Biết một người là một việc nhưng quen thân người đó hay không lại là việc khác. Trên thế giới, nhất là những lần đến Lễ Giáng Sinh hằng năm, cả thế giới đều nghe nhắc đến Danh Chúa Giê-su và sự tích giáng sinh của Ngài. Nhiều người Việt cũng đã quen biết Chúa, đã hầu chuyện cùng Chúa mỗi ngày, nhưng còn chính bạn, bạn có quen biết Ngài không? Ngài là một người thường hay Ngài là Chúa tể của bạn? Tôi tin rằng khi đối diện với Đức Chúa Trời, Ngài sẽ hỏi mỗi người chúng ta: “Con có biết Chúa Giê-su là ai không?” “Con đã tiếp nhận Ngài chưa?” Không một ai tránh được câu hỏi nầy. Vậy tại sao trong khi còn sống bạn không dành thì giờ để tìm hiểu về Danh Chúa Giê-su?
Trên thế giới có danh xưng mà các bậc cha mẹ không dám đặt tên đó cho con mình. Một tên thì đáng xấu hổ, một tên thì quá diệu kỳ. Tên đáng xấu hổ là Giu-đa (mặc dù nghĩa của tên nầy có nghĩa rất đẹp). Giu-đa nghĩa là ngợi khen. Nhưng ông Giu-đa là môn đồ của Chúa Giê-su đã phản bội Chúa, bán Chúa với 30 miếng bạc và sau đó hối hận vì việc mình làm, không chịu ăn năn nhưng đi thắt cổ chết. Từ đó không ai dám đặt tên con theo tên của ông.
Trong khi đó có một danh mà các cha mẹ cũng không dám đặt tên đó cho con vì một lý do hoàn toàn khác. Đó là danh Giê-su, Chúa Cứu Thế. Danh Chúa cao cả, thánh khiết, kỳ diệu đến nỗi không ai sánh bằng. Giê-su có nghĩa là cứu rỗi. Đương thời Chúa có nhiều cha mẹ đặt tên con là Giê-su quen thuộc. Sử gia Josephus người Do Thái đã liệt kê tên của 20 nhân vật đương thời có tên Giê-su. Nhưng sau khi Chúa Giê-su chết và sống lại, và Hội Thánh đã được thành lập thì từ đầu thế kỷ Thứ Hai SC trở đi không ai trong các nước nói tiếng Anh dám đặt tên con là Giê-su theo danh của Chúa.
Trong khi không ai dám đặt tên con là Giê-su thì tên Giê-su rất nổi danh và được nhiều người nhắc đến nhất. Chúng ta không thể tránh khỏi danh Giê-su Christ. Ngày nay danh Giê-su được nhắc đến với lòng tôn trọng và ngưỡng mộ trong âm nhạc, văn chương, nghệ thuật. Danh Giê-su được Hội Thánh khắp thế giới sùng kính tôn cao. Trong khi các danh nhân thế giới được nhắc đến với lòng kính trọng nhưng không danh nào được yêu cầu phải đáp ứng bằng sự tôn thờ. Người ta có thể phớt lờ những danh nhân nầy nếu muốn. Tuy nhiên danh Giê-su đòi hỏi nhân loài khắp nơi một sự đáp ứng. Khi nghe đến danh Giê-su, chúng ta hoặc sẽ chấp nhận hoặc sẽ chối từ. Hoặc tin hoặc không tin. Không thể đứng trung dung.
Tại sao danh Giê-su đáng quan tâm như thế?
Mục Sư Warren W. Wiersbe đã gợi ý ra năm lý do mà ông tin là Đức Chúa Trời muốn chúng ta hiểu biết về danh Giê-su Con Ngài.
- Hiểu Danh Chúa.
Thứ nhất, Chúa muốn chúng ta hiểu danh xưng nầy. Danh xưng đi liền với con người mang danh đó. Tên Giê-su tức là tên Giô-suê trong tiếng Do Thái có nghĩa “Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi.” Môi-se gọi tên người kế thừa mình là Giô-suê để nhắc cho dân Do Thái biết việc Chúa đã làm cho dân Do Thái. Đó là sự giải cứu dân Do Thái thoát khỏi ách nô lệ của người Ai Cập. Trong ý nghĩa nầy Đức Chúa Trời gọi Con Ngài tên Giê-su để nhắc cho chúng ta biết Chúa đã ban cho chúng ta sự cứu rỗi tức là sự giải cứu chúng ta thoát ách nô lệ của tội lỗi. Chúng ta cần để ý là ông Giô-sép không chọn đặt tên nầy. Tại sao? Tại vì ông không phải là cha ruột. Chúa Giê-su được thụ thai bởi Thánh Linh, con của nữ đồng trinh Ma-ri. Vì thế Đức Chúa Trời là Cha đã chọn đặt tên Con Trời giáng thế là Giê-su.
Khi học Kinh Thánh ta sẽ thấy Đức Chúa Trời đã chọn đặt tên cho một số những người quan trọng thay vì cứ để cho cha mẹ đặt tên. Thật lý thú khi thấy Chúa đặt tên con trong một số trường hợp. Khi nàng A-ga trốn khỏi nhà ra đi sau khi có thai với ông Áp-ra-ham, một thiên sứ của Chúa hiện ra với nàng và nói, “Nầy, ngươi đương có thai, sẽ sanh một trai, đặt tên là Ích-ma-ên; vì Đức Giê-hô-va có nghe sự sầu khổ của ngươi. Đứa trẻ đó sẽ như một con lừa rừng: tay nó sẽ địch cùng mọi người, và tay mọi người địch lại nó. Nó sẽ ở về phía đông, đối mặt cùng hết thảy anh em mình (Sáng 16:11). Chữ Ích-ma-ên có nghĩa Chúa lắng nghe. Chúa muốn nhắc bà A-ga là Ngài nghe biết chuyện bà trong lúc khó khăn. Lời tiên tri của Chúa cũng ứng nghiệm hoàn toàn khi chúng ta biết tâm tính của người dân Ả-rập là dòng dõi của Ích-ma-ên.
Đức Chúa Trời cũng đặt tên đứa con thứ hai của Áp-ra-ham, đứa con của lời hứa. Đức Chúa Trời bèn phán rằng: “Thật vậy, Sa-ra, vợ ngươi, sẽ sanh một con trai, rồi ngươi đặt tên là Y-sác, (Y-sác nghĩa là cười). Ta sẽ lập giao ước cùng nó, để làm giao ước đời đời cho dòng dõi của nó” (Sáng 17:19). Tên Y-sác nghĩa là cười. Tên nầy nhắc đến việc ông Áp-ra-ham và bà Sa-ra đã cười trước lời hứa của Chúa. Chồng thì vui, vợ thì không tin.
Hai tên con mà Chúa đã đặt cho hai con trai của ông Á-ra-ham có ý nghĩa thuộc linh. Ích-ma-ên tượng trưng cho xác thịt, anh sinh ra trong lúc Áp-ra-ham không kiên nhẩn chờ và không tin. Trong khi đó Y-sác tượng trưng cho Thánh Linh. Y-sác sinh ra bởi vì ông bà Áp-ra-ham tin tưởng Chúa. Trong khi Y-sác mang đến nụ cười, Ích-ma-ên mang đến sự thử thách.
Danh xưng thứ ba do Đức Chúa Trời đặt là Giăng Báp-tít. Kinh Thánh chép: “Nhưng thiên sứ nói cùng người rằng: Hỡi Xa-cha-ri, đừng sợ, vì lời cầu nguyện ngươi đã được nhậm rồi. Ê-li-sa-bét, vợ ngươi, sẽ sanh một con trai, ngươi khá đặt tên là Giăng” (Lu-ca 1:13). Tên Giăng có nghĩa là Đức Chúa Trời đầy ân huệ. Giăng là đứa con do Đức Chúa Trời sai đến để dọn đường cho Đấng Cứu Thế giáng thế cứu nhân loại.
Ngay sau khi thiên sứ hiện ra với ông Xa-cha-ri, cha của Giăng, trong đền thờ, chúng ta thấy cũng thiên sứ đó hiện đến báo tin với bà Ma-ri. “Hỡi Ma-ri, đừng sợ, vì ngươi đã được ơn trước mặt Đức Chúa Trời. Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Giê-su (Lu-ca 1:31). Chúa cũng xác nhận danh xưng nầy khi hiện ra với Giô-sép, chồng hứa của Ma-ri. “Song đang ngẫm nghĩ về việc ấy, thì thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong giấc chiêm bao, mà phán rằng: Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh Linh. Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Giê-su, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Ma-thi-ơ 1:20-21). “Đến ngày thứ tám, là ngày phải làm phép cắt bì cho con trẻ, thì họ đặt tên là Giê-su, là tên thiên sứ đã đặt cho, trước khi chịu cưu mang trong lòng mẹ (Lu-ca 2:21).
Điều lý thú là sau sự giáng sinh của Chúa Giê-su, Kinh Thánh không ghi chép một lần sinh con nào khác. Gia phổ cuối cùng được liệt kê ra trong Tân Ước là của Chúa Giê-su. Đức Chúa Trời đang nói với chúng ta rằng sự sinh ra duy nhất mà Chúa quan tâm là sự tái sinh, sự sinh ra lần thứ hai của mỗi người trong chúng ta.
Bởi vì lúc bấy giờ số người mang tên Giê-su (tức Jehoshua) có nhiều nên khi nhắc đến danh Giê-su, người ta phải kẹp theo tên đó một địa danh hay tên của người cha. Chẳng hạn khi nói với Na-tha-na-ên về Chúa Giê-su, ông Phi-líp đã nói, “Chúng ta đã gặp Đấng mà Môi-se có chép trong luật pháp, và các đấng tiên tri cũng có nói đến; ấy là Đức Chúa Giê-su ở Na-xa-rét, con của Giô-sép. Na-tha-na-ên nói rằng: Há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét được sao? Phi-líp nói: Hãy đến xem (Giăng 1:45-46). Danh Giê-su liên kết với Na-xa-rét ngụ ý sự kiện Chúa bị người ta khinh dễ và chối bỏ (Ê-sai 53:3).
Ngài cũng được xưng là Giê-su Christ. Trong tiếng Hy Lạp chữ Christ nghĩa là “Đấng được xức dầu.” Trong tiếng Hê-bơ-rơ chữ Messiah có nghĩa tương đương. Chữ nầy nhấn mạnh Chúa Giê-su được Đức Chúa Trời sai đến để cứu chuộc thế giới.
- Tin Danh Chúa.
Hiểu danh Chúa là quan trọng khi nhận biết việc Ngài đã làm gì cho chúng ta nhưng phản ứng thứ hai đối với danh Chúa còn quan trọng hơn. Hiểu danh Chúa, chúng ta cần tin danh Ngài. Tin ở đây có nghĩa là tin cậy. Danh Giê-su và danh của các danh nhân thế giới rất khác nhau. Chúng ta không thể tin cậy các danh nhân thế giới dù họ nổi tiếng cách mấy. Nhưng chúng ta có thể tin cậy danh Giê-su vì Ngài là Đấng sống, Ngài đang sống và đang hành động trên thế giới ngày nay. Chúa Giê-su là sự cứu rỗi của chúng ta vì, “Người sẽ cứu dân mình ra khỏi tội.” Chúa cứu gì? Chúa cứu chúng ta ra khỏi ách nô lệ thuộc linh và ban cho chúng ta một mục đích mới để sống. Sự cứu rỗi của Chúa đem đến sự chữa lành và sự đắc thắng. Đem đến sự bình an thoát khỏi sợ hãi. Đem đến cho chúng ta quyền năng.
Danh Giê-su có uy quyền. Trong sách Công Vụ Sứ Đồ, chúng ta thấy các sứ đồ đã làm nhiều phép lạ lớn nhân danh Chúa Giê-su. Chúng ta thấy họ cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-su. Xem Công vụ 3, “Buổi cầu nguyện giờ thứ chín, Lối ba giờ chiều Phi-e-rơ với Giăng cùng lên đền thờ. Vả, có một người què từ lúc sanh ra, cứ hằng ngày người ta đem đặt tại cửa đền, gọi là Cửa Đẹp, đặng ăn mày những người vào đền. Người thấy Phi-e-rơ và Giăng vào, thì xin hai người bố thí. Phi-e-rơ với Giăng ngó chăm người, rồi nói rằng: Hãy nhìn xem chúng ta. Vậy, người bèn nhìn chăm chăm hai người, tưởng sẽ được chút gì. Nhưng Phi-e-rơ nói với người rằng: Ta chẳng có vàng bạc chi hết, song điều ta có thì ta cho ngươi: Nhân danh Đức Chúa Giê-su Christ ở Na-xa-rét, hãy bước đi! Phi-e-rơ nắm tay hữu người đỡ dậy. Tức thì bàn chân và mắt cá người trở nên cứng vững; người liền nhảy, đứng lên và bước đi cùng hai người vào đền thờ, vừa đi, vừa nhảy, vừa ngợi khen Đức Chúa Trời. Cả dân chúng đều thấy người bước đi và ngợi khen Đức Chúa Trời.” (Công vụ 3:1-9).
Với sức riêng Phi-e-rơ không làm gì được, nhưng ông làm được phép lạ là nhờ quyền phép trong danh Chúa Giê-su. Ngày nay chúng ta cũng có thể tin cậy quyền phép trong danh Chúa Giê-su, vì Ngài không hề thay đổi.
Tin danh Chúa Giê-su có nghĩa là tôn Giê-su làm Chúa của riêng mình. Nghĩa là ta phải tin và tôn Giê-su là Chúa Cứu Thế của đời mình. Bà Ma-ri cũng đã tôn ngợi Chúa là “Chúa của tôi” (Lu-ca 1:46-47).
- Tôn Vinh Danh Chúa.
Thái độ thứ ba của chúng ta là tôn vinh danh Chúa Giê-su. Đức Chúa Trời đã tôn vinh Danh Giê-su cao hơn hết tất cả các danh. Xem Phi-líp 2:9-11. “Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Giê-su Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.”
Khi chúng ta tiếp nhận Giê-su làm Chúa, liên kết với Ngài và hiệp nhứt với Ngài, chúng ta được gọi là Cơ-đốc nhân (người Christ). Chúng ta phải giữ danh thơm tiếng tốt cho Chúa, để người khác cũng tôn vinh Chúa khi thấy đời sống chúng ta. Chúa Giê-su đã dạy, “Sự sáng các người hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16).
- Vui Trong Danh Chúa.
Một khi chúng ta hiểu Danh Chúa, tin cậy Danh chúa, và tôn vinh Danh Chúa, chúng ta cũng sẽ vui mừng trong Danh Chúa Giê-su. Sự vui mừng phát xuất từ trong lòng những người kinh nghiệm sự cứu rỗi của Chúa. Trong Kinh Thánh Tân Ước, tôi thấy người nào gặp gỡ Chúa Giê-su cũng đều ngợi khen Chúa một cách vui mừng. Đây là phản ứng rất tự nhiên.
– Ông Xa-cha-ri (Lu-ca 1:68-71, 79).
– Trinh nữ Ma-ri (Lu-ca 1:47)
– Thiên sứ vui báo tin lành (Lu-ca 2:11)
– Ông cụ Si-mê-ôn ca ngợi Chúa (Lu-ca 2:29-30).
- Khoe Ra Danh Chúa.
Không chỉ tiếp nhận Danh Chúa, chúng ta cũng phải khoe Danh Chúa Giê-su ra. Chúng ta khoe ra Danh Chúa để nhiều người khác biết Chúa và có thể kinh nghiệm quyền năng của Chúa. Danh Chúa là danh duy nhất có thể chiến thắng ma quỷ, tội lỗi, sự chết. Kinh nghiệm về quyền năng của danh Chúa Giê-su, sứ đồ Phi-e-rơ đã nhấn mạnh, “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công vụ 4:12). Khi các sứ đồ rao danh Chúa ra, họ bị cấm đoán và rồi bị bắt ra tòa. Họ không sợ. Trước các lãnh đạo đền thờ là người cấm lấy Danh Chúa Giê-su rao giảng cho bất cứ ai, họ đã dạn dĩ tuyên bố, “Chính các ông hãy suy xét, trước mặt Đức Chúa Trời có nên vâng lời các ông hơn là vâng lời Đức Chúa Trời chăng? Vì, về phần chúng tôi, không có thể chẳng nói về những điều mình đã thấy và nghe” (Công vụ 2:20).
Ngày nay có một Danh và chỉ Danh Chúa Giê-su thôi mới là Đấng Cứu Thế, chúng ta hãy hiểu, hãy tin, hãy mừng, hãy khoe ra. Danh Chúa Giê-su là sứ điệp duy nhất chúng ta công bố với niềm hãnh diện và tin tưởng. Khoe Danh Chúa cũng là một mạng lịnh Chúa giao. Bạn đã biết Chúa Giê-su chưa?
Bây giờ tôi muốn kiểm tra xem bạn có thực sự biết Danh Chúa Giê-su chưa nhé. Mời bạn cùng tôi đọc khúc Kinh Thánh nói về mấy người đã mạo danh Giê-su để đuổi quỷ nhằm nổi danh. Xem Công Vụ 19:13-17. “Bấy giờ có mấy thầy trừ quỉ là người Giu-đa đi từ nơi nầy sang chỗ kia, mạo kêu danh Đức Chúa Giê-su trên những kẻ bị quỉ dữ ám, rằng: Ta nhân Đức Chúa Giê-su nầy, là Đấng mà Phao-lô giảng, để truyền khiến chúng bay. Các kẻ làm việc đó là bảy con trai của Sê-va, tức là một người trong bọn thầy tế lễ cả Giu-đa. Song quỉ dữ đáp lại rằng: Ta biết Đức Chúa Giê-su, và rõ Phao-lô là ai; nhưng các ngươi là kẻ nào? Người bị quỉ dữ ám bèn sấn vào chúng, thắng được hai người trong bọn và hành hạ dữ lắm, đến nỗi phải trần truồng và bị thương, trốn ra khỏi nhà. Phàm người Giu-đa và người Gờ-réc nào ở tại thành Ê-phê-sô đều biết việc đó, thì sợ hãi, và danh Đức Chúa Giê-su được tôn trọng.” Bạn đã thật biết danh Giê-su chưa?
Mục Sư Nguyễn Văn Huệ
Sách tham khảo: Warren W, Wiersbe, What Shall We Name The Baby? (Lincoln, Nebraska: Back To The Bible, 1987).