Thật ra thì tôi không có anh trai, vì tôi là trưởng nam trong gia-đình và chỉ có hai bà chị, nhưng khi tôi mới bắt đầu học cấp hai thì đã có nhiều anh trong trường muốn làm bạn với tôi. Đa số những người ấy thường lớn hơn tôi khoảng một vài tuổi, có nghĩa là họ học hơn tôi khoảng một vài lớp. Lý do chính không phải là vì tôi dễ thương hay hiền lành, mà chỉ vì tôi có một bà chị xinh đẹp vẫn thường đi bộ đến trường mỗi ngày với mình. Bà chị mặc dù lớn hơn tôi hai tuổi và rất thông-minh, nhưng vì thị-lực kém, nên đành phải chấp-nhận học bằng lớp với tôi. Dù vậy, khi đeo kiếng vào thì chị ấy vẫn xinh đẹp như một nàng tiên và khiến cho nhiều nam-sinh trong trường phải xao-xuyến. Có một người thầy đã từng nói vui với chúng tôi rằng: “Hầu hết những người cận-thị đều thông-minh”, có lẽ là vì họ chịu khó đọc nhiều sách quá, cho nên phải chấp-nhận đeo mắt kiếng. Còn tôi thì không bị cận-thị do ham chơi suốt ngày với bạn-bè trong xóm, cho nên học-lực của tôi cũng không thể nào sánh được với những người “bốn mắt” chăng? Dù vậy, nhờ vẻ xinh-đẹp của bà chị mà đã có rất nhiều anh trong trường muốn gần-gũi và trò chuyện với tôi. Tôi nói “rất nhiều” không phải là phóng đại đâu nhé, bởi vì nói chung là có tới khoảng năm, bảy anh lận, đó là chưa kể tới những anh mà tôi không biết. Thậm chí có những đứa bạn cùng lớp mà lớn hơn tôi hai tuổi cũng tìm cách kết thân và vui-vẻ với tôi, bởi vì bà chị rất dễ thương của tôi.
Ngày đó thì tôi không quan-tâm cho lắm tới nhan-sắc của bà chị tôi, bởi vì hai chị em sống ở bên cạnh nhau từ nhỏ cho tới lớn, nên tôi thấy cái gì ở nơi chị ấy cũng bình-thường. Hơn nữa, tôi cũng chưa biết yêu, tôi chưa bao giờ nhìn nhận một cô gái nào là xinh-đẹp trên thế-giới nầy. Nhiều năm về sau thì tôi mới nghe nói rằng bà chị tôi được đánh giá là một trong những nữ-sinh đẹp và thông-minh nhất trường. Chính vì vậy mà tôi đã “may-mắn” được nhiều anh nam-sinh trong trường “tự-nguyện” cưng chiều mình như một người em vậy.
Những anh ấy bao gồm đủ thành-phần và tính-cách ở trong trường: có người thì học giỏi, có người thì can-đảm, có người là văn-sĩ, có người thì ngang-tàng nhưng cũng đang “tu tâm dưỡng tánh”, vì nếu không thì làm sao có thể làm cho người đẹp chú ý được?
Một trong những nam-sinh đó cũng ở gần nhà chúng tôi, trong một trại lính dành cho các gia-đình sĩ-quan, và cứ mỗi chiều thì anh lại đạp xe đến nhà chúng tôi để cùng đi bộ đến trường cho vui. Cũng có những lúc chúng tôi đi bộ, còn anh cứ xách xe chạy vòng vòng, và cuối-cùng thì anh cũng đến trường chung với chúng tôi. Anh thường hay đội chiếc nón màu hoa dù rộng vành, một chiếc nón của binh-chủng nhảy dù, với nụ cười thường xuyên nở trên môi. Anh nói với tôi rằng đã có một vài lần anh bị cảnh-sát cảnh-cáo là sẽ tịch-thu nếu anh còn tiếp-tục đội chiếc nón đó, bởi vì nó là nón thứ thiệt. Nhưng với bản chất ngang-tàng thì anh vẫn cứ đội, và vì cũng đoán ra rằng anh là con của sĩ-quan thuộc binh-chủng thiện-chiến nhất, tức binh-chủng nhảy dù, cho nên các cảnh-sát cũng giả-vờ như không thấy. Bởi vậy, anh đã trở nên nổi tiếng trong trường với chiếc nón nhảy dù nổi bật mà không ai dám đội.
Một ngày kia anh nói với tôi rằng anh muốn giới-thiệu với tôi một người bạn thân của anh để làm bạn cho vui. Đương nhiên là tôi không từ-chối, vì ở lứa tuổi của tôi thì có biết cái gì đâu mà từ-chối chứ? Một vài ngày sau thì anh dẫn người bạn ấy đến nhà chúng tôi, một ngôi nhà nhỏ nằm ở gần chợ Nguyễn-Tri-Phương, và tôi với hai bà chị cùng tiếp đón họ một cách vui-vẻ. Mặc dù lớn hơn tôi chỉ một vài tuổi, nhưng anh là một người trông chững-chạc, giống như một người thanh-niên đã trưởng-thành vậy. Ba mẹ chúng tôi cũng hài lòng về họ vì đã đến thăm gia-đình chúng tôi một cách đường-hoàng, chứ không có những chuyện trốn tránh hoặc rủ-rê hẹn-hò lén-lút với con gái. Mẹ tôi đã từng nói với các chị rằng: “Các con có bạn trai thì phải dẫn về nhà đàng-hoàng, chứ ba mẹ không hề ngăn cấm”. Và bà cũng chỉ-trích những gia-đình nghiêm-khắc rằng: “ Nếu ngăn cấm chúng nó gặp nhau tại nhà sẽ khiến cho chúng nó hẹn-hò nhau trong rạp xi-nê, thì sao?” Cho nên kể từ đó thì hai anh cũng trở nên những người bạn chính-thức của gia-đình chúng tôi.
Cả hai người thanh-niên trạc tuổi nhau ấy đều nói giọng Bắc, một giọng nói ấm-áp và lưu-loát thường đưa người ta trở về với một miền đất xa-xôi, nơi mà gia-đình họ đã phải bỏ tất cả để di-cư vào Nam, trong năm 1954. Có lẽ một phần cũng vì vậy cho nên nhà của họ cũng ở gần nhau, trong trại gia-binh, và họ là bạn rất thân với nhau từ nhỏ cho tới lớn. Mà cũng có thể chính vì thân nhau như vậy cho nên họ muốn chia-sẻ cho nhau tất cả những gì mà mình có, kể cả giới-thiệu cho nhau về người con gái mà mình mới yêu ở lứa tuổi đầu đời chăng? Tôi thì được “ăn theo” tình-cảm đó, và dần dần tôi cũng có nhiều thời-gian hơn để tiếp-xúc với hai anh, như một nhịp cầu để bắc qua bà chị tôi vậy.
Có một điều đã khiến cho tôi lưu ý rằng hai anh ấy là người Công-giáo, cũng như gần một triệu người dân miền Bắc khác, cho nên họ mới chọn miền Nam mà di-cư. Bởi vì chính tôi cũng rất có cảm-tình với Thiên-Chúa-giáo và sau khi hỏi thăm thì tôi mới biết rằng hai anh thường đi lễ ở nhà-thờ Đồng Tiến vào mỗi sáng Chúa-nhật. Vào thời-điểm đó thì tôi đã được biết rằng Chúa chịu chết trên cây thập-tự là để chuộc tội cho loài người, mà trong đó có tôi, cho nên lòng tôi được cảm-động sâu xa mà muốn đến với Chúa. Dù vậy, một con đường ngắn-ngủi để được trở thành một người con của Chúa xem ra cũng có nhiều khó-khăn, mà cái khó-khăn lớn nhất là do tánh-tình hay e-dè và nhút-nhát của tôi. Cho nên tôi luôn luôn để ý đến những người bạn có đạo của mình, để ý đến những ngôi nhà thờ mà mình tình-cờ nhìn thấy trên đường, và để ý đến cả những ngôi nhà thờ thời Trung-cổ mà tôi nhìn thấy trong phim ảnh nữa. Tôi thấy mình có một điều gì đó gắn bó với đạo Chúa, dường như đó là đạo thuộc về tôi từ lâu lắm rồi, phải, đã lâu lắm rồi, cho dù tôi không biết tại sao mà mình lại đang sống trong một gia-đình ngoại đạo nữa?
Có lẽ ba mẹ tôi cũng nhận thấy điều ấy nên có một vài lần khuyên tôi rằng gia-đình mình không có dính-dáng gì tới đạo Chúa hết. Nhưng trước sự phản-ứng quyết-liệt của tôi thì kể từ đó về sau, không ai còn nói gì với tôi về chuyện đó nữa. Trong thâm tâm, dường như mọi người đều biết rằng trước hay sau gì thì tôi cũng sẽ thuộc về đạo Chúa, nhưng chỉ còn chờ thời-gian nữa mà thôi.
Chỉ có một điểm khác nhau giữa hai thanh-niên ấy, bố của anh bạn chị tôi vẫn còn sống, nhưng cha của người bạn kia đã hi-sinh nơi chiến-trường. Nên vì vậy mà đang khi một anh đi học ở trường trung-học như mọi người, thì anh kia lại được học ở trường Thiếu-sinh-quân Vũng-Tàu, trường dành riêng cho những người con trai có cha đã tử-trận. Trong ngôi trường đặc-biệt ấy, anh được học cả văn-hóa lẫn võ-thuật, để sẵn-sàng trở thành một sĩ-quan trong quân-đội tương-lai. Cho nên, trải qua một thời-gian, khi tình cảm giữa anh bạn kia và bà chị tôi thêm thân-thiết, thì tình anh em giữa tôi và anh bạn còn lại cũng khắn-khít, giống như hai anh em vậy.
Vào mùa Hè, học-sinh của trường Thiếu-sinh-quân được nghỉ một thời-gian, do vậy mà hai anh thường ghé lại nhà tôi vào những buổi tối để chúng tôi có thể đi dạo và tán gẫu với nhau. Một trong những địa-điểm mà chúng tôi thường hay đi đến là đài kỷ-niệm vị vua Quang-Trung, cũng nằm ở gần chợ Nguyễn-Tri-Phương. Ngày trước, khi tôi còn bé thơ, thì nơi đó là một cái hồ phun nước hình tròn, và mọi người dân thường hay ra ngồi để chuyện trò và hóng mát một cách vui-vẻ. Nhưng vào những lúc rạng sáng thì thường không có một bóng người nào, cho nên có một vài chiếc ô-tô đã không nhận ra mà lại lao luôn xuống hồ. Chính vì vậy mà sau nầy người ta đã biến nó thành một đài kỷ-niệm cao ráo để không một chiếc xe hơi nào có thể gặp tai-nạn nữa.
Nếu nhìn từ nhà tôi thì đài kỷ-niệm trông thật đẹp mắt, với bốn bậc thang ở xung-quanh chen lẫn nhiều cây kiểng dẫn lên một mặt bằng cao, còn ở trên cùng thì là bức tượng vua Quang-Trung đang vung gươm trên lưng ngựa. Ông là một thiên-tài quân-sự và là một vị vua danh tiếng trong lịch-sử Việt-nam với những trận đánh thần tốc, đáng tiếc là ông đã sớm băng-hà cho nên những hoài-bão lớn của ông dành cho dân-tộc Việt-Nam cũng bị bỏ dở. Trẻ con thường tụ-tập ở đài kỷ-niệm nầy để vui đùa, còn người lớn thì ngồi bên nhau hoặc thả bộ xung-quanh để nói chuyện. Chúng tôi cũng thường chọn một nơi mà chưa có ai ngồi để có thể nói với nhau về đủ thứ chuyện trên đời nầy mà chúng tôi biết.
Một tối, tôi thuật cho hai anh nghe về một đứa bạn đã từng ức-hiếp mình trong lớp. Vì nó có học võ thái-cực-đạo mà lại to con hơn tôi cho nên có lần nó đã hành-hung tôi, y như tánh-khí hung-hăng của những người theo môn võ nầy vậy. Hai anh hỏi tôi có biết nhà nó ở đâu không. Tôi nói là biết, vì nó cũng ở gần nhà tôi thôi, nhưng tôi không muốn chỉ cho hai anh, kẻo hai anh sẽ tới đánh nó và nó sẽ chận đường đánh tôi thì sao?
Hai anh rất dịu giọng và nói rằng hai anh sẽ chẳng đánh nó, mà chỉ nói chuyện với nó thôi, và hai anh cũng bảo đảm rằng nó sẽ chẳng còn dám ăn hiếp tôi nữa đâu. Nhưng tôi rất sợ tên đó nên cuối-cùng cũng không dám nói ra và khiến cho hai anh phải thở dài sau một hồi thuyết-phục tôi bất thành. Mặc dù hai anh thở thật nhẹ-nhàng, nhưng tôi vẫn có thể nhận ra được vẻ thất-vọng của hai anh. Nhiều năm sau nầy tôi mới biết rằng hai anh là những người rất giỏi võ-thuật mà những tên côn-đồ cũng kiêng-nể và không dám đụng tới.
Tôi không biết là mình có tình-cờ thổ-lộ một điều gì đó trong những cuộc chuyện trò của chúng tôi hay không mà một ngày kia, bỗng anh Thiếu-sinh-quân nói muốn mời tôi đi nhà-thờ. Vừa nghe anh nói xong thì trong lòng tôi đã cảm thấy khấp-khởi vui-mừng. Đâu có ai biết rằng tôi rất muốn đi nhà thờ, và vẫn mong sao cho có một người nào đó rủ mình từ lâu nay. Nhưng bản tánh e-dè ở trong tôi vẫn chỗi dậy nên tôi đáp không biết ba mẹ có đồng ý hay không. Anh bèn nói nếu tôi đồng ý thì anh sẽ xin phép gia đình tôi. Cho nên, một vài ngày sau anh tới nhà tôi và xin phép Mẹ tôi. Mẹ tôi có lẽ đã biết được ý định của tôi cho nên bà đồng ý, và chúng tôi chỉ chờ cho tới ngày Chúa-nhật để cùng đi với nhau.
Buổi sáng hôm đó là một ngày trọng-đại trong cuộc đời, vì đó là lần đầu-tiên mà tôi được đi nhà thờ. Mẹ đã dặn tôi phải ăn mặc một cách đàng-hoàng vì đó là nơi trang-nghiêm, một điều mà tôi đã nhận-thức rất rõ và lại còn cung-kính nữa chứ, cũng gần giống như một người con Chúa vậy. Tôi xem ngôi nhà thờ đó như là nơi có Chúa hiện-diện và cảm thấy mình thật hạnh-phúc khi lần đầu-tiên được đến gần Chúa tới như vậy. Ngày trước tôi chỉ nhìn những ngôi nhà thờ từ xa, mà ngày nay tôi lại sắp được bước vào trong. Tôi từng ước một ngày nào đó tôi được trở thành một con chiên của Chúa, và rồi ngày ấy cũng đã đến. Tôi nghĩ đó là con đường mà tôi đã lựa chọn cho cuộc đời mình và không ai có thể xoay chuyển được.
Tới giờ hẹn, hai anh đến với những bộ đồ nghiêm-chỉnh trên hai chiếc xe đạp. Tôi được họ chở đi một mạch tới nhà thờ Đồng Tiến chỉ cách nhà tôi khoảng một cây số. Ngày trước, khi học ở trường Đồng Tiến thì tôi chỉ nhìn thấy ngôi nhà thờ đồ-sộ nầy từ các tầng lầu, nhưng ngày nay tôi thấy mình còn nhỏ bé hơn khi bước tới những cánh cửa của nó. Tôi thấy hai anh làm dấu bằng tay và nói lẩm-bẩm một câu nguyện nào đó khi bước vào nhà thờ. Tôi chưa phải là con chiên của Chúa nhưng khi đã bước vào bên trong để dự lễ, tôi cứ làm y như mọi người ở xung-quanh: Mọi người đứng thì tôi cứ đứng, và mọi người ngồi thì tôi lại ngồi. Chỉ có một điều đáng tiếc là tôi thấy mình không hiểu gì cả. Phải, mặc dù có cố gắng mở lỗ tai ra, nhưng từ đầu cho tới cuối tôi lại không hiểu một điều gì cả. Tôi chỉ nghe những tiếng nói qua chiếc loa ở gần mình nhất, rồi tiếng nói của giáo-dân ở xung-quanh đáp lại một cách rập-ràng, và có lúc dường như họ nói bằng một ngôn-ngữ gì đó rất lạ.
Tôi tự nhủ, cũng không sao, vì mình còn quá nhỏ mà, cho nên chắc cũng cần có thời-gian để mình có thể hiểu thêm về đạo Chúa, để hiểu thêm về những bài kinh, y như những người có đạo vẫn thuộc nằm lòng và nói ra trong buổi lễ như từ trong xương thịt của họ vậy. Tuy nhiên chính vì không hiểu cho nên tôi cứ ngước nhìn xung-quanh nhà thờ. Tôi nhận ra những bức tranh trên vách tường chỉ về cuộc khổ-nạn của Chúa Ki-tô. Dường như ở đâu cũng có những bức tranh ấy và đó là điều duy nhất mà tôi hiểu, bởi vì tôi đã suy nghĩ về đạo của Chúa từ lâu rồi. Đó cũng là lý do mà tôi đang có mặt ở đấy với lòng hạnh-phúc, trong ngôi nhà của Chúa.
Sau khi tan lễ thì chúng tôi ra về. Nhưng tới tuần sau thì hai anh đã không mời tôi đi lễ, cũng như không nói thêm gì với tôi về đạo Chúa nữa. Có lẽ hai anh không biết mình phải nói gì đây, hay là vì hai anh muốn nghe tôi nói trước, để mình không bị mang tiếng là gò ép người khác chăng? Thật ra thì tôi rất mong được nghe nói về đạo Chúa, ngoại trừ điều đừng thúc ép mình phải tin quá sớm mà thôi. Về sau, có một lần cùng đạp xe với anh Thiếu-sinh-quân trên con đường Minh-Mạng, ngang qua nhà thờ Ngã sáu, tôi có chợt nhớ tới đạo Chúa và hỏi anh rằng: “theo đạo có khó không?” Anh đã trả lời một cách ngắn gọn rằng: “Phải đi lễ vào mỗi ngày Chúa-nhật, cũng như các ngày lễ khác”. Sau nầy tôi mới nghĩ rằng phải chăng cái ngắn gọn đó là vì anh vẫn chờ đợi và mong được nghe tôi hỏi một câu như thế? Tôi cảm thấy không khó khi nghĩ tới chuyện đi lễ vào mỗi ngày Chúa-nhật, nhưng tôi hơi thắc-mắc rằng những ngày lễ khác là gì? Đó là những ngày lễ của đạo, hay là những ngày lễ trong thế-gian mà học-trò thường hay được nghỉ? Tuy vậy, tôi không nói gì, vì cho dù mình có bước tới gần Chúa hơn được một bước, nhưng con đường xem ra vẫn còn hơi dài. Có một sức mạnh nào đó cứ lôi kéo tôi, như không muốn cho tôi đến với Chúa để mất thế-gian nầy, mất nhiều điều vui thú của nó.
Và cứ như thế, tình anh em của chúng tôi kéo dài cho đến khi anh Thiếu-sinh-quân phải chuẩn-bị trở về trường để tiếp-tục cho năm học mới. Ngày trở về Vũng-Tàu, hai anh có hẹn với tôi gặp nhau ở đài kỷ-niệm vua Quang-Trung vào lúc sáng sớm để chia tay. Nhưng khi tôi thức dậy thì mới biết rằng mình đã trễ hẹn hoàn toàn và anh Thiếu-sinh-quân đã lên đường từ lâu rồi. Người bạn của anh viết thư cho tôi và nói rằng anh ấy trông tội-nghiệp lắm. Từ đài kỷ-niệm nhìn về nhà của chúng tôi chỉ chưa đầy trăm thước mà anh ấy như cứ đứng ngồi không yên. Có lẽ anh rất mong được gặp tôi để nói một vài câu hay là để gởi-gắm một điều gì đó. Nhưng ngôi nhà của chúng tôi vẫn đóng cửa im-lìm, theo thói quen của những cậu bé thích ăn no dậy trễ và chưa bao giờ thật sự biết được cuộc sống là gì. Cuối cùng, khi không còn có thể chờ đợi được nữa thì anh đành phải lên đường nhưng cũng không nhờ người bạn nhắn gửi với tôi một điều gì cả.
Tôi đã bị mắng một trận nên thân vì gia-đình tôi đọc được bức thư người bạn anh viết. Mẹ và các chị đã bắt-buộc tôi phải viết lại một bức thư cho anh để xin lỗi, dù tôi cũng chưa biết mình phải xin lỗi như thế nào nữa đây? Tâm-hồn của tôi vẫn còn rất non trẻ và thậm chí tôi cũng chưa thấy mình phạm một lỗi-lầm nào là nghiêm-trọng cả. Hai chị bèn gợi ý cho tôi về những bài luận văn trong sách có nội-dung như một bức thư xin lỗi mà họ đã tìm kiếm được và đưa cho tôi, để tôi có thể bắt đầu viết. Phải nói là cả nhà đã cố gắng khiến cho tôi phải khóc vì ân-hận, bởi họ quý mến chàng Thiếu-sinh-quân ấy lắm, và tôi cũng đã thấy mình khóc thật sự khi viết bức thư xin lỗi anh. Khoảng một tuần sau thì tôi đã nhận được thư hồi-âm của anh, trong đó có viết một câu mà tôi không thể quên được là “Em của anh viết thư hay quá. Sau đó, anh có nói với tôi về gió lạnh ở Vũng-Tàu, về trường Thiếu-sinh-quân của anh, cũng như về một vài cảm-nghĩ của anh trong cuộc sống. Nhưng ở cuối bức thư, có một câu rất quan-trọng mà tôi không bao giờ quên được đó là “Xin Thượng-Đế ban sức mạnh cho em!” Đây là lần đầu-tiên trong đời mà tôi được chúc phước bởi một người con của Chúa. Đó là một lời nguyện-cầu, mà nó cũng có ý nghĩa là tôi đã nhận được sức mạnh từ nơi Chúa rồi. Tôi có cảm giác bởi vì có một người con của Chúa đã nhắc đến tôi trong lời cầu-nguyện, cho nên Chúa cũng nhìn thấy tôi và ban phước cho tôi. Tôi cảm thấy niềm hạnh-phúc tràn vào lòng mình, một niềm hạnh-phúc vì nhận được sức mạnh từ nơi Chúa, giống như mình đã sắp trở thành một người con của Chúa rồi vậy.
Sau những ngày ấy, có một buổi sáng mà tôi thức dậy thật sớm, trong khi trời vẫn còn tối đen và mọi người vẫn còn say ngủ ở xung-quanh mình. Tôi không biết lúc đó là mấy giờ, nhưng trong lòng mình cứ miên-man suy-nghĩ về những gì đã xảy ra trong cuộc đời, về những người bạn và nhất là về đạo Chúa. Tại sao tôi lại suy nghĩ như vậy? Tôi cũng không biết. Nhưng trong không-gian tĩnh-mịch ấy thì người ta cần phải suy-nghĩ một điều gì, và đó có thể là một điều đã được chôn giấu tận đáy lòng, mà ít có ai biết tới. Tôi suy-nghĩ về những ngôi nhà thờ, về những người con của Chúa và nhất là về tình thương của Chúa và tự hỏi cho tới bao giờ tôi mới bằng lòng trở thành một người con của Chúa đây? Tôi cứ miên-man suy-nghĩ như vậy cho tới khi mình bắt đầu cảm thấy buồn ngủ và muốn tiếp-tục chìm vào giấc ngủ cho tới sáng.
Nhưng khi chuẩn-bị vùi mình vào giấc ngủ bằng một cái ngáp thật sâu, thì tôi bỗng cảm thấy ngạc-nhiên, vì sâu bên trong tai tôi đang văng-vẳng một hồi chuông giáo-đường. Một hồi chuông giáo-đường? Phải, rõ-ràng là như vậy, một hồi chuông giáo-đường đang lanh-lảnh. Nó gợi cho tôi nhớ ngay tới những ngôi nhà thờ với tháp chuông cao và hình Chúa bị đóng đinh trên cây thập-tự, giống như nhà thờ Ngã sáu, hay nhà thờ Tân-định, hay là một ngôi nhà thờ trong thời Trung-cổ nào đó… Đó là lần đầu tiên mà tôi nghe được tiếng chuông giáo-đường văng-vẳng bên tai và trong lòng cảm thấy thật hạnh-phúc. Phải, tôi thấy thật hạnh-phúc vì hình ảnh của một ngôi giáo-đường đang hiện ra rõ-ràng trong lòng tôi, qua tiếng chuông đó. Phải chăng vì Chúa biết rằng tôi yêu-mến đạo Chúa cho nên Ngài đã đáp lại những lời cầu-nguyện thầm-kín của tôi? Hay đó là do lời cầu-nguyện mà anh Thiếu-sinh-quân kia đã dâng lên Chúa và Ngài đã nhậm lời? Đương nhiên là tôi chỉ nghe có một lần, vì mình ngáp chỉ có một lần, và sau đó chỉ là không-gian của buổi sớm tĩnh-mịch. Tôi đã ước mình sẽ lại tiếp-tục nghe được những hồi chuông. Và có một điều đáng mừng là kể từ đó về sau, cứ mỗi lần chuẩn bị chìm vào giấc ngủ sâu, thì tôi lại nghe được những hồi chuông tương-tự như vậy. Âm-thanh của những hồi chuông ấy cũng gần giống như nhau và không thay đổi nhiều cho lắm. Chính những hồi chuông đó lại tiếp-tục đem hình ảnh của đạo Chúa đến với tôi và tôi cũng muốn ghi sâu niềm ao-ước đó ở trong lòng mình.
Đó có phải là một phép lạ không? Đương nhiên rằng có nhiều người sẽ trả lời là không, vì họ cho rằng đó chỉ là một hiện-tượng vật-lý. Họ giải-thích rằng bạn có thể nghe bất kỳ một âm-thanh nào khi mình đang ngáp sâu, chứ đó không phải là một điều gì đáng ngạc-nhiên cả. Nhưng tại sao tôi lại nghe được âm-thanh của những hồi chuông giáo-đường văng-vẳng, chứ không phải là bất kỳ một âm-thanh nào khác? Đó là một câu hỏi mà họ không thể trả lời được, ngoài ra một cách giải-thích rằng đó chỉ là một sự trùng-hợp mà thôi. Đó chỉ là một sự trùng-hợp thôi sao? Hay nó có thể mang một ý-nghĩa gì khác đây? Tôi nghĩ đến những đôi trai gái đã tình-cờ gặp nhau, nhưng đã tìm được hạnh-phúc trọn đời, và sau đó họ không còn coi đó là một sự tình-cờ nữa, mà là một sự xếp đặt lạ-lùng của Đấng tạo-Hóa. Phải, chỉ có những người cảm biết được sự thiêng-liêng của tình yêu mới có những ý nghĩ như vậy! Hãy thử nghĩ xem, Đấng Tạo-Hóa lại không thể dùng quyền-năng của Ngài để khiến cho lỗ tai của tôi “tình-cờ” nghe được những hồi chuông giáo-đường sao?
Và tôi cũng chợt nghĩ rằng nếu nó chỉ là một sự ngẫu-nhiên và nếu tình cờ mà tai tôi lại nghe tiếng chuông chùa thì sao? Tôi có bực mình, và thấy khốn-khổ vì không thích nghe những âm-thanh như vậy không? Và thế thì tôi sẽ chống lại với những cái âm-thanh đó cho tới chừng mình đã bước vào Thiên-đàng mới thôi sao? Về sau này, khi tôi thốt lên với Chúa rằng “Chúa ơi, con tạ ơn Ngài đã thương-xót để con không nghe một âm-thanh nào khác ngoài những âm-thanh mà lòng con yêu-mến và gắn liền với hình ảnh của Ngài”, tôi thật biết ơn Ngài. Lòng tôi thật nhẹ-nhàng vì dường như Chúa đã đặt bên trong tai tôi tiếng nói của Ngài, bởi Ngài biết tôi ưa thích tiếng nói ấy hơn là bất cứ một thứ tiếng gì khác trong thế-gian nầy. Như vậy thì phải chăng đó cũng là một phép lạ khi Chúa đã tể-trị trên những quy-luật thiên-nhiên để ban cho lỗ tai tôi thường được nghe những âm-thanh gắn liền với đạo Chúa mà tôi ưa thích? Phải chăng Chúa đã lựa chọn tôi từ trước muôn đời, để tôi được thuộc về Ngài, mà tôi không hề hay biết gì cả? Nhưng tại sao Chúa lại lựa chọn tôi? Tôi không biết, chỉ có Chúa mới biết được điều đó! Tôi chỉ biết tôi rất hài lòng về sự lựa chọn đó vì tôi muốn mình được thuộc về Chúa, chứ không thuộc về một đạo giáo nào khác trong thế-gian nầy..
Tôi cũng lại tự hỏi, nếu có một ngày nào đó mà tôi không còn nghe được những hồi chuông ấy, khi cơ thể mình đã già, thì sao đây? Điều đó vẫn có thể xảy ra vì mình vẫn còn sống trong một thân-thể vật-lý, và làm sao mà chúng ta có thể biết được điều gì sẽ xảy đến, trong sự cho phép của Chúa? Nhưng tôi mong rằng mình sẽ tiếp-tục được nghe những hồi chuông ấy, cho tới khi mình đã già, phải, cho tới khi mình đã già, như một lời nguyện rằng: Chúa ơi, con kính yêu Chúa và lúc nào cũng muốn được trở nên một người con của Ngài!
oOo
Một thời-gian sau thì cuộc chiến đã lan tràn trên đất nước chúng tôi và những bạn-bè lớn hơn tôi hai tuổi trong lớp đều được kêu gọi để nhập ngũ. Chính anh Thiếu-sinh-quân cũng đã ra trường và tham gia vào những trận đánh khốc-liệt của Mùa hè đỏ lửa năm 1972. Giờ đây thì cuộc sống của chúng tôi đã không còn bình-yên nữa và chúng tôi hiểu rằng mình cũng có thể chết bất cứ lúc nào mà không thể nói trước được. Mẹ tôi đi chợ về nói rằng những bà nội-trợ quấn khăn tang nhiều lắm, có lẽ vì chồng, cha, hay anh của họ đã vừa mới chết nơi chiến-trường. Chỉ vài tháng sau, tôi nghe nói một người bạn cùng lớp đã tử-trận khi vừa mới gia-nhập binh-chủng pháo-binh, trong lúc một người bạn can-đảm khác thì lại được tuyển thẳng vào đội Biệt-kích-dù nổi tiếng của đất nước. Đó cũng là một trong những lần hiếm-hoi mà tôi đã thầm nguyện với Chúa trong sự sợ hãi rằng: “Chúa ơi, nếu con có phải chết, thì xin Ngài ban cho con chỉ một phút, để con có thể giao phó linh-hồn mình trong tay Chúa!” Tôi đã cảm thấy yên-tâm hơn sau khi đã cầu-nguyện như vậy và vẫn tìm cách tiếp-tục sống giữa một xã-hội đang nhốn-nháo vì chiến-tranh ở xung-quanh mình.
Và cũng chỉ một thời gian sau, tôi đã gặp lại anh bạn đội nón hoa dù. Từ đằng xa, khi vừa nhìn thấy người chị lớn chở tôi chạy về nhà, anh đã gọi tên tôi và kêu lớn lên rằng “Anh Thiếu-sinh-quân chết rồi!” Chính tôi không nghe rõ tiếng kêu của anh, vì nó hòa lẫn với tiếng xôn-xao của phố chợ, nhưng những người thân trong gia-đình tôi nghe được và họ đã thuật nó lại cho tôi với vẻ bàng-hoàng. Thật vậy sao? Anh Thiếu-sinh-quân ấy đã chết rồi sao? Chúng tôi đã cùng đi nhà thờ với nhau, và chỉ mới xa nhau trong một thời-gian mà bây giờ đã không thể gặp lại nhau nữa ư? Tiếng kêu của người bạn như chìm trong một nỗi đau-đớn lẫn uất-nghẹn, vì người bạn thân nhất của anh giờ đây đã không còn nữa. Có lẽ anh đã khóc rất nhiều cho cuộc chia tay ấy, một cuộc chia tay mà anh không bao giờ mong đợi, đã để lại một khoảng trống không nhỏ trong tâm-hồn anh. Khi gặp lại anh bạn, chúng tôi mới nghe kể rằng anh Thiếu-sinh-quân đã chiến đấu và vừa hy-sinh trên một chiến-trường sông nước miền Nam, ngay trong Mùa hè đỏ lửa ấy. Cả gia-đình chúng tôi đều rớm nước mắt khi nghe nói về con người mà họ quý mến ấy. Có lẽ người yêu của anh đã khóc nhiều lắm, một cô gái ở cùng xóm đạo và đã yêu anh từ nhiều năm về trước, nhưng chưa thể kết-hôn với nhau được. Đó là chưa kể tới những giọt nước mắt của gia-đình anh, giọt nước mắt của người mẹ và của những đứa em, sau khi người cha đã hy-sinh thì người con ngoan của họ cũng tiếp-tục nối bước. Giờ đây, gia-đình họ sẽ phải tiếp-tục bươn-chải trong cuộc sống mà không có bóng dáng của nhiều người đàn ông. Có lẽ còn có nhiều giọt nước mắt nữa xoay quanh cái chết của anh, của những đồng-đội, của những bạn-bè, nhưng nói chung, tất cả mọi người đều cảm thấy được an-ủi và lấy làm hãnh-diện vì biết rằng anh là một người gương-mẫu.
Chúng tôi đã không dự được tang-lễ của anh, cũng không biết người ta đã đem xác anh về như thế nào, vì khi nguồn tin tới được tai chúng tôi thì mọi sự đã đi vào quá-khứ, cho dù hai căn nhà chỉ cách nhau có vài con đường và vài trăm thước. Nhưng chắc-chắn là trên quan-tài của anh, người ta có phủ lá cờ của tổ-quốc, như một lời tạ ơn về những gì mà anh đã làm cho đất nước nầy. Trong lúc tang-gia bối-rối thì nhiều khi người ta không còn tâm-trí để nhớ tới một điều gì, trong đó có cả những điều rất thân-thương, để rồi khi nỗi buồn đã vơi đi thì người ta mới nhớ lại và tìm cách báo tin cho những người khác biết. Tôi đã không khóc, không có một giọt nước mắt nào cả trong tâm-hồn trẻ thơ của tôi vào lúc đó, mà chỉ có một sự suy-nghĩ miên-man trong nhiều ngày kế tiếp. Đương nhiên là tôi quý mến anh như một người anh, chỉ có điều là tình-cảm ấy chưa trở nên sâu đậm cho lắm trong tâm-hồn nông-cạn của tôi, trước khi anh nằm xuống. Có lẽ những tình-cảm và hi-vọng mà anh dành cho tôi đã không được đáp lại một cách rõ-ràng khi anh còn sống, bởi vì tâm-tánh nhút-nhát của tôi, hay bởi vì nó đã được chôn quá sâu ở trong lòng tôi, mà khó ai có thể biết được. Như vậy thì lần đầu-tiên mà tôi đi nhà thờ với anh trước đó cũng là lần cuối-cùng, và lời chúc phước lạ-lùng của anh cũng chính là dấu ấn sâu đậm nhất, mà anh đã để lại trong lòng tôi.
oOo
Ngày nay, tôi đã ở vào lứa tuổi hoàng-hôn của cuộc đời, tôi không những đã trở nên một người con của Chúa, mà còn trở nên một người phụng-sự Chúa và rao-giảng Phúc-âm của Ngài nữa. Trải qua gần hết cuộc đời còn lại, tôi đã dùng lời Kinh-thánh để cứu-vớt những người trôi nổi trong thế-gian, để chữa lành nhiều tấm lòng tan vỡ, để thêm sức cho những người yếu-đuối, và để dìu-dắt từng người trên con đường bước tới Thiên-đàng…
Có nhiều người đã hỏi tôi rằng: “Ai đã giúp-đỡ cho anh đến với Chúa?” Và đã có lần tôi trả lời rằng: “Nhiều lắm: từ những dì phước đã ghé thăm khi tôi còn nằm trong bệnh-viện Chợ Rẫy, cho đến bà chị thân-thương vẫn đi học bên cạnh tôi, cho tới bà cụ bán sách bên cạnh nhà thờ Tin-lành, cho tới bác thợ mộc đã trao cho tôi một quyển truyền-đạo-đơn,… Nói chung, giúp-đỡ tôi đến với Chúa là công việc của dân Chúa, chứ không phải của riêng một người nào cả…!”
Và trong số những người ấy thì anh Thiếu-sinh-quân vẫn là người đầu-tiên đã mời tôi đi nhà thờ, đã chở tôi tới nhà thờ, đã cầu nguyện xin Chúa ban phước cho tôi, đã làm cho tôi cảm thấy sung-sướng và hạnh-phúc ngập tràn qua lời chúc phước ấy, đã giúp cho tôi có thêm đức-tin, để có thể đến với Chúa trong những ngày sau nầy, khi anh đã ngủ yên từ lâu trong Ngài. Một ngày nào đó khi thức dậy, anh sẽ thấy mình đang ở trong thế-giới của sự sống đời đời, một thế-giới tràn ngập ánh sáng và tình yêu-thương, mà biết bao nhiêu con người trong thế-gian nầy đã đi tìm, và cuối-cùng thì họ đã khám-phá ra rằng nó chỉ được bắt đầu ở nơi chân thập-tự-giá của Chúa mà thôi. Dường như ở nơi đó có một cánh cửa nhỏ mở ra, để từng con người có thể bước qua, và đặt chân mình trên con đường dẫn tới Thiên-đàng. Trong ngày đó, anh sẽ gặp lại những người thân yêu, những người đã từng than khóc về sự ra đi của anh, cũng như tôi là người đã không đổ một giọt nước mắt nào, nhưng vẫn luôn nhớ đến anh với lòng biết ơn về những gì tốt đẹp mà anh đã đem đến cho cuộc đời tôi, trong ân-điển của Chúa.
Và cuối cùng, tôi luôn tạ ơn Chúa, vì mặc dù đã ở vào lứa tuổi hoàng-hôn của cuộc đời, nhưng những hồi chuông giáo-đường vẫn còn văng-vẳng bên tai tôi…
NẮNG HẠ