Chủ Nhật , 24 Tháng Mười Một 2024
Home / truyện ngắn / MƯA GIÓ LẠNH LÙNG

MƯA GIÓ LẠNH LÙNG

muagio

Hoài ngồi dựa lưng vô gốc mít, nghĩ ngợi miên man… Từng cơn gió lạnh ngoài sông tràn về khiến nó rùng mình. Cài vội chiếc nút sát cổ áo, nó nhắm mắt lại tận hưởng những giây phút yên ổn ngắn ngủi của con bé mười ba tuổi. Trưa nay, bà Sáu Duyên đi vắng. Sau khi dỗ bé Út Lệ ngủ, nó trốn ra sau vườn để nói chuyện với “ông Chúa” của nó:

–   Ông Chúa ơi! Hổng ai thương con hết. Suốt ngày con mần không ngơi tay mà còn bị đánh tơi bời. Hu hu…

Nó nhớ như in trận đòn hãi hùng năm bảy tuổi. Sau khi đánh nó tơi bời lằn ngang, lằn dọc, bà Sáu Duyên cột cặp giò nó vô dây thừng rồi thòng xuống giếng. Mặc kệ nó sợ hãi gào khóc, tía nó, cậu nó và mọi người đều giả điếc, giả lơ. Nó tủi thân nhớ lại, suy nghĩ hoài mà cũng không nghĩ ra một đứa bé bảy tuổi làm gì để má nó phải giận dữ đến mức đó! Tại sao và tại sao??? Những dấu hỏi to tướng hiện ra trong đầu của con bé mười ba tuổi mà chẳng có câu trả lời nào hết. Ba chị em gái Hoài Thu, Nguyệt Thu, Lệ Thu chỉ có mỗi mình nó là bị la rầy, ăn đòn mỗi ngày như cơm bữa. Tía nó nói:

–   Đặt cùng tên vậy cho ra đường người ta biết chị biết em, nữa lớn khỏi bị ăn hiếp.

Mỗi khi tía má kêu, cả ba chị em cùng chạy tới. Vậy nên, má nó lấy chữ lót kêu thét một hồi thành tên ở nhà của ba đứa con gái luôn. Hoài còn có hai đứa em trai nữa…

–   Con Hoài đâu rồi?

Nghe tiếng bà Sáu Duyên kêu, Hoài ba chân bốn cẳng chạy ào vô nhà.

– Dạ, con nè má.

Bà Sáu Duyên trừng mắt:

–   Mày chưa bằm chuối cho heo ăn mà đi đâu dzậy? Hở ra một chút là đi rong đi rỗi liền.

–   Dạ, con ra sau dzườn ngồi nghỉ một chút – Hoài hạ giọng rầu rầu.

Bà Sáu Duyên quơ tay:

–   Tao sai là làm liền đi. Con gái con lứa mà nghỉ trưa làm như bà già sạn. Về tới nhà dòm mặt mày là bực bội rồi.

Hoài cúi đầu lầm lũi bước ra chái bếp. Nó rút con dao bầu xắt xắt thân chuối rồi băm băm. Tiếng băm chuối đều đều mà sao trưa nay, nó nghe buồn hơn mọi ngày. Tiếng cười của má nó và mấy đứa em từ nhà trên vọng xuống khiến những giọt nước mắt tủi thân của nó rơi lã chã xuống chiếc thớt đầy ắp chuối băm. Nó thì thầm trong nước mắt chỉ để mình nó nghe: “Hổng biết trong nhà này, con là con ruột, con ghẻ hay con nuôi nữa đó ông Chúa!?”.

*******

Gió ào ào lùa mạnh hơn, mưa đùng đùng rơi trên mái tôn. Bất giác, Hoài nhớ thằng Năm quá chừng! Cũng vào đêm mưa tầm tã như tối nay, Hoài ngồi ôm bé Năm vô lòng. Thằng bé cứ khóc oe oe không chịu nín cũng chẳng chịu bú bình nước cơm pha đường. Hoài đặt bé Năm nằm lên chiếc khăn cũ lót trên giường tre rồi múc từng muỗng nước cháo nhỏ đút cho em. Nuốt được vài ba muỗng, thằng nhỏ lại khóc oe oe. Hoài sợ em sặc, lật đật vác thằng nhỏ lên vai. Nó dỗ em bằng cái giọng rặt ri miền Tây:

–   Em nhớ má phải hôn? Mơi má dzìa đem sữa dzới thuốc cho em uống mau hết bịnh há. Nín đi chị thương nè!

Bé Năm bị sốt ba ngày rồi. Ông Sáu Vinh nghiền thuốc kêu Hoài pha với nước cơm cho em uống mà thằng bé vẫn nóng hầm hập. Hoài nhìn ra cửa ngóng tía trong màn mưa. Trời tối hù, chỉ nghe tiếng mưa lộp độp trên mái tôn. Tía đi chích thuốc heo bên kia sông chắc mưa to quá, chưa lên đò về được. Nó cất giọng ru con theo kiểu Nam bộ y chang má nó:

– “Ầu ơ… Dí dầu cầu dzán đóng đinh

Cầu tre lắc lẽo, gập gình(gềnh)… khó đi…

Khó đi chị dắt em đi

Em đi trường học, chị đi trường làng”

Nó đã “sáng tạo” bài hát ru của má thành của riêng nó. Nó ca “chị đi trường làng” quá chính xác vì nó học tới lớp Ba là hoàn cảnh buộc phải thôi học. Sau năm 1975, thời cuộc đổi thay, nó phải nghỉ học ở nhà giữ em, làm nội trợ, buôn gánh bán bưng để phụ tía má lo cho bầy em. Nó ngây ngô như đá đó thôi chứ nó ca “chị đi trường đời” đúng hơn vì mới bảy tuổi nó đã bị sóng gió cuộc đời vùi dập rồi.

Cái giọng rặt miền Tây của con chị mười tuổi không biết mùi tới đâu mà thằng em bốn tháng nín khóc. Hoài ngả lưng xuống võng, hai tay vẫn ôm em. Mệt đừ sau hai đêm thức trắng dỗ em, nó thiếp đi lúc nào không biết. Nó ngủ “từ trong ruột ngủ ra”, ngủ say sưa như chưa bao giờ được ngủ.

“Sao gió lạnh quá dzậy nè?” Nó choàng tỉnh và giật mình nhìn thằng em trong cánh tay. Em nó lạnh ngắt như cục nước đá. Tự nhiên, có một luồng khí lạnh chạy dọc sông lưng Hoài. Nó sợ hãi la lên:

– Tía ơi! Thằng Năm sao lạnh ngắt dzậy nè? Tía ơi…

Ông Sáu Vinh từ trong buồng chạy ra giọng ngái ngủ:

–   Mày bồng em ngủ luôn trên võng hả? Con này hư hết biết.

Ông Vinh đưa tay đỡ bé Năm, sắc mặt tái xanh, ông lắp bắp:

– E…m m…ày …ch…ết …r…r…ồi!

Hoài đứng chết trân ngay bên chiếc võng. Khoảng vài phút sau, nó òa khóc nức nở:

–   Em ơi! Sao không đợi má dzề? Má còn chưa đem sữa dzề cho em uống nữa mà…

Bé Nguyệt đang ngủ nghe chị khóc lồm cồm bò dậy, nó òa khóc theo chị dù chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Bà Sáu Duyên vừa về tới bến sông đã nghe tin dữ. Bà thất thần, quên luôn giỏ xách, quên cả lon sữa thằng con bé bỏng chưa kịp uống trên xuồng. Chân thấp chân cao, bà bước những bước vô hồn về nhà.

Những giọt mưa cứ lạnh lùng rơi, những cơn gió cứ vô tình xuyên qua khóm trúc, lùa vào nhà khiến cho căn nhà thêm lạnh lẽo. Ai làm thơ, viết nhạc ca ngợi mưa gió chứ Hoài thì sợ mưa, ghét gió lắm. Gió mưa lạnh lùng toàn mang đến cho Hoài những ký ức hãi hùng.

*******

Bà Sáu Duyên đi buôn hàng chuyến tận trên Sài Gòn, ông Sáu Vinh đi chích thuốc heo, gà, vịt tối ngày. Hoài mới mười ba tuổi đầu đã làm bảo mẫu cho ba đứa em. Sau khi thằng Năm chết, má nó sanh thêm thằng Sáu Hưng và bé Út Lệ. Nghe đâu nó có một người anh nữa gửi học trên tỉnh nhưng chẳng mấy khi về nhà. Một ngày đẹp trời, ông ngoại Năm ở vườn bên, là em ruột bà ngoại nó tạt ngang qua nhà. Ngó trước, ngó sau chỉ thấy bốn chị em nheo nhóc đang ngồi ăn sáng. Nhìn nó dỗ Út Lệ ăn, con bé khóc nhè không chịu nuốt, ông tằng hắng rõ to rồi cất giọng:

–   Tội nghiệp bay quá! Mới bây lớn mà giữ tới ba đứa em. Nhà có thiếu cái gì thì qua nhà ông Năm lấy mà xài nghe bay.

Từ nhỏ tới giờ Hoài toàn bị đánh đập, la mắng. Nghe ông Năm nói vậy Hoài mừng khấp khởi. Nó “dạ” thiệt to khi ông Năm vừa dặn vừa vỗ nhẹ vô đầu nó và các em. Nó thầm nghĩ “Hơi giống cách tía nó vỗ đầu con chó Mực mỗi khi nó chạy ra mừng tía. Vậy cũng hổng sao hết, miễn có người thương mình như ông Năm là khoái rồi!”.

Gần nhà Hoài có một nhà thờ Công giáo to và đẹp lắm. Chắc hẳn trong con mắt của đứa bé nhà quê như nó thì ngôi giáo đường này còn to đẹp còn hơn nhà thờ Đức Bà Paris trong mắt người lớn. Năm khi mười họa, ông Vinh mới về sớm được một bữa, cơm chiều xong nó tranh thủ bồng Út Lệ chạy qua đó xem Lễ. Cha xứ và các sơ chưa khi nào dạy nó cầu nguyện mà nó cũng đâu có thời gian đi học giáo lý. Vậy mà, mỗi lần bị đòn đau, tủi thân không biết nói với ai, nó thì thầm nhỏ to với “ông Chúa của nó” riết rồi thành thói quen luôn.

Sáng nay, gà vỗ cánh gáy o o trước sân, chuông nhà thờ ngân vang trong không gian tĩnh mịch. Hoài rón rén bước xuống tấm phản lớn để khỏi làm mất giấc các em. Nó rửa mặt, súc miệng qua loa bằng nước muối rồi nhóm bếp. Nó xếp củi chồng chéo lên nhau dưới cái kiềng bằng sắt. Rồi nó hốt nắm lá khô dự trữ sẵn trong cái bịch to sau mỗi lần quét sân, đặt dưới mớ củi. Nó quẹt que diêm đánh “xoẹt” một cái rồi nhanh tay đặt diêm vào đám lá khô. Công việc này quen thuộc với nó như trở bàn tay nên củi lửa cháy bùng ngay. Bắc ấm nước lên bếp, Hoài mở nắp thạp gạo. Chỉ còn lưng nửa lon gạo đủ để nấu cháo cho Út Lệ ăn cả ngày, cho tía và 2 em lót dạ sáng nay. Ánh lửa bập bùng, tí tách reo khiến Hoài vui vui trong lòng. Má nó hay nói câu “Lửa cười, người khóc” nhưng Hoài thấy phải sửa lại thành “Lửa cười, người vui” mới đúng.

Hoài tranh thủ vừa canh bếp nấu nước, hầm cháo vừa cho heo ăn, quét nhà rồi giặt áo quần treo lên sào. Cháo nhừ, Hoài múc ra chén, đậy lồng bàn cẩn thận để ông Vinh và các em ngủ dậy ăn điểm tâm. Mọi việc như được lập trình sẵn, một ngày như mọi ngày nên nó làm một nhoáng là xong ngay.

Hoài bước ra sân ngước nhìn mấy cây bưởi. Những trái bưởi tròn to như vô số lồng đèn xanh biếc treo trên cành cây. Nó lẩm bẩm:

–   Già lắm rồi đây! Leo lên coi thử rồi hái mang ra chợ bán mới được.

Như chú khỉ con, Hoài thoăn thoắt leo lên cây. Chẳng mấy chốc nó đã ngắm được năm, sáu cặp bưởi to tròn, nở gai đều đặn và xanh mướt. Hà dạng chân, trèo qua cành chính để tuột xuống. “Rẹt”… ôi thôi chiếc quần rách đáy mất rồi. Phạch đáy quần nhìn, thấy rách một đường dài cả gang tay, nó cằn nhằn: “Để tính sau đi”. Rồi nó nhanh nhảu lấy cây sào khều mấy trái bưởi trên cành cao xuống. Gom bưởi đều vô hai cái thúng, nó vô nhà lấy tạm cái quần đen của bà Sáu Duyên mặc đỡ. “Ôi! Sao mà dài lếch thếch dzậy ta”-  Nó cúi xuống xắn ống quần ngang gối rồi ra sân quảy gánh bưởi đi thẳng ra chợ. Chị Hai trái cây vừa thấy nó gánh bưởi, réo to:

–   Ba Hoài, đem qua đây chị lấy hết cho cưng. Hôm nay may cho cưng là có người trên phố đặt mua tới chục cặp. Vẫn giá cũ cưng hén.

Bưởi nhà nó vừa to vừa giòn ngọt nên mới được chị Hai “chộp” mua liền. Nó cười cười phụ chị Hai xếp bưởi lên sạp rồi đếm tiền. Nhanh như sóc, nó len lỏi từ hàng cá qua hàng gạo, hàng mắm muối, gia vị rồi quảy gánh ra về. Gánh gồng từ năm tám tuổi nên Hoài cao không nổi. Nó còm nhom, nhỏ thó so với đám bạn cùng trang lứa. Ngày ngày, Hoài gánh nước từ sông vô nhà, gánh trái cây, gánh rau ra chợ bán … Hết vai phải rồi xoay qua vai trái đã gần năm năm khiến hai bờ vai Hoài chai sần cả mảng, không còn cảm giác gì nữa.

Về tới nhà, Hoài cất gạo, cá, gia vị, quang gánh đâu vào đó rồi tìm kim chỉ vá quần. Thôi rồi, chỉ còn trục chứ không có chỉ mà cây kim cũng không cánh mà bay. “Ngày mai, mình ra chợ mua kim chỉ cũng được”, nó vừa lẩm bẩm nói một mình vừa rút hết áo quần đã khô trên sào đem vô xếp. Cầm chiếc quần vừa khô trên tay định đi thay để giặt chiếc quần đen trả lại cho bà Sáu Duyên, nó sực nhớ tới “lời yêu thương” của ông Năm: “Thiếu cái gì cứ qua nhà ông Năm lấy”. Nhà cửa im lìm, vắng hoe chắc các em vẫn còn say sưa ngủ. Nó thả nhanh chiếc quần xuống ghế rồi tranh thủ chạy ù đi để còn về bồng em và nấu cơm trưa.

Nhà ông Năm cách nhà nó một bờ ruộng nên nó chạy cái vèo là qua tới. Cửa nhà mở toang nhưng chẳng có ai ở nhà trên, nó nhìn quanh tìm kiếm. “Rổ kim chỉ của dì Hai đây rồi!” –  Nó sáng mắt lên khi thấy cả chục ống chỉ rực rỡ sắc màu: vàng, xanh, tím, đỏ… Nó với tay lấy ống chỉ màu đỏ và một cây kim rồi hí hửng bước ra cửa.

–   Mày làm gì đó, Hoài?

Nó giựt mình cái “đụi” trước tiếng la thất thanh của dì Bảy. Nó chưa kịp trả lời, cậu Tư đã hét to:

–   Con này bữa nay hư. Thêm cái tật ăn cắp vặt nữa chứ!

Một cái tát, rồi hai cái, ba cái… khiến Hoài nổ đom đóm mắt.

Dì Bảy giựt trục chỉ trên tay Hoài, hét lớn:

–   Cột nó vô chõng tre rồi thả xuống sông cho cá rỉa thịt nó để chừa cái thói ăn trộm.

Cậu Tư đẩy nó ngã bật gọng xuống chiếc chõng tre. Hai người hè nhau cột tay chân nó, mặc cho nó kêu khóc, giãy giụa. Nó hoảng hốt, cố nói:

– Ông Năm cho con mà …

“Bốp, bốp” … Những cái tát kèm theo tiếng la:

– Mày láo, ba tao có ở nhà đâu mà cho …

Nó vừa khóc vừa van xin:

–   Cậu ơi! Cho con dzô cầu tiêu như mấy bữa chứ đừng…

Cậu Tư cắt ngang lời nó:

–   Mày câm ngay, tao tát gãy răng bây giờ.

Nó vẫn kêu khóc:

–   Dì Bảy ơi! Tha cho con…

Nó nghe tiếng dì Bảy nói với cậu Tư:

–   Đừng tha cho nó. Dzô cầu tiêu như mấy bữa là sao anh Tư?

–   Mệt mày quá! Cái gì cũng thắc mắc … thì tao nhốt nó vô cầu tiêu đó.  Lo cột giò nó cho chặt kia kìa.

Nó vùng vẫy cố thoát ra nhưng dì Bảy ngồi luôn lên bắp chân nó nặng trịch. Cậu Tư thì đánh mạnh vô bắp tay nó đau điếng. Nó đành buông xuôi để hai người trói gô nó dính chặt vô chiếc chõng tre. Càng cựa quậy, dây thừng như càng siết chặt vô cổ tay, cổ chân nó rát buốt. Nhớ tới nước sông mùa mưa đục ngầu chảy cuồn cuộn, nó rùng mình sợ hãi. Nó nhắm mắt lại và nghĩ tới cái lạnh của nước sông và cái chết.

“Ông Chúa ơi! Con chết rồi ai bồng bé Út Lệ? Ai nấu cơm cho em con ăn? Ông cứu con với, ông Chúa ơi…”

Chắc ông Chúa nghe lời kêu cứu sâu thẳm trong lòng Hoài giữa hoàn cảnh khốn cùng đó nên bỗng dưng có tiếng guốc gỗ lộc cộc rồi tiếng dì Hai la to:

–   Hai đứa bay làm gì con Hoài đó? Cởi trói cho nó ra mau!

Hoài hé mắt ra nhìn, cậu Tư với dì Bảy đã bỏ chạy mất đất. Dì Hai vội vội vàng vàng mở trói cho Hoài, nó tủi thân bật khóc nức nở. Bao nhiêu uất ức trào dâng khiến nó khóc nấc đến nghẹt thở. Nó bật dậy vùng chạy về nhà mặc cho dì Hai kêu tên nó, mặc cho cơn mưa nặng hạt đánh vào má nó đau rát. Tóc nó ướt đẫm, môi nó mặn chát không biết do nước mắt hay là nước mưa. Bộ quần áo nó mặc ướt sũng, hai ống quần của má nó dài lếch thếch, dính đầy cát đất như cuộc đời nó sớm vướng bụi trần. Gió ngoài sông từng cơn tạt vào da thịt nó khiến nó lạnh thấu xương. Lần đầu tiên trong đời, con bé mười ba tuổi biết cái cảm giác thất vọng và hận thù. Nó hứa với lòng không đời nào bước chân qua nhà ông Năm nữa.

*******

Gà gáy vang, chuông nhà thờ rung lâu rồi nhưng Hoài không dậy nổi. Do ảnh hưởng của trận bạo hành cộng với dầm mưa ngày hôm qua, cả người nó ê ẩm, rã rời. Nó nằm  thiêm thiếp, chìm sâu trong cơn ác mộng … Một đám người cầm gậy gộc rượt đánh nó. Nó cứ chạy hoài, chạy hoài mệt muốn đứt hơi. Bỗng, trước mắt nó hiện ra cái vách đá sừng sững. Bí đường rồi, nó sợ hãi hét lên nhưng có cái gì chặn ngang cổ họng. Nó giựt mình thức giấc thì ra đó là cánh tay của bé Hưng. Nó gỡ nhẹ tay em rồi vươn vai bước ra sân. Cậu Tư ngồi chờ sẵn dưới gốc xoài tự bao giờ, nhìn nó như nhìn tên tội phạm, nhíu mày gắt gỏng:

–   Bữa nay trốn đi bán rau hả mạy?

Dì Bảy đứng chống nạnh bồi thêm:

–   Ngày nay, má mày dzề là no đòn dzì hai tội: tội ăn trộm rồi trốn bán rau nữa. Hè hè …

Nói cậu, dì theo vai vế chứ cậu Tư chỉ lớn hơn Hoài bốn tuổi, dì Bảy hơn nó hai tuổi thôi. Hoài liếc dài một cái vì còn giận chuyện bị khủng bố hôm qua, nó ngúng nguẩy bỏ vô nhà sau.

Nó xúc một ít muối bỏ vô miệng rồi hớp một ngụm nước, súc miệng “ọc ọc”. Con Nguyệt lẹt xẹt bước xuống:

–   Chết chị Ba rồi, bữa nay má dzề thế nào cũng quánh đòn chị cho coi.

Nhổ nhanh búng nước muối, Hoài trợn mắt:

–   Im ngay!

Con Nguyệt nghe nó hét, lấm la lấm lét né đi chỗ khác.

Hoài ngồi bần thần một hồi lâu nhìn những luống rau xanh mướt, nhăn mặt nhíu mày: “Giờ này mà nhổ rau, rửa rửa, bó bó rồi gánh ra tới chợ cũng trưa trờ trưa trật, chắc ế dài quá”. Nó nhớ tới những trận đòn như búa bổ má giáng lên đầu, xuống lưng nó. “Mình là con ruột, con nuôi hay là con ghẻ”??? Những dấu hỏi to tướng cứ quay quay trong đầu nó … Rồi một ý tưởng thoáng nhanh: “Mình bỏ nhà đi cho rồi, có ai thương mình đâu, toàn đánh đập thừa chết thiếu sống không hà. Phải trốn đi cho lẹ chứ không má về thì ăn đòn nhừ tử”. Nó quơ nhanh cái áo sơ – mi màu hường mới mặc có một lần hôm Tết. Đập ống heo cái “bụp”, nó gom lẹ mấy đồng cắc năm mươi xu tiền lì – xì. Bước ngang qua tấm phản, nó “hun” thằng Hưng, bé Út Lệ lần chót rồi te te chạy ra chợ. Nó gạ bán cái áo cho con gái bà Năm hủ tiếu chuyên phụ bưng bê thức ăn trong chợ. Có thêm một đồng bán áo, nó lao ra bến xe như con thoi. Nó leo đại lên một chiếc xe sắp sửa lăn bánh. Ông lơ xe hỏi:

–   Vé xe đâu nhỏ?

Nó lí nhí:

–   Con … chưa mua vé.

–   Thôi, xe lỡ chạy rồi! Mày đưa tao hai đồng cũng được.

Hoài đếm tiền đưa cho ông lơ xe. May quá vừa đủ hai đồng, dư được năm mươi xu. Nó dựa lưng vô thành ghế, ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

–   Dậy nhanh đi nhỏ. Tới bến xe rồi đó.

Nó ngơ ngác:

–   Đây là đâu hả chú?

–   Trời đất! Mày bị sao mà hỏi kỳ cục? Bà Rịa chứ đâu nữa con.

Nó xuống xe và bước những bước vô hồn đến một khu chợ. Nhìn chiếc bóng liêu xiêu dưới chân nó biết ngay đã xế chiều rồi. Bụng nó sôi “rột rột” vì đói, nó mới sực nhớ từ sáng đến giờ chưa có gì bỏ bụng. Bước vô chợ, nó hỏi giá trước rồi kêu một dĩa cơm, hai miếng tàu hủ chiên và dĩa nhỏ rau muống xào vừa đúng năm mươi xu. Đói cồn cào nên nó ăn ngon lành, ngấu nghiến chỉ một nhoáng là hai cái dĩa sạch trơn.

“Mình không thể sống lang thang, phải kiếm việc làm liền mới được!”. Ăn no rồi “cái máu” lanh lẹ của nó trỗi dậy ngay. Nó đứng bên hàng trái cây lớn nhất chợ, quan sát từng người khách đến mua. “Bà này sang mà trả giá kỹ quá, không được… Cô kia nói lớn tiếng chắc hung dữ giống dì Bảy… Dì này mặc đồ cũ chắc hổng có tiền thuê mình… Thím này mặc áo quần đẹp nhưng mang đôi giày mòn đến lệch gót, hổng được rồi…”. Nó đứng suốt mấy tiếng đồng hồ, khát khô cả cổ, chân cẳng mỏi nhừ mà cũng chưa ngắm nghía được ai để làm bà chủ của nó.

Trời chập choạng tối, một nỗi sợ hãi không tên ập đến, theo bản năng nó lại thì thầm với ông Chúa của nó: “Ông Chúa ơi! Con sợ quá, ông cứu con với…”

Nó vừa dứt lời, từ xa một chiếc Hon-đa trờ tới, người phụ nữ trẻ sang trọng cho xe chạy chậm lại rồi dừng ngay hàng trái cây. Chị ta vừa lựa trái cây vừa nói với người bán hàng:

–   Cân cho em ba kí lô chôm chôm, hai kí lô cam, 2 kí lô mãng cầu.

Nó mừng thầm trong lòng: “Chị này sang trọng, mau mắn, không kỳ kèo giá cả. Được đó”. Trong khi chị ta đang lựa trái cây, nó mon men tới gần:

–   Cô ơi! Có cần người ở mướn không? Cho con làm với cô.

Chị ta nhìn Hoài từ đầu xuống chân rồi hỏi:

–   Em làm công chuyện nhà được chứ?

Hoài nhanh nhảu:

–   Bồng em, đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa… em làm được hết.

Chị ta rút ví trả tiền, cho mớ trái cây vô giỏ rồi nói như ra lệnh:

–   Leo lên xe, chị chở về.

Hoài ngồi nhanh lên xe mừng rơn “Vậy là tối nay mình có chỗ ngủ rồi”. Chị ta (sau này Hoài mới biết tên là Chuông) rồ máy, chiếc xe bon bon trên đường đưa Hoài đến một ngôi nhà xa lạ trong một làng biển. Hoài nghe thoang thoảng bên tai ì ầm tiếng sóng từ khơi xa vọng về…

*******

Nhà chị Chuông nằm trong một xóm chài mà cả làng đều có tàu thuyền và hầu như nhà nào cũng dắt mối vượt biên. Để che mắt chính quyền, chị Chuông và ba nhà nữa trong xóm rủ nhau mua mấy con bò về nuôi. Vậy là từ đó, ngoài việc nội trợ, Hoài còn có thêm công việc chăn bò cùng với ba thằng con trai trong xóm: Sơn, Hòa, Dũng. Anh Đăng, chị Chuông cùng mấy người nữa xòe bài, ăn nhậu tối ngày. Anh chị có hai đứa con gửi học bán trú đến chiều tối mới về. Nhờ vậy, Hoài cũng khỏi phải vừa giữ em vừa làm việc nhà như ở dưới quê.

Từ ngày ở với chị Chuông, Hoài không bị đánh đập nên phổng phao trông thấy. Tuy vóc dáng vẫn nhỏ bé như xưa nhưng ba vòng ngực, eo, mông của Hoài đã lượn lờ uyển chuyển như một bức họa. Thêm cái tánh lanh lẹ, “miệng bằng tay, tay bằng miệng” nên bọn con trai xóm Chùa theo Hoài sát nút. Thấy Hoài làm công chuyện tháo vác, nhanh nhẹn, nấu ăn ngon nên mấy bà mẹ thi nhau chấm Hoài làm con dâu tương lai dù Hoài chỉ mới mười bốn tuổi. Bởi vậy, bọn con trai nghe lời Hoài răm rắp và nó nghiễm nhiên trở thành nữ thủ lĩnh trong đám trẻ chăn bò. Mỗi tháng, nó đi chợ lựa mua ba nhánh chuối sứ thiệt to, trái nào trái nấy mập tròn. Nó tập trung ba thằng lại cho ăn thi, thằng nào ăn hết nải chuối, nó sẽ chăn bò cho. Nếu không ăn hết thì ba thằng phải chia nhau chăn bò, gánh nước, dọn vệ sinh tàu thuyền thay nó. Bọn con trai thấy chuối chín là sáng mắt, cắm đầu cắm cổ ăn nhưng mới hơn nửa nhánh là no muốn ói hết rồi. Tới mùa trái cây nào, Hoài cho ba thằng nó ăn thi loại trái ấy. Người ta nói: “Đàn ông yêu bằng dạ dày” đố có sai! Bọn con trai ham ăn, “con mắt to hơn cái bụng” nên cứ thua độ mãi. Vậy nên, Hoài cứ sung sướng ngồi dưới bóng cây hóng mát, còn ba thằng đua nhau è lưng làm thay nó. Hoài chỉ bỏ một ít tiền mua chuối chín thôi. Còn ổi, mận, xoài, quýt thì nó lệnh cho ba thằng đi hái trộm. Dong ruổi trên lưng bò đi khắp làng, nhà nào có trái cây gì cũng không thoát khỏi tầm mắt của bốn đứa nó. Ông Ba Ghe nổi tiếng hung hăng và keo kiệt trong làng. Quanh nhà ông có tới ba mảnh vườn trồng ba loại trái cây chính: quýt, ổi, xoài. Một buổi chiều, cả bọn kéo nhau hái trộm ổi ở nhà ông Ba Ghe. Không may, bị ông phát hiện, ông vác rựa rượt đuổi bốn đứa chạy có cờ, chửi rủa om sòm làm náo động cả làng.

Về tới bãi cỏ, Hoài đứng trên lưng trâu, vừa thở hào hển vừa nói:

–   Nội trong ba đêm, tụi bay tới nhà ông Ba Ghe vặt sạch hết từ trái non tới trái chín nghe hông.

Nữ thủ lĩnh ra lệnh, ba thằng nhóc thực thi liền. Sau đó hai ngày, sáng sớm ông Ba Ghe thức dậy, ông giận tím mặt khi thấy sân vườn ngổn ngang ổi, mận, quýt, xoài từ trái non, trái già tới trái chín. Không “bắt được tay, vây được cánh” nên dù xót của ông cũng đành chịu thua.

Cả làng này theo nghề biển nên ngoài đi chùa, họ còn thờ thần biển. Tháng nào, người lớn trong làng cũng tập trung ra đình cúng tế. Đợi mấy ông, mấy bà nhắm mắt nhắm mũi cúi lạy như tế sao, nó nháy thằng Sơn, thằng Dũng bưng nguyên con heo quay chạy mất đất. Nó, thằng Hòa với tụi nhỏ lang thang tới coi cúng đình đánh lạc hướng chỉ lung tung. Mấy ông bà tức giận đùng đùng nhưng đành chịu thua vì sức lực đâu mà “chạy đua” với lũ trẻ. Khoảng một giờ đồng hồ sau, bốn đứa nó và mấy đứa con nít “đồng lõa” trong xóm tập trung ra lùm cỏ chén no nê.

Xóm Chùa thiệt đúng với tên của nó nên đi đâu cũng thấy đình, chùa chứ không có bóng dáng ngôi giáo đường nào. Làm việc nhà là sở trường của nó lại được bao ăn mặc, trả lương và không bị đòn roi nên nó cứ phây phây. Nó sống vui vẻ, đầy đủ và quậy phá thoải mái nên gần như quên hẳn thói quen thì thầm nói chuyện cùng ông Chúa của nó như những ngày còn khốn khổ với nạn bạo hành, khủng bố…

*******

Trời bỗng nhiên nổi gió lớn, mây đen ùn ùn kéo đến.

–   Sắp mưa rồi, mau mau về thôi tụi bây ơi!

Mưa hướng Đông vừa trông vừa chạy”, nó cưỡi bò chưa kịp về tới sân, trời đã đổ mưa ào ào. Chạy vội vô nhà, chưa kịp thay áo, nó đã nghe tiếng la giận dữ của anh Đăng:

–   Mày ăn trộm hai cây vàng tao nhét trong khe tường phòng ngủ đúng không Hoài?

Hoài quá bất ngờ, nó nói như phân bua:

–   Dạ, đâu có đâu. Em không xài tiền chị Chuông cho ăn sáng, buổi sáng toàn ăn cơm nguội mới để dành tiền mua được hai chỉ…

Anh Đăng gầm lên, cắt ngang lời nó:

–   Mày chứ không ai trồng khoai đất này nữa. Giấu vàng ăn trộm đâu, mau đưa ra cho tao!

Máu nóng nổi lên phừng phừng, Hoài níu tay chị Chuông:

–   Chị vô đây, kiểm tra quần áo, đồ đạc của em đi.

Hoài quăng hết mớ áo quần lên giường, luôn cả cái giỏ xách bằng cói duy nhất của nó, rồi giũ giũ từng cái một để chứng minh nó không phải là đứa ăn trộm. Nó lộn trái chiếc túi quần đang mặc, hai chiếc nhẫn và năm đồng bạc cắc rớt xuống. Nó run lên vì giận và vì lạnh:

– Chị coi kỹ rồi đó, em hổng có ăn trộm dzàng của nhà chị à nha.

Nó cúi nhặt hai chiếc nhẫn và tiền, nhét vô túi quần ướt sũng nước mưa. Xong đâu đó, nó gom mấy bộ đồ nhét vội vô chiếc giỏ cói rồi bỏ đi mặc cho chị Chuông lôi kéo, năn nỉ.

Trời vẫn mưa nặng hạt, nó với tay lấy chiếc áo tơi ngay cửa trùm trên đầu rồi chạy nhanh ra khỏi căn nhà đó. Căn nhà nó đã sống hơn một năm nhưng bây giờ bỗng nhiên xa lạ với nó còn hơn những ngày đầu bỡ ngỡ…

Sóng biển ầm ầm xô vào bờ cát như muốn nuốt chửng nó, gió biển rít từng cơn buốt giá tấm thân nhỏ bé, đơn độc và ướt đẫm nước mưa… Trong giờ khắc cô đơn, vô vọng và đau khổ tột cùng đó, Hoài bỗng ngước mặt lên bầu trời tối đen và kêu lên thật to: “Ông Chúa ơi!”…

*******

Hoài vừa đi vừa khóc trong cơn mưa giá lạnh. Hàng loạt kỷ niệm buồn như những thước phim quay cuồng trong trí, dày vò tâm hồn bé bỏng của nó. Nó cứ đi mãi, đi mãi với tâm trạng nặng nề cùng những bước chân vô định. Nó đi đến mỏi rã rời đôi chân mà chẳng biết mình đi đâu, về đâu… Bỗng, nó nghe tiếng hát du dương vọng bên tai: “… Bao nhiêu năm tháng con ơ thờ, con đi xa Chúa nhưng bây giờ trở về đây xin Chúa lau khô dòng lệ xưa…” Tiếng hát mỗi lúc một gần nó hơn… Và kìa một ngôi giáo đường nhỏ xinh hiện ra trước mắt nó. Nó mừng rỡ quăng cả áo tơi, chạy ào vô bên trong nhà thờ. Nó đánh vần từ từ và đọc được cả dòng chữ: Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ (Ma-thi-ơ 11:28).

Lời vị Mục sư như dành riêng cho mỗi mình Hoài:

“… Quý vị đang mệt mỏi và gánh nặng chăng?Mệt mỏi không phải là mệt nhọc vì mệt nhọc do gánh nặng vì làm việc là chuyện bình thường. Nhưng mệt mỏi nói đến tình trạng chán nản kéo dài, gánh nặng là hậu quả của những việc xảy ra trong quá khứ hay mặc cảm tội lỗi. Trong âm nhạc có dấu “lặng”, các bài nhạc hay bài hát đều có dấu lặng hay còn gọi nôm na là dấu nghỉ. Nhưng lúc nghỉ này không phải là cuối cùng của bài nhạc hay bài hát. “Hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ”, không những Chúa hứa cho chúng ta yên nghỉ trong ngày cuối cùng, “yên nghỉ” mà Chúa hứa cho chúng ta như dấu lặng trong âm nhạc. Ngài sẽ ban những bóng mát cuộc đời, những quán trọ để chúng ta dừng chân nghỉ mệt rồi bước tiếp. Chúa đang kêu gọi quý vị hãy đến với Ngài lúc này dù gió mưa ngoài trời hay gió mưa cuộc đời đang gào thét, vây hãm đời sống. Mời quý vị bước lên cầu nguyện tin Chúa để được yên nghỉ bình an trong tình yêu Cứu Chúa”.

Nước mắt Hoài vẫn tuôn như mưa nhưng lòng nó nhẹ tênh sau khi nghe Lời Chúa. Không một chút chần chừ, nó bước những bước vững vàng tiến lên phía trước tòa giảng. Đêm đó, Mục sư cầu nguyện cho Hoài tin Chúa. Lần đầu tiên trong đời nó lặp lại lời cầu nguyện nghiêm túc theo hướng dẫn của vị Mục sư. Nó không còn gọi Chúa Jesus là ông Chúa nữa mà chỉ gọi Ngài là Chúa, là Cha của nó.

Những nỗi đau quá khứ, những vết thương lòng bỗng chốc tan biến khi Hoài quỳ nơi chân Chúa. “Con ruột, con nuôi hay con ghẻ có ý nghĩa gì đâu vì giờ đây mình con của Chúa! Dù gì môi mình cũng từng vang vang tiếng gọi: tía má và các em từ lúc bé xíu – Lòng nó thì thầm – Chúa ơi! Con trở về thăm tía má và các em con đây, con không sợ hãi bất cứ ai làm điều xấu với con vì Chúa là Cha nhân ái luôn yêu thương, bảo vệ con”.

Mưa vẫn lạnh lùng rơi, gió vẫn vô tình cuốn bay những chiếc lá xa cành. Một cơn mưa nhè nhẹ ngang qua thị trấn trong buổi sáng mùa thu êm ả. Cánh gió mơn man hôn nhẹ lên mái tóc vừa chấm ngang vai, những sợi tóc bay bay miên man đùa vui với gió. Hoài tung tăng bước những bước chân nhẹ như mây trên con đường quen thuộc về nhà. Nó không còn sợ cái lạnh lùng của gió mưa hay cái vô tình của con người nữa. Nó khe khẽ hát câu ca vừa mới thuộc: “…Con không lo gió mưa bên ngoài, con không than khóc như bao ngày vì lòng con vui sống trong hy vọng từ đây. Người người ơi, nghe tiếng Jesus lần nào chưa? Trở về đây bên Chúa Jesus nhận tình yêu”.

                                                                                   Sơ đông 2014
DIÊN VĨ   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn