Năm 2005, tôi về Việt Nam thăm quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn và nuôi dưỡng tôi trưởng thành, có con gái đi cùng. Lãnh hành lý xong, chúng tôi ngồi nghỉ nơi ghế dài trước phi trường, chờ con đến đón về. Góc kia một phụ nữ tóc hoa râm đứng nhìn tôi không chớp mắt. Bỗng bà ta chạy đến “có phải Xuân Đồng Ngỗ đó không?” Tôi bàng hoàng cố nhớ: chắc là cô bạn gái năm xưa cùng ăn bắp rang trò chuyện, cùng nằm ngủ say sưa bên cửa sổ, có mẹ già đau yếu lâu ngày rồi qua đời, cô phải nghỉ học rồi biệt tích luôn, tôi đã thẫn thờ tìm kiếm một thời gian đây mà. “Đúng rồi Xuân Đồng Ngỗ đây, có phải Hương lùn đó không?” Thế là chúng tôi tay bắt mặt mừng, ôm nhau thân thiết, chưa kịp mở lời nào thì con tôi đến. Tôi kéo bạn cùng hành lý bạn lên xe về nhà con với tôi luôn. “Hương ơi, hiện giờ Hương ở đâu? Làm nghề gì? Chồng con thế nào?”
Năm ấy, mẹ Hương qua đời, Hương trở thành trẻ mồ côi ở tuổi thơ ngây, cộng thêm món nợ lo thuốc thang cho mẹ nặng oằn vai. Tủi thân xót phận, Hương không dám gặp bạn bè, Xuân có trách Hương không? Thương không hết còn trách móc gì? Hương biết không? Mấy lần đến nhà bạn thấy cửa đóng then cài, Xuân hỏi thăm các nhà kế bên, họ đều nói không biết rõ. Xuân đành mất tin tức Hương từ đó. _ Lúc ấy Hương theo chị Nghi xóm trên đi buôn hàng lậu, kiếm lời trả nợ. Đang là cô gái nhỏ chỉ biết ăn chơi, học hành, biết ngửa tay xin tiền mẹ để tiêu pha… Rồi mẹ đau lo thuốc thang nuôi mẹ, mượn tiền chỗ này chỗ nọ ghi sổ chờ mẹ lành bệnh, đồ đạc quý giá trong nhà cũng lần lần bay đi nhưng bệnh mẹ không qua khỏi. Mẹ nằm xuống, Hương thấy bơ vơ, đành nuốt lệ theo người tập tành buôn bán.
Có anh Triển cùng thôn, lớn hơn chúng mình vài tuổi, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được đời dạy khôn, quen biết Hương, thường giúp đỡ Hương. Rồi hai đứa thân nhau có gì cũng kể cho nhau nghe. Một hôm anh rủ Hương theo chú Ngôn vào Nam lập nghiệp. Đến ngày, ba người lặng lẽ ra đi, cực nhọc trăm bề, lần hồi đi đến cầu Ông Lãnh. Chú Ngôn thấy nơi đây dễ làm ăn. Chú quyết định tìm mua căn nhà cũ nơi đó làm chỗ trú thân mưa nắng cho ba người. Xong xuôi chú chạy xích lô, anh Triển và Hương bán trà đá, có lúc bán cà rem, bánh mì dạo mới ra lò… hầm bà lằng đủ thứ. Cả ngày Hương lo buôn bán chạy đôn chạy đáo ngoài đường, quần áo xốc xếch nhưng cảm thấy vui theo thời gian, không biết mình đã thành thiếu nữ lúc nào. Một hôm cơm nước xong, chú Ngôn trịnh trọng nói: Triển lớn rồi theo chú đạp xích lô, còn Hương bán bánh mì thịt một chỗ nhất định để chú lo cho. Hai đứa lớn bộn rồi, không làm nghề con nít nữa. Hai đứa nhìn nhau, bắt đầu e thẹn. Năm sau một hôm chú bảo Hương làm mâm cơm cúng ông bà, chú khấn vái xin làm cha đỡ đầu và làm chủ hôn xe duyên kết tóc cho chúng tôi nên vợ thành chồng, nương tựa nhau đến đầu bạc răng long.
Mười năm sống chung trôi qua, chúng tôi vẫn không có mụn con nào, nhưng việc làm ăn thì càng ngày càng khấm khá, chú Ngôn thì già yếu ở nhà trông nom nhà cửa. Thời gian này ít bận rộn, chúng tôi tìm cách tiến thân, ban ngày buôn bán, ban tối tìm trường học thêm, không nghỉ học buổi nào, khuya về học bài làm bài. Ba năm sau, hai đứa cùng đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp, vui tràn trề! Sẵn đà, Hương khuyên anh Triển học tiếp lên Tú Tài và xin vào làm thư ký một hãng buôn xe đạp trong Chợ Lớn. Hương vẫn bán bánh mì buổi sáng, buổi chiều học may quần tây áo sơ mi. Sắp thành nghề, Hương định mở tiệm may tại nhà. Không ngờ ý định chưa thành thì anh Triển bị ung thư bao tử rồi qua đời. Hương như kẻ mất hồn một thời gian. Mộng về quê thăm chồng chất trong lòng hơn mười năm qua trở thành mây khói.
Năm 1975 mọi người nhốn nháo xôn xao, tìm đường trốn chạy ra ngoại quốc. Hương không nỡ rời xa nơi còn phảng phất hồn người thân. Thời gian dần trôi, Hương quen chị Tuyết người có đạo Tin Lành, chị ấy rủ Hương đi nhà Thờ. Lần đầu tiên đến nhà thờ, Hương có cảm tình ngay về sự tiếp đón niềm nỡ của các tín đồ nơi đây. Hương dần phai nỗi buồn nhớ và bắt đầu làm con cái Chúa. Dạo này Hương buôn bán đắt, được chú Ngôn thương yêu như con đẻ, được lối xóm thân tình. “Ta ban cho con sự bình an” Giăng 14:21. Ít lâu sau, chị Tuyết rủ Hương cùng vượt biên có cả con trai chị, chú Ngôn ở lại vì già yếu. Tối đó, ba người lặng lẽ thuê xe đến chỗ hẹn, chờ ám hiệu. Đêm đó là 2-9, các chú công an biên phòng tiệc tùng say mèm. Gần nửa đêm, chủ ghe đến rước chúng tôi ra khơi, đến tàu lớn, bình an vô sự. Cảm tạ Chúa.
Gần khoảng 2 giờ sáng đèn trên bờ rọi sáng trưng, mọi người trong tàu mặt không còn chút máu, rầm rì cầu nguyện thần mình che chở. Tôi nhớ đến câu kinh thánh “ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu” tôi bèn không ngừng cầu nguyện: Chúa Giê-Xu cứu con. Bỗng mây kéo đến tối đen bầu trời, mưa rơi xối xả mịt mù. Đèn soi mờ dần rồi tắt hẳn, mưa gió bắt đầu lặng yên. Chúng tôi thoát nạn, mừng vui khôn tả! “Ta sẽ ban phước cho con” phục truyền 7:13. Cảm tạ Chúa. Tàu khởi sắc tiến nhanh, mọi người trong tàu hoan hỷ chia sẻ lẫn nhau từng ly nước ngọt. Tàu cập bến, phần đông đàn bà con nít ngất ngư, kẻ xỉu, người dìu, cùng nhau lên đất liền, được đưa đến nơi tạm trú, được nghỉ ngơi hoàn hồn, được phát phiếu thực phẩm, cùng chờ đợi thanh lọc để được đến nước thứ ba.
Chị Tuyết liên lạc cùng người anh cả chị đã qua Mỹ trước ngày 30/4, bảo lãnh ba chúng tôi cùng qua Mỹ tại tiểu bang Pennsylvania vào năm 1978. Cảm tạ Chúa đã che chở chúng tôi đến nơi an toàn! Đến nơi anh cả lo dẫn chúng tôi: đi xin giấy tờ, đi khám sức khỏe, xin vào trường cho bé Tuấn Khanh, Tuyết và Hương vào trường Anh Văn người lớn. Vào đây gặp được các cô gái Việt tha hồ hỏi thăm mọi việc: việc làm, tìm Hội Thánh Tin Lành, tìm hiểu các tuyến đường xe buýt chạy… Một tháng sau Hương dọn đến nơi cư ngụ mới, lãnh đồ về may tại nhà. Tuyết xin vào hãng lựa trái cây. Tình cảm chúng tôi vẫn khắng khít nhau như chị em một nhà. Năm sau Hương chuyển qua học làm móng vào ban ngày, ban đêm vẫn may gia công.
Hiện tại Hương có tiệm nail riêng, có nhà có xe trả góp, đã giã từ nghề may học được bên Việt Nam. Hương vẫn đều đặn đến nhà thờ để thờ phượng Chúa mỗi Chúa Nhật và tham gia sốt sắng mọi công tác cùng Hội Thánh. “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời” I Phi-e-rơ 4:10. Giờ đây về thăm chú Ngôn thăm gia đình anh chị hàng xóm tốt bụng thường giúp đỡ chú Ngôn những khi trái gió trở trời. Đó là gia đình ở Việt Nam đầy ắp nhớ thương của Hương. Bây giờ đến lượt Xuân kể cuộc đời của Xuân cho Hương được biết.
Hương biệt tích vào đầu năm đệ lục năm 1950. Cuối năm học ở mỗi lớp đều có giáo viên hướng dẫn học sinh thi đua thách bắt quyên tiền và xung phong đi lính làm liên lạc viên, làm công tác dân vận. Thanh lọc lại chỉ thấy phần đông là học sinh con địa chủ, học sinh chưa vào đảng, học sinh con thường dân học dốt nhưng có tài ăn nói. Khờ khạo như Xuân may mắn lọt sổ được ở nhà học tiếp. Đầu năm 1951, chương trình học được cắt xén bớt nên các lớp được rút ngắn lại. Cấp hai cũ học trong bốn năm thì nay còn học trong ba năm, cấp ba còn hai năm, học đến lớp chín là hoàn tất bậc trung học. Bởi vậy học sinh các lớp đệ lục được thi lên lớp 7, nếu đậu sẽ học chung với học sinh đệ tam cũ mới lên, học sinh đệ tứ ở lại. Có sáu học sinh đủ điểm được lên lớp 7, trong đó có Xuân. Năm học này phải đi học từ lúc gà gáy mang theo đèn dầu, học đến trời vừa sáng rõ là tan trường, vì Pháp tăng cường thả bom những nơi đông người. Tan học về nhà, học sinh lo đào hầm trú ẩn tại nhà trọ, tại trường, không thuê mướn người đào hộ, cực nhọc đổ mồ hôi cục. Ngoài ra phải tự đi chợ, nấu ăn lấy, không ăn cơm tháng nữa, học bài làm bài vào giờ trống. Tất cả đều tự cấp tự túc, nhà nước bóc lột triệt để chất xám của tuổi đang lớn.
Đầu năm 1952 Xuân lên lớp 8, chính trị được đưa vào nhà trường, lồng vào mọi môn, mọi sinh hoạt, đi họp tổ liên miên, Xuân như kẻ đi lạc, học thụt lùi. Cuối năm Xuân không được lên lớp, giã từ giấy bút, về nhà tập làm nông không có ngày nghỉ, thở không ra hơi. Năm 1954, phong trào đấu tố địa chủ thâm độc diễn ra, cải cách ruộng đất gắt gao. Xuân trở thành kẻ làm thuê kiếm cái ăn hàng ngày, nhưng vẫn là giai cấp bóc lột, bị chà đạp nhân cách, bị hất hủi quyền lợi… May thay giữa năm 1954 có tin mừng “đình chiến” ngày 20 tháng 7 năm 1954. Thế là Xuân được cởi ách, được mọi người ưu ái, Xuân bắt đầu đi vào con đường mới.
Xuân bắt đầu đi tìm bạn, tìm đường đi học lại, tìm nghề hợp khả năng. Vậy mà mãi đến năm 1958 Xuân mới thật sự là cô giáo cấp 1 chính thức, có lương hậu, đủ tiêu xài. Cuộc sống Xuân bắt đầu nở hoa, nhiều bạn bè rồi lập gia đình, có con đầu lòng thì ông xã bị động viên vào Thủ đức. Lúc bấy giờ quê hương chúng mình không được yên vì nằm vùng thường về ban đêm quấy nhiễu dân lành. Xuân xin đổi vào Sài Gòn dạy tiếp, rồi ở lại trong đó luôn từ 1964. Bốn năm sau ngày động viên, ông xã giãi ngũ về dạy học lại năm 1966. Tiếp đến quân đội Mỹ, các nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam khá đông, đồng lương công chức mất giá. Gia đình Xuân bắt đầu có mức sống eo hẹp nhưng Xuân vẫn muốn tiến lên. Xuân nhờ ông xã chở đi học thêm tại các lớp luyện thi cho học sinh ban ngày. Thế mà Xuân cũng đậu tú tài mới ngộ làm sao! Hai đứa mình giống nhau ở chỗ cùng muốn tiến thân trong lúc tuổi không còn non dại nữa. Nhưng Hương tiến thân trong hoàn cảnh dư ăn dư để, còn Xuân tiến thân trong hoàn cảnh thiếu trước hụt sau!
Năm 1975, ông xã đi tù, đồng lương giáo chức bấp bênh. Đời sống Xuân bắt đầu lam lũ, đói khổ qua nhiều năm tháng. Nhiều giáo chức sau giờ dạy học phải lặn lội làm thêm ngoài đời. Xuân không lanh lợi, lại một mình gánh vác thêm 6 con dại cần trông nom săn sóc, nên cả nhà đành húp cháo độn rau qua ngày. Cả con lẫn mẹ đều ốm tong teo! Lúc này có chị bạn cùng lô theo Công Giáo đưa quyển kinh thánh bảo Xuân đọc tìm hiểu. Những lúc rảnh Xuân lật ra đọc, tới đoạn “Lót cùng hai con gái mình lìa bỏ đất Xoa, lên núi ở trong hang đá tránh nạn. Cô lớn nói cùng em mình, cha ta đã già mà không có ai trên mặt đất đến sánh duyên cùng người để lưu truyền dòng giống cha lại. Thế rồi 2 con gái của Lót do nơi cha mình mà thọ thai.” Đọc tới đó, nghĩ không thấu đáo, Xuân cho là loạn luân, không thể chấp nhận được nên làm lơ luôn.
Cuối năm 1980, ông xã đi tù về, không được dạy học lại, theo bạn bè đến Hội Thánh Tin Lành nghe giảng đạo Chúa. Ông tin Chúa và nhận lễ Báp tem. Thời gian này xuất hiện chương trình HO, các quân nhân công chức chế độ cũ đi tù Cộng Sản được ra đi có trật tự. Mọi quân nhân công chức trong guồng máy chính quyền cũ, những người làm sở Mỹ đều náo nức đi săn tin rồi hy vọng, nghe ngóng, đợi chờ. Gia đình Xuân đủ điều kiện vì ông xã đi tù trên 5 năm và được Hội Thánh Tin Lành bên Mỹ bảo trợ đến California, đất nước Hoa Kỳ năm 1993. Vừa bước chân xuống đất Hoa Kỳ đã có Mục Sư bảo trợ đến đón chúng tôi về nơi tạm trú mà Mục Sư và Hội Thánh đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cần dùng trước. Qua ngày sau Mục Sư dẫn chúng tôi đi lo giấy tờ, khám sức khỏe, tìm việc làm, học Anh ngữ, mọi việc cần thiết… Mục Sư còn lo xe chở gia đình Xuân đến nhà thờ mỗi sáng Chúa Nhật để thờ phượng Chúa và sinh hoạt thông công cùng Hội Thánh. Xuân vui vẻ lạc quan, không cần toan tính.
Mới ngày nào Xuân còn trăm lo ngàn tính để bao tử khỏi trống rỗng, thì giờ đây mọi thứ cần dùng đều sẵn sàng bày ra trước mắt, còn được nghe giảng lời Chúa hàng tuần. Xuân dần biết Đức Chúa Trời dựng nên vũ trụ, biết gốc tích con người từ đâu mà có, biết Đức Chúa Trời ban ân điển cho con người, biết Đức Chúa Giê-Xu đã lấy thân và huyết mình để chuộc tội cho nhân loại, trong đó có Xuân… Nhưng lúc ấy Xuân còn mê muội cứng lòng, chỉ biết hưởng thụ, tụ tập vui chơi, biết ích kỷ cá nhân, lu mờ việc hy sinh cao cả của Đức Chúa Giê-Xu!
Mãi đến năm 1997, sau trận mổ tim sống chết, các anh chị em trong Hội Thánh thường xuyên đến thăm nom săn sóc Xuân một cách chân tình. Xuân bắt đầu hối hận, chờ ngày mạnh khỏe, sốt sắng đi sinh hoạt cùng Hội Thánh rồi xin nhận lễ Báp tem tin nhận Chúa Giê-Xu Christ là Cứu Chúa đời mình vào năm 1998. Từ đó Xuân bắt đầu đi nhà thờ thường xuyên, ham thích đọc kinh thánh, cố làm theo những điều Chúa dạy. Rất tiếc bản tính Xuân ít nói, chậm chạp, lại kém tài nên thân mật chia xẻ cùng anh chị em trong Hội Thánh không được như ý muốn, Xuân sẽ cố gắng bản thân. “Ta nói cùng các ngươi, hễ điều gì mà các ngươi buộc dưới đất thì sẽ buộc ở trên trời và điều gì mà các ngươi mở ở dưới đất thì cũng sẽ mở ở trên trời.” Mathiơ 18:18. Câu kinh thánh trên đây nhắc nhở Xuân phải tập lòng thương xót bao la để tha thứ mọi lỗi lầm của đối phương.
Hương ơi, cuộc đời hai ta ví như 2 dòng sông từ nguồn chảy ra bên nhau, êm đềm quấn quit vui chơi, học hành suốt dòng thơ ấu. Rồi sông Hương gặp trở ngại, lặng lẽ quay sang lối khác, càng ngày càng cách nhau biền biệt. Hai sông ta xảy ra biết bao thăng trầm, vui sướng cùng khổ đau đều có cả nhưng nào ai biết để chia sẻ cùng nhau. Nhưng hạnh phúc nhất là cuối đời chúng ta đều có Chúa dìu dắt chở che đi trong bình an vô sự. Rồi đây hai ta được Chúa dìu chảy vào đại dương đời đời có nhau.
Trên quả đất này đâu chỉ có hai sông chúng ta? Có vô số sông đào nhởn nhơ uốn khúc: dài có, ngắn có, rộng có, hẹp có, gầm rú có, hiền dịu vuốt ve có, biết nhau có, chưa từng biết nhau có… đa hình đa dạng kể sao cho xiết. Lại thêm có sông nào suy nghĩ giống sông nào? Nảy sinh nhiều thắc mắc: ai đã sinh ra mọi loài trên quả đất? Loài người được sinh ra để làm gì? Tại sao có kẻ sinh ra đã giàu sang sung sướng? Có kẻ phải khốn khổ suốt đời vẫn không đủ no? Biết bao nghịch cảnh đã xảy ra trùng trùng lớp lớp? Biết bao thuyết minh có tính cách khoa học của các nhóm vô thần và tôn giáo đối đầu nhau nhan nhản? Sao ta không cùng nhau bình tâm xem lại hằng hà sa số kinh nghiệm xảy ra trên cõi trần? Chẳng hạn như chuyện một người bơi lội giỏi bị chết đuối trên dòng sông không sóng gió vì bị vọp bẻ thình lình? Lại có một đại gia đang mạnh khỏe nảy sinh đi du lịch. Anh ta đang để hồn ngắm cảnh say mê trên chiếc xe với tốc độ nhanh, đụng phải vật cản, xe lật ngã lộn nhào, anh ta tắt thở cùng vài người xấu xố…
Nghĩ cho cùng thì bất cứ sông nào dù thất bại đắng cay hay dù thành công mỹ mãn, cũng không quyết định được kết quả ngày mai. Phải chăng “các tầng trời được làm nên bởi Đức Giê-hô-va, cả cơ binh trời bởi hơi thở của miệng Ngài mà có” Thi Thiên 33:6. Mọi việc trên thế gian đều vận chuyển theo chương trình của Đức Chúa Trời đã định sẵn! “Đáng chúc phước thay là kẻ nhờ cậy Đức Giê-hô-va, và lấy Đức Giê-hô-va làm sự trông cậy mình. Nó cũng như cây trồng nơi bờ suối đâm rễ theo dòng nước chảy, ngộ khi trời nắng, chẳng hề sợ hãi mà lá cứ xanh tươi. Gặp năm hạn hán cũng chẳng lo gì, mà cứ ra trái không dứt.” Đối chiếu câu kinh thánh này trùng khớp với những kẻ đã biết Chúa, tìm hiểu Chúa, và làm theo những điều Chúa phán.
Chúng tôi là một chi thể trong các chi thể của thân Chúa. Chi thể nào cũng lo làm tròn trách nhiệm mình, không so bì địa vị cao thấp, nhiều ít, giúp đỡ dìu dắt nhau cùng học hỏi trong tình yêu thương, chia xẻ thật tình mọi hiểu biết cho nhau, một lòng làm rạng danh Ngài, cần thiết biết bao! “Nếu ai muốn làm đầu, thì phải làm rốt hết và làm tôi tớ mọi người.” Mác 9:35.
Tôi đây chỉ là kẻ tài sơ trí thiểu nhưng đã quyết một lòng tin Chúa, nghe lời Chúa dạy và làm theo, dù chỉ làm được một điều nhỏ trong mọi điều Chúa dạy nhưng chắc chắn, dốc tâm thực hiện đến nơi đến chốn, không bỏ dở nửa chừng, là đã thành công!
XUÂN SACRAMENTO |