Thứ Bảy , 23 Tháng Mười Một 2024
Home / truyện ngắn / NGUYỆT QUẾ

NGUYỆT QUẾ

nguyet

Ơ kìa! Trông vẻ mặt Sáu cứ như người đang lạc vào chốn nảo chốn nao, ngơ ngơ ngẩn ngẩn, cứ như thiếu nữ vừa chớm yêu. Hi hi…

Sáu cười, nụ cười đầy hứa hẹn về một câu chuyện hấp dẫn:

Đừng nóng vội! Mau vào nhà đi! Thức ăn đã sẵn sàng.

Thích thật! Phở gà, lại là gà đi bộ, món ruột của em đó.

Sáu vừa ngắt nhỏ cọng ngò gai, vừa nói:

Mèn ơi, phải công nhận em tinh mắt thiệt à nhen! Đúng vậy, hôm qua giờ  tâm trí Sáu trở về một nơi chốn tỏa hương nguyệt quế. Hồi nãy xém chút Sáu cho nước cốt gà vô ly cà phê.

Hi hi… cà phê và nước cốt gà, hương vị có một không hai, béo và thơm lắm nhưng em sẽ từ chối! Hít hà, nói về phở nè, Sáu nấu ngon quá! Sáu mở tiệm thì sẽ là số một ở Little Sài Gòn nầy.

Sáu cười sung sướng:

Ừa, nhiều người nhận xét như vậy.

Eo ơi, ước gì, ước gì em cũng được khen như thế nhỉ? Hít hà. Sáu biết không, em sẽ nấu, nấu, và nấu, rồi mời mọi người thưởng thức tài nghệ của mình.

Sáu cao giọng:

Thiệt dị xao? (Thiệt vậy sao?)

Hi hi. Thật ra, ý em là, Sáu cứ tha hồ nấu rồi mời em đến ăn, hoặc Sáu đem tới nhà cho em. Dù sao thì em thích cách thứ hai hơn. Sáu à, nếu em e thẹn từ chối vì phép xả giao, Sáu nhớ năn nỉ em nhé. Em hứa sẽ luôn mở rộng cái bao tử trước tấm lòng nhiệt tình của Sáu, và chắc chắn em sẽ không tiếc lời khen ngợi Sáu.

Thiệt dị xao? Hay! Hay! Nghe quá có lý! Nhưng nếu ai đó bị mập ú ù u lên, đừng đổ thừa tui à nhen.

OK. Thôi, đùa tí chơi. Thế… có chuyện gì mà réo em tới đây?

Sáu đứng dậy, rót đầy hai tách trà nóng ngát hương lài:

Em ở chơi với Sáu được bao lâu?

Một tiếng nhé.

Sáu mở to cặp mắt, vẻ tha thiết, dễ thương không thể tả:

Thêm chút xíu nữa được không em?

Ừm… Để xem… Em đã có kế hoạch cho ngày hôm nay rồi. Sau khi ăn phở free, em sẽ vào nursing home, sau đó ghé cái chợ đang sale cá hồi, chuối, cherry rẻ bèo. Ừm… thêm mười lăm phút nữa nhé. OK?

Sáu cười tủm tỉm, nụ cười rất trẻ thơ:

OK.

Sáu ơi, đợi xíu. Cho em nói cái nầy xíu: Sáu có nụ cười dễ thương không thể tả!

Sáu nhấp ngụm trà:

Ê! Sáu sẽ không nấu phở rồi năn nỉ em ăn đâu. Đừng nịnh Sáu. Thôi, nghe Sáu kể chuyện nè. Chuyện về nguyệt quế. Chuyện về những kỷ niệm đẹp đến nao lòng, đến độ cứ muốn níu kéo, cứ thèm được quay về.

Ngày đó, sau khi đậu Tú Tài, Sáu khăn gói lên Sài Gòn để tiếp tục học hành. Mấy tháng đầu Sáu ở với nhà bà con, rồi tình cờ, một người bạn trong nhà thờ rủ Sáu tới cư xá Vạn Hồng ở.

Vạn Hồng? Có nghĩa là vạn đóa hồng?

Thiệt ra chỉ có vài chục bông hồng thôi. Vạn Hồng là một nhà trọ dành cho nữ sinh viên Tin Lành ở các tỉnh đang học tại Sài Gòn, nằm ở góc đường Sư Vạn Hạnh và Thành Thái. Ngôi nhà đó có hai tầng. Tầng dưới gồm phòng khách, phòng ăn, và nhà bếp. Tầng trên có năm phòng nho nhỏ. Căn phòng trung tâm dành để nhóm họp, học Kinh thánh, cầu nguyện. Hai phòng ở phía trước, và hai phòng ở phía sau. Mỗi phòng có ba cái giường tầng. Đa số các nàng chưa đến tuổi đôi mươi, sống với nhau tràn đầy tình yêu thương và hòa thuận. Thi vị nhất là vuông sân bên dưới. Vuông sân đủ rộng để tổ chức buổi truyền giảng nho nhỏ, để chơi vũ cầu, và đặc biệt, ở một góc sân là cây nguyệt quế. Em biết nguyệt quế không?

Nguyệt quế. Tên hay nhỉ. À, nãy giờ hình như Sáu có nhắc đến nguyệt quế mà em không để ý vì tâm trí em cứ mải mê háo hức với phở. Ai biểu Sáu nấu phở ngon quá chừng. Mà thôi, có vẻ như em quá phàm tục trước câu chuyện đầy thi vị của Sáu.

Nghe nè, cây nguyệt quế đó dường như đã già lắm rồi, gốc khá to, nhiều nhánh vươn cao tận ban công, nở hoa quanh năm. Hoa trắng một màu trắng tinh khôi. Sáu không bao giờ quên sau những ngày mưa, nguyệt quế sẽ đơm đầy bông, và nở bung, thơm man mác, da diết. Những cánh hoa nguyệt quế trắng nuốt, rụng đầy cả góc sân trước thềm nhà, tỏa hương thơm ngọt dịu, gợi nhớ hương thơm của hoa chanh, hoa bưởi, hoa lài… gợi nhớ bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ chốn đồng quê, gợi cảm giác quen thuộc và yên bình… Sau những đêm mưa, cả không gian của buổi sáng mai tinh sương sẽ thấm đẫm hương thơm. Đến nỗi, khi ai đó xuống ngồi dưới gốc nguyệt quế, đều cảm thấy tóc mình dường như thoang thoảng hương thơm. Đến nỗi, giờ nhớ lại, Sáu cảm thấy những kỷ niệm cũng bay mùi nguyệt quế.

Chao ơi… Dễ thương quá Sáu ơi! Thôi, em gạch bỏ cái tiết mục ghé chợ mua thức ăn rẻ, để có thêm thời gian nghe chuyện nguyệt quế của Sáu.

Ừa! Sáu không bao giờ quên những đêm khuya, Sáu bước ra ban công, hít thở không khí mát lành và nhè nhẹ hương nguyệt quế, tiện tay, Sáu ngắt vài bông đem ướp vào trang Kinh thánh, để sau đó, những đoạn Kinh thánh dường như đượm mùi nguyệt quế, rồi lời cầu nguyện của Sáu cũng nồng nàn hương nguyệt quế, và giấc mơ cũng vấn vương nguyệt quế.

Bible-3

Sáu ơi, có vẻ như hương nguyệt quế đang thoang thoảng trong căn phòng nầy.

Ừa, cả một thời thơ mộng, một thời để thương để nhớ. Hổm rày, những thước phim đó đang quay lại, rất chậm… rất chậm, Sáu như thấy rất rõ từng cảnh vật, từng nét người. Hồi đó, cư xá Vạn Hồng với vài chục sinh viên tỉnh lẻ, thường có người ghé thăm. Các nàng đều ở trên lầu, nếu khách đến thăm phải làm sao? Lúc bấy giờ đâu có cell phone. Mà hễ khách bấm chuông, các nàng không thể nào biết được khách của ai mà chạy xuống. Một bài toán hóc búa! Thế là các nàng xúm lại vắt óc tìm tòi cách giải.

Cách như thế nào?

Lấy ký hiệu: một tiếng ngắn là tít, một tiếng dài là tè. Ví dụ nàng đầu tiên sẽ được báo với ký hiệu “tít”, tức là khách của nàng nầy chỉ cần bấm một tiếng ngắn. Người thứ hai sẽ là “tè”, nghĩa là một tiếng dài. Người thứ ba là “tít tít”, người thứ tư là “tít tè”… Tên và ký hiệu của các nàng được viết vào tờ giấy cứng, dán phía trên cái chuông. Sáu còn nhớ ký hiệu của Sáu là “tít tít tè”.

Ô ồ, đầy sáng tạo!

Nhưng đôi khi khách cũng bé cái lầm.

Lầm như thế nào?

Em biết không, sinh viên sống xa nhà, được bà con bạn bè tới thăm, mừng quýnh quíu. Cho nên khi nghe ký hiệu chuông của mình, liền chạy ùa xuống phòng khách. Nhưng không ít lần, các vị khách lơ đãng bấm nhầm, thế là cô nàng nào đó vác cái mặt tiu nghỉu chạy trở lại lên lầu sau khi ráng lịch sự lễ phép mỉm cười dặn khách ngồi chờ.

Hì hì…

Nhờ bé cái lầm như vậy mà lại có nhiều chuyện vui. Ví dụ, ông anh của Sáu tới thăm, thay vì bấm “tít tít tè”, ổng bấm “tít tè tè”. Thế là cô nàng “tít tè tè” chạy xuống. Hi hi, ông anh của Sáu thì đẹp trai, dân Khoa Học, nàng “tít tít tè” đẹp gái, dân Văn Khoa. Cô bạn sinh viên Văn Khoa thẹn thùng e lệ chào ông anh Khoa Học. Ông anh ngẩn ngơ trước vẻ đẹp dịu dàng của cô gái. Rồi họ quen nhau. Rồi họ tương tư nhau.

Ôi chao! Lãng mạn nhỉ!

Ừa, ông anh của Sáu ở cư xá Minh Mạng, gần xịt Vạn Hồng. Trước thì vài ba tuần hoặc cả tháng ổng mới ghé thăm em gái. Từ bữa gặp nàng Văn Khoa, hầu như chiều nào ổng cũng chạy xe Honda tới. Sáu biết rõ trái tim ổng nên tha hồ vòi vĩnh. Vui thiệt!

Ừ nhỉ.

Biết vui ra làm sao mà ừ nhỉ, ỷ nhừ?

Ừm… thì có hai người yêu nhau… thì vui…

Nghe nè. Vui như vầy nè: Sau đó ông anh của Sáu thường tới cư xá, dẫn bọn Sáu đi ăn bánh bao ông Cả Cần, đi ăn phở Ngã Sáu. Chưa hết đâu, đi ăn chè đậu đỏ trên đường Lê Văn Duyệt nè, bò bía chỗ cổng trường Gia Long nè, chè trôi nước ở chợ Trương Minh Giảng nè…  Gần thì kéo nhau đi bộ. Xa thì đi xe đạp. Mèng ui! Sinh viên sống xa nhà mà được đi ăn thì còn gì vui sướng bằng! Tội nghiệp ông anh của Sáu, bò lăn chiên ra kiếm chỗ dạy kèm.

Thế, sau mấy cái vụ ăn uống linh đình ấy, chuyện tình yêu họ ra sao?

Đoạn kết buồn tênh. Họ hổng duyên hổng nợ với nhau. Còn Sáu thì mập thù lù, rầu thúi ruột. Bây giờ ổng đang sống ở đây, vợ con đề huề. Còn nàng “tít tè tè” vẫn ở Việt Nam. Thỉnh thoảng nhắc chuyện xưa, ổng gật gù cái đầu bạc trắng, nói à há à há sao hồi đó tao dại gái dễ sợ há.

Hi hi…Đúng là dại gái!

Nhưng có lần ổng nói nhỏ với Sáu, rằng cái cảm xúc chao nghiêng, như thể có luồng điện chạy nhè nhẹ khắp người khi được nắm bàn tay mềm mại của nàng sao vẫn cứ đọng miết trong nỗi nhớ? Ngộ thiệt, đã thiệt.

Ô ồ, thú vị nhỉ.

Tiếp tục nè: Cũng gần cư xá Vạn Hồng, trên con đường Nguyễn Duy Dương có cư xá dành cho nam sinh viên Tin Lành. Mọi người gọi đó là cư xá Nguyễn Duy Dương.

Vui nhỉ? Thế… hai bên cư xá có duyên nợ với nhau không?

Chỉ được mỗi một cặp. Chuyện tình cặp nầy khá éo le, ly kỳ, hấp dẫn, và kết thúc có hậu, nhưng dài dòng lắm, để bữa khác Sáu kể em nghe. Giờ Sáu muốn kể về mục sư Nguyễn. Em biết mục sư Nguyễn chứ?

Đương nhiên, em đã từng được nghe mục sư Nguyễn giảng.

Hồi đó, mục sư Nguyễn phụ trách đoàn sinh viên Tin lành Sài Gòn. Hôm rồi, khi mục sư Nguyễn đứng trên bục giảng, tự dưng Sáu chợt nhớ một kỷ niệm đẹp.

Ừa! Đó là một buổi chiều mùa thu trong veo, êm đềm. Tại sân cư xá Nguyễn Duy Dương, mục sư Nguyễn đến thăm nhóm sinh viên Tin Lành ở hai cư xá. Thật ra đám sinh viên vẫn kêu mục sư Nguyễn là anh – anh Nguyễn. Bữa đó anh Nguyễn nói về đề tài “Bông trái và ân tứ của Đức Thánh Linh”. Anh Nguyễn chia sẻ lời Chúa một cách ngắn gọn, giản dị, gần gũi và sâu sắc. Đặc biệt…

Đặc biệt gì?

Đặc biệt là anh khá trẻ, phong cách lịch thiệp và mô phạm. Cặp kính cận càng tôn thêm vẻ thông thái vốn có ở anh… Đặc biệt trông anh hiền ơi là hiền. Mọi người nhìn anh đầy kính trọng, ngưỡng mộ và trìu mến, nhất là sinh viên nữ.

Và đặc biệt hơn nữa là suốt thời gian trong chức vụ phụ trách sinh viên, không có cô sinh viên nào lọt vào cặp kính cận nghiêm nghị của anh, dù nhiều cô rất đẹp, rất trung tín.

Sáu mơ màng:

Ngày xưa đó, mỗi chiều thứ bảy, sinh viên Tin Lành nhóm họp tại 2 bis Thống Nhất để tập hát. Đó là một nhà thờ rất lớn. Không biết bây giờ ra sao? Sáu vẫn còn nhớ con đường Thống Nhất thuở ấy, rộng, thoáng, sang trọng và bình yên lắm.

Thú vị nhỉ?

Ừa, thú vị lắm. Sáu vẫn còn nhớ như in hình ảnh anh nhạc trưởng của ca đoàn đang bắt chuồn chuồn.

Cái gì cơ? Anh nhạc trưởng bắt chuồn chuồn? Thế là thế nào?

Sáu ôm bụng cười một thôi một hồi:

Hổng phải ảnh đi bắt con chuồn chuồn đâu! Mà khi điều khiển ban hát, ngón tay cái và ngón trỏ của ảnh khít vào nhau coi giống in như đang bắt con chuồn chuồn. Vậy nên bọn Sáu lén kêu ảnh là anh bắt chuồn chuồn, kêu sau lưng thôi! Vui quá chừng vui!

Ha ha ha….

Sáu nhắm mắt lại:

Ngày xưa đó, trên vuông sân thoang thoảng hương nguyệt quế, các nàng Vạn Hồng thỉnh thoảng tổ chức những buổi truyền giảng cho các bạn sinh viên cùng lớp. Phước hạnh vô cùng.

Ôi chao! Những kỷ niệm trong ngần, dễ thương làm sao! Sáu kể chuyện có duyên lắm đó.

Thiệt dị xao? À, rồi những ngày của tháng Tư năm 1975, một số anh chị em sinh viên đề nghị anh Nguyễn tìm cách đưa sinh viên đi ra nước ngoài- ít nhất anh Nguyễn phải ra nước ngoài, vì anh đã từng du học ở Mỹ, vì anh là mục sư, anh ở lại sẽ rất nguy hiểm cho anh, nhưng anh Nguyễn không đồng ý. Anh bảo, hơn lúc nào hết, anh cần phải ở lại để tiếp tục dắt dìu những người trẻ, và để xây dựng một hội thánh mới.

Xây dựng một hội thánh ngay sau 1975?

Ừa, hội thánh vừa thành lập, đã có rất nhiều người tin nhận Chúa. Đã có rất nhiều người nhờ nương cậy trong cánh tay từ ái của Ngài mà được đổi mới đời sống tâm linh, vượt qua được nỗi sợ hãi, đau buồn và tuyệt vọng. Nhưng chẳng bao lâu, công an kéo tới đóng cửa đền thờ và bắt mục sư Nguyễn đi tù.

Nghe kể, công an đã nhốt mục sư Nguyễn và một số vị mục sư khác chung với những thành phần gọi là tệ nạn xã hội! Nhưng điều kỳ diệu đã diễn ra, các vị mục sư đã cảm hóa được các tay anh chị giang hồ bằng tình yêu Thiên Chúa. Thậm chí có người đã tin nhận Chúa.

Quả thật diệu kỳ. Nhưng, chuyện nguyệt quế thì có liên quan gì với chuyện các vị mục sư Sáu vừa kể nhỉ?

Có chứ, không hiểu sao Nguyệt Quế lại gợi Sáu nghĩ đến anh Nguyễn và tất cả con cái Chúa. Sáu nghĩ, ai tin yêu Ngài, sống vì Ngài, đều tỏa hương thơm – hương nguyệt quế – hương thơm của sự chiến thắng tội lỗi, của tình yêu và niềm tin, của sự tha thứ và sự sống đời đời, và còn nhiều nữa…

California.

KIM

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn