Thứ Bảy , 23 Tháng Mười Một 2024
Home / truyện ngắn / NGƯỜI THẦY

NGƯỜI THẦY

ng thay

Chiến tranh kết thúc, Hoài trở về quê phụ làm ruộng với gia đình bên vợ, sống nốt cuộc đời vô tích sự của mình. Hành trang người lính, cuối cùng, còn lại hai bàn tay trắng và nỗi đau bại trận nhức nhối tâm hồn. Mới 25 tuổi, anh đã mất tất cả. Các bằng cấp thời Việt Nam Cộng Hòa chỉ có nước vo tròn trên sàn bếp chờ nhúm lửa, hoặc đem gói xôi gói bắp cho con cháu ăn sáng. Do thế, Hoài luôn mặc cảm, ngoài công việc đồng áng ra, anh chui rúc mãi trong nhà, lười biếng tiếp xúc với mọi người.

Xã Phú Long đông dân. Đa số là dân có đạo. Ở đó có một nhà thờ Tin Lành sống mãi với thời gian. Trong chiến tranh, vì nhà thờ nằm giữa hai lằn ranh, nên bao phen bị tàn phá khi hai bên tấn công lẫn nhau. Mỗi lần bị tàn phá, nhà thờ hư hao nặng nề, dân đạo lại hè nhau góp của góp công xây dựng lại, nên nhà thờ lúc nào trông cũng mới mẻ và có dấu tích bi hùng luôn lưu lại trong lòng dân đạo. Làm ruộng thì có lúc, có mùa. Ngoài mùa màng ra, Hoài thất nghiệp. Hàng ngày, muốn giết thì giờ, chỉ còn cách nằm vắt tay lên trán thở vắn than dài. Hoặc đi ra đi vào, đi tới đi lui, nhìn trời ngó đất. Cho tới một hôm, vợ Hoài đi chợ về.
– Mình ơi! Sáng nay người ta bắt đầu nhóm chợ trước cửa nhà thờ Phú Long, vui quá!
– Chỗ tôn nghiêm kính kiềng mà người ta cũng làm chợ nữa sao? Nhà thờ không đuổi họ ư?
– Chớ anh coi đất Phú Long này có chỗ nào trống đâu để làm chợ? Sáng này, ông Mục Sư ra đứng nhìn tới nhìn lui… rồi cười hề hề.
Hoài chợt đứng phắt dậy. Hắn nhào tới bồng vợ quay một vòng, vui vẻ nói.
– Vậy thì… tui cũng ra ngoài đó tìm cái gì buôn bán chứ! Ở nhà ôm đít vợ hoài, ngu thấy mồ!
Chợ nhóm trên khoảnh sân trống trước nhà thờ. Họ buôn bán rất đơn giản, mỗi người trải tấm nylon xuống đất, xong đặt hàng hóa lên, rồi mời mọc đón khách. Hoài xách mấy bịch thuốc rê Cao Lãnh dạo lên dạo xuống tìm chỗ trống. Cuối cùng, chỉ còn chỗ trống sát cửa nhà thờ, gần một bà già bán rau cải.
– Ngồi đây bán nè cậu! Chỗ này êm lắm! Chúa Nhật, cậu với tôi sẽ nghe Mục Sư giảng. Lời Chúa hay ghê!
nha
Hoài nhìn bà già. Hình ảnh mẹ Hoài chợt hiện lên. Cũng tà áo bà ba đơn sơ, cũng khăn quàng vai chất phác, cũng chiếc nón lá rộng vành, cũng nghiệp bán lẻ kiếm cơm, suốt đời nuôi con dưỡng cháu…
– Chào bác. Bác giống mẹ con quá! Bác thứ mấy? Con có thể coi bác như dì con được không?
Bà già vừa cười, vừa gục gặc đầu.
– Cứ kêu dì là dì Tư. Ngồi đây bán với dì. Bán nhiều thì ăn cơm, bán ít thì ăn cháo.
Hoài chen vào, nói cho vui.
– Còn bán không được thì nhịn ăn, phải không dì?
Dì Tư cười lớn, khoe hàm răng trống hoác, lưa thưa vài cái.
 – Sao không được? Dì bán ở đây từ thời Cộng Hòa, từ lúc còn trẻ. Có bữa nào nhịn đói đâu?
– Ủa? Ở đây người ta mới nhóm chợ mà dì?
– Dì bán rong. Chúa Nhật mới gánh cải lại nhà thờ. Vừa bán vừa nghe Mục Sư giảng. Vậy mà… mấy chục năm rồi đó. Biết bao ông Mục Sư đi qua…
Hoài ngó dì Tư chăm chăm, tỏ vẻ thán phục.
– Như thế dì đúng là con chiên ngoan đạo rồi, ngon lành hơn mấy người mới tin Chúa nhiều. Sao dì không vô nhà thờ dự lễ?   Dì Tư lọng cọng sắp xếp các bó cải trong quang gánh, rồi cúi đầu, nhỏ nhẹ.
– Dì dốt. Có biết chữ i tờ nào đâu mà vô nhà thờ? Vô đó phải đọc giấy tờ, học Kinh Thánh, phải viết chữ qua lại với người ta. Khó thấy mồ!
– Ồ! Con hiểu. Nhưng Mục Sư thấy tình cảnh của dì như vậy. Mấy ổng không có ý kiến nào sao?
– Có chứ. Ông nào cũng kêu dì vô nhà thờ dự lễ hết. Mấy ổng nói, nếu dì tin Chúa rồi thì nên chịu phép làm lễ nước. Dì thấy dì chưa xứng đáng, nên từ chối đó chứ!
Hoài theo dì Tư mỗi ngày, vừa học cách bán buôn, vừa học lời Chúa qua sự nghe lóm của dì từ các bài giảng của Mục Sư. Chiều Chúa Nhật nào, dì Tư và Hoài cũng rủ nhau đến nhà thờ làm công tác thiện nguyện. Dì Tư làm cỏ và quét dọn sân, còn Hoài cầm giẻ lau bụi trên các bàn ghế. Lần nào làm công tác này, dì Tư đều thủ thỉ với Hoài.
– Người ta dâng hiến cho Chúa của cải, tiền bạc. Mình nghèo, không có những thứ đó thì mình dâng lên Chúa thời gian và tấm lòng. Hoài yên chí đi! Chúa sẽ ban ơn bội phần cho hai dì cháu mình.
Một hôm, sau khi làm công tác thiện nguyện xong, Hoài có ý muốn về nhà dì Tư để dạy vỡ lòng cho dì. Dì mừng quá, gật đầu ngay.
– Học chừng bao lâu mới đọc được Kinh Thánh?
Hoài vui vẻ trả lời.
– Chẳng bao lâu đâu. Nè, đầu tiên dì học vần, rồi ráp vần thành chữ, rồi ráp chữ thành câu. Thế là đọc Kinh Thánh dài dài, khỏe re.
Dì Tư vỗ vào vai Hoài một cái thật mạnh, cười hì hì.
– Mày làm như tau là thần đồng.
Căn nhà dì Tư nằm khiêm nhường phía sau vườn của một người hàng xóm. Mái lá đơn sơ, vách phên làm bằng những mảnh tre thô kệch được đan lại với nhau một cách vụng về. Dì Tư sống một mình. Chồng dì đã chết trong chiến tranh, thời Ngô Đình Diệm. Hoài bước vào nhà với tâm trạng xót xa, buồn bã. Mẹ Hoài cũng thường xuyên sống cô đơn, vì những đứa con đi lính mãi biền biệt phương nào? Chiến tranh bạo tàn đã làm mất đi tất cả, kể cả hạnh phúc bình thường nhất của con người. Trong lúc Hoài loay quay với dì Tư về chuyện học vỡ lòng thì ngoài trời mưa bỗng trút xuống dữ dội. Hàng so đũa trước nhà dì Tư bị gió thổi ngã rạp. Nước tuôn xối xả xuống máng xối, xuống ao hồ, xuống những mái lá nghèo nàn, mục nát. Chợt dì Tư đứng phắt dậy, la lớn.
– Chết rồi Hoài ơi! Cái cửa sổ trên nóc nhà thờ chưa đóng. Mưa điệu này làm ướt nhem chỗ thờ phượng, ướt nhem hàng ghế của các ông phó tế rồi.
– Sao dì biết chưa đóng?
– Thì chính tay dì mở ra lau bụi trên đó. Tính để cho ánh sáng mặt trời lọt vào cho thoáng. Nào ngờ, đi về, quên đóng.
Hoài cũng đứng phắt dậy, luống cuống.
– Bây giờ dì tính sao?
– Còn tính sao nữa? Chạy mau lên nhà thờ!
Dì Tư liệng cho Hoài tấm nylon, rồi cắm đầu cắm cổ phóng ra ngoài mưa, nhắm hướng nhà thờ lao thẳng. Hoài cũng chẳng chịu thua, bám theo lưng dì như cái đuôi. Cứ thế, cả hai vượt gió vượt mưa chạy một mạch tới nhà thờ.
Sau ngày đó, dì Tư cảm nặng. Dì bỏ nhóm chợ, bỏ Hoài ngồi buồn hiu một mình với những xấp thuốc rê câm nín. Lúc đó, ở thời gian tĩnh tâm nhất, lời giảng Mục Sư bỗng xoáy vào tâm tư Hoài. Chúa Giê-Su đã xuống trần để cứu nguy cho nhân loại? Nhân loại như bầy chiên đi lạc, đều bị hư mất vì tội lỗi trong đời? Chúa đã yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài xuống thế gian chịu cực hình để chuộc tội lỗi cho con người. Vậy, sao con người không yêu thương Chúa, không tin nhận Chúa mà được sống đời đời? Và những việc làm từ thiện của dì Tư, những thái độ khiêm nhường của dì… như một ngọn đuốc thiêng dẫn đức tin Hoài vào con đường tìm Chúa. Hoài phải tự tìm ra một giải pháp cho mình, một quyết định cho cuộc đời. Ngày mai, Hoài sẽ vào nhà thờ, xin phép Mục Sư, quỳ dưới chân Chúa sám hối ăn năn, trút bỏ con người cũ, xây dựng con người mới theo ý Chúa.
Ngày qua ngày, dì Tư đã đọc được chữ quốc ngữ, dì mạnh dạn vào nhà thờ chịu lễ Báp-têm và trở thành tín hữu chính thức của hội thánh. Còn Hoài thì trưởng thành nhanh trong Chúa. Hoài được hội thánh đề cử đi học Thần Học. Vài năm sau trở thành Mục Sư, về cai quản nhà thờ Phú Long, sau khi Mục Sư đương nhiệm chính thức về hưu.
Ngày Hoài nhậm chức, Lần đầu tiên Hoài thấy dì Tư vui mừng khôn xiết. Nói chuyện với ai, dì Tư cũng cười lớn tiếng, khoe hàm răng trống hoác, còn lưa thưa vài cái. Sau lễ, Hoài định tìm dì Tư để nói đôi lời cám ơn, vì chính nhờ dì mà Hoài mới hưởng được những ơn phước từ Chúa như ngày hôm nay. Vừa gặp dì Tư, Hoài chưa kịp ngỏ lời thì dì Tư đã ôm chầm Hoài, nước mắt lã chã.
– Cám ơn, cám ơn Mục Sư nhiều lắm! Nhờ Mục Sư mà lão đã đọc được Kinh Thánh. Nhờ Mục Sư mà lão biết về Chúa một cách tường tận.
Hoài thân mật, rút khăn mùi-xoa ra lau nước mắt cho dì Tư.
– Không, con cám ơn dì đúng hơn. Nhờ dì dẫn dắt, con mới tin Chúa, theo Chúa. Dì là người thầy, người Mục Sư đầu tiên của con. Không có dì dẫn dắt, có lẽ con đã chết dần trong niềm đau phàm tục của con người.
Dì Tư bỗng ngưng khóc, thuận tay vỗ vào vai Hoài một cái thật mạnh.
– Mày làm như tau là thần đồng.
Hai dì cháu lại ôm nhau, cười hì hì…

CỎ NÚI

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn