Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / truyện ngắn / HÀNH TRÌNH CỦA TRÁI TIM

HÀNH TRÌNH CỦA TRÁI TIM

images

– Bạch thầy! Xin thầy cho con trai của con được ở lại chùa để ngày ngày nó được nghe tiếng chuông, tiếng mõ, câu kinh mà  tâm được tịnh, lòng được yên, bớt ngỗ nghịch, có được không thầy?

– Đạo hữu đã quyết định gởi con trai mình vào cửa phật thì chớ chi thầy lại từ chối. Hãy cứ để nó ở đây một thời gian để thầy xem thử nó có “căn tu” hay không vậy.

Thằng Tâm bị má nó “tống” vào chùa ngọt xớt như thế đó.

Thật ra nó là con trai một, thằng quý tử của tía má nó, được cưng, tưng tiu như cục vàng, cục ngọc nhưng “Trời không chiều lòng người”, má nó- bà Năm nói vậy. Ông Năm chẳng răng long đầu bạc cùng bà mà lại bỏ đi trước một bước, ông mất đi để lại nỗi trống vắng, quạnh quẽ cho ngôi nhà chỉ có ba con người khi bà Năm mới nửa chừng xuân, còn thằng Tâm thì chỉ vừa tròn mười hai tuổi. Bà phải gạt nước mắt cho những ngày đau đớn, đứng lên gắng gượng đỡ lấy gia đình với đôi vai nhỏ bé run run đơn độc. Bà bắt đầu đi làm, ai kêu gì làm nấy. Cắt lúa, nhổ cỏ, gánh nước, giặt đồ… Bà đều gồng gánh. Làm để có tiền lo cho hai con người, lo cho thằng con trai đang tuổi ăn tuổi học, làm để quên đi những lúc cô độc chỉ mình với mình trong chính tâm hồn đang chết lặng của người đàn bà đang độ nửa chừng xuân. Thằng Tâm thì ngoài thời gian tới trường, lên lớp thì nó chẳng được má ngó ngàng nên đâm ra buồn chán, tụ tập bạn bè chơi bời lêu lỏng, phá làng phá xóm, chẳng có ngày nào mà bà Năm không cầm cây chổi lông gà vỗ bộp bộp trên đi- văng trước bàn thờ tía nó:

– Tâm ơi là Tâm! Mày có chịu leo lên nằm cho tao hỏi tội không hả? Mày đâu rồi Tâm ơi?

Đó là lúc bà Năm chỉ còn thấy đôi dép của nó mà không thấy bóng dáng nó đâu, đời nào nó chịu leo lên đó nằm cho bà đánh. Thật ra thì tức quá nên bà chỉ hù nó vậy thôi, có một thằng con để dành thờ cúng mà đánh cái gì. Bà lắc đầu ngao ngán cho tháng ngày sắp đến.

Sáng nay, sau nhiều lần dụ dỗ, năn nỉ, hăm he thì nó cũng chịu đi chùa với bà. Bà nói với nó ở trên chùa vui lắm, có nhiều cây trái, người ta đến rất đông, cúng rất nhiều đồ ăn… Nó đồng ý đi cùng, bà mừng rơn.

Vậy là xong. Thằng Tâm ở lại với sư trụ trì. Bà thở phào nhẹ nhõm mong nó sẽ nghe câu kinh tiếng kệ mà thay đổi, ngoan ngoãn, chịu nghe lời rồi bà sẽ rước nó về. Thật lòng bà Năm rất mong ngày đó.

– Thằng Tâm đâu ra thầy dạy việc. Thằng Tâm đâu?

Không thấy tăm hơi nó đâu cả, sư trụ trì đi tìm thì thấy nó ngồi trong phòng để đồ người ta dâng lễ, ăn ngấu nghiến, cái gì cũng cạp một miếng rồi vứt lăng lóc.S ư trụ  trì già tái mặt, thằng này láo quá sức láo, thầy chưa đụng tới mà nó dám làm càn, nhưng nó nhỏ quá lại chưa biết lễ nghĩa nên phải tha. Lần sau mà nó phạm thì mới phạt nặng gấp đôi. Để tội đó.

Thầy cắt cử cho nó việc nấu nước, quét sân, đốt rác…, nhưng không cho nó bén mảng đến phòng chứa đồ lễ nữa, thầy cũng bắt nó xếp bằng, gõ mõ cốc cốc, miệng tụng ê a như đám chú tiểu trong chùa. Thằng Tâm chỉ mới được gởi vào nên không bị cạo đầu ba chỏm, nó cũng chẳng biết, chẳng thuộc bài kinh nào cả, bắt nó tụng theo thì nó cũng ráng nhắm mắt rồi hi hí nhìn, miệng ê a theo, trong bụng nó mắc cười nhưng sợ mấy Sa Di (*) gõ cái dùi lên đầu, nên ráng làm bộ nghiêm trọng, mặt nhíu lại, chân mày nhăn nhăn như là mình biết tội dữ lắm vậy.

Một tháng trôi qua.

– Bẩm thầy! Thằng Tâm lại phá phách mấy nhóm phật tử đang đến lễ chùa nữa kìa, người ta mới mắng vốn con. Đã nhiều lần như thế rồi, con nghĩ là nên trả nó về cho má của nó chứ không thì chùa ta mang tiếng lắm.

Sư trụ trì ngẫm nghĩ rồi gật đầu. Bà Năm được nhắn lên chùa gặp thầy, bà mừng lắm, chắc thằng quý tử nhà bà đã được tiếng chuông chùa, lời dạy bảo của các thầy cảm hóa. Bà tất tả lội nắng đi bộ cả quãng đường gần mười cây số mà trong lòng mừng nên không thấy mệt. Vừa lột cái nón lá ra khỏi đầu thì bà đã thấy sư thầy đứng cạnh cổng chùa, kế bên là thằng Tâm đang loi nhoi hết chọt bên này rồi lượn qua kia như chong chóng.

– Bạch thầy! Con mới tới.

– Xin chào đạo hữu! Xin hãy đem con trai bà về đi, tôi và cậu bé “không có duyên” với nhau, nó không có căn tu. Nó phá phách quá, không chịu học hành, những phật tử khác họ phàn nàn rất nhiều.

Trong khi bà muốn xỉu vì nghe mấy lời đó thì cửa chùa cũng đóng lại, chỉ còn hai con người đứng lẻ loi trong khung cảnh đìu hiu. Bà Năm thở dài đánh sượt rồi nắm tay thằng quỷ sứ dắt về, nó rút tay khỏi bàn tay thô ráp của bà, chạy vụt đi xuống những bậc thang, xuống núi, nhìn dáng điệu nó vui vẻ như con chim được thoát khỏi chiếc lồng chật chội, sải cánh liệng trên khung trời bao la với tiếng huýt gió đầy hoan hỉ. Bà Năm thắc mắc “Mình cho nó ở chùa chứ đâu cho nó ở tù đâu mà thoát ra nó mừng dữ vậy không biết?”

….

nha

– Thưa Cha! Tui không có đạo. Tui mới dẫn thằng con tui từ chùa về, đi ngang qua đây thấy có ngôi nhà thờ nên tui nghĩ “chùa không chứa mày thì tao gởi mày vô nhà thờ coi sao?” Xin Cha làm ơn nhận thằng quỷ sứ này vô giúp việc vặt cho cha rồi cha dạy dỗ, bảo ban nó dùm tui để nó thay đổi tâm tính, không ngỗ nghịch nữa, người mẹ như tui chỉ mong có như vậy.

– Thưa chị! Trước hết xin đính chính rằng tôi không phải là “Cha”. Đây là nhà thờ Tin Lành và tôi là  thầy truyền đạo ở đây. Thật tình tôi không biết tại sao chị có ý định gởi cậu bé vào đây nhưng nếu chị đã muốn như vậy thì chúng tôi sẽ thuận theo ý chị. Hãy để cậu bé ở lại với chúng tôi.

Nhìn cảnh hai mẹ con luộm thuộm mà còn vừa ở chùa về thì thầy truyền đạo cũng đã hết hồn nhưng không thể từ chối được vì người ta đã không tìm được giải pháp nơi chùa, bây giờ tin tưởng mình có thể giúp họ thì cậy ơn Chúa mà nhận thằng bé chứ sao. Lòng thấy rối bời nhưng vị truyền đạo trẻ tuổi vẫn gật đầu đón lấy thằng Tâm từ cánh tay đang đẩy nó qua của bà Năm.

Thằng Tâm lại có nơi ở mới. Bà Năm lại ra về sau khi để lại địa chỉ cho ông thầy,  cái mặt bà buồn so vì thấp thỏm không biết được mấy ngày thì người ta nhắn bà tới trả thằng tật dây nịch đó về.

Thầy truyền đạo dẫn nó vô tư thất gặp một người phụ nữ đang dọn dẹp, dáng cô nhanh nhẹn, gương mặt ưa nhìn với đôi mắt sáng. Thầy nói cùng nó:

– Đây là vợ của thầy. Em hãy chào cô đi, sau này cô là người sẽ lo lắng phần ăn uống, học hành của em đó. Còn đây là em Tâm, con của một người mà anh vừa quen gởi, anh sẽ kể cho em nghe sau. Bây giờ hai cô cháu hãy làm quen nhé.

Nói xong ông để cậu bé lại với vợ mình và đi ra ngoài. Thằng Tâm cũng đã quen với việc ở với người lạ rồi nên cũng chẳng có gì sợ sệt, nó hỏi:

– Cô ơi! Vậy con ở đâu? Phòng củi hay dưới bếp vậy?

– Con sẽ ở trong phòng dành cho khách của nhà thờ chứ không có ở phòng củi hay bếp đâu. Sao con lại có ý nghĩ như vậy?

Thằng Tâm im lặng. Người vợ thầy truyền đạo rất thắc mắc trong lòng không hiểu được trong đầu đứa trẻ này đang nghĩ gì nhưng cô chắc chắn rằng nó đã trải qua những ngày tháng đau buồn.

Nhà thờ không to như cái chùa và phòng của nó cũng chẳng rộng rãi, chỉ đủ kê một chiếc giường, một chiếc tủ nhỏ và một chiếc bàn nhỏ với cái ghế, dành để đọc sách. Bên ngoài cửa sổ phòng nó có một cây hoa ngọc lan, hoa nở trắng muốt, những cánh hoa nhọn hoắt chỉa ra như phòng thủ, không cho người khác chạm đến nhưng mùi của nó thơm lắm, hương thơm của nó lan tỏa dìu dặt, dễ chịu đến nỗi khi nó thử đặt mình xuống giường thì nó ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Nơi ở mới chào đón nó bằng một giấc ngủ ngon, biết đâu điều tốt đẹp đã bắt đầu.

Tuần đầu tiên thì mọi việc đều ổn trong tầm kiểm soát của những người lớn nhưng sang đến tuần thứ hai, thứ ba thì nó đã không còn là con ma mới. Một số người nó đã thuộc tên, một số khác thì dè chừng nó, không tới gần, một số thì chơi với nó rất vui vẻ. Ở nhà thờ không gò bó như ở chùa, nó không phải tụng kinh, gõ mõ, và chỉ giúp thầy cô những việc lặt vặt như nhặt rác quanh khuôn viên nhà thờ, tưới cây kiểng cùng thầy hay đi chợ xách giỏ cho cô… Thằng Tâm mập mạp, trắng trẻo hẳn ra. Cô còn may cho nó mấy bộ quần áo mới nữa nhưng nó vẫn ghét nhất là ngày Chúa nhật:

– Tâm ơi! Con phải vô lớp học trường Chúa nhật như các bạn nhé. Con ở với thầy cô thì phải nghe lời và đó là những điều tốt đẹp cho con. Thầy đã dẫn nó vô lớp thiếu nhi và để nó ở đó.

Cứ  được một lúc  thì có chuyện vì nó ngồi không có yên, hết quay lên, quay xuống thì kéo tóc đứa này, chọt hông đứa kia làm người dạy không chịu nỗi phải tìm thầy truyền đạo:

– Thầy kiếm đâu ra cái thằng nghịch như quỷ sứ vậy? Sao không quen không biết mà thầy lại đem về nuôi, kêu má nó lại trả đi thầy ơi, không thì thầy dẫn nó qua lớp khác chứ em không nhận dạy nó.

– Xin mọi người hãy kiên nhẫn với cậu bé, tôi tin là Chúa có chương trình cho chúng ta cũng như cho hai mẹ con cậu ấy.

Không có lớp nào trong nhà thờ nhận dạy nó.

Cô vợ thầy truyền đạo phải kèm nó sát bên, dạy chữ kiêm dạy đạo cho nó, nói về tình yêu thương của Chúa Cứu Thế Giê-xu đối với con người tội lỗi. Nó ngồi nghe, nhìn miệng cô, tai thì như có con ong đang vo ve vo ve…

Hai tháng trôi qua.

Mỗi buổi sáng khi ánh nắng  xuyên qua tán cây ngọc lan chiếu vào phòng nó, rọi vào tấm kính tủ, phản chiếu ngược tia sáng vào mặt nó ấm áp thì nó tỉnh ngủ, nó không bao giờ lăn qua lộn lại trên giường mà nó ngồi bật dậy, vươn vai, lấy tay chà chà lên mặt nơi có ánh nắng rọi vào, nó thầm thì chỉ đủ nghe:

– Nắng ơi! Chào mày, sáng nào mày cũng đến kêu tao dậy, mày chiếu vào mặt tao ấm áp như ngày xưa tía má hay ôm tao vào lòng và hun tao. Nếu tía tao còn sống chắc tao cũng vẫn được như thế nhưng bây giờ tía chết rồi, chắc má tao buồn lắm, tao không cố ý làm những điều sai trái nhưng tại sao tao vẫn cứ làm. Nắng ơi! Tao buồn.

Nó đi rửa mặt với đôi mắt hoe đỏ. Hôm nay là thứ ba, ngày cầu nguyện kiêng ăn của thầy truyền đạo. Nó đi ngang qua phòng sách cách nhẹ nhàng, liếc vào trong thấy thầy đang quỳ gối, nó đứng lại nấp sau cánh cửa, lắng tai nghe xem ông thầy nói cái gì rì rầm với cái đầu cúi xuống thấp như thế, nó nghe tới đoạn:

– Chúa ơi! Ngài đã có chương trình cho chúng con phải không? Chúa đã để hai mẹ con em Tâm bước vào nhà Chúa thì chắc rằng Chúa đã chọn họ. Chúa ôi! Con cầu xin Thánh Linh Chúa động đến lòng em ấy, cho em Tâm nhận ra được tình yêu mà Chúa đã dành cho em. Xin Chúa cho em có tấm lòng mềm mại, xin cho em ấy mạnh khỏe, được sự khôn ngoan của Ngài để nhận lấy tình yêu thiên thượng, xin Chúa cho bà Năm cũng được khỏe mạnh, thuận lợi trong công việc và có một ngày đón nhận tình yêu của Chúa Giê-xu…

Nó ngạc nhiên. Những người này là người dưng mà sao lại lo lắng quá nhiều cho hai mẹ con nó vậy? Người ta đã nhận nó vào ở, cho học hành, cho ăn uống, may đồ mới, dạy lễ nghĩa… Chẳng lẽ nó chẳng làm được gì để cảm ơn họ hay sao?

Thằng Tâm thay đổi.

Nó bắt đầu ngoan ngoãn, biết nghe lời, chịu học hành đàng hoàng, chịu bước vào lớp trường Chúa nhật ngồi học và không phá phách, chọc ghẹo bạn bè nữa. Thầy cô truyền đạo ngạc nhiên, mọi người trong nhà thờ gặp nó ngạc nhiên. Người thì khen nó thay đổi, người thì khen thầy cô khéo dạy dỗ… Chỉ có nó hiểu là vì lời cầu nguyện của thầy đã động đến trái tim của nó. Hành trình đó đã phải mất rất nhiều ngày.

Một buổi sáng Chúa nhật thằng Tâm bước lên tin nhận Chúa với những ánh nhìn kinh ngạc xen lẫn vui mừng. Trong nhà thờ chắc thầy cô truyền đạo là người mừng nhất vì tấm lòng và công khó mình bỏ ra không vô ích.

Bà Năm được mời đến.

– Tâm ơi! Ra chào má đi con.

– Dạ!

– Thưa má! Má mới tới!

Từ ngày chồng chết tới giờ bà mới hoảng hồn lần nữa. Cái thằng công tử bột nào mà mới bước ra kêu bà bằng má vậy? Thằng nhỏ trắng trẻo, dễ thương, tóc cắt cao gọn gang, áo tém thùng nghiêm chỉnh. Nó đứng vòng tay lễ phép trước mặt bà làm bà phải lấy tay dụi mắt liên tục mấy lần mới mở miệng được:

– Ca..a…i… Cái thằng Tâm… C…o…n… tui đây hả? Có thiệt là nó không vậy thầy?

– Thì chị Năm cứ hỏi nó thử rồi biết. Ông thầy nói mà cười tươi rói vì nhìn thấy vẻ ngạc nhiên tột độ trên gương mặt của người mẹ sau vài tháng không gặp con trai mình.

Sau đó là niềm vui vỡ òa của người mẹ khi nhận lấy đứa con mà bà nhìn hoài mà chẳng thấy giống thằng con mà mình gởi. Bà xin phép được dẫn nó về nhà. Bà cảm ơn thầy cô ríu rít, bà nói bà đã không sai lầm khi ghé vào đây, thật vui mừng lắm.

Thằng Tâm theo má về nhà với bản tính đã thay đổi, nó chăm chỉ học hành, không chơi bời lêu lỏng, không du thủ du thực với đám bạn xấu nữa, tối trước khi đi ngủ nó còn đọc một quyển sách rồi ngồi khoanh tay, nhắm mắt, lầm rầm nói cái gì đó rồi mới nằm xuống ngủ. Bà Năm cũng không hỏi vì thấy nó ngoan quá rồi, bà chẳng mong gì hơn.

Đến ngày giỗ của tía thằng Tâm, bà đi chợ mua đủ thứ đồ mà nó thích ăn về nấu… Cúng tía nó. Bà hân hoan nấu nướng, bưng lên cúng, khấn vái thành tâm mời tía thằng Tâm về ăn.

Tàn nhang thì bà bưng xuống, dọn một bàn đầy ngập đồ ăn rồi kêu:

– Tâm ơi! Ra ăn cơm đi con, sao sáng giờ má thấy con cứ lủi ra vườn chi hoài vậy? Ra đây má biểu coi.

Nó bước ra đứng trước mặt bà Năm, nhìn thẳng vào mắt bà, nó nói từng tiếng một:

– Má ơi! Con đã tin Chúa rồi. Con sẽ không ăn đồ cúng đâu, má ăn đi.

– Cái gì nữa vậy nè Trời! Cái gì mà tin Chúa rồi, không ăn đồ cúng? Sao ông Trời cứ cho sét đánh ngang tai con hoài vậy?  Mà tui nghi lắm, sao tự nhiên thằng con tui thay đổi cách chóng mặt vậy chớ? Tâm ơi là Tâm! Mày tin Chúa rồi thì lấy ai mà cúng tao với tía mày đây hả? Mày phải bỏ ngay, tao phải ra nhà thờ chửi cho mấy người đó một trận mới được. Tao phải kêu họ trả thằng con lại cho tao, thằng con cũ mất dạy của tao đó để nó còn cúng kiếng tía má nó nữa chớ. Tâm ơi là Tâm…

Bà Năm bỏ mâm cơm lạnh ngắt, chẳng buồn động đũa, cứ ngồi chống cằm ngó lên bàn thờ thút thít:

– Ông Năm ơi! Ông về mà coi thằng con quý tử của ông, nó bỏ ông bà, tía má đi theo Tin Lành rồi, tui phải làm sao đây ông năm ơi!

Bà chợt đứng bật dậy, đi nhanh tới bàn thờ, rút cây chổi lông gà ra, giọng đanh lại:

– Tâm! Leo lên đi- văng, nằm úp xuống cho má.

Thằng Tâm cúi đầu, vai buông thõng, bước đến đi- văng leo lên, nằm úp xuống. Bà Năm vừa lấy cây chổi lông gà nhịp nhịp vừa kể tội nó, bà chỉ cố xoay quanh chuyện bỏ tổ tông, cội nguồn không chịu cúng khi bà qua đời. Lâu lâu bà lại quất vào mông nó một cái… Nhẹ hều như phủi bụi vì bà không nỡ đánh thằng con ngoan ngoãn này, hồi đó mới kêu tên là nó đã chạy đi mất lấy đâu để bà trút giận như bây giờ. Bà dứt khoát:

– Bắt đầu từ ngày mai con phải lau dọn bàn thờ của tía, thắp nhang đều đặn ngày ba lần cho má, đừng để má phải đi ra nhà thờ đòi con với người ta, nghe chưa?

– Má ơi! Con sẽ lau dọn bàn thờ cho tía sạch sẽ nhưng con không thắp nhang đâu, má đừng ép con.

Thằng Tâm nói cũng dứt khoát lắm đến nỗi má nó cũng nhượng bộ:

– Ờ! Để má thắp nhang cũng được.

Nó vẫn là một đứa con ngoan như mong đợi, hằng ngày chu toàn những công việc má nó giao. Đến tối nó học bài xong thì lại rút quyển sách dầy cui ra đọc rồi vô mùng ngồi khoanh tay lầm rầm gì đó mà bà Năm có nghe như “Xin Chúa cứu má của con, đừng để má con phải đi địa ngục…”

Một buổi tối, sau khi thấy thằng Tâm khoanh tay lầm rầm xong thì bà Năm hỏi:

– Con làm gì vậy Tâm? Con đọc sách gì vậy? lảm nhảm cái gì mà tối nào má cũng thấy trước khi con ngủ vậy?

– Dạ con đọc Kinh Thánh và cầu nguyện đó má.

– Chứ mày cầu nguyện với ai? Má có thấy ai ở đây đâu? Mày đừng làm má sợ nha con.

– Dạ con cầu nguyện với Chúa, cũng là Ông Trời của người Việt mình đó má à, chứ không phải thần nào khác đâu. Má cũng thờ Chúa mà má không biết đó.

– Tao thờ Chúa của mầy hồi nào mậy? Tao là phật tử hẳn hoi nha mậy?

– Chớ ngày nào má chẳng thắp nhang khấn vái trước bàn Ông Thiên, mà Ông Thiên là Ông Trời đó má ơi, chỉ khác nhau cách gọi thôi hà.

– Vậy mày không có theo đạo Mỹ hả? Tao nghe người ta nói đạo Tin Lành là đạo của Mỹ mà.

– Trên đầu mình dù ở đâu thì cũng chỉ có một vòm trời và chỉ có một Ông trời mà thôi, má nghe người ta nói chi vì họ không biết rõ điều mình đang nói, hãy nghe người nói đúng má à.

– Vậy chớ làm sao mà tự dưng mày lại thay đổi vậy con? Tao cứ tưởng đem lộn con ai về nhà.

Thằng Tâm giở mùng cho má nó ngồi hẳn vào bên trong, nó bò lại gần ôm má như hồi tía nó còn sống. Nó kể hết cho bà Năm nghe từ lúc nó ở chùa như thế nào rồi ở nhà thờ ra sao, ông thầy cầu nguyện cho nó, cho bà như thế nào. Cô thì chăm sóc cho nó hết lòng, dạy dỗ nó cách ăn nết ở ra sao… Nó còn nói nữa cho đến khi nó nằm gọn vào lòng bà và ngủ ngon lành. Bà Năm  khóc, nước mắt chảy xuống môi mặn đắng, lặng thầm. Giọt nước mắt biết ơn.

Ngày mai bà sẽ dẫn thằng Tâm đến nhà thờ. Bà muốn biết thêm về Chúa của con mình, bà muốn tin Chúa của thằng Tâm, Đấng đã đem yêu thương về lại trong trái tim như đã ngủ quên của bà. Thằng Tâm sẽ không đơn độc trong chuyến hành trình còn lại. Bà Năm mỉm cười. Giấc ngủ đến mau chóng.

 

HẢI YẾN

(*) Chú thích: Sa Di là người đã thụ 10 giới sau một thời gian làm việc và học tập một số kinh kệ, nghi lễ trong chùa.   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn