Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / truyện ngắn / TRUYỀN CHÂN LÝ

TRUYỀN CHÂN LÝ

tr

Từ hôm Hoàng thường xuyên đi thăm viếng anh chị em trong Hội Thánh, gặp ai cũng nói về Chúa. Nhưng cũng kể từ đó nhiều người đã nhìn Hoàng, họ xì xào ” tên này thật chẳng giống ai!” Bạn bè, hàng xóm thì châm chọc hiểm hơn: “Cái thằng bỏ đạo”. Có người lại gièm pha: “Nó theo cái đạo của Mỹ.” Rồi có nhiều kẻ bàn tán mỗi khi thấy ba mẹ Hoàng đi qua, “nhà ấy không biết dạy con, để nó đi theo cái đạo phản động, tuần vừa rồi mới bị công an mời lên huyện làm việc…” 

Hoàng có thể chịu đựng được hết, kể cả những sự bắt bớ của người ngoài. Nhưng có một điều làm cho Hoàng rất khổ tâm đó là, ba mẹ đã phải nghe những lời bàn ra tán vào của hàng xóm mà quay ra bắt bớ, làm khó Hoàng một cách gay gắt… Lúc này mục sư Phong người quản nhiệm Hội Thánh phải về thành phố vì không có giấy phép truyền đạo tại địa phương. Hội Thánh nhóm lại hàng tuần giờ đây chỉ học Kinh Thánh từ lòng đến lòng. Riêng Hoàng phải đảm nhiệm dạy giáo lý cho người mới tin Chúa. Tuy còn đơn sơ nhưng anh cứ mạnh dạn; học đến đâu chia sẻ đến đến đó. Học một, biết một, thì chia sẻ một! 

Hôm nay Hoàng viết thư tâm sự cùng mục sư: 

Kính gửi mục sư Phong. Trong danh cao quý của Chúa Giê-Xu, em xin được gửi đến mục sư lời chúc sức khoẻ và lời chào trân trọng. Nguyện xin Chúa ban phước trên Mục sư, gia đình và Hội Thánh, ơn càng thêm ơn, phước càng thêm phước. 

Mục sư ơi! Từ ngày em tin Chúa, em nhận được nhiều phước hạnh và sự thay đổi lạ lùng trong đời sống, nhưng cũng có rất nhiều sự thử thách mà có lúc em tưởng như không thể nào chịu đựng hơn được nữa. Mục sư biết không? Hôm nay ba em đã lục soát phòng và phát hiện tất cả các sách Tin Lành gồm Thánh ca, Kinh thánh, giáo lý căn bản và truyền đạo đơn của mục sư Nguyễn Văn H. và đốt đi hết. Mục sư ơi! Em cảm thấy đau đớn cả thể xác lẫn linh hồn. Mỗi lần ba thấy quyển sách nào có chữ Chúa là lại cho em một cái bạt tai. Đến khi ông lấy ra quyển Kinh Thánh từ trong tủ quần áo của em thì ông dùng cả quyển Kinh Thánh đó mà đập lên đầu em. Ông kêu lên rằng: “Trời ơi! Sao mày ngu dữ vậy con? Tao nói với mày bao nhiêu lần rồi, ‘mày phải từ bỏ đạo này’ vậy mà bây giờ mày lại càng say mê đắm đuối theo Chúa là làm sao hả? ” Lúc đó em chỉ biết đứng im, không dám nói một lời nào. Em biết tính của ba nếu em nói thêm một lời em sẽ bị ăn thêm vài cái bạt tai nữa. Khi đã lục hết cả tủ quần áo và căn phòng thì ba bảo em; ‘Mày ra ngoài phòng khách để nói chuyện.’

Cứ tưởng là có cơ hội để làm chứng về Chúa, nhưng ai ngờ, ông cho em vài cái cán chổi vào đầu. Sẵn tay ông vơ lấy cái chổi lông gà mà quất lấy quất để lên lưng em… Mục sư ơi! Từ nhỏ cho đến lớn, đây  là lần đầu tiên em thấy cha ruột của mình khóc nức nở vì con. Em đau đớn vô cùng! Vì tin Chúa mà năm lần bẩy lượt em bị làm khó dễ, bị gia đình ngăn cản đánh đập, bị bạn bè sỉ nhục dèm chê. Áp lực mỗi ngày càng đè nặng lên người em, giờ đây em như trái bom nổ chậm vì những áp lực mỗi ngày. 

Giá như có mục sư ở đây để cầu nguyện cho em thì tốt biết mấy. Thôi sắp đến giờ em phải đến Hội Thánh dạy giáo lý cho cô Lan và chú Hải, cô chú đó mới tin Chúa tuần vừa rồi. Em biết đến Hội Thánh tuần này có thể “bị Sê-sa thăm viếng” hoặc khi về nhà sẽ bị bắt bớ gay gắt hơn nhưng em vẫn quyết tâm, hy vọng sẽ có một ngày những người đó sẽ hiểu về chân lý của Chúa. Một lần nữa xin cảm ơn mục sư Phong đã truyền dạy chân lý của Cứu Chúa cho em. 

Nguyện sự bình an và niềm vui mừng trong Chúa đổ đầy trên mục sư, gia đình và Hội Thánh. Amen.  

Tình yêu trong Chúa. Em Hoàng. 

🙂

Hai ngày hôm sau Hoàng nhận được thư hồi âm của mục sư Phong rằng: 

Hoàng thương mến! Nhận được thư của em anh đã vô cùng xúc động khi biết rằng em đang phải chịu thử thách lớn trong đức tin. Anh ước ao ngay lúc này có thể ở bên cạnh em, lắng nghe, chia sẻ và cầu thay cho em! Nhưng anh lại rất đỗi vui mừng vì em đã đứng vững vàng trong mọi sự thử thách. Thánh Phierơ dạy rằng:Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường(I Phi 4:12

Phao-Lô viết cho một người lãnh đạo Hội Thánh còn rất trẻ rằng:Hết thảy mọi người muốn sống cách nhơn đức cho Đức Chúa Jesus Christ, thì sẽ bị bắt bớ(IITi 3:12) 

mat

Chúa Jesus phán: Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước Thiên đàng là của những kẻ ấy(Mat 5:10).  

Hoàng thương mến! Vào năm hai mươi tuổi,  khi anh dâng cuộc đời mình vào công việc Chúa. Anh đã nghĩ rằng sẽ bắt đầu chinh phục thế giới qua sự nóng cháy của anh. Nhưng chỉ vài tháng sau những nan đề và sự bắt bớ dồn dập đổ xuống cũng như em bây giờ vậy. Nhưng Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho chức vụ của anh, nên đã dẫn anh vào những nan đề đó để có kinh nghiệm và trưởng thành như ngày hôm nay. Anh nhớ lúc đó vị Mục sư người cha thuộc linh của anh có nói rằng: “Cơ đốc nhân khi gặp nan đề thì phải giống như nước, nếu ta chặn dòng chảy của một con suối, nước sẽ tự động dồn lại rồi tràn qua vật cản đó. Nếu có ai đó dùng gậy gộc mà đập mạnh xuống dòng nước thì nước sẽ tự giãn ra rồi nhẹ nhàng thu lại. Lời Chúa dạy: “Phải khôn khéo như rắn và đơn sơ như chim bồ câu.” (Mat. 10:16b)

Đối với nan đề của em cũng vậy phải luôn mềm mại trong lời nói, nhưng vững vàng trong sự tin quyết. (lời mềm nhưng ý cứng) Anh tin rằng; Chúa sẽ ban cho em khôn ngoan để qua sự bắt bớ thậm chí đánh đập từ người cha, nhưng qua cuộc đời tin kính của em sẽ có một ngày Chúa cảm hoá tấm lòng của ông ấy. 

Còn về bắt bớ từ phía chính quyền. Theo kinh nghiệm của anh khi nào Hội Thánh bị bắt bớ là khi đó Hội Thánh sẽ phát triển, có người ví “như vết dầu loang” nếu không có sự bắt bớ Hội Thánh chỉ nhóm lại một điểm nhưng khi gặp sự bắt bớ ta sẽ chia nhỏ thành nhiều nhóm tế bào, rồi những nhóm nhỏ đó sẽ lớn mạnh thành Hội Thánh lớn. Giống như Hội Thánh đầu tiên bị bắt bớ ở Giê ru sa lem. Họ phải tản lạc sang các vùng lân cận nhóm lại và thành lập Hội Thánh mới. 

“Hội Thánh xứ Ga-li-lê 

Cùng Hội Thánh xứ Giu đê thuở nào 

Được tăng trưởng mạnh dường bao 

Cả Sa ma ri nữa dồi dào ơn phước 

Được gây dựng được bình an 

Bước đi trong Đức Thánh Linh hết lòng 

Luôn luôn có Chúa ở cùng 

Số người tin Chúa không ngừng tăng thêm.” 

(Công vụ 9:13) 

Đức Chúa Trời cho phép những nan đề xảy ra không phải là vô cớ em ạ. Có trải nghiệm mới có kinh nghiệm để cảm thông và giúp đỡ người khác. Hãy yêu thương, sốt sắng truyền dạy chân lý mà em đã nhận lãnh được. 

Anh hy vọng một ngày không xa khi Chúa cho phép anh trở lại thăm Hội Thánh, lúc đó anh sẽ thấy được kết quả của em. Anh và Hội Thánh trên thành phố sẽ luôn cầu nguyện cho em. Hãy vững lòng, Chúa ở cùng em. Có khó khăn gì hãy mạnh dạn chia sẻ, anh rất sẵn lòng giúp đỡ em trong phạm vi anh có thể làm được. Nguyện Chúa ở cùng em luôn. Người anh trong Chúa. 

Mục sư Phong

🙂

Kính mến gửi mục sư Phong. Đọc xong những lời khích lệ của mục sư em như được bổ sức lại sau một ngày mệt mỏi, như con dao cùn giờ đây lại được mài giũa để được sắc hơn. Mục sư ơi! Sau cái ngày Hội Thánh bị sê sa thăm viếng và Mục sư bị ra khỏi địa phương đó, Hội Thánh đã không còn nhóm lại một điểm nữa mà chia thành bốn điểm, mỗi điểm nhóm năm người. Mặc dù Hội Thánh bị Sê sa bắt bớ, nói xấu nhưng lạ lùng là tuần nào cũng có người mới tin nhận Chúa. Đúng là vết dầu loang.  Việc khó khăn nhất  bây giờ  là dạy giáo lý Mục sư ạ. Những người mới tin thuộc các thành phần khác nhau… Em không biết phải dạy cách nào cho hiệu quả? Trong trường hợp này Mục sư có thể chia sẻ những kinh nghiệm mà Mục sư có được trên bước đường hầu việc Chúa của Mục sư không? Rất mong được Mục sư trợ giúp. 

Em Hoàng. 

🙂

Hoàng thân mến. Anh rất vui mừng, mặc dù Hội Thánh đã và đang trải qua sự bắt bớ nhưng vẫn không ngừng tăng trưởng đây là một dấu hiệu tốt, cho thấy Hội Thánh có sức sống và quyền năng của Đức Thánh Linh ở cùng. 

Nhưng sự tăng trưởng thật, không chỉ tăng về số lượng mà phải tốt về chất lượng và kiện toàn cơ cấu nữa. Vì vậy anh đánh giá cao về công tác dạy giáo lý cho người mới tin. Theo yêu cầu của em, sau đây anh gửi đến em một số kinh nghiệm được cô đọng lại như sau: 

Trường hợp một: Trong buổi đầu gặp gỡ, sau những lời thăm hỏi, nếu nhận thấy đối tượng thuộc giới xa trường lớp, xa sách vở đã lâu, không chắc họ có ham học hỏi, thì đừng vội dùng từ học giáo lý mà nên cho họ thấy được lợi ích của việc am hiểu giáo lý. Nên nói, chúng ta sẽ có một thì giờ đàm luận thú vị, chủ đề được đưa ra thảo luận có thể là. Không nhìn thấy Đức Chúa Trời mà tin có hợp lý không? Hoặc Không cúng giỗ ông bà có phải là bỏ ông bỏ bà hay không? Hay Con người từ đâu đến…? Nếu đàm luận và nắm chắc các câu trả lời thì khi có người hỏi đúng các chuyên đề ấy, tín hữu sẽ không bối rối, trái lại sẽ rất thích thú, vì giải toả được những điều họ muốn tìm hiểu… 

Trường hợp hai: Có những người lại không dám nói thật những lý do như kém trí nhớ, ít văn hoá mà lại viện cớ là bận rộn và không có thời gian. Gặp trường hợp này phải kiên nhẫn và tạo tình thân. Có thể nói: Trong hoàn cảnh khó khăn này anh chị cố gắng làm việc là tốt lắm, nhưng nay anh chị đã tin Chúa, anh chị cũng nên cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ, ban phước trên công việc của anh chị. Người đời còn biết nói: Trời cho không thấy, Trời lấy không hay, huống chi chúng ta… Để biết cầu nguyện đẹp lòng Chúa, chúng ta phải nghe lời Chúa dạy. Sau đó thảo luận chương Sự cầu nguyện. Đây là lối đi vào vấn đề một cách khéo léo, không báo trước gây ngạc nhiên, thích thú cho người học. 

Trường hợp ba: Một lần nọ vị Mục sư người cha thuộc linh của anh đến dạy giáo lý cho một người làm thợ may, anh ta viện cớ may đồ tết nay hẹn mai, mai hẹn mốt vị Mục sư biết rằng; ‘Thời gian càng để lâu, càng bất lợi,’ do đó vị mục sư đề nghị. Hay anh vừa làm, vừa bàn luận, giống như chúng ta đang nói chuyện vậy. Thế là chủ đề Đức Chúa Trời là ai? được đưa ra thảo luận, theo cách ấy sau nửa giờ người thợ may đã thuộc tại chỗ hai câu. Về sau dù bận thế nào người thợ may đó cũng sắp xếp để hàng tuần có một thì giờ học giáo lý. Đúng là. Nơi nào có ý chí, nơi đó có phương pháp.’ 

Hoàng thân mến. Hướng dẫn giáo lý là việc đơn giản, nhưng cũng là việc quan trọng. Chủ chương của Phao Lô là: mọi người đều có thể chia sẻ điều vừa học được học một, biết một, chia sẻ lại một. Cho nên từ một lớp học tại trường Ti-ra-nu, Phao Lô và mười hai học viên đã không đi xa, nhưng các bài học vẫn đến những nơi xa xăm nhất ở cõi Asi rộng lớn. (Công vụ 19:9-10). Trên đây chỉ là những trường hợp tượng trưng, em hãy tham khảo và chăm chỉ đọc sách rồi chuyển hoá nó thành máu thịt của mình, chuẩn bị chu đáo là thành công một nửa. Nguyện xin Chúa ban ơn và đại dụng em trong công trường thuộc linh Cứu người và nuôi người em nhé. 

Trong Chúa. 

Mục sư Phong

🙂

Qua những kinh nghiệm học hỏi được từ mục sư với sự nhạy bén của Đức Thánh Linh ban cho. Hoàng đã gặp các tân tín hữu, tuỳ theo từng trường hợp mà hướng dẫn giáo lý cho họ. Hoàng cũng đặc biệt quan tâm đến những người chưa tin trong gia đình tân tín hữu. Đã có trường hợp khởi dạy hai người nhưng Báp têm sáu người. Các thiếu niên “tức mình” khi thấy những người thân của em không trả lời thông suốt, do đó các em rất sẵn sàng tham gia thảo luận. 

Thời gian cứ trôi đi và “hạt giống” cứ nẩy mầm… Hai năm sau ba má Hoàng cũng quyết định tin nhận Chúa và các nhóm tế bào được mọc lên như nấm. 

ĐÀO VĂN HIỀN

Chú thích:

1.  “Sê-sa thăm viếng”: chỉ trường hợp tín đồ gặp khó khăn khi đi rao truyền Phúc Âm.
2.  “Bắt bớ”: nghĩa bóng của việc bị phản đối, bị làm khó dễ.

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn