Tháng sáu. Trời nắng đó mà cũng mưa đó, không thể nào đoán trước được. Buổi sáng thấy trời nắng tốt, Thường đem toàn bộ chăn mền, áo gối, tấm trải của cả nhà ra giặt. Phơi cái mẻ đồ giặt này khổ phải biết. Nó chiếm diện tích khá nhiều, nên Thường phải phân ra để phơi làm nhiều chỗ. Phơi quần phơi áo thì chỉ cần máng vào cái móc rồi treo lên dây phơi, đàng này lại là mấy cái mền và tấm trải to tướng nên Thường phải bắc cả cái ghế đẩu ra, đứng lên mới phơi hết chúng được. Phơi xong, Thường hài lòng đứng nhìn trời nắng, đứng nhìn quanh đống đồ phơi, tay mơn mơn lên một tấm trải đang treo còn ẩm nước và thơm thoảng mùi nước xả. Nắng lồng lộng tủa xuống thấm vào những sớ vải. Một giờ sau, Thường bước ra đưa tay sờ vào những tấm mền. Chúng vẫn còn âm ẩm chưa khô. Mùi nước xả thơm bây giờ hoà thêm mùi nắng nồng buổi sáng. Buổi trưa, không thấy nắng đâu, Thường bước ra sân lo lắng nhìn lên thấy mây mù kéo đến đầy kín bầu trời, làm cho quang cảnh xung quanh nhuốm một màu pha xám nhợt nhạt. Thường chạy đi thu gom hết tất cả các đồ đang phơi. Chúng đã khô vừa tới. Lớp vải mỏng thì khô cong lên những vết nhăn, lớp vải dày thì khô gợn tròn lên như những lớp sóng. Còn chiếc mền lông, lớp lông khô tơi lên mịn màng. Rồi mưa kéo tới, dày đặc. Cây thiết mộc lan thân khẳng khiu to hơn ngón chân cái người lớn một chút, dài vút lên đưa chòm lá tản rộng ra bốn bên ép sát vào mặt dưới của cái bao lơn lầu một đưa ra. Có vẻ như không an tâm với chỗ đứng của mình vì chẳng được giọt mưa nào hắt lên lá, nên cứ mỗi lần có một cơn gió mạnh thổi qua, nó cứ lắt lay như muốn chồm ra để hứng mưa. Cây mai già cao quá một với tay người lớn, thì vui sướng hơn vì được đứng ngoài trời mưa. Những chiếc lá mai nhỏ nhắn hứng những dây mưa chằng chịt nên phất phơ lên xuống như những bàn tay xinh xinh vẫy vẫy trong màn mưa dày đặc. Thường thấy có bóng người mở cổng chạy vào, chiếc dù xanh xinh xinh loang loáng dưới mưa.
– Ngát, sao em tới đây? Không sợ mưa ướt sao?
– Ướt sao được. Em có che dù mà! – Ngát cười trả lời.
– Nhưng sao lại tới đây ngay lúc mưa lớn này?
– Buổi trưa em đi học về ngang qua đây, thấy anh phơi đồ giặt nhiều quá. Hồi nãy thấy trời sắp mưa lớn, em nghĩ chắc anh không lấy đồ vào kịp, mưa ướt hết, nên em quơ đại cây dù chạy đến đây để phụ anh. Không ngờ mưa nhanh quá, chưa kịp đến thì đã mưa rồi.
– Sao không lấy xe đi?
– Mẹ em chưa về. Với lại chạy xe máy không cầm dù được.
Thường không nói được gì, cả một lời cảm ơn cũng cứ ngắc ngứ lại trong cổ họng. Thường cứ nhìn mãi vào đôi mắt đen láy ngây thơ của cô gái. Đôi mắt long lanh như có những hạt mưa trong vắt mát ngọt đọng bên trong. Ngát đỏ mặt quay đi. Thường cũng lúng túng quay ra ngoài nhìn mưa.
“Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa”.
Cứ mỗi lần đứng ngắm mưa, Thường hay nhớ lại mấy câu hát đã nghe từ hồi nhỏ đến thuộc làu. Ngạc nhiên hơn nữa là khi Thường nghe Ngát hát mấy câu này. Thường tròn mắt hỏi Ngát:
– Em mà cũng biết bài hát này à?
– Sao lại không biết chứ? – Ngát bật hỏi lại Thường.
– Chứ sao em biết?
– Vậy mới hay!
Thường ngạc nhiên vì cỡ tuổi của Ngát thì làm sao biết được mấy bài hát xưa này chứ. Nhà Thường ở đầu con đường, nhà Ngát thì ở cuối con đường, mà nếu đi bộ từ đầu đường đến cuối đường thì cũng phải mất khoảng mười lăm phút. Chiều nọ đứng trước cửa nhà hóng mát, Thường thấy có một cô đang loay hoay mãi với chiếc xe máy đạp hoài không nổ. Thường bước đến:
– Cô đưa em giúp cho.
Người phụ nữ thoáng ngần ngại nhìn người thanh niên không quen biết, nhưng dường như đã thấm mệt với chiếc xe bướng bĩnh, và một phần cũng thấy chàng thanh niên có vẻ hiền lành, chị ta khẽ gật:
– Ừ, chú giúp chị.
Đến phiên Thường hì hục đạp mãi mà chiếc xe vẫn cứ ỳ ra. Thường dựng xe, ngồi xuống tháo bu-gi ra xem. Thổi thổi, chùi chùi. Lắp vào. Đạp. Vẫn vậy! Thường quệt mồ hôi trán:
– Có lẽ xe cô bị gì trong máy rồi. Bây giờ đã chiều tối, mấy chỗ sửa xe đóng cửa hết rồi. Nhà cô ở đâu? Có xa không?
– Cuối đường này thôi!
– Vậy không xa lắm. Để em dắt xe cô về cho.
– Ấy, chú giúp chị như thế là quý lắm rồi. Chị cám ơn. Chị không dám làm phiền chú đâu.
– Không sao đâu cô. Em thấy cô cũng mệt rồi, lại dắt xe đi bộ về đuối lắm. Để em dắt xe phụ về cho. Nhà em ở ngay đây mà.
Người phụ nữ cười hiền hậu:
– Chú tốt quá! Chị cám ơn chú.
Thế là hai cô cháu vừa đi vừa hỏi han nhau. Cô tên Dần, có một cái sạp bán rau cải ngoài chợ, sống với đứa con gái duy nhất, hai mươi tuổi, đang học đại học. Không nghe cô nói gì đến bố đứa con gái, Thường thấy ngại không dám hỏi. Thời gian qua mau, đoạn đường qua mau. Mới đó đã đến nhà cô Dần.
– Chú Thường vào nhà uống với chị ly nước mát nhé.
– Dạ. Em không khách sáo đâu ạ. Hì hì.
Thường cứ thấy ngại ngại khi cô Dần cứ gọi Thường là “chú”, xưng “chị”. Có lẽ cô Dần thấy Thường … hơi già!
– Ngát ơi, rót nước mời chú nè con.
Cô gái có cái đuôi tóc xinh xinh cột gọn gàng thả phía sau lưng, làn da trắng hồng. Thường cố giấu vẻ ngỡ ngàng khi nhìn cô gái. Ngát giống mẹ nhưng… đẹp hơn mẹ. Hai tay Ngát bưng ly nước đặt nhẹ xuống bàn trước mặt Thường:
– Mời … chú uống nước.
Bởi vậy, hễ có dịp thì Thường trêu Ngát:
– Hồi đó em gọi anh bằng chú đấy nhé!
Ngát liếc xéo Thường, cong môi:
– Vậy bây giờ anh muốn em gọi anh lại bằng chú chứ gì? Được thôi!
Thương cười nói lảng qua chuyện trước:
– Trời mưa buồn và ướt át quá, vậy sao lại “trời không mưa em cũng lạy trời mưa”?
– Ừ thì em lạy trời mưa cho bõ ghét mấy người đem đồ ra phơi. Hi hi!
– Chứ không phải “em cũng lạy trời mưa” để cho bõ ghét cái người hối hả cầm dù chạy tới để phụ lấy đồ phơi vào à!
“Hứ!”. Ngát đỏ mặt lườm Thường rồi nhìn ra ngoài mưa. Bây giờ thì mưa không còn xối xả dữ dội nữa, mà giống như có người cầm cái bình tưới phun sương lên cây lá. Ngát như nhìn thấy từng giọt mưa rơi xuống kéo thành từng sợi ngắn chứ không dài như trước nữa. Tiếng mưa cũng không ồn ào hối hả nữa, mà lại rỉ rả êm êm. Có những hạt mưa tinh nghịch không chịu rớt chung xuống với những hạt mưa khác, mà nấp ở đâu đó trên cao, để đến lúc nào đó nhảy xuống thì tạo ra những âm thanh lạc điệu với chúng bạn của mình. Thường ngâm nga:
– “Trời đang mưa anh cũng lạy trời đừng ngưng mưa”. Thường tinh nghịch “chế” lời bài hát.
