Ông Bảy ngồi bắt chéo chân nơi cửa, lưng dựa vào tường, hướng đôi mắt nhăn vết chân chim quan sát cửa tiệm vàng nhà ông, miệng mỉm cười một mình khi nhìn thấy số lượng khách ra vào tấp nập mua, bán, đổi chác… Kết quả để có ngày nay không phải là chuyện đơn giản đối với ông nhưng trong tận sâu lòng mình ông luôn biết Đức Chúa Trời của tổ phụ, của chính ông đã ban phước, gia đình ông mới được như vậy…
Năm 1926, vùng đất Thuận Mỹ - Long An nơi cha mẹ ông sinh sống còn nghèo lắm, xung quanh làng chỉ toàn là sông ngòi kênh rạch, nhà tranh vách đất, kèo cột lung lay, thiên hạ nghèo đều như nhau. Cha ông là con trai độc đinh trong gia đình họ Đỗ trong làng, mà sau lạ lắm người vợ sau ba lần sanh con đều chết. Cha ông giận, hận đem đập, đổ hết bàn thờ ông bà để lại, vì đã nghèo mà còn không con, làm ăn buôn bán gì cũng đều lỗ nặng. Cha ông bèn đổi luôn họ Đỗ vì ông nói ”làm bao nhiêu cũng đổ sông đổ biển thì làm mần chi’’ rồi lấy họ Nguyễn làm họ cho cả nhà mình.
Một bữa nọ, người cha đang nằm trên võng nghỉ trưa, suy nghĩ chuyện đời mình sao éo le hết sức, chợt ông thấy một người mặc đồ âu phục tươm tất, đẹp đẽ, xách cặp đen đang lững thững bước trên bờ ruộng. Ông chạy vội ra hỏi thăm:
– Thầy ơi! chớ Thầy tìm ai mà đi lạc vào nơi heo hút này, nói tui nghe tui chỉ cho.
– Thưa anh! Tui là nhà Truyền Đạo, tui đi phát truyền đạo đơn nói về Chúa Giê Xu.
– Chứ ông Giê Xu đó là ai mà Thầy đi nói về ổng?
– Thưa anh! Cái ông Giê Xu đó là người sẽ thay đổi cuộc đời ông anh đó.
Truyền đạo đơn tui phát miễn phí, còn Kinh Thánh thì giá hai xu. Anh có mua không?
– Dạ mua, mua để đọc xem ổng chỉ tui thay đổi cuộc đời như thế nào chớ!
Chạy vội vào nhà kêu vợ:
– Bà ơi! Cho tui hai xu tui mua cuốn Kinh Thánh.
– Làm gì còn tiền nữa hả ông! Còn có hai xu tui bỏ trong lư hương để đi đám cưới hà.
Ông lật đật đi tới úp lư hương xuống lấy hai xu chạy ra đưa ông thầy rồi ôm quyển Kinh Thánh mò mẫm đọc từng chữ. Rồi ông hỏi thăm và nghe được bên Mỹ Tho có một nhà thờ Tin Lành như ông giáo sĩ có nói, ông liền đi bộ mấy ngày đường với đôi chân trần, vượt qua hơn năm chục cây số để đến được với ngôi nhà thờ có ông mục sư Lê Văn Thái làm chủ tọa. Ông muốn nghe ông mục sư giải thích cặn kẽ về những gì ông đã được đọc trong cuốn sách lạ lùng đó.
Ông tin nhận Chúa và trở về nhà với nét mặt hớn hở của một người vừa phát hiện ra kho báu thật sự. Về tới nhà, ông dọn dẹp sạch sẽ những gì nhang khói còn sót lại, nói cho những người anh họ hàng biết về Đấng mà ông vừa tuyên xưng đức tin. Gia tộc nổi giận, các anh họ của ông bắt ông dẫn họ qua gặp cái ông mục sư, coi ổng có cho em của họ “uống nước thánh” làm mờ tâm trí như mọi người xì xầm làm ông bỏ bê không thờ cúng nữa, làm ăn sao nên nổi.
Một lần nữa ông cụ lại dẫn hai người anh họ đi bộ vài chục cây số qua gặp ông mục sư Lê Văn Thái, mấy ông anh không dám vô, đứng ngoài rình xem hai người nói gì với nhau, có đè ông xuống cho uống nước gì không, người ta nói bên Công Giáo họ có, sao Tin Lành lại không. Tuy giống mà khác, tuy khác mà giống. Ông mục sư với nụ cười hiền hòa đã mời tất cả vào nói chuyện, và rồi chỉ uống nước trà thôi nhưng cả hai ông anh họ đều cúi đầu cầu nguyện tiếp nhận Chúa cho đời sống mình.
Ngôi nhà thờ đầu tiên ở Thuận Mỹ, Long An được dựng nên bởi gia tộc họ Đỗ có người cải họ là ông, chỉ đơn sơ vách tranh mái lá dành cho tất cả những ai muốn tin nhận Chúa đều có thể đến đó nhóm họp và cầu nguyện cùng nhau. Thời đó chiến tranh ác liệt, hai bên Việt Minh và người Pháp thường hay nổ súng để bắn nhau, ngôi giáo đường bằng lá nằm giữa lãnh đủ, cháy sáng rực cả một góc vùng. Từ đống tro tàn đó, mọc lên ngôi nhà thờ mới cứng cáp hơn, đẹp đẽ hơn, con dân Chúa nhóm họp đông hơn… Mọi sự đều nằm trong chương trình của Đức Chúa Trời vĩ đại!
Ông sinh được thêm bảy người con: ba trai, bốn gái. Ông Bảy được sinh vào năm 1937, là người con áp út, lúc này gia đình cha ông đã được Chúa ban phước cho đầy đủ hơn, mấy anh chị em nhà ông được cha mẹ cho đi học. Anh Năm còn được học trường tây, nhưng ông Bảy thì chỉ được học xong lớp một rồi cho nghỉ đi chăn bò. Ông cũng chẳng lấy điều đó làm buồn lòng, mỗi khi dắt bò đi thả, ông đều cầm theo quyển Kinh Thánh và nhìn vào đó tập đánh vần, sau đó lấy cây viết xuống đất từng chữ một, cho đến ngày nay đã bảy mươi tám tuổi nhưng hằng ngày ông vẫn tập viết vào một cuốn sổ nhỏ để cho nhớ mặt chữ, nhớ những ơn phước lạ lùng mà Chúa đã làm trên đời sống của ông.
Chính vì ham đọc Kinh Thánh và cắm đầu tập viết mà đôi khi con bò đi ăn lúa người ta mà ông không hay, những lằn đòn cháy đít càng làm cho ông nhớ từng chữ mà ông tự học. Mười tuổi ly gia, theo người ta mót lúa, phải đi từ tỉnh này qua tỉnh khác bằng ghe, người ta chèo đằng lái còn ông nhỏ chèo đằng mũi…, cơ cực đủ điều. Mười bốn tuổi bắt đầu đi làm mướn cho người ta, rồi được chủ thương cho học nghề thợ bạc. Ông chăm chỉ học từng chút một, dậy sớm hơn người ta, thức khuya hơn những học trò khác để học lấy cái nghề vì ông biết “ruộng bề bề không bằng cái nghề trong tay’’. Hai mươi tuổi tuổi ông bị bắt lính. Cái thân cao nhòng, còm nhom vì đói ăn, học thì mới hết lớp một nhưng đi đâu ông cũng mặc áo đóng thùng nghiêm chỉnh nên ông được chọn làm đại đội trưởng trong cái đám nhốn nháo đủ vùng miền như ông, Bắc, Trung, Nam đều có. Khổ nhất là khi cái đám người đó sanh chuyện đánh nhau, chẳng có gì cho đáng, chỉ vì người này nói mà người kia không hiểu như chuyện giành chỗ ngủ chẳng hạn. Ông hay kể chuyện anh người Bắc nói, “chỗ này của bố mày nằm, mày đi kiếm chỗ khác đi.”, anh người Trung tái mặt, “mi nói răng lạ rứa, cha tau làm gì mi mà mi nói tới ổng, đồ mất dạy.”, thế là nhào vô đánh nhau, làm người ốm nhách như ông phải nhào vô can, ông nói :
– Ai mà muốn nhào vô chỗ này đâu mà giành nhau chỗ ngủ, đều bị bắt lính cả thôi mà, tứ hải giai huynh đệ, anh em nói cái chi mà tui không có biết, nhưng xin hãy nghe lời tui, đừng có đánh nhau, lỡ ngày mai đi tuần đạp mìn chết hết rồi có còn muốn cãi nữa thôi.
Chúa cho ông có sự khôn ngoan để sống đẹp lòng những người xung quanh trong thời loạn, điều mà ông không thể hiểu được suốt bao nhiêu năm qua, chỉ học xong lớp một nhưng sau hai lần bắt lính, làm quan, quản lý người khác thì ông được bổ nhiệm vào làm ở tòa án tỉnh trong mười năm rồi sau này thì ông làm thủ quỹ của Hội Thánh Tin Lành Bến Tre trong suốt những năm tháng khỏe mạnh của ông. Ông nhìn thấy Đức Chúa Trời luôn đồng hành cùng ông, dù thuận cảnh hay nghịch cảnh và luôn tin rằng “Đức Chúa Trời vùa giúp tôi, loài người sẽ làm chi tôi”. Có những con người cũng lừa dối ông, lấy gần hết vốn liếng mà ông dành dụm, khi thấy ai than thở, mượn tiền, vàng để sinh sống là ông cho mượn, nhưng sau đó người ta lơ luôn không trả. Khi ông lập gia đình, Chúa cho ông cưới một người vợ rất yêu mến Chúa, thông minh, quản lý tài chính rất tốt để ông chuyên tâm lo phát triển nghề nghiệp và hầu việc Chúa nữa.
“Đời người được bao nhiêu lần cái mười năm” ông luôn tự nhủ điều đó. Ông bà sinh được năm người con gái, rồi căn bệnh tiểu đường biến chứng qua tim đã mang thân xác của vợ ông về với đất khi ông ở tuổi sáu mươi, linh hồn bà được yên nghỉ nơi paradies phước hạnh, ông tin điều đó.
Ông sống cùng con cháu trong căn nhà ba tầng khang trang, tầng dưới dùng để buôn bán vàng trong khu chợ sầm uất ở Bến Tre. Có một lần khu chợ phát cháy, những nhà xung quanh đều cháy rụi, đến khi lửa bắt qua đến nhà ông thì tắt ngấm, không bị thiệt hại chút nào. Hai bên đường hơn chục cửa hiệu vàng nhưng chỉ duy nhất có tiệm nhà ông là bán đắt nhất, đến đỗi nhiều người ở xa đi ngang nói nhà ông xài bùa, còn những người xung quanh thì họ biết, Đấng mà ông Bảy đang thờ phượng ban phước cho gia đình ổng, danh tiếng của ông lan rộng vì những điều ông làm theo “trung, thành, tín, nghĩa’’.
Giờ đây, khi lưng khom, chân mỏi, tay run, cơ thể bắt đầu suy nhược vì già yếu nhưng mỗi buổi sáng sớm ông Bảy đều thức dậy, đi bộ đến nhà thờ, cầu nguyện dâng lên Chúa mọi điều trong lòng ông, những nỗi niềm biết ơn, trăn trở, đau đớn, mệt nhọc trong thân xác ông đều dâng hết cho Chúa. Lòng ông vẫn chưa yên về những đứa con của ông, tất cả đều yêu mến Chúa nhưng chúng lo làm nhiều quá, ông muốn chúng dành thời gian nghỉ ngơi cho bản thân, hưởng thụ cuộc sống mà Chúa đã ban phước… Thời gian Tết đến là ông lo nhất, những đứa con ông lo buôn bán, bỏ ăn, xỉu luôn trong nhà tắm, rồi còn ba đứa con gái chưa lấy chồng nữa chứ. Ông đã luôn nhắc nhở chúng rằng “đồng tiền là đầy tớ tốt nhưng lại là ông chủ tồi” dùng nó làm phương tiện chứ không phải cứu cánh, lòng ông buồn bã vì nỗi lo lắng không yên cho chúng nó. Ông giận vì chúng không nghe lời, dù rằng đứa nào cũng hiếu thảo với ông. Ông đi ra mộ của bà, nhổ cỏ, tưới cây, ở suốt ngày ngoài mộ, về đến nhà thì ngã bệnh. Mấy đứa con bỏ hết việc chở ông vào bệnh viện, bác sĩ nói “lớn tuổi, nhiễm nước, phù phổi rồi”, vì ông cao lớn nên phải bốn người mới khiêng nổi ông, chợt nhớ đến người bại được bốn người bạn giòng xuống từ mái nhà để được Chúa chữa lành trong Kinh Thánh…
Ông biết ơn Chúa vì chương trình kỳ diệu của Ngài trên cuộc đời ông, từ miền quê nhỏ bé Thuận Mỹ -Long An, ông đã đi nhiều tỉnh thành, trôi giạt lên Sài Gòn, xuôi về Tiền Giang, cuối cùng dừng lại sinh sống nơi vựa trái cây vùng Bến Tre. Mỗi ngày tuổi ông Bảy nhiều lên, sức ông mòn đi thì lòng biết ơn Cứu Chúa mà ông luôn tin tưởng từ tuổi thơ chăn bò cơ cực càng thêm lên, ông biết dù ông đi đâu, làm gì, trong hoàn cảnh nào cũng có Chúa ở cùng ông. Ông tưởng tượng một ngày nào đó tất cả mọi người sẽ đứng trước ngai Đức Chúa Trời trình dâng đời sống mình với lòng biết ơn sâu xa và ngợi khen Đấng Christ. Tất cả sẽ cùng nói, “lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh hiển, tôn quí và quyền lực; Vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn vật mới có và đã được dựng nên.”
Tất cả sẽ ca ngợi Ngài vì kế hoạch của Ngài, và sẽ sống phục vụ Ngài đời đời!!! Ông sẽ sống vì điều đó.
NGUYỄN THIÊN QUỐC