Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / truyện ngắn / BỐN MÙA CUỘC ĐỜI

BỐN MÙA CUỘC ĐỜI

BỐN MÙA CUỘC ĐỜI 

n1

“Bốn mùa thời tiết đổi thay,
Cuộc đời xoay chuyển có ngày buồn vui.”

Lúc còn nhỏ, Út cứ cau có với mọi người, ai bồng cũng không cho. Nó chỉ đòi có một mình mẹ nó thôi. Hình như nó thèm mẹ nó lắm! Mà phải rồi, mẹ nó cứ bỏ nhà đi làm hoài. Nó ở nhà với chị của nó. Mỗi cuối ngày mẹ nó đi làm về, nó muốn nhào vô ôm mẹ nó, hôn mẹ nó, ngửi chút mồ hôi mặn mặn của mẹ nó là mặt nó tươi như hoa và hạnh phúc lắm! “Chắc là Út nhớ mẹ phải không?” Dì Năm hỏi. Út chẳng nói gì, mặt lầm lầm lì lì chạy vô ôm tấm vải màn cửa cuộn tròn một vòng giống như con nhộng. Một lát sau, dì Năm chào nó về, nó mới ló đầu ra ngoài dòm dì Năm nhưng không vui. Hầu như nó không vui với bất cứ ai, chỉ trừ ngoài mẹ nó. Chị của nó ôm nó chọc lét cho nó cười, ai dè nó khóc!

Nó khóc một hồi rồi trở thành sổ mũi, đau đầu, dị ứng luôn, thế là chị của nó phải khổ dài dài vì nó. Có nhiều lần nó ói, chị nó dẫn đến y sĩ mua thuốc nhưng uống vào thì nó lại ói ra. Chị của nó để ý thấy nó móc miệng cho ói, nên đưa nó sang nhà dì Năm hỏi… Dì Năm bảo, “Có thể Út muốn người khác quan tâm, chú ý đến Út nên Út mới móc miệng cho ói chứ bịnh gì đâu!” Nghe vậy, Út lườm mắt bỏ về, vì Út đã lên năm tuổi rồi nên Út hiểu và không thích dì Năm. Khi mẹ Út vắng nhà, dì Năm thỉnh thoảng ghé thăm chị em Út, lúc có bánh ngon, kẹo ngọt dì Năm chẳng bao giờ quên Út. Dì Năm hay ghẹo nó là Út ròm, Út khó nuôi. Mà Út khó nuôi thật!

Từ lúc mới sanh đến lúc mười hai tuổi, Út cứ bị bệnh và tai nạn hoài. Út hết bị bệnh này đến bị bệnh khác, nào là bị cảm, sốt, kiết lỵ, xuất huyết ruột, mà hầu như không có trận nào nhẹ. Mỗi lần bịnh là dây dưa mấy tuần mới chịu ngưng. Còn tai nạn thì triền miên.

Mùa Thu năm ấy, Út lên năm tuổi, Út bị con chó Muôn của hàng xóm cắn rách hết ngực. Hôm đó Út mặc chiếc áo đầm hồng mới, trông thật đẹp. Út theo người chị đến nhà hàng xóm chơi. Hình như con chó Muôn thấy Út lạ nên từ trên đầu ngõ nó lao xuống, đè Út nằm dài xuống đất và cắn Út ngất xỉu phải cấp cứu. Tai nạn này chưa xong, tai nạn kia lại chồng chất.

Một mùa đông nọ, Út bảy tuổi, một tai nạn phỏng khủng khiếp đến với Út. Người chị của Út nấu một nồi nước sôi lớn để cho gia đình uống cả ngày. Khi nồi nước sôi được chuyển xuống đất từ trên bếp. Chẳng biết Út trèo lên bếp lấy cái gì đó, tự nhiên “đùng” một cái, nó nhảy chủm, ngồi gọn gàng trong nồi nước sôi ấy. Vì quá nóng, Út dùng hết sức mạnh vực dậy  khỏi nồi nước. Chị nó tụt  nhanh bộ quần áo nó ra để bớt nóng, nào ngờ da của nó dính bám vào những mảnh vải, nhìn thân hình nó đỏ tươi từ mông tới chân toàn là thịt lóc da. Út được nhập viện ba tháng. Sau đó mẹ của Út đưa Út về nhà tự chăm sóc sáu tháng nữa mới lành. Làn da non của Út có lỗ lỗ, khoan khoan nhìn thấy ghê làm sao! Vậy mà sẹo này chưa lành, sẹo khác lại xuất hiện.

Một buổi chiều mùa xuân, lúc đó Út khoảng chín tuổi, Út trèo lên cây bưởi trước sân để ngóng mẹ nó đi làm về. Út thấy nhành hoa bưởi thơm, trắng và nở rộ. Nó vói tay hái nhành hoa bưởi. Nào ngờ, nhánh bưởi dưới chân nó bỗng dưng gãy, thế là nó rớt từ trên xuống đất chừng ba mét. Thân thể nó từ chân đến đùi tươm máu. Nó khóc thét lên. Dì Năm nghe tiếng nó khóc, chạy sang và phụ chị nó đỡ nó vô nhà. Cũng may nó không bị gãy xương nhưng bị trật gân tay vì nó chống tay xuống đất trong lúc té, nhưng trên đùi nó có ba vết rách thật sâu. Dì Năm bế nó chạy ra trạm xá cho cô y tá may cả ba vết thương là mười hai mũi kim.

Rồi vào một buổi trưa của mùa hạ, năm đó Út chừng mười tuổi, dì Năm và chị của Út dẫn Út đi tắm sông. Út thường xổ xuống mấy cái thác nước chảy gần bờ để tập bơi với người chị. Hôm nọ, có lẽ trời hạn, Út thả người xuống thác nước hơi cạn nên bị chạm đầu vào đá. Khi Út ngóc mặt lên, sao nước cứ chảy hoài. Nó vuốt mặt cười, nhưng ngờ đâu, không phải là nước mà là máu. Đầu và trán của nó có cảm giác rát và nhức nhói. Nó nhìn bàn tay của nó mới vuốt mặt thì thấy máu ướt đẫm. Nó ôm mặt khóc, dì Năm và chị nó quay lại thấy người của nó toàn là máu me. Họ lấy áo che thân cho nó, lấy quần dài cột đầu nó lại rồi mang nó về nhà. Thế nên dì Năm mới gọi nó là bệnh nhân trung thành với cô y tá và trạm xá gần đấy!…

Mẹ của Út đi làm về, được biết Út đang ở trạm xá, mẹ nó chạy vô khóc sướt mướt. Có người khuyên mẹ của nó rằng, Út khó nuôi quá, vậy nhờ thầy bùa, thầy cúng về làm phép cho Út. Thế là mẹ của Út chạy đi tìm thầy bùa, thầy cúng về làm phép và bán tên của Út cho ông pháp sư nào đó. Bán trên danh tánh chứ không phải trao đổi qua tiền bạc. Ông pháp sư bảo mẹ của Út, lúc Út lên mười ba tuổi thì được làm phép cúng tế gì đó mới nhận lại làm con…

Năm mười hai tuổi là ngã rẽ cuộc đời của Út. Lúc đi học về, Út thấy người ta tụm năm, tụm bảy la khóc inh ỏi trong xóm. Út tò mò ghé đến xem chuyện gì đã xảy ra. Út thấy anh Ti là người hàng xóm của nó, bay từ ngọn cây cau này, chuyền đến ngọn cây cau khác, giống như một con sóc. Anh Ti nhảy từ đầu ngọn cây cau xuống mặt đất, đầu và mình mẩy của anh bị gai thơm xước rỉ máu. Tóc của anh Ti bờm xờm, mắt đỏ ngầu, mặt gay gắt trông như thú dữ. Út thấy dì Năm cũng có mặt ở đó, nên Út hỏi mới biết là anh Ti con của bác Minh đang bị quỉ ám.

Anh Ti trong những ngày bình thường rất thương vợ con và có hiếu với ông bà Minh. Anh làm việc ngoài đồng, về nhà anh luôn chăm sóc, tắm rửa con cái, và phụ chị Ti làm bếp. Anh Ti thỉnh thoảng cũng ghé tiệm thuốc bắc, mua “Sâm Nhung Đại Bổ” cho ông bà Minh… Nhưng chẳng ai biết xuất phát từ đâu, anh Ti tính tình càng ngày càng khác hẳn. Anh thường cáu gắt, giận dữ với mọi người trong gia đình. Anh hay lớn tiếng, thậm chí đánh chị Ti đến bầm mình phải nằm viện. Có lần mẹ của anh Ti can ngăn không cho anh đánh vợ, anh nhảy vào đánh bà Minh chảy cả máu mũi. Những lần anh lên cơn, anh thường nói lắp, lẩm bẩm gì trong miệng một mình, mọi người ai cũng sợ anh, nhưng chẳng biết làm gì để giúp anh.

Ông bà Minh nghe người ta giới thiệu thầy Pháp này hay, thầy Cúng kia giỏi, thầy Bùa nọ tốt… Hầu như không có thầy nào mà gia đình ông bà Minh không tìm đến. Nhà ông bà Minh đã nghèo mà mỗi lần mời thầy về hay bày chuyện cúng tế là họ phải làm lễ vật, của cúng và quà cáp cho các thầy, cả mấy trăm ngàn, không phải là nhẹ tay đối với một nhà nông nghèo như gia đình ông Minh. Gia đình ông Minh kiệt sức và họ chỉ biết kêu trời…

Một ngày nọ, có người giới thiệu với ông bà Minh rằng, có mục sư nào trên huyện có thể mời về đuổi quỉ cho anh Ti. Con quỉ nghe được và nó nói ra từ miệng của anh Ti rằng, “nếu các ngươi muốn tìm người nào về đây thì tìm người theo “a di đà”. Chứ không được tìm mấy thằng theo “a men” nghe không.” Ông bà Minh nghe vậy, chẳng biết “a di đà” là gì, hay  “a men” là gì! Ông bà Minh đi hỏi khắp xóm cũng chẳng ai biết. Dì Năm nghe đồn nên gọi ông bà Minh ra nói nhỏ: “Những người theo “a di đà” là những người theo đạo Phật. Họ thường cúng tế, hay tụng kinh và nói “a di đà”… Phật. Còn những người theo “a men” là những người theo Chúa Jêsus, như đạo Tin Lành chẳng hạn. Họ không cúng tế gì cả, không thờ thần tượng nhưng họ thường cầu nguyện và nói “a men”. Dì Năm cũng không rõ nhưng chỉ hiểu nôm na là vậy! Ông bà Minh hỏi, “Vậy chúng tôi phải tìm người “a men” hay người “a di đà”?” Dì Năm hỏi lại, “Thằng Ti nó nói là tìm người nào?” Ông bà Minh phân vân. “Hình như nó bảo là tìm người “a di đà”, chứ đừng tìm người “a men”.” Dì Năm nói: “Vậy ông bà nghe theo lời quỉ sao?” Bà Minh dầu biết rằng, anh Ti đang bị quỉ ám nhưng khi dì Năm hỏi, “Vậy bà nghe lời quỉ sao?” Mặt bà Minh tự  nhiên bỗng đỏ bừng, hình như bà có ý tưởng, tại sao dì Năm bảo con bà là quỉ.

Bà Minh hối ông Minh chạy đi tìm thầy chùa. Họ chạy vào chùa tìm pháp sư về cúng cả tháng trời. Anh Ti vẫn lên cơn, vẫn quậy phá, có những lúc anh Ti cầm dao xông vào người này, người kia, cả xóm phải nhào đến bắt anh trói lại mang về nhà. Nhiều người trong xóm cũng bị thương tích, bầm dập vì anh. Anh Ti nghiến răng trẹo trọ, bôi nhọ tội lỗi từng người, mà người nào làm tội gì, anh nói đúng hết. Kể cả người lạ anh Ti chưa từng gặp mặt. Có một người bạn của ông Minh tới thăm. Con quỉ trong anh Ti tự nhiên phát ngôn, “ông đã có vợ mà còn phạm tội ngoại tình, không biết xấu hổ mà bày đặt đi thăm, đi khuyên người khác.” Người bạn của ông Minh cảm thấy mắc cỡ, hổ thẹn, bỏ đi một mạch.

n2

Hết cách! Ông bà Minh chạy lên nhà thờ trên huyện mời ông bà mục sư đến cầu nguyện.  Ông bà mục sư vừa đến nơi, con quỉ trong anh Ti giả ngoan chưa từng thấy. Ông bà mục sư hỏi gì anh Ti cũng trả lời răm rắp, như: “con ăn uống gì chưa? Con khỏe không? Con cảm thấy đau chỗ nào?…” Bấy giờ ông mục sư bảo trói anh Ti lại. Có mấy người bắt trói tay anh Ti ngược ra đằng sau. Họ cho anh Ti một cái ghế nhỏ ngồi xuống. Ông mục sư lại hỏi: “mày tên gì?” Con quỉ gằn với một giọng khàn khàn đặc sệt khác thường. “tên… ta… là… Sa… tan.”  Mục sư nhơn danh Chúa Jêsus để trục xuất con quỉ ra khỏi người anh Ti. Mục sư nhơn danh mãi, đuổi đến toán mồ hôi nhưng quỉ vẫn không ra. Mục sư nhắn tin cho ban thanh niên của Hội Thánh huyện đến. Ông bà mục sư và ban thanh niên hát thánh ca, hiệp ý cầu nguyện. Sau đó họ bắt đầu đặt tay đuổi quỉ cho anh Ti. Con quỉ không chịu ra. Nó nói anh Ti mở cửa mời nó vào. Nó thích ở trong anh Ti và không muốn đi đâu cả. Ôngmục sư quá mệt và phải ra về…

Hai ngày sau, anh Ti la lối quậy phá, đánh đập vợ con. Chị Ti chạy qua mấy nhà hàng xóm kêu cứu. Thế là ông bà Minh lại phải chạy đến tìm ông bà mục sư lần nữa. Lần này, mục sư không đến liền nhưng ông kêu gọi Hội Thánh kiêng ăn và cầu nguyện. Chính ông bà mục sư và ban thanh niên cũng phải kiêng ăn một ngày trước khi đến nhà ông bà Minh. Thay vì phải dốc đổ hết sức mình để đuổi quỉ thì ông bà mục sư cầu xin Chúa Jêsus Christ và Thánh Linh Ngài vận hành, làm việc xuyên qua ông bà và ban thanh niên, để người khác thấy được quyền năng của Chúa thi thố trước thiên hạ, và danh Chúa được vinh hiển chứ không phải bất kỳ người nào.

Ông bà mục sư và ban thanh niên đến nhà ông bà Minh. Lúc đó, có ông thư ký đi cùng.  Con quỉ ăn quen trêu ghẹo tội lỗi ông thư ký. Vừa thấy ông thư ký, con quỉ chỉ thẳng vào mặt ông thư ký nói: “năm năm trước, ông vì sợ chính quyền cách chức, nên ông đã bắt vợ của ông phải phá thai, trong khi đứa con trai của ông mới được ba tháng trong bụng mẹ nó. Ông tội lỗi như thế, bây giờ ông lại bày trò đi khuyên bảo, giúp người…” Ông thư ký vững vàng đáp: “mày im đi. Tao ngày trước chưa biết Chúa, sống đầy dẫy tội lỗi nhưng tao đã ăn năn tin nhận Chúa và theo Ngài. Huyết của Chúa Jêsus Christ đã tha thứ mọi gian ác của tao rồi. Mày đừng hòng mà kiện cáo tội lỗi tao.” Con quỉ liền câm miệng.

Mục sư nhơn danh Chúa Jêsus Christ Na-xa-rét, con của Đức Chúa Trời Hằng Sống để đuổi quỉ. Anh Ti ngã bật ra sau, sẵn có một thanh niên đỡ anh Ti nằm dài xuống đất, giãy giụa chân tay. Ông bà Minh hốt hoảng chạy tới. Ông mục sư cản ngăn. Cứ để Ti nằm như vậy. Con quỉ bèn ra khỏi người anh Ti. Khoảng hai tiếng đồng hồ sau, anh Ti tỉnh lại và lạy mục sư. Mục sư bảo: “Con đừng lạy ông. Nhưng hãy tin Chúa và theo Ngài. Từ nay thân thể con sẽ là đền thờ để Chúa ngự. Con không được mời ma quỉ hay mở cửa cho nó nhập vào bất cứ hình thức nào.”  Mọi người vui mừng vì thấy anh Ti đã bình thường trở lại. Ông mục sư hỏi, “Con cảm thấy thế nào?” Anh Ti bảo, “Con khát nước.” Họ đem nước đến cho anh Ti uống. Anh Ti mặt bỗng sáng ngời, miệng nhắp theo lời các bài hát với ban thanh niên. Thấy vậy, ông mục sư tặng cho gia đình anh Ti một cuốn Kinh Thánh và một quyển Thánh Ca. Với một số bài hát đã được in sẵn.  Ông mục sư dặn dò anh Ti. “Con phải đọc Kinh Thánh và hát Thánh Ca mỗi ngày. Con cần cầu nguyện với Chúa.” Anh Ti hỏi, “Cầu nguyện như thế nào thưa ông? Mục sư dạy anh Ti cầu nguyện và hướng dẫn anh cầu nguyện tin Chúa. Hôm đó, anh Ti, ông bà Minh bằng lòng lặp lại lời cầu nguyện của mục sư hướng dẫn và họ tin nhận Chúa Jêsus vào đời sống mỗi người.

Út thấy cảm động đứng khóc ròng. Dì Năm hỏi, “Sao con khóc?” Út nói, “Con cũng muốn tin Chúa.” Dì Năm dẫn Út đến gần chỗ ông bà mục sư. Út hỏi mục sư, “Ông nói với Chúa của ông cho con tin Chúa với được không?” Mục sư nói, “Được chứ! Nhưng tại sao con muốn tin Chúa?” Út hic… hic… “Vì con khó nuôi nên mẹ của con đã bán con cho ông pháp sư và nói rằng khi nào con được mười ba tuổi mới làm phép mua con trở lại với mẹ. Con buồn. Con sợ và tối ngủ hay ác mộng.” Ông mục sư nhìn Út chăm chăm tỏ vẻ cảm động. Bàmục sư thấy Út khóc, mắt bà cũng rưng rưng. Chị của Út chạy đến nghe Út nói vậy cũng cảm thấy tủi lòng. Hôm đó, Út, dì Năm và chị của Út cũng cầu nguyện tin Chúa. Tin Chúa xong, Út thắc mắc hỏi mục sư: “Ông ơi! Tại sao ông phải kêu đến danh Jêsus Christ Na-xa-rét, Con Đức Chúa Trời Hằng Sống để đuổi quỉ cho anh Ti?”

Ông mục sư gật đầu giải nghĩa. “Điều con hỏi là phải lắm! Vì trong Kinh Thánh có người khác cũng tên Giê-su, giống như danh của Chúa nhưng không phải là Chúa Jêsus Christ từ cõi chết sống lại. Có mấy lần mục sư nhơn danh Giê-su đuổi quỉ nhưng chúng không ra khỏi.” Mục sư mở Kinh Thánh chỉ cho Út và nhiều người cùng thấy.

“Giê-su gọi là Giúc-tu…” (Cô-lô-se  đoạn 4, câu 11).

“Giê-su con Ê-li-ê-se…” (Lu-ca đoạn 3, câu 29).

Mục sư còn nói thêm, “Ngày nay ở Âu Châu và ở Mỹ người ta đặt tên Giê-su cũng nhiều, nên khi nhơn danh Chúa để đuổi quỉ, ông cần phải dùng Kinh Thánh, nhờ cậy hoàn toàn vào quyền năng của Chúa và gọi đúng danh của Ngài. Ma quỉ rất sợ danh Jêsus Christ Na-xa-rét, Con Đức Chúa Trời Hằng Sống. Nếu chúng ta không gọi đúng danh thánh của Chúa, ma quỉ không chịu ra đâu.” Út trố mắt nhìn Mục sư có vẻ sợ hãi. Mục sư lật Kinh Thánh một chỗ khác và chỉ cho Út.

Đây con xem: “Trong nhà hội có người bị tà ma ám, kêu lên rằng: Hỡi Jêsus, người Na-xa-rét, chúng tôi với Ngài có sự gì chăng? Ngài đến để diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai: là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời” (Mác 1: 23, 24). Phi-e-rơ đã cho chúng ta biết danh thánh của Chúa mà rằng: “Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống” (Ma-thi-ơ 16:16).

Chính Chúa Jêsus cũng đã từng phán: “Ta là Jêsus ở Na-xa-rét…” (Công Vụ 22:8).

Út hỏi thêm, “Con ngủ hay bị ác mộng, vậy con có thể nhơn danh Chúa Jêsus Christ Na-xa-rét, Con Đức Chúa Trời hằng sống để ngủ không ạ?” Mục sư bảo, “Đúng rồi! Trước khi ngủ con cần phải cầu nguyện, trước khi ăn con cũng phải cầu nguyện… Chúa Jêsus Christ sẽ ban cho con sự bình an và ở cùng con!” Út lại tiếp: “Cầu nguyện là gì thưa ông?” Mục sư bảo rằng: “Cầu nguyện là thưa chuyện cùng Chúa, bất cứ điều gì con muốn nói. Dầu Ngài là vua cao cả nhưng Ngài cũng rất gần gũi với chúng ta như người cha, người thầy, người bạn thân. Ngài sẽ lắng nghe mọi lời con cầu xin!”

Người chị lại nắm tay Út giật mạnh, “Em đừng làm phiền mục sư nữa.” Mục sư xoa đầu Út. Ông nói như Chúa Jêsus, “Không sao! Nước Thiên Đàng thuộc về những đứa trẻ như con! Xin Chúa ban phước cho con!”… Từ khi Út tin Chúa và được mục sư hướng dẫn cầu nguyện, tâm hồn Út cảm thấy vui hơn, bình an hơn, miệng luôn tươi cười và ca hát líu lo tối ngày…

Chủ Nhật tuần sau đó, mẹ của Út lại vắng nhà. Dì Năm, Út và chị của Út đi nhà thờ huyện. Mẹ của Út hay tin ba dì cháu rủ đi nhà thờ. Mẹ của Út về đánh hai chị em Út và la mắng dì Năm xối xả. Bà bắt đền dì Năm, nếu trong lời nguyền bán Út cho thầy pháp sư có vấn đề gì là lỗi tại dì Năm. Dì Năm chẳng biết mẹ của Út hứa nguyện điều gì với ông pháp sư, nhưng dì đã từng chứng kiến và cảm thấy an lòng vì Chúa Jêsus có quyền trên hết mọi sự. Ngài là Chúa trên các chúa. Vua trên các vua. Và quyền năng Ngài vượt trên hết các thần. Dì Năm chẳng sợ tai họa nào vì Chúa Jêsus Christ ở cùng dì, theo tinh thần của Thi-thiên 23:4 là câu gốc đầu tiên dì Năm mới được học khi đến nhà thờ.

Một Chủ Nhật khác lại đến, dì Năm lấy can đảm rủ chị em của Út đi nhà thờ nữa. Đến nhà thờ, Dì Năm tâm sự với bà mục sư về cuộc sống thực tại của Út, và mẹ của Út chưa tin Chúa, thường hay bắt bớ việc Út đi nhà thờ… Út bật nói trong nỗi ngây ngô của một đứa trẻ:  “Nếu mẹ của con không được ở thiên đàng thì con thà đi hỏa ngục ở với mẹ con.” Bà mục sư lắc đầu, nói với Út: “Chúa đã cứu con! Con đừng nói vậy coi chừng Chúa buồn! Chúa có chương trình cho con. Dầu lúc nhỏ, con khó nuôi nhưng hiện tại con là con cái của Đức Chúa Trời. Con thuộc về Ngài! Con yên tâm! Mẹ con vì thương con nên lam lũ lo cơm áo nuôi con. Mẹ của con  tìm mọi cách để cứu con!… Nhưng tiếc một điều là mẹ của con chưa tìm đến Chúa Cứu Thế Jêsus. Con cũng thương mẹ nên con hãy cầu nguyện cho mẹ. Biết đâu con sẽ là người đem mẹ của con trở về với Chúa để mẹ cũng tin nhận Chúa và được sống trong Ngài!”

… Mỗi lần được đến nhà thờ, thờ phượng Chúa Út lại khóc. Út khóc vì Út được Chúa cứu khỏi sự kèm chế của ma quỉ. Út khóc vì vui mừng được làm con của Thiên Chúa. Út khóc vì cảm động qua việc học Lời Chúa và hát những bài Thánh Ca tôn vinh Ngài. Út khóc vì mẹ của Út chưa được cứu và đang đi dần đến hỏa ngục… Bởi mẹ cứ la rầy Út về chuyện đi nhà thờ nên Út cũng thường vắng nhóm lại…

Đến năm lên mười sáu tuổi. Út lên huyện học cấp ba và xin tá túc tư thất của ông bà mục sư. Út được ông bà mục sư ân cần tiếp đón, dạy Út Lời Chúa và xem Út như con cái trong nhà. Út rất ngoan và học rất giỏi. Ngoài việc học, Út giúp mục sư những việc lặt vặt trong nhà cũng như lau chùi, quét dọn và các việc linh tinh của Hội Thánh. Thỉnh thoảng Út cũng theo ông bà mục sư đi thăm viếng, phát sách, chứng đạo và tham gia mọi sinh hoạt của ban thanh niên. Mẹ của Út từ nhỏ đã không mấy gần gũi Út và khi Út lớn lên cũng ít khi gần mẹ. Út luôn cầu nguyện cho mẹ nhưng không dám nói về Chúa cho mẹ. Út đang ở trọ nhà của ông bà mục sư nên mẹ của Út thỉnh thoảng đến thăm ông bà mục sư và đem gạo, tiền đến cho Út ăn học.

Ở nhà, người chị của Út mở tiệm may và luôn ở ngoài tiệm, ít khi về nhà. Dì Năm là người Út yêu quí nhất cũng xuất cảnh đi nước ngoài. Út lại càng cô đơn hơn mỗi khi về thăm mẹ. Nhưng Út lại may mắn được gần gũi bà mục sư, được tiếp xúc với ban thanh niên và sinh hoạt với Hội Thánh hằng tuần. Nếu không, chắc Út cũng nghĩ quẩn và đa sầu lắm!… Út học xong cấp ba và thi đậu đại học sư phạm, vì không đủ tiền để tiếp tục học, Út đành phải về nhà với mẹ…

Sáu tháng sau, Út nhận được thư, tiền và quà của dì Năm từ Hoa Kỳ gởi về. Út vui mừng,  vội vàng báo tin cho ông bà mục sư và xin ghi danh đi học lại. Nhưng phải chờ thêm sáu tháng nữa, mới bắt đầu năm học khác.

Trong thư, dì Năm có để thêm địa chỉ và facebook của dì Năm, Út lên mạng liên tục trò chuyện với dì Năm mỗi tuần. Dì Năm gởi cho Út xem những hình ảnh đẹp ở Hoa Kỳ mà dì Năm đã tham quan. Dì luôn động viên và khuyên Út vững vàng theo Chúa trong mọi hoàn cảnh… Út hứa với dì Năm, “Út sẽ theo Chúa, hầu việc Ngài hết mình và không muốn bỏ nhóm như trước đây.” Dì Năm cũng hứa với Út, “Con cố gắng học hành, về học phí, dì Năm sẽ tìm cách để hỗ trợ và lo cho con.”

n 3

Dì Năm dặn dò: “Mỗi người đều có hoàn cảnh, định mệnh khác nhau. Nhưng dẫu sao  trong Chúa chúng ta luôn có niềm tin và hi vọng. Dì mong rằng, những đau khổ, khó khăn từ đây sẽ chấm dứt trên con. Con cứ bám víu Chúa mà sống. Dầu rằng dì Năm không ở bên con nhưng có một Đấng luôn ở bên con. Nếu con có sự lo lắng, bất an hay có điều gì phiền muộn. Con đừng giữ điều đó trong lòng, nhưng hãy nói chuyện với Đấng ấy đó là Chúa Jêsus Christ, và dâng trình nan đề của con cho Ngài thì tinh thần con sẽ được nhẹ nhàng! Vì Chúa Jêsus đã từng chịu khổ.  Ngài sẽ lắng nghe, thấu cảm, hiểu con hơn chính con!”

Dì Năm còn làm tặng cho Út một bài thơ. Út cảm động đọc đi, đọc lại bài thơ mà không cầm được nước mắt. Út in bài thơ ra giấy để ngày Chủ Nhật, ban thanh niên sẽ nhóm nhau lại sau giờ thờ phượng của Hội thánh. Trong giờ ca ngợi và làm chứng, Út sẽ đọc cho các bạn nghe và làm chứng về cuộc đời mình…

… Cầm bài thơ “Bốn Mùa Cuộc Đời” của dì Năm, Út đọc:

 “Con đến bất cứ nơi nao

Bàn tay Tạo Hóa ôi sao tuyệt vời!

Ngài dựng rừng núi biển khơi,

Muôn màu, muôn sắc, muôn người, trần gian.

Một năm bốn mùa rõ ràng

Đông đỏ, Hạ trắng, Thu vàng, Xuân xanh.

Lòng người hạn hẹp mong manh,

Làm sao vẽ hết bức tranh cuộc đời.

Xưa con khóc lạc chơi vơi

Nay về bên Chúa vui cười tạ ơn.

Mỗi ngày thì lại mới luôn

Sự thành tín Chúa tràn tuôn trong lòng.

Dù mùa Hạ, hay mùa Đông,

Nắng, mưa, gió, bão, con không ngại gì,

Biết rằng có Chúa cùng đi

Gõ cửa Ngài mở, kêu thì gặp ngay.

Ngài luôn giang rộng đôi tay

Sẵn sàng tha thứ tỏ bày tình yêu.

Ngài ơi! Một sớm một chiều

Bút mực nào tả hết điều Ngài ban.

Tạ ơn Ngài xuống dương gian

Yêu con đến nỗi đành mang thập hình,

Thân Ngài phải chịu đóng đinh,

Rơi từng giọt máu đổi tình tội con.

Dù cho biển cạn non mòn,

Hình ảnh thập tự trong con còn hoài.

Xin cho con vác với Ngài

Thu, Đông, Xuân, Hạ mỗi ngày bên Cha!”

Lau nước mắt, Út bước xuống chỗ ngồi, bỗng Út nhìn phòng bếp, đằng sau phòng nhóm, thấy mẹ và chị của Út đang ngồi với bà mục sư. Út mừng quá chạy đến. Mẹ của Út rơm rớm nước mắt vì đã nghe Út làm chứng nên bà xúc động. Bà mục sư chúc mừng Út vì mẹ của Út mới vừa cầu nguyện tin nhận Chúa! Bà mục sư nói như vua Đavít: “Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo con…” Mẹ của Út xin bài thơ. Mẹ ôm Út khóc híc… híc… như bao nhiêu yêu dấu thuở Út nằm nôi đến bây giờ mới trút trọn! Út hôn lên má, hôn lên cổ của mẹ, ngửi lại chút mùi vị mặn mặn của ngày nào!…

… Con người không ai có thể lựa chọn một người cha, người mẹ, hoàn cảnh hay nơi chốn mình sanh ra. Nhưng mỗi người đều có cơ hội để có thể tự chọn cho mình một hướng đi trong cuộc đời này. Út lúc mười hai tuổi đã chọn Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của đời mình và theo Ngài, dẫu cuộc sống có những thăng trầm ngoài ý muốn.

Đấng Tạo Hóa vận hành “bốn mùa” xoay chuyển theo chu kỳ của nó. “Cuộc đời” con người không phải lúc nào cũng bằng phẳng… Đức Chúa Trời ấn định thời kỳ cho mọi sự. Cơ Đốc nhân chúng ta luôn sống trong niềm tin và hi vọng. Giông bão qua đi thì trời lại sáng!

Người Truyền Đạo nói: “Mọi sự đều xảy ra theo thời điểm. Mọi việc trên đời đều có định kỳ… Ta đã thấy công việc mà Đức Chúa Trời ban cho loài người là loài người dùng để tập rèn lấy mình” (Truyền-đạo 3:1,10). Vậy mỗi người hãy tìm kiếm Chúa, giao phó “bốn mùa cuộc đời” mình trong tay Chúa, và tận hưởng Ngài!

TÔN THIỆN THI

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn