Chủ Nhật , 24 Tháng Mười Một 2024
Home / truyện ngắn / Người Cha Tinh Thần

Người Cha Tinh Thần

ThanhLeChurch_02-590x295

Năm 2002, mùa hè, sau mấy tháng tự học ở nhà, tôi được đến trường dự khóa hè tập trung hai tuần, mỗi năm một lần, trong chương trình học 4 năm Cử Nhân thần học của tôi.

Tôi là sinh viên của Viện Thần Học Tin Lành Việt Nam California, tôi mới gia nhập trường tháng 11/2001. Tại đây tôi đã gặp bác Sơn, người mà tôi đã nhận làm một người cha tinh thần một năm sau đó.

Bác Sơn năm đó đã sáu mươi tám tuổi. Bác là sinh viên năm thứ ba của trường. Bác ở nội trú trong trường đồng thời làm nhân viên bảo vệ tình nguyện cho trường.

Bác Sơn vốn là một sĩ quan biệt động nhảy dù của chính quyền cũ. Sau năm 1975, bác có bị đi cải tạo một thời gian, rồi qua Mỹ, tôi còn không rõ bác đi vượt biển hay là đi theo diện sĩ quan.

Ở Mỹ, sau một thời gian đi làm hãng, cho một vài hãng xưởng, bác đã về hưu.

Sau khi nghỉ hưu, có nhiều thì giờ rảnh, bác đăng ký đi học ở Viện Thần Học Tin Lành Việt Nam. Bác vốn là tín đồ ở Hội Thánh Tin Lành Báp-tít Fountain Valley, California.

Khi được căn dặn trong chương trình học, hệ từ xa, tự học, mỗi năm phải về trường hai tuần để học những môn trực tiếp, có thảo luận, có thuyết trình, và nhận được giấy báo, tôi mua vé máy bay, thu xếp hành lý đi California.

Sau khi mua vé, tôi gọi về trường báo tin chuyến bay để nhờ người đi đón theo sự dặn dò của trường.

Tôi gọi về trường, và người nhận điện thoại là bác Sơn

Bá Sơn nói chuyện rất chân tình, vui vẻ, giọng Nam ấm áp, vui tai. Dù chưa biết bác là ai, tôi cảm thấy rất gần gũi với người nói chuyện đó.

Ngày đến, sau 7 tiếng bay, tôi “hạ cánh” xuống phi trường John Wayne, Orange County. Ra đón tôi là Thịnh và Quang hai sinh viên của trường cùng với một sinh viên khác từ xa, cũng mới hạ cánh.

Lần đầu tiên đến California, đi học, cái gì cũng thật là bỡ ngỡ. Tôi có người nhà ở thành phố L.A cách đó khoảng 45 phút, có đi thăm một lần, nhưng đi học thì khác hẳn.

Tôi được sắp xếp ở một phòng với 2 chị khác cũng là sinh viên về học. Một người là chị Nữ, một người là cô Hà. Chị Nữ là vợ một Mục sư, còn cô Hà là sinh viên, ở cùng tiểu bang với tôi mà chúng tôi không hề biết nhau.

Tối Chúa Nhật, sinh viên ở các nơi đã về đủ để bắt đầu học vào sáng thứ hai. Chương trình hai tuần gồm có 4 môn học: Khải đạo, Hội Thánh theo đúng mục đích, Chứng đạo và Hướng dẫn nhóm nhỏ.

Chúng tôi đã làm quen với nhau và thân thiện rất nhanh.

Tôi tò mò hỏi mọi người bác Sơn là ai, mọi người bảo ngày mai sẽ gặp, và nói cho tôi biết bác là ai.

Buổi sáng ngày học đầu tiên, tôi đã gặp bác Sơn. Johnny Sơn Lê.

Đó là một người đàn ông lớn tuổi, phúc hậu, nhưng vẫn còn tráng kiện, khỏe mạnh lắm. bác có mái tóc đã bạc, cắt cao, đôi mắt hiền, có bọng mắt dưới rất sâu, mọng nước. Những ông bà xưa hay nói những người có cặp mắt như vậy rất buồn, nhưng lại có đường “con cháu” rất tốt, con cái hiếu hạnh (!).

Bác Sơn cũng tham gia lớp học hè này vì bác đang học năm thứ ba, còn một năm nữa thì ra trường.

Khi tôi lại gần làm quen, chào hỏi bác, tự giới thiệu mình là ai, bác cười, thật hiền lành:

-À, thì ra là cô.

Chúng tôi bắt đầu chương trình học, rất là sôi nổi. Hai môn học đầu tiên là giáo sư Việt Nam dạy, có rất nhiều bài học, thảo luận và thực tập. Giáo sư Lê Thiện Dũng và giáo sư Nguyễn Tiến Đạt là những Mục sư giảng dạy đầy ơn và thật có tài, hướng dẫn lớp học hứng thú và chân thật, khiến sinh viên chúng tôi học hỏi nhiều lắm.

Giờ nghỉ tôi hay lại gần trò chuyện, thăm hỏi bác Sơn. Không hiểu tại sao tôi cảm thấy rất thương mến, gần gũi với bác. Bác có nét gì đó rất giống ba tôi, người cha mà tôi đã xa cách từ nhỏ. Cha mẹ tôi chia tay khi tôi mới 13 tuổi, đến thời điểm đi học là đã hơn hai mươi năm. Tôi chỉ gặp ba tôi mỗi năm một hai lần lúc còn ở Việt Nam, qua Mỹ rồi thì cha con tôi sinh sống ở tiểu bang khác nhau, nên ít khi gặp, vài ba năm mới gặp một lần.

Dường như trong tôi luôn thiếu thốn, tìm kiếm tình phụ tử. Qua câu chuyện tôi biết bác Sơn đã có vợ con ở Việt Nam, nhưng sau tháng 4/1975 bác từ Pleiku về trở về Huế tìm gia đình thì vợ con đã di tản cả, mất tích luôn từ đó. Bác nói con gái bác cũng cỡ tuổi tôi, nếu họ còn sống. Bác có liên lạc về Việt Nam nhiều lần để tìm kiếm nhưng không gặp, không rõ họ vượt biên đi đâu, hay là đã chết nơi nào. Hoàn toàn bặt vô âm tín.

Bác hiện giờ sống một mình, học Kinh Thánh, hứa nguyện dâng đời hầu việc Chúa. Hằng ngày ngoài việc đi học, bác làm công việc bảo vệ cho trường, chạy in ấn tài liệu cho trường, cho sinh viên, giúp đỡ các công việc hành chánh, nhà băng…. Dù bận rộn nhưng thấy bác rất vui vẻ, và đặc biệt, bác rất hay đùa, nhiều khi bác đùa mà người ta cứ tưởng thật, ngớ ra. Nhất là tính tôi thật thà, ai nói sao nghe vậy nên bị hố mấy lần.

Trong hai tuần đi học, ngoài những ngày đi học, cuối tuần chúng tôi được trường cho đi tham quan đây đó, nhà thờ kiếng, bãi biển Huntington Beach, nhà thờ Saddleback, đi ăn buffet ở nhà hàng China rất vui.

Tôi luôn tìm cách lại gần bác Sơn, trò chuyện và gần gũi thân tình với bác. Bác cũng hay giúp tôi những việc khác, chở đi mua cái này cái nọ, chỉ có hai tuần mà thấy gần gũi, như đã quen từ lâu lắm.

Ngày về, tôi cho bác số điện thoại, địa chỉ, mời bác qua chơi, và biếu bác $100 làm quà, cho vui. Bác Sơn cảm động, định từ chối, nhưng tôi ép bác phải lấy, cho vui, lấy thảo, tôi nói.

Ba năm đi học, tôi đề về trường, học, thuyết trình, thực tập giảng. Năm nào cũng được gặp bác, vui vẻ, thân thiết, như người nhà.

Những khi không đi học, chúng tôi, tôi và bác Sơn gọi điện qua lại thăm hỏi, động viên và cầu nguyện cho nhau.

Bác Sơn cũng có những chuyện không vui trong đời riêng. Sau khi qua Mỹ một thời gian, bác cũng có lập gia đình lại với một người phụ nữ khác, tín đồ Công giáo, nhưng chẳng được lâu, vì những lý do khác biệt.

Bác sống một mình một thời gian, rồi qua bạn bè giới thiệu, lại kết hôn với con gái của một Mục sư, lớn tuổi, chưa chồng. Tưởng là hạnh phúc, nhưng rồi lần nữa lại gẫy đổ.

Tôi cảm thấy buồn cho người cha nuôi của tôi, một người tốt, yêu mến Chúa, hầu việc Chúa mà lại quá lận đận về đời riêng.

Bác Sơn cười khi nghe tôi tâm sự. Bác nói bác coi mình như tiên tri Ô-sê, bị thử thách vì vâng lời Chúa. Bác chăm chỉ học, tốt nghiệp Cử nhân, lại học lên hai năm Cao học, lại tiếp tục học lên hai năm nữa tại một trường Thần học Mỹ và tốt nghiệp văn bằng tiến sĩ. Thật đáng phục.

Năm nay bác đã 78 tuổi, sau khi có bằng tiến sĩ, bác được một vài Hội Thánh mời đi thăm, giảng, và mời làm Mục sư, giáo sư, tuy vậy bác chỉ đi thăm và giảng dạy chứ không nhận lời ở đâu. Bác tâm sự, tuổi bác đã lớn rồi, không còn nhanh nhẹn và sung sức như thời trẻ, làm Mục sư là một công việc đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, bác sợ bác không kham nổi. Ở tuổi của Bác chỉ làm một tín đồ, hợp tác và phụ giúp với các Mục sư là đủ rồi. Bác đã từng đi Hawaii, Arizona và một số nơi khác, nhưng chỉ thăm viếng. Bác vẫn sinh hoạt với Hội Thánh cũ.

images (3)

Mùa đông năm 2009, bác Sơn qua thăm gia đình chúng tôi ở N. Carolina, ở chơi một tháng. Bác dự lễ Giáng sinh và đi nhóm với tôi ở Hội Thánh, tại đây bác lại được Mục sư quản nhiệm mời làm giáo viên TCN, cố vấn cho Hội Thánh, tuy vậy bác vẫn từ chối. Bác tâm sự: tôi không định ở lại đây, tôi cũng không muốn mọi người nể vì tôi vì cái bằng tiến sĩ, tôi chỉ là một tín hữu bình thường, có đi học lời Chúa mà thôi.

Sau lễ, bác Sơn trở về California lại, bác dời nhà một lần, rồi mất liên lạc hẳn. Tôi có gọi, viết thư mấy lần, không trả lời. Tôi nhớ có một lần đọc trong sách một câu thơ cổ:

“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”

Dịch là:

“Người đẹp cũng như danh tướng thời xưa, không bao giờ để cho nhân gian chứng kiến thời tàn tạ già nua của mình”

Những ngày ở tại đây, chỗ tôi, bác hay bị lạnh, nhức đầu gối, phong thấp, đi lại nhiều lúc phải đứng lại vì đau. Bác hay thích ngồi cạnh lò sưởi khi có tuyết vì lạnh lắm. Bác đã có tuổi rồi.

Từ đó đã mấy năm, tôi có cầu nguyện và nhờ người hỏi thăm, nhưng không có kết quả. Thư gửi đi lại trả về, lý do không có người nhận.

Tôi e rằng bác đã yếu quá, không có người chăm sóc, đã vào trong nursing home chăng?

Lúc sang đây chơi, vợ chồng tôi có mời bác ở luôn với chúng tôi cho có ông có cháu, nhưng bác từ chối:

-Vợ chồng hai đứa đã bận rộn lắm rồi, lại có con nhỏ, bác qua chỉ làm phiền hai đứa thêm. Qua chơi cho biết nhà, biết cháu là được rồi. Bác không muốn phiền các con.

Tôi đoán bác có ý ở ẩn để không phải phiền đến chúng tôi, nhưng cả nhà chúng tôi đều nhớ bác, mong bác trở lại, như một ông ngoại.

Tám mươi tuổi, cái tuổi Môi-se bắt đầu được Chúa gọi. Bác Sơn học xong tám năm trường Kinh Thánh chưa làm được gì cho Chúa đã lui vào bóng tối.

Vợ chồng chúng tôi và hai đứa con cứ nhắc bác hoài, cứ hỏi thăm các người quen mà cũng không ai biết bác đi đâu.

Dầu ở đâu, làm gì, tôi biết bác là người rất yêu mến Chúa, không bao giờ quên Ngài. Bác lúc nào cũng động viên tôi, học lên nữa và hầu việc Chúa, dù ở hoàn cảnh nào.

Tôi tin là tôi sẽ còn gặp bác, một ngày không xa.

 

NGỌC DUNG   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn