Mỗi ngày Chúa Nhật lão vẫn đến nhà thờ. Nhà thờ nằm cách nơi lão sống chừng vài trăm mét bên một con đường vắng vẻ cách xa cái không khí ồn ào, xô bồ của phố thị bên ngoài. Lão tới dự lễ Misa. Nói tiếng là dự lễ nhưng lão không bước qua cánh cổng ngôi nhà của Chúa, lão chỉ đứng ngoài, nghiêm trang im lặng sát song sắt, nhìn vào bên trong. Lão cũng làm lễ như ai, cũng thì thầm kinh nguyện theo mọi người. Ngày nắng lão đội nón trời mưa thì có thêm cái ô. Lão như người học trò đứng bên cửa sổ chăm chú nghe bài giảng trong lớp. Không ai phạt lão nhưng lão tự phạt mình, tự đuổi mình ra khỏi ngôi trường của điều thiện. Lão chọn cho mình thân phận như vậy, một con chiên đứng xa xa nhìn đồng loại của mình tụ tập dưới ánh sáng của Người Chăn Chiên.
Lão đứng đó mãi nên cũng quen mặt giáo dân nhà thờ, ngay cả Đức Cha cũng biết lão; ban đầu cũng có vài người thấy lạ hỏi han, lão không giấu diếm gì, ai hỏi gì thì trả lời nấy nhưng cũng không chủ động chia sẻ với ai, lão kiệm lời, kiệm lời mà không hề khiến cho người khác khó chịu. Lâu dần cũng chẳng ai chú ý tới lão nữa, vài người mỉm cười khi thấy lão. Một ông già trạc năm mươi, nhưng tóc đã bạc, mỗi Chúa Nhật lại ăn mặc chỉnh tề đứng bên ngoài nhà thờ, lẩm nhẩm đọc kinh, đứng chờ đến khi tan lễ mới ra về.
Vài giáo dân nói với Đức Cha về lão, chỉ nói thầm, Đức Cha mỉm cười trả lời thong thả:
– Cứ để ông cụ đứng đó, trong ngôi nhà của Chúa tất cả đều được chào đón, Chúa luôn mở lòng với những con chiên hướng đến Người. Đôi khi con người ta phải trải qua một hành trình gian nan mới tìm thấy được Chúa. Nhưng Chúa luôn hiện ra trước kẻ cần đến Người…
Nói rồi Đức Cha mỉm cười đôn hậu. Hóa ra Đức Cha cũng đã hỏi chuyện lão vài lần, Đức Cha đã tường tận từ lâu chuyện đời của lão mà vẫn lặng thinh. Chuyện Đức Cha biết không giáo dân nào biết, chuyện về lão, cái lý do lão nguyện đứng bên ngoài nhà thờ hết Chúa Nhật này đến Chúa Nhật nọ.
Vài ngày sau vào lễ Misa, Đức Cha nhờ người mang một cái ghế ra đặt ngay chỗ lão thường đứng, hiểu ý lão cũng ngồi xuống. Hết lễ lão mang ghế vào trả lại cho nhà thờ, vừa đi vừa cuối gằm mặt xuống đất. Lão vào nhà thờ nhưng chỉ để trả một cái ghế.
Mọi chuyện cứ tự nhiên như vậy.
Từ đó lão có chỗ ngồi, người thầy nhân từ không đuổi cậu học trò học lỏm mà còn khuyến khích cậu ngồi nghe.
Hết lễ lão lại lủi thủi ra về. Lão sống trong một căn phòng trọ bé xíu, hàng xóm xung quanh hiếm khi thấy có ai vào nhà lão chơi; lão đã dọn đến đây sống khoảng năm năm trước, không ai biết lão từ đâu đến. Người ta đoán lão không có con cháu gì vì không thấy ai tới thăm, hàng xóm cũng xì xầm một thời gian rồi họ cũng mặc kệ khi thấy lão không làm phiền ai. Lão làm lao công kiêm giữ xe cho một trường trung học gần đó, bọn học sinh trong trường không mấy ai chú ý tới lão, lão lẩn khuất chìm nổi như một cái bóng mờ.
Dường như chính lão cũng cố tình làm bản thân mình trở nên mờ nhạt.
Vài giáo dân ở gần đó thỉnh thoảng vẫn chào và hỏi thăm lão khi tình cờ gặp ngoài đường. Thấy lão kính trọng Chúa nên họ cũng kính trọng lão, âu cũng là lẽ thường tình.
Những buổi chiều Chúa Nhật khi không có việc lão thường đi lang thang ngoài đường, lão đi vào công viên hay ngồi ở những trạm chờ xe buýt, đôi khi đứng lặng bên thành cầu; nhìn lão suy tư và buồn bã. Đôi khi lão nghĩ về đời mình.
Lão theo đạo từ nhỏ, đối với lão khi ấy tin Chúa là một lẽ đương nhiên. Lão tin theo cái cách giản di như con nai uống nước khi khát, tự nhiên không hề thắc mắc hay cần lý lẽ nào.
Lão cũng sống một cuộc đời từ nhiên như vậy, trẻ thì vui chơi học tập, lớn lên thì đi làm kiếm ăn, lão tận hưởng tuổi trẻ của mình một cách phóng khoáng đôi khi có phần dễ dãi. Cuộc đời lão vào giai đoạn ấy không có mấy sóng gió, nếu có cũng là chút sóng nhẹ phớt qua trước mặt. Lão đi lễ đều đặn mỗi tuần, vẫn tin Chúa; tin như con nai lửng thửng tới dòng sông tìm nước cho thỏa cơn khát.
Cái gì đầy đủ thì người ta vẫn thường hờ hững như thế, đó cũng là lẽ thường tình.
Rồi tới năm hai mươi lăm tuổi, ngôi nhà lão sống bị thiêu rụi sau một trận hỏa hoạn, cả cha mẹ và đứa em trai đều chết chỉ còn mỗi lão là sống sót. Lão hôn mê sâu trong vòng vài tháng lúc tỉnh lại thì thấy bản thân chỉ còn trơ trọi một thân một mình trên cõi đời. Kỷ vật duy nhất lão còn giữ được là cây thập giá mà mẹ vẫn đeo trên cổ, lão nâng niu nó như một vật quý.
Mất nhà lão phải dọn ra một căn phòng trọ chật hẹp, bao nhiêu tài sản đã cháy thành tro lão chỉ còn một món tiền nhỏ đủ để sống qua ngày, một công việc giản dị đủ kiếm ăn.
Mất gia đình, lão bơ vơ như con nai đi lạc, lão sống vô mục đích lang thang, vất vưởng. Mỗi ngày lão đều dành thời gian tới nhà thờ, đôi khi chẳng để làm gì. Chỉ thơ thẩn ngoài sân hay ngồi ở giáo đường, những người xứ đạo biết chuyện cũng hỏi han an ủi. Ai hỏi lão chỉ cười cười tỏ ra không có chuyện gì. Dần dần lão cũng ít lui tới nhà thờ; lão không biết trách ai, trong lòng lão u uất những nỗi niềm không thốt được thành thành lời. Bên trong lão có một vết thương và lão cứ mãi mãi chìm trong vết thương ấy mà không nhìn thấy được xung quanh.
Rồi lão không đến nhà thờ nữa, lão rời xa xứ đạo, rời xa ánh sáng của Chúa.
Hồi còn trẻ lão kiếm sống bằng nghề lái xe buýt, hết ngày này tháng nọ trên cùng một tuyến đường, công việc vừa nhàn hạ lại vừa mệt nhọc. Nhàn hạ vì suốt ngày chỉ ngồi một chỗ, mệt nhọc vì phải làm quanh năm suốt tháng không có lấy một ngày nghỉ trọn vẹn. Cuộc sống cứ vậy trôi qua, lão không có gia đình, vài cuộc tình thoáng qua rồi biến mất tăm; có lẽ người ta thấy lão một thân một mình không có tiền đồ nên chẳng dám cùng lão xây dựng gia đình. Mà cũng có lẽ chính lão cũng không muốn cuộc sống lâu dài với ai, tính lão quen cô độc; vả lại hồi ấy lão cũng chưa nghĩ nhiều tới hôn nhân.
Và lão lại càng u uất hơn nữa.
Chẳng mấy chốc mà lão đã hơn ba mươi.
Lão không cầu tiến mà chỉ muốn được yên ổn qua ngày, lão cũng quên mất đức tin của mình. Sống như vậy dễ lạc lối, con người ta cần có cả niềm tin ở cái vô hình và cái hữu hình để có thể tốt đẹp; lão chẳng có gì cả, lão trống rỗng.
Lão dần dần sa vào thói ăn chơi rượu chè, đôi khi lão lái xe trong lúc say khướt.
Đôi khi trong cơn say, một nỗi căm giận trào dâng trong lòng lão, lão cảm thấy ruột gan mình sôi lên giống như có lửa đang đốt trong đó, lý trí lão cuồng dại tìm một nơi để trút giận. Một buổi sáng tỉnh dậy lão thấy trong bàn tay nắm chặt của mình cái mặt dây chuyền của mẹ. Trong cơn say đêm qua lão đã bóp nó mạnh tới nỗi cây thập giá gãy đôi.
Lão nhìn nó trầm ngâm một lúc rồi đút vào trong túi áo. Lão không đeo nữa mà cất vào một cái hộp nhỏ đặt trong góc nhà. Một thời gian sau lão cũng quên bẵng cái hộp ấy. Dòng suối mát lạnh mà lão nương nhờ đã khô cạn. Lão đang lang thang trên hoang mạc; cơn khát vẫn chưa đến nhưng bão cát đã cuộn lên ở mãi đằng xa.
Cuộc đời con người đôi khi phải trải qua những sự kiện khủng khiếp mới có thể yên ổn, những sự kiện ấy làm thay đổi con người ta, làm họ trật khỏi con đường mình vẫn đi, bỏ họ lại một con đường xa lạ mà đôi khi vô cùng khắc nghiệt. Nhưng đôi lúc đó mới là con đường đúng và nếu không trải qua sự khắc nghiệt ấy thì chính bản thân người ấy cũng không thể hoàn thiện.
Một ngày nọ lão lái xe trong lúc say rượu và gây tai nạn, xe lão đâm thẳng vào dãy phân cách, một phần đầu xe không còn nhìn ra hình dạng gì nữa, may mà không ai bị thương nặng ngoài lão. Lão gãy hai cái xương sườn và phải nằm bệnh viện ba tháng. Ra viện lão cũng bị đuổi việc.
Lão càng phẫn uất hơn nữa.
Càng phẫn uất lão lại càng uống rồi càng uống lại càng buồn bực, lão nhanh chóng đi vào con đường của quỷ dữ.
Rồi một đêm chẳng vì lý do gì lão gây sự với một người gặp ngoài đường, lão giận dữ mà chẳng biết phải giận ai nên trút bừa lên một người xa lạ. Tội lỗi lại chồng tội lỗi. Lão dùng chai rượu đánh anh ta tét đầu, lão gào khóc những lời vô nghĩa, người dân gần đó thấy vậy xúm lại đánh lão. Lão vừa quờ quạng trong cơn say vừa chửi rủa, chẳng biết chửi ai, chẳng biết chửi cái gì nhưng cứ chửi, chửi mãi. Người ta đánh lão hộc máu mồm lão vẫn chửi, vừa chửi vừa chạy.
Chẳng hiểu sao lão lại chạy vào nhà thờ, có lẽ vì bản năng của con chiên đi hoang vẫn nhớ về nơi chốn thân thuộc của mình. Lão chạy thẳng vào đó rồi nằm vật ra sân, người ta kéo tới vây quanh lão nhưng không ai dám đánh nữa. Trong nhà của Chúa chỉ có Người mới có quyền phán xét. Linh Mục nhà thờ ra khuyên can mọi người ra về và đưa người bị thơng đi chữa chạy, đám đông tan dần. Lão được dìu vào phòng nghỉ cho khách, những vết thương được băng bó lại cẩn thân, Linh Muc đọc kinh cầu nguyện cho lão. Lão được chữa trị cả thể xác lẫn tinh thần. Đêm đó trong cơn mê sảng lão nằm mơ thấy gia đình mình, lão khóc trong giấc ngủ, khóc ướt cả gối.
Sáng hôm sau công an tới, lão trao tay vào còng một cách bình thản tựa như trút được gánh nặng trong lòng. Lão bị xử bảy năm tù, người lão đánh nghe đâu bị thương nặng. Suốt phiên tòa lão cúi gằm mặt xuống đất, không một lời biện hộ hay bào chữa cho hành vi của mình.
Thế là lão vào tù, những thứ vật chất ít ỏi lão từng có giờ mất hết; nhưng bù lại, sau cái đêm ở nhà thờ niềm tin lão lại càng vững chắc hơn. Lão vừa nhiệt thành tin vào Chúa lại vừa run sợ Người, như con chiên non trót cắn đồng loại, lão sợ bị Đấng Chăn Chiên trừng phạt. Giờ lão đã có được một đức tin vững chắc nhưng đức tin ấy lại bị sự mặc cảm và nỗi sợ làm cho không trong sạch. Lão vẫn chưa có được niềm tin vẹn toàn vào Chúa, Người vẫn đang thử thách lão.
Ra tù việc đầu tiên lão làm là tới thăm mộ gia đình, ba ngôi mộ lâu ngày không được ai ngó ngàng mọc xanh cỏ dại. Lão quỳ xuống trước mộ rồi khóc nức nở như một đứa trẻ, rồi lão chợt nhớ tới cái mặt dây chuyện mẹ để lại nhưng nó đã lạc mất từ lâu rồi, lão lại càng khóc to hơn. Lão ngồi đó tới lúc chiều muộn, bảo vệ nghĩa trang phải đuổi lão ra.
Từ đó tới giờ lão sống cuộc đời vất vưởng rày đây mai đó, lão lang thang trong thành phố kiếm sống qua ngày. Cuối cùng khi xin được một việc làm ổn định lão mới dọn tới cái phòng trọ nhỏ xíu mà giờ lão đang sống. Lão lang thang hết sáu năm sau khi ra tù, tổng cộng đã mười một năm kể từ ngày lão tự do. Tự do thân xác thôi, lão vẫn còn bị giam trong nhà ngục tinh thần.
Lão sám hối mỗi ngày, sám hối mãi mà vẫn thấy chưa đủ, chưa thấm vào đâu.
Tuổi trẻ, ham muốn, thù hận, đau đớn trong lão đã tiêu tan gần hết; chỉ còn lòng tin ở Chúa là ánh sáng và hơi ấm của lão. Trong lão không còn lửa mà cũng chẳng còn băng, chỉ còn nắng ấm.
Từ khi có chỗ ở ổn định lão cũng bắt đầu đi nhà thờ theo cái cách riêng của mình.
Ngày tháng trôi qua, không biết là bao lâu lão vẫn đứng bên ngoài nhà thờ mỗi Chúa Nhật. Một sáng nọ, hôm ấy trời u ám muốn mưa, mây xám giăng đầy trời; lễ đã tan nhưng lão vẫn còn ngần ngừ đừng bên song sắt, lòng lão vẩn vơ những ý nghĩ mông lung. Rồi tựa như có phép lạ, một đám mây dạt ra, tách cái màn u ám trên bầu trời làm hai, nắng từ bên trên soi thẳng xuống mặt đất.
Một đường nắng rực rỡ, bắt đầu từ chỗ lão đứng chạy thẳng vào bên trong nhà thờ. Và dừng lại ngay trước cổng giáo đường.
Lão dụi mắt, tay lão run run, miệng lão lắp bắp không thành lời. Lão không tin vào mắt mình, lệ lão tuôn ra nhòe quang cảnh trước mặt, lão đi vào bên trong, chân như muốn khuỵu xuống. Lão đi, mỗi bước nhẹ tênh như có cánh tay vô hình nào nâng đỡ.
Vào thánh đường lão quỳ xuống trước Chúa, vừa khóc lão vừa gọi tên Người.
Đức Cha chứng kiến từ đầu tới cuối mọi chuyện, ngài thầm cảm ơn Chúa vì đã ra dấu hiệu cho một chiên lầm lạc, nhưng vẫn tin Người, biết tìm đến nơi ánh sáng.
Chúa Nhật tuần sau lão được rửa tội và chính thức trở thành một con chiên trong bầy chiên của Chúa, được bảo hộ dưới ánh sáng của người. Hôm ấy mọi giáo dân có mặt trong giáo đường đều coi lão như một người anh em đã thất lạc từ lâu nay được tìm về. Trong bài giảng hôm ấy, được sự đồng ý của lão Đức Cha đã kể về cuộc đời của lão cho giáo dân.
Mọi người nghe một cách chăm chú, vài người rơm rớm nước mắt, chính lão cũng rơm rớm nước mắt khi nghe Đức Cha nói về mình.
Hôm ấy mọi người trong nhà thờ đều thầm cảm ơn Hồng ân của Chúa, người đã dẫn đường cho lão, đưa lão vào ngôi nhà của điều thiện.
THIÊN DU