Đọc lá thư của con trai gởi về từ phương trời Tây, Bà giáo Vân không nghĩ ra có một ngày vui như thế nầy. Con trai nhỏ của bà lúc ra đi vượt biên chưa đầy mười lăm tuổi. Bây giờ cậu đã khá trưởng thành. Một chàng trai tuấn tú, bên cạnh cô gái ngây thơ mỉm cười xinh xắn mà cậu giới thiệu là người yêu và vợ sắp cưới của mình.
Đọc thư ngắm hình, ngắm hình rồi đọc thư, Bà giáo vui và hạnh phúc quá. Thật Thiên Chúa đã bù trừ cho bà những ngày vất vả, mẹ góa con côi. Những ngày chồng tử trận vào năm 1975, cũng là năm thay đổi chế độ bà đang là cô giáo dạy tiểu học, ngôi trường trong quận thành.
Bà không được dạy nữa vì lý do lý lịch vợ ngụy quân và tôn giáo Tin Lành mà bà đã thật tình khai báo. Bà phải đổi nghề, dấn thân lăn lộn với đời tảo tần buôn bán nuôi con. Mặc dù sống với nghề mới, nhưng những người quen biết vẫn thường gọi bà là bà giáo Vân. Cũng nhờ bị sa thải mất dạy mà bà có cơ hội làm ăn lại khấm khá, có điều kiện lo cho con vượt biên. Trong một buổi giao thời kinh tế, có thể khó với người nầy, nhưng là cơ hội cho người khác. Trong nguy cơ có nguy hiểm và cũng có cơ hội cho những ai biết nắm bắt…
Trong thư con trai bà có viết rằng: “ Gia đình nhà gái khá giả và nề nếp, họ không đòi hỏi của lễ gì cho việc cưới xin, họ chỉ muốn sự có mặt của má trong hôn lễ, và con cũng muốn vậy, má ơi. Từ ngày ra đi con là con bà phước, mồ côi cha và xa mẹ, tủi thân lắm, nên ước mong có má trong lễ cưới con. Nếu má bằng lòng đi, con sẽ đi xin giấy tờ bảo lãnh mời má sang đây, luôn tiện má đi du lịch cho biết xứ người”.
Bà Giáo Vân vui lắm trong lòng, dĩ nhiên là bà muốn đi. Ở một đất nước mà có người đã nói là “nếu cây cột đèn đi được nó cũng đi” thì làm sao bà không thích được, nhưng đi được hay không là chuyện khác. Bà biết con trai bà cũng chẳng dư giả gì, tiền bạc không nhiều vì chưa có việc làm, còn đang học nghề, làm sao nó có khả năng lo cho bà được. Như vậy, để nhẹ gánh cho con, bà viết thư trả lời: Con ơi, dĩ nhiên má rất vui, và thích thú được đi thăm con nếu chính quyền cho phép chấp thuận. Mọi việc chi phí khác má cố gắng tự lo (vé máy bay, quà cáp) con đừng bận tâm, vì má hiểu con.
Và thật như ước nguyện, giấy chấp thuận nhập cư đưa về. Bà giáo đi xin visa làm thủ tục xuất ngoại trong thời gian nhanh nhất, lên máy bay đến xứ người gặp con, dự đám cưới. Vô cùng sung sướng, hạnh phúc. Sau ngày cưới, con trai bà được người xung quanh mách bảo, tại sao không nộp đơn xin cho má đoàn tụ. Vì ngày trước đến đây còn tuổi vị thành niên, có được ưu tiên nầy mà em không làm. Bây giờ thử khiếu nại, biết đâu được.
Mà được thật, khi cậu con trai đem giấy tờ đến chính quyền xin cho má mình được ở lại sum họp bên con. Nhà nước chấp nhận, một lần nữa bà và gia đình vui mừng đến rơi nước mắt, thật những điều diệu kỳ, ban cho từ Ơn Trên không xiết kể. Giọng bà đầy cảm động khi làm chứng về ơn phước Chúa tuôn đổ trên đời sống mình. Bà giáo Vân một người đơn sơ trong đức tin, và đơn giản trong cuộc sống…đầy trọn
Nhưng những ngày tháng bên con, bên dâu không êm ấm được bao lâu. Chuyện thường tình sống gần bên nhau, con trai và dâu đi làm, bà ở nhà chăm nom nhà cửa, nấu nướng, công việc lặt vặt của bà ước mong giúp đỡ cho con, cho dâu, nhưng rồi kết quả trái ngược, biến thành phiền toái.Cô dâu từ từ tỏ ý không vui khi tiếp xúc với mẹ chồng. Cô không thích ăn những món bà nấu, có khi viện cớ mệt, bỏ ăn, có khi tự ý nấu món khác để ăn. Cô tỏ ý không vui mỗi khi về đến nhà. Con trai của bà cũng nhắc nhở bà phải tiết kiệm điện, nước, sưởi đừng xài mạnh tay quá đừng mở cửa sổ nhiều quá, phạm vi của bà sinh hoạt có giới hạn…
Không khí trong nhà cứ nặng nề càng thêm. Bà không muốn mang tiếng mẹ chồng nàng dâu, cũng không muốn làm tổn hại đến hạnh phúc của con. Hai vợ chồng mới cưới còn trẻ cần những khoảng không gian, thời gian riêng tư để hạnh phúc. Sự hiện diện của người mẹ như một chướng ngại. Bà tự biết nhà của cha mẹ là của con, nhưng nhà của con không phải nhà của cha mẹ, bà tìm mọi cách ra khỏi căn nhà càng sớm càng tốt.
Với đức tin đơn giản, lòng tin đơn sơ trong Chúa bà thực hiện những gì trong Kinh Thánh ghi. Trao mọi gánh nặng cho Ngài vì Ngài hay săn sóc anh chị em. I Phiêrơ 5: 7 Bà trình bày ước mơ của mình muốn tìm một căn hộ với anh chị em Hội Thánh, họ sẵn sàng giúp đỡ, chỉ trong một thời gian ngắn, bà nhận được căn hộ vô cùng tiện lợi, bên cạnh nhà thờ, gần khu phố, bên cạnh tàu xe, đầy đủ tiện nghi cho một người sinh hoạt.
Kể từ khi có được một thế giới riêng tư cho chính mình, bà như con cá bơi lội trong bể tình thương phước hạnh của Cha thiên thượng. Bốn bức tưòng dán đầy những câu Kinh Thánh trong tầm mắt để nhắc nhở chính mình rằng Chúa quá yêu bà, đừng quên điều đó: Đừng sợ ta đã chuộc con Ta đã lấy tên con gọi con; con thuộc về ta. Khi con vượt qua các dòng nước, ta sẽ ở cùng, khi con lội qua sống, sẽ chẳng che lấp. Khi con qua lửa, sẽ chẳng bị cháy, ngọn lửa chẳng đốt con (Êsai 43:1-2). Ta đã gánh vác các con từ lúc mới sanh, bồng ẵm các con từ trong bụng mẹ. Cho đến chừng các con già cả, đầu râu tóc bạc, ta cũng sẽ bồng ẵm các con. Ta đã làm ra, thì sẽ còn gánh vác các con nữa. Ta sẽ bồng ẵm và giải cứu các con (Êsai 46: 3-4) Ngài ban năng lực cho người kiệt lực; Ngài thêm sức cho kẻ thiếu sức. Ngay cả người trẻ tuổi cũng sẽ kiệt lực và mệt mỏi; Các thanh niên sẽ vấp và ngã quỵ. Nhưng ai trông cậy nơi CHÚA sẽ được phục hồi sức mới, cất cánh bay cao như chim phượng hoàng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không kiệt sức (Êsai 40:29-31).
Bà không còn trẻ để có thể xin việc làm, nhưng cũng không quá già để ngồi im tại chỗ đợi người chăm lo. Một người muốn làm việc lúc nào cũng tìm thấy việc để làm, tưới cây, chăm sóc nhà cửa vườn tược cho gia đình đi nghỉ hè. Trông coi em bé trong lúc mẹ chúng đau yếu hoặc bận việc. Bà đi đây đi đó, thăm viếng, cầu nguyện, bà tìm thấy niềm vui trong sự giúp đỡ, an ủi người khác. Bà biết hạnh phúc thật sự là đem hạnh phúc đến cho người khác, niềm vui sẽ nhân bội khi niềm vui chia ra. Nhiều người nhận định rằng: Tuổi già đồng nghĩa với khó tánh. Già sanh tật, như đất sanh cỏ.
Con cháu sợ ở gần người già. Nhưng bà Giáo Vân lại khác, bà học biết đếm những phước hạnh, nói những điều tích cực hơn là than van trách móc buồn phiền. Bà dùng môi miệng để cười và nói lời tạ ơn. Nụ cười hóm hỉnh, tươi tắn, nét tinh anh vẫn còn rạng ngời luôn có trên khuôn mặt một của một bà lão. Đối với người cao niên đời sống ở quê hương là tuyệt vời hơn. Dĩ nhiên điều đó đúng vì thời tiết, khí hậu, ngôn ngữ, thức ăn, phong tục tập quán quê hương. Truyền thống ở Việt Nam tuổi già được quí trọng, được gần con cháu, nhưng không hẳn luôn luôn được như vậy.
Không thiếu những người già trên bảy, tám mươi tuổi vẫn phải tự tìm cách mưu sinh, con cái không chăm lo được. Không thiếu những người già đông con cái, nhưng bây giờ sống cho qua ngày trong buồn phiền vì con cái đối xử không như mình muốn. Bệnh tật thuốc thang là gánh nặng là nỗi lo cho mỗi người nhất là người lớn tuổi. Bà thường tâm sự với những người quen, tôi nghe người ta nói, xứ Tây phương là thiên đường của trẻ con, chiến trường của tuổi trẻ và là mồ mả của tuổi già, nhưng tôi thấy khác, ở đây bình an phước hạnh bao quanh đời sống. Vật chất đầy đủ, tinh thần thoải mái, sức khỏe luôn được chăm sóc, bệnh tật không lo.
Bà nói thêm rằng ở Đông phương cho đời là bể khổ. Tại vì nhân thế không biết bơi. Nếu là cá, thì cá không sống được nếu ra khỏi bể nước. Vui sướng, khổ đau do chính tấm lòng mình mà ra cả. Bà vui tánh, bao dung, hạnh phúc đơn giản thoả lòng với những gì mình đang có. Bà đâu có biết rằng thiên đàng đang nằm trong lòng của con, chính Chúa Giê-xu đã phán vậy (Luca 17: 21).
Tuổi già ở Việt Nam hay ở hải ngoại cũng có những điểm vui, buồn, tùy mỗi người có nếp sống và nhận định riêng, nhưng riêng bà Giáo Vân tuổi già là tuổi vàng, tuổi thạnh vượng, an vui của những ai biết tin cậy nơi Chúa Hằng Hữu và sống trong niềm tin đó.
Gia đình của con trai bà giáo Vân, sau nhiều lần dọn nhà di chuyển hiện đang cư ngụ một nơi cách bà khá xa. Họ làm ăn, cố sức bôn chen với xứ nầy đã tạo dựng nên cơ nghiệp, mua một căn nhà khá lớn. Con trai bà bây giờ là người có tiếng tăm trong cộng đồng, anh ta đang được bầu làm hội trưởng của cộng đồng. Sinh hoạt, hội họp liên miên. Anh sẽ ra ứng cử làm đại diện cho cộng đồng dân ít người ở đây, làm việc với dân bản xứ trong nhiệm kỳ tới. Anh cần có uy tín.
Có nhiều cơ hội anh cũng thuyết trình về phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của Việt nam. Đề tài: hiếu thảo, chăm sóc, cha mẹ già, dạy dỗ con cái … anh có tiền, anh có địa vị. Nhiều người hỏi thăm về bà cụ, mẹ anh làm anh lúng túng khi trả lời. Một ngày anh đến thăm mẹ và yêu cầu:
-Má về sống với tụi con.
Bà giáo ngạc nhiên hỏi lại:
-Tại sao? Má đang sống trong yên bình, tại sao phải về sống với con?
Anh nói rằng:
– Vì người ta hay hỏi má ở đâu, tại sao có hai mẹ con mà sống xa nhau quá vậy, con không biết trả lời làm sao. Bây giờ nếu má còn thương con, xin má về ở với tụi con.
Bà giáo cương quyết trả lời:
– Nhất quyết má không chịu đâu con đừng thuyết phục má nữa.
Cậu chịu thua ra về, nhưng rồi một thời gian sau cậu lại đến gặp má và năn nỉ:
– Má về với tụi con, má thương con, nhận lời đi má. Vì thứ nhất người ta dị nghị, con bỏ má. Thứ hai căn nhà hiện tại của con, mua đang mắc nợ nhà ngân hàng, buôn bán dạo nầy khó khăn, không đủ tiền trả nợ ngân hàng. Nếu má về ở với con, căn phòng con để má ở xã hội sẽ trả cho con giá tiền thuê phòng, số tiền đó họ trả cho má ở, con nhận được có lợi tức để trả tiền ngân hàng. (chính phủ nơi đây lo cho người già. Người già ở nhà con ruột mình, chính phủ cũng trả tiền thuê phòng, tiền ăn, tiền săn sóc cho con)
-Thì ra là vậy. Bà giáo thốt lên rồi im lặng
Cậu con trai lo lắng:
– Má, má trả lời con đi, má nhận lời về ở với tụi con.
Bà giáo hỏi lại con trai mình:
-Con đã bàn tính kỹ với vợ con chưa. Thứ nhất con cũng hiểu, má và vợ con không hợp nhau. Nếu có xung đột xảy ra thì thât là đáng tiếc. Má không muốn. Thứ hai động cơ con muốn má về nghe ra không ổn. Má ở đây có nhiều anh chị em trong Hội Thánh có việc gì cần má gọi một tiếng họ đến ngay, người nầy bận có người khác thay. Về với con chỉ có mình con, mà con còn biết bao nhiêu là việc, gia đình, hội đoàn công việc làm ăn, má không muốn chất thêm gánh nặng lên cho con nữa.
Cậu con trai rươm rướm nước mắt:
– Xin lỗi má đừng hiểu lầm con. Con muốn gần má tiện việc săn sóc má nữa mà. Còn vợ con, bây giờ sau 20 năm cũng già dặn hiểu biết, không còn non trẻ như lúc xưa. Hơn nữa căn nhà rộng, má có phòng riêng, má xử dụng sinh hoạt tự do, không đụng chạm gì đến tụi con hết mà.
Bà giáo trả lời:
-Con hãy về đi, để cho má một thời gian, má suy nghĩ, cầu nguyện sẽ trả lời con.
Cuộc đời bà giáo Vân thường có những điều trái ngược với thói thường. Những người già thường, sợ cô đơn, cô độc, sợ xa lìa con cái. Ở đây bà giáo sợ phải về ở sống bên con. Bà cảm thấy yên ổn với cuộc sống hiện tại, chẳng cô đơn, không cô độc, vì nhiều người luôn vây quanh bà với cả tình thân thương. Phải chăng muốn được người khác thương, mình phải là người dễ thương. Phải chăng muốn được gần với mọi người, mình phải là người dễ gần, cởi mở vui tánh và bao dung. Nếu mình xây dựng cuộc đời mình bằng tất cả những vật liệu chân thật, hiền hòa nhân từ, bao dung, bác ái , sống cho người khác thì càng lớn tuổi mình càng thấy giá trị thật, tình yêu thật của người xung quanh. Tình thân là những nhịp cầu đến với nhau, và người khởi đầu xây cầu là người luôn chiếm được tình thân. Những người xung quanh đem niềm vui đến cho bà, phải chăng họ cũng nhận được niềm vui, và phước hạnh từ bà tuôn ra. Phải chăng Chúa đang dùng bà như một ống dẫn phước đến cho người khác…
Sau khi nói chuyện với con, mấy đêm liền bà Giáo không ngủ được, đôi lúc thẫn thờ, thừ người ra, có nên về với gia đình nó, hay ở lại đây. Về đó mình làm dâu, chứ không phải làm bà gia. Bà không muốn làm bà gia cũng không muốn làm dâu, bà muốn làm một người bạn đem tình thân, yên vui đến cho người xung quanh. Liệu bà có kham nổi với nghịch cảnh không. Bà tự hỏi chính mình . Mình cũng là con người bất toàn, yếu đuối. Bà còn nhớ bài thơ của ai không biết tác giả có viết có lần bà đọc, vần thơ vui nhưng nói lên một chút tình con cái đối với cha mẹ già nơi xứ nầy:
Tôn ti trật tự chẳng còn đâu
Già cả qua đây rước lấy sầu
Con rể đổi đời ăn ngồi trước
Mẹ chồng nhường ghế lại nàng dâu …
Trong truyện Kiều, Từ Hải trước khi về qui hàng triều đình, suy nghĩ thế nào, bà cũng có những băn khoăn tương tự.
Bó thân về với triều đình
Hàng thần lơ láo phận mình ra sao.
Như một người đi trong sa mạc, không sợ cát nóng nhưng khó chịu vì hạt cát lọt vào trong giày. Khó chịu khi đi ra khó chịu khi đi vào, làm sao chịu nổi. Bà muốn làm một Na-ô-mi, nhưng liệu có chinh phục được con dâu của mình thành một Ru-tơ hay không. Có nhiều Ru-tơ hay chỉ có một Ru-tơ của thời các quan xét mà thôi. Bà biết rằng phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi đến quyết định, và quyết định nầy định đoạt tương lai những ngày sắp tới của bà, vui hoặc buồn.
Lạy Chúa xin cho con sự khôn ngoan, để quyết định. Giây phút yên tĩnh, thầm lặng đến với Chúa, bà cầu xin ý Cha được nên. Rồi không biết nói gì thêm, bà chỉ lặng yên trong tâm tư bà hình ảnh Đức Chúa Giê-xu trên thập tự, sự hy sinh của Ngài cho những người có tội, tình yêu đó cũng dành cho chính bà, người tội lỗi. Bà biết với tình yêu đó bà đã nhận, và muốn đền đáp lại một chút trong muôn vàn tình yêu của Chúa, bà phải yêu tha nhân, yêu người lân cận. Tình yêu chỉ có thể trả lại bằng tình yêu mà thôi. Những người trước hết, gần gũi nhất bà cần thực hiện không ai khác là con, là dâu của bà. Tình yêu vô vị lợi, tình yêu ban cho không đòi hỏi. Hiện nay bà đang sống trong yên bình, nhưng có phải yên bình ích kỷ tìm riêng cho mình không, bà băn khoăn tự hỏi.
Nếu đã hy sinh, phải hy cho người mình yêu. Đức Chúa Giê-xu đã rời chốn bình yên trên thiên quốc xuống thế làm người, để sống những ngày rày đây mai đó, Con cáo có hang chim trời có tổ, song Con Người không có chỗ gối đầu. Mathiơ 8:20. Ngài đã yêu ai thì yêu cho đến cuối cùng.Giăng 13:3. Còn mình, mình có ích kỷ không khi chỉ lo sống trong sự bình yên nầy.
Tình yêu của mẹ dành cho con cũng mang tình yêu ban cho không đòi hỏi. Bà thao thức, mặc dù nhận biết động cơ con trai muốn bà về ở với nó không mấy được ổn, nhưng thôi mặc kệ, cứ bước đi trước để đến với người khác, với trái tim rộng mở, tấm lòng quảng đại, bác ái, yêu thương, tha thứ quên mình đi một lần nữa. Tình yêu thương sẽ chinh phục được tất cả..
Hơn nữa con trai bà cần sự hiện diện của bà bên cạnh để tinh thần yên ổn, xóa đi mặc cảm bỏ mẹ già, uy tín cho địa vị ngoài xã hội, và còn có được lợi nhuận từ căn phòng bỏ trống… Bà chấp nhận về với con. Ngày dọn nhà, anh chị em trong Hội Thánh đến mỗi người giúp một tay. Bà ngẩn ngơ, bà mân mê nhiều vật dụng bà đã dùng, không muốn vứt bỏ. Nhưng cuối cùng cũng chẳng mang được gì theo, vì xe nhỏ, căn phòng sắp ở cũng nhỏ, thôi đành vậy. Hành trang càng nhẹ bao nhiêu, bước đi thanh thản bấy nhiêu. Lúc chia tay anh chị em, những giọt nước mắt ngậm ngùi, ánh mắt lưu luyến, những vòng tay ôm nhau siết chặt như không bao giờ rời là hành trang quí giá nhất bà mang theo và giữ mãi. Một cây đã già, nếu nhổ gốc, bứng trồng từ nơi nầy sang nơi khác, khó sống, nhưng có một thứ cây, đó là cây tình yêu, cây tình thương vẫn tiếp tục sống ra bông trái theo thì tiết, lá nó cũng tiếp tục tươi …
Cây cổ thụ bà giáo Vân, tình mẹ yêu con tiếp tục sống, sống như lời dạy của Chúa. Tình yêu thương hay nhẫn nhục, tình yêu thương nhân từ, không ghen ghét, không khoe khoang, không kiêu ngạo, không khiếm nhã, không tìm tư lợi, không dễ nóng giận, không ghi nhớ việc ác, không vui về việc bất chính nhưng chung vui trong sự thật. Tình yêu thương dung thứ mọi sự, tin tưởng mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự (ICôrinhtô 13:4-7).
Dọn về đây, bà gia nhập vào hội thể thao của khu phố dành cho người cao niên. Mỗi chiều thứ tư bà đi tập với họ, đi uống cà phê. Những giờ rỗi rảnh, thời tiết đẹp đi dạo công viên, đi dạo lang thang ngoài phố, đi chợ trời, ngắm thiên hạ buôn bán đồ cũ. Cuối tuần cùng con cháu đi thờ phượng Chúa. Cứ yêu cuộc sống, rồi cuộc sống cũng yêu mình, bà âm thầm tự nhủ.
Một ngày chớm vào đông thời tiết bắt đầu lạnh, mới 5 giờ chiều mà trời đã nhá nhem tối. Người con trai đang ở trong nhà nghe tiếng chuông cửa reo, vội ra mở cửa, anh được người quen hàng xóm cho biết bà cụ bị xe đụng ở đầu đường, nơi ngã tư đèn xanh đèn đỏ. Anh vội vàng chạy đến, xe cứu thương cũng vừa đến đưa bà vào bệnh viện, nhưng bà đã tắt thở trên đường di chuyển.
Người lớn tuổi ở đây ai cũng muốn sống khỏe mạnh, chết nhanh để khỏi phiền người thân xung quanh, khỏi kéo lê ngày tháng buồn thảm trong bốn bức tường của viện dưỡng lão. Bà đã qua đời, thật nhanh như ước vọng của bà. Bà đã ra đi nhưng hình ảnh của bà vẫn ghi lại trong lòng người quen biết. Nhiều người đã không cầm được giọt nước mắt trong giây phút tiễn đưa bà đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Khi cảnh sát làm hồ sơ diễn biến của tai nạn, tài xế xe nói rằng bà băng qua đường, khi đèn dành cho người đi bộ đỏ. Người con trai của bà giờ đây ra sức khiếu nại với nhà chức trách, với hãng bảo hiểm, anh quả quyết rằng mẹ anh là người tỉnh táo, luôn suy nghĩ đúng đắn, không bao giờ bà qua đường khi đèn đỏ, chỉ tài xế vượt đèn đỏ mà thôi.
Nếu thật sự chứng minh được điều đó anh sẽ nhận được số tiền bồi thường khá lớn. Khổ nỗi, khi tai nạn xảy ra không ai thấy, nên bây giờ không có người làm chứng. Anh đang nghĩ đến số tiền, hay nghĩ đến những ngày không còn mẹ, người cả đời sống cho anh?
HÒN SỎI NHỎ