I/ Hoàn cảnh của nó
Nó ngồi đây nhìn ra biển mơ màng. Khi thấy những chiếc thuyền buồm ra gần tới đảo, những cánh buồm chỉ còn là những chấm trắng nhỏ dần. Nó đảo mắt mông lung nhìn khắp biển, biển hiền hòa, biển êm mướt quá chừng. Có lẽ biển đang hát cho gió đàn trên lá thông reo.
Tròn 8 tuổi Thiên Bảo đã mồ côi cha lẫn mẹ. Nó như in trong đầu hai năm trước đây, lớp một của nó được Thầy cho về sớm hơn mọi ngày. Trường nó học chỉ là ngôi nhà ngói năm gian bỏ trống, phía trước là một sân đất khá rộng làm sân chơi cho bọn nó. Ngôi nhà nầy là của bà Phán Phùng, bà bỏ để đi ra Đà Nẵng ở sinh sống với con cái. Chính quyền địa phương dùng tạm để dạy một vài lớp học trong khu dồn ấp chiến lược thời chiến tranh.
Khi lớp nó bãi thì có một quả bom Mỹ thả lạc xuống ngoài đồng ruộng xa xa. Có một người và một con trâu bị chết. Người dân trong làng đổ xô ra xem, nhốn nháo. Quả bom thứ hai lại đổ xuống ngay trong sân trường, loại bom đào nặng cỡ 500 kg. Một tiếng nổ long trời lở đất, dân trong làng chết và bị thương nhiều lắm. Thiên Bảo đã bị một miểng đạn thật nhỏ cắm vào đầu, không thấy máu me gì cả. Nhưng cậu bé đã mềm nhũn trên tay mẹ nó. Mẹ vác nó chạy xuống đồn Mỹ cách đó vài trăm mét. Giòng người bị thương bò lết, khiêng chạy tấp nập về đồn. Mấy chiếc trực thăng Uh1a Mỹ hạ xuống cất lên liên tục để đưa nạn nhân về Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cấp cứu. Mẹ nó lao vào máy bay, gió từ cánh quạt quá mạnh xô ngã mẹ nó. Một lính Mỹ ôm nó lao vút vào trong máy bay đuổi mẹ nó ra ngoài. Một thời gian sau ba mẹ nó cũng chết vì bị đạn pháo kích từ phía bên kia vào đồn Mỹ nhưng lạc ra khu dân cư gần đó.
Giờ nó ngồi đây chỉ biết mình là đứa trẻ mồ côi. Đang ở trong Cô nhi viện Tin Lành Mỹ Khê Thành phố Đà Nẵng. Nó còn nhớ một cách mơ hồ, sau khi nó tĩnh lại thì thấy mình đầy dây nhợ máy móc, chung quanh nó toàn là người nước ngoài. Rồi một ngày nó được một bà Bác sĩ người Đức dìu nó ra boong tàu, nó ngơ ngác nhìn đại dương bao la sóng vỗ. Rồi tiếp những ngày sau đó nó được đưa vào đất liền nằm chung với lính Mỹ bị thương tại bệnh viện Nhi đồng Hòa Khánh Thành phố Đà Nẵng.
Sức khỏe nó đã hồi phục nhanh chóng, được đưa về địa phương. Nhưng cha mẹ nó đã chết nên người ta giao nó cho người Bác họ để nuôi nó. Một ngày nó được hiện hữu tại Cô nhi viện Tin Lành Mỹ Khê nầy. Ngày xưa nó biết cha mẹ nó là người tin Chúa, nó được đến nhà thờ Tin Lành đôi ba lần. Nó vẫn biết nó yêu Chúa Giê-xu nhiều, nhiều lắm. Cha mẹ nó chết sớm, bác họ là người không tin Chúa nên tìm cách gữi nó cho một Tổ chức từ thiện nào đó hay đưa nó đến một nhà chẩn bần. Có lần ông đã đem nó gửi vô chùa Phật giáo Phổ Quang. Nhưng ngày đó nhà chùa vắng người nên ông mới đem qua Cô nhi viện Tin Lành Mỹ Khê có xa hơn một chút.
Bây giờ nó đang ngồi đây. Chiều Mỹ Khê với bãi cát vàng tít tắp, sóng biển từng cơn ập vào, nó ngồi nghe lá thông reo…
Không biết nó đang vui hay đang buồn. Cảm giác vui vui man mác vì con sóng lăn tăn, như hồn nhiên, như vô tư trong tâm hồn ngây dại của nó. Cảm giác buồn buồn xen lẫn vì tâm trạng nó đang mồ côi quạnh quẽ. Những cánh hải âu chao nghiêng làm cho nó nhớ cha mẹ da diết. Không biết ngày xưa khi mẹ nó mất thì ba nó hay cứ hát bài “Nó” của nhạc sĩ Lê Minh Bằng:
“… Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ
Tuổi ấu thơ mang nhiều âu lo
Ngày nó sống kiếp lang thang
Ngẩn ngơ như chim xa đàn
Nghĩ mình tủi thân vô vàn
Mẹ nó qua đời khi còn tấm nhỏ
Một chén cơm chiều nên lòng chưa no
Hỏi ai? Ai cho nương nhờ
Chuỗi ngày tăm tối vô bờ…”
Về sau nó mới biết ba nó ra đời thì bà nội nó cũng vừa chết vì một cơn bạo bệnh. Chính vì lẽ đó ba nó hay nghêu ngao bài hát đó. Nó nghe hoài đâm ra thuộc lòng và thương cảm cho ba. Bà nội ra đi một thời gian sau ông nội cũng theo luôn. Nó như chợt tỉnh… Bây giờ nó đã khôn lớn từ trại mồ côi nầy. Nơi tình yêu được chắp cánh cho tuổi thơ của nó bay cao. Nhằm xóa đi những năm tháng lận đận trầm kha trong cuộc đời đầu xanh tuổi trẻ.. Nó được học lời Chúa, được sinh hoạt vui vẻ. Nó đã thực sự trưởng thành đôi chút. Thế nhưng có những đêm nó nằm gác tay lên trán ngẫm nghĩ đến thân phận côi cút của mình. Nó vẫn nhớ mấy câu thơ của Tường Lưu một thi sĩ Cơ đốc với cây bút đại thụ có hàng ngàn thi phẩm:
“… Nằm buồn giấc ngủ cô đơn
Vô tình khơi dậy nỗi buồn… xa xăm
Tiếng đêm… sầu lắng vào khuya
Hồn ơi! đã ngủ hay chưa… nỗi buồn.”
Thách đố Tâm Linh 12
Một ngày…
Ban Lãnh đạo Cô nhi viện tổ chức đi tham quan làng Cùi trên Nam Ô. Làng nằm sát chân đèo Hải Vân. Đây là làng chuyên sản xuất nước mắm đặc sản mà khách đi du lịch thích mua về dùng hoặc kính biếu.
Mục đích của Ban Lãnh đạo cho chúng nó đi tham quan làng Cùi là để cho chúng nó thêm lòng yêu thương người bệnh tật, yêu kẻ cô đơn, yêu người cùng khổ. Tạo cho chúng nó có lòng trắc ẩn sâu xa, để sau nầy chúng nó cưu mang mà sống có ích cho xã hội nhân quần. Nhất là chúng nó biết sống vì Danh Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Ngày đó cũng có một vài phái đoàn thiện nguyện nước ngoài cũng có ghé thăm làng Cùi. Lũ trẻ cứ thấy mấy ông tây bà mỹ nào thì chúng vây quanh. Vậy là một tấm ảnh được chụp và hướng tập trung chính diện về nó. Một thằng Thiên Bảo đang mặc chiếc áo sơ mi ca rô và chiếc quần soọc cũn cỡn. Một tấm khác được lưu lại trong máy. David Taylor một Giáo sĩ đã rút ra một tấm ảnh đen trắng ôtômatic trao cho thằng bé.
Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 xảy ra…
Cô nhi viện Tin Lành Mỹ Khê bị giải thể. Thằng bé Thiên Bảo lúc nầy đã là một thanh niên đàng hoàng, nó trở về quê cũ. Nó được đi nhóm lại với Hội Thánh Tin Lành An Bình. Rồi nó có người yêu, rồi nó có vợ. Vợ nó cô Phương Thúy xinh đẹp đem lòng yêu thương nó và được gia đình tác hợp. Giòng họ nó còn duy nhất ông Bác họ đứng ra xây dựng hôn nhân cho nó.
Lúc nầy Mỹ đã cấm vận với Việt Nam suốt 15 năm.
Suốt ngần ấy năm David Taylor một giáo sĩ người Anh cố tìm tung tích thằng bé nhưng mọi nỗ lực chỉ như dã tràng xe cát biển đông. Không có quan hệ ngoại giao thì làm sao đi lại thăm viếng tìm kiếm nhau được
Thông tin truyền thông bị cô lập. Ngày đó làm gì có điện thoại cá nhân chứ làm chi dám nói đến Internet, Email, Facebook. Họ mất thông tin từ biến cố nầy, mọi cuộc tìm kiếm dường như vô vọng.
II/ Cuộc tìm kiếm và hội ngộ.
Mãi đến năm 1986 Nhà nước Việt Nam có chính sách mở cửa, quan hệ ngoại giao mậu dịch với nhiều nước trên Thế giới được mở ra. Chính sách Kinh tế thị trường thay cho dần cho nền Kinh tế tập trung bao cấp. Vậy là khách du lịch đổ về Việt Nam nhiều hơn. David Taylor đã nhiều lần sang Việt Nam để tìm kiếm. Có nhiều lần ông lân la đến Cô nhi viện Tin Lành Mỹ Khê mong hy vọng tìm gặp thằng bé. Nhưng nơi đó bấy giờ hoang vu vắng vẻ một thời.
Ban Tráng niên Hội Thánh Tin Lành An Bình tổ chức dã ngoại hè hằng năm. Năm nay họ quyết định chọn bãi biển Mỹ Khê. Đây là một bãi biển được xếp vào loại một trên sáu bãi biển đẹp nhất hành tinh. Vì có bãi cát vàng sạch sẽ, những hàng thông to cao rợp mát bóng cây, những rặng liễu um tùm cao vút như dìu dặt thật tuyệt vời đón cơn gió lộng.
Cũng trong ngày đó…
David Taylor bây giờ cũng đã già rồi. Ông lang thang trên bãi cát vàng và đang hướng đến chỗ đông người. Vậy là, ông ta tìm kiếm và hỏi han: Có ai trước 1975 là người ở Cô nhi viện nầy không? Vậy là Trưởng ban Tráng niên đưa Thiên Bảo đến ra mắt. Không ngờ cuộc hội ngộ như mò kim đáy biển nầy lại thành công. Thiên Bảo lúc nào cũng mang tấm ảnh theo mình suốt bao nhiêu năm qua. Hai ông cháu đem hai tấm ảnh ra tra xem. Nó là một, nó là một vì chỉ một vài cái tích tắc nối liền nhau ngày ấy. Họ vui mừng tạ ơn Đức Chúa Trời. David Taylor tâm sự: Ông luôn nhớ câu Kinh Thánh ở tiên tri Giê-rê-mi 29 câu 13: Các ngươi tìm kiếm ta và sẽ gặp được khi các ngươi tìm kiếm ta cách hết lòng. Ông tin là như thế. Tìm con như tìm Chúa vậy đó.
III/ Bước đi trong yêu thương
David Taylor là một trong những thành viên sáng lập ra Hội Betlehem Christian Ministry Anh quốc. Một hội thiện nguyện chuyên bảo trợ học bổng cho trẻ em mồ côi, nghèo khổ tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á.
Từ ngày gặp Thiên Bảo. Ông David Taylor đã quyết định giao cho cậu làm Đại sứ thực hiện chương trình cao cả nầy. Lúc đầu công việc của họ hoạt động tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, ngoại giao và kể cả chính trị nữa. Nên Thiên Bảo chỉ âm thầm làm trong phạm vi các nhà thờ Tin Lành mà thôi. Về sau tổ chức nầy phát triển mạnh mẽ. Chính quyền muốn người của Mặt trận Tổ quốc hay Chữ Thập Đỏ Nhà nước đứng ra đảm trách. Trước áp lực lớn nhưng David Taylor vẫn kiên định lập trường không đồng ý. Nếu Chính quyền không chấp nhận thì ông dừng chương trình nầy tại Việt Nam để chuyển sang Philippines. Ông không đồng ý không có nghĩa là ông không tin vào họ. Mà cái chính là Thiên Bảo là đứa con nuôi tinh thần duy nhất tại Việt Nam, và là người có niền tin vào Thiên Chúa nên ông ta đã quyết chọn nó. Cuối cùng Nhà nước phải nhượng bộ và thỏa hiệp. Công việc của Thiên Bảo là đi tìm những trẻ em mồ côi, gia đình thật sự khó khăn để giúp đỡ không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng. Thiên Bảo thấy đây là ân huệ Chúa dành cho mình, nên anh làm việc không mệt mỏi. Hội đã hoạt động từ năm 1995 đến nay, từ con số vài chục em ban đầu trong các nhà thờ bây giờ con số đã lên trên 200 em. Bao gồm Thành phố Đà Nẵng và Tỉnh Quảng Nam. Mỗi năm số tiền cung cấp cho các em từ 350 triệu đến trên 400 trăm triệu đồng Việt Nam. Trong đó chi ra hàng 100 triệu để xây một số nhà cho một số em không nơi nương tựa mặc dầu đây là khoản không nằm trong hạn mục của Hội.
Những em nhỏ đã được cắp sách đến trường. Có những ân nhân còn cưu mang giúp cho một số em qua ngưỡng cửa Trường Đại học. Thậm chí có người còn cảm động giúp cho một thanh niên khiếm thị được vào Trường Âm nhạc Hà Nội và trở thành ca sĩ như Hà Chương. Nhiều em trở thành những doanh nhân thành đạt, có em thành những nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật. Lại cũng có em đi theo tiếng gọi tình thương thành lập các nhóm thiện nguyện. Rồi cũng có em làm Nhân sự Truyền giáo. Có em dâng mình hầu việc Chúa đi học Trường Kinh Thánh. Mặc dầu công việc của Hội khá bận rộn nhưng Thiên Bảo cũng tham gia công tác Truyền giảng của Hội Thánh An Bình, cậu còn vận động tài chính để giúp đỡ cho các nhân sự ra đi truyền giáo.
Sau nầy David Taylor đã già yếu lắm, ông cũng cố đến thăm Việt Nam lần cuối. Đến thăm Thằng Thiên Bảo đứa con mà ông đã từng bỏ công cầu nguyện và tìm kiếm. Rồi ông về yên nghỉ trong nước Chúa một cách thỏa lòng. Công việc ông giao cho Don Fostper làm Đại diện cho Tổ chức Betlehem Christian Ministry tại Đông Nam Á. Và tại Việt Nam ông giao cho Thiên Bảo tiếp tục những ngày còn lại.
Thiên Bảo một đứa trẻ mồ côi cha mẹ, thiếu tình thương, thiếu mái ấm gia đình. Nhưng cậu được Thiên Chúa là cội nguồn của Tình yêu bảo bọc. Từ một tấm ảnh năm nào, một vật vô tri vô giác mà trở thành vật kết nối với người xa xứ ở tận trời Âu. Điều tưởng chừng như không thể mà trong Chúa lại là có thể. Vì Kinh Thánh Tin Lành Ma-thi-ơ 19:16 có nói: “… Điều gì loài người làm không được thì Đức Chúa Trời làm được.” Ngay cả loài người bị chết mất trong tội lỗi đáng chết đời đời nơi hồ lửa hỏa ngục mà Thiên Chúa còn tìm đến trần gian chịu chết trên Thập tự giá, đổ huyết ra đền tội cho cả loài người. Ban cho họ sự cứu rỗi trọn vẹn còn được thay!
Thiên Bảo luôn ý thức phải sống bằng tình yêu của Thiên Chúa với tất cả mọi người. Vì tình yêu không phải bằng lời nói và bằng lưỡi mà bằng việc làm cụ thể. Chúng ta không thể sống bằng giáo điều, tín ngưỡng mà phải sống bằng Tình yêu của Thiên Chúa thật sự. Thiên Bảo rất sâu nhiệm trong mối tình nầy:
Một tình yêu chan chứa có thể khuất phục xung đột, tình yêu bảo vệ bạn khỏi điều ác, nó thật sự là cuộc chiến tâm linh. Sa tan biết điều nầy vì thế nó luôn chiến đấu với những ai bước đi trong sự yêu thương và kết bạn với những ai có ý tưởng thù ghét. Nếu bạn bước đi trong sự yêu thương thì bạn sẽ trở thành một mối nguy hiểm cho vương quốc của sự tối tăm. Nếu lòng ta tư dục vị kỷ ganh ghét, ma quỷ như tiếng thì thầm thì Chúa không vui. Thiên Bảo luôn mong Tình yêu Chúa đặt để trong lòng mọi người. Lòng vị tha bác ái, và hãy bước đi trong sự yêu thương của Ngài. 1Cô rinh tô 13:13 Nên bây giờ còn có ba điều nầy: Đức tin sự Trông cậy và Tình yêu thương nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là Tình yêu thương.
Khi một con nhộng chui ra khỏi cái kén chật hẹp của mình, nó sẽ bay vào bầu trời xanh bao la đầy hoa tươi và nắng ấm. Và đây là giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời của nó. Chim phượng hoàng con chịu thử luyện sử dụng cặp cánh thuần thục rồi lúc bấy giờ nó cũng bay cao như mẹ nó. Nó cũng tìm những ngọn núi cao để làm tổ và đường bay của nó cũng xa tít trên tận mây xanh. Châm ngôn 30:19. Tình yêu cũng vậy, làm một việc gì đó đem lại niềm vui cho người khác đòi hỏi anh phải tự hạ mình xuống, phải tự khiêm nhu nhẫn nhục để phục vụ anh em mình như phục vụ Chúa.
Amanda Sradley nói: “… Niềm vui mang đến niềm vui và tình yêu mang đến tình yêu. Sự ban cho là kho báu chứa đựng sự thỏa lòng…”
Nếu vì lý do nào đó mặt trời không soi rọi những tia nắng ấm lên quả đất nầy chắc chẳng bao lâu tất cả sinh vật kể cả loài người đều phải bị chết cóng. Tình yêu cũng vậy. Tình yêu Chúa phải là một việc làm cụ thể để hâm nóng tình người đang băng giá trên Thế giới mùa đông nầy.
Tấm ảnh năm xưa, quả là một báu vật. Một kỷ niệm thật tuyệt vời, nó đã kết nối thân phận hẩm hiu coi cút của một cuộc đời như nó. Từ một đất nước nhỏ bé nghèo nàn và lạc hậu vừa ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc. Đến với một người xa lạ ở bên kia bán cầu, một đất nước văn minh, với người cha giàu lòng nhân ái. Cưu mang nó, tìm nó và rồi từ nó đem Tình yêu thương của Chúa sẻ chia với nhiều người dân Việt Nam. Nhất là đến với các em nhỏ mồ côi cơ nhỡ được cắp sách đến trường.
Tấm ảnh năm xưa, rồi một ngày kia sẽ phai mờ hoen ố, rồi sẽ hư hoại vì nó là vật chất. Hữu hình thì hữu hoại. Nhưng tấm lòng người cha nuôi ông David Taylor thì không bao giờ phai nhạt trong tâm trí Thiên Bảo.
Tấm ảnh năm xưa, rồi một ngày kia sẽ phai mờ hoen ố, rồi sẽ hư hoại vì nó là vật chất. Hữu hình thì hữu hoại. Nhưng tấm lòng người cha nuôi ông David Taylor thì không bao giờ phai nhạt trong tâm trí Thiên Bảo.
Thiên Bảo lòng dặn lòng khắc ghi Tình yêu thương ấy. Vì Tình yêu là một điều vĩ đại nhất trên thế gian nầy, nó làm cho đời sống có giá trị đáng sống. Thiên Bảo đang sống và bước đi trong Tình yêu của Chúa là như thế.
HỒ THI THƠ |