Loan đang tỉa sửa lại chậu hoa trong phòng làm việc thì tiếng GG vang lên:
– Mẹ ơi! Điện thoại.
Đó là tiếng con két của Loan, nó học được câu này từ con gái Loan khi cháu còn bé. GG rất khôn, nó phân biệt được tiếng điện thoại reo thật và tiếng điện thoại trong TV.
– Hello, xin lỗi ai ở đầu giây?
– Thanh đây, Thanh “xoàn” đây.
Loan reo lên:
– Chị Thanh, lâu quá không nghe tin tức gì của chị.
– Thôi đi cô ơi, cô cứ dời nhà dời tiệm không cho ai biết. Tìm cô như thể tìm chim. Trách cứ ai chớ?
Loan cười xòa:
– Xin lỗi chị, anh chị và các cháu bình thường chớ?
– Mọi sự tốt lành. Chị mới nhận được tin của Bảo, nghe nói dạo này sức khỏe hắn không được tốt. À này tối nay chị sẽ gọi lại cho em số phone và tin tức của hắn, bây giờ chị đang có khách coi hàng, chị cúp phone nghe.
Loan úp điện thoại xuống, một thoáng bàng hoàng “Bảo, Bảo thầy chùa” Đó là biệt danh của Bảo vì anh không ăn được thịt. Bảo là người bạn trai đầu đời thuở còn đi học của Loan. Ký ức phút chốc trở về.
***
– Chị Loan, anh Bảo gởi chị cuốn sách.
– Cám ơn Kỳ.
Nhận sách từ tay Kỳ, Loan hớn hở vì biết sẽ có thư Bảo trong đó. Kỳ là em trai Bảo, học chung lớp với Loan, còn Bảo học trên Loan ba lớp. Loan và Bảo học khác buổi nhau. Suốt mấy năm thân nhau, Loan thường học buổi chiều và Bảo học buổi sang, thế nhưng mỗi ngày hai đứa đều gặp mặt nhau. Cứ vào giờ ra chơi của Loan, Bảo đã đứng dưới gốc cây trước cổng trường, Loan dạo quanh trong sân trường, nhìn ra tìm kiếm Bảo. Hai đứa nhìn nhau, gởi cho nhau một nụ cười, chỉ thế. Hôm nào không đến trường vào giờ ra chơi thì Bảo đạp xe ngược dòng vào trường giờ tan học. “Con đường học trò” (tên gọi của con đường Tống Phước Hòa) có đến hai trường trung học tư và một trường trung học công mà Bảo và Loan đang theo học. Giờ tan học, vô số xe đạp, xe Honda, học trò đi bộ đở ra như nước. Khó khăn lắm Bảo mới len lỏi đạp ngược trở vào. Tất nhiên Bảo và Loan đụng đầu nhau ở đó. Đôi khi hai đứa dừng lại, trao đổi nhau vài quyển vở với những lá thư học trò bên trong, đôi khi chỉ một nụ cười, Loan còn nhớ. Thỉnh thoảng trường tổ chức chiếu phim hay văn nghệ, hai đứa hẹn nhau đi xem, Loan không dám ngồi gần Bảo, Loan bắt cô bạn gái mình là Nhung ngồi giữa. Nhưng chỉ vài phút sau Bảo lại đổi chỗ ngồi với người kế bên Loan. Thế là hai đứa hạnh phúc ngồi bên nhau, không dám nắm tay mà chỉ dán mắt lên màn ảnh hay sân khấu, cùng vỗ tay, cùng cười với nhau. Loan cũng nhớ trong thời gian theo đuổi Loan, cứ mỗi lần có văn nghệ trường là thế nào Bảo cũng chạy chọt để lấy cho được cái vé ngồi cạnh bên Loan. Một kỷ niệm khác mà Loan nhớ đời: hôm đó tan học về, ra khỏi con đường học trò mà vẫn chưa thấy Bảo, Loan đang tản bộ về nhà thì chợt nghe tiếng gọi:
– Loan, chờ anh với.
Loan quay lại, thấy Bảo đang ngồi sau yên xe đạp của một người bạn, anh nhảy xuống:
– Ê Bình, mười lăm phút nữa trở lại đón tao.
Bình quay đầu xe, Bảo nhìn Loan cười:
– Cho anh cùng tản bộ một lúc, hôm nay anh không vô trường được vì xe hư. Nè, tặng Loan cái này.
Loan nhận từ tay Bảo một phong bì, mở ra Loan thấy mấy tấm ảnh của mình, có cái chân thấp chân cao vì đang bước, có cái quay đầu không thấy mặt. Loan bật cười:
– Anh chụp hồi nào vậy?
– Chụp lén mà.
– Anh chụp kiểu này thì không ăn tiền được rồi đó nghe. Hai đứa cùng phá lên cười, chợt Loan khựng lại, mặt mày tái mét. Bảo lo lắng:
– Chuyện gì vậy Loan?
– Ba Loan vừa mới đạp xe ngang qua.
Tối đó về nhà Loan bị ba đánh cho ba roi cảnh cáo: không được đi với con trai ngoài đường.
Năm Loan lên đệ tam thì Bảo đi du học. Anh vẫn thường xuyên thư từ, hình ảnh cho Loan, kể cho Loan nghe về nỗi khó khăn của một du học sinh tự túc, nỗi khó khăn khi anh phải ăn thịt mỗi ngày. Anh kể luôn tánh phóng đãng của các cô gái Đức và sự liên hệ giữa anh với họ. Đôi lúc Loan thầm lo lắng và bày tỏ với Bảo điều này. Bảo luôn luôn trấn an Loan rằng đó không phải là tình yêu, đó chỉ là một sự cần thiết. Loan không hiểu lắm về điều đó, chỉ mang máng rằng đó không phải là tình yêu như Bảo nói. Thế là yên tâm.
Hơn hai năm sau Loan vừa lấy bằng tú tài đôi thì Bảo về thăm nhà. Trông anh cao lớn hơn, đĩnh đạc hơn và đẹp trai hơn. Loan thầm nghĩ: Anh thế này, làm sao Loan giữ được anh đây. Một tháng về lại quê nhà Bảo thường đưa Loan và mấy đứa em bảo đi ăn kem, đi xem phim. Lúc này cứ mỗi chiều Loan đi dạy kèm cho mấy em lớp đệ thất đệ lục nên vì vậy Loan được đi chơi với Bảo mà không sợ ba biết. Một hôm Loan đến nhà Bảo lúc bảo và mấy đứa em đi vắng chưa về. mẹ Bảo mời Loan vào nhà.
– Ngồi đây cháu, chúng nó đi thăm một người bà con cũng sắp về tới. Bảo nói cháu tới đây hôm nay à?
– Dạ, ảnh nói vài ngày nữa ảnh trở lại Đức, ảnh bảo con tới chơi nấu cho ảnh một món ăn nào mà con thích. Không có gì phiền Bác hả bác?
– Ôi cái thằng nhiều chuyện, hôm qua ông bà Thái đã mời chúng nó đi ăn nhà hàng rồi, hôm nay lại bày đặt.
Loan im lặng, lòng phân vân. Mẹ Bảo lại lên tiếng:
– Cháu mến thằng Bảo lắm phải không? Bác khuyên cháu đừng bận tâm nhiều về nó, gia đình bác đã định cho nó một nơi rồi, nó là đứa con có hiếu, bác không muốn cháu buồn về sau này, nên nói sớm cho cháu biết.
Một sức ép nào đó khiến Loan đau nhói nơi lồng ngực. hai giọt nước mắt nóng hổi trào ra, Loan cúi đầu. Mẹ Bảo đứng dậy:
– Cháu chờ thêm chút nữa, có lẽ chúng nó đang trên đường về.
Lau vội hai dòng nước mắt, Loan đứng lên, giọng run run:
– Xin phép Bác con về, Bác nói giùm anh Bảo con có đến.
Loan bước vội ra cửa, đầu óc choáng váng, bước thấp bước cao, vấp ngay phải Bảo từ ngoài bước vào. Loan quỵ ngay trước mặt anh. Bảo hốt hoảng:
– Loan, em làm sao vậy, em không khỏe hả, để anh đưa Loan về.
Bảo đỡ Loan đứng lên.
– Không sao đâu anh, Loan đi được một mình.
Nói xong Loan vội vã dắt xe ra cổng, con đường nhòe đi trước mặt. Loan nằm liệt giường mấy ngày sau đó và không tiễn Bảo ngày anh lên đường trở lại Đức.
Không biết lý do gì, kể từ ngày đó Loan không nhận được thư Bảo nữa. Lần sau cùng, viết cho Bảo, Loan trách móc: “Anh như một loại mây trời, nghìn đời bay xa tít. Loan như loài rong biển, chẳng bao giờ mình gặp được nhau, chẳng bao giờ anh nhìn thấy Loan xa khuất nơi này, dù chỉ bằng ý nghĩ, một giây thôi mình đã đến với nhau…”
Loan xếp cuộc tình mình vào ngăn kéo của con tim để bắt đầu một cuộc hành trình mới, bước vào đại học. Khi Loan sắp sửa ra trường thì cuộc đổi đời xảy ra, tháng tứ 1975, miền Nam mất.
Thế rồi, sóng gió đại dương đã đưa loài rong biển tới một hải đảo hoang vu. Loài rong biển buồn tênh, cô đơn, lạnh lẽo. Thỉnh thoảng bị song kéo đùa ra biển, đôi lúc lại bị đánh dạt vào bờ. Loan ví mình giống như loài rong biển đó.
***
Gian khổ lắm Loan mới đặt chân lên được đất nước tự do này. Một thân một mình, chân ướt chân ráo, cuộc đời đã buộc Loan vào một người đàn ông đã có vợ con còn ở Việt Nam. Khi con gái Loan vừa lên được một tuổi thì gia đình họ đến nước Mỹ. Bấy giờ Loan mới thấm thía “thuở trời đất nổi cơn gió bụi, khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên”. Hôn nhân đổ vỡ, nỗi uất hận chất ngất trong lòng, sự dằn vặt tâm hồn và nhọc nhằn thể xác đã làm Loan đuối sức. Trong một hôm mưa gió mịt mù, trên con lộ xuyên bang không nhìn rõ đường hướng, xe Loan mất thăng bằng lao xuống con dốc trước mặt. Trong mơ hồ Loan thấy một ánh chớp lóe lên, có tiếng vọng xuống từ trên cao “hãy trao hết gánh nặng cho ta”.
Loan tỉnh dậy khi nghe tiếng còi hú của xe cứu thương, những ánh đèn xanh đỏ chớp chớp từ phía xa lộ. Loan định thần: chuyện gì xảy ra. Loan thấy mình nằm ở băng sau của chiếc xe. Loan gượng ngồi dậy, cửa xe kẹt cứng. Mọi người bu quanh xe Loan. Khi ra được khỏi xe, Loan quỳ xuống nơi đám cỏ còn ướt đẫm nước mưa “con tạ ơn Trời” Loan tìm kiếm Chúa từ đó.
****
Bảo đang mơ màng đi vào giấc ngủ sau khi uống xong phần thuốc còn lại trong ngày. Bỗng chuông điện thoại reo vang, anh nhấc lên, chưa kịp chào hỏi thì một giọng nói rất rõ ràng của một người phụ nữ:
– Xin lỗi, có phải đây là nhà của anh Bảo không ạ?
Hồi hộp, chậm rãi, Bảo hỏi lại:
– Loan, phải không?
– Dạ, anh…
Yên lặng sau đó, thời gian như ngừng lại mấy giây, giọng Bảo bùi ngùi:
– Anh không nhận ra tiếng Loan, nhưng anh biết là em. Anh chờ điện thoại Loan từ mấy tuần nay, sau khi Thanh kể cho anh nghe chuyện đời Loan.
Cố nén xúc động, Thanh hỏi:
– Nghe nói anh không khỏe, bây giờ anh thế nào?
Bảo thở dài, giọng run run:
– Không còn lâu nữa.
– Anh đừng nói gở…
– Không, đó là sự thật…
Nước mắt Loan chực trào ra. Thấy Loan im lặng, Bảo lên tiếng:
– Loan theo Chúa và tin con người có linh hồn phải không?
– Đúng vậy, sao anh hỏi Loan câu này?
Không trả lời Loan, Bảo hỏi tiếp:
– Khi thể xác không còn nữa thì linh hồn đi đâu?
Loan chưa kịp giải thích thêm vì GG bật lên nức nở: Chúa ơi con buồn quá. Bảo giật mình thảng thốt:
– Em làm sao vậy Loan, em khóc hả?
Loan cũng hốt hoảng:
– Không không, Loan không sao, đó là con két của em.
Bảo thở ra, thầm nghĩ: Em buồn đến vậy sao Loan, anh tội lỗi ngập đầu, tội bỏ em bơ vơ một mình trong cuộc sống. Bỗng Bảo bật lên thành tiếng:
– Anh xin lỗi, ngàn lần anh xin lỗi em, thương em trôi nổi một mình.
Loan mủi lòng, cố kìm giữ cảm xúc để khỏi nghẹn lời:
– Thôi anh, chuyện xưa rồi. Nhờ Chúa, Loan bây giờ vững chãi, bình an. Khi quyết định gọi thăm anh Loan đã không còn giận hờn gì anh nữa.
Bảo có vẻ an tâm:
– Loan à, lúc nãy em nói người không có tội linh hồn sẽ về thiên đàng. Trên đời này có ai là người không phạm tội hả em?
– Anh nói đúng, tất cả chúng ta đều phạm tội, vì vậy mà Chúa Jesus xuống trần, bị đóng đinh trên thập tự giá để gánh hết tội lỗi của chúng ta.
– Tại sao Chúa phải làm vậy?
– Vì Chúa đã tạo ra chúng ta và yêu thương chúng ta. Chúa không muốn một linh hồn nào bị đọa đầy trong địa ngục.
– Chúa có yêu thương anh không, có gánh tội cho anh không?
Đến đây Bảo thở nhanh, giọng nói yếu đi. Loan lo lắng:
– Anh mệt hả? Mình nói chuyện lâu quá, Loan để anh nghỉ ngơi.
Bảo thì thào:
– Xin lỗi, anh gọi lại sau.
Loan nghe có vật gì rơi xuống, Bảo đang cố gắng chỗi dậy để thở, cái điện thoại rớt xuống sàn nhà. Loan không nghe gì thêm, Bảo đã buông điện thoại. Loan cuống quýt “làm sao đây”. Loan lầm thầm cầu nguyện. Một ý tưởng lóe lên trong đầu, Loan nghĩ phải làm ngay không còn kịp nữa. kéo ngay hộc tủ bàn, Loan lôi ra quyển sổ nhỏ, vội vã nhấc điện thoại lên, bấm ngay số của Mỹ Hạnh, cô bạn gái ngồi chung bàn với Loan khi còn ở trung học hiện đang sống ở Thụy Sĩ, cha cô làm Mục sư. Từ Thụy Sĩ sang Đức không xa, Loan hy vọng Mỹ Hạnh hoàn thành công tác này trước khi quá muộn. Ba ngày sau Mỹ Hạnh gọi lại cho Loan biết là đã gởi người đến cầu nguyện và hướng dẫn Bảo tin nhận Chúa khi anh còn nằm trong bệnh viện. Loan nhẹ nhõm, thầm cảm tạ Chúa.
***
Loan mở cửa bước vào nhà, bé Ngọc òa khóc trên vai Loan vì vừa bị đánh thức. Loan nghe tiếng GG:
– Con ngoan, nín đi đừng khóc nữa.
Bé Ngọc nín thật, hai tay cháu vươn tới lồng chim, GG nghiêng đầu nhìn nó, con bé nhoẻn cười.
Dỗ bé Ngọc ngủ lại xong, Loan bước ra phòng khách xếp thư từ lộn xộn Loan lấy vào từ lúc nào đang nằm lộn xộn trên bàn. Loan chợt nhìn thấy một lá thư màu nước biển với những ô xanh đỏ viền quanh, màu của lá thư thật quen thuộc. Linh tính báo cho Loan một điều gì đó. Loan nhặt vội lá thư và mở ra, những dòng chữ thân thương dạo nào hiện ra trước mắt, tuy hơi nghiêng ngã nhưng không bao giờ Loan quên được “… anh đã trao hết tội lỗi mình cho Chúa, còn em xin tha thứ cho anh. Anh sắp lên đường, nơi đó: thiên đàng em đã giới thiệu cho anh. Cám ơn em….”
Buông tay, lá thư rơi xuống cạnh lồng chim, Loan ôm mặt thở dài. Hình như có giọt nước mắt nào vừa đổ xuống bờ môi. Loan nghe đâu đó “con ngoan, nín đi đừng khóc nữa” Loan ngẩng mặt lên, GG đang nghiêng đầu nhìn Loan, hình như nó cũng ngậm ngùi.
***
Bé Ngọc chạy tung tăng trước mặt, cát ướt mịn màng dưới chân, gió biển lồng lộng thổi, Loan thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng thanh thản. Loan thầm cám ơn Đấng Tạo Hóa đã làm nên muôn loài vạn vật này. Nhìn lên bầu trời xanh trong, những tảng mây trắng bềnh bồng trôi, Loan thì thầm: Bảo ơi, hãy an nghỉ… Nhìn ra ngoài khơi sóng biển nhấp nhô, lấp lánh ánh mặt trời, bất chợt Loan nhận ra trên gành đá trước mặt, có một cành rong biển đang bám chặt, xanh mướt, mượt mà…
CÔ TRẦN