Ngát nheo nheo mắt nhìn Thường:
– Sao vậy anh? Sao lại “lạy trời đừng ngưng mưa”?
Thường cười cười không nói, nhưng lòng nghĩ thầm “để em khoan về chứ sao”. Thường bắc sang chuyện khác:
– Bây giờ mình hát bài “Cơn Mưa Phước Lành” đi. Nhân lúc mưa này mình hát tạ ơn Chúa.
– Ừ, đúng rồi – Ngát hưởng ứng – Mẹ em cũng thích bài “Cơn Mưa Phước Lành” nữa. Mỗi lần trời mưa mẹ em cũng hay hát bài này lắm.
“Từ trời dội một cơn mưa phước lành,
Lời vàng từ lòng yêu hứa ban…”.
Thường lén nhìn Ngát. Cô bé hồn nhiên vỗ tay hát say sưa, y như trẻ con.
🙂
– Thường uống cà phê đi!
Cô Dần đẩy ly cà phê về phía Thường rồi quay qua Ngát:
– Con gái uống trà sữa vừa vừa thôi nhé. Uống nhiều quá béo tròn béo trục rồi cứ mà lăn thôi chứ không đi nổi!
Thường nhìn cô Dần xoa đầu Ngát trong lúc cô bé nâng ly trà sữa lên môi chúm chím hút. Cặp môi xinh đến là yêu! Thường và cô Dần nhấm nháp cà phê. Vị cà phê đắng pha một chút beo béo của kem bọt trắng xốp. Con người ta nghĩ cũng lạ. Lúc còn nhỏ thì rất thích bất cứ cái gì ngọt, càng lớn lên thì càng thích vị đắng, đến một lúc nào đó thì cà phê sẽ không còn đường nữa. Nhâm nhi cái đắng trong tiết trời mưa rơi lành lạnh. Mưa ào ào đó rồi dịu lại, nỉ non, ray rứt, da diết. Tháng này mưa nhiều, bầu trời không còn có cái phân cách rõ rệt của màu trời xanh và mây trắng nữa. Mây và trời lại có chung những gam màu trắng đục, đôi khi hoà lẫn vào nhau, không phân biệt đâu là mây, đâu là trời nữa.
Cà phê sẫm màu buồn, đắng vị buồn, vậy mà người ta cứ thích uống. Có khi người ta cứ nghĩ buồn đau buồn đớn giống như cà phê cứ càng đen càng đắng thì càng ngon. Nhưng rồi người ta đã khám phá ra rằng cái thứ nước đen ngòm, sệt sậm, đắng chát, thơm ngào ngạt đó lại là thứ cà phê giả mạo. Cà phê thật với thứ nước lỏng nâu cánh gián, hương dìu dịu, chở nỗi buồn nhẹ nhàng tỉ tê róc rách ở cổ họng rồi chảy xuống thấm vào từng ngóc ngách của lòng người.
Cà phê đen một màu huyền ảo, được người ta cho thêm vào những vốc kem xốp trắng mịn màng, khuấy đều tay, tạo nên một màu nâu đục. Cô Dần bỗng mỉm cười sau một thoáng trầm ngâm:
– Ngày xưa lúc cháu Ngát còn học cấp một tôi vẫn còn thích hát nhạc tình yêu lãng mạn lắm. Mỗi lần trời mưa tôi hay đứng ngắm mưa rồi hát mấy câu “Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt, Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa”.
Thường bỗng hiểu ra. Hoá ra lúc nhỏ cô bé nghe mẹ hát bài này hoài nên biết. Ngát nhìn Thường cười như đọc được suy nghĩ của Thường.
– Bố cháu Ngát khi còn sống vẫn thường nhắc tôi luôn “Mình đã là con cái Chúa, nên hát những bài hát để tôn vinh tạ ơn Chúa thì hơn”. Anh ấy thích bài “Cơn Mưa Phước Lành” lắm. Rồi giọng cô Dần chùng xuống:
– Ngày anh ấy bị bệnh nặng về với Chúa, trời cũng mưa lớn lắm!
Ngoài kia cơn mưa đã ngớt. Tay Thường xoay xoay ly cà phê. Mây trời lạnh lẽo như đã nhảy lọt vào ly cà phê ngày mưa. Nắng chiều đã quay lại le lói nhợt nhạt ảm đạm trên mỗi gương mặt người. Đường phố trở lại đông đúc ồn ào xe cộ lại qua nhưng mỗi người trên đường dường như có nỗi cô đơn của riêng mình.
🙂
– Thường ơi, nhanh lên con!
– Dạ, con ra rồi nè! – Thường lóng ngóng dắt chiếc xe máy ra.
– Hẹn người ta chín rưỡi mà giờ này còn ở đây! – Mẹ càu nhàu – Để túi bánh kẹo trà lên xe rồi đi mau lên con.
Thường cười hì hì vẻ biết lỗi:
– Từ từ mẹ. Gần mà. Chút xíu tới liền, mẹ lo gì.
– Mẹ thấy trời muốn mưa rồi đó con. Mẹ con mình ăn mặc chỉnh tề như vầy, tới đó mà bị mưa ướt, kỳ chết!
Chiếc xe bon bon trên đường. Thường nhìn lên trời. Mây cũng có hơi xám thật, nhưng chắc không mưa đâu! Vừa lái xe, Thường vừa cười một mình. Lâu lắm mới được thấy mẹ mặc áo dài, đẹp phết! Và cả Thường nữa. Cũng tại đứng ngắm tới ngắm lui mãi trước gương mà suýt trễ, bị mẹ la. Thường cho xe rẽ vào cái sân quen thuộc. Cô Dần trịnh trọng trong chiếc áo dài hoa ra đón hai mẹ con Thường và mời vào nhà. Có cả ông bà mục sư cũng được mời đến chứng kiến đôi trẻ của hai bên gia đình ra mắt. Sau khi ông mục sư cầu nguyện xin Chúa ban phước cho buổi gặp mặt thì mọi người bắt đầu trò chuyện thật rôm rả. Thường khép nép ngồi yên một chỗ nghe câu được câu mất. Thường chỉ thấy trước mắt mình là Ngát thật rạng rỡ xinh tươi đang rót trà thơm mời mọi người.
– Thằng Thường nhà tôi thì cũng hơn ba mươi rồi… nghề nghiệp cũng đã ổn định …
– Vâng, cái Ngát nhà em … năm sau tốt nghiệp ạ …
– … vâng, cũng xin chị cho phép cháu nó được quen biết và tìm hiểu …
– … dạ, năm sau thì hai chị em mình sẽ tính tiếp cho hai cháu…
– Dạ, mời ông bà mục sư cùng dự với hai bên gia đình chúng tôi bữa cơm trưa thân mật để cám ơn Chúa ạ.
Nghe hai bà mẹ và các người lớn nói chuyện qua lại với nhau mà Thường cứ thấy đầu ong, tai ù cả lên. Thường nháy nháy mắt với Ngát rồi thừa lúc hai bà mẹ và người lớn mãi chuyện, Thường và Ngát lẻn ra sân sau nhà. Ngát nhìn lướt qua người Thường, che miệng cười:
– Hôm nay anh thật bảnh bao đẹp trai nhe.
– Anh đẹp trai “bẩm sinh” rồi. Em khen chỉ bằng thừa.
Ngát véo nhẹ vào bắp tay Thường:
– Anh tự tin quá ha!
Thường mỉm cười nhìn Ngát. Hôm nay Ngát trang điểm nhẹ nhàng trông thật xinh xắn. Thường cho tay vào túi:
– Anh có cái này tặng em nè.
– Gì vậy anh?
– Hôm nay chưa phải trình sính lễ, nên đây chỉ đơn giản là quà anh tặng em. Em nhắm mắt lại đi!
Ngát nhắm mắt lại. Thường móc trong túi ra một sợi dây chuyền vàng có cái mặt hình thánh giá lồng trong trái tim xinh xinh cũng bằng vàng, cẩn thận đeo vào cổ Ngát. Ngát mở mắt ra, cúi xuống chớp mắt nhìn sợi dây chuyền vàng trên ngực, mỉm cười thẹn thùng.
– Em cảm ơn anh!
Thường từ từ nâng cằm Ngát lên. Mắt Ngát nhắm lại, miệng mỉm cười. Thường ngắm nhìn gương mặt người con gái anh yêu thật thánh thiện, trong trẻo. Đôi môi Ngát xinh hồng, thoảng thơm như cánh hoa mịn màng. Mặt Thường ghé sát mặt Ngát, chậm rãi, thật gần. Một cơn mưa bất chợt tuôn ào xuống rào rào trên cành lá, khua giòn rồm rộp trên mái nhà. Mắt Ngát chợt mở ra, tròn xoe nhìn chằm chằm vào mắt Thường:
– Mưa rồi… chú ơi!
Ngát vụt chạy vào nhà, Thường đuổi theo nắm được tay Ngát. Tiếng cười vang trong buổi sáng tháng sáu mưa đầy.
lạc linh sa