Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / truyện ngắn / CHUYẾN XE ĐÊM

CHUYẾN XE ĐÊM

c 1

Ngồi vào ghế xe là Lan ngủ gà ngủ gật. Những ngày cuối năm may vá không kịp thở, mỗi khi có việc cần đi thành phố Lan luôn chọn chuyến xe đêm để kịp việc. Năm nay gió lạnh về hơn cả mọi năm. Lan cuộn người trong chiếc áo khoác dầy mo và ngon giấc ”không màng thế sự thăng trầm quân mạc vấn”. Xe dừng lại ở một trạm xăng nào đó, người bán hàng rong leo lên xe tay bế chiếc cần xé bánh mì to đùng:

-Bánh mì nóng giòn hôn
Tiếng rao hàng làm vài người mở mắt. Mùi bánh mới ra lò thơm thơm phảng phất, có vài người vẫy tay mua. Lan tỉnh ngủ và lờ mờ nghe giọng rao hàng quen quen làm sao, người bán bánh quay lưng về phía Lan, đang loay hoay bỏ bánh vào bọc cho khách. Lan vẫy gọi:
-Bán cho ổ bánh cô ơi!
Người bán hàng, gầy gầy nước da rám nắng, mái tóc hoa râm, nhưng dáng vẻ nhanh nhẹn của dân lao động, cô trả lời:
-Dạ tới liền.
Rồi vụt quay về phía Lan. Bỗng khựng người lại khi nhìn thấy Lan, cô thoáng chao mày như cố nhớ điều gì đó. Lan đã nhận ra cô rồi mặc dù gần hai mươi năm mất tin nhau, Lan reo lên:
-Cô Ngân phải không?
Cô giáo đã nhận ra học trò của mình rồi, quá bất ngờ làm mắt cô sáng lên niềm vui mừng. Chưa kịp nói lời nào chiếc xe đã nhấn kèn bin bin báo hiệu khởi hành, cô Ngân vội vã bước xuống xe chạy vòng lại cửa sổ Lan ngồi. Lan thừ người, lòng nàng như chùng xuống một cung buồn bất chợt, khi gặp lại cô giáo mà Lan quí trọng yêu thương, trong tâm tưởng Lan cô Ngân sống sung túc khá giả lắm, thế nhưng gặp cô trong tuổi xế chiều cảnh sống cơ hàn, lam lũ, Lan nghe mắt mình cay cay, nàng cởi vội chiếc nhẫn trong tay gói vào tờ giấy bạc năm ngàn, cô Ngân vừa đưa ổ bánh mì chiếc xe cũng lăn bánh, không kịp nói với nhau một lời Lan dúi nhanh tờ giấy bạc có gói chiếc nhẩn vào tay cô, nhưng cô Ngân chạy theo bên cửa xe cố trả tiền lại, chiếc xe vọt nhanh tờ giấy bạc bị bung ra và chiếc nhẫn trúng vào cánh cửa kêu cái” ten” rồi văng ra ngoài lăn vào trong bóng đêm giá lạnh…
Suốt khoảng đường còn lại Lan không sao ngủ được, không phải vì tiếc nuối chiếc nhẫn đã đánh mất, nhưng bao kỹ niệm tốt đẹp với cô Ngân cứ lần lượt quay về…
Ngày ấy Lan là thiếu niên nghèo không nhà, cả gia đình Lan bảy người sống nhờ phía sau nhà thờ. Những tháng năm đất nước mới giải phóng, cuộc sống thiếu mọi điều từ cái ăn, cái mặc. Ba Lan còng lưng kéo xe đẩy nuôi đàn con nheo nhóc, đứa nào đứa nấy ốm tong teo như chiếc que diêm. Cái mặc cảm nghèo nàn khiến Lan trở nên đứa bé nhút nhát và cô độc, mỗi lần vào lớp thiếu niên Lan luôn ngồi riêng một góc lặng lẽ không nói với ai lời nào.
Từ ngày có cô Ngân vào phụ trách lớp Lan thì mọi sự đã dần thay đổi. Một ngày rất khó quên mấy chị em Lan đang ngồi ăn cơm dưới bóng cây xoài to phía sau nhà thờ, bất ngờ cô Ngân vào thăm viếng không báo trước, Lan e ngại dấu thau cơm ra sau lưng sượng sùng:
-Con chào cô.
Cô Ngân ngồi xuống bên cạnh lũ nhóc, cô quan sát năm đứa bé, mỗi đứa một cái thau bằng nhôm to hơn cái tô một tí, một ít cơm trộn với nhiều củ khoai lang dầm nhỏ, một miếng khô đốt cháy đen. Cô Ngân rươm rướm nước mắt, lấy giọng bình tĩnh:
-Lan nè, sau nầy nướng khô cho các em, con nhớ đừng cho cháy đen sẽ có hại cho sức khỏe nhe con.
Rồi cô gắp từng miếng khô ra và cạo bớt phần khét đen. Lan thấy giọt nước đọng trên mắt cô, quay mặt đi cô chùi vội ….
Ngày chủ nhật sau đó, buổi sáng Lan dậy sớm để chuẩn bị lên nhà thờ, Lan vội vội vàng vàng mở tung cửa chạy ra sân nhưng vướng phải cái vật gì dưới chân ngã nhào, đau quá, tức giận lắm nhưng ráng bò lại mở xem cái giống gì làm cho cái đầu gối gướm máu. Một bọc khoai luộc chín, vài trái bắp, một mẫu giấy nhỏ “ăn sáng ngon miệng nhé”. Không biết người gửi, dầu vậy niềm vui làm cái đầu gối hết thấy đau, năm chị em có một buổi sáng khá hoành tráng, thế là chị em dẫn nhau lên phòng nhóm. Ba, mẹ đã xuống bến tàu kéo hàng từ 3h khuya, chỉ đến giờ nhóm mới chạy vội vã về còn ở nhà Lan phải sửa sọan cho các em. Bước vào nhà thờ Lan thấy cô Ngân đang loay hoay cắm chiếc bình hoa, nhìn thấy Lan cô gọi:
-Lan ơi, con đến giúp cô
Lan chạy lại , lấy hộ cô cây kéo, cắt hộ cô vài chiếc lá ngoài vườn để cô làm lá đệm, cho đến chiếc bình hoa trên bàn Tiệc Thánh đã hoàn tất, đẹp trang nhã với những cánh hoa, chiếc lá trong sân nhà thờ. Lan vừa giúp cô nhưng lòng cứ băn khoăn về mấy trái bắp củ khoai, Lan cũng không dám kể ra. Lại một chủ nhật nữa đến, Lan đã quên bẵng đi lần vấp té hôm trước, cũng mở tung cửa cắm đầu chạy… và…xoẹt! Lan té lăn cù, lần nầy không đau lắm. Lại một bọc gì đây? Lan lẩm bẩm và mở lia lịa. Năm gói xôi, một bọc gạo….một mẫu giấy ..Lan ngồi bệt xuống đất, Lan nghe lòng mình dâng lên một cảm giác rất lạ, nó nao nao trong lòng, nó làm cho Lan thấy cay cay ở mắt, như một câu chuyện cổ tích, cô tiên mang quà tặng đến một cách bí mật, Lan đem xôi vào chia cho các em. Bọn nhóc nhao nhao:
-Ai cho vậy chị? Lan dí dỏm:
-Sứ giả của Chúa.
Rồi Lan cũng lên nhà thờ, và cũng phụ Cô Ngân cắm hoa vẫn không nghe cô nói gì đến năm gói xôi. Nhưng từ hôm ấy Lan có một quyết định trong lòng nhất định Lan sẽ khám phá ai là “sứ giả”. Những cơn gió đông se se lạnh đã quay về, Cô Ngân viết xong một kịch bản hoạt cảnh giáng sinh. Hết giờ nhóm cô thông báo:
-Hôm nay các con nán lại chọn người diễn kịch nhe
Các bạn vỗ tay vui mừng, Mấy tên đực rựa huýt sáo khoái trá. Lòng Lan cũng xôn xao lắm, được diễn kịch ngày lễ Giáng Sinh thì còn thích nào hơn chứ, nhưng… nhìn lại mình Lan chợt thấy buồn như cung đàn bị đứt dây, thường thì những bạn xinh đẹp ăn mặt tươm tất mới được chọn vào diễn kịch, nghĩ vậy Lan lựa lúc các bạn đang lao nhao thì lẻn ra ngoài ngồi dưới một gốc cây. Trên kia bầu trời về trưa cao thăm thẳm sáng ngời nhưng sao lòng Lan nặng nề khó tả. Lá vàng rụng buồn thiu nằm lác đác, khe khẽ tiếng rên nhè nhẹ, những chiếc lá xanh vẫn vô tư reo vui theo từng cơn gió đong đưa… Chợt một bàn tay ấm ôm choàng qua vai, Lan nhận ra cô Ngân, Cô ngồi xuống bên Lan:
-Sao con ngồi đây? Cô tìm con nãy giờ.
Lan im lặng, Cô như đọc được dòng suy nghĩ của Lan, Cô nói:
-Năm nay cô có ý kiến nầy, cả lớp mình 15 bạn, ngoài Mari, Giô sép, chủ quán, chăn chiên còn lại các bạn nữ cô mời tất cả đóng vai Thiên Thần. Theo tin lành Lu ca,” bỗng chúc có muôn vàn thiên binh với thiên sứ đó ngợi khen Đức Chúa Trời”
Lan vui mừng khi nghe cô nói, song nghĩ đến mình được vào vai thiên sứ. Lan cúi đầu e ngại:
-Nhưng cô ơi…. Con đâu có đồ đẹp để hóa trang…
Cô Ngân an ủi vỗ về:
-Lan à, Con đừng mang mặc cảm như vậy mà tủi thân phận. Chúa dựng tất cả chúng ta theo ảnh tượng Ngài. Và con cũng như các bạn thôi, cũng do chính Chúa dựng nên. Cái chân giá trị con người nằm ở bên trong, là cách ăn nết ở. Chúa không chọn người nữ qua gióc tóc, đeo đồ vàng, mặc quần áo lòe loẹt. Con yên tâm cô sẽ hóa trang thiên sứ giống nhau, tất cả mặc áo lễ.
Qua mấy tuần tập dợt cùng các bạn, đoàn thiên sứ của Lan múa bài “Đêm yên lặng” thật du dương ”đêm Chúa ra đời, sao sáng trên trời…” và từng bước chân nhẹ nhàng lướt êm theo tiếng nhạc. Không gian đó, hoàn cảnh đó làm cho Lan có cảm giác bình an và gần gũi với các bạn làm sao, cái cảm giác cách biệt ngày một vơi đi..
Sau mỗi đợt dạo tới dạo lui đoạn nhạc mồ hôi thiên thần chảy đầm đìa, chân mỏi nhừ có khi cả bọn nằm ngã lăn xuống sàn nhà cười sặc sụa vì dẫm phải chân nhau. Lúc ấy Lan thấy các bạn thật đáng yêu, dành nhau chí chóe ly nước mía, trái mận, trái ổi do cô Ngân mang theo, thật thú vị và thân thương biết dường nào.
Từ những ngày hôm ấy trong trang nhật ký của Lan có đoạn ghi: “Tôi đã nhìn thấy cuộc đời nầy thật tươi đẹp cho hết thảy mọi người, trong đó có tôi. Tôi đã thấy được tình yêu thương gắn bó với các bạn của tôi… cám ơn Chúa đã mang cô Ngân đến đây giúp cho chúng con..”
Đêm Giáng Sinh huy hoàng nhất thời thiếu niên của Lan đã đến. Cô Ngân và cả bọn thiếu niên ngồi từ sáng sớm để kết sáu chiếc vòng hoa tươi trắng muốt và sáu cặp cánh bằng mủ dán lên lớp bông gòn bồng bềnh. Đến giờ diễn hoạt cảnh sáu thiên thần xinh đẹp xuất hiện với áo lễ rộng tay, thắt lưng kim tuyến óng ánh và vòng hoa cúc trắng trên đầu lung linh tuyệt vời, đôi cánh to đong đưa… Lần đầu trong đời Lan có được cảm giác hạnh phúc tuyệt vời đến vậy. Tiếng nhạc trỗi lên đoàn thiên thần bước theo tiếng nhạc du dương cả nhà thờ yên lặng bay bổng theo từng cung bậc thăng trầm. Lan cảm thấy lòng như bay cao vút lên trên trời mây, vút lên trên trời mây vời vợi…Tan lễ rồi, chia tay nhau trong tiếng cười và sự thõa lòng, Lan đi ngang bãi để xe thấy Cô Ngân tay dắt xe đạp vẫy gọi Lan:
-Lan ơi!
Lan chạy tới thấy cô đang cố sức mở cái giỏ nặng treo trên xe đạp:
-Hồi sáng gấp rút quá cô quên đem quà nầy cho con và các em.
Niềm vui trong buổi diễn lễ vẫn còn ngập tràn trong lòng nhưng khi nghe những lời nầy của cô Ngân, Lan cảm động không cầm được nước mắt, thì ra bao buổi sáng chủ nhật đã qua biết bao giỏ thức ăn, đồ dùng… cô đã đến thật sớm để trước nhà, lặng lẽ tiếp trợ cho chị em Lan, Lan đã nhiều đêm trằn trọc nghĩ ngợi… chỉ có cô là người cho Lan cảm giác yêu thương gần gũi, nhưng Lan vẫn không dám hỏi. Lan ngập ngừng:
-Cô ơi, lâu nay cô đã mang thức ăn cho bọn con hàng tuần? Cô mỉm cười:
-Có gì lớn lắm đâu mà con xúc động vậy?
-Con đã nghĩ là cô mang đến, nhưng ngại không dám hỏi. Cô Ngân khoát tay:
-Cô về nhe, chúc con Giáng Sinh phước hạnh.
-Dạ, chúc cô Giáng sinh bình an vui vẻ.
Cô đã ra khỏi cổng nhà thờ, Lan bê giỏ thúc ăn nặng chịch vào nhà, niềm vui chen lẫn lòng biết ơn, một cảm xúc đầy ấp yêu thương, cái hương vị ngọt ngào của tình yêu trong Chúa. Đêm Giáng Sinh đó, những tình cảm đó đeo đẳng theo Lan mãi nhưng không làm sao tìm lại được…
c 3
Và rồi mùa xuân năm ấy cô Ngân kết hôn, theo chồng về thành phố xa xôi.  Hai năm sau Ba của Lan lao lực quá nên bị bệnh phổi, Lan học hết cấp hai đành nghỉ học. Lan đi bán vé số phụ mẹ nuôi em. Trường học, nếp sinh hoạt của nhà thờ và chợ đời trái nhau hoàn toàn, Con bé hiền lành gặp biết bao nhiêu cảnh phũ phàng không sao nhớ hết. Nhưng có một kỷ niệm không thể nào quên. Một ngày kia như mọi ngày Lan vào quán ăn chìa xấp vé số mời khách, người phụ nữ đang cúi đầu đút cháo cho con, khi Cô ngẩng mặt lên Lan reo to:
-Cô Ngân!
Lan hổ thẹn dấu vội xấp vé số ra sau lưng. Cô Ngân gầy hơn xưa, vẻ mặt xanh xao, ánh mắt buồn xa xăm, cô kéo ghế:
-Con ngồi đi
Lan ngồi xuống đối diện cô, hai cô cháu không nói được nhiều, như có cái gì nghẹn ngào nơi cổ họng cô Ngân:
-Con học giỏi quá mà nghỉ học thật tiếc, nhưng mình cũng phải tùy hoàn cảnh mà sống…
Cô bỏ dở câu nói tay khuấy khuẩy chiếc muổng nhưng vẫn không ngăn được giọt nước mắt rơi vào tô cháo. Lại một lần nữa Lan thấy cô khóc vì Lan. Cô nói tiếp:
-Con đi bán thế nầy, khổ lắm, con gái hiền lành bị hà hiếp giựt dọc, làm sao con kham nổi. Thôi con hãy đi học may đi để có nghề nghiệp sống bình yên.
Lan về nhà vẫn nghĩ hoài về lời đề nghị của cô Ngân nhưng trong cảnh cơm không đủ no làm sao mua nổi chiếc máy may mà học nghề. Thế rồi hai tháng sau ngày găp gỡ Lan nhận được chiếc máy may từ thành phố cô Ngân gửi về kèm theo một thùng dụng cụ để học may… và cuộc đời Lan trở thành thợ may sau ngày đó mãi đến tận sau nầy và cũng không còn liên lạc được cô Ngân …
Sau chuyến xe đêm ấy, Lan về nhà và sắp xếp mọi việc. Lan bắt đầu một chuyến đi dài hạn. Lan tự hứa với lòng chỉ khi tìm được cô mới quay về. Lan tìm đến trạm xăng đã từng gặp cô, dò hỏi từng người nhưng không ai biết nơi cô ở. Giữa chợ đời cũng không có được mấy người quan tâm giúp đỡ ai, họ chỉ lo tất bật bán bán buôn buôn. Đến khi Lan thuyết phục được một bà cụ lớn tuổi bán hàng rong theo xe, khi Lan nói rõ cho bà hiểu:
-Xin bà chỉ giúp, con đã từng gặp Cô Ngân bán bánh mì tại bãi xe nầy. Con rất cần gặp cô ấy.
Bà già ra chiều suy nghĩ một chặp:
-Cô là gì của cô Ngân?
-Dạ con là học trò cũ
-Ờ, phải rồi, cô đó chuyên đi gom mấy đứa nhỏ vỉa hè để dạy đạo gì đó.
Lan mừng như bắt được vàng:
-Bà ơi, đúng rồi, bà có biết nhà cô con ở đâu không?
Bà cụ lắc đầu lia:
-Không biết nhà, lâu lâu mới thấy cô ấy đến bán, ở đây nhiều người không thích cổ, người ta còn nghi cổ dụ con nít nữa đó.
Lan vội phân bua:
-Bà ơi, hiểu lầm rồi, cô con là người dạy đạo cho trẻ em trong nhà thờ.
Bà già khoát tay ra chiều hiểu đời:
-Biết rồi, ở đời có kẻ hiền người dữ, kẻ xấu mồm xấu miệng thì việc cô Ngân làm lành giúp đỡ cưu mang trẻ em lang thang họ nói là “làm việc tào lao..” mỗi khi cô đến đây trẻ con bu theo cô, mấy đứa lem luốc dơ bẩn cô cho gói xà bông đi tắm, mấy đứa đi học cô cho tập vở. Tội nghiệp bán hàng rong không biết lời được mấy đồng bạc mà mua quà cho lũ nhỏ hoài, hết kêu đứa nầy đi học đến kêu đứa kia..
Những lời của bà lão làm Lan thấy thương Cô nhiều hơn, Cô đã sống như lời Thánh kinh dạy “ Chớ mệt nhọc về sự làm lành” thật vậy kể từ ngày biết cô Ngân Lan thấy cô luôn sống hết mình vì thiếu nhi nghèo, trong đó có Lan nữa…
Lan gọi một chiếc xe ôm tìm đến nhà thờ Tin Lành gần đó. Mục Sư quản nhiệm cho biết thỉnh thoảng cô Ngân cũng có nhóm lại nhưng cô ở đâu xa lắm và hầu việc Chúa độc lập, mỗi lần đến cô dẫn theo vài em thiếu nhi và gửi cho Hội Thánh chăm sóc.
Nhất định không bỏ cuộc, Lan thuê một phòng trọ nghỉ qua đêm và ngày hôm sau lại tìm đến những Hội Thánh gần đó. Ngồi sau lưng người lái xe ôm Lan thầm kêu cầu “Chúa ơi xin giúp con, Con tha thiết muốn gặp lại sứ giả mà Chúa đã phái đến giúp con trong những ngày con còn ngây thơ, khốn khó, Chúa đã dùng cô Ngân mở cho con một con đường có nghề nghiệp sống no ấm như ngày hôm nay, Chúa ơi, con muốn làm được một điều gì đó giống như cô đã làm, con khao khát muốn được bày tỏ tình thương như ngày nào cô Ngân đã bày tỏ với con”. Chiếc xe dừng lại mái nhà thờ thứ năm ở vùng ngoại ô ven con sông hiền lành, gió từng cơn khẽ đong đưa khóm cây lá lao xao. Chiếc cổng gỗ sơ sài, hàng dây leo trên vòm cổng lòa xòa xuống mái tóc bạc màu của vị Mục sư già ra mở cổng, Lan theo cụ vào tư thất nhỏ, một bàn gỗ cũ kỹ và vài chiếc ghế chông chênh. Khi nghe Lan trình bày mục đích tìm đến, Mục sư cười hiền hòa, tự dưng Lan có cảm giác nụ cười ấy báo một tin tức tốt lành, Mục sư hớp xong ngụm nước trà rồi từ tốn bảo:
-Cám ơn Chúa, cô đã tìm đúng chỗ rồi, Cô Ngân nhóm lại tại Hội Thánh nầy nhiều năm rồi. Và nhà cô cũng gần đây thôi.
Nói rồi Mục sư gọi một bé gái đứng thập thò ngoài sân:
-Bé My ơi, con đưa Cô nầy về nhà con nè.
Lan đứng lên theo bé My, hơi ngạc nhiên không biết bé là cháu gì của cô. Lan quan sát, con bé chừng sáu tuổi, hai cái bím bay tung tăng theo từng bước chân sáo, bộ đồ giản dị của trẻ em thôn quê, nhưng bé My có đôi mắt tròn xoe sáng long lanh, đôi mắt nhìn Lan như đang cười, Lan hỏi:
-Con là cháu của cô Ngân hả?
Con bé hơi khựng lại:
-My là con của bà con. Bà còn nhiều con lắm.
Lan thấy ngồ ngộ trong cách trả lời liếng thoắng. Dò hỏi hồi lâu Lan mới hiểu ra My là một trong những đứa bé bất hạnh bị bỏ rơi và cô Ngân đã cưu mang. Con đường quê có những dãy bờ rào bằng hoa kiểng, con bé chạy u vào chiếc cổng đầy những cánh hoa Quỳnh Anh, hơi cúi đầu tránh những chùm hoa thấp vướng trên tóc Lan ngửi được cái hương thoang thoảng ngọt ngào, hít một hơi thật sâu vào Lan thầm cảm tạ Chúa Ngài cho Lan chuyến đi nầy, thật thú vị. Bé My gọi to làm cắt ngang dòng suy nghĩ của Lan:
-Bà ơi, có khách.
Trong góc sân ngồi bên chiếc bàn con con, cô Ngân buông quyển sách xuống bàn, nhìn Lan ngơ ngác.
-Ôi, Lan, sao con tìm được đây?
Lan ôm chầm lấy cô, mừng mừng, tủi tủi….ngoài kia những cơn gió xuân đang về, mấy bụi mai vàng cũng vừa he hé nở. Vài con bướm lượn lờ chờ đợi quanh sân như muốn nói “ Tình yêu thương không hư mất bao giờ”.
C2
ANNE NGUYỄN

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn