn hiu nữa nghe.

*****

Thấm thoát, Hoài về làm con nuôi nhà ông bà Hai Son đã nửa năm. Nỗi nhớ nhà, nhớ em cũng dần nguôi ngoai nhưng nỗi buồn bị bán vẫn âm ỉ trong lòng nó. Hằng ngày, Hoài dậy sớm quét sân, tưới cây, pha trà rồi đi chợ, nấu cơm với mẹ nuôi. Bà Hai Son chỉ có một người con trai đi học xa trên tận Sài Gòn. Nhà cửa rộng thênh thang nhưng vắng tanh vắng lạnh. Có Hoài, căn nhà đỡ quạnh quẽ, lại có người chia sớt công việc và thủ thỉ chuyện trò nên bà coi nó như con gái. Ông Hai Son suốt ngày lầm lì uống trà, rít thuốc lào rồi đi thăm ruộng. Cơm tối xong, ông lại uống vài chung rượu rồi ngáy pho pho. Ba má nuôi không khi nào đánh đòn hay mắng mỏ Hoài. Được ăn uống đầy đủ, áo quần tươm tất, nó “trắng da dài tóc” trông thấy. Duy chỉ có một điều khiến Hoài chán nhất: Vùng đó chưa có nhà thờ, nó không được nghe lời Chúa mỗi tuần như lòng nó hằng mong ước. Niềm tin đơn sơ, tuổi đời non trẻ, chỉ mới tin Chúa có vài tháng lại không được học Lời Chúa nên Hoài vẫn như cây cỏ dại ven đường.

– Có ai ở nhà không, ra nhận điện tín đây – Tiếng bác đưa thư oang oang trước cổng.

Cầm bức điện tín trong tay, mặt mày bà Hai Son tái xanh:

– Cha hấp hối, mình ơi… – Bà Hai Son nức nở.

– Mình về quê liền đi. Sáng mai, tui thu xếp cho đám thợ gặt lúa rồi về sau.

Ông Hai Son vội vàng rồ máy chiếc xe Hon-đa năm mươi, chở vợ ra bến xe. Ngồi sau xe, bà Hai Son giọt ngắn giọt dài, còn ngoái cổ lại dặn dò:

– Nhớ chốt cổng lại, coi nhà cửa cho đàng hoàng nhen con.

Đêm xuống rất nhanh, Hoài vô buồng chốt cửa cẩn thận. Lần đầu tiên bà Hai Son vắng nhà buổi tối, tiếng thạch sùng tặc lưỡi sao mà não nề ruột gan. Tuy nó kêu ông Hai Son bằng ba nhưng vết thương năm bảy tuổi hằn sâu trong lòng, khiến nó luôn giữ khoảng cách an toàn với ba nuôi. Nghe tiếng ly tách khua lách cách, biết ba nuôi đang nhậu, nó nhắm mắt lại cố dỗ giấc ngủ.

– Hoài đâu? Điện cúp tối thui – Giọng ông Hai Son lè nhè –  Xách đèn dầu ra cái coi.

Hoài lọ mọ trong bóng tối, tìm hộp quẹt thắp đèn cầm ra cho ba. Vừa đặt chiếc đèn xuống bàn, cánh tay Hoài đã bị ông Hai Son nắm chặt. Mùi rượu nồng nặc xộc vô mũi Hoài khiến nó muốn lộn mửa. Ông thô bạo kéo nó lại gần, bứt đứt nút áo. Hai mắt ông đỏ ngầu nhìn hau háu vô đôi gò ngực nảy nở lộ ra trên làn áo lót. Đang run lên vì sợ và giận, Hoài vẫn ráng hết sức giằng tay ra, đẩy ông ngã nhào. Hoài bỏ chạy thật nhanh về hướng kho chứa bồ lúa. Sau lưng nó tiếng thủy tinh rơi loảng choảng hòa với tiếng la hét của ông Hai Son:

– Đứng lại mau…Tao giết mày chết, đồ phản chủ!…

Hoài vừa run vừa leo lên cái thang bắt sẵn ở bồ lúa. Lên tới, nó nằm vật ra đám lúa, hổn hển thở. May mà ông Hai Son đang say và cúp điện, mắt ông lại bị quáng gà, không thấy đường rượt theo nó. Thường ngày, chỉ có ông Hai Son leo lên mấy bồ lúa cao to này thôi. Luôn giữ khoảng cách với ông, nó không khi nào bén mảng tới gần mấy bồ lúa. Nó với mẹ nuôi như bóng với hình, hết đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa rồi chăm sóc cây và cá cảnh. Công việc trong căn nhà to lớn chiếm hết thời gian của hai má con. Nó ngao ngán thở dài: Đời nó lại tiếp tục bất an sau nửa năm làm con hờ rồi. Ba tiếng “đồ phản chủ” của ông Hai Son như dao khứa vô tâm hồn bé bỏng của nó. Nó mơ mộng hão huyền rồi, họ chỉ coi nó như con ở đợ không hơn không kém. Nó không muốn khóc mà những giọt nước mắt cứ đầm đìa rơi. Giá như nước mắt xóa nhòa được nỗi đau trong lòng nó, một con bé chỉ mới mười lăm tuổi mà cuộc đời đã lắm truân chuyên.

Một vệt sáng yếu ớt chiếu vô chỗ nó nằm. Nó kéo áo che gò ngực xuân thì rồi đi về phía vệt sáng. Hóa ra, vệt sáng đó phát ra từ khe cửa sổ nho nhỏ. Nó mày mò hồi lâu mới mở được cửa sổ. Nó ước gì gió và ánh trăng có thể xoa dịu nỗi đau khổ trong đời nó. Một áng mây vô tình bay qua che khuất nửa vầng trăng. Nó nức nở cùng trăng: “Trăng ơi! Con người cũng xấu xa với tui như mây kia vô tình với trăng.”.

Nó buồn rầu không nhìn trăng nữa mà nhìn lướt qua bồ lúa. Ánh trăng yếu ớt xuyên qua ô cửa nhỏ đủ để nó nhìn thấy một chiếc tủ. Tò mò, nó mon men tới bên chiếc tủ nhỏ. Nó kéo cửa tủ nhưng đã bị khóa cứng. Những ngày đi chăn bò, nó đã học lóm cách mở khóa của tụi thằng Sơn. Nó sực nhớ có cọng dây kẽm cột ngay khoen cửa sổ. Nhanh nhảu tháo cọng kẽm ra, nó đẩy vô ổ khóa xoay xoay. Loay hoay vài phút, rồi cái ổ khóa cứng đầu cũng bị nó mở bung. Mở toang cửa tủ, nó tưởng đâu bị hoa mắt, đưa hai tay dụi mắt lia lịa. Nhiều cọc tiền được xếp ngay ngắn đầy kín tủ. Bên trong góc tủ, còn có một bọc ni – lông lớn. Nó cầm cọc giấy trong bọc ni-lông ra, vừa đánh vần vừa đọc: “Giấy khai sinh…  Con: Nguyễn Thị Hoài Thu,… Cha: Nguyễn Văn Lộc,… Mẹ: Trần Thị Mơ Duyên,… Địa chỉ: 2020 Quốc Lộ Một – Đồng Nai…”

Nó bàng hoàng, ngạt thở như có ai bóp mạnh vào tim. Tía nó tên Nguyễn Văn Vinh kia mà. Sao khai sinh lại ghi Nguyễn Văn Lộc. Địa chỉ nhà ai mà lạ hoắc lạ huơ. Nó cay đắng nhận ra: “Mình là con ghẻ. Hèn chi mà tía má bán mình, đánh chửi mình như cơm bữa. Mình phải đi Đồng Nai tìm tía ruột của mình…”. Nước mắt nước mũi chảy tèm nhem, nhưng lòng nó đã quyết. Nó rút cọng kẽm, xỏ vô khuy áo rồi xỏ thủng vải xoắn tạm lại để che bớt gò ngực. Nó nhanh tay lấy vội giấy khai sinh cùng bốn, năm cọc tiền nhét vô hai túi áo bà ba với chiếc túi lận lưng quần đen. Từ nhỏ tới lớn, nó chưa bao giờ lấy trộm tiền của ai nhưng trong hoàn cảnh suýt bị ba nuôi hãm hiếp rồi phát hiện ra thân phận mập mờ. Nó nổi điên, nổi loạn nên tỉnh bơ lấy trộm tiền. “Dù gì mình cũng bị nghi oan ăn trộm hai lần rồi, có ai thương mình đâu. Lần này mình lấy thiệt luôn cho bỏ ghét. Mình chỉ lấy một ít tiền trong tủ coi như tiền mần công chuyện của mình, có lấy hết đâu”. Chưa ai dạy cho nó lấy trộm là phạm pháp, nó cũng chẳng được đi nhà thờ lấy đâu có Lời Chúa mà phân biệt đúng sai. “Hoàn cảnh tạo con người” quả là đúng với nó lúc này. Rón rén bước xuống thang, đi ra phòng khách, nó nghe tiếng ngáy pho pho. Chắc ông Hai Son ngấm rượu, đã ngủ say như chết. Khi nãy giằng co, nó bỏ chạy rớt dép nhưng nó không dám quay vô lấy. Nó móc chùm chìa khóa trong túi cạp quần ra, mở cửa nhà mà run như cầy sấy. Tiếng ông Hai Son lè nhè:

– Mày… chết… với tao.

Hoài giựt mình suýt đánh rơi chùm chìa khóa. Nó nín thở núp sau tấm màn cửa. Tiếng ngáy pho pho lại tiếp tục vang trong đêm thanh vắng. Thở phào nhẹ nhõm, Hoài đẩy nhẹ cánh cửa bước ra sân. Nó khẽ khàng mở khóa cổng rồi giấu chùm chìa khóa vô cái khe bí mật chỉ có nó và ông bà Hai Son biết. Nó lẩm bẩm: “Vĩnh biệt mẹ nuôi, vĩnh biệt…”.

Nước mắt biệt ly một lần nữa lại âm thầm rơi trong cuộc đời nó. Không dám chạy trên đường lộ vì sợ gặp người quen. Nó chui vô đám mía, cắm đầu cắm cổ chạy, mặc cho lá mía cắm vô da thịt đau điếng. Đôi chân trần của nó dường như mất cảm giác với cát đá, gai góc trên đường. Nỗi đau thân xác hay nỗi sợ rắn rít và bóng đêm xá gì với những tổn thương vò xé trong nó lúc này. Nó chạy thục mạng băng qua ruộng, qua những đám mía, đám bắp. Nó vừa chạy vừa hỏi Chúa của nó: Con là ai, con là ai, Chúa ơi?… Băng qua đám bắp, cặp chân bắt đầu mỏi rã rời thì một cái chợ lạ lẫm hiện ra trước mắt nó. Nó nằm vật xuống cái sạp trống. Mắt vô hồn nhìn ánh trăng chênh chếch, miệng nó vẫn lẩm bẩm: “Chúa ơi! Con là ai,… là ai, là ai?…”.

*****

VCNT 2015
Tiếng mấy con mèo hoang kêu ầm ĩ khiến nó giựt mình thức giấc. Trời tờ mờ sáng, nó ngồi dậy lấy tay cào mớ tóc rối bời, gỡ bông cỏ may và phủi bụi trên áo quần. Nó lờ mờ nhớ lại có đọc đâu đó trong Kinh thánh một câu hay hay:“Sự khóc lóc đến trọ ban đêm, nhưng buổi sáng bèn có sự vui mừng”.  Nó khoái chí nhớ lại chị Chuông thường nói: nó thông minh mà uổng, chỉ học tới lớp ba. Chị biểu nó phải siêng đọc sách vì sách là ông thầy khôn ngoan nhứt. Nghe lời chị, nó thấy chữ là chụp đọc liền với hy vọng sẽ thông minh thêm. Tươi tỉnh hơn một chút, nó vươn vai đứng dậy. Nó đi quanh chợ, kiếm được cái bịch ni-lông đen bỏ tiền vô, cột túm đầu lại. Chừa một cọc tiền trong cái túi lận lưng, nó lò dò tới hàng bánh canh kêu một tô dằn bụng. Chợ quê mở bán từ sáng tinh mơ chứ không như ở phố thị. Nó tìm mua những món đồ cần thiết như giỏ xách, áo quần và một đôi dép giả da láng lẫy. Mang đôi dép vàng khè, tròng chồng cái quần bông tím rịm lên cái quần đen, khoác thêm cái áo đỏ chót, cắp cái giỏ cam lè dưới nách, nó hỏi đường ra bến xe. Nó xếp hàng ngay quầy bán vé, cố tình đứng giữa đám phụ nữ, tránh xa mấy người đàn ông như tránh thú dữ. Tới lượt mình, nó hỏi mua vé đi Đồng Nai, cô bán vé nhìn nó từ đầu xuống chân, tủm tỉm cười:

– Mua vé lên bến xe Sài Gòn, rồi mới có vé mua tiếp đi Đồng Nai nha.

Nó bước lên xe, kiếm ghế ngồi rồi ôm cái giỏ khư khư, quấn mấy bận cho quai giỏ dính chắc trong tay rồi ngủ ngay đơ. Tới khi thằng lơ xe la om sòm, nó mới choàng tỉnh và lật đật bước xuống xe. Nó tới quầy, mua vé đi Đồng Nai. Chú bán vé nói:

– Còn ba tiếng đồng hồ nữa xe mới chạy, coi đi đâu chơi rồi tới giờ quay lại đi nghe nhỏ.

Leo lên vỉa hè, nó chong mắt ngắm phố phường Sài Gòn. Nó dán mắt vô mấy tòa nhà khổng lồ, cao chót vót, cửa kiếng sáng choang đến mỏi cả cổ. Tới một cửa hàng bán đồng hồ lấp lánh ánh bạc, ánh vàng sang trọng. Nó mê quá nên quên hết rụt rè, lò dò tiến vô phía trong say sưa ngắm nghía. Sau một hồi nhìn ngắm mê mệt, nó hào phóng mua ngay một cái đồng hồ với giá cao ngất ngưỡng mất đứt ba cọc tiền trong giỏ. Nó sung sướng đeo ngay cái đồng hồ vàng chóe lên tay mà chẳng biết đã đeo ngược hay xuôi. Từ nhỏ tới lớn, nó đã có đồng hồ đâu mà biết coi giờ. Mua xong món đồ ưa thích, nó quên mất quẹo trái hay phải để về bến xe. Thấy nó đứng lớ ngớ, cô chủ tiệm đồng hồ ân cần chỉ đường cho nó. Sợ lạc đường, nó ôm cái giỏ khư khư trước ngực vừa đi vừa chạy. Về tới bến xe, nó thở phào nhẹ nhõm. Mua vội ổ bánh mì và chai nước, nó nhảy lên xe Đồng Nai ngồi liền. Vừa ngấu nghiến nhai bánh mì, nó vừa dặn bác tài xế và chú lơ xe:

– Tới số nhà 2020 Quốc Lộ Một, Đồng Nai, kêu dùm con xuống xe nhen.

*****

Hoài tần ngần đứng trước căn nhà lầu hai tầng cũ kỹ, tường vôi đã rêu phong số 2020. Nó cài nút chiếc áo khoác màu đỏ chói, vuốt phẳng tờ khai sinh trong tay, rụt rè gõ cửa. Cánh cửa hé mở, chủ và khách đều tròn mắt, há hốc miệng nhìn vô mặt nhau. Cả hai người đều giựt mình thảng thốt: “Sao mà giống nhau đến lạ lùng, giống y như một khuôn đúc ra”. Sau phút ngỡ ngàng, người phụ nữ mở rộng cửa, dồn dập nói:

– Mèn đét ơi… Bé Thu đó hả con? Lớn dữ ác hông. Mau vô nhà đi! Sao biết nhà nội ở đây mà tới tìm? Ngồi xuống đây đi con.

Hoài run run đưa tờ khai sinh cho người phụ nữ thay cho câu trả lời. Liếc nhìn tờ khai sinh, bà ta vừa cười vừa nói:

– Con quên cô Ba là phải rồi. Hồi đó con nhỏ tí xíu mà.

Hoài rụt rè hỏi:

– Cô ơi! Ba con đâu rồi?

– Mẹ con không nói gì với con sao? Ba con – anh hai của cô là sĩ quan không quân. Má sanh con được bốn tháng thì ba con chết trận. Con giống ba dữ lắm nên nhà nội ai cũng cưng con hết. Sau năm bảy mươi lăm, má con dắt hai anh em con đi biệt tăm. Nhà nội đi kiếm tùm lum mà hổng gặp. Sau đó, ông bà nội con bịnh rồi mất cách nhau chừng hai tháng. Ơn Trời xui khiến, bữa nay con tìm tới đây – Cô Ba vừa nói vừa khóc thút thít. Hoài ngồi bên cạnh âm thầm khóc. Niềm vui tìm được ba đã tắt lịm trước hung tin ba nó đã không còn trên đời. Bao nhiêu nhuệ khí trong nó trôi mất trong thoáng chốc. Đầu óc quay cuồng, hai mắt tối sầm, nó ngã nhào xuống và không biết gì nữa.

“Hoài Thu ơi… Hoài Thu…” nó mơ hồ nghe tiếng ai kêu và mùi thức ăn thơm lừng đánh thức thị giác của nó. Mở mắt ra, nó thấy cô Ba ngồi cạnh giường đang bưng tô cháo bốc hơi nghi ngút. Cô Ba cất giọng sang sảng:

– Làm cô hết hồn! Nằm mê man cả buổi luôn đó. Chú Năm y tá nói con xúc động, mệt và đói, kêu cô bình tĩnh để con nằm nghỉ. Dậy ăn miếng cháo cho khỏe đi con.

Mệt mỏi và phiền muộn trong nó cũng trôi đi theo giấc ngủ dài. Nỗi buồn mồ côi vẫn còn nằm yên đâu đó nhưng nó có buồn vẫn phải sống, phải bước tiếp. Vậy là nó ở với gia đình cô Ba trong căn nhà nó tìm về với suy nghĩ sẽ là gia đình thật sự của nó. Căn nhà này của ông bà nội nó để lại cho cô. Cô góa chồng, chỉ có một đứa con trai tên Hi nhỏ hơn nó hai tuổi. Thâu đêm suốt sáng, Hoài bận bịu với nghề sản xuất chuối khô của cô Ba. Thấy Hoài học được một tuần, rành hết đường đi nước bước, cô Ba liền cho anh thợ nghỉ việc. Tờ mờ sáng, nó đạp xe ba – gác khoảng bốn cây số, chở cả xe chuối nặng trịch từ vườn về nhà. Nó lui cui cắt chuối, lột vỏ rồi ép và phơi khô. Cái bàn ép chuối của anh thợ cũ quá cao so với Hoài nên nó phải đứng trên cái ghế nhỏ để làm việc. Ngày nào cũng thức ép chuối  đến quá nửa đêm, nó ngủ gục té lên té xuống vì kiệt sức. Hai tháng sau, nó mới dám xin phép cô Ba đi nhà thờ. Niềm vui được hát Thánh Ca, học Kinh Thánh khiến nó vừa đi vừa ca hát suốt quãng đường dài. Về tới cửa, nó nín khe khi nghe tiếng thằng Hi hằn học:

– Má thuê ông Tí làm lại, đuổi nó đi đi. Tự nhiên rước nó về ở đây làm chi không biết. Coi chừng nó cướp nhà của mình…

– Có im ngay không. Nó làm giỏi mà không phải trả lương, lại ăn ít hơn thằng Tí. Lợi cả đôi đường.

– Con không thích đâu. Chủ nhựt là nó nhởn nhơ đi nhà thờ, con phải làm thế nó. Con ghét lắm…

– Ừ, để đó tuần sau má kiếm cách không cho nó đi nhà thờ nữa. Cục cưng nghe lời, tối có nó ở nhà làm, má dắt con đi coi xinê.

Hi hét to hơn:

– Xi-nê  gì chứ. Má đuổi nó đi mau chứ ở lâu nó cướp nhà của ông bà ngoại để lại cho má con mình đó.

Hai tai nóng bừng vì giận, Hoài đứng chết trân ngay trước cửa một chút rồi mới bước vô nhà. Nhẫn nhịn im lặng làm việc tới khi màn đêm buông xuống nhưng trong đầu nó đã có kế hoạch khác.

Má con cô Ba vừa ra khỏi cửa, dung dăng dung dẻ tới rạp xi-nê, Hoài liền quăng trái chuối đứng phắt dậy. Nó lấy giỏ thu xếp quần áo và tiền nong. Những lời nói “cướp nhà, ghét, không trả lương,…” của hai người ruột thịt trong gia đình cứ ám ảnh tâm trí nó. Nó bực bội: “Mắc mớ gì mình làm không công mấy tháng”. Mở hộc tủ đựng tiền bán chuối của cô Ba, nó thản nhiên lấy một cọc tiền rồi te te bước ra đường. Chuyến xe Vũng Tàu vừa trờ tới, nó vẫy tay nhảy phóc lên. Ánh trăng bên ngoài cửa xe mờ khuất trong màn nước mắt của nó. Ánh trăng mồ côi, bơ vơ trên nền trời như thân phận mồ côi của nó chưa biết rồi sẽ đi đâu về đâu…

*****

Lang thang trên bãi biển dưới ánh trăng miên man, nó lẩm nhẩm hát đi hát lại lời bản Thánh Ca “Vầng Đá Muôn Đời” mới học thuộc trong giờ nhóm sáng nay:

“…Bên gốc thập tự giá tôi quỳ
Bàn tay trắng chẳng bạc vàng chi
Nguyện ban áo phủ thân trần tôi
Cầu ơn cứu giúp kẻ mồ côi…”

Nó thích bốn câu Thánh Ca này lắm vì có từ “mồ côi” giống nó. Nó hát đi hát lại hoài với hai dòng nước mắt cứ tuôn dài.

– Hoài phải không? Đi đâu mà lang thang trên biển vậy em?

– Dạ…

– Mày bỏ đi, con Chuông chạy qua nhà anh chị kiếm mày đó. Không ở với vợ chồng nó nữa thì qua nhà anh chị ở. Anh chị trả lương cao cho em.

Như người sắp chết đuối vớ được phao, nó theo vợ chồng anh Trống – anh trai của chị Chuông liền. Nó thừa biết nó làm việc giỏi nên vợ anh Trống “chộp” nó ngay. Hồi nó còn ở với chị Chuông, vợ chồng anh Trống đã khoái nó tít mắt rồi. 

Ngày qua ngày, nó làm mấy công việc na ná như bên nhà chị Chuông khi trước: quét dọn nhà cửa, gánh nước, giặt đồ, nấu cơm, chăn bò rồi lau dọn tàu thuyền. Những đêm không trăng, biển lặng, nó dắt khách vượt biên ra bãi. Trước khi lên thuyền, họ thường quăng bớt đồ dùng cá nhân, túi xách đôi khi có cả tiền bạc lại trên bãi cát, bờ đá. Nó thu gom không sót món đồ nào xách về, hí ha hí hửng vì cũng có được số tài sản riêng kha khá. Nó dự tính gom được một ít tiền rồi sẽ qua bên kia bờ đại dương, bỏ lại sau lưng những đắng cay, tủi nhục, nhọc nhằn và nỗi buồn thất học của một đứa con mồ côi cha trong chiến tranh.

*****

Khuya nay, bầu trời không trăng không sao, tối đen như mực. Nó dẫn đầu đoàn người, lầm lũi hướng ra bãi vắng. Vừa đến nơi, chiếc tàu lù lù đậu sẵn trên biển tự lúc nào. Chắc bị “động” nên mọi người lũ lượt, gấp rút chen chân nhau lên tàu. Nó loay hoay trong bóng tối, cố ra khỏi đám đông nhưng không thể thoát ra được. Người đàn ông đứng đếm số lượng người lên tàu, đẩy nó theo dòng người lên tàu luôn. Nó bị đẩy vô góc hầm tàu với tấm thân trơ trọi, không nước uống, thức ăn, không một đồng bạc cắc. Nỗi sợ hãi, lo lắng bủa vây tâm hồn nó. Nó run run lẩm nhẩm những câu Thánh Ca nó hằng ưa thích như một lời nguyện cầu rồi thiếp đi lúc nào không hay.

Nó tỉnh dậy và nghe cổ họng đắng rát vì khát. Nó hỏi xin nước nhiều người nhưng ai cũng nói đã sáu ngày lênh đênh trên biển nên hết sạch nước rồi. Nó lò dò tìm đường lên boong tàu, màu mây quyện với màu biển, chẳng thấy đâu là bến là bờ. Trước mắt nó bây giờ, mây và biển loang loáng tím chứ không xanh như mọi ngày nữa. Bờ môi khô nứt như bờ ruộng dưới nắng hạn vì khát nước, hai mắt tối sầm vì đói, nó thầm kêu lên: “Chúa ơi! Xin cứu con”. Nó ngã xuống boong tàu và nghe loáng thoáng bên tai có tiếng ai đó reo lên mừng rỡ:

– Mưa rồi, mưa rồi!

Một làn nước mát lạnh chảy xuống đầu lưỡi nó. Bóng người con gái có mái tóc thắt bím lờ mờ trước mắt nó. Chị ta đỡ nó dậy, chìa cái chai nhựa vô sát miệng:

– Uống thêm chút nữa đi. Nhờ có mưa nên chị hứng được chai nước này đó.

Hoài lí nhí cảm ơn. Nó ngước mắt lên trời, cảm ơn Cha của nó đã ban một cơn mưa xoa dịu cơn khát của nó và mọi người trên tàu. Cha của nó biết rõ nó không có thức ăn, nước uống nên khiến nó ngủ mê mệt đến sáu ngày đêm. Rồi khi nó sắp chết vì đói khát và kêu cầu Chúa, Ngài nhanh chóng sai những đám mây tuôn xuống một cơn mưa phước lành ngọt dịu.

*****

Ngày thứ bảy lênh đênh trên sóng nước mênh mông, mọi người trên tàu đều vật vã và mệt lả vì đói và say sóng. Khi màn đêm buông xuống, không gian tối đen bao trùm xung quanh. Hoài có cảm giác như con tàu chỉ là một chiếc lá nhỏ trôi trên đại dương bao la. Ánh trăng méo mó vừa lên dường như không đủ để xua tan bóng đêm sợ hãi mênh mang giữa lòng đại dương. Nằm yên trên boong tàu, nghe tiếng sóng thét gào, nó ngỡ như tiếng la khóc của những oan hồn đã ra đi theo sóng gió trùng khơi mà người ta thường hay kể. Trong cơn ảo giác, nó rùng mình khiếp sợ.

– Sắp đến bờ rồi – Hai, ba người cùng la lên mừng rỡ.

Nó cố sức nhổm dậy ngước mắt nhìn. Xa xa, ánh đèn từ các ngôi nhà trong thành phố lấp lánh như những ánh sao đêm.

Nằm vật xuống, nó lại lịm đi không hay biết gì nữa.

Nó tỉnh dậy và tự hỏi không biết làm sao mà lên được đến bờ. Chắc có người khiêng hay dìu nó vô căn phòng này. Sau bữa ăn nhẹ, một phụ nữ xinh đẹp, trên tay cầm tập hồ sơ, tiến đến mỉm cười thân thiện hỏi tên nó. Nó suy nghĩ trong thoáng giây rồi ngập ngừng:

– … Dạ… Lục Bình… Dương… Thiên Lục Bình.

– Em điền thông tin cá nhân vô đây, rồi nộp ngay chỗ bàn gần cửa ra vào nhé.

Nó yêu những bông hoa màu tím buồn man mác trên sông nên buộc miệng khai tên Lục Bình. Dặn lòng quên đi đoạn đường đầy nước mắt tủi hờn đã qua với thân phận mồ côi, nó tự đổi luôn họ tên. Nó thêm Thiên vô trước tên vì nó tin Thiên Chúa là Cha nhân từ luôn chăm sóc nó.

Nó quay sang hỏi người ngồi bên cạnh:

– Đây là đâu hả chị?

– Đảo Bidong, Mã Lai đó nhỏ .

Với vài bước chân nhẹ tênh như gió bay, nó đến ngạch cửa, ngước nhìn lên cao. Vầng trăng lẻ loi soi trên nền trời nhưng nó không gọi tên trăng là “méo” hay “mồ côi” nữa. Nó biết rõ Cha nhân từ luôn chăm sóc, dẫn đưa từng giây phút cuộc đời nhỏ bé của nó như câu Kinh Thánh: “Nhược bằng tôi lấy cánh hừng đông, Bay qua ở tại cuối cùng biển, Tại đó tay Chúa cũng sẽ dẫn dắt tôi, Tay hữu Chúa sẽ nắm giữ tôi. (Thi Thiên 139:9-10)”.

Trăng ở vùng đất tự do này sao đẹp dịu dàng đến lạ. Nó mỉm cười thỏ thẻ cùng trăng:

Trăng ơi! Trăng khuyết chút thôi
Tên trăng chẳng phải “mồ côi” nữa rồi.
Lục Bình trôi giữa dòng đời
Ơn Cha dẫn lối đến trời tự do.

                                                                    Sài Gòn, mùa trăng tháng ba

kim cuong
                                                                                   DIÊN VĨ

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn