Thứ Ba , 26 Tháng Mười Một 2024
Home / truyện ngắn / HÌNH XĂM

HÌNH XĂM

hình xăm

Sau nhiều lần hoà giải không thành, chiều nay toà đã chính thức tuyên bố Tiến và Lệ Ngà ly hôn. Bước chân ra khỏi Toà Án, Lệ Ngà thấy Tiến bước vào chiếc xe hơi sang trọng, trong đó có thấp thoáng bóng một người phụ nữ ngồi chờ sẵn. Họ thản nhiên cười nói vui vẻ.

Trên chiếc xe máy của mình, Lệ Ngà không biết cô sẽ đi đâu. Về nhà ư? để làm gì mới được chứ! Chạy xe vào một quán café quen, Lệ Ngà ngồi trong đó suốt vài tiếng đồng hồ. Làm gì bây giờ? Rồi mai ra sao? Đầu óc cô quay cuồng hình ảnh những ngày đã qua. Tiến ơi, tại sao lại ra nông nỗi này? Những câu hỏi mà cô không thể trả lời. Như người mất hồn, Lệ Ngà bước ra khỏi quán, đi bộ chầm chậm dọc theo con đường. Thành phố buổi chiều đông đảo tấp nập. Một chiếc xe buýt bấm kèn ghé trạm. Thấy người ta ùa lên xe buýt, Lệ Ngà cũng bước lên theo. Không biết là xe buýt đã qua bao nhiêu trạm, thấy hành khách trên xe xuống, Lệ Ngà cũng xuống theo. Đầu óc Lệ Ngà trống rỗng và như có tiếng gió rù rì trong đó. Cô bước đi như một cái máy. Một thoáng, cô chợt nhận ra mình đang ở trên một chiếc cầu sắt lớn. Đi đến giữa cầu, Lệ Ngà bước chầm chậm và dừng lại sát lan can cầu, hướng mặt về dòng sông. Gió mát quá. Mà sao dòng sông đen ngòm vậy? À, hình như là do chiều tối rồi nên nước sông nó mới có màu như vậy. Bất chợt có tiếng nói trong đầu Lệ Ngà “Mất hết tất cả rồi, đâu còn gì nữa. Cha mẹ không có, anh em cũng không. Có thằng chồng thì bây giờ nó cũng bị người khác cướp mất rồi”. Chợt Lệ Ngà thấy có mấy cánh tay dưới sông nhô lên vẫy vẫy cô. Tiếng nói xa lạ lại vang lên “Xuống dưới chơi đi, dưới đó vui lắm”. Hình như có một bàn tay đẩy nhẹ vào lưng cô. Như một cái máy, Lệ Ngà leo qua khỏi lan can cầu rất nhanh và dứt khoát. Có tiếng người la to gì đó nghe không rõ phía sau. Lệ Ngà búng người vào khoảng không. Cô nhắm mắt lại. Vẫn có tiếng la, nhưng vẫn nghe không rõ. Vì bây giờ chỉ toàn là tiếng gió rít.

o0o

Kìa, Tiến đang đi cùng Thái Hà kìa. Tụi nó còn khoác tay nhau tình tứ nữa. Lệ Ngà lao đến đứng chận ngay trước mặt hai người đó.

– Tiến , Thái Hà …

– A, cô giáo kiêm ca- ve đây rồi. Xin báo tin vui: hôm nay là ngày cưới của chúng tôi.

– Mấy người thật quá đáng.

– À quên, xin lỗi, chúng tôi không thể mời cô được, nhưng nếu thích thì cô cứ tới, chúng tôi sẵn sàng đón tiếp.

–  Đồ khốn nạn, các người …

Nói chưa dứt câu, Lệ Ngà lao vào cấu xé Tiến và Thái Hà dữ dội. Không vừa gì, Tiến và Thái Hà đánh trả lại Lệ Ngà túi bụi. Phẫn uất và đau đớn, Lệ Ngà gào thét.
Những mảng mờ trước mắt Lệ Ngà từ từ rõ dần.

– Cô tỉnh rồi!

Có tiếng một người phụ nữ.

– Tôi … ở đâu đây?

Lệ Ngà hỏi yếu ớt.

– Phòng hồi sức đặc biệt.

Lại tiếng người phụ nữ đó.

– Tại sao vậy?

– Cô nhảy cầu tự tử đó, không nhớ sao? Vừa rồi cô rên la dữ quá.

– Hai người đó đánh tôi… họ đâu rồi ? Tôi… đau quá !

– Thôi, bây giờ cô cứ ngủ đi, đừng suy nghĩ gì nữa.

Lệ Ngà lại chìm vào cơn mê man. Không biết là bao nhiêu lâu, chỉ biết là Lệ Ngà mơ hồ nghe có tiếng thầm thì bên cạnh mình “Lạy Chúa… xin cứu cô gái … xin cứu người em…” Lệ Ngà ú ớ…

– Tiến, Thái Hà …

– Cô đã tỉnh dậy rồi.

Lệ Ngà mở mắt ra. Đứng bên giường cô là một người đàn ông lớn tuổi và một cậu bé khoảng mười tuổi đang đứng cúi đầu thầm thì gì đó. Nghe tiếng cô, họ mở mắt ra. Người đàn ông bước tới vịn vào tay cô. Lần này Lệ Ngà có vẻ tỉnh táo hơn.

– Sao tôi lại ở đây?

– Cô nhảy cầu tự tử. Người quen của tôi đã lao theo cứu cô.

– Người quen của chú? Vậy, … người đó đâu rồi?

– Anh ta đang được cấp cứu ở phòng kế bên.

Người đàn ông nhìn qua đứa bé, nói tiếp.

– Anh ta là ba của đứa bé này.

Lệ Ngà nấc lên

– Vậy là cháu làm hại chú đó rồi.

– Thôi, cô đừng xúc động, không tốt cho sức khoẻ cô trong lúc này. Chúng tôi đã cầu nguyện cho anh ta và tin rằng Chúa sẽ cứu anh ta.

Những ngày nằm bệnh viện Lệ Ngà cứ suy nghĩ không hiểu tại sao cô lại sống được. Hồi tưởng lại những chuyện đã qua, Lệ Ngà nhắm mắt lại, để mặc cho những dòng lệ tuôn rơi.

o0o

Đầu năm lớp mười, bước vào ngôi trường cấp 3 đầy xa lạ, Lệ Ngà chơi với Hằng Tóc Đỏ. Tên là như vậy nhưng tóc nhỏ Hằng không hề đỏ chút nào. Hằng cũng không nhuộm xanh đỏ như mấy đứa “teen quậy” khác. Tóc nó hoe hoe vàng vì cháy nắng. Chắc là do tắm biển nhiều mà không đội nón. Mà dân vùng biển này có bao giờ tắm biển mà đội nón đâu! Lệ Ngà cũng không hiểu tại sao nhỏ Hằng lại có cái “nick” là Tóc Đỏ. Ban đầu thì cũng có thêm vài đứa chơi chung nhưng khi biết là gia đình nhỏ Hằng có giao du với dân “có số má”, thì mấy đứa kia bắt đầu lảng tránh, chỉ còn Lệ Ngà là chơi với Hằng. Chơi với nhau một thời gian, Lệ Ngà thấy nhỏ Hằng không phải dân quậy, chỉ hơi cộc tính và dữ dằn một chút, học thì tạm được. Trưa hôm nay, tan học, Lệ Ngà kéo Hằng Tóc Đỏ vào quán trà sữa.

– Tháng này má mày có về không, Lệ Ngà?

– Chưa thấy.

– Chắc bả kẹt tiền.

– Tao cũng hổng biết.

– Mày có buồn không?

– Có, nhưng mà … rồi cũng quen.

Khi bước vào tuổi biết suy nghĩ, Lệ Ngà biết được câu chuyện tình của mẹ mình. Một chuyện tình rất đẹp và y như trong phim. Không được ông bà ngoại đồng ý, người yêu của mẹ nó đã bỏ đi lao động hợp tác ở nước ngoài. Thời đó thì làm gì có i- meo với lại di động mà a- lô với nhau. Thế là hai năm mất liên lạc, không tin tức. Ngày ông ấy xách va- li về, cũng là lúc pháo cưới nổ ì đùng trước cổng nhà ông bà ngoại. Mẹ nó lên xe hoa. Nhưng rồi cuộc hôn nhân không tình yêu của mẹ cũng nhanh chóng đổ vỡ. Hình như đứng sau sự đổ vỡ đó có hình bóng người yêu cũ của mẹ nó. Chuyện người lớn, nó chẳng quan tâm. Nó chỉ biết là nó ở với ông bà ngoại và mẹ nó thì đi làm ăn xa, lâu lâu mới về thăm. Nghe nói mẹ nó đã lấy ông người yêu cũ. Và thế là nó lớn lên mà thiếu tình yêu của cả cha lẫn mẹ. Mười sáu tuổi, ai cũng khen nó có nét đẹp như mẹ. Mà ở đây thì có điều này lạ lắm. Nắng gay gắt đó, gió ào ào đó. Vậy mà đa số phụ nữ vùng biển này lại có nước da trắng hồng. Nên người ta thường đùa rằng : phụ nữ ở đây đẹp mặn mòi – theo nghĩa đen!

– À, hôm nay tao buồn nhưng mày vui đó. – Lệ Ngà phá tan bầu không khí yên lặng nặng trịch giữa hai đứa.

– Nghĩa là sao? –  Hằng Tóc đỏ ngạc nhiên hỏi lại.

– Nghĩa là… tao bao mày uống trà sữa, kể cả nếu mày muốn thêm ly nữa.

– Cha, sang quá ta. Sao hôm nay mày ngon lành vậy ?

– Hôm nay sinh nhật tao.

– Ủa, vậy à. Nhưng mà … tao không có quà cho mày.

– Thôi, bày vẽ chi mày ơi, tao với mày mà. Có mày tâm sự tao đỡ buồn.

Chợt mắt Hằng Tóc  Đỏ sáng lên

– Ê, tao nghĩ ra quà cho mày rồi đó!

– Quà gì?

– Tao sẽ tặng mày một cái hình xăm!

– Hình xăm? Trên người tao?

– Ừ, thì trên người mày.

– Hình thật à?

– Ừ, thì hình thật, chứ không lẽ …

– Thôi mày ơi, ghê chết! – Lệ Ngà giãy nãy

– Làm gì mà ghê! Đẹp lắm đó. Mày không biết ba tao chuyên xăm cho dân anh chị sao!

– Mày lại còn tính đưa tao đến cho ba mày xăm nữa à! Khùng quá!

– Mày mới khùng! Tao đã học nghề của ba tao. Tao xăm cho mày!

Lệ Ngà tròn mắt nhìn Hằng Tóc Đỏ đưa Lệ Ngà từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

– Mày xăm cho tao à? Có được không đó?

– Mày yên tâm ! tao xăm cho vài đứa rồi. Tao còn tự xăm cho tao nữa.

– Đâu, mày đưa tao coi !

– Từ từ mày.

Sau khi nhìn qua nhìn lại xem có ai chú ý không, Hằng Tóc Đỏ cúi xuống vén ống quần lên. Một hình xăm con bướm xinh xinh phối màu xanh và đỏ nằm trên bắp chân nhỏ Hằng.

– Ô, đẹp đó ! Lệ Ngà buột miệng khẽ kêu lên.

– Thấy chưa ! Tao sẽ xăm cho mày một con bướm y như vầy. Miễn phí. He he.

Ngẫm nghĩ một lúc, Lệ Ngà lên tiếng

– Mà không được đâu. Ở nhà tao hay mặc quần ngắn. Lỡ ông bà ngoại hay mẹ tao thấy, là tao ăn đòn nhừ tử.

Nhỏ Hằng suy nghĩ một lúc rồi nói như reo lên :

– Tao nghĩ ra rồi. Tao không xăm cho mày ở chân, tao xăm trong người mày, mày mặc đồ đâu có ai thấy.

– Nhưng cụ thể là ở đâu ?

– Tao tính vầy nhe. Tao sẽ xăm cho mày ở khoảng giữa ngực và vai. Mày mặc áo bình thường không ai thấy. Khi mày muốn khoe ra, chỉ cần lúc tắm biển mặc áo sát nách, rộng cổ, hình xăm chỉ cần lấp ló ra là cả đống thằng để ý mày.

Lệ Ngà nghe nhỏ Hằng nói cũng có lý. Cô nói vẻ xiêu lòng :

– Vậy, chừng nào làm, mà làm ở chỗ nào mới được chứ ? Nhà tao thì không được rồi, tao không có phòng riêng.

– Để tao tính, trưa mai sau khi đi học về mình làm luôn.

o0o

Lệ Ngà phải nghỉ học hai ngày vì bị sốt. Chẳng ai biết nguyên nhân tại sao, mà cũng chẳng ai để ý làm gì. Ngay cả ông bà ngoại cũng nghĩ là con nhỏ chắc lâu lâu cảm sốt bình thường. Chỉ có Lệ Ngà và nhỏ Hằng là hiểu được nguyên nhân. Trưa ngày thứ hai, Lệ Ngà đã thấy trong người khoẻ hơn. Nó nằm mỉm cười nhớ lại chuyện hôm trước với nhỏ Hằng.

– Ủa, sao mày đưa tao vô nhà nghỉ ?

– Mày ngu quá, vô đây mới an toàn, không ai thấy, mình làm mới được.

Thấy nhỏ Hằng có lý, Lệ Ngà đành im lặng

– Anh ơi, cho tụi em một phòng. –  Nhỏ Hằng nói với anh quản lý.

– Cho hai đứa em hả ? – Anh quản lý ngạc nhiên hỏi lại.

– Ừa, thì hai đứa em chứ sao !

– Hai đứa em vô… làm gì ?

– Anh này hỏi lạ ! Thì tụi em lỡ đường vô ngủ một chút không được hả ! Vậy anh không muốn cho thuê phòng à ?

– Ờ, ờ… được, hai em thuê mấy tiếng ?

– Hai tiếng.

– Ờ, ờ… chìa khoá đây. Phòng số 23 lầu 2 nhe em.

Nhỏ Hằng không nói gì chụp lấy chìa khoá, một tay ôm túi đồ nghề, một tay nắm tay Lệ Ngà dắt đi nhanh lên lầu. Lệ Ngà ngượng chín mặt cúi đầu líu ríu đi theo. Nhỏ Hằng cười ghé sát tai Lệ Ngà :

– Ổng tưởng tao với mày là “les” … he he

Le- na ngượng quá, bấm vào tay nhỏ Hằng nói khẽ “Thôi, lên lẹ đi mày”.

“Ôi đau quá!” Trong hai tiếng, thỉnh thoảng Lệ Ngà chỉ biết thốt lên có vậy. Nhỏ Hằng thì hì hà hì hục, mồ hôi ra ướt trán, lâu lâu nói để động viên Lệ Ngà “Ráng chịu đau một chút mày”. Lệ Ngà cũng không biết nhỏ Hằng châm kim ra sao, pha màu thế nào, chỉ biết nhắm mắt quay qua chỗ khác, không dám nhìn Hằng làm việc. Cuối cùng rồi cũng xong, Lệ Ngà đau quá về không nổi, phải nói với quản lý cho ở thêm một tiếng nữa. Cũng may phòng máy lạnh làm Lệ Ngà dễ chịu được một chút. Sau đó về thì sốt luôn hai hôm.

– Ê, Lệ Ngà mày khoẻ chưa? –  Tiếng nhỏ Hằng Tóc Đỏ cắt đứt dòng suy nghĩ của Lệ Ngà.

– Ủa, mày tới hồi nào? Tao thấy đỡ rồi.

– Tao mới tới, gặp ông bà ngoại ở nhà ngoài, ông bà nói mày đỡ rồi.

– Ê, đừng nói gì nhe mày.

– Con nhỏ này, mày làm như tao nhiều chuyện lắm… Mày yên tâm đi.

– Sao tay mày trầy vậy?

– Hừm, nhắc tới tao còn tức. Mày biết con nhỏ Thái Hà không?

– Lớp mình đâu có đứa nào tên Thái Hà?

– Con Thái Hà bên A5, kế lớp mình.

– À, tao nhớ rồi, vụ gì vậy ?

– Tuần trước lúc vào toa- lét tao có rửa chân, lúc đó có nó, tao vô ý để nó thấy hình xăm trên bắp chân tao. Vậy là mấy ngày sau, cả lớp nó gọi tao là “Hằng ca- ve”.

– Hèn chi tao có nghe loáng thoáng nhưng không để ý. Sao mấy đứa lớp nó độc mồm vậy! Nhưng sao mày biết nó nói?

– Lúc tao rửa chân chỉ có nó đứng gần bên tao. Một số đứa lớp nó cũng rửa mặt gần đó. Lúc tao sắp ra cửa thì nghe tụi nó xì xầm “giống ca- ve, giống ca- ve”. Tao có quay lại trợn mắt nhìn tụi nó thì tụi nó im bặt rồi lãng ra.

– Rồi sao nữa?

– Hồi nãy, tan học, tao chận con Thái Hà lại hỏi chuyện nó. Mày biết nó nói sao không?

– Nói sao?

– Nó nói “Nếu đúng như vậy thì mày làm gì tao?”. Mày coi nó ngang ngược không. Sôi máu, tao tát nó hai cái. Nó cào lại trúng tay tao. Tụi lớp nó bu lại. Tao chạy.

– Tưởng gì, cuối cùng mày cũng chạy.-  Lệ Ngà phì cười – nhưng sao mày làm lớn chuyện vậy? Coi chừng bị kỷ luật.

– Tao cóc sợ. Phải làm để cho nó chừa cái tội nhiều chuyện.

– Thôi, mày đừng làm chuyện ra tùm lum nữa. À, còn cái hình, sao tao thấy nó hổng ra hình thù gì hết vậy? – Lệ Ngà hạ giọng thì thầm

– Không sao đâu, tại nó còn sưng. Mày nhớ uống thêm kháng sinh tao đưa hôm trước đề phòng nó nhiễm trùng.

– Tao có uống đủ. Tao phải lén uống chứ lỡ ông bà ngoại tao thấy rồi hỏi mất công ra thêm chuyện.

– Ừ. Rồi vài ngày nữa nó lành rồi mày sẽ thấy “tuyệt tác” của tao.
Quả thật, khoảng một tuần lễ sau, vết xăm lành hẳn lộ ra hình một con bướm xinh xinh phía trên ngực Lệ Ngà. Có lúc đi tắm, Lệ Ngà đứng trước gương thật lâu ngắm nghía “tuyệt tác” của nhỏ Hằng Tóc Đỏ. Công nhận nhỏ Hằng này có hoa tay thật. Con bướm rất sống động, màu xanh và đỏ được phối với nhau rất hài hoà, mà kích thước cũng vừa phải, gọn gàng. Chợt nhớ tới chuyện của Hằng và Thái Hà, Lệ Ngà thoáng sợ hãi. Lỡ rồi đến lúc có người nhìn thấy hình xăm này của mình thì sao ta? người ta sẽ xem mình như hạng gái hư hỏng à? Lệ Ngà chợt nhớ lại hôm nọ ông ngoại nhìn thấy một người đàn ông có hình xăm rồng lớn trên bắp tay, Lệ Ngà nghe ông lẩm bẩm “đồ cái thứ ma cô, ma cạo…”. Đàn ông xăm mình mà ông ngoại còn nói vậy, huống gì …! “Con Lệ Ngà làm gì trong nhà tắm lâu vậy? Mau mau ra cho ông ngoại con vô!”. Tiếng bà ngoại cắt đứt dòng suy nghĩ của Lệ Ngà. Nó dạ lớn rồi mau mau lau người, mặc áo, ôm khăn vọt ra khỏi nhà tắm.

Thời gian cứ thế trôi qua, trôi qua. Lệ Ngà tốt nghiệp cấp 3 sau đó thi đậu vào Đại Học Sư Phạm trên thành phố. Ông bà ngoại tỏ ra lo lắng cho Lệ Ngà nếu lên thành phố học. Thành phố lớn đầy dẫy những cạm bẫy, những tệ nạn. Nhưng Lệ Ngà động viên ông bà ngoại “không lẽ sợ như vậy rồi con gái ở các tỉnh không thể lên thành phố học hành và làm việc sao? nhiều người gái lẫn trai lên học trên thành phố đã thành đạt, kiếm được nhiều tiền. Ông bà ngoại yên tâm, con sẽ sống tốt và học hành tốt”.

Lên học trên thành phố, vì còn khó khăn, Lệ Ngà ở chung phòng trọ với các bạn nữ. Mặc dầu có những cám dỗ nhưng Lệ Ngà cương quyết bỏ ngoài tai mà lao đầu vào học tập, từ chối tất cả những tình cảm, những lời ngọt ngào của những chàng trai xung quanh. Lệ Ngà là sinh viên giỏi ngay năm đầu tiên. Năm thứ hai, trong một buổi sinh hoạt giao lưu với sinh viên đại học Kinh Tế, Lệ Ngà quen với Tiến, sinh viên năm cuối. Tiến có gia đình ngay tại thành phố, chăm học, hiền lành, sống chuẩn mực, không thuốc lá, rượu bia. Dần dần họ yêu nhau. Hai người hẹn ước khi Lệ Ngà tốt nghiệp và có việc làm ổn định, sẽ tiến tới hôn nhân. Vốn là một chàng trai sinh trưởng trong gia đình có giáo dục nên trong tình yêu, Tiến luôn giữ một thái độ tôn trọng và khoảng cách cần thiết đối với người yêu. Năm Lệ Ngà tốt nghiệp thì Tiến cũng đã có một vị trí xứng đáng trong một doanh nghiệp. Tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, được nhiều trường trong thành phố mời mọc nhưng không muốn bị gò bó trong khuôn khổ nhà trường, Lệ Ngà quyết định đi làm gia sư để giờ giấc tự do hơn. Rồi được sự giới thiệu từ người này qua người kia, cộng với sự tận tuỵ uy tín, chỉ sau một năm, Lệ Ngà có nhiều học trò, thu nhập hàng tháng của Lệ Ngà rất khá, có thể gửi về quê nuôi ông bà ngoại. Lệ Ngà sắm được xe tay ga, laptop, điện thoại đắt tiền. Nơi ở của Lệ Ngà bây giờ là một phòng trọ cao cấp riêng biệt với nhiều tiện nghi, không chung đụng với ai. Đám cưới của Lệ Ngà và Tiến diễn ra tràn đầy hạnh phúc và niềm vui, tổ chức tại một nhà hàng sang trọng. Ông bà ngoại là bậc cao niên đại diện cho nhà gái. Mẹ Lệ Ngà cũng có mặt với tư cách là mẹ cô dâu. Bà ứa nước mắt khi thấy con gái mình thành đạt và hạnh phúc. Ai cũng mừng cho hạnh phúc đôi trẻ, họ là những người trí thức, có nghề nghiệp ổn định, thu nhập cao. Hơn nữa, đám cưới xong, họ về ở ngay trong căn hộ sang trọng mà bên cha mẹ Tiến mua cho đôi vợ chồng trẻ. Lệ Ngà và Tiến tay trong tay say men hạnh phúc đi chào từng bàn trong tiệc cưới.

– Em à, đây là bàn của các anh chị em trong công ty của anh. Đây là Giám đốc, đây là Kế toán trưởng, đây là …. –  Tiếng nói của Tiến chìm trong tiếng nói cười rôm rả.

– Em chào các anh, các chị,…-  Lệ Ngà vui vẻ gật đầu chào quanh bàn. Có tiếng hô “Dô, dô đi, chăm phần chăm nhen”. Máy ảnh chớp lia lịa, đèn quay video rọi sáng vào mặt. Lệ Ngà nheo nheo mắt vì chói. Chợt có một bàn tay nắm lấy tay Lệ Ngà.

– Lệ Ngà, nhận ra mình không?

Lệ Ngà quay nhìn người con gái xinh xắn ngồi trong bàn.

– Xin lỗi, trông chị quen quen.

– Quen quá đi chứ. Thái Hà đây.

– Ô, Thái Hà A5 phải không. Trông bạn xinh quá. Bạn làm trong công ty anh Tiến à?

– Ừ, mình làm chung phòng với anh Tiến. Lúc nhận thiệp cưới, thấy tên Lệ Ngà, mình đã ngờ ngợ. Khi vào nhà hàng thấy hình cô dâu chú rễ phía ngoài, mình phải thốt lên “đúng là Lệ Ngà ngày nào, nhưng bây giờ xinh đẹp hẳn ra”.

– Bạn quá khen. Thôi, vợ chồng mình phải đi bàn khác đây. Hẹn gặp lại sau nhé.

– Ừ, sẽ gặp lại sau.

Hạnh phúc tràn ngập trong đôi vợ chồng trẻ Tiến – Lệ Ngà. Tuy nhiên, cứ tưởng là thế nhưng không hẳn như vậy. Hôm sau, Lệ Ngà thấy Tiến có gì đó khác khác, nhưng cô chỉ suy nghĩ thoáng qua rồi tiếp tục vui vẻ. Trong tuần trăng mật, Lệ Ngà thấy Tiến vui đó rồi có lúc lại trầm tư. Hết tuần trăng mật, vợ chồng Tiến và Lệ Ngà trở lại với công việc riêng của mỗi người. Lệ Ngà có cảm giác như Tiến muốn nói điều gì đó rồi lại thôi.

Cho đến một tuần lễ sau.

– Lệ Ngà, em ngồi đây. Anh muốn nói chuyện với em.

– Chuyện gì vậy anh?

– Anh đã suy nghĩ kỹ để có thể hỏi em…

– Dạ.

– Anh và em đã là vợ chồng với nhau rồi…

– Kìa, anh Tiến, có gì mà anh rào đón vậy?

– Ừ, à… em không giấu anh điều gì chứ?

– Không, anh cứ nói đi, em không giấu anh đâu.

Tiến cắn nhẹ môi, sau đó nhìn vào mắt Lệ Ngà

– Ngay trong đêm tân hôn anh nhận ra được hình xăm con bướm trên ngực của em…

– À, ra vậy.

–  … hình xăm này trước đó anh không hề được biết.

– Thì trước khi cưới anh có được đụng vào người em đâu mà biết! – Lệ Ngà cười.

– Em à, anh nói rất nghiêm chỉnh. –  Tiến nghiêm nét mặt –  Tại sao em lại có hình xăm đó?

– Anh Tiến à, em không giấu gì anh hết. Hình xăm này là do một người bạn thời trung học xăm cho em để làm quà sinh nhật. Phải thừa nhận là lúc đó em còn quá trẻ để suy xét điều tốt điều xấu. Thấy nhỏ bạn có hình xăm bướm quá đẹp ở bắp chân, nên khi nó đề nghị, em đã đồng ý mà không đắn đo gì.

– Em biết người bạn đó của em bây giờ ra sao không?

– Ồ không. Từ lúc lên thành phố học đại học là em không liên lạc với nó nữa. Cũng hơn năm năm rồi còn gì. Không biết nó ra sao nữa.

– Cô ta còn trẻ nhưng lại cầm đầu đường dây gái gọi dưới quê em, mới bị bắt tháng trước.

– Ủa, sao anh biết?

– Thái Hà nói.

– A, em nhớ Thái Hà rồi. Không ngờ Thái Hà lại làm chung với anh.

Lệ Ngà kể cho Tiến nghe về mối xung đột giữa Hằng Tóc Đỏ và Thái Hà năm nào.

– Anh hiểu cho em, đó chỉ là quyết định nông nỗi thời trẻ con. Với lại em thấy nó đâu có gì ghê gớm đâu anh!

– Sao lại không! Em có biết rằng chỉ có những cô gái hư hỏng mới đi xăm mình như vậy không!

– Sao anh nặng lời với em vậy! Lúc đó em đâu có ai bên cạnh để chia sẻ, dạy dỗ. Chỉ có mỗi nhỏ Hằng Tóc Đỏ đó, mà nó rất tốt với em.

– Sao em biết nó tốt với em? Thái Hà nói lúc đó Hằng mới học lớp 10 mà đã cặp bồ bịch lung tung, ôm trai đi xà nẹo hóng gió ngoài Cầu Đúc dưới quê em.

– Em có biết chuyện gì của Hằng đâu ! Nhưng biết đâu Thái Hà ghét Hằng rồi đặt chuyện cho nó thì sao?

– Thái Hà đặt chuyện cho Hằng hay không thì không biết, chứ việc Hằng bị bắt vì dính vào mại dâm hồi tháng trước là có thật đó. Anh có gọi về hỏi bà ngoại, bà ngoại xác nhận như vậy !

– Tội nghiệp cho Hằng anh ơi, mà quả thật em không biết gì hơn về các việc làm của Hằng cả!

– Em còn tội nghiệp cho nó nữa. Chắc là ngày xưa em cũng có một đời sống giống như nó, và em đã cố giấu đi quá khứ của mình, tưởng anh không biết.

– Anh Tiến! Anh im đi. Anh đã xúc phạm em!

Cứ thế, họ lời qua tiếng lại, cãi nhau kịch liệt. Tối đó, Tiến ra phòng khách ngủ, còn Lệ Ngà ôm gối khóc mùi mẫn. Lệ Ngà không ngờ rằng kể từ ngày đó trở đi, bi kịch đã giáng xuống đời cô. Mặc dù nhiều lần Lệ Ngà cố phân bua, trình bày cho Tiến hiểu, nhưng Tiến vẫn cười khẩy, cho rằng cô lừa dối anh. Đã vậy dạo này anh hay về trễ, nồng nặc mùi bia rượu. Điều mà trước đây trong suốt thời gian yêu Lệ Ngà, Tiến không hề có.

Một hôm đã khuya, cũng như mọi khi, Tiến về nhà, người nồng nặc mùi rượu. Lệ Ngà chận Tiến lại ở phòng ngoài.

– Anh Tiến, không lẽ chỉ vì một cái hình xăm mà anh đánh giá em thấp như vậy sao?

– Cô nghĩ đi, cô lột trần ra, đưa ngực ra cho thằng nào đó xăm lên. Rồi nó và cô còn làm gì nữa, ai biết? chỉ có cô và thằng đó biết. Cô không qua mặt được tôi đâu. –  Tiến trả lời với giọng nhừa nhựa nhưng vẫn rất tỉnh táo.

– Em đã nói với anh rồi, con Hằng nó xăm cho em chứ thằng nào đâu! – Lệ Ngà bật khóc.
– Cô giả dối với tôi quen rồi, trong lúc tôi rất tôn trọng cô. Lẽ ra trong thời gian yêu cô, tôi phải đòi khám phá cô trước, để nếu thấy cái hình xăm đó thì tôi không bao giờ cưới cô đâu. Tôi tiếc là tôi đã không làm vậy … Bây giờ tôi đã đeo mo vào mặt ba má tôi, vì tôi đã cưới một con đàn bà hư hỏng.

– Anh khốn nạn vừa thôi.

– Cô nói ai khốn nạn? chính cô mới khốn nạn. Ngay từ đêm tân hôn, lúc tôi nhìn thấy cái hình xăm con bướm trên ngực cô, tôi đã lợm giọng muốn ói. Tôi đã chủ động dùng biện pháp để cô không có thai. Cô hiểu tại sao không?

– Còn có chuyện đó nữa sao? –  Lệ Ngà khóc tức tưởi.

– Tôi không muốn cô sinh con tôi ra, để rồi sau này lớn lên nó thấy hình xăm trên ngực mẹ nó rồi nó hỏi “sao mẹ lại xăm mình giống ông trong phim xã hội đen”, lúc đó tôi và cô trả lời sao đây?

Rồi Tiến vung tay lên khỏi đầu

– Đó, cô coi trên ti vi hay trên báo đó. Người ta quảng cáo sữa cho trẻ em có cảnh người mẹ cho con bú đó. Có ai mời bà mẹ nào có hình xăm trên vai, trên ngực mà đóng quảng cáo không? Mời cô nào có hình xăm đóng, chắc có nước sữa của họ đổ bỏ chứ bán cho ai!
Những lời của Tiến như từng nhát dao cứa vào tim của Lệ Ngà. Cô đau đớn. Không ngờ cuộc hôn nhân của cô lại rơi vào bi kịch quá sớm như vậy. Cô gầy xuống, xanh xao. Mọi người hỏi cô có phải ốm nghén không, cô cười gượng gạo lãng tránh trả lời làm mọi người cứ ngỡ cô e thẹn. Chẳng ai hay biết những xung đột của Tiến và Lệ Ngà, họ cứ nghĩ cả hai chắc đang hạnh phúc. Lệ Ngà cố gắng tìm cách để thuyết phục và hàn gắn với Tiến, nhưng dường như không có kết quả. Hình xăm trên ngực Lệ Ngà theo Tiến cho là một vết nhơ cho chính anh và cả gia đình anh. Mâu thuẫn giữa họ càng nhanh chóng nới rộng mỗi ngày. Một tối nọ, Tiến về, cũng với mùi rượu nồng nặc, nhưng lần này chắc mệt nhiều nên lăn ngay trên sofa nhà ngoài mà ngủ say như chết, điện thoại trong túi quần rơi trên sofa. Lệ Ngà bước ra, vừa lúc đó, có tin nhắn vào máy của Tiến. Cô do dự rồi sau đó cầm điện thoại của Tiến lên xem. “Anh ve roi thi bao cho em biet nha kung”, người gửi là “em yeu”. Lệ Ngà sững người, bàng hoàng cả người. Hoá ra là Tiến đang có một người con gái khác sao? Đầu Lệ Ngà quay cuồng như vỡ tung. Suy nghĩ một lúc, cô quyết định bấm gọi số đó. Một giọng con gái nũng nịu:
– Anh ! về rồi đó hở? Hoá ra anh uống nhiều như vậy mà về được tới nhà là hay lắm đó, nhớ em quá gọi liền phải hông? Thôi, mai em thưởng cho …

Lệ Ngà định thần lại. Giọng nói này rất quen.

– Thái Hà. Thì ra …

– Ủa, –  giọng nói đầu dây bên kia hoảng hốt nhưng sau đó kịp định thần lại. – hoá ra cô cũng biết quản lý điện thoại chồng đó chứ.

– Thái Hà. Cô thật trơ trẽn. Tại sao cô làm điều này chứ? Đây là chồng tôi…

– Đúng là chồng cô. Nhưng anh ta không còn thích cô rồi! Vậy cô hãy để anh ta thích người khác chứ. Này, anh ta rất thích cái thân thể thơm tho, mịn màng của tôi đấy nhé, trắng muốt từ trên xuống dưới, và đặc biệt là không có hình xăm nào…

Lệ Ngà cắn chặt răng, nước mắt trào ra

– Thái Hà, đồ khốn nạn, mày … mày …

– Ê, cô kia, cô là nhà giáo kiêm ca- ve nên ăn nói cục súc như vậy phải không? ăn nói lễ độ lại đi !

– Bộ cô tưởng tôi không dám làm gì cô sao?

– Cô làm gì tôi nào? – Thái Hà cười mỉa mai.

– Tôi sẽ nói Hằng Tóc Đỏ rạch mặt cô!

Thái Hà có vẻ hoảng hốt

– Này, Lệ Ngà, cô đừng hù doạ tôi đấy nhé. Con Hằng Tóc Đỏ ở tù rồi!

– Ở tù rồi cũng có ngày ra.

– Cô liệu hồn, Lệ Ngà. Tôi có mệnh hệ gì, cô cũng không sống nổi đâu.
Thái Hà đã cúp máy nhưng Lệ Ngà như vẫn còn nghe những tiếng cười nói ngạo mạn của cô ta bay xung quanh cô. Đau đớn, chua chát quá !

Tối hôm sau, Tiến về nhà gặp Lệ Ngà, mặt hầm hầm

– Lệ Ngà, Thái Hà có mệnh hệ gì, cô biết tay tôi!

Lệ Ngà nhìn Tiến, nói giọng mệt mỏi

– Anh không cần phải lo.

Nói xong, Lệ Ngà đưa cho Tiến một tờ giấy
– Đây là Đơn ly hôn, anh ký đi!

Cầm lấy tờ đơn, chẳng thèm đọc, Tiến cười phá lên

– Bộ cô tưởng tôi ngu sao! Cô đứng đơn ly hôn, người ta sẽ nghĩ là tôi bạo hành cô đến nỗi cô phải ly hôn tôi sao?

Tiến xé nát tờ đơn của Lệ Ngà, rồi anh ta móc trong cặp da ra một tờ đơn của anh ta làm.
– Đây là tờ đơn ly hôn của tôi làm. Cô ký đi!

Lệ Ngà mím môi, tay run run ký vào tờ đơn ly hôn.

– Tôi đã chuẩn bị sẵn để dọn ra ở riêng ngay từ sáng nay, trả căn nhà này lại cho anh vì nó là của ba mẹ anh.

– Ô, cảm ơn cô. Đúng là ca- ve kiêm nhà giáo nên biết điều có khác.
Lệ Ngà cay đắng dắt xe nặng nhọc ra khỏi nhà Tiến.

Vậy đó, Lệ Ngà muốn chết mà vẫn không được chết. Cô được những người lạ này cứu sống và bây giờ thì nằm đây gặm nhấm nỗi đau của mình. Mà sao những người lạ này đối xử với cô thật tốt, cứ như cô là người thân của họ. Người đàn ông đứng tuổi cho biết bác tên Hùng. Người đàn ông cứu cô tên Ân, là ba của bé Phước. Bác Hùng có hỏi thân nhân của Lệ Ngà ở đâu, để bác báo tin, nhưng Lệ Ngà khóc và lắc đầu:

– Dạ thôi, bác. Chuyện của con buồn lắm. Xin đừng báo cho ai. Chỉ xin bác lấy giúp con chiếc xe máy ở quán cà phê.

Thật tội nghiệp bác Hùng phải đứng ra với Lệ Ngà làm việc với công an đến điều tra, làm việc với báo chí để họ đăng tin một cách chung chung, đừng làm rùm beng lên mặt báo. Ngoài ra bác còn cùng công an đến lấy giúp Lệ Ngà chiếc xe máy để ở quán cà phê. Cũng may là quán cà phê quen, họ cứ tưởng Lệ Ngà để xe rồi đi chơi với người khác nên giữ giùm. Trong cốp xe còn nguyên giấy tờ, các vật dụng và tiền bạc của Lệ Ngà.
Chiều nay, cô y tá đến chích thuốc cho Lệ Ngà. Lệ Ngà ngại ngần hỏi:

– Cô ơi, chú … chú Ân khoẻ không cô?

– Cái ông mà liều mình cứu em đó hả? Ổng khoẻ nhiều rồi. Tôi thấy có ông lớn tuổi với thằng nhỏ vô thăm kìa.

Sau khi chích thuốc xong, Lệ Ngà rụt rè đi qua phòng của Ân.
Bác Phúc và Ân đang nói chuyện vui vẻ. Thấy Lệ Ngà bước vào, hai người ngừng câu chuyện và mỉm cười với Lệ Ngà.

– Chú Ân, cháu xin lỗi … –  chưa nói dứt câu, Lệ Ngà ôm mặt khóc nức nở và khuỵu xuống.

Bác Hùng vội vả chạy đến đỡ Lệ Ngà cho ngồi lên ghế. Ân ôn tồn:

– Cô đừng xúc động quá. Mọi chuyện cũng qua rồi.

– Tại cháu mà chú phải vào bệnh viện. Cháu ân hận quá.

– Lúc đó, tôi thấy cô đã leo qua lan can cầu rồi, tôi vừa chạy tới vừa la to lên, nhưng hình như cô không nghe thấy.

– Lúc đó, tâm trí cháu đâu còn phân biệt được gì nữa.

– Đừng dại dột vậy nữa cô bé. Cho dù mọi người xung quanh hắt hủi, ghét bỏ mình, nhưng vẫn còn có Chúa Giê- xu yêu thương mình.

– Chúa Giê- xu à? Đây là lần đầu tiên cháu nghe điều này.

Hai người đàn ông bèn nói cho Lệ Ngà nghe về tội lỗi loài người, tình yêu thương của Thiên Chúa và sự cứu rỗi trong Chúa Giê- xu.

– Đến bây giờ cháu mới nghe được điều kỳ diệu này. Và cháu mới hiểu ra tại sao chú Ân đã liều mình để cứu cháu trong lúc cháu tuyệt vọng… Giọng Lệ Ngà buồn buồn.

– Cô Lệ Ngà, chỉ có tiếp nhận Chúa Giê- xu, thì tâm hồn cô mới có được niềm an ủi và cô mới nhận được sự cứu rỗi.

– Dạ, cháu xin tiếp nhận Chúa.

Vậy là buổi chiều hôm đó, đã có một linh hồn đau khổ tìm về với tình yêu của Thiên Chúa. Hôm sau, nhân lúc ông Hùng vào bệnh viện thăm, Lệ Ngà hỏi thăm về hoàn cảnh của ông Ân, mới biết hoàn cảnh của Ân thật đáng thương.

“Gia đình Ân nghèo, cha mẹ mất sớm, không có anh em, Ân phải vất vả tự mưu sinh từ nhỏ. Lên thành phố, Ân có cơ hội để biết và tin nhận Chúa. Nhóm cùng một hội thánh, thấy chú ấy chịu khó, lại là người cùng quê, nên tôi và chú ấy nhận nhau làm anh em kết nghĩa. Ngoài ba mươi tuổi mới lập gia đình với một người vợ cũng yêu mến Chúa, gia đình Ân ngập tràn hạnh phúc khi có bé Phước. Nhưng rồi một thử thách lớn lại ập xuống gia đình nhỏ này. Khi bé Phước lên sáu, vợ Ân phát hiện bị chứng bệnh nan y. Cả hội thánh dốc lòng cầu nguyện cho cô ấy. Và rồi đẹp ý Chúa, Ngài đã rước cô ấy về sau hai năm phát bệnh”. Ông Hùng dừng lại một lúc rồi nói tiếp “Hai năm nay thiếu vắng người vợ cùng cáng đáng gia đình, chú ấy phải bươn chải nhiều để nuôi thằng nhỏ. Hiện chú ấy đang nhận một chân giao hàng nhu yếu phẩm cho một công ty. Tiền thuê nhà thì cứ tăng hoài nên chú và thằng nhỏ cứ phải chuyển chỗ ở liên tục. Hôm chú ấy cứu cô ở Cầu Sắt, chú ấy và thằng nhỏ cũng mới chuyển qua ở chỗ mới được có vài ngày. Chiều hôm đó, đang chở thằng Phước ở trường về, thấy cô leo qua lan can cầu, Ân biết ngay cô có ý định tự tử nên đã dừng ngay xe lại, bảo thằng Phước trông xe rồi chạy ngay đến chỗ cô nhưng không kịp. Thấy Ân lao xuống dòng nước, thằng Phước hoảng quá lấy điện thoại gọi ngay cho tôi. Là người quê miền sông nước, bơi lội giỏi từ nhỏ, nhưng hôm đó nước lớn, gió to, lại gặp vùng nước xoáy nên kéo cô vào gần tới bờ thì Ân cũng đuối sức rồi chìm. Chúa cũng cho có nhóm người lấy ghe máy chạy ra kịp thời cứu cả hai. Thiệt là cảm ơn Chúa”. – “Cháu thấy ân hận quá. Cũng vì cháu mà chú Ân phải nằm bệnh viện mất cả tuần, tốn tiền mà còn mất thêm mấy ngày giao hàng kiếm tiền nữa” – “Cô đừng lo, anh em trong hội thánh thương yêu giúp đỡ nhau cả. Nói chung, Chúa lo hết cả rồi”.

Sau khi xuất viện, Lệ Ngà xin Ân cho cô đến nhà để kèm cặp cháu Phước học thêm. Ban đầu thì Ân từ chối, nhưng Lệ Ngà trong lòng muốn có một cơ hội để đền đáp ơn cứu mạng của Ân, nên đã nài nỉ tha thiết, vả lại Lệ Ngà cho biết hiện nay cô là gia sư, nên cuối cùng Ân cũng đồng ý. Lần đầu đến nơi ở trọ của hai cha con Ân, Lệ Ngà cảm động rơi nước mắt khi thấy cha con Ân sống ở một chỗ chật hẹp và tiện nghi đơn giản. Có những ngày dạy xong cháu Phước mà Ân giao hàng chưa về kịp, Lệ Ngà nán lại nấu nướng, chăm sóc và tâm sự với cháu Phước, cho nên cô trò càng hiểu nhau và thương mến nhau hơn. Những ngày chủ nhật Lệ Ngà đến thờ phượng tại điểm nhóm nơi mà bác Hùng và cha con Ân đang sinh hoạt, mặc dù ít người nhưng Lệ Ngà thấy thật ấm áp trong lòng. Cô không thể tưởng tượng được trên đời này lại có những người không phải là thân thuộc của nhau, nhưng lại đối xử với nhau yêu thương và hoà nhã với nhau, khi biết ai đó trong hội thánh gặp nan đề thì hỏi han ân cần, cầu nguyện cho nhau. Trong khi những người ở ngoài đường thì có khi chỉ va quẹt xe sơ sơ thôi mà đã gây sự, chửi bới thô tục, thậm chí đánh nhau rồi có khi dẫn đến đâm chém nhau, thật ghê sợ. Bác Hùng có lần nói với Lệ Ngà “Đó là vì anh chị em trong hội thánh có được tình yêu thương của Chúa Giê- xu, họ đối xử với nhau bằng tình yêu của Chúa, chứ tình yêu của con người đâu được như vậy, vì con người ích kỷ lắm. Cô thấy đúng không?”. Có những lần được cha con Ân mời ở lại dùng cơm, Lệ Ngà mới cảm nhận được không khí gia đình yêu thương ấm áp. Những lần đó, Lệ Ngà dần dà kể cho Ân nghe về câu chuyện cuộc đời mình. Từ ông bà ngoại đến người mẹ đi biền biệt mỗi năm chỉ về thăm một vài lần, từ Hằng Tóc Đỏ đến Tiến và cuộc hôn nhân tan vỡ đầy nước mắt. Từ buổi chiều toà xử ly hôn đến khi chân của cô bước chầm chậm lên Cầu Sắt. Và đặc biệt là câu chuyện cái hình xăm. Cái hình xăm con bướm đã đẩy cô vào bi kịch của cuộc đời.

– Cháu không ngờ cái hình xăm nhỏ bé đó suýt nữa đã làm cháu không còn trên cõi đời này nữa.

– Nếu nói rằng người Việt mình cổ hủ nên còn có thành kiến với những người xăm mình thì cũng đúng. Tuy nhiên, ở các nước phương Tây, những người có lối sống lành mạnh cũng không xăm mình, xỏ khuyên. Nhưng sự thành kiến với những người xăm mình của họ không gay gắt như ở Việt Nam mình.

– Vậy bây giờ cháu có nên xoá nó đi không? Nói tới xoá cái hình xăm đó thì lại rùng mình. Nghe nói đau lắm, cháu không đủ can đảm. Tuy nhiên cháu rất muốn xoá đi cái quá khứ đau buồn của mình.

– Theo tôi thì cô không nên xoá, Lệ Ngà ạ. Việc xoá hình xăm nghe nói ngoài sự đau đớn ra thì còn rất phức tạp, khó khăn, để lại sẹo xấu trên cơ thể. Vả lại nhờ nó mà cô mới biết đến Chúa, tin nhận Chúa. Quan trọng là linh hồn cô bây giờ đã nhận được sự cứu rỗi của Chúa. Nay con người cô đã đổi mới và thuộc về Chúa rồi, như Kinh thánh có chép : “Vậy, nếu ai ở trong Ðấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (2 Cô- rinh- tô 5:17). Thôi thì cô cứ yên tâm để vậy đừng lo lắng về nó nữa.

Cứ như vậy mà tình cảm Lệ Ngà dành cho cha con Ân và bé Phước mỗi ngày thêm tốt đẹp. Ngược lại bé Phước cũng thương mến và quấn quít với Lệ Ngà mỗi khi cô đến dạy cho bé. Thời gian thấm thoát trôi qua. Bé Phước được lên lớp 6 với sự tiến bộ rõ rệt.

– Cô Lệ Ngà à. Cảm ơn cô đã dạy dỗ bé Phước rất nhiệt tình. Từ một học sinh trung bình khá, nay con tôi đã là một học sinh giỏi. Các thầy cô trong trường đều khen ngợi.
– Dạ, cháu không dám nhận sự cám ơn của chú đâu. Cháu phải cám ơn chú nhiều điều mới phải. Còn việc dạy bé Phước, cháu nghĩ là cháu cần phải có trách nhiệm dạy dỗ bé và đem đến cho bé niềm vui cũng như sự an ủi.

– Vâng, cô nói đúng. –  Giọng Ân bỗng buồn buồn – bé Phước đã chịu nhiều thiệt thòi khi còn quá nhỏ mà đã thiếu vắng tình mẹ. Còn tôi vì cuộc sống nên cứ đi làm suốt ngày để có tiền nuôi Phước ăn học, cho nên cũng thiếu đi sự quan tâm chăm sóc cho bé, nên sức học của bé mấy năm trước chưa được tốt. Nhiều khi cứ thấy nó thui thủi một mình cứ lo nó bị tự kỷ.

– Chú cứ yên tâm. Mà chú thường khuyên cháu là “Hãy cầu nguyện với Chúa thật nhiều, rồi Chúa sẽ mở đường cho mình” chú không nhớ à? Chú nhớ cầu nguyện nhiều nhe.
– Ừ, thì tôi nhớ. – Ân cười, vẻ xấu hổ –  Đôi khi mình cũng bị yếu đuối khi gặp nhiều nan đề. Cám ơn cô nhắc tôi.

Một hôm Lệ Ngà đến dạy bé Phước như thường lệ.

– Cô ơi, hôm nay ba con nói đi giao hàng xa nên sẽ về trễ lắm.

– Vậy à? Ba bé Phước dạo này nhận đi giao hàng xa sao?

– Dạ, ba nói con lên lớp 6 rồi cũng có nhiều khoảng chi nên nhận lời đi giao hàng xa để kiếm thêm thu nhập cho con.

Nghe những lời con trẻ như vậy, lòng Lệ Ngà cảm động lắm.

– Vậy hôm nay dạy Phước xong cô sẽ ở lại chơi và ăn cơm với Phước luôn, chịu hông?

– Dạ chịu. – Bé Phước nói lớn, mừng rỡ.

Vậy là hôm đó Lệ Ngà ở nán lại với bé Phước, cùng nấu ăn, cùng trò chuyện với bé.  Cơm nước và dọn dẹp xong xuôi, hai cô trò leo lên cùng nằm trên giường nghỉ ngơi và tỉ tê tâm sự. Bất chợt bé Phước xoay người qua và ôm chầm lấy Lệ Ngà, dụi mặt vào người cô.

– Cô ơi, mỗi lần con ở bên cô, con nhớ mẹ quá !

Lệ Ngà cảm nhận được những giọt nước mắt nóng ấm của bé Phước thấm qua lớp vải áo của cô.

– Vậy thì bé Phước phải học giỏi, ngoan ngoãn, để mẹ ở Thiên Đàng được vui nhé. – Lệ Ngà xúc động nói, mắt ươn ướt.

– Dạ. – Bé Phước ngoan ngoãn trả lời.

Im lặng vài giây, chợt bé Phước ngẩng đầu lên nhìn Lệ Ngà:

– Cô ơi, hay là … con gọi cô là mẹ nha.

Lệ Ngà ngạc nhiên mở to mắt nhìn bé Phước.

– Sao Phước … lại hỏi cô như vậy?

– Con hổng biết nữa. Nhưng mỗi lần được ở bên cô, con thấy vui sướng lắm. Khi cô vuốt đầu con, con thấy tay cô mềm mại cũng giống như tay mẹ con vuốt đầu con khi xưa vậy.
Lệ Ngà nghẹn ngào ôm lấy bé Phước, dúi đầu của bé vào khoảng giữa cổ và vai của cô, để bé Phước không thấy được những giọt nước mắt đang lăn dài trên má cô.

o0o

“Từ ngày mẹ bé Phước về với Chúa, anh chỉ biết cố gắng làm lụng để nuôi bé Phước ăn học và dạy dỗ bé biết yêu mến Chúa. Anh đã tưởng rằng đời anh rồi đây chỉ còn có yêu Chúa và yêu thương lo lắng bé Phước đầy đủ để bù đắp lại sự mất mát quá lớn của bé. Nhưng rồi từ khi có em xuất hiện, anh cảm nhận được có một cái gì đó rất ấm áp trong căn nhà thuê nhỏ bé của cha con anh mà anh không thể diễn tả được. Có những đêm khuya, nhìn bé Phước ngủ, anh chợt nghĩ về em mà tự nhủ trong lòng : Không, không phải đâu. Cô ta còn trẻ quá mà, trẻ hơn mình đến gần hai chục tuổi. Cô ta còn gọi mình bằng chú nữa. Cô ta có thể tìm được một người đàn ông trẻ trung, thành đạt để xứng hợp với cô ta. Tuy nhiên, qua hôm sau, khi gặp em, nhìn vào đôi mắt em, anh mới nhận ra rằng đêm qua anh đã tự nguỵ biện với chính mình”.

Người đàn ông trung niên bối rối nắn nắn lấy đôi bàn tay đan vào nhau và nói tiếp “Đến buổi tối hôm nọ, lúc anh về, bé Phước chạy ra khoe: Ba ơi, con nói với cô Lệ Ngà là con gọi cô bằng mẹ nhe! Anh sững sờ hỏi lại con : Sao con nói vậy? Rồi cô nói thế nào?  –  Cô nói : chỉ sợ ba không đồng ý thôi. Rồi nó lắc lắc tay anh : Ba ơi, Ba đồng ý nha ba!”

Nhấp một ngụm nước, người đàn ông nói tiếp :

“Em đã đến dạy bé Phước học, em còn yêu thương và chăm sóc bé Phước mỗi khi anh vắng nhà nữa. Anh biết ơn em nhiều lắm”.

Cô gái trẻ đỡ lời “Chú … à …”. Ngượng ngùng một chút, cô gái mới lấy lại bình tĩnh nói tiếp “Anh… anh đừng nói vậy. Chúa đã đưa anh đến với em. Nhờ anh mà em đã nhận được tình yêu của Chúa là thứ quý giá nhất. Nếu Chúa không đưa anh đến cứu em kịp thời trong chiều hôm đó, là giờ này linh hồn em đã ở trong nơi tối tăm rồi. Từ khi tin nhận Chúa, em thấy đời em biến đổi lạ lùng, không còn lo lắng sợ hãi nữa. Những ngày đến nhà anh dạy bé Phước, gặp được anh, nghe giọng nói của anh, em thấy trong lòng vui vẻ ấm áp lạ thường. Những ngày không gặp anh, em thấy nhớ lắm. Khuya đang ngủ, giật mình thức dậy, em thèm nghe được giọng nói của anh”.

Thoáng chút ngại ngần, cô gái trẻ nói tiếp “Một hôm, em chợt nhận ra rằng em có trách nhiệm cùng anh chăm sóc và nuôi dạy cháu Phước”. Ngưng một chút cô gái nói tiếp “Tuy nhiên, em muốn ở gần Chúa cầu nguyện thật nhiều để thấy được rõ ràng ý chỉ của Ngài trong việc này. Vì vậy em quyết định sẽ tạm xa anh và bé Phước một thời gian”.

Người đàn ông trầm ngâm:

“Anh đồng ý với em, cả hai chúng ta phải cầu hỏi ý Chúa trong chuyện tình cảm này.

Em định cầu nguyện trong bao lâu?”

“Hai tháng anh à. Trong thời gian này, chúng ta không liên lạc gì cả, anh nhé, để yên tịnh mỗi người cầu hỏi ý Chúa. Chắc bé Phước sẽ nhớ em lắm, mong anh yên ủi và vỗ về bé giúp em”.

Người đàn ông mím môi mắt nhìn về hướng xa xăm. Chiều đang dần buông xuống trên thành phố.

o0o

Hai năm trôi qua.

Biển chiều nay đẹp quá. Người tắm biển thưa thớt dần. Hai vợ chồng và hai đứa con đang đùa vui trên bãi cát.

“Mẹ ơi, cho con xuống biển tắm thêm một chút nữa nhe” Đứa con trai lớn bỗng quay qua kỳ kèo với mẹ, giọng nũng nịu.

“Ừ, lâu lâu về đây, mẹ cho con xuống tắm thêm một chút nữa đó. Ba ơi, ba xuống tắm với con trai đi, để mẹ trên này cho con gái tập đi. Chiều nay bà cố mấy đứa nhỏ nấu món canh chua cá dứa đãi ba đó. Lâu lâu ba về thăm, bà cố cho ba ăn đặc sản miền biển”.“A ha, thích quá, đúng món ruột của ba rồi. Cám ơn Chúa, cám ơn bà cố” tiếng người cha hồ hởi “tối nay cả gia đình mình sẽ cầu nguyện lễ bái với bà cố nữa. Vui ghê”. Người cha và đứa con trai rượt đuổi nhau chạy ào xuống biển cười đùa vui vẻ. Còn lại trên bãi cát với đứa con gái nhỏ, người mẹ để con cách mình vài bước chân. Sau đó, cô ngồi xuống vỗ vỗ tay nhìn đứa con gái rồi gọi “Ân Hồng nè, lại đây với mẹ”.

Đứa bé gái nhìn mẹ, ngập ngừng đi một vài bước rồi chạy ào đến ôm lấy mẹ. Cô quàng tay ôm con rồi cười nắc nẻ “A ha, con gái mẹ hôm nay đi giỏi quá”. Đứa bé gái khuỵu xuống, bàn tay nhỏ xíu níu lấy cổ áo thun rộng của mẹ. Cổ áo người mẹ giãn ra, trễ xuống, để lộ ra một phần hình xăm con bướm xinh xinh ở khoảng giữa ngực và vai, với hai màu xanh đỏ được phối với nhau rất hài hoà và sống động.

LẠC LINH SA

Cuộc thi viết truyện ngắn VCNT   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn