Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / truyện ngắn / DÒNG NƯỚC XOÁY

DÒNG NƯỚC XOÁY

dong

Thu Linh oán hận mẹ mình là người đã buông tay cô giữa dòng nước xoáy, để cuộc đời cô phải bơi lội vào dòng đời nghiệt ngã. Mãi đến khi được làm mẹ, cô mới cảm nhận được tình yêu thương của một người mẹ dành cho con mình là thể nào…

Đã nhiều lần, Thu Linh cầm điện thoại lên định nhắn tin cho bà Thu Long mẹ của cô, nhưng lòng tự ái kéo cô lại. Cô ngẫm nghĩ, mình ra thân thế này rồi còn gặp lại ai nữa…

Bên ngoài mưa vẫn rơi. Gió thổi mạnh. Những chiếc lá vàng cuối Thu đã bị gió cuốn đi đâu hết. Thật lạnh lùng! Có điều gì đó khiến Thu Linh không yên lòng… Cô ngồi dựa sô-pha mở tivi xem… Trận bão Haiyan đang tiến dần vào  miền Trung vào những ngày cuối Thu 2013. Thu Linh bối rối! Bão! Bão! Bão đã đến thật rồi! Mẹ và em trai Thu Uân không biết bây giờ ra sao! Mà mình cũng sắp được làm mẹ rồi.

Thu Linh cảm thấy khó chịu trong người, lưng và bụng cô bắt đầu đau nhè nhẹ rồi quặn thắt từng hồi, từng hồi. Cô lo lắng, chắc là mình đến ngày rồi. Làm sao bây giờ! Gọi mẹ… mà không! Gọi bác sĩ… mà thôi! Gọi Ambulance cho chắc ăn.

Nằm trên bàn sanh, bốn bức từng dường như đang rúng động như muốn nứt ra vì tiếng rên la của Thu Linh vang dội cả căn phòng: Đau quá bác sĩ ơi! Tôi đau quá! Tôi không chịu nỗi nữa. Tôi đã từng quen đau từ trong tâm hồn nhưng chưa bao giờ thân thể tôi bị đau đớn như thế này!

– Không sao đâu! Cố gắng lên! Gần được rồi! Nào, hít vào một hơi thật sâu… Một… Hai… Ba… Rặn mạnh… Chưa được! Vị bác sĩ lắc đầu. Lặp lại nhé… Một… Hai… Ba…

– Thu Linh nghiến răng la é lên một tiếng lớn…  Oe… Oe…Oe… Bé gái Thu Nhi đã chào đời.

– Thu Linh toát mồ hôi lạnh nhưng cảm thấy nhẹ nhàng cả người!

– Vị bác sĩ bế Thu Nhi trên tay và ra dấu cho bác sĩ bên cạnh cắt dây rốn cho Thu Nhi.

Dây rốn ư! Một đường dây kết nối giữa mẹ và con từ trong tử cung của người mẹ để nuôi dưỡng đứa con thành hình, giờ đã đến lúc phải tách ra thành hai con người riêng biệt, nhưng tình cảm thiêng liêng đó tạo nên một mối quan hệ mẫu tử!…

Nhìn đứa bé đang say sưa ôm bầu sữa mẹ. Thu Linh nuốt ngược dòng nước mắt vào tim như dòng sông Tiên vẫn chảy ngược về nguồn.(1)  Nơi đây xứ lạ quê người, Thu Linh không có người thân, cũng không có bạn bè. Mắt Thu Linh chợt sáng rỡ! Có! Cô nghĩ đến Thi! Chị Thi…

Tôi đang lay hoay nấu nướng trong bếp, nghe tiếng điện thoại reo, tôi vội bước tới nhìn vào ID thấy số điện thoại lạ và không tiện tay nên tôi không bắt máy. Bỗng nghe có tiếng một người con gái quen thuộc nhắn tin: Chị Thi!  Em là Thu Linh. Chị còn nhớ em không?

Nghe tiếng Thu Linh, tôi lấy giấy lau tay mau mau nhấc điện thoại kề vào tai. À chị là Thi đây!

– Em đang ở đâu?

– Dạ em đang ở Washington.

– Em sang Mỹ bao lâu rồi?

– Dạ hơn một năm rồi chị ạ!

– Sao em biết được điện thoại của chị?

– Thì chị ở đâu mà em không tìm được! Nói đùa cho vui chút thôi chứ em xin và giữ số điện thoại của chị lâu lắm rồi. Em cũng định gọi cho chị nhưng bận quá và cũng hơi ngại…

– Chao ôi! Chị em cùng xóm với nhau từ nhỏ, được gặp lại là mừng chứ ngại gì em!

– Em bây giờ không giống như chị nghĩ lúc em còn nhỏ đâu.

Oe… Oe… Oe…

Nghe tiếng đứa trẻ khóc. Tôi hỏi, ủa con ai khóc vậy em?

– Dạ, Thu Nhi, con của em mới sinh chưa được hai tháng

– Vậy em đi Mỹ theo diện hôn thê bảo lãnh hả?

– Dạ…

– Mà chồng của em tên gì? Ảnh đang làm nghề gì?

– Dạ ảnh bỏ đi rồi!

– Ảnh bỏ đi đâu?

– Em cũng không biết nữa. Ảnh còn chưa biết em mang thai, chứ nói gì sanh con!

– Vậy bây giờ em ở với ai?

– Thì em ở với con em. Lúc mới sang Mỹ, em đi làm Nails nên có để dành lại một ít tiền…

Sau khi sanh Thu Nhi, em chưa đi làm nên cũng thiếu trước hụt sau chị ạ.

Những lời tâm sự của Thu Linh, tôi nghe như đứa em ruột của mình đang rơi vào tình trạng khủng hoảng. Tôi không ngần ngại lên tiếng, “vậy thì qua đây sống với chị.”

– Chị nói thật chứ?

– Thật! Chị ở Texas, đất rộng, nhà rộng. Em cứ qua đây, “chị em mình có cơm ăn cơm, có cám ăn cám!”

– Thôi! Em không ăn cám đâu! Hìhì.

– Cám gạo mầm đắt tiền hơn cơm đó em! Hìhì.

– Vậy tối nay chị tìm vé máy bay cho em nhé?

– Dạ đi liền vậy hả chị?

– Em còn chờ đợi gì nữa?

– Dạ chị có nói với ông xã của chị chưa mà rủ em qua?

– Ừa, chị nhấc điện thoại lên thì ảnh cũng vừa về đến nhà. Khi nảy đến giờ chị mở speakerphone cho ảnh nghe luôn nè. Chị có hỏi ông xã của chị và ảnh ok rồi.

– Chị Thi ạ! Em có nhiều điều chưa kể chị nghe, không biết khi chị nghe rồi, chị có còn thương em hay ghét em! Nhưng chị khoan vội quyết định mua vé máy bay cho em và rước em vào nhà của chị. Em không tốt như chị nghĩ đâu

– Có chuyện gì vậy em?

– Chị ạ! Chị có biết tại sao em được sang Mỹ không?

– Thì em đi theo diện bảo lãnh vợ chồng.

– Mọi việc không đơn giản như thế…

– Chị Thi! Chị có nghe nói cơn bão Xangsane năm 2006 không?

– À! Chị có nghe tin tức bão lớn lắm ở miền Trung nhưng lâu lắm rồi mà em!

– Dạ, ngày ấy…

 Giữa Dòng Nước Xoáy

Em bị nước cuốn trôi.

– Sao vậy em?

– Mẹ buông tay em… Thu Linh ngẹn lại không nói được…

Nghe Thu Linh khóc, tôi chưa hiểu chuyện gì nhưng lòng tôi cảm thấy buồn lay, nước mắt tôi tự nhiên cũng rưng rưng ướt mi!…

– Chị biết không! Hồi đó, trời mưa lớn lắm và chuẩn bị có bão nên mẹ dắt em và Thu Uân qua cầu Bình An để đến ở nhà nội. Cầu Bình An lúc đó nước cũng đã dâng lên cao đến đầu gối của mẹ em rồi nhưng phải đi thôi vì cơn bão lớn chuẩn bị càn đến. Khi ba mẹ con em lội qua khoảng hai phần ba cầu Bình An thì có một dòng nước từ đâu bỗng xoáy rất mạnh… Mẹ em không thể giữ được hai đứa con trong cùng một lúc, thế là mẹ đã buông tay em và chộp lấy Thu Uân bơi vào bờ.

– Còn em bị nước cuốn?

– Dĩ nhiên rồi! Em bị uống nước đầy bụng, chết đuối rồi trôi ra sông Tiên. Khi em tỉnh lại là lúc em đang ở nhà một người lạ…

– Ai đã cứu em?

– Dạ ông Tư!

– Ông Tư nào?

– Ông Tư ở Tiên Kỳ. Có lẽ, chị không biết đâu. Ông ấy khoảng tuổi với ông nội của em…  Chị ơi!

 Thu Linh Oán Hận Mẹ

Từ đó em bắt đầu không muốn nhìn nhận bà Thu Long là mẹ của em cho đến bây giờ.

– Em nghĩ, mẹ của em có lỗi?

– Lỗi, phải thì em không rõ nhưng em biết một điều là mẹ của em thương Thu Uân em trai của em nhiều hơn em.

– Sao em lại nói thế?

– Em nói thế là có lý do. Ông nội của em có tất cả mười bốn người cháu và chắt toàn là con gái. Chỉ có một mình Thu Uân duy nhất là cháu trai. Cả dòng họ bên nội và mẹ của em thương Thu Uân và cưng nó như  trứng mỏng. Em biết rất rõ. Ba của em qua đời lúc em và Thu Uân còn nhỏ và Thu Uân là cháu đích tôn của dòng họ Lưu nhà em…

– Nhưng em ạ! Em vẫn biết mẹ của em không đủ sức giữ hai đứa con trong cùng một lúc cơ mà?

– Em biết! Nhưng em nghĩ, cùng đi, cùng hoạn nạn thì cùng chết chứ sao mẹ lại giữ Thu Uân, bỏ Thu Linh! Mặc dầu em còn nhỏ nhưng cách cư xử của mẹ và nội nhiều khi không công bằng đối với em. Lắm lúc Thu Uân lầm lỗi gì mẹ cũng tha hoặc phạt nhẹ, đến nỗi đánh lộn với bạn cùng lớp nhưng về nhà mẹ chỉ la cho có lệ thôi. Còn em mà có lầm lỗi gì thì biết tay mẹ. Có lần em và Thu Uân hai đứa chơi đuổi bắt và sơ ý làm ngã bể bình cắm hoa của mẹ, thế là mẹ tha cho Thu Uân. Còn em thì bị mẹ đánh một trận cho chừa… Tôi không biết phải nói thế nào? An ủi Thu Linh như thế nào? Giãi bày điều gì cho phải lẽ…

Chiếc điện thoại kêu tút tút báo hiệu hết điện. Tôi thay chiếc điện thoại khác và khuyến khích em tiếp tục kể. Tôi yên lặng và lắng nghe em tâm sự. Vì tôi nghĩ, trong lúc này, điều mà em cần nhất là có người nghe em, thay vì phản ứng lại suy nghĩ của em. Lắng nghe có thể là cách tốt nhất để cho em tôi trút đi bầu tâm sự và vơi nhẹ bớt nỗi u uất trong lòng em từ nhiều năm nay. Tôi đành phải gợi những câu hỏi mở để em tiếp tục câu chuyện.

– Sau cơn nước xoáy đó, em được ông Tư cứu sống, rồi em về nhà hay ở lại nhà ông Tư?

– Lúc đó, em thật sự không muốn về nhà. Em cũng không muốn nhìn mặt mẹ em! Nhưng em nghĩ thế nào mẹ em cũng tốn công đi tìm xác em… Vì mẹ em nghĩ em đã chết rồi… Sở dĩ em về nhà là em muốn báo tin cho mẹ em biết là em vẫn còn sống và em lấy vài bộ đồ rồi bỏ đi.

Thu Linh Bỏ Nhà Đi

Em thu xép mấy bộ quần áo rồi sang ở nhà ông bà Tư là người đã cứu sống em. Ông bà Tư chỉ có hai vợ chồng già, tuổi ngoài sáu mươi. Họ không có con cháu và họ đối xử rất tốt với em…

– Em về nhà chắc mẹ của em ngạc nhiên và vui mừng lắm!  Em bỏ đi như vậy mẹ của em phản ứng thế nào?

– Em nhớ lúc em bỏ đi, mẹ của em chạy theo khóc lóc, năn nỉ! Mẹ em chạy theo nắm níu tay em. Em nói, “tại sao lúc nước xoáy bà không nắm giữ tay tôi để tôi được sống cùng bà?”

Mẹ em khóc và nói, “Thu Linh! Con đừng bỏ đi. Con đừng oán hận mẹ! Mẹ không muốn buông tay con lúc đó đâu!” “Mẹ thương con Thu Linh à!”

– Em tức quá. Em la lên: “Buông tôi ra! Tôi không có thứ mẹ như bà. Tôi rất hận bà… Tình yêu thương không phải là những thứ bà nói mà là những hành động bà làm. Bà hiểu chưa? Bà về đi…”. “Bà lúc nào cũng Thu Uân, Thu Uân, còn Thu Linh này thì sao? Con gái không phải là con người hay sao? Tại sao bà không bóp cho tôi chết lúc tôi mới sinh ra mà để cho tôi lớn rồi mới buông tôi vào dòng nước xoáy? Có đến chết mẹ cũng chỉ ôm chặt một mình Thu Uân thôi! Có đúng không?”. “Thu Linh ạ! Thu Uân – Em nó nhỏ hơn. Con hận mẹ cũng được, trách mẹ cũng được nhưng con đừng bỏ đi!”. Em đẩy mẹ em ra rồi vụt bỏ chạy. Em không nghe tiếng mẹ em chạy theo. Có lẽ bà đã đuối sức lắm rồi! Chạy đi một đoạn, có cảm giác nào đó khiến em quay đầu ngó lại. Em thấy mẹ em nằm dài xuống đất. Mặc cho vô tình hay cố ý em đã đẩy mẹ, làm mẹ ngã, mẹ đau… Nhưng đứa con này, một đi không trở lại. Em cuốn gói đi luôn. Lúc đó, em khoảng mười hai tuổi, đang học lớp Bảy nhưng không cha, không mẹ rồi em phải nghỉ học!  Em sống ở nhà ông bà Tư được bốn năm. Sau đó, em theo bạn bè vào Sài Gòn để sinh sống.

Thu Linh Vào Sài Gòn

cho-ben-thanh

Vào Sài Gòn em ở đợ. Em giữ con và nấu ăn cho một gia đình “đại gia” giàu có. Dần dần, em cũng hòa nhập được với cuộc sống, nhưng cũng vướng víu không ít hoang tưởng và đau khổ…

– Hoang tưởng gì nữa?

– Con trai của người đại gia yêu thương em. Hai đứa em lén lút yêu thương nhau. Một tình yêu vụng trộm trong nhà tưởng chừng như không ai biết. Anh ấy bằng tuổi với em. Anh ấy thỉnh thoảng chở em đi chợ và cho tiền em xài. Anh ấy thường khen em đẹp, giỏi giắn, nhanh nhẹn, vui tính và hoạt bát. Có những lúc, em nấu ăn không được ngon nhưng anh ấy không bao giờ chê hay trách mắng em. Em giống như một người mẹ trẻ của anh ấy, vừa trông em của anh ấy, vừa chăm sóc anh ấy từng miếng cơm, giặt giũ, ủi đồ, quét dọn, đi chợ, làm việc nhà, mỗi lần ảnh đi học về đều có cơm nước đầy đủ, áo thơm, chăn  ấm… Em cũng không biết em thương anh ấy từ bao giờ nhưng em không thể tránh được mỗi khi anh ấy muốn em làm điều gì đó cho anh ấy kẻ cả việc nằm cùng giường khi ông bà chủ vắng nhà… Rồi một ngày nọ, ở dưới nhà bếp, anh ấy ôm em. Bà chủ phát hiện… Bà miệt thị, chửi rủa em một trận nghiêng thành đổ nước rồi đuổi em đi.

– Rồi em đi đâu?

Thu Linh Vào Quán Rượu

– Em xin vào quán rượu nấu ăn cho mấy người nhậu. Ở quán nhậu tuy có chút phức tạp nhưng ít ra không có ai xem em là người ở tớ. Hơn nữa, em nấu ăn giỏi nên dần dần ông chủ giao cho em làm trưởng bếp… Nhất là món tiết canh vịt, lẫu dê em làm là hết sảy luôn!… Ai ăn cũng khen ngon. Khách nhậu vào ào ào… Ông chủ quán lượm tiền cũng khá…  Tiền ông chủ giao cho em đi chợ, em đi chợ trả giá khéo nên em mua đồ thường được giá rẻ. Về nhà em tính lại với ông chủ là giá thường nên cũng dành dụm được chút ít tiền. Nhiều khi ông chủ còn tăng thêm tiền hằng tháng cho em… Nhưng có điều, ở nơi đó ngửi hoài mùi rượu và thuốc lá nên em hay bị chóng mặt và đau đầu. Nhiều lúc, em muốn nghỉ làm việc ở đó, nhưng nghỉ rồi em còn đi đâu để dung thân! Đất Sài Gòn, người không tiền đâu dễ dàng sinh sống!  Tiền thuê phòng, tiền điện, nước, ăn, uống, xe cộ… Bao nhiêu thứ khác, một mình em sống thế nào được! Em có ý định bước sang một ngã rẽ mới. Suy tới, nghĩ lui, nhìn chung quanh chẳng có ai là gia đình, bà con, họ hàng thân thuộc gì với mình. Em cô đơn quá! Em thường để ý chỗ ông chủ cất tiền trong quán nhậu. Thế là, em lén lấy chìa khóa mở tủ và lấy của ông chủ một số tiền lớn rồi bỏ đi.

– Gan em cũng lớn thật đấy chứ!

– Gan gì! Có lẽ lúc đó do “thời thế tạo anh hùng” hay “bần cùng sinh đạo tặc” đấy thôi!…  Em định vố một cú đổi đời, biết đâu đời mình lên hương. Còn hơn là làm công suốt kiếp… Sau khi trộm tiền chủ  quán, em vào khách sạn Năm Sao ở đó một đêm. Em định gọi rủ thằng bạn trai con của đại gia kia bỏ trốn. Nào ngờ, tiền và vàng em chưa kịp đếm được bao nhiêu. Trời chưa kịp hừng sáng, trước khách sạn Năm Sao đã có đám côn đồ và công an bao vây và em đã bị bắt.

Thu Linh Vào Tù và Được Thả Ra

Em bị nhốt vào đồn công an ở Sài Gòn năm ngày. Sau đó, em không hiểu tại sao em lại được chuyển ngược về  trại giam Hòa Sơn ở thành phố Đà Nẵng. Em nghĩ, có thể vì em không phải người quê quán ở Sài Gòn, thẻ chứng minh, tên, tuổi, thường trú nhân của em ở Quảng Nam nên em được đưa về trại giam tại Hòa Sơn. Trong trại giam em bị ngột thở và cấp cứu hai lần, nhưng cũng may em vẫn còn sống, nhưng buồn lắm chị ạ! Tuổi mười bảy người ta nhiều mơ mộng, sao mơ mộng của em toàn là trật đường rầy… leo lên, té xuống, bị thương tích bầm dập đủ điều!…

– Vậy trong những lúc gặp khó khăn, đi trật đường rầy như thế, em có bao giờ cầu nguyện với Chúa không?

– Từ khi em hận mẹ em, em bỏ nhà đi đến bây giờ, em đâu có cầu nguyện hay đi nhà thờ gì nữa đâu! Nhà thờ có chứa cô hồn các đảng giống như em sao

– Rồi em ở tù bao lâu?

– Dạ em ở tù ba tháng.

– Chắc là số tiền em lấy không bao nhiêu!

– Dạ không phải đâu, vì em được một người giấu tên nào đó đã đóng tiền phạt và chuộc em ra

khỏi tù.

– Ai mà tốt với em thế ư? Chắc là người đó cũng yêu thương em lắm!

– Dạ em cũng ngạc nhiên lắm và không biết là ai đã đem em ra khỏi tù! Lúc em được thả ra khỏi tù, em rất ngẩn ngơ và không biết đi đâu nữa nên em kêu xe xích lô chở thẳng em về nhà ông bà Tư. Người mà ngày xưa đã cứu sống em. Mà sao lạ lắm chị ơi! Em về nhà ông Tư hai tháng sau đó, ông Tư nhận được giấy tờ phỏng vấn đi Mỹ.

– Vậy là em đi Mỹ với ông bà Tư?

– Dạ đâu có! Ông bà Tư đi Mỹ để lại căn nhà đó cho em ở. Em ở đó hai năm. Sau đó em cũng được phỏng vấn.

Thu Linh Đi Mỹ

– Vậy là ông bà Tư bảo lãnh em?

– Dạ không phải ông bà Tư bảo lãnh mà ông bà Tư nhờ một người đứng tên ghép theo diện hôn thê nên làm giấy tờ nhanh lắm. Từ  khi làm giấy tờ  đến lúc em đi chưa đầy một năm chị ạ!

– Vậy em cũng có nhiều phước lắm chứ!

– Em đang mang họa đây chị!

– Chuyện gì nữa?

– Thì người bảo lãnh em!… Em sang Mỹ có một mình. Em nghĩ, ảnh là chồng em thì em về sống chung với anh ấy! Nhưng em cảm thấy, anh ấy không thương yêu em. Hai đứa em có cãi vã nhau mấy lần và anh ấy đã bỏ em đi và có thể anh ấy chưa biết em mang thai…

Oe… Oe… Oe…

– Chị Thi, con gái em thức rồi… Chị chờ em vài giây.

– Thôi em lo cho con em đi!

– Dạ không sao! Lâu quá mới gặp chị Thi! Chị chờ em chút xíu… Em cho cháu bú sữa và nó ngủ lại liền… Chị đừng cúp máy nha.

Thật tội nghiệp cho Thu Linh, tuổi còn trẻ đã ôm con nhỏ. Em đã chịu nhiều giông bão trong cuộc đời… Dòng nước xoáy đã đưa em tôi trôi giạt vào những chặn đường nghịch cảnh, hay em tự tạo cho mình những cuộn xoáy trong cuộc đời! Tôi thầm nguyện với Chúa! Lạy Chúa Jêsus yêu dấu! Xin Ngài xoa dịu tấm lòng em! Xin Ngài nắm lấy tay em! Xin Ngài tha thứ cho em và dắt dìu em đi hết con đường còn lại của đời mình được phước hạnh. Em tôi như một con chiên thơ, có lúc ngẩn ngơ, có lúc bướng bỉnh, có lúc đi lạc, chẳng biết lối về, có lúc ngã nhào, có lúc vướng vào bẫy gai, có lúc khờ dại… Xin Ngài hãy phán cho những cơn ba đào, lốc xoáy hãy dừng lại, dừng lại và cho em tôi một cơ hội ăn năn quay bước trở về!

Tôi chờ một hồi lâu… Tiếng điện thoại kêu… Tút… Tút… Lại hết điện nữa rồi… Tôi đổi điện thoại khác…  Thu Linh lên tiếng:

– Chị ơi! Vậy ngày mai cũng giờ này em gọi lại cho chị được không?

– Ok em! Tối nay chị sẽ nhờ ông xã của chị tìm vé máy bay cho em.

– Dạ vâng! Cảm ơn chị

Chiều thứ Bảy, tôi lên phi trường Houston đón Thu Linh em tôi. Tôi mặc chiếc áo sơ-mi màu xanh. Tôi viết chữ Thi thật lớn trên tấm giấy trắng rồi dán trước ngực, vì tôi nghĩ, có lẽ lâu quá không gặp lại nên em không nhận ra tôi. Tôi đi đi, lại lại, suốt cả giờ đồng hồ ở chỗ lấy hành lý, vậy mà em chẳng nhận ra tôi. Em không nhận ra tôi cũng đúng thôi, vì tôi cũng đã già rồi. Mười lăm năm xa cách. Khi tôi đi Mỹ, em chưa được năm tuổi cơ mà, làm sao em nhớ được!

Tôi đoán là Thu Linh. Một cô gái trẻ tay đang bế con. Cặp mắt em sâu thẳm, trong sáng. Tuổi đôi mươi, em có nét trẻ trung, quyến rũ như người ta thường nói, “gái một con, trông mòn con mắt.” Chắc là  em rồi! Tôi đến gần, đứng trước mặt em. Thu Linh thấy chữ Thi trên ngực tôi, em kêu lớn: “Chị Thi!”…

Tôi chở Thu Linh và cháu bé Thu Nhi ghé nhà hàng Buffet Kim Sơn. Chồng và hai con tôi cũng đã đến đó đặt bàn trước. Chúng tôi nắm tay nhau cầu nguyện trước giờ cơm tối. Thu Linh cũng nhắm mắt cầu nguyện theo chúng tôi và đọc bài Cầu Nguyện Chung: “Lạy Cha chúng con ở trên trời… Xin cho chúng con đồ ăn đủ dùng. Xin Cha tha thứ tội lỗi chúng con, như chúng con tha thứ kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con. Xin giữ chúng con khỏi mưu chước cám dỗ. Xin giúp chúng con tránh những điều ác…” Amen!

Sau bữa ăn tối, tôi tặng cho Thu Linh món quà nhỏ…

– Chị Thi làm em ngại quá! Chị đón em về nhà, đãi em ăn tối mà còn quà cáp nữa. Chị làm em cảm động. Món quà này rất ý nghĩa đối với em, vì lần đầu tiên trong đời em được nhận quà trong ngày… Chị có biết hôm nay là ngày gì không?

– Thì ngày đầu tiên em đến Houston.

– Dạ đúng! Nhưng hôm nay cũng là ngày Sinh Nhật của em.

– Vậy hả! Vậy chúng ta hát bài “Happy Birthday” nha! Tôi yêu cầu.

– Nhưng khoan đã, chờ chị vài giây. Tôi tiến đến chỗ quầy bánh, lấy một miếng bánh kem lớn đặt trên đĩa, rồi gắng mấy trái Sơ-ri làm miệng, làm mũi và dùng vài cọng rau thơm làm mắt, làm mày thành một cái mặt cười (happy face) và xin người bồi bàn cho thêm một cây đèn cầy thắp lên. Thế là Thu Linh hôm nay đã có bánh Sinh Nhật thật đẹp.

Tôi đem đĩa bánh lại chỗ Thu Linh ngồi. Ai nhìn đĩa bánh cũng bật cười! Chúng tôi đứng dậy vỗ tay hát bài mừng Sinh Nhật cho Thu Linh. Có mấy người đang ngồi ăn ở bàn bên cạnh, thấy chúng tôi hào hứng quá, họ cũng đứng dậy vỗ tay hát cùng chúng tôi…

Tôi vui quá nói, ông xã! Lấy điện thoại của anh chụp cho em và Thu Linh một tấm hình làm kỷ niệm nhé!

– À! Được! Được! Có ngay, có ngay… Một… Hai… Cười… Đẹp quá. Nè, nhìn xem.

– Em mở quà được không chị Thi? Thu Linh hỏi.

– Được! Nhưng đừng mở quà ra bây giờ. Em chờ về nhà bảy giờ tối rồi mở được không?

– Dạ! Cái gì trong này mà bí mật vậy ta?

– Là món quà hy vọng! Hì hì…

Chúng tôi cùng về nhà…

– Chị  Thi! Bảy giờ tối rồi, em mở quà nhé!

– Vâng em mở đi! Trông Thu Linh hồn nhiên như một đứa trẻ!

Thu Linh trố mắt nhìn một tấm thẻ điện thoại, ba trăm năm mươi phút gọi về Việt Nam.

– Chị Thi! Là thẻ điện thoại!

– Ừa! Em gọi về nói chuyện với mẹ em đi nha!

– Gọi cho mẹ em ư?

– Vâng! Em còn hận mẹ em hả?

– Dạ… Em…

– Gọi đi em…

Đã nhiều lần, Thu Linh cầm điện thoại lên định nhắn tin cho bà Thu Long mẹ của cô, nhưng lòng tự ái kéo cô lại… Lần này, cô quyết định nhốt tất cả mặc cảm, ích kỷ, cay đắng, oán hận vào một cái hộp rồi vứt bỏ nó ra khỏi tâm hồn mình… Cô đứng dậy, bước tới, cầm điện thoại lên, nhấn số: Tám, bốn, năm, một, không, tám, một, hai, bốn, bốn tám gọi về thăm mẹ…

Nghe tiếng điện thoại reo. Bà Thu Long nhấc máy alô!

– Mẹ… Con là Thu Linh…

Nghe tiếng con trong điện thoại, bà Thu Long mừng đến nỗi há hốc miệng ơ…ơ…, không nói được lời nào. Bà hấp tấp, run run làm rơi chiếc điện thoại xuống đất loảng choảng… Bà vộn vàng nhặt điện thoại lên.

Đừng! Đừng cúp máy con nhé! Mẹ làm rớt… Mẹ thương nhớ con.

Thu Linh ngạt nước mắt:

– Mẹ không trách con à?

– Không! Không có trách thì mẹ tự trách mình chứ làm sao trách con được. Con đang ở đâu vậy?

– Con đang ở xa lắm! Mẹ khỏe không?

– Mẹ khỏe. Mà… Con đang ở đâu? Mẹ nghe không rõ?

– Dạ con đang ở nhà chị Thi ở Mỹ…

– Vậy mẹ biết rồi.

– Mẹ biết cái gì?

– À từ từ mẹ sẽ kể con nghe sau…

– Dạ. a… Ông bà nội có khỏe không mẹ?

– Ông nội qua đời ba năm trước. Còn bà nội cũng qua đời được hai năm rồi con ạ!

– Còn Thu Uân bây giờ ra sao hở mẹ?

– Thu Uân em con đã vào đại học năm thứ hai. Thu Uân bị thông tim hai lần rồi nên sức khỏe của nó cũng không được tốt lắm!

Nghe bà Thu Long nói Thu Uân đã thông tim lần hai.  Thu Linh xúc động… Cô cắn môi…

– À có Thu Uân ở đây, con nói chuyện với em con một chút nha!

– Dạ. Mẹ!

– Chào chị Thu Linh! Tiếng Thu Uân trong điện thoại.

– Chị và con của chị có khỏe không?

– Ủa sao em biết chị có con?

– Chị đi đến chân trời góc biển nào mà mẹ và em không trông ngóng theo chị!

– Chuyện chị vào tù mẹ cũng một tay chạy vạy. Mẹ bán mấy cây vàng để chuộc chị ra.

– Chị đi Mỹ, cũng nhờ mẹ kết nối với ông bà Tư để chị được bảo lãnh sang bên ấy.

– Chị sống không hạnh phúc mẹ cũng buồn lắm nhưng chị biết không! Mẹ và em rất yêu thương chị! Em ước gì chị bồng Thu Nhi về thăm gia đình một lần…

Nghe Thu Uân nói “mẹ thương chị,” làm cho Thu Linh nhớ lại tiếng nói đau thương của bà Thu Long và có cả tiếng hét lớn của cô năm nào vẫn còn văng vẳng đâu đây vọng về … “Thu Linh! Mẹ thương con.”.  “Tôi không có thứ mẹ như bà. Tôi rất hận bà… Tình yêu thương không phải là những thứ bà nói mà là những hành động bà làm. Bà hiểu chưa? Bà về đi!…”….

Thu Linh khóc và  nói: “Chị cũng thương mẹ!”

Nghe được tiếng Thu Linh nói “chị cũng thương mẹ”. Tôi bế bé Thu Nhi trên tay mà nước mắt tôi rơi xuống ướt mặt Thu Nhi. Nụ cười tôi vui mừng chan hòa trong nước mắt vì em tôi nay đã trở lại. Trái tim đông đá lâu năm trong chai cứng, hận thù giờ đây đã tan chảy. Em đã nói được tiếng yêu thương với mẹ. Tôi cảm tạ ơn Chúa vì Ngài giúp tôi tạo cơ hội cho Thu Linh hòa thuận lại với mẹ và gia đình em. Vì Lời Chúa có nhắc nhở tôi rằng: “Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!”(2) Tôi tin chắc chắn giờ này bà Thu Long đang vui mừng lắm. Và Chúa cũng mỉm cười khi thấy một chiên thơ lạc lối đang quay bước trở về.

Hình ảnh dòng sông Tiên cũng hiện về với tôi bao kỷ niệm thời thơ ấu, chúng tôi tắm sông, bơi lội, vui đùa… và câu ca dao về dòng sông Tiên tôi vẫn còn nhớ mãi:

“Sông Tiên nước chảy ngược dòng.

Ai về xứ ấy đem lòng vấn vương.”

Dù dòng đời có đưa em tôi trôi giạt về đâu nhưng cuối cùng chúng tôi cũng gặp lại, sống chung một nhà…

Thu Linh nói lời tạm biệt với bà Thu Long và Thu Uân rồi lại tựa vào vai tôi. Tôi gật đầu và vỗ về em. Xin Chúa ban phước trên em và con!

Thu Linh gạt nước mắt nói “cảm ơn chị Thi nhiều lắm! Xin Chúa ban phước trên chị và gia đình!”.  Khuôn mặt em tươi sáng, rạng rỡ… Em đưa tay bế bé Thu Nhi và mỉm cười nói: “Từ nay, chị em mình có cơm ăn cơm, có cám ăn cám!”  Hihi…

Chị Thi! Ngày mai Chúa Nhật chị có đi nhà thờ không?

– Có chứ!

– Vậy nhớ gọi em dậy sớm đi nhà thờ chung với chị nhé!

Tôi vui mừng nhìn Thu Linh cười gật đầu! Chúc em ngủ ngon! Nhưng đừng ngủ tới trưa nha! Hihi…  Thu Linh ạ! Chị muốn viết lại câu chuyện “Dòng Nước Xoáy” nhân ngày Sinh Nhật tròn hai mươi tuổi và những kỷ niệm hai mươi năm đầu đời của em. Khi chị viết xong chị sẽ gởi qua email cho em nhé!

– Dạ, em không có email! Chị viết xong rồi in cho em một bài được không?

– Được! Khi chị viết xong, chị sẽ in cho em một bài. Và chị cũng sẽ gởi vào truyện ngắn Hướng Đi. Biết đâu họ sẽ chọn và lưu tên hai chị em mình trong tuyển tập… Vậy chị em mình sẽ có một chút kỷ niệm cho nhau em nhé!

– Dạ! Em và bé Thu Nhi sẽ ủng hộ chị bốn tay luôn! Hihi…

– Thôi ngủ đi em!

TÔN THIỆN THI

——————————————-

(1). Sông Tiên (Quảng Nam) “Sông Tiên thuộc địa phận huyện Tiên Phước, một huyện trung du nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Nam, Miền Trung Việt Nam, cách thành phố Tam Kỳ, thủ phủ tỉnh Quảng Nam chừng 25 km đường bộ. Miền Trung Việt Nam với địa hình dốc từ núi, dãy Trường Sơn ở phía Tây tiếp giáp Lào, ra biển, biển Đông phía Đông, có nơi chỉ xấp xỉ 40 km đường chim bay như địa phận tỉnh Quảng Bình, nên các dòng sông đều chảy xuôi theo hướng Tây – Đông. Sông Tiên có chiều dài xấp xỉ 6 km, chiều rộng trung bình 100m (có nơi chỉ 30m) thu nước từ các con suối nhỏ đầu nguồn trên địa bàn như suối Bình An xã Tiên Mỹ chảy qua Tiên Kỳ, suối Cà Đong xã Tiên Thọ và nhiều suối, sông con ở các xã ven sông khác như Tiên cảnh, Tiên Cẩm, Tiên Hà…) rồi nhập lưu với Sông Tranh, đổ về Sông Thu Bồn, ra Cửa Đại (Hôi An) để tuôn ra biển; do vậy Sông Tiên có dòng chảy theo hướng ngược lại, từ Đông về Tây. Do địa hình dốc, dòng hẹp nên Sông Tiên thường dâng nước cao vào mùa lũ và khô cạn vào mùa nắng hạn…” Trích từ http://vi.wikipedia.org/wiki/Sông_Tiên_(Việt_Nam).

(2). Kinh Thánh Ma-thi-ơ 5:9   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn