Thứ Bảy , 23 Tháng Mười Một 2024
Home / Hướng Đi Magazine / Văn hóa / TIN LÀNH HÀN QUỐC

TIN LÀNH HÀN QUỐC

HỘI THÁNH TIN LÀNH Ở ĐẠI HÀN LỚN MẠNH

koreachu

Theo Tạp Chí Christianity Today  có đăng bài “Mission Incredible” do Tác giả Rob Moll đã viết về lịch sử phát triển số tín đồ Cơ đốc tại Nam Hàn.  Năm 1973, Nam Hàn có khoảng 2.3 triệu tín đồ Cơ đốc.  Dữ kiện này có nghĩa là khoảng 40 năm về trước, Giáo Hội Tin Lành Nam Hàn có số tín đồ 2.3 triệu, tương đương với số Tín đồ Tin Lành Việt Nam hiện nay (2011).

Năm 1985, số tín đồ Tin Lành Nam Hàn chiếm 16% phần trăm tức 6.5 triệu tín đồ, 1.9 triệu tín đồ Công Giáo, và 8 triệu Phật tử.  Theo bản thăm dò 1990 cho biết 95 phần trăm số tín đồ Tin Lành thuộc nhóm Tin Lành Thuần Túy (Evangelical).  Nhưng đến năm 1995, Giáo Hội Tin Lành Nam Hàn có 8,760,336 và số tín đồ Tin Lành này vượt cao hơn số Tín đồ  Công Giáo và  số Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo với lịch sử hơn 1,600 năm.  Số Hội Thánh Tin Lành Nam Hàn nhiêù hơn số Chùa Phật Giáo gấp 4 lần, và gấp 12 lần so với Nhà thờ Công Giáo.  Năm 1996, số Mục sư Tin Lành đông hơn 5 lần số Tu sĩ Phật Giáo và gấp hơn 50 lần số Tu sĩ Công Giáo.

Sự lớn mạnh của Giáo Hội Tin Lành cũng trội hơn các tôn giáo khác không những về nhân sự và cơ sở, mà còn về chiến lược giáo huấn và  truyền bá niềm tin Phúc Âm qua phương tiện Giáo Dục, Truyền Thông, Báo Chí, Cơ Quan Phục Vụ Xã Hội, Cơ quan Y Tế, Viện Dưỡng Lão, Viện Trẻ Mồ Côi, Trường Huấn Nghệ, và Cơ Quan Cứu Trợ…  Năm 1996, Giáo Hội Tin Lành Nam Hàn có 69 Viện Đại Học, ngược lại Phật giáo có 2 Viện Đại Học và Công Giáo có 12 Viện Đại Học.  Tin Lành có 111 Tạp chí (Magazine), Phật giáo có 27, và Công giáo có 71.  Một cuộc nghiên cứu năm 1985 cho biết trong số 391 của tổng số 637 của các Cơ quan Từ Thiện phục vụ xã hội Nam Hàn là thuộc các Giáo hội Tin Lành.

Cộng đồng Tin Lành Hàn Quốc rất quan tâm đến các vấn đề mang tính xã hội hay y tế.  Nhằm bày tỏ tình yêu Phúc Âm, tín hữu Hàn Quốc đã cảm nhận cơ hội góp phần vào xã hội bằng cách hiến tặng các bộ phận cơ thể (donate organs) cho những bệnh nhân.  Trong vòng 10 năm, phong trào hiến tặng bộ phận cơ thể đã nhận được 570 bộ phận để ghép vào cho những bệnh nhân.  Trong 570 bộ phận, Giáo hội Tin Lành đã tặng 65.4 phần trăm, Giáo hội Phật Giáo tặng 7.8 phần trăm, và Giáo hội Công Giáo tặng 7.3 phần trăm cho các bệnh nhân.  Khi Bắc Hàn đối diện với nạn đói kém (famine) năm 1990, các Hội Thánh Tin Lành đã thành lập Cơ quan Cứu trợ và đã gởi những vật dụng cứu trợ sang Bắc Hàn trị giá hơn 59,199,000 US đô la từ năm 1997 đến 2003.

Tín hữu Tin Lành Nam Hàn đã đi vào dòng chính và ảnh hưởng đạo Chúa lan rộng từ nhiều cấp chính quyền.  Theo sự nghiên cứu của Phật Giáo về 100 vị trí Chính Quyền cao cấp của Nam Hàn, Tin Lành chiếm 42 chức vụ cao cấp trong chính quyền, Phật Giáo có 9 chức vụ, Công Giáo có 20 chức vụ, các tôn giáo khác có 3 chức vụ, và 26 chức vụ thuộc nhóm người không niềm tin tôn giáo.

Tại Thủ đô Hán Thành Seoul, số tín đồ Tin Lành chiếm khoảng 25 phần trăm, nhưng trên 30 phần trăm thuộc thành phần giàu có là Tín đồ Tin Lành Nam Hàn đa số sống tại Seoul, Kangnam-gu và Sôch’o-gu.  Vì thế, tín hữu Tin Lành Hàn chiếm tỉ lệ giàu có thịnh vượng cũng như có lợi thế ảnh hưởng về phương diện kinh tế hơn các tín đồ thuộc các tôn giáo khác.

Năm 1995, một cuộc nghiên cứu về các Nhà Doanh gia của các tôn giáo khác nhau bao gồm 4,903 Tổng Giám đốc (CEO – Chief Executive Officers) cho biết rằng có 34 phần trăm cho biết họ là những người có niềm tin tôn giáo.  Trong số 34 phần trăm này, có 42.8 phần trăm thuộc CEO tín đồ Tin Lành, 38.3 phần trăm tín đồ Phật giáo, 5.7 phần trăm là tín đồ Công giáo, và 0.76 là thuộc các tôn giáo khác.  Một cuộc nghiên cứu khác về 100 Doanh nhân Nam Hàn cao cấp năm 1999, có 31 phần trăm là tín đồ Tin Lành, 23 phần trăm là tín đồ Phật giáo, 11 phần trăm là tín đồ Công giáo, và 29 phần trăm thuộc nhóm người không tôn giáo.

Nhiều người nhìn nhận về kết quả tăng trưởng vượt bậc kinh tế Nam Hàn vào thập niên 1960 và 1970 là do chính sách xuất cảng và nền kỷ nghệ hoá của Tổng Thống Park Chung-hee qua giá trị văn hóa cũng như đạo đức công việc.  Nhiêù tín hữu Hàn quốc tin rằng sự thành công và thịnh vượng chính là dấu chỉ của ơn phước Chúa ban.  Hai Nhà Kinh Tế Học Robert J. Barro và Rachel McCleary cho rằng những xã hội có niềm tin cao độ và tỉ lệ đi thờ phượng Chúa cao cho thấy có tỉ lệ kinh tế tăng trưởng.

Nam Hàn hiện có khoảng 310 Trường Kinh Thánh và Đại Chủng Viện, nhưng chỉ có 38 Trường Thần học được Bộ Giáo Dục Nam Hàn công nhận (accredited).  Năm 1990, khoảng 8,000 sinh viên đã tốt nghiệp từ những Trường Kinh Thánh Hàn Quốc, và khoảng 1,000 sinh viên tốt nghiệp từ sáu Hệ Phái Tin Lành có uy tín.

Hiện có khoảng hơn 7 triệu dân Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc trên 184 quốc gia, cộng thêm hơn 100,000 học sinh và sinh viên đang du học ở nhiều nước trên thế giới.

Giáo Hội Báp-Tít Nam Phương đã đến truyền giáo tại Hàn quốc từ năm 1950.  Sau hơn 61 năm truyền bá Phúc Âm tại xứ Hàn, Chúa đã ban ơn cho hơn 2,800 Hội Thánh Báp tít với khoảng 800,000 tín hữu.  Qua sự phát triển ngoạn mục của Hội Thánh Hàn quốc, Nhà Chiến Lược của International Mission Board (IMB) Sterling Edwards nhận định rằng: “Trong khi nhiêù quốc gia Á Châu chỉ có khải tượng và lòng nhiệt huyết, nhưng Hàn quốc có khải tượng, lòng nhiệt huyết và luôn cả nguồn tài chánh.”

Học Giả Chongnahm Cho cũng là cựu Viện Trưởng Đại Học Seoul Theological University đã viết bài “Why Did the Korean Church Grow So Rapidly?” trong Tạp chí Theological Journal of KIMCHI (Vol. 1 (2009).  Tiến sĩ Cho phân tích rằng yếu tố giúp Hội Thánh Hàn quốc tăng trưởng ngoạn mục là do:

1) Đức Chúa Trời đã chuẩn bị loại đất tốt (The good soil God had prepared).

2)  Đức Chúa Trời đã chuẩn bị dân sự của Ngài qua sự bắt bớ và sự chịu khổ (God prepared His people through persecution and sufferings) từ chính quyền Hàn quốc, chính quyền Nhật, và chế độ Cộng sản (1950).

3) Đức Chúa Trời can thiệp và gởi những con gặt đầy ơn (God intervened Himself and sent good workers (1890).

Giáo sĩ John L. Nevius từ Trung Hoa đưa ra phương cách phát triển đạo Chúa như:

1. Nghiên cứu học Kinh Thánh (Bible Study)

2. Cá nhân chứng đạo (self-propagation)

3. Tự trị (self-government)

4. Tự lập (self-support)

5. Giáo sĩ lưu động (Missionary itineration).

4) Đức Chúa Trời ban cơn phấn hưng (1903-1907).

5) Tinh thần cầu nguyện và lòng tận hiến của Tín nhân Hàn quốc.

Hội Thánh Hàn có hơn 500 Núi và Đồi cầu nguyện là nơi tôi luyện nếp sống cầu nguyện trong đời sống người tín hữu.  Lòng dâng hiến hi sinh của tín đồ Hàn là lý do khiến Chúa luôn ban phước cho những người có lòng ban cho; bởi vì “ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh”.

Cảm tạ Chúa đã ban ơn khôn ngoan cho Hội Thánh Nam Hàn nhằm đặt ra những chiến lược phát triển Hội Thánh của Ngài qua nhiều phương cách khác nhau như truyền giảng (Evangelism) và đào luyện môn đệ (Discipleship).  Qua cuộc thăm dò Korea Gallup năm 2004, có 71 phần trăm tín đồ Tin Lành Nam Hàn đi thờ phượng Chúa mỗi tuần hơn một lần, so với 42.9 phần trăm tín đồ Công giáo đi thờ phượng hằng tuần và 3.5 phần trăm Phật tử đi Chùa.  Tín hữu Nam Hàn đã được giáo huấn lời Chúa để hiểu đạo, để rồi tin theo đạo, sống theo đạo, và dạn dĩ rao giảng Tin mừng cứu rỗi của Chúa Cứu Thế cho nhiều người khác, và mọi tầng lớp trong xã hội Hàn quốc.

Mỗi tín hữu của Chúa cần phải trải qua tiến trình tăng trưởng tâm linh và hình thành tâm linh “cho đến khi tất cả chúng ta đạt đến sự hợp nhất trong đức tin và trong sự hiểu biết Con của Đức Chúa Trời, đến mức trưởng thành, đến tầm thước vóc dáng đầy trọn của Chúa Cứu Thế” (Êphêsô 4:13).

Mục Sư Ngô Việt Tân

www.vietchristianity.com   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn