Chủ Nhật , 24 Tháng Mười Một 2024
Home / truyện ngắn / NGƯỜI VIỆT XẤU XÍ

NGƯỜI VIỆT XẤU XÍ

nguoiviet

Dù chỉ mới học xong lớp 9, nhưng Minh Khang có tài viết văn. Khả năng của nó là tổng hợp các thông tin thu lượm rồi viết ra một bài báo theo phong cách riêng. Minh Khang trưởng thành từ những kiến thức có được trong những quyển sách mua trên các vỉa hè Sài Gòn và các cuộc trò chuyện với một số người mà nó có cơ hội tiếp xúc.

Lớn lên từ thành phố Cảng Hải Phòng trong một gia đình trung lưu, cậu ấm Minh Khang được bố mẹ nuông chiều nên cũng sinh ra lắm tật. Không thích sống ở thành phố biển, nó về Sài Gòn rong chơi, tìm kiếm một cơ hội để có thể định cư ở đây. Minh Khang chạy chiếc mô-tô Rebel – 125 phân khối, mái tóc húi cua, khuôn mặt cũng khá sáng sủa thường xuyên xuất hiện ở các phòng nhóm của những hội thánh tư gia trong thành phố. Nó tham gia các khóa học Kinh Thánh và chịu khó đọc sách nên xem ra cũng có một chút kiến thức.
Một số người lãnh đạo, nhân sự thất sủng, mất uy tín trong cộng đồng cơ đốc nhìn thấy Minh Khang thuộc mẫu người mà họ có thể lợi dụng được. Họ giúp đỡ cho Minh Khang đứng ra xuất bản một tờ báo mang màu sắc cơ đốc với tên gọi HẠT CẢI. Tiêu chí của tờ báo này là bươi móc càng nhiều càng tốt những xì-căng-đan, chuyện xấu của các lãnh đạo cơ đốc tại Việt Nam. Minh Khang lấy bí danh Người Phát Hiện và nó bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình. Bài báo đầu tiên nó trình làng như thế này:
ÔNG HỘI TRƯỞNG HÀO HOA
Hội trưởng Z vung tiền mua 10 mẫu đất gần khu vực phi trường sắp mở Long Thành để rình đợi thời cơ. Tuần trước, ông ta lái một chiếc ô-tô mới Camry đời 2014 cáu cạnh và chở cô bồ nhí trong xe. Vô tình bị các anh chị em trong hội thánh phát hiện, ông này bèn hóa trang thành một nhà sư, cạo trọc đầu để tiếp tục du lịch ra Nha Trang ăn chơi cho thỏa chí tang bồng. Thật là đáng tiếc cho những mạnh thường quân đứng phía sau hậu thuẫn chức vụ của ông ta.
Khỏi phải nói, những bài của Minh Khang viết theo phong cách này được nhiều người đọc. Chưa biết hư thực ra sao, báo Hạt Cải của nó bán chạy như tôm tươi trong những số đầu tiên.
Khi biết Minh Khang trở thành cây bút chủ lực của tờ Hạt Cải, mục sư Mã Đình rất buồn vì không ngờ đứa em tinh thần do chính ông ta nuôi dưỡng từ những năm tháng ấu thơ, bây giờ lại trở nên lạ đời như vậy. Từ Hà Nội bay vào Sài Gòn, mục sư Mã Đình tìm đến căn gác trọ tại Quận Gò Vấp của Minh Khang để hỏi chuyện nó.
– Tại sao em lại viết những bài báo mang tính tấn công, chỉ trích các lãnh đạo Cơ đốc như vậy?
 Minh Khang cười:
– Ồ anh ơi, em có một sự kêu gọi và thôi thúc là phải nói ra những cái xấu của họ để mọi người đề phòng.
– Ai đã gợi ý và cung cấp cho em những thông tin để viết ngững bài báo đó?
– Dĩ nhiên là em có những nguồn thông tin từ phía những bạn bè của em. Chúng nó không viết được nên thuê em viết những bài báo theo đơn đặt hàng của chúng nó. Đồng thời em cũng lấy tin từ trang web: chuyenkhongthekiemtra.net của một chiến hữu đồng công với em.
– Thật là nguy hiểm, vì đồng tiền mà em có thể viết bất chấp thực hư, sự thật hay sao?
Minh Khang miễn cưỡng trả lời:
– Nếu không viết theo đơn đặt hàng của chúng nó thì em lấy gì mà sống?
Mục sư Mã Đình lắc đầu ngao ngán, ông không ngờ trong cộng đồng Cơ đốc lại có những cây bút như vậy. Mục sư Đình thương Minh Khang nhưng cũng tự trách lấy mình: “Lạ thật mình đã từng dạy nó những bài học căn bản của Phúc Âm. Thế nhưng những gì nó viết trên tờ Hạt Cải thì vô cùng đối kháng với chân lý của Phúc Âm. Những từ ngữ thô bạo, dung tục nó sử dụng nói lên bản chất “giang hồ hảo hớn” của nó.” Đến nước này thì mục sư Đình cũng đành bó tay với đứa em tinh thần ngày xưa của mình. Thế là xong rồi! Cuộc đời của nó đã đi theo một tiếng gọi xa xăm nào đó.
Minh Khang có lý tưởng riêng của mình. Nó có một niềm tin mãnh liệt là Đức Chúa Trời ban cho nó một chức vụ tiên tri. (Ma-hô-mét và một số người khác trên thế giới đã từng được tôn sùng là những đại tiên tri đấy!) Mà đã là tiên tri thì phải phô bày, cảnh cáo những tội lỗi xấu xa của những lãnh đạo Cơ đốc. Nó được học qua vài khóa Kinh Thánh và được gắn cái nhãn là một thầy giảng Tin Lành, mặc dù trình độ văn hóa và Kinh Thánh của nó cũng chỉ chắp vá chỗ này một ít chỗ kia một ít. Chức vụ tiên tri của nó trở nên một hiện tượng lạ lẫm làm xôn xao cộng đồng Cơ đốc. Có người cho rằng thằng này hâm, người khác thì nói rằng những bài nó viết cũng có một ích lợi nào đó nhằm cảnh tỉnh mọi người. Có người thì thất vọng vì nó chỉ là một đứa trẻ thuộc linh lại lên tiếng dạy đời người khác. Nhưng kể cũng lạ, là có những người ủng hộ ngòi bút của nó và thỉnh thoảng gởi tiền qua ngân hàng bồi dưỡng cho nó. Mặc kệ ai nói gì thì nói, Minh Khang vẫn cứ làm theo ý thích của mình, phương châm của nó là: Chó sủa mặc chó, lạc đà vẫn cứ đi.
Hiện tượng “tiên tri Minh Khang” trở thành đầu đề của những câu chuyện bên trong các quán cà phê. Mục sư truyền giáo Ngô Văn Trác từ Cam-pu-chia về Việt Nam cũng bị Minh Khang bắn phá về những chi phí truyền giáo to lớn mà ông này quyên góp được. Mục sư Trác suy nghĩ và có một ý tưởng để bịt miệng Minh Khang. Ông nhờ một trợ lý thân tín ở Quận Bình Thạnh tới thăm Minh Khang trước ngày lễ Giáng sinh. David Dũng, người trợ lý cho mục sư Trác đem theo một gói quà lớn đến thăm Minh Khang:
– Mục sư Trác có một món quà gởi tặng em.
Minh Khang cố kìm nén cảm xúc của mình trước khi nhận quà:
– Tại sao ông ấy lại tặng quà cho tôi?
– Mục sư Trác có chương trình tặng quà cho những người hầu việc Chúa có hoàn cảnh khó khăn trong mùa Giáng sinh, và Minh Khang là một trong những người đó.
– Ồ, cảm ơn David Dũng. Ông ấy có nhắn gì cho tôi không?
– À ông ấy nhắn là Minh Khang không nên tiếp tục bắn phá ông ấy nữa. Thỉnh thoảng ông ấy sẽ gởi quà cho Minh Khang.
Minh Khang thay đổi sắc diện, từ lạnh lùng trở nên thân thiện:
– Vâng, cám ơn anh Dũng, từ nay em sẽ không viết những bài nhắm vào mục sư Trác nữa.
David Dũng hoan hỉ trở về báo cáo kết quả cho mục sư Trác. Vị mục sư truyền giáo chậm rãi phân tích:
– Những người như Minh Khang ở Việt Nam thời nào cũng có. Một trong những nhược điểm chết người của người Việt chúng ta là bêu xấu người khác. “Vạch áo cho người ta xem lưng” là hiện tượng của Minh Khang. Nó tưởng làm như thế là thực thi sứ mạng của Đức Chúa Trời mà không biết rằng cách hành xử của nó là một hành động đáng hổ thẹn cho những ai mang danh Cơ đốc nhân. Người Việt vốn dĩ là một dân tộc không có nhiều cống hiến trong nền văn minh của nhân loại, mặc dù một vài cá nhân người Việt nổi tiếng nhờ trí thông minh, học giỏi…nhưng những điều này cũng không khiến quốc gia chúng ta có thể sánh ngang bằng với Nhật Bản, Hàn Quốc…. Có ai đó đã nói rằng: “Một người Việt Nam thì có thể hơn một người Nhật. Nhưng ba anh Việt Nam hiệp lại thì kém xa một anh Thái Lan.” Câu nói này dường như cũng đúng trong lĩnh vực thuộc linh.
David Dũng hỏi lại:
– Xin mục sư cho nhận xét cụ thể về hiện tượng “tiên tri Minh Khang”?
– À, tôi có suy nghĩ nhiều về hiện tượng này. Gần đây tôi có đọc một bài báo nhan đề “Người Việt Xấu Xí” của nhà báo Cù Huy Trạch. Trong đó Huy Trạch đề cập đến những nhược điểm của người Việt, tác giả có đưa ra một câu chuyện như thế này:
“Trong một siêu thị bán 2 loại cua: Cua của Việt Nam và cua của Canada. Cua của Canada đựng trong một cái xô có đậy nắp vung ở trên, còn cua của Việt Nam thì không cần đậy nắp. Khách hàng hỏi tại sao như thế, thì được nhân viên trả lời:
Cua của Canada thường bò lên trèo ra khỏi xô, nên phải đậy lại. Còn cua của Việt Nam cũng bò lên muốn trèo ra khỏi xô, thì đã có những con bên dưới bám theo níu xuống. Thế là chẳng có con nào bò ra được. Vì vậy cho nên không cần nắp đậy bên trên.”
 Tôi không biết độ chính xác của câu chuyện trên, nhưng nó minh họa cho tính cách của người Việt Nam chúng ta: “Ganh tị và không muốn người khác hơn mình.” Khi một người Việt trở thành Cơ đốc nhân, thì đương nhiên người đó có một sự biến đổi nào đó trong tính cách, thói quen, lối sống… Sự biến đổi nhiều hay ít là tùy thuộc vào sự hiểu biết Kinh Thánh và áp dụng Lời Chúa của từng cá nhân. Dĩ nhiên nó cũng liên quan đến trình độ, khả năng nhận thức, văn hóa, môi trường sống và quan trọng là người đó muốn mình trở thành mẫu người như thế nào. Nhưng chắc chắn người Việt Nam dù là tín hữu hay không cũng khó thoát khỏi dân tộc tính của mình. Mà dân tộc tính đặc trưng của người Việt là thiếu những điều này: tính xây dựng, đoàn kết, hiệp một, tinh thần làm việc theo nhóm, sự thuận phục lẫn nhau… Người tín hữu Việt Nam đương nhiên cũng bị ảnh hưởng những đặc trưng của dân tộc tính. Tất nhiên người Việt chúng ta có nhiều ưu điểm như: sự thông minh, cần cù, sáng tạo… nhưng những nhược điểm của người Việt cũng không phải là ít. Mà chính những nhược điểm đó đã hình thành nên bộ mặt thật của quốc gia và hội thánh chúng ta hôm nay.
David Dũng trầm ngâm suy nghĩ trước những luận chứng khá mới mẻ từ mục sư Trác. Có thể mục sư Trác đúng trong một chừng mực nào đó. Hai người ngồi với nhau bên ly cà phê Ban-mê. Đã lâu không có ai tán gẫu về những đề tài như vậy, Dũng chất vấn thêm mục sư Trác:
– Theo cách nói của mục sư thì người Việt chúng ta chắc phải nỗ lực nhiều hơn nữa để chiến thắng bản thân mình?
– Em đã có một câu hỏi hay. Nhưng để trả lời cho câu hỏi này thật không đơn giản chút nào. Tôi không phải là một nhà nghiên cứu về những đề tài lớn như vậy. Nhưng tôi có ý thế này: Lời Chúa Jesus dạy, “Các ngươi sẽ biết lẽ thật và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi”. Lẽ thật là chính Chúa Jesus và Lời của Ngài. Nếu một người thực sự am hiểu Kinh Thánh đúng như điều Chúa mong đợi thì không có một rào cản nào có thể trói buộc người đó nữa. Người đó được giải phóng hoàn toàn ra khỏi dân tộc tính và văn hóa con người để chỉ bước theo những gì Lời Chúa dạy dỗ. Hiểu thấu đáo Lời Chúa có một tầm quan trọng lớn lao cho mọi Cơ đốc nhân. Hiểu biết đúng đắn Lời Chúa thì mới có thể áp dụng Lời của Ngài vào trong cuộc sống thường nhật.
Mục sư Trác nhìn vào đôi mắt của David Dũng. Ông thầm cầu nguyện và hy vọng David Dũng hiểu được những gì ông nói. Câu chuyện cũng đến hồi kết thúc, hai người chia tay. Trong lòng Dũng miên man suy nghĩ…
PHƯỢNG VĨ

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